Mùa Dông Không Tệ Lắm

Kể từ hôm đổi giờ đến nay, nhiều người trong chúng ta cảm thấy rất phấn khích bởi vì sau nhiều tháng mòn mỏi chịu đựng với mùa đông giá lạnh thì cuối cùng rồi mùa xuân cũng đã về. Chúng ta đã vượt qua được khoảng thời gian dài với thời tiết ảm đạm của mùa đông và nay phần thưởng là con đường thênh thang và huy hoàng đưa chúng ta tới mùa hè ấm áp và rực rỡ.
Ý tưởng về mùa đông là một mùa đầy những ngày lạnh giá, u ám, mà con người khó khăn lắm mới có thể vượt qua được dường như luôn hiện diện đâu đó trong văn hóa Mỹ. Người ta sống âm thầm và đếm từng ngày chờ đợi cho mùa đông qua đi. Người ta luôn có cảm giác như một người mò mẫm trong bóng tối để tìm lối đưa tới nơi có ánh sáng. Và nếu cần phải đặt tên cho cái cảm giác đó thì có lẽ không gì thích hợp hơn để gọi nó là “nỗi buồn mùa đông”. Tuy nhiên, đã có một số nhà nghiên cứu từ lâu đã đặt nghi vấn về ý tưởng trên, đưa ra câu hỏi phải chăng đó là tác động tâm lý của mùa đông và tự hỏi liệu có phải vì chúng ta nghe nói quá nhiều về sự nghiệt ngã của mùa đông đến nỗi bị nhập tâm và tin rằng đó là sự thật. Nghĩa là cứ nghe nói tới mùa đông là tự động nghĩ ngay đó là khoảng thời gian u tối, lạnh lùng.
Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng tâm lý đó là “rối loạn cảm xúc theo mùa”, và hiện tượng này phổ biến đến mức nó thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện thông thường. Nhà nghiên cứu Steve LoBello của Đại học Auburn tại Montgomery đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn quốc về hiện tượng rối loạn này – đó là hiện tượng trầm cảm hàng năm theo một chu kỳ mùa màng rõ rệt, thường xảy ra vào mùa thu và mùa đông và giảm dần vào mùa xuân và mùa hè. Cuộc khảo sát được thực hiện mỗi năm với hàng trăm ngàn người Mỹ được hỏi về sức khoẻ và cuộc sống của họ, trong đó bao gồm cả về tình trạng trầm cảm và lo lắng của các cá nhân, để xem liệu tỷ lệ trầm cảm có theo xu hướng theo mùa hay không. Các nhà nghiên cứu dự kiến ​​con số trường hợp trầm cảm sẽ tăng lên vào mùa đông và sau đó giảm dần bắt đầu từ đầu mùa xuân và tiếp tục sau đó. Có điều ngạc nhiên là khi kết quả khảo sát được công bố năm 2016 với con số trường hợp trầm cảm chỉ là một đường biểu diễn bằng phẳng trong suốt cả năm.
Hai năm sau, năm 2018, một bản phúc trình khác được công bố và cũng không tìm thấy có mối tương quan nào giữa trầm cảm nhẹ và mùa màng. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng tất cả chúng ta dễ trở nên buồn bã và chán nản hơn vào mùa đông vẫn chiếm ưu thế, và nhà nghiên cứu LoBello cho rằng quan điểm đó là do từ trong văn hóa dân gian hơn là dựa vào khoa học.
Cũng như rất nhiều cuộc nghiên cứu liên quan đến tâm lý, câu hỏi về việc mùa màng ảnh hưởng đến bộ não của chúng ta như thế nào có thể nói là một vấn đề phức tạp, và có nhiều điểm rất khác nhau. Nhiều nghiên cứu cho rằng có một số mối liên hệ giữa các mùa màng, sự tiếp xúc với ánh sáng và các triệu chứng trầm cảm đối với một số người. Một số cuộc nghiên cứu khác lại phản bác về những phát hiện nói trên, chẳng hạn như một phúc trình năm 2008 của một nhóm nhà nghiên cứu ở miền bắc Na Uy đã kết luận rằng, ngay cả trong môi trường mùa đông khắc nghiệt, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy “không có mối tương quan nào giữa các triệu chứng trầm cảm và lượng ánh sáng môi trường.” Tại Thuỵ Điển và Anh Quốc cũng thế, hệ thống y tế quốc gia của cả hai nước báo cáo cho biết bằng chứng về liệu pháp ánh sáng trong việc điều trị rối loạn trầm cảm là không có kết luận chắc chắn. Điều đó không có nghĩa là không có ai gặp phải các triệu chứng trầm cảm vào mùa đông vì thời tiết, chỉ là nếu tính trên toàn thể dân số, quan điểm cho rằng có sự liên hệ giữa mùa đông và tâm trạng buồn là điều khó xác định.
Có điều chắc chắn là tâm trạng và nhận thức bị ảnh hưởng bởi mùa màng của mỗi người thì không ai giống ai. Trên thực tế, trong khi những ngày dài hơn, ấm hơn thường được coi như một phương thuốc dân gian để giảm bớt cảm giác buồn bã, thì lại có một số người sống ở vùng khí hậu luôn có mặt trời chiếu sáng cho biết họ cảm thấy hơi khó chịu khi không có mùa đông. Như câu chuyện của cô Kate Sedrowski từng sinh ra và lớn lên ở Michigan và sau đó dọn về Los Angeles nói rằng ở vùng Nam California không có bốn mùa rõ rệt, đặc biệt là không có mùa đông, khiến cô cảm thấy có cái gì đó không đúng. Cô nhớ cái cảm giác se lạnh của mùa đông khiến cô cảm thấy tỉnh táo và có sức sống hơn, trong khi cái nóng mùa hè khiến cô uể oải giống như một con lười (sloth). Sự ngắn ngủi của những ngày mùa đông buộc cô phải tận dụng ánh sáng ban ngày để hoàn thành công việc trước khi nghỉ ngơi và ngủ đông khi trời tối.
Thậm chí có người còn nhận thấy mùa đông khiến họ làm việc với năng xuất cao hơn. Như cô Muriel Vega, sống ở Atlanta, chưa từng phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt trong đời, nhưng cô lớn lên ở một đất nước nhiệt đới, nơi luôn có nắng và thời tiết ấm áp, và giờ đây cô thấy mùa đông của miền nam nước Mỹ mát mẻ hơn và là thời điểm cô yêu thích nhất trong năm. Cô Vega thích được thoát khỏi cái nóng và những cuộc hội hè họp bạn trong mấy tháng. Đối với cô, mùa đông là khoảng thời gian rất đặc biệt để được ở trong nhà. Mùa hè thường là bận rộn với những buổi gặp gỡ bạn bè, những ngày trên bãi biển và ngoài công viên, nhưng vào mùa đông cô có thể làm những công việc khác cũng mang nhiều ý nghĩa, chẳng hạn như dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, đọc sách, dọn dẹp nhà cửa và nấu những món ăn đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian.
Câu hỏi liệu mùa đông có thực sự khiến tinh thần chúng ta uể oải hay không cũng đang thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu về não bộ. Giáo sư Timothy Brennen, dạy môn tâm lý học của Đại học Oslo, hiện đang nghiên cứu xem sự khác biệt theo mùa có tạo ra bất kỳ thay đổi nào trong các chức năng nhận thức như trí nhớ, sự chú ý hoặc tốc độ phản ứng hay không. Văn phòng nghiên cứu của ông ở Tromsø, Na Uy, nằm nhích bên trên của Vòng Bắc Cực, và mỗi năm có hai tháng mặt trời không mọc cao hơn đường chân trời, khiến thị trấn này trở thành một nơi lý tưởng cho loại nghiên cứu nói trên.
Giáo sư Brennen viết trong bản kết quả nghiên cứu rằng hầu hết các cuộc thử nghiệm cho thấy không có sự khác biệt gì về hiệu suất làm việc giữa mùa hè và mùa đông, và nếu có thì trong số đó, bốn phần năm thực sự cho thấy lợi thế của mùa đông. Giáo sư Brennen còn nói thêm, mặc dù vậy, nhiều người trong chúng ta thường cho rằng buồn ngủ hoặc thiếu năng suất làm việc của não bộ là do trầm cảm theo mùa. Thực ra điều này không đúng. Nếu như tất cả chúng ta đều cảm thấy buồn rầu chán nản trong mùa đông thì điều này sẽ có những tác động rất lớn đối với xã hội, và nó đã không xảy ra như vậy.
Giáo sư Brennen cũng nói rõ, mùa màng có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các tác động tâm lý lớn như trầm cảm và suy giảm nhận thức có thể không phải là điều mà nhiều người trong chúng ta đang phải trải qua trong mùa đông. Thức dậy vào những buổi sáng mùa đông u ám có thể khó khăn hơn so với thức dậy vào mùa hè chẳng hạn. Nhưng cảm thấy chệnh choạng khi thức dậy sau một giấc ngủ sâu cũng không có liên quan gì đến chứng trầm cảm cả. Những gì mà chúng ta có thể cảm thấy trong những trường hợp đó là do tác động của sự gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của chúng ta, hoặc do còn đang thèm muốn được nằm nán lại trên chiếc giường êm ái, ấm áp vào một buổi sáng lạnh giá vậy. Chúng ta có thể không thấy thoải mái khi nhiệt độ xuống thấp, hoặc cảm thấy bất tiện trước thời tiết nguy hiểm như bão tuyết, và thậm chí có người còn nói đùa là nếu được ngủ đông như loài gấu trong suốt cả mùa thì tốt hơn cả. Tuy nhiên, hệ thống thần kinh và cuộc sống của chúng ta không dừng lại mà vẫn tiếp tục hoạt động.
Một điều thực tế là có một số thời điểm du lịch bận rộn nhất diễn ra trong các kỳ nghỉ lễ mùa đông, và trong suốt tháng Một và tháng Hai, nhiều người đổ xô lên núi để trượt tuyết. Đúng là mùa đông có thể tăm tối và việc đi lại có thể gặp một vài khó khăn, nhưng đối với phần đông chúng ta, mùa này cũng không có bất cứ điều gì nghiêm trọng đáng phải phàn nàn quá mức như thường thấy. Tất cả chỉ là do tâm lý hoặc do từ một quan niệm cũ. Mùa đông có cái thú của nó nếu chúng ta biết tận hưởng.
Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email