Mức độ hạnh phúc thời đại dịch

Trong suốt một năm qua, có thể nói hầu như tất cả mọi người đã phải sống trong lo âu: một tiếng ho, một cái hắt xì cũng làm mình lo lắng không biết có phải là triệu chứng bị nhiễm Covid hay không, và hơn nữa, nếu chẳng may mắc bệnh thật sự thì lại lo sợ là mình có lây qua cho người khác không. Đây thật sự là cơn ác mộng nếu như chính bản thân mình là nguyên do gây ra sự bùng phát dịch bệnh trong một khu vực nào đó. 

Cuộc sống tự do của mọi người bị hạn chế đến tận cùng. Gặp bạn bè hay tụ tập đông người không còn là quyết định của riêng một cá nhân nào nữa mà là tuỳ thuộc vào chính sách và biện pháp từ chính quyền đưa ra, và điều này khiến cho nhiều người cảm thấy thất vọng, thậm chí tức giận, vì bất lực và không thể làm gì khác hơn.

Các chính trị gia và các giới chức chính quyền thường xuyên nói về ảnh hưởng của Covid-19 đối với sức khỏe cộng đồng và đối với nền kinh tế. Nhưng với hầu hết mọi người dân bình thường thì đó là những lời nhắc nhở hết sức trừu tượng. Điều mà người ta phải trải qua mỗi ngày chính là cái tâm trạng riêng tư của họ – là cảm giác lo lắng, buồn bã, hoặc, nếu may mắn, thì là cảm giác vui vẻ, lạc quan. Để đánh dấu Ngày Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Day) vào ngày 20 tháng Ba vừa qua, các nhà nghiên cứu đã thử nhìn lại những tâm trạng nói trên và xét xem trận đại dịch đã ảnh hưởng và làm thay đổi những tâm trạng buồn vui đó ra sao.

Một cuộc thăm dò của viện Gallup đã được thực hiện tại nhiều quốc gia. Một trong những câu hỏi là kêu gọi mọi người thử cho điểm về mức độ hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại của họ – từ zero tới mười, và mười là tốt đẹp nhất.

Câu trả lời cho câu hỏi đó là, mặc dù vẫn chưa thoát ra khỏi trận đại dịch quái ác, mức độ hạnh phúc của thế giới nói chung cũng không thua kém so với lúc trước khi con vi khuẩn corona xuất hiện. Điểm trung bình trên 95 quốc gia, không tính theo dân số, tăng một chút xíu, từ 5.81 trong khoảng thời gian 2017-19 lên 5.85 trong năm 2020. Nhưng mô hình về sự hài lòng đối với cuộc sống thì có thay đổi. Trận đại dịch Covid-19 đã biến người già thành nhóm người sống vui vẻ hơn.

Điều mà ai cũng biết là con vi khuẩn corona đe dọa tới cuộc sống của người già nhiều hơn so với người trẻ, và cứ mỗi tám tuổi già hơn thì nguy cơ tử vong sau khi mắc bệnh lại tăng gấp đôi. Tuy nhiên, người già lại sống có phần vui vẻ hơn. Nói chung trên toàn cầu, trong khoảng thời gian giữa 2017-19 và 2020, mức độ hạnh phúc đã tăng thêm 0.22 điểm trong nhóm người trên 60 tuổi. 

Trước thời đại dịch, tại các quốc gia giàu có, mức độ hạnh phúc tính theo tuổi có mô hình gần giống chữ U – với những người trẻ mới bước vào tuổi trưởng thành sống rất vui vẻ, sau đó họ trở nên u buồn hơn ở tuổi trung niên, và khi bước vào tuổi 50 thì họ sống vui vẻ trở lại. Tuy nhiên, nếu họ sống thêm nhiều năm nữa thì những năm cuối đời của họ lại rơi vào u buồn trở lại.

Nhưng mô hình hạnh phúc nói trên hiện nay là một đường dốc đi lên. Người trẻ ít hài lòng về cuộc sống hơn so với người tuổi trung niên, và người tuổi trung niên ít hài lòng hơn so với người già. Điều này có thể do ảnh hưởng từ chương trình chích ngừa Covid-19 hiện đang được tiến hành, với ưu tiên dành cho người già trước hết. 

Bên cạnh đó, với những kỹ thuật điện đàm trực tuyến (video chat, video conference) cho phép người già dễ dàng giữ liên lạc với gia đình của họ, và đôi lúc sợi dây liên lạc đó còn được thắt chặt hơn trước khi có đại dịch. Ở những quốc gia thực hiện biện pháp đóng cửa ngưng mọi hoạt động, người già còn cảm thấy rất vui khi biết rằng cả xã hội đang hy sinh để bảo vệ họ. Trong một phúc trình về hạnh phúc thế giới nói rằng người già cảm thấy khoẻ mạnh hơn trong thời đại dịch. Tính chung trên toàn cầu, chỉ có 36% đàn ông trên 60 tuổi cho biết họ có vấn đề sức khoẻ trong năm vừa qua, giảm từ con số trung bình 46% trong ba năm trước đó. Trong số những phụ nữ trên 60 tuổi, tỷ lệ người có vấn đề sức khoẻ giảm từ 51% xuống 42%. Có lẽ người già không thực sự khỏe mạnh hơn như họ nghĩ mà thực ra là vì Covid-19 đã thay đổi cái thước đo đó. Người già cảm thấy khỏe mạnh hơn là vì họ đã vừa tránh được một căn bệnh có khả năng giết chết họ.

Trong khi đó, người trẻ trải qua một năm không mấy thuận lợi. Nhiều người trong số họ bị mất việc làm. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở những người tuổi từ 20 đến 24 tăng vọt từ 6.3% vào tháng Hai năm 2020 lên 25.6% chỉ hai tháng sau đó, và nay giảm xuống trở lại ở mức 9.6% trong tháng Hai vừa qua. Tại một số quốc gia giàu có, phụ nữ trẻ đặc biệt gặp khó khăn nhiều hơn trong cuộc sống. Họ là những người thường làm việc trong các lãnh vực, chẳng hạn như khách sạn, đã phải ngưng hoạt động trong một thời gian dài. Khi các trường học đóng cửa, nhiều phụ nữ trẻ còn phải ở nhà để chăm sóc con cái.

Đặc biệt là với những người giao thiệp rộng thì họ còn gặp khốn đốn hơn nữa, và càng có nhiều bạn thì dường như cuộc sống trong thời đại dịch lại càng trở nên khó khăn hơn. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có ít nhất bốn người bạn thân thì mức độ hạnh phúc của họ giảm sút nhiều hơn so với bất kỳ ai trong lúc biện pháp đóng cửa được thi hành vào mùa xuân 2020.

Trên bình diện quốc gia, một số quốc gia có mức độ hạnh phúc hơn so với một số quốc gia khác. Trong khi hạnh phúc của người dân Anh sụt giảm trong năm 2020, thì Đức đã từ quốc gia hạnh phúc đứng thứ 15 trên thế giới vươn lên hàng thứ bảy. Anh Quốc đã phải chịu đựng các đợt đóng cửa kéo dài và tỷ lệ tử vong vượt quá 190 trên 100,000 người kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tỷ lệ tử vong của Đức chỉ ở mức 77 trên 100,000. Trong gần suốt năm ngoái, Đức đã chiến đấu với Covid-19 khá hơn so với nhiều quốc gia Âu châu khác, mặc dù chương trình chích ngừa của họ hiện đang có chút trục trặc.

Điều đáng chú ý là những quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng hạnh phúc trước đại dịch thì vẫn nằm nguyên đó. Ba quốc gia xếp hạng cao nhất trong năm 2020 – Phần Lan, Băng Đảo và Đan Mạch – nằm trong số bốn quốc gia đứng đầu trong giai đoạn 2017-19. Cả ba quốc gia trên đều đối phó khá thành công với Covid-19 và có tỷ lệ tử vong dưới 21 trên 100,000 người. Băng Đảo (Iceland) có tỷ lệ là số âm. Có lẽ sống trên một hòn đảo cách biệt có được điểm lợi đó khi xảy ra khủng hoảng về sức khoẻ.

Khá nhiều quốc gia đã gặp thất bại trong việc giải quyết Covid-19 do những lý do khác nhau. Một số là vì họ nghèo, một số khác là vì tổ chức kém. Họ thiếu kinh nghiệm với những dịch bệnh xảy ra gần đây như SARS chẳng hạn. Hoặc họ không canh chừng kỹ biên giới của họ. Nhưng theo ý kiến của kinh tế gia Jeffrey Sachs thuộc Đại học Columbia thì còn một lý do khác: các chính trị gia và giới chức chính quyền tại nhiều quốc gia Âu châu và tại Hoa Kỳ đã đi tới quyết định rằng họ không thể đòi hỏi quá nhiều từ công chúng. Cá nhân chủ nghĩa và ít tin tưởng vào chính quyền là hai lý do khiến giới chức chính quyền tại những quốc gia đó ngay thời gian đầu đã lưỡng lự trong việc quyết định bắt buộc người dân cách ly và đeo mặt nạ cho đến khi tình hình trở nên tuyệt vọng.

Nếu nhận định trên là đúng, điều này có thể giúp giải thích vì sao có một sự thay đổi lớn trong một số khu vực: như tại châu Mỹ Latinh thì hạnh phúc giảm và tại khu vực Đông Á thì lại tăng.

Ngoài ra còn một điều khó hiểu là mặc dù nước Mỹ giải quyết kém vụ đại dịch Covid-19 và có số tử vong cao nhất thế giới, nhưng kết quả thăm dò của Gallup lại cho thấy mức độ hạnh phúc của người Mỹ tăng lên một chút trong năm 2020.

Quan niệm về hạnh phúc có thể mang tính chủ quan, nhưng vẫn có một số điểm giống nhau cho dù hạnh phúc đến từ bất cứ ai, từ bất cứ đâu. Một nụ cười, một câu nói ân cần, tỏ một sự quan tâm là những điều có thể giúp cho những người quanh mình vững tâm hơn trong những lúc khó khăn.

Mặc dù trận đại dịch đã làm đảo tung mọi trật tự của đời sống khiến cho nhiều người thất vọng, chán nản, buồn bực, nhưng nếu ta có thể bình tâm lại và tự hỏi mình là có nên buông xuôi và để cho những điều bi quan đó kéo chúng ta đi, hay phải cố gắng bằng hết khả năng của mình để vượt qua trở ngại. Sống lạc quan và tin tưởng ở tương lai là điều ta có thể tự mình làm được. Hãy ráng lên vì không bao lâu nữa trận đại dịch sẽ qua đi và mọi người lại được sống vui vẻ trở lại.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email