Mùa tựu trường ở VN: Phụ huynh phải đóng tiền mua bàn ghế

Năm học 2022 – 2023 đã chính thức bắt đầu nhưng không ít phụ huynh học sinh phải đối diện với những khoản thu “trời ơi” mà các nhà trường tự ý “đẻ” thêm ra.

HIỆU TRƯỞNG TRẦN TÌNH VỤ HỌC SINH LỚP 1 PHẢI ĐÓNG TIỀN BÀN GHẾ

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Kỳ Trinh có ba lớp 1 với hơn 100 học sinh. Trường này có kế hoạch sẽ mua 45 bộ bàn, ghế, 3 bảng để học sinh lớp 1 vào học; lớp 2 cũng mua 26 bộ bàn, ghế. Toàn bộ số cơ sở vật chất này đều vận động đóng góp từ phụ huynh học sinh.

Giữa tháng 8 vừa qua, Trường Tiểu học Kỳ Trinh tổ chức họp phụ huynh lớp 1 để phổ biến kế hoạch đón các em bước vào năm học mới. Giáo viên chủ nhiệm của 3 lớp 1 thông báo tới phụ huynh việc học sinh cần đóng các khoản tiền để có đủ cơ sở vật chất cho việc dạy và học.

Theo các phụ huynh lớp 1C, Trường Tiểu học Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh), bước vào năm học mới, cô N.T.L, giáo viên chủ nhiệm lớp này thông báo mỗi em học sinh phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng và 250.000 đồng tiền quỹ lớp và rèm cửa. Tổng cộng mỗi học sinh lớp 1C phải đóng 973.000 đồng.

Hai lớp 1 khác, mỗi học sinh cũng đóng khoảng 1 triệu đồng. Việc thu cào bằng khiến một số phụ huynh không đồng tình.

Cô giáo này cũng nhắn trên nhóm phụ huynh rằng, việc nộp tiền mua bàn ghế là “nhập gia tùy tục”.

“Các lớp chủ động đóng nộp để các em sang tuần có bàn ghế học. Còn quan điểm, chỉ đạo của nhà trường, ta “nhập gia tuỳ tục”, tránh tình trạng so sánh trường này với trường khác… Còn những phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, học sinh phải tự chịu trách nhiệm”, nội dung thông báo được cho là của cô L. gửi tới phụ huynh lớp 1C như trên.

Bức xúc vì sự việc trên, một phụ huynh đã lên gặp bà Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng. Tuy nhiên, sự việc tiếp tục trở nên phức tạp, khi phụ huynh cho rằng bà Thủy có nói “Người nào không đồng tình thì tự chọn cho con mình môi trường khác để học tập hay chuyển đi đâu thì tùy”.

Bà Hiệu trưởng cho biết, đã nhận lỗi và nghiêm túc rút kinh nghiệm khi phát ngôn với phụ huynh gây hiểu nhầm.

“Vừa rồi thị xã Kỳ Anh, Phòng GD-ĐT cũng đã tổ chức họp, rút kinh nghiệm về việc vận động tài trợ này. Tại cuộc họp, cô L. cũng thừa nhận sai khi đã nói câu “nhập gia tùy tục”. Cô L. là giáo viên trẻ, mới về trường nên chưa có kinh nghiệm, lỡ mồm, nói với phụ huynh gây hiểu nhầm. Và bản thân tôi cũng đã nhận lỗi, nghiêm túc rút kinh nghiệm khi phát ngôn gây hiểu nhầm cho phụ huynh”, bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy: “Khi phụ huynh đến hỏi vì sao bàn ghế không được nhà nước tài trợ và bảo tôi tại sao không xin nhưng tôi nói bàn ghế là phụ huynh tự nguyện đóng góp. Tuy nhiên, tôi có khuyên phụ huynh nếu không tin tưởng thì nên chọn môi trường khác cho con em mình. Tôi có nói với phụ huynh trong lớp em nào cũng đóng tiền mua bàn ghế, còn con em mình không đóng thì tự kiếm một bộ bàn ghế cũ, khác cho con em ngồi.

Điều này khiến phụ huynh hiểu nhầm, tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm, sự việc cũng đã xảy ra rồi. Trong cuộc đời không phải lúc nào mình cũng đúng, một lúc nào đó mình có thể sai, phát ngôn gây hiểu nhầm thì tôi sẽ nói lại”.

Bà Thủy cho rằng, nhà trường đã làm đủ quy trình và không có chủ trương thu cào bằng.

“Chúng tôi chỉ xin hiện vật chứ không xin tiền, nhưng khi xin huy động, phụ huynh nhất trí thì họ tự chọn nhà cung cấp, còn việc chia tiền từng học sinh đó là việc của phụ huynh, phụ huynh xem trong lớp bao nhiêu em thì họ chia tiền ra, cũng có bạn trong lớp đóng ít, cũng có bạn đóng nhiều. Khi vận động tài trợ, tôi đã làm đầy đủ quy trình gửi đến phường, phường cử đoàn đến khảo sát, sau đó về bắt đầu trình phường…”, bà Thủy cho hay.

Bà Nguyễn Thị Tường Vân, Phó phòng GĐ-ĐT thị xã Kỳ Anh cho biết đã làm việc với Trường Tiểu học Kỳ Trinh.

“Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm việc phát ngôn gây hiểu nhầm trong quá trình vận động phụ huynh tài trợ của cô hiệu trưởng và cô chủ nhiệm. Còn quy trình vận động có sai hay không thì hiện chúng tôi đang phải nắm lại”, bà Vân nói.

Mặc dù đã được giải thích nhưng phụ huynh vẫn chưa hiểu rõ sao lại bảo đóng tiền, khi đầu năm vào học chẳng phải có đóng một khoản tiền vật chất là quy định rồi còn đóng gì nữa.

PHỤ HUYNH TOÁT MỒ HÔI VÌ PHẢI “CÕNG” NHIỀU KHOẢN PHÍ

Cứ đến đầu năm học mới, ngoài tiền mua sách giáo khoa, đồng phục tới các khoản học phí, tiền ăn, tiền bán trú… cho con thì phụ huynh nhiều nơi còn phải “cõng” thêm các khoản thu như tiền mua máy lọc nước, tiền mua ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ, tiền khóa tủ, tiền rèm cửa, tiền máy chiếu, tiền điều hòa… Cộng tất cả các khoản lại cho mỗi học sinh sẽ là khoản lớn cho phụ huynh.

Như mới đây, báo chí đưa tin, tại Trường THCS thị trấn Núi Đối ở Kiến Thụy, Hải Phòng một phụ huynh phản ánh về khoản thu 2.000.000 đồng không rõ lý do. Trường THCS thị trấn Núi Đối sau đó bị buộc hoàn trả số tiền đã thu cho phụ huynh học sinh, Hiệu trưởng trường này bị phê bình.

PHẢI BỐC THĂM CHO TRẺ VÀO TRƯỜNG MẪU GIÁO?

Hàng trăm phụ huynh của Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đến trụ sở phường Hoàng Liệt để bốc thăm cho trẻ vào lớp mầm non 3 tuổi, cơ sở Tứ Kỳ.

Các phụ huynh đã được phát phiếu mời dự bốc thăm. Phụ huynh khi đến bốc thăm phải mang theo giấy mời, chứng minh thư nhân dân.

Phụ huynh sẽ lấy phiếu hai vòng. Phiếu vòng một là phiếu in số thứ tự từ một cho đến hết số học sinh và có đóng dấu của Trường mầm non Hoàng Liệt.

Vòng hai có hai loại phiếu đóng dấu của nhà trường. Phiếu trúng tuyển với dòng chữ: “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường” và phiếu không trúng tuyển ghi: “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”.

Sau khi bốc thăm, phụ huynh sẽ đến bàn đăng ký để xác nhận trúng hoặc không trúng tuyển vào trường.

Trường mầm non Hoàng Liệt gồm 2 cơ sở Linh Đàm và cơ sở Tứ Kỳ đã nhận 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi. Với hai nhóm trẻ 4 và 3 tuổi, số đăng ký là 290 và 423. Trong khi, trường chỉ có thể nhận 559 trẻ.

Tính ra còn 380 hồ sơ không được nhận.

Câu chuyện phụ huynh phải bốc thăm để cho con được vào học mầm non công lập đã gây ra những phản ứng trái chiều.

Bà Trịnh Thị Thu Hương- Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Liệt chia sẻ, nhà trường không mong muốn phải tổ chức bốc thăm, tuy nhiên đây là cách tối ưu, vì số hồ sơ nộp vào trường năm học này tăng đột ngột. Với tổng chỉ tiêu 3 lứa tuổi (3, 4, 5 tuổi) là 459 chỉ tiêu mà có đến 939 hồ sơ nộp vào trường.

Đây là số lượng lớn chưa từng có khiến nhà trường đối diện với khó khăn. Trường không còn dư phòng học nào, giáo viên cũng thiếu.

Các phụ huynh cho biết họ bất đắc dĩ phải bốc thăm vì nhiều gia đình khó khăn không thể cho con học trường tư.

Chủ tịch quận Hoàng Mai cho hay: Quận vừa xây mới trường Mầm non Hoàng Liệt nhưng với tốc độ dân số tăng nhanh, vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm biểu dương trường mầm non Hoàng Liệt đã chủ động “3 công khai”: Đối tượng tuyển sinh, thời gian, chỉ tiêu tuyển sinh và quy trình bốc thăm bảo đảm công khai, minh bạch để người dân giám sát.

Phó Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai cho biết, mỗi năm số lượng trẻ mầm non tăng khoảng 2.000. Tuy nhiên phòng ốc và giáo viên chỉ có thể đáp ứng gần 20% trẻ, còn lại 82% phải theo học trường tư. Tức là cứ 5 cháu thì chỉ 1 cháu được học trường công, 4 cháu còn lại ở nhà hoặc học trường tư. Điều này cho thấy việc lo cho con vào trường công căng thẳng như thế nào.

TS. luật sư Đặng Văn Cường – Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh học tập không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ đối với công dân, đặc biệt là trẻ em. Pháp luật cũng có những quy định cụ thể để quyền trẻ em, trong đó có quyền học tập. Điều 14 (Luật Giáo dục 2019) quy định: “Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc”.

Trong những năm qua, ngoài hệ thống giáo dục do nhà nước đầu tư và quản lý thì giáo dục tư cũng ngày càng phát triển.

Nhiều người cho rằng, nếu không có cơ hội học trường công thì có thể cho con học trường tư. Đó là những suy nghĩ của người có tiền và xem nhẹ quyền được học tập của trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ về yếu tố công bằng, bình đẳng trong giáo dục.

“Nếu phải nộp học phí cao để học tư thục thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, tâm lý và có thể còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, nhiều phụ huynh luôn tìm mọi cách để cho con vào trường công. Thậm chí có những người chấp nhận chi phí không chính thức, chấp nhận đưa con đi xa để được học trường công nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Chính vì vậy khát khao cho con vào trường công ở nhiều thành phố lớn là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh”, luật sư Cường chia sẻ.

Khi pháp luật đã quy định mọi trẻ em đều được quyền đến trường, quyền học tập, được giáo dục; thì tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, sự phát triển và quy hoạch giáo dục phụ thuộc vào kinh tế xã hội, mật độ dân cư và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. Bởi vậy, nó phải có tính dự báo trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội, phát triển nhà ở, đô thị hóa ở mỗi khu vực, mỗi địa phương.

“Nếu địa phương nào để thiếu trường, thiếu lớp, còn tình trạng phụ huynh chen lấn, xô đẩy để mua hồ sơ, còn tình trạng phải bốc phiếu để tìm kiếm cơ hội cho con học tập thì cần phải xem xét trách nhiệm của địa phương. Chính việc buộc trẻ em có hộ khẩu ở đâu phải học ở đó cũng là quy định bất cập khi mà quyền tự do cư trú, không phân biệt tạm trú và thường trú như hiện nay”, luật sư Cường nói.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế cho thấy cơ hội học hành của trẻ em Việt Nam nào được như nhau.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email