HỎI:
Chưa bao giờ nhiệm vụ làm cha mẹ lại quá khó khăn như bây giờ. Cũng chưa bao giờ mà tuổi niên thiếu của trẻ con lớn lên ở bên này lại phải nhìn và nghe thấy những việc, những chuyện mà các cháu chưa đủ trí khôn để tự mình tìm hiểu hay suy xét, như bây giờ.
Từ chuyện kỳ thị bị phóng đại và lạm dụng, từ chuyện một bà bác sĩ phụ trách lo sức khỏe và nhân quyền tại cơ quan Liên Hiệp quốc viết báo khuyến dụ trẻ gái vị thành niên nên coi mại dâm là một công việc thật sự (real work) và đây cũng là nữ quyền nhằm xóa bỏ lằn ranh giới tính để đàn bà bình đẳng với đàn ông; chuyện nhà trường phải đóng cửa vì tránh đông người nhưng tụ họp phá làng phá xóm thì tự do; chuyện 2 cảnh sát một nam một nữ đang ngồi trong xe tuần tra đậu ở một nơi khi không bị một cậu da đen chạy thẳng tới và chĩa súng bắn qua cửa kiếng xe rồi chạy thục mạng để trốn, bệnh viện cứu cấp họ bị người biểu tình bao vây chửi bới, hô hào để cho nạn nhân chết đi; trong nhà thì bữa ăn nào cũng nghe các anh/chị lớn cãi nhau với cha mẹ về chuyện cha mẹ làm sai khi không cho hay cản ngăn các anh/chị ra đường tranh đấu trong khi anh/chị luôn được giáo dục là muốn sống đàng hoàng thì ai cũng phải tranh đấu? Sống mà chỉ kiếm tiền thôi thì đi học làm gì? Tại sao tuổi teen mà tin tức cho biết có nhiều đứa tự tử rồi? v.v…
Tôi là một bà ngoại ở tuổi 67, thật khổ tâm khi thấy ngay tại nước Mỹ mà cuộc sống cũng không yên vui, như vậy thì phải đi đâu nữa? Con cái thì làm ăn vất vả ngược xuôi, các cháu nội ngoại tuổi từ 13, 14 đến 17, 18, ngoài 20, đủ thứ tính nết, đủ loại đầu óc, gia đình dạy dỗ theo cách này, nhà trường và xã hội hướng dẫn cách kia, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, vậy người lớn trong nhà phải làm sao?
Mong bà đưa vấn đề này ra công luận để may ra những ai trong cuộc có được ít nhiều gợi ý tử tế để chúng ta còn biết cách ứng xử chứ mọi sự rối ren quá, cũng khổ tâm lắm. Cảm ơn bà rất nhiều và tôi xin theo dõi phần trả lời của bà.
Bà ngoại Bảy
TRẢ LỜI:
“Tôi là một bà ngoại ở tuổi 67, thật khổ tâm khi thấy cuộc sống cũng không yên vui, như vậy thì phải đi đâu nữa?”
Câu hỏi của bà là cốt lõi vấn đề bà nêu trong thư. Ở tuổi 67 và sống với sự quan tâm như bà, đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều, từng trải, bà thật đã đủ kinh nghiệm để đặt câu hỏi với ít nhiều hoảng hốt và thất vọng như trên.
Có vẻ như khi ngoại cảnh không cho con người sự bình an nữa thì nơi con người quay về hẳn là cái không gian nhỏ hẹp, không nguy hiểm trong mỗi gia đình, không ở đâu khác cả. Không phải chỉ những năm này ở thế kỷ 21, không phải chỉ xã hội nước Mỹ vào thời điểm này mà từ ngàn xưa, xã hội nào cũng có nhiều xung lực xấu tốt đan xen, nhiều bẫy rập và tuổi niên thiếu như trái quả vừa tượng hình, thường là nạn nhân. Bản thân tôi được nuôi dạy bởi một bà mẹ quê mùa, thất học, lam lũ nên tôi cũng trải qua những ngày mới lớn non dại, dễ tin, quờ quạng. Tuy nhiên, mẹ tôi có một tình yêu thương vĩ đại dành cho con mình, một ước mơ kiên định mong muốn tôi có cuộc sống khá hơn bà và mẹ tôi biết cách nào trao truyền cho tôi cảm nhận mãnh liệt ấy. Bát cơm ủ trong chăn những ngày mùa đông lạnh cắt da ở Huế, con cá nhỏ kho đậm đà trong cái trách đất đặt trên ba ông đầu râu vùi tro để giữ ấm, mắt mẹ long lanh nghiêng xuống bên cây đèn dầu lửa soi sáng vừa đủ chỗ tôi ngồi học. Mẹ tôi không có lời răn dạy nào ngoài một câu khiến tôi nhập tâm: “Em cố lên, đừng khổ như chị.” Tình yêu thương vô hạn của bà như suối nguồn làm chảy trong lòng tôi cùng một nỗi khát khao trong trái tim bà, cho tôi nơi trú ngụ yên ấm và an toàn trước mọi bất trắc bên ngoài. Tôi không tin ai ngoài mẹ, biết tôi là hy vọng duy nhất của bà nên luôn luôn cố gắng làm cho bà vui, nghiệm ra mẹ tôi có cái tâm lành nên những gì mẹ muốn cũng đều lành như bà và tất nhiên lành cả cho tôi.
Cho nên, tôi tin vào nền tảng gia đình (dù tôi chỉ may mắn có được một nửa cái nền tảng ấy thôi!) Sức mạnh lớn nhất của gia đình để bảo vệ con cái, giữ chúng an toàn trước mọi ô nhiễm xã hội là tình yêu thương, có thể nung chẩy cả sắt thép cứng nhất. Một là yêu thương chưa đủ cường độ và sự nguyên vẹn, hai là cách trao truyền chưa đủ thuyết phục đối với con cái. Ngoài hai “bửu bối” này ra, khả năng cuối cùng của cha mẹ trong mặt trận giành lại con cái là chấp nhận cho chúng được tự mình nếm trải việc đời và sẵn sàng ôm chúng khi chúng trở về đầy thương tích.
Dẫu thế nào, đây vẫn là xứ sở của cơ hội, cho những bắt đầu và cả những làm lại. Niềm tin không hề là miếng bánh ngọt trao vào tay ai là thẩm thấu ngay. Niềm tin cần quá trình xây dựng và minh chứng, hãy bằng lòng với thực tế và để thời gian làm việc của nó, bà Ngoại nhé!
Hy vọng đã trả lời bà tạm đủ. Kính chúc bình an và cảm ơn sự chia sẻ của bà.
Bùi Bích Hà