Nên và không nên trong nhiếp ảnh du lịch

Đừng vùi đầu vô máy ảnh

Chụp hình chỉ là một nửa của nhiếp ảnh du lịch. Phân nửa kia là phần du lịch. Bạn sẽ không bao giờ tìm được những cảnh tuyệt đẹp để chụp, hoặc những món ăn đặc biệt để thử nghiệm, nếu bạn dúi mắt vào ống kính suốt ngày mỗi ngày.

Một người photographer giỏi thì biết khi nào cầm máy lên, nhưng một người photographer xuất sắc thì biết khi nào để máy xuống.

Không có cách nào tốt để thực tập điều này hơn với nhiếp ảnh du lịch, vì bạn sẽ bị cám dỗ vô chụp hình tất cả những thứ hay, mới mà bạn sẽ thấy trong hành trình của bạn.

Hỏi xin phép trong ngôn ngữ bản xứ

Với kỹ thuật điện toán ngày nay, bạn chỉ mất 30 giây để tìm trên Google cách nói, “May I take your photo,” trong cả trăm ngôn ngữ. Hãy dùng quyền lực này.

Ở nhiều chỗ có nhiều khách du lịch tới, người ta sẽ diện lên trong những đồng phục bản xứ và đòi hỏi thù lao nếu bạn chụp hình họ. Vì vậy, nếu bạn chụp họ đại mà không xin phép trước, họ sẽ đuổi theo bạn và đòi tiền.

Ngoài ra, đây chỉ là vấn đề tế nhị. Thường thường, bạn sẽ tìm thấy nhiều người sẵn sàng tạo dáng cho bạn chụp. Và nếu có người không chịu, thì bạn xin phép người khác!

Hãy kiên nhẫn

Bạn có muốn biết làm sao người này chụp được hình này của tháp Eiffel? Họ ra chụp trong khoảng thời gian mà hầu như không có ai (hợp lý nhất là Tháng Tám, khi nhiều người dân Paris thoát khỏi thành phố để đi nghỉ hè chỗ khác).

Họ cũng thể hiện một sự kiên nhẫn dữ dội. Nếu bạn dự tính cho một chuyến đi chụp hình du lịch tới một nơi có nhiều người cũng đi chụp hình du lịch, thì bạn sẽ “vật lộn” với đám đông gần suốt ngày.

Đây là một cảnh thực tế của tháp Eiffel. Trong hình là đám đông ở công viên dưới chân tháp, những người khách du lịch leo lên leo xuống hàng rào, và những người bán rong la hò rao hàng để câu khách.

Lần cuối tôi đi Paris, tôi đã để đồng hồ báo thức lúc 4:00 giờ sáng, đi bộ hộc gạch, và khoảng một tiếng chụp hình tại tháp để lấy cú shot hoàn hảo tôi muốn. Tôi hứa với các bạn, nếu bạn thật sự yêu nhiếp ảnh, sự kiên nhẫn này sẽ xứng đáng.

Nên chỉnh máy ảnh sẵn

Trước khi nhờ một người lạ chụp giùm bạn ở một khung cảnh đẹp, hãy chỉnh sẵn những thông số trong máy. Sở dĩ nên chỉnh sẵn cho họ là vì máy ảnh của bạn và bạn là người thành thạo với máy đó hơn ai hết. Từ những yếu tố kỹ thuật như độ phơi sáng, hệ thống lấy nét, đèn flash (nếu cần thiết)… cho tới những thứ như bố cục và những gì bạn muốn lấy vô trong khung, cần chỉnh chính xác gì trước khi họ bấm máy.

Đừng hy sinh sự an toàn của bạn

Ở điểm này, chúng ta đều đã nghe về những vụ mất mạng khi người ta lo chụp selfie trong khung cảnh đẹp và bị té xuống vực thẳm hoặc bị té trước chiếc xe bus đang nhào tới.

Tôi có một vài bí quyết nhiếp ảnh du lịch về vụ lấy “tấm ảnh hoàn hảo.” Đừng nên tiến tới thú vật hoang dã, đừng nên phá lệ của những nền văn hóa khác, và đừng nên để sự ham muốn lấy hình “Facebook” hoặc hình “Instagram” làm chính bạn hoặc người khác bị thương.

Nói chung, nếu có một bảng hiệu cảnh cáo không nên làm một điều gì, bạn có thể tin chắc rằng đó là vì điều đó nguy hiểm nếu bạn làm.

Đừng đem theo quá nhiều

Đem vừa đủ hành lý chỉ khỏe cho bạn thôi, và làm cho công việc di chuyển ở các phi trường và ga xe lửa dễ dàng hơn nhiều. Bạn muốn thư giãn trên chuyến bay, chứ không phải lo lắng dòm chừng túi máy ảnh trong chỗ chứa phía trên. Thường thường, cho chuyến đi du lịch dài một tuần, tôi chỉ đem theo một máy DSLR và một ống kính, thêm một máy nhỏ (mirrorless hoặc máy bỏ túi). Nhiêu đó cũng quá đủ lấy nhiều khía cạnh và chủ thể khác nhau.

Nên thủ những dụng cụ điện tử cá nhân

Nhiều nước trên thế giới sử dụng những loại ổ cắm điện khác nhau, thí dụ, Châu Âu xài loại cắm có hai lỗ tròn trong khi Bắc Mỹ (USA và Canada) thì dùng loại ổ cắm có hai thanh dẹp. Vì vậy bạn nên thủ sẵn nhiều đầu cắm khác nhau.

Ngoài ra, trên thế giới có hai dòng điện chính: một số nước dùng điện áp 220V, và một số khác dùng 110V. Đem theo cục đổi điện áp cũng có thể giúp xài điện ở những nước có dòng điện khác với chỗ bạn ở.

AN

(andyfotopro@yahoo.com)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email