Mưu sinh ngày tết

SGCN

Làm việc vất vả quanh năm, ai nấy đều muốn trong năm được nghỉ ngơi mấy ngày, nhất là mấy ngày tết, vừa nghỉ ngơi vừa là dịp về quê của những người tha hương cầu thực phải xa xứ..
Ba ngày tết đối với người Việt thật trân trọng. Tưởng nhớ tổ tiên, xum họp gia đình…
Mấy ngày têt ở thành thị, đường sá vắng ngắt. Đa số dân nhập cư đều về quê ăn tết, thăm cha mẹ, con cái…

Còn người lao động thì đóng cửa nghỉ ngơi hoặc đi du lịch…
Ấy vậy mà vẫn có những người cố bám víu lấy lề đường, cố gắng kiếm ăn thêm trong những ngày “bớt người bán” này. Lại vắng bóng các nhân viên công quyền. Tha hồ lân ra đường. Kiếm tiền triệu… như chơi.

Quà vặt

Một chiếc xe bán bánh tráng nướng đậu ở công viên trước dinh Độc Lập. Sáng mồng 1. Công viên vắng vẻ, chỉ vài ba người ngồi thẩn thơ. Thế nhưng anh Thành không ngưng tay nướng món bánh mới xuất hiện vài năm nay nhưng rất đắt hàng. Món này chỉ gồm thịt heo xay nhuyễn, tép vụn sấy, hành lá, bơ margarine và trứng cút đặt trên tấm bánh tráng gấp đôi lại nướng rất nhanh.

Anh cho biết:
– Năm nay tôi 49 tuổi nhưng bán hàng rong khu vực này đã hai mươi năm. Trước kia tôi bán khô mực nướng. Thế nhưng con mực mắc tiền quá. Mấy chục ngàn một con, thiên hạ cứ hỏi giá rồi bỏ đi chẳng mấy ai ăn. Bảy năm nay tôi chuyển sang bán bánh tráng nướng theo kiểu Đà Lạt này đông khách hẳn. Và vốn cũng nhẹ hơn khô mực nhiều. Nguyên xe hàng chỉ cần hai, ba trăm ngàn vốn.
Các nguyên liệu đều mua tại chợ Cầu Ông Lãnh. Buổi sáng anh Thành ở nhà chế biến thức ăn. Từ chiều tối trở đi mới rời nhà. Chồng bán một nơi, vợ một nẻo ra công viên nhà ga cũ. Tất cả đồ nghề xếp gọn lên yên sau của chiếc xe gắn máy. Nếu thấy cảnh sát, rồ xe chạy ngay. Ngày thường hay bị đuổi. Nếu bị tóm mà có mang theo đầy đủ giấy tờ xe gắn máy thì bị phạt 150.000, nếu quên thì nguyên xe bị hốt.
Mấy ngày Tết vắng vẻ ít xe, ít người nên cảnh sát cũng thưa. Anh Thành tận dụng thời gian bán luôn buổi sáng bởi mấy ngày tết kiểm cả triệu mà không bị đuổi, bắt. Còn ngày thường chỉ khoảng ba, bốn trăm ngàn thôi.

Một cô khách kỳ kèo:
– Sao mấy bữa trước bán có 10 ngàn mà hôm nay 15?
– 10 ngàn một cái trứng cút, còn bữa nay có tới… hai cái.
– Cái trứng cút chỉ có 700 đồng mà ông tính tới năm ngàn?
Anh Thành gãi đầu cười trừ:
– Cô thông cảm. Tết mà!!!
Quả nhiên một con mực mấy chục ngàn, khách hàng ngần ngừ khó mua ngay lập tức, nhưng cái bánh tráng 10, 15 ngàn thì do móc túi tới mấy lần nên người ta có thể ăn liên tục mấy cái không thấy tiếc.

Gánh rong

Chị Bến dân Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Mấy hôm trước, chị quanh quẩn quanh phố đi bộ nhưng sáng mồng 1, chị hạ gánh hàng ngồi chễm chệ trên lề đường gần REX là một vị trí kiêu sang mà ngày thường mọi hàng rong không thể léo hánh tới. Hôm nay cũng chỉ có mình chị, một mình một cõi thênh thang không cần tranh giành chỗ với ai và cũng không sợ cảnh sát dẹp. Cảnh sát cũng cần nghỉ ăn Tết chứ.
Chị cho biết:
– Tôi trọ ở quận Tân Phú nên quanh năm chỉ bán bánh ở khu chợ Tân Bình thôi. Ngày Tết mới vào trung tâm thành phố.
Hàng của chị gồm bánh bông lan, bánh kẹp và chuối lát nướng. Đây là món ăn vặt đặc biệt duy nhất có thể thấy bán lác đác đây đó vào sáng mồng 1 mà không phải là thứ hàng nào khác. Ngày Tết, nhà ai cũng thừa mứa thức ăn, đủ loại bánh mứt nên ra đường muốn ăn quà, người ta chỉ mua những thứ lặt vặt rẻ tiền như gánh bánh này.
Chị Bến có chồng làm ruộng và con trai năm tuổi ở dưới quê. Mỗi năm chị về quê một hay hai lần vào dịp giỗ chạp, đám cưới, đám xin. Lần này chị đang có bầu năm tháng nên ráng bán hết cái Tết, đợi gần sinh mới về quê rồi ở cữ mấy tháng luôn.

Quyết định chọn chỗ bán của chị thật sáng suốt vì khu này nhiều khách sạn lại gần đường hoa Nguyễn Huệ nên luôn có khách bộ hành đi qua. Món hàng không nằm trên xe đẩy mà trên gánh có đòn gánh, có mâm nhôm. Chuối ép trở qua trở lại trên bếp than hoặc bánh thuẫn nướng trong chiếc khuôn nhỏ xíu đặt trên ông táo đất nung nhìn rất bắt mắt. Dù không muốn ăn lắm thì người ta cũng thích dừng lại nhìn ngắm và mua vài ba cái bánh cho vui không mắc bao nhiêu.

Vì thế tuy khách có vẻ lai rai nhưng chị Bến luôn bận rộn, không dừng tay quạt ba cái bếp than đỏ lửa bay mùi bánh nướng thơm phưng phức đánh thức khứu giác cả một khúc đường. Món bánh đơn giản chỉ có bột, trứng và đường nên rõ ràng rất “lành”, không sợ lắm hóa chất gì ở đây.

Hàng vặt chẳng đáng bao nhiêu, lại ngày Tết nên khách không cần tính toán cân nhắc. Chị Bến vì thế chẳng tội gì mà không bắt cơ hội. Chị cứ trông mặt mà ra giá. Dân Việt với nhau thì ba ngàn một cái bánh kẹp. Ai mặc đầm đẹp, áo dài tha thướt đích thị Việt kiều kêu bốn ngàn. Còn ngoại quốc thì xòe năm ngón tay cho chẵn. Bánh bông lan cũng thế, chị bán 12 cái bánh tí hon với giá 12 ngàn, nâng lên thành 20 hoặc 25 nhưng đầu năm, chẳng ai đi khảo giá, chê bai mắc rẻ làm chi. Coi như ai cũng nghỉ ngơi đi chơi, lì xì đầu năm cho chị gánh rong chăm chỉ.

Bong bóng

Bong bóng là món hàng không thể thiếu vào ngày Tết, nhất là gần các khu vui chơi giải trí, công viên đông đúc với chương trình văn nghệ nhiều trẻ con đến chơi, thế nào cũng có một vài hàng bong bóng hút khách.
Đây cũng là loại hàng vốn không cao. Người bán chỉ cần chiếc xe đạp hay xe gắn máy để dễ di chuyển chỗ này chỗ khác, thêm một bơm chân là đủ. Hàng hóa hết sức gọn gàng, khỏi cần bếp núc lôi thôi như hàng ăn uống.
Chiếc bong bóng mỏng mảnh ngày xưa đã mất tích. Nay chỉ toàn bóng to, dày, đủ màu sắc tươi tắn, rực rỡ. Giá vốn một chiếc chỉ vài ngàn đồng nhưng khi thổi to, cắm vào chiếc que ngắn thi giá cũng thành mười mấy đến mấy chục ngàn và vào mồng Một Tết thì thêm nữa. Như mọi hàng hóa ngày Tết, khách hàng chấp nhận giá cao không thắc mắc, kỳ kèo.

Ngày thường anh Dũng chỉ bán độ hai chục bóng, lời chẳng bao nhiêu co kéo đủ sống một mình nơi xứ lạ nhưng ngày Tết, anh có thể bán đến năm chục cái và giá cũng tăng hơn ngày thường nên tiền lời có thể đến năm trăm ngàn.

Quê anh miền Bắc, thông thường ai nấy chậm nhất hai mươi mấy về quê nhưng bong bóng là mặt hàng khá chạy các dịp lễ lạt nên anh ở lại Saigon bán đến hết mồng mới về thắp hương bàn thờ. Nhìn thành phố vắng vẻ, anh cũng cảm thấy hơi buồn, nhớ quê nhưng chấp nhận về muộn vì anh chỉ còn chị em, cha mẹ đã mất. Ra Giêng, đâu còn ai chơi bong bóng, khi ấy vé xe rẻ hẳn hạ giá 400.000 và cũng đỡ chen chúc đợi chờ trong khí vé xe tết cả triệu lại thêm quà cáp, lì xì. Nhờ cái Tết, anh có thể kiếm được món tiền kha khá thêm chút quà cho chị và cháu, đồng thời để dành cưới vợ năm nay.
Một bà khách đang chọn bong bóng cho biết:

– Nhà tôi không có con nít nên không phải mua về cho trẻ chơi mà là ngày Tết, tôi có thói quen chưng vài cái bong bóng góc nhà giống như cành mai, cành đào, như một vật trang trí khiến nhà cửa trông có vẻ tươi thắm mùa Xuân. Khách nào đến chơi có em bé tôi sẽ tặng một bong bóng thay phong bao lì xì.
Vì thế anh Dũng không cần tìm đến hội chợ, đình đền miếu mạo nơi các gia đình đầu năm đi lễ lạt mang theo không ít con cháu trong nhà, mà anh một mình đứng trên vỉa hè tuy vắng vẻ nhưng xe cộ lưu thông khá nhiều trên con đường một chiều và khá nhiều xe đã dừng lại để mua bóng của anh…
Xe xích lô

Trên con đường ngày thường xe cộ nườm nượp, một chiếc xích lô thảnh thơi đạp từng vòng như trong chuyến ngao du đầu Xuân.
Ngao du thật vì chủ nhân chiếc xích lô là ông Thìn, một ông già gần bảy mươi, không có gì vội vã.
Vợ chết mười mấy năm nay, ba con gái lấy chồng đều nghèo không giúp được gì cho cha. Ông cũng chẳng cần giúp đỡ, với chiếc xích lô vừa là phương tiện kiếm sống vừa là nhà. Ông ở nhờ sau lưng chùa Vạn Thọ, chỉ tắm rửa, ăn cơm từ thiện, bệnh tật nhờ vào Tuệ Tĩnh đường. Còn lại sống cả ngày đêm trên xe. Hết công việc, ông tìm chỗ đậu mát mẻ ngả lưng lên đấy nghỉ ngơi và ngủ tiện lợi hơn ông xe ôm ngủ trên chiếc xe gắn máy chật hẹp dễ rớt xuống đất.

Chiếc xe cà tàng lắm. Nhà nước cấm xích lô lưu hành từ nhiều năm nay nên những chiếc trông có vẻ mới mẻ, sạch sẽ đều chở khách đoàn cho các công ty du lịch chứ không chạy rong hay đậu bến đón khách như xưa. Vì không có xe mới đóng ra đời nên những xe còn sót lại rất cũ kỹ, chỉ chuyên chở hàng mà thôi.
Chiếc xe này cũng thế, cả xe và người đều già nua như nhau. Ông Thìn hàng ngày có mối quen chở cho bạn hàng ngoài chợ cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng, trừ chi tiêu để dành chút ít thỉnh thoảng mua quà cho cháu. Hôm nay là mùng 1, chỉ có một, hai hàng rau bày bán ít rau ế nên ông chỉ kiếm được ba, bốn chục ngàn. Giấc này tuy gần trưa, ông mang xe ra chợ đón bà hàng rau dọn hàng về nhà.

Ngày Tết khác ngày thường ở chỗ ông không cần dậy sớm. Hàng mồng 1 không chạy như ngày thường. Ông từ từ chở đống rau ế ra chợ cho bà khách quen bán mở hàng. Gần trưa tà tà chở về. Không còn người lao động đi làm nên hàng cơm từ thiện cũng đóng cửa tới ra Giêng khi người nhập cư quay trở lại thành phố mới mở cửa. Những người quen thuộc sống trong khu vực cho ông thức ăn hoặc vào chùa xin bữa.
Ông vui vẻ cho biết:
– Đường này mọi hôm cấm xích lô. Hôm nay ngày Tết không có cảnh sát lại vắng xe nên tôi dạo qua ngắm cảnh.

Khí hậu đầu năm mát mẻ, không nắng gắt, lại gió phe phẩy nên ông Thìn có vẻ vui thích lắm. Nhìn xe và người biết ngay xe chở hàng, không ai vẫy ông đi một cuốc cả nhưng lại có một cặp nam nữ chạy xe gắn máy đi ngang dừng lại lì xì. Ông vui thích cười:
– Vậy là vui Tết rồi.

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email