Ngăn chặn đại dịch

Trận đại dịch Covid-19 lần này quả thật là có một không hai đưa tới cuộc khủng hoảng y tế và sức khoẻ mà có lẽ chưa ai trong chúng ta từng được chứng kiến. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng một trận dịch có mức độ nguy hiểm tương tự trong tương lai chắc chắn sẽ xảy ra. Thế nên, các nhà khoa học và các giới chức có trách nhiệm về y tế công cộng đang cố gắng đi tìm những phương cách mới, những thiết bị y khoa tối tân, cũng như khái niệm mới trong việc giám sát sức khoẻ công cộng để truy ra những mầm lây bệnh mới kịp thời trước khi chúng lan ra khắp nơi.

Một trong những mô hình về đợt bùng phát khác trong tương lai của một loại vi khuẩn nguy hiểm mới sẽ xảy ra như sau:

Nhiều người sống trong một thành phố bỗng dưng bất ngờ bị sốt và ho, và một số người đã phải nhập viện. Máy chụp phổi nhanh chóng phát hiện những bất thường trong bản chụp phổi của nhiều bệnh nhân. Các nhà khoa học chú ý thấy một mô hình nhiễm trùng lạ trong các mẫu máu được thu thập theo thông lệ. Các mẫu xét nghiệm cho thấy một dịch bệnh nào đó đang lây lan và khiến nhiều người nhiễm bệnh.

Những thiết bị y khoa tối tân và hệ thống giám sát sức khoẻ như nói ở trên sẽ gửi báo động đến các giới chức thẩm quyền về y tế công cộng và chỉ trong vài giờ là người ta có thể xác định loại vi khuẩn mới, sau đó sẽ gửi ngay một đội điều tra để ngăn chặn bằng cách cô lập và điều trị những người đã bị nhiễm bệnh hoặc có tiếp xúc với người bệnh.

Một trong những bài học quan trọng nhất của trận đại dịch Covid-19 là sự phản ứng phải thật nhanh. Khoảng thời gian cơ hội để người ta truy tìm và ngăn chặn một loại vi khuẩn có sức lây lan cực nhanh là vô cùng nhỏ và không thể chấp nhận xảy ra bất cứ sai lầm dù nhỏ đến mức nào. Là vì một khi lỡ để cho dịch bệnh qua mặt thì rất khó có thể quay ngược tình thế. Do đó, phản ứng chậm trong bất cứ trường hợp dịch bệnh nào cũng sẽ là một thảm hoạ.

Nếu nhìn ngược trở lại từ những ngày đầu khi vi khuẩn corona vừa mới xuất hiện, nhiều bằng chứng cho thấy những phản ứng chậm chạp của các chính phủ và giới chức trách nhiệm trong những tuần đầu tiên quan trọng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Các giới chức y tế có thẩm quyền của Trung Quốc vấp phải nhiều thất bại trong việc xác định nguyên nhân của sự bùng phát. Tổ chức Y tế Thế giới đã bị con vi khuẩn áp đảo, để lộ ra những khuyết điểm trong mô hình hoạt động của nó. Chính phủ Hoa Kỳ thì tỏ ra vụng về trong việc tổ chức xét nghiệm trên toàn quốc. Thành phố New York cho thi hành biện pháp đóng cửa quá muộn.

Nói chung, cả thế giới đã không chuẩn bị để đối phó với một trận đại dịch tầm vóc lớn như Covid-19 và cho đến nay đã gây thiệt mạng cho hơn một triệu người, mặc dù có nhiều dấu hiệu cảnh báo trong suốt hai thập niên qua và hàng tỷ bạc đã chi ra nhưng vẫn thất bại.

Các giới chức y tế và các nhà khoa học nay đang rút tỉa kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 để có thể đưa ra những chiến lược mới để có thể ngăn chặn kịp thời trận đại dịch lần tới. Máy chụp phổi thông minh và một mạng lưới sàng lọc mẫu máu là hai trong số những ý kiến mới được đưa ra. Các vị này cũng đang nghiên cứu các thiết bị và phương pháp tiếp cận mới để có thể phát hiện ra những nguồn nhiễm bệnh trước khi chúng lây lan, ngăn chặn các đợt bùng phát mới vừa chớm nở, phản ứng thật nhanh cùng với hệ thống y tế công cộng tốt hơn, thuốc chữa bệnh, thuốc chủng ngừa, cải thiện sự hợp tác toàn cầu và củng cố lại Tổ chức Y tế Thế giới.

Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu nói rằng các quốc gia cần phải đầu tư nhiều hơn nữa trong việc chuẩn bị cho những trường hợp dịch bệnh mới trong tương lai giống y như cách họ chuẩn bị cho chiến tranh hay bất kỳ sự đe doạ nào đối với nền quốc phòng của chính quốc gia họ – với nguồn tài trợ ổn định, chấp nhận chi tiêu như một phần ngân sách cần thiết để giữ cho xã hội được an toàn ngay cả khi không có dịch bệnh. Nếu không có những khoản đầu tư như vậy, các chính phủ sẽ không có đủ cơ sở hạ tầng để có thể đáp ứng nhanh khi tình thế đòi hỏi. Và hành động nhanh hơn sẽ có thể giúp các chính phủ không cần phải sử dụng tới biện pháp đóng cửa gây nhiều thiệt hại cho kinh tế quốc gia.

Trong những thập niên qua, các giới chức y tế thường chú trọng nhiều tới việc chuẩn bị một trận đại dịch gây ra bởi một loại cúm mới, vốn cho tới nay vẫn là một căn bệnh nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cho thấy các giới chức y tế cũng cần phải phòng dự một căn bệnh vô danh nào đó có khả năng lây lan theo những cách khác chưa thấy bao giờ. Do đó người ta bắt buộc phải nghĩ khác trước và phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với những tình huống xấu nhất, kể cả phải chấp nhận thiệt hại đối với kinh tế và xã hội chứ không chỉ là ảnh hưởng lên sức khoẻ của người dân không thôi.

Có điều chắc chắn là đại dịch sẽ xảy ra trong tương lai. Việc sản xuất thịt, khai phá rừng và những thay đổi khác liên quan đến kinh tế và xã hội đưa con người tới gần hơn với động vật hoang dã và gia súc, và con số dịch bệnh gây ra bởi những loại vi trùng mới xuất phát từ thú vật ngày càng gia tăng nhiều hơn. Do đó dịch bệnh trong thế kỷ 21 sẽ xảy ra thường xuyên hơn và cũng phức tạp hơn. Cách tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh là ngay từ đầu phải ngăn cản không cho vi khuẩn từ động vật lây sang người.

Kinh phí dành cho việc nghiên cứu những loại dịch bệnh mới trước đây tương đối khiêm tốn, nhưng nay đã có nhiều chính phủ trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, đang đổ nhiều tiền hơn vào trong những chương trình nghiên cứu này. Viện nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) gần đây đã thành lập một mạng lưới nghiên cứu toàn cầu để nghiên cứu về những loại vi khuẩn từ động vật có nhiều khả năng nhất có thể truyền nhiễm qua người, cũng như nghiên cứu về những yếu tố liên quan đến hành vi và sinh thái có thể làm bùng phát dịch bệnh, và một chiến lược để ngăn chặn chúng lại. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ cũng đang tài trợ cho một nhóm gồm các chuyên gia nghiên cứu về bệnh tật ở người và ở động vật hoang dã để làm việc với các quốc gia khác nhằm làm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do vi khuẩn từ động vật gây ra.

Một đề xướng có tên gọi là Dự án Vi khuẩn Toàn cầu đang cố nhắm tới việc truy tìm và giải mã tất cả mọi loại vi khuẩn từ động vật hiện chưa được xác định chắc chắn nhưng có khả năng có thể lây nhiễm sang người. Các giới chức điều hành dự án ước tính công việc này sẽ tốn khoảng $3.7 tỷ. Họ ước tính có khoảng từ 631,000 đến 827,000 loại vi khuẩn nói trên.

Để hoàn toàn ngăn chặn tất cả mọi sự lây lan là điều không thể. Thay vào đó, mục tiêu của các nhà nghiên cứu là tìm cách ngăn chặn thật nhanh hoặc ít ra là hạn chế sự lây lan của mầm bệnh mới sang qua người. Giả sử nếu như đại dịch Covid-19 được phát hiện sớm hơn và các giới chức y tế Trung Quốc có thể chia sẻ những thông tin liên quan với thế giới ngay từ đầu thì có lẽ Covid-19 đã không trở thành đại dịch và sự thiệt hại sẽ không quá kinh khủng.

Một trong những ý kiến để có thể phát hiện thật sớm là thiết kế một loại thiết bị có khả năng báo hiệu nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường trong hình chụp phổi của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ có thể kiểm tra bản chụp để đưa ra kết luận rằng thực sự có dấu hiệu kỳ lạ trong bản chụp phổi đó hay không.

Một số nhà khoa học khác thì nói đến việc truy tìm mầm bệnh mới khi chúng còn đang âm thầm lưu hành trong dân chúng nhưng chưa phát tán, chẳng hạn như bằng cách tìm kiếm dấu hiệu của những loại vi khuẩn lạ trong nước thải tại một số nơi có tiềm năng trở thành điểm nóng, thay vì chờ tới khi người ta bị nhiễm bệnh rồi mới xét nghiệm. Hiện có nhiều nhóm, trong đó có Đại học Northeastern, đã và đang tiến hành thử nghiệm nước thải để tìm loại vi khuẩn corona mới.

Một ý kiến khác từ các nhà dịch tễ học và miễn dịch học thuộc Đại học Harvard thì cho thiết lập một mạng lưới quan sát và sàng lọc các mẫu máu thường xuyên tại tất cả mọi thành phố lớn trên thế giới để biết được những căn bệnh nào, đã biết hoặc chưa biết, hiện đang xuất hiện trong dân chúng. Nếu có được một hệ thống giám sát sức khoẻ công cộng như trên tại Hoa Kỳ ngay từ hồi đầu năm nay, khi các dụng cụ xét nghiệm và chuẩn đoán chưa đầy đủ, thì các giới chức y tế đã có thể phát hiện vào lúc đó rằng dịch bệnh Covid-19 đang lây lan.

Một trung tâm dự báo bệnh truyền nhiễm, dựa theo mô hình của Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia, sẽ giúp dự đoán dịch bệnh bùng phát ra sao để các giới chức y tế biết cách đối phó kịp thời trước khi dịch bệnh biến thành thảm hoạ đại dịch.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email