Ngại ngần cầu bộ hành

cầu Bộ Hành Nguyễn Văn Cử

SGCN

Cầu vượt bộ hành hay cầu bộ hành, có khi gọi tắt cầu vượt, dành riêng cho người đi bộ chứ không phải dành cho xe cộ, không bắc qua sông mà thường bắc ngang các con đường trong thành phố. Nếu khách bộ hành ngại khoảng cách quá xa khi phải cuốc bộ đến tận ngã tư đợi đèn đỏ để băng qua đường rồi đi ngược lại, thì chọn cầu vượt để có thể tới ngay nơi cần đến phía bên kia đường, mà không gây cản trở cho xe cộ đang lưu thông bằng cách băng ngang đại qua.

Trước 75 cũng có một cây cầu vượt ở ngay trung tâm Saigon, gần công trường Quách Thị Trang. Chỗ đó có ga xe lửa, được coi là đông đúc vì thêm mấy con đường giao nhau. Khi ấy xe cộ còn ít, và chiếc cầu vượt mới xuất hiện gây nhiều thích thú lạ lẫm mặc dù không nhiều người hào hứng dùng. Về sau cầu bị dỡ bỏ.
Những năm sau này, thành phố bành trướng, dân nhập cư ùn ùn kéo đến, đường phố đặc nghẹt xe cộ, để băng qua đường là cả một vấn đề. Khách ngoại quốc coi sang đường là một nghệ thuật khi phải khéo léo di chuyển giữa dòng xe cộ tuôn tràn như nước để qua bên kia mà không bị xe va phải. Đặc biệt gần bệnh viện, gần trường, gần chợ. công viên… xe và người càng đông như kiến.

Người đi bộ cứ len vào giữa dòng xe như nước, xe cũng ngán khách bộ hành cứ dàn trước mặt như vào chỗ không người, cứ như vỉa hè và lòng đường như nhau, chỉ là một. Tâm lý chung là xe hễ thấy người đi bộ là phải tránh. Hoặc là cả đám đông vài người nắm tay nhau dung dăng dung dẻ băng qua đường thì xe ngừng lại đợi luôn cho rồi!

Một trong những giải pháp căn cơ chính là cầu bộ hành phải được xây dựng ở khu dân cư, trường học, bệnh viện… để giao thông an toàn hơn và giảm kẹt xe vì đương nhiên có người băng ngang đường, xe cộ đều phải chạy chầm chậm lại coi chừng.

Cầu vượt ưu tiên xây trước bệnh viện để các bệnh nhân yếu ớt qua đường một cách an tâm. Đó là các cây cầu Cống Quỳnh trước bệnh viện Từ Dũ, cầu Nơ Trang Long trước bệnh viện Ung Bướu, cầu Nguyễn Trãi trước bệnh viện Nguyễn Tri Phương (y viện Quảng Đông), cầu Điện Biên Phủ ở bệnh viện Bình Dân,… Gần đây có một số cầu xây trước trường học như ở đường Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa) trước trường Lê Hồng Phong (Petrus Ký), đường Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản) trước trường đại học HUTECH, gần chợ và bến xe là cầu vượt An Sương giữa quận 12 và huyện Hóc Môn, cầu vượt ở công viên Gia Định. Ở những đoạn đường cao tốc như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng cứ cách một quãng lại có một cây cầu vượt để cư dân hai bên đường thuận tiện qua lại với nhau như cầu Carina nối cao ốc Carina với City Gate… Sắp tới sẽ còn nhiều cầu nữa gấp rút được xây.

Để xây những cầu vượt này, thành phố đã chịu tốn kém, phải bỏ ra hơn hai trăm tỷ đồng chứ ít đâu. Một số cầu có mái che, số khác có chậu trồng hoa leo xanh đỏ vui mắt như cầu Văn Thánh ở chợ Văn Thánh (Bình Thạnh), Phạm Văn Đồng, cầu Từ Dũ có mái che, lắp kính chắn gió cẩn thận, cầu Gia Định gần phi trường cửa ngõ đi vào nội thành nên sẽ trồng cây và làm vòm thép trang trí bên trên. Tuy nhiên đa số chỉ là các cây cầu sắt đơn giản. Bởi trồng hoa lá lại tốn thêm công xá phân công cho người mỗi ngày leo lên tưới nước, bón phân.

Thật ra không phải cầu nào cũng dành cho khách bộ hành vãng lai. Cầu vượt ở bệnh viện Bình Dân và Từ Dũ có cầu thang lên xuống nằm trong khuôn viên bệnh viện tức là chỉ dành riêng cho bệnh nhân và nhân viên đi qua đi lại giữa hai khu bệnh viện nằm đối diện ở hai bên đường chứ không dành cho dân chúng muốn băng ngang. Khách bộ hành chẳng lẽ phải đi vào bệnh viện để lên cầu thang, qua bên kia, xuống sân bệnh viện, lại phải ra ngoài thì đường xa quá xa.

Riêng bệnh viện Nguyễn Tri Phương đặc biệt có hai cầu thang cả bên trong lẫn bên ngoài bệnh viện. Tuy nhiên cầu thang phía ngoài gần trạm xe buýt đông người và hàng rong qua lại nên khá dơ dáy và phức tạp. Người thực sự cần băng qua đường chẳng mấy ai, còn toàn dân nghiện lén lên đó hút chích. Cuối cùng bệnh viện chặn lên cầu thang ngoài, chỉ dùng cầu thang trong.

Tưởng chừng thuận tiện như vậy thì nhân viên các bệnh viện sẽ dùng cầu thang vượt như một kiểu cầu thang nội bộ. Thế nhưng khi có việc, nhân viên bệnh viện vẫn ra khỏi cổng để băng ngang đường chứ hiếm khi leo lên cầu thang, Nhất là cầu thang trước Từ Dũ, đáng lẽ từ lầu bên này nối sang lầu bên kia đường thì cây cầu đâm qua tới giữa sân bỗng chơi vơi ngừng lại. Cho nên cầu chỉ để làm kiểng trong lúc con đường ở dưới kẹt xe thường xuyên.

Điều dễ thấy là cho dù lợi ích hiển nhiên của cây cầu vượt nhưng trong thực tế, vẫn rất ít người muốn sử dụng nó. Theo Sở Giao thông Vận Tải, chỉ có tám trong số hai mươi hai cầu vượt được dùng thường xuyên tức là chỉ khoảng một phần ba cầu vượt có hiệu quả. Còn lại bao nhiêu bỏ hoang.

Khó quá. Như trước bệnh viện phụ sản Từ Dũ, lòng đường đã hẹp lại còn bị xe hàng rong, xe ô tô, xe gắn máy chiếm bớt, một bà bầu khệ nệ rất ngại dịch từng bước leo lên cầu thang, coi chừng… đẻ rơi trên đó! Tại bệnh viện Ung Bướu, bệnh nhân và người nuôi toàn người già, phụ nữ, lết đi bình thường đã mệt nhọc huống hồ leo cầu thang. Ngoại trừ bệnh nhân, những người từ tuổi trung niên trở đi đầu gối khớp xương đã lỏng lẻo, khó leo lên cầu vượt dễ dàng. Đường xá trong thành phố có rộng rãi đâu, chỉ vài bước băng rẹt qua rất nhanh còn hơn ngàn thước lên cao ngàn thước xuống (!) lâu lắc, cho nên mạnh ai nấy cứ chịu khó nhìn qua nhìn lại mà bang qua đường cho gọn. Cũng chẳng cần khéo léo lắm vì xe thấy người, tự động chạy chậm lại nhường đường cho người đi thôi. Nếu không thì ráng đi đến ngã tư để băng qua đường chứ đa số nhất quyết không chịu lên cầu thang vượt.

Người bình thường còn khó lên những cây cầu cao khoảng bốn mét chót vót mấy chục bậc thang, xuống mấy chục bậc quá dốc mỏi cả chân, huống hồ người khuyết tật. Cầu vượt chắc chỉ dành cho thanh niên khỏe mạnh mà thôi. Người khuyết tật ở VN, từ xưa vốn bị gạt ra rìa, chắc vì ít ra ngoài, nhưng nay đã gia nhập, hòa đồng nhiều với cuộc sống ngoài xã hội nên các tiện ích dành cho họ có phần được chú ý hơn trước, trừ cầu bộ hành.

Tình trạng như vậy dĩ nhiên càng không dành cho bệnh nhân ốm yếu cần di chuyển, nên mặc dù ở gần bệnh viện, thường xuyên ra vào bệnh viện nhưng chắc chỉ đôi khi lác đác vài ba người rảnh rỗi muốn tiêu khiển thời gian, đi bộ đôi chút dãn gân cốt mới tìm đến. Các cầu vượt trên đường Võ văn Kiệt vắng hoe vắng ngắt vì đây là con đường mới mở, một bên là các chung cư rải rác trong khu vực vắng vẻ, một bên là bờ sông nên ít ai có nhu cầu dùng.

Bởi vậy, các cầu vượt dù có mái che mưa nắng, bồn hoa xanh đỏ đẹp đẽ vẫn bị ế ít ai đoái hoài.
Do ít người đi nên những cây cầu vắng vẻ là nơi thích hợp cho dân nghiện mò tới, nổi tiếng nhất là cầu Văn Thánh lúc mới xây, buổi chiều người dân lên đó đứng hóng mát nhưng sau này quá nhếch nhác và dơ bẩn. Nhiều cầu bỏ hoang tới mức trên mặt cầu và bồn hoa toàn kim tiêm và dưới chân cầu là nơi người ta xả nỗi buồn! Đặc biệt là thói quen xả rác của người Việt, từ trên xuống dưới chỗ nào cũng rác đầy vương vãi. Chân cầu là nơi dành cho hàng rong, xe đẩy đứng bán hàng và đương nhiên xả rác. Không được quét dọn, bảo trì nên cây cầu mau chóng xuống cấp, nhìn cũ kỹ và bong tróc.

Cầu lại không có đường dốc phẳng chính giữa như cầu thang ở các chung cư, vì đa số là cầu sắt, nên người đi xe đạp phải vác xe vất vả đi lên đi xuống.

Chung quanh các bệnh viện chuyên môn to, đông đúc, vì không phải bệnh nhân thành phố mà còn từ các tỉnh kéo lên như bệnh viện Ung Bướu, Từ Dũ là những con đường nhỏ bé xung quanh dày đặc các loại xe: xe khách chở bệnh nhân từ tỉnh lên, ô tô nhà, taxi, xe gắn máy, xe rong, hàng vặt… nếu cần băng ngang qua đường thì chỉ cần ba bước chân, tội tình gì phải leo lên cầu vượt… gần trăm bước! Một bệnh nhân lại kèm có khi hai, ba người nhà tay xách nách mang đỡ dìu nên những nơi này luôn có cảnh mặc người người băng, mặc xe xe bò. Giao thông luôn ùn ứ, hỗn loạn trong lúc cây cầu vượt buồn bã nằm không.

Trong khi cầu vượt ở đường Phạm văn Đồng và Võ văn Kiệt bị bỏ hoang thì không biết sở Giao thông Vận tải tính toán kiểu gì khi xây cầu vượt mà không chú ý đến mật độ dân, khoảng cách giữa hai cây cầu, trung tâm thương mại… Quốc lộ 22 cả hai bên đường nhà cửa sầm uất. Nơi này rất cần cầu bộ hành thì lại không có. Dải ngăn cách con đường dẫn vào chùa và trạm xe buýt bên kia đường là hàng rào sắt. Đúng luật giao thông, người ta phải đi bộ khoảng 500m tới ngã tư có vạch kẻ dành cho người đi bộ để băng qua đường rồi đi ngược lại 500m nữa để tới trạm xe buýt. Khách bộ hành đành băng ngang đường bằng cách trèo qua hàng rào hoặc người nào ốm o thì nín thở nằm ép mình xuống luồn qua chân hàng rào. Cuối cùng dân chúng giải quyết bằng cách cắt đi một song sắt, chỉ cần nghiêng người là lách qua được để băng ngang con đường xe tãi, xe hơi lao vun vút. Khu Hàng Xanh cũng vậy, mật độ dân và xe lưu thông rất cao nhưng lại không có cầu vượt.

Đó là cầu vượt trên không, ngoài ra còn có hầm bộ hành dành cho người đi bộ. Tuy nhiên cũng chỉ có hai trong số năm hầm được sử dụng. Còn lại ba hầm ít người dùng.

Cũng cầu thang vượt, nhưng nhiều người rất thích các cây cầu ở ngoại quốc. Đó là một trong kiến trúc đẹp mắt của thành phố, chẳng những là nơi người ta có nhu cầu đi qua, mà du khách còn thích thú bước chậm rãi kéo dài thời gian để có thể thưởng thức cảm giác đi trên một cây cầu sạch sẽ, đồng thời ngắm nghía khung cảnh thành phố trật tự và đẹp đẽ ở một độ cao vừa phải.

Không biết chừng nào VN có những cây cầu bộ hành hấp dẫn và hiệu quả như vậy.

SGCN

Cầu Từ Dũ
Xem thêm

Nhận báo giá qua email