Trước đây người ta vẫn nghĩ rằng lý do duy nhất khiến họ không thể tiêu xài được là khi không có tiền trong túi. Nhưng nay hoá ra còn có thêm con vi khuẩn corona cũng đang làm cản trở đến các hoạt động chi tiêu, mua sắm của người Mỹ trong mùa lễ này, gây thêm nhiều thử thách cho một nền kinh tế chủ yếu dựa vào mức độ sẵn sàng tiêu dùng của người dân.
Các gia đình người Mỹ nói riêng, và tại những nơi có những sinh hoạt văn hoá tương tự, như Canada chẳng hạn, trong năm 2020 đã phải đối mặt với viễn cảnh khá buồn tẻ: lễ ma quỷ Halloween không có trẻ em đi xin kẹo, Lễ Tạ ơn không có sum họp gia đình, Thứ Sáu Đen không có đám đông mua sắm và Tháng 12 không có tiệc tùng và những món quà trao tay nhau.
Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, công việc buôn bán trong mùa lễ – thường kéo dài trong hai tháng 11 và 12 cuối năm – đóng góp khoảng 20% trong tổng số hàng bán ra ở Mỹ mỗi năm. Trong một năm bình thường, con số chi tiêu tại các cửa hàng bán lẻ chiếm 25% trong tổng số chi tiêu của người tiêu thụ.
Một số kinh tế gia tiên đoán mức mua sắm trong mùa lễ năm nay sẽ không tăng so với năm 2019. Trên thực tế, mức chi tiêu của người dân Mỹ trong dịp cuối tuần của ngày Thứ Sáu Đen vừa qua đã giảm sụt 14% so với cùng thời gian năm ngoái. Nhưng ngược lại thì hoạt động mua sắm trên mạng lại tăng khoảng 20%. Chiều hướng này cho thấy thói quen mua sắm của người dân vẫn đang tiếp tục thay đổi từ mấy năm qua, và nay với sự xuất hiện của con vi khuẩn corona lại càng khiến cho nhiều người muốn tránh mua sắm tại các cửa hàng truyền thống vi lo ngại cho vấn đề an toàn sức khoẻ.
Trong suốt thời gian kể từ khi đại dịch bắt đầu, người ta đã chứng kiến một hiện tượng khá lạ lùng: nhiều hệ thống bán lẻ đã phải lao đao vì nỗi khó khăn kinh tế trong khi một số khác thì công việc kinh doanh lên như diều gặp gió. Lệnh đóng cửa hàng loạt vào mùa xuân để ngăn chặn con vi khuẩn đã đưa đến các vụ phá sản của một số hệ thống bán lẻ tiếng tăm lâu đời và hàng nghìn cửa tiệm bị buộc phải đóng cửa. Trong khi những công ty khổng lồ như Amazon và Walmart thì lại ngày càng trở nên mạnh hơn và lợi nhuận cũng tăng cao hơn nhờ các hoạt động kinh doanh qua hệ thống trực tuyến của họ và khả năng có thể cung cấp mọi thứ, từ thực phẩm đến các đồ điện tử, mà mọi người cần khi đang mắc kẹt ở nhà.
Nay, tất cả các cửa hàng bán lẻ đang bước vào khoảng thời gian quan trọng nhất trong năm – mùa mua sắm ngày lễ mà từ lâu thường được bắt đầu từ khởi điểm của ngày Thứ Sáu Đen.
Theo truyền thống, ngày này thường được biết tới là ngày có nhiều món hàng đại hạ giá và người đi mua sắm bắt đầu từ sáng sớm, đôi khi từ đêm hôm trước sau khi ăn xong bữa tiệc gia đình. Năm nay, nhiều món hàng đại hạ giá đó đã được bắt đầu quảng cáo rất sớm từ Tháng 10 và được bán trên các cửa hàng trực tuyến, điều này phản ánh cho thấy những thử thách mà các cửa hàng truyền thống đang phải đối mặt trong thời đại dịch cũng như sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu thụ.
Tại cửa hàng Macy’s chính ở Manhattan, cảnh người đi mua sắm trong ngày Thứ Sáu Đen năm nay không còn đông đúc tấp nập như những năm trước nữa.
Mặc dù cửa hàng nổi tiếng tại khu Công trường Herald này vẫn trang hoàng lộng lẫy, rực rỡ với đèn Giáng sinh và màn ảnh video vĩ đại bên ngoài, và bên trong các cửa sổ được trưng bày các món đồ chơi đủ màu sắc, đèn lấp lánh và ảnh chụp của những địa điểm nổi tiếng của thành phố New York. Nhưng nếu chú ý thêm một chút thì thấy trên lối đi trong và ngoài tiệm có gắn những miếng dán in hình hai chú nai tuần lộc nhắc nhở khách hàng giữ khoảng cách an toàn trong khi ngắm đồ trưng bày.
Trước Lễ Tạ ơn, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) đưa ra một danh sách bao gồm những sinh hoạt có rủi ro cao làm lây lan dịch bệnh, trong đó có “đi mua sắm tại các cửa tiệm đông người trước, đúng, hoặc sau thời điểm Lễ Tạ ơn.”
Trung tâm CDC còn lưu ý người dân về việc mua sắm trong bản hướng dẫn của họ cho mùa lễ cuối năm, và khuyên nên mua sắm trực tuyến thay vì đến mua trực tiếp tại cửa tiệm vì được cho là sinh hoạt có rủi ro thấp hơn.
Việc khuyến khích mua sắm trên mạng và tránh các cửa hàng đông đúc cũng phù hợp với kế hoạch của các cửa tiệm bán lẻ trong một năm bất thường như năm nay, trong khi họ còn phải tuân thủ quy định hạn chế số khách hàng vào trong tiệm cùng một lúc. Do tình hình đại dịch vẫn chưa suy giảm, hầu hết các hệ thống cửa hàng lớn đã đóng cửa trong ngày Lễ Tạ ơn năm nay sau nhiều năm đua nhau mở cửa trong ngày lễ để cạnh tranh và lôi kéo khách hàng.
Theo số liệu của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, khoảng 59% khách hàng đã bắt đầu mua sắm cho mùa lễ từ đầu Tháng 11, và phần đông là mua sắm qua mạng trực tuyến. Số hàng bán ra của ngành thương mại điện tử dự trù tăng trưởng khoảng 30% so với mùa lễ năm ngoái.
Ngành bán lẻ đang có những thay đổi nhanh chóng để đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trong mùa lễ năm nay, biến những cửa hàng truyền thống thành những trung tâm nhận đơn đặt hàng qua trực tuyến, xây thêm kho chứa hàng, mướn hàng trăm ngàn nhân viên mới cho các công việc liên quan đến lãnh vực thương mại điện tử.
Hồi đầu Tháng 10, hai cửa tiệm Macy’s tại Delaware và Colorado đã đóng cửa và chuyển sang thành trung tâm nhận đơn đặt hàng qua trực tuyến và gửi hàng đi thay vì là nơi cho khách hàng đến ngắm và mua sắm như trước đây.
Hiện tượng khách hàng thay đổi thói quen mua sắm qua mạng trực tuyến đã bắt đầu xảy ra khá lâu trước khi có đại dịch. Nhưng tình trạng sụt giảm của nhiều cửa tiệm truyền thống và cùng lúc là sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử trong nhiều tháng qua kể từ khi đại dịch bắt đầu báo hiệu cho thấy tương lai của sự phát triển ngành kinh doanh bán lẻ này. Trong tương lai, năm 2020 sẽ được coi là thời điểm chuyển hướng quan trọng trong thói quen mua sắm của người tiêu thụ cũng như mô hình kinh doanh mới của ngành bán lẻ.
Ít ngày trước Lễ Tạ ơn, Walmart, công ty bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, cho biết số hàng bán thuộc ngành thương mại điện tử của họ tăng 79% trong tam cá nguyệt thứ ba, trong khi đối thủ của họ là công ty Target cho biết công việc kinh doanh thương mại điện tử của họ cũng đã tăng 156%. Số hàng bán của Amazon cũng tăng 37% và lợi nhuận tăng gần 200% cũng trong tam cá nguyệt thứ ba.
Nhiều giám đốc điều hành của ngành bán lẻ đã phải thừa nhận rằng sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong lãnh vực thương mại điện tử không chỉ do các đợt đóng cửa trong thời đại dịch, mà còn là kết quả của sự thay đổi vĩnh viễn trong thói quen mua sắm của người tiêu thụ.
Trung tâm mua sắm Arden Fair Mall ở Sacramento đã chuần bị từ lâu và trang hoàng lộng lẫy cho mùa lễ Giáng sinh với một cây thông cao chót vót, lấp lánh đèn để chào đón dòng người mua sắm – nhưng cho đến hôm Thứ Sáu Đen vẫn chỉ có rất ít người qua lại.
Một vài cặp vợ chồng, một vài gia đình và một vài nhóm bạn trên tay xách những giỏ hàng trong đó có giày dép, quần áo và đồ trang điểm. Tuy nhiên, với một bầu không khí gần như tĩnh lặng hoàn toàn trái ngược với cảnh những đám đông ồn ào tấp nập của những năm trước đây.
Một vài hàng người đứng chờ ở bên ngoài các cửa tiệm như Victoria’s Secret và Apple, là vì các cửa tiệm này bị bắt buộc phải giới hạn số lượng người mua sắm ở bên trong cùng một lúc. Trong khi đó khu ẩm thực gần như vắng bóng người. Thậm chí ông già Noel ở trung tâm mua sắm cũng phải tuân thủ quy định giữ khoảng cách xã hội, chỉ được đứng vẫy tay, cười và chụp ảnh với các trẻ em từ một khoảng cách ít nhất là hai mét.
Một số khách hàng cho biết họ có hơi do dự trong quyết định là có nên đi mua sắm trong ngày Thứ Sáu Đen hay không vì lo không biết tại những khu thương mại có đủ không gian để có thể giữ khoảng cách an toàn giữa người này với người kia. Một số khác thì cho biết họ rất ngạc nhiên vì bầu không khí tại nhiều khu thương mại rất thoải mái vì có ít người tới.
Điều mà nhiều người hiện đang lo ngại là sự an toàn của các nhân viên bán lẻ trong mùa lễ trong khi những đợt nhiễm bệnh mới đang gia tăng mạnh khắp nơi.
Lo thì lo nhưng những nhân viên này vẫn phải đi làm mà lương bổng của họ thì không thấy tăng và tiền thưởng thì không biết có được hay không để bù đắp lại cho những rủi ro mà họ phải đương đầu mỗi ngày vì công việc tiếp xúc với khách hàng. Thế nên, người mua sắm như chúng ta nếu có thể được thì ráng tránh đừng gây thêm phiền phức hay khó khăn cho họ, coi như một cử chỉ tôn trọng và biết ơn họ. Không có những nhân viên này thì công việc mua sắm cho mùa lễ của chúng ta, dù là tại cửa hàng truyền thống hay qua mạng trực tuyến, sẽ không thể nào thực hiện được, và như vậy thì không khí của mùa lễ cuối năm trong thời đại dịch sẽ còn thảm não hơn nữa.
Huy Lâm