Mua nhà ra riêng

Đức ở cùng với đại gia đình ở khu Tân Định, quận 1. Đây là ngôi nhà thừa tự, mọi người cứ ở hoài thì được nhưng bán thì rất phiền phức vì phải chia cho nhiều người của nhiều đời, nhiều nhánh, nhiều ý kiến.

Vả ở thì mỗi người một xó cũng ráng xong nhưng chia ra thì tiền manh mún làm sao mua nổi gian nhà. Anh chị em cứ chen chúc như thế tới khi lập gia đình, hộ một con, hộ hai con… dân số gia tăng dần. Mọi người hùn nhau phóng cái nền hai mươi mốt mét vuông đó lên thành cái tháp ba tầng, mỗi gia đình một tầng, bà mẹ trấn tầng trệt vừa coi xe, vừa đón khách, vừa gác cổng đóng cửa, mở cửa… Đến phiên Đức lấy vợ thì thật nan giải. Tầng trệt của tất cả nhà thành phố bây giờ là nơi để xe: Bao nhiêu người lớn là bấy nhiêu xe gắn máy, bao nhiêu con nít là bấy nhiêu xe đạp. Lúc Đức còn độc thân ở với mẹ ở tầng trệt. Nay ngăn tấm màn cho cặp vợ chồng mới cưới.

Cái giang sơn như vỏ hến rộng vừa vặn một cái giường và một cái tủ ấy không thể tiếp tục khi Đức có con nên cả hai vợ chồng bàn nhau ra riêng. Trong gia đình, Đức học hành đến nơi đến chốn nhất, ra trường tìm ngay việc ở một công ty xuất khẩu, vợ làm nhân viên. Lương của hai vợ chồng khoảng gần sáu mươi triệu đồng. Thời buổi mất giá ai cũng là tỉ phú thì số lương của gia đình có con nhỏ này cũng không dư dả gì. Tiền sữa, tiền bỉm, tiền thuê người trông con, thuốc men… Hai vợ chồng cố để dành mỗi tháng ba chục triệu để dành tiền mua nhà.

Đức nghĩ tới nhà đất mà thở dài. Bất động sản dù có lên cơn sốt hay không, cứ để dành được bảy thì nhà giá mười, để dành tới mười thì nhà nhảy lên mười lăm. Ai cũng bảo giá tăng do cung không đủ cầu. Người thì tăng nhưng đất thì không. Tòa chung cư phóng lên mấy chục tầng vẫn không sợ ế khách.

Vì vậy mặc dù nạn dịch Covid-19 đe dọa, giá nhà đất vẫn cao, thật sự có giảm chút ít chẳng đáng là bao. Cỡ 4,2 tỉ giảm còn 4,1…

Người ta không trữ vàng hay dollar mà nhất định đầu tư vào nhà đất. Phong trào đầu tư địa ốc bắt đầu từ lúc thị trường chứng khoán VN nổi lên.

Từ khoảng cuối năm 2007, đầu năm 2008, giá chúng cư tăng khủng hoảng, không phải tăng từng ngày mà tăng từng giờ, ba tháng đầu năm tăng trung bình 300%, thậm chí có nơi tăng đến 500%. thiên hạ nườm nượp ghi tên mua. Cùng một loại chúng cư nhưng giữa hai đợt bán hàng, giá đã tăng hơn 1.200 USD/m2. Vì thế mỗi lần có thông báo bán nhà chúng cư, người ta tranh giành giống như cảnh mua vé tàu dịp Tết, chen lấn, cãi cọ, sao giật cho bằng được một căn. Thành thử mới có cảnh xếp hàng từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau giày xéo, dẫm đạp lên nhau để được đóng vài ngàn đô gọi là tiền ký quỹ “thành ý”. Tức là ý thành thật muốn mua chứ không phải hỏi han, dọ giá rồi bỏ.

Căn hộ đó đâu có nhìn thấy, bởi chỉ mua bán qua giấy tờ, mà cũng đâu cần nhìn thấy làm chi, chỉ cần trao tay nhượng lại là lời chắc.

Dĩ nhiên đi cùng với nhà là đất cũng hối hả tăng giá kẻo không kịp với người ta.

Sau thời gian chơi chứng khoán, những tay trúng đầu tiên chẳng biết làm gì với số lãi ập tới dễ dàng và mau chóng như từ trên trời rớt xuống, bèn đổ xô đi mua bất động sản. Mọi người thi nhau ném tiền vào lãnh vực nhà đất y như ném vào chứng khoán thời cực thịnh, cứ mua, rồi sang tay cấp kỳ ngay bảo đảm vẫn lãi. Ngồi đâu cũng nghe ai nấy hăng say bàn chuyện mua nhà, mua đất, mua căn hộ… Nhà kiểu nào cũng mua, đất loại nào cũng tậu, chuộng nhất là căn nhà ở các khu chúng cư cao cấp. Nhu cầu cao như thế, cung theo không kịp nên nhà không kịp ở mà chỉ vội sang tay lấy lãi nóng ngay. Đến nỗi bà chị họ ở ngoại quốc cũng kêu điện thoại về nhờ Đức kiếm coi có miếng đất to nhỏ nào nằm xa gần đâu đó mua dùm để dành.

Trong cơn sốt sôi sùng sục như vậy, giá địa ốc cũng giống giá chứng khoán phong trào trước đó, do các nhà đầu tư lao vào như thiêu thân đã tạo nên giá trị ảo cao hơn giá trị thật rất nhiều bất chấp sự rủi ro.

Ngoài nhà và đất nằm chình ình ngay trước mắt thì còn nhà và đất “dự án” tức là dù nhà chưa xây còn nằm trên bản vẽ, đất còn nằm trên giấy nhưng vẫn rủ nhau tăng giá như trong cơn điên. Các khu đất ở Thủ Dầu Một, Bến Cát (Bình Dương), Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai)… giá tăng chóng mặt vì nằm lân cận thành phố. Viễn ảnh cầu Cát Lái nối liền Sài gòn với Đồng Nai, sân bay Long Thành; ba quận 2, 9, Thủ Đức gom lại thành phố phía Đông…

Đặng Tiến Trường 27 tuổi lập hàng loạt dự án King Home ở quận 9, quận 12, huyện Long Thành là dự án ma. Bán một miếng đất từ 600 triệu đến 2,35 tỷ. Chiếm 21,6 tỷ xong biến mất cắt điện thoại

Công ty địa ốc Alibaba lừa bán đất nền trái phép ở huyện Long Thành cho vài ngàn người.

Các chủ đầu tư nhìn thấy món hời nên từ đó mạnh ai nấy đua nhau xây, chúng cư chọc trời mọc lên như nấm. Tòa nhà chưa thấy đâu, mới nằm trên bản vẽ mang ra quảng cáo nhưng khách hàng đã ghi tên đóng tiền thành nhiều đợt. Chủ đầu tư chẳng cần vốn mà dùng ngay tiền của khách hàng để xây nhà.

Năm 2019, giá nhà chúng cư ở SG tăng 15-20%. Có dự án nhà ở tại quận 9 giá bán nhà chúng cư tăng đến 39% so với năm 2018.

Những người muốn mua nhà thật sự đành bó tay, trong đó có Đức. Khi tài khoản trong ngân hàng đã có gần một tỷ, ngắm nghía họ hàng trong nước, ngoài nước cũng có đôi ba người máu mặt có thể vay mượn, Đức bắt đầu để ý đi tìm nhà.

Vợ Đức ngồi mơ mộng mua căn nhà có phòng khách, nhà bếp và ba phòng ngủ dành cho vợ chồng, con trai và nội ngoại khách khứa đến thăm có chỗ nằm, sân trước nho nhỏ dựng tạm xe, sân thượng trồng rau thủy canh…

Giá địa ốc tại các quận trung tâm thành phố rất đắt. Nhiều căn nhà cấp 4 đã xây cách đây mấy chục năm, nay đến lúc rệu rã, chủ nhà không có tiền xây lại, đành phải bán đi, rồi mua lại căn khang trang xa hơn ở các quận ven nội thành.

Có thời gian, việc mua bán nhà được tính bằng vàng, giá vàng lên xuống thất thường quá nên nay được tính bằng tiền.

Ở quận 1, căn nhà nát hơn hai mươi bốn mét vuông trong hẻm nhỏ, tường gạch, gác gỗ, mái tôn, thường được gọi là mua “nền” vì mua xong buộc phải xây nhà, cách đây bốn năm giá được rao giá 3 tỷ thì nay chắc giá 4 tỷ. Còn căn nhà lầu mặt tiền mới năm ngoái mua 10 tỷ thì nay đăng báo bán 12 tỷ…

Giá nhà ở quận trung tâm nóng bỏng nên lác đác những căn nhà đóng cửa “bỏ hoang” do chủ nhà thừa tiền mua nhà… bỏ đó!!!

Bà Cúc khoe nhận chìa khóa trao tay căn hộ chung cư 5 tỷ, nếu bán liền lời gần 1 tỷ nhưng thôi cho ngoại kiều mướn một tháng lấy 4.000 USD thôi. Riêng vụ cho thuê, lúc rày bị Covid nên ế ẩm, giá thuê thụt xuống mà vẫn khó kiếm được khách. Còn anh Sinh, chủ tịch Công đoàn một xí nghiệp ở Đồng Nai khiêm tốn cho biết anh chỉ có ba mươi hecta đất rải rác từ Biên Hòa tới Phan Thiết, chỉ có năm chục gian phòng cho công nhân thuê và chỉ có một cây xăng kèm cửa hàng tiện lợi rộng cỡ mười ngàn mét vuông…

Khiếp quá, đi đâu cũng thấy thiên hạ thủ thân vài căn nhà, vài lô đất. Tiền, vàng còn ngại lên xuống chứ giá trị của bất động sản chỉ có tăng lên. Ước tính mỗi năm, trung bình Sài Gòn tăng hơn 300.000 người.

Nhất là với tình hình trái đất nóng dần lên, năm chục năm phù du nữa, đồng bằng miền Tây chìm xuống dưới mực nước biển. Khi ấy giá đất còn lên tới chừng nào không thể tưởng tượng được. Mình mua từ bây giờ để dành tới lúc ấy, con cháu tha hồ… hốt bạc!

Các quận ven trước đây giá tương đối mềm do bị coi là quận nghèo, vào nội thành phải đi đường vòng nay có các cây cầu Nguyễn Văn Cừ, Calmette, Kênh Tẻ, Thủ Thiêm… nối vào nội thành nên giá cả cũng vội vàng tăng kịp với anh em.

Nhà đắt quá, toàn bạc tỷ, Đức đành ngóng qua những chúng cư cũ kỹ. Nói rẻ nhưng cũng toàn bạc tỷ, với lại những chúng cư quá cũ kỹ xây từ trước năm 75 không biết ở năm một, năm hai giải tỏa lúc nào. Khi đó lại bơ vơ giữa chốn chợ đời. Cuộc đời chỉ mua nhà một lần đã đủ bạc đầu, chứ lo mua nhà vài lần chắc chết sớm!

Đi xem gần trăm căn nhà từ quận 1 đến quận Tân Phú, vài chục căn nhà chúng cư từ quận 3 đến quận Bình Tân, hai vợ chồng ngồi bàn bạc với nhau. Mua nhà ở quận nội thành thì không thể với tới, mua nhà phân lô bán nền ở những khu dân cư mới mở thuộc huyện Bình Chánh, Nhà Bè… thì sợ kém an ninh. Nhà xây kiểu mới, đẹp đẽ, vệ sinh thật nhưng vắng vẻ quá, chung quanh cỏ mọc lô xô không chợ búa hàng quán, nhà nào nhà nấy đóng cửa kín mít, lỡ trộm có vào cứa cổ mấy ngày hàng xóm không ai hay; ngay ở khu Phú Mỹ Hưng dành cho nhà giàu, đêm tối xuống phố trở về chỉ có ngồi xe hơi mới an tâm chứ xe buýt nghỉ sớm, xe gắn máy tốt hơn hết… đừng đi.

Không như mỗi khu chúng cư trước kia đều có trường trung học, tiểu học công lập xây kèm. Chung cư sau này, nhà thầu chỉ bán nhà kiếm lời, trường tư nhân hoặc giá quá cao, con cái mang hộ khẩu quận ngoại thành làm sao được vào học trường chuyên, trường kiểu mẫu, trường chất luợng cao… ở quận 1. Rồi khi trong nhà ốm đau, trái gió trở trời, cần người coi nhà, cần gửi con, cần nhờ vả nội ngoại hai bên thì… sao đây. Xa bà nội, bà ngoại quá… Rồi… Rồi…, bao nhiêu lý do chính đáng đưa ra. Kết luận, vì “tương lai học hành của con em chúng ta”, vì “khả năng kinh tế chưa cho phép” nên hai vợ chồng Đức vẫn tiếp tục tục trụ lại trong cái manh chiếu ở quận 1. Chờ đến khi nào được duyệt mua nhà chúng cư dành cho người có thu nhập thấp hoặc… trúng số độc đắc!

SGCN

 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email