MƯA TO LÀ NGẬP

Saigon đã vào mùa mưa. Giữa mùa nên đã có nhiều trận mưa to và một cơn bão.
Hễ nói tới mua là có ngập nước. Đơn giản cứ mưa to là ngập thôi.
Saigon chợt mưa chợt nắng, mới mưa đó rồi tạnh ngay nhưng khổ nỗi, mưa đã tạnh mà nước không chịu rút. Hầu hết những lối thoát nước đều bị bít kín. Các ao rau muống ở quận Tư, quận Tám đều bị san kín xây nhà. Một số kênh rạch bị lấp để đặt cống hộp. Đất chỉ có bao nhiêu đó nhưng người ngày càng đông nên nguyên vùng trũng phía Nam để thoát nước ra biển đã biến thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Ngay trong khu trung tâm thành phố, các công viên bị xén xây nhà hàng, sân khấu ca nhạc, các lối đi trong công viên đều được tráng nhựa phẳng phiu, chẳng còn chừa ra chút xíu nào cho nước thấm xuống tầng nước ngầm hoặc chảy ra sông rạch. Bị bức bách như thế hỏi sao thành phố không ngập mới là lạ.
Năm giờ chiều, Khải đi học thêm môn kỹ thuật, trời đã tối sầm lất phất mưa. Ngồi học trong phòng máy lạnh kín mít nên không biết ngoài trời mưa gió thế nào. Lúc này VN “tân tiến” thể hiện ở chỗ đi đâu cũng có máy lạnh cho dù mùa mưa thời tiết mát mẻ và cuối năm, hết mùa mưa, gió Đông Bắc hơi lành lạnh, thật sự nóng nhất chỉ khoảng hai tháng cuối mùa khô.. Nhiều người nhận xét một mặt nhà nước kêu tiết kiệm, một mặt lại xài sang quá thể.


Bảy giờ tối tan học, Khải ra khỏi lớp mới hay các hành lang lố nhố đầy người đứng nhìn mưa. Lớp học trước ba giờ tan vào lúc năm giờ, nhiều người ngại mưa ướt đứng nán xem chừng ngớt rồi về, không ngờ mưa dai đến khi lớp học năm đến bảy giờ tan ra, cả trăm người chen chúc đứng nhìn mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…
Sở dĩ ít ai dám đội mưa to đi về vì ngại sét đánh, cây gẫy đổ, tét nhánh… . Cứ sau cơn mưa bão, mặc dù Công ty Công viên và Cây xanh thường mé nhánh nhưng thế nào cũng có nhiều cành cây gẫy nằm ngổn ngang các con đường. Cho nên cứ đội mưa đi rất dễ bị cành cây rơi trúng. Ngoài cành cây lại còn dây điện treo như la võng khắp nơi sẵn sàng gió thổi đứt dây rớt xuống đầu thành tai bay vạ gió.
Một người đàn ông vừa vào bệnh viện thăm con gái, đi xe gắn máy trên đường về chỉ còn cách nhà 200m thì bất ngờ bị một cành cây nứt toạc đổ vào dây điện rồi đổ ra đường, đè lên người tử vong. Lại một nhánh cây rớt xuống đầu hai thanh niên khiến cả hai bị thương…
Nguy hiểm nhất khi dây điện rớt xuống nước khiến ai nấy hốt hoảng tháo chạy, một cô gái 22 tuổi chết thảm vì té xuống dòng nước dẫn điện…


Hẳn nhiên trời mưa phải trú, mưa nặng gió bạt vũ bão. Thế nhưng khi mưa đã ngớt dần, lốc gió qua cơn thịnh nộ chỉ còn rả rích lai rai sợi dài sợi vắn mà mọi người vẫn chôn chân đứng nhìn trời nhìn đất.
Đó là vì tuy mưa bớt nhưng nước đã dâng lên thì lại chẳng thèm rút. Mặt đường thành phố thường cao ở giữa tim đường và dốc xuống hai bên để dẫn nước thoát vào miệng cống. Tuy dốc như vậy nhưng thường sẽ một bên đường dốc nhiều hơn bên kia. Ở đây cũng thế, mép đường trước cổng trường thấp hơn bên kia khá nhiều, sau khi lên vỉa hè lối vào cổng trường dốc thẳng lên một độ cao kha khá, đủ để sân trường không bị ngập. Vì thế học viên có thể đứng ở hành lang nhìn ra ngoài đường.
Vì mép đường trước cổng trường thấp nên nước ở đây ngập tràn lên qua khỏi yên xe, giữa đường ngập tới nửa bánh xe và bên kia đường ngập tới hai phần ba xe. Tại nước sâu như vậy nên đâu có ai dám dắt xe vượt qua cái ải Thủy Tinh này. Vì thế học viên của hai buổi học dồn lại cứ tiếp tục ngắm cảnh mãi. Chỉ có xe buýt, xe tải, ô tô nối đuôi nhau chạy giữa tim đường. Một đợt xe chạy qua làm bung tóe nước chung quanh tạo những đợt sóng tràn lên, liếm vỗ vào bờ sân trường, rồi lại rút xuống khi xe đi khỏi.
Nước ngập tới bụng người lớn nên con nít túa nhau ra tắm mưa, bơi lội vẫy vùng và lũ choai choai tha hồ chơi ném banh la hét chí chóe. Muốn sâu thì tới mép đường, cạn một chút thì ra chính giữa đâu có sợ xe đụng.
Miêu tả con đường như một dòng sông nhộn nhịp, sóng vỗ biển xa… xem chừng quá đỗi thơ mộng nhưng thực tế, nước chảy xoáy mạnh, và không phải nước sông hay nước biển trong veo xanh biếc, mà là nước cống hôi hám, nổi lềnh bềnh dép lào, chai nhựa, lon nước ngọt, bịch nylon… Chỗ nào không xoáy có nghĩa cống nghẹt, nước không thoát được cứ thong dong ngưng tại đó.
Nước ngập và cuộn xiết, xe đạp chạy khó khăn, mọi người thường tháo dép bỏ vào giỏ xe vì nước chảy mạnh rất dễ cuốn dép trôi phăng đi, dép tuột là kể như mất vì nước cuốn ào ào rất nhanh. Riêng xe đạp điện là thua. Từ khi xăng tăng giá, xe đạp điện trở nên hút hàng. Nhưng chỉ khi trời mưa, xe đạp điện, đa số nhập cảng từ Trung quốc, mới bộc lộ nhược điểm là bo mạch đặt ngay duới sàn để chân nên đến chỗ ngập vừa thôi cũng đã gặp trục trặc. Một số người thông thạo, tháo bình sạc ra bỏ vào túi xách, đợi qua chỗ ngập lại lắp vào. Cô nào không biết cách tháo bình đành đứng hàng hiên trú mưa hoặc chịu ướt, sau đó dắt xe ná thở vì xe đạp điện dắt bộ cũng rất nặng, rất khó dắt. Tội nhất là những xe máy chở em bé, chở hàng hóa cồng kềnh phía sau, phụ nữ yếu tay lái… bị sóng đánh ngã xe chúi dụi… Ráng dắt xe tới tiệm sửa xe để chùi bugi…
Vỉa hè khá cao và những căn nhà mới xây thường làm bậc cửa tôn nền nhà càng cao nghễu nghện. Cứ đi đâu nhìn thấy cả dãy nhà nền cao, bậc tam cấp không tuân thủ ba bậc Sinh Lão Bệnh ngăn ngắn mà cao tới bốn, năm bậc là biết ngay ở đó thường ngập nước.
Tuy nhiên do tình hình năm sau so với năm trước, bao giờ nước cũng ngập nhiều nơi hơn và ngập cao hơn nên dù nền khá cao, nhiều nhà vẫn bị nước lênh láng tràn vào. Chủ nhà lúi húi dùng những tấm ván, mi ca hay bao cát chặn bực cửa, nhét chặt nùi giẻ chung quanh có thể chặn phần nào nước len vào. Vài nhà nước qua khỏi cổ chân bắt đầu thu dọn đồ đạc giày dép, xoong nồi… Các thứ nằm trên đất và gần mặt đất đều được chất đống lên bàn ghế. Sau đó, chủ nhân ngồi bó gối, cũng giống như đám học viên bên kia đường, đưa mắt nhìn trời chờ đợi, đâu có lòng dạ nào làm việc gì khác vì xao nhãng một chút nước lũ ùa vào nhà như chơi. Nhà nào chưa xây sửa, nước ngập bì bõm, chủ nhà xắn quần chạy lụt đủ thứ đồ lắt nhắt bưng lên giường, bàn ghế, chút nữa nước cạn, cọ rửa nhà xong lại hạ từng món xuống.
Đám học viên vẫn lúc nhúc dưới hàng hiên. Lâu quá thể, mấy tiếng đồng hồ trôi qua. Giải trí bằng cách lâu lâu thò chân xuống khoắng nước. Xe vẫn còn trong bãi nên đâu có xách cái mạng không đi bộ về được. Thế nên có anh chịu ướt lội ra ngoài đầu cổng đi mua thuốc lá hoặc bịch snack để nhâm nhi tiêu thời gian.


Vài người hết kiên nhẫn đành xắn quần, lội ra bãi lấy xe. Hai anh to cao giúp khiêng bổng một chiếc xe đạp điện của cô hot girl qua chỗ ngập nặng. Nếu xe vọt qua được chỗ ngập sâu đến được tim đường là coi như thoát. Xe tay ga trổ tài xiếc phóng vèo qua chỗ ngập sâu. Khán giả đứng vỗ tay reo hò khích lệ mỗi khi một chiếc rồ ga quyết tâm xuất phát. Chỉ có một chiếc may mắn bay véo một phát như mũi tên sang tuốt bờ bên kia như xe đua chuyên nghiệp, còn bao nhiêu chết máy tức tưởi giữa dòng nước hung hãn. Một bà bầu chưa kịp rồ đã chết máy nên ba anh hùng xả thân lội ra cứu bà bầu loay hoay vô vọng giữa dòng đời.
Không thể đứng đó vô thời hạn. Một cô khác xắn quần jean, xắn chơi vậy thôi chứ nước ngập từ bụng trở xuống. Ông thầy khác chấp nhận xe chết máy. Ông sửa soạn xông pha chiến trường bằng cách tháo giầy ném vào giỏ xe, một tay giữ chồng tập vở đội lên đầu, một tay dắt xe thận trọng dò từng bước. Qua khỏi quãng đường sông nước này, tiệm sửa xe mọc lên như nấm, cách vài căn lại một chỗ sửa xe, trong nhà cũng có, ngoài vỉa hè cũng có, thường xuyên cũng có, mới mọc ra cũng có chực sẵn đón khách. Giá cũng rẻ, cứ lau chùi bugi khoảng hai, ba chục ngàn đồng.
Mãi đến mười một giờ, nước rút bớt, Khải mới dắt xe về nhà sau bốn tiếng đứng ở cổng trường, còn đỡ hơn các học viên buổi đầu đứng sáu tiếng. Bữa sau đi học nếu trời mưa, tương lai vẫn kẹt y như vậy. Kỳ này ngập cao hơn, lâu hơn kỳ trước, và kỳ sau lại hơn kỳ này.
Thôi đành chờ những dự án lớn như nạo vét kênh rạch, khôi phục lại mấy con kênh như kênh Hàng Bàng… mới bớt ngập. Chứ siêu máy bơm chống ngập đặt ở đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng chăng ăn thua gì nữa là những nơi không có siêu máy bơm!!!

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email