Ngày đầu đời lính

Bữa nhậu “chào sân” đi vào rôm rả. Chai Martel đi trước, chai Nếp than theo sau. Ly xây chừng rót rượu ngang miệng không ngớt xoay vòng, đến người nào người đó phải uống một hơi, ai uống hai hơi sẽ bị phạt uống thêm ly nữa! Martel hai tua là cạn. Nếp than hai tua cũng ngót. Chưa đã. Duy bảo người chạy ra quán xóm trước rước về một can rượu đế! Một can là hai mươi lít, nước lạnh uống cũng chết nói chi rượu. Rượu gạo thôn quê ngọt, thơm, và cao độ. Nhà binh không uống đế bằng ly bằng chén mà đổ hết vào một cái chậu thau lớn với một góc cây nước đá nằm giữa làm lạnh rượu. Chậu đến người nào, người đó bưng chậu lên kê miệng vào hút một hơi cho hết phần rượu của mình theo thước đo đã vạch sẵn, càng về phía đáy thau vạch càng xa dần. Ai không hút có thể múc phần rượu của mình vào ca nhưng cũng phải nốc một hơi đến cạn. Can thứ nhất hết. Can thứ hai được rước về. Trên dưới dù mạnh rượu đến cỡ nào cũng đã lè nhè, mạnh ai nấy nói, ai nói nấy nghe!

Hưng không uống được nhiều, chầu Martel thứ hai đã chếnh choáng, chầu Nếp than thứ nhất liền cho chó ăn chè, cho dẫu mỗi chầu anh chỉ xin bằng nửa của anh em khác. Thấy Hưng đã xỉn, Duy bảo Lạc và Trí dìu anh về. Lâm giúp đặt Hưng lên giường, treo mùng muỗi, đắp mền, rồi lấy khăn mặt của Hưng ra nhúng nước lạnh đắp lên trán Hưng. Mặc nguyên đồ trận giày xô, Hưng nằm ngay đơ trên chiếc giường vải hẹp, thiếp đi vì một ngày vất vả và vì thấm men rượu. Anh thở nặng chìm vào giấc ngủ mê man. Sau một giấc ngủ dài, rượu tan phần nào, anh tỉnh dậy, đầu nặng, tâm trí mơ hồ. Nhìn đồng hồ, đã quá nửa đêm. Loạng choạng bước ra sân, anh tìm chỗ giải quyết bụng căng đầy nước. Tiền đồn chỉ có hố phân, chuyện nhỏ hơn giải quyết vào đâu cũng được miễn đừng xuống giao thông hào. Thời tiết đã vào đông nhưng miền Trung chỉ có hai mùa mưa nắng, mưa thì bùn lầy bẩn thỉu, nắng thì nóng nực khô khan. Đêm nay không mưa, trời trong vắt đầy sao lấp lánh. Xa xa, chung quanh tiền đồn, ếch nhái ễnh ương đua nhau kêu ì oàng uồm uộp, côn trùng hòa theo ra rả rích rích như tiếng trầm tiếng bổng đối đáp của dàn nhạc đại hòa tấu. Ngoài tiếng côn trùng ếch nhái, làng xóm bên ngoài chìm trong bóng đêm, không một tiếng mèo kêu chó sủa, một ngọn đèn leo lét cũng không. Giải quyết xong chuyện cần giải quyết, Hưng cảm thấy một điều gì rờn rợn khác thường. Côn trùng ếch nhái đang rền vang đột nhiên ngưng bặt. Màn đêm đột ngột chuyển từ ồn ào sang lặng ngắt làm anh cảm thấy bứt rứt không an, nhất thời chẳng hiểu tại sao. Bỗng nhiên, lởn vởn trong đầu anh bài giảng của Đại úy Giảng viên Chiến thuật trong một bài học dạ chiến:

“Các anh nhớ kỹ, thôn quê ban đêm côn trùng ếch nhái kêu ra rả. Nếu đột nhiên chung quanh ngưng tiếng, im lặng như tờ, mà không có người hay con vật nào đi đến, đó là dấu hiệu địch quân đang tiến gần, phải báo động ngay.”

Giảng viên nói tiếp:

“Lý do hả? Dễ hiểu thôi. Côn trùng nín lặng vì cảm nhận được chân người hoặc súc vật từ xa đi tới. Ban đêm tiền đồn hoặc nơi phục kích, ai, súc vật nào đến gần nếu không phải là Việt Cộng?”

Bài học là thế, kinh nghiệm thì chưa, Hưng chưa biết nên tiến thối thế nào. Báo động mà không có địch, anh sẽ trở thành trò cười cho đám binh lính. Không báo động, nếu quả thực địch tới, anh sẽ vi phạm một sai lầm to lớn. Suy nghĩ rất nhanh, anh vào khẽ khàng đánh thức Lạc, thì thào:

“Lạc này, bên ngoài côn trùng đang kêu đột nhiên im phăng phắc, liệu có chuyện gì không, theo kinh nghiệm của cậu?”

Đúng là dân tác chiến kinh nghiệm đầy mình, Lạc ngồi phắt dậy nghe ngóng, rồi đưa ống nhòm qua lỗ châu mai quan sát bên ngoài. Theo sát bên Lạc, Hưng cũng đưa ống nhòm lên mắt. Trời tối, ánh sao lấp lánh trên cao không đủ soi sáng cảnh vật bên dưới nhưng đủ để phản chiếu loang loáng mảnh gương hoặc kim loại. Lạc thì thầm:

“Có chuyện rồi, Chuẩn úy. Chuẩn úy bảo Lâm đánh thức anh em dậy vào vị trí, bảo Trí gọi máy báo Đống Đa. Anh em Trung đội biết phải làm gì, Thiếu úy khỏi lo. Tôi bò ra vọng gác chờ Chuẩn úy ở đó.”

Không đợi bảo thêm, Hưng bước vội đến đánh thức Trí và Lâm, ra lệnh cho Lâm đánh thức anh em, cho Trí gọi máy báo cáo Đại đội. Đã quen thuộc với việc phòng thủ, Trung đội Ba của Hưng không đợi lệnh, người nào người nấy lẵng lặng bò ra giao thông hào vào vị trí, đạn lên nòng, khóa an toàn mở, sẵn sàng tác chiến. Để chắc ăn, Hưng ra lệnh cho Lâm trực tiếp lên trình với Đại đội Trưởng. Xong xuôi, anh vội vàng nai nịt nón sắt áo giáp, lưng đeo Colt45, tay cầm M16 bò ra vọng gác gặp Lạc. Trí theo sát bên Hưng, máy PRC25 kêu rè rè nhè nhẹ.

Hồi hộp vì sắp đụng độ ngay ngày đầu tiên thực sự sống đời lính tiền đồn, Hưng đột nhiên nhận ra giá trị của hình phạt dạ chiến tại Quân trường. Sinh viên Sĩ quan Quân trường thường bực bội vì sự vô lý của lệnh phạt và của các hình phạt phải thi hành. Sinh viên bị phạt dạ chiến có thể do vi phạm bất cứ lỗi lầm nào, có khi chỉ là một lỗi lầm không quan trọng, nhúc nhích là dạ chiến: ăn chậm, dạ chiến; tập họp trễ, dạ chiến; giày không bóng mền không vuông, dạ chiến; quên chào kính, dạ chiến. Dạ chiến, chiến đấu ban đêm, là một hình thức phạt quân kỷ mà lệnh phạt có thể được thi hành ngay từ bắt đầu giờ ngủ hoặc từ bất cứ giờ nào trong đêm. Hình phạt chỉ nhắm đến sinh viên phạm lỗi, nhưng thực sự tác động đến cả Trung đội, đến toàn Đại đội có sinh viên liên hệ, và có khi đến cả các Đại đội chung quanh. Một số anh em Trung đội liên hệ phải thức để giúp sinh viên bị phạt. Đại đội liên hệ và các Đại đội chung quanh có thể không ngủ được do chào xáo mệnh lệnh ồn ào. Đến giờ Sĩ quan Trực Đại đội muốn, Sinh viên Trực xuống Trung đội đánh thức Sinh viên bị phạt. Biết trước đêm nay lệnh phạt sẽ được thi hành, Sinh viên bị phạt đã đi ngủ với nguyên áo quần trận. Vì thế, khi bị đánh thức, Sinh viên bị phạt liền vụt choàng dậy, xỏ vội chân vào giày trận, khoác vội balô lên vai trong đó đã có các thứ theo qui định, chụp nón sắt lên đầu, mang súng vào vai, rồi hồng hộc chạy ra giữa sân Trung đội đứng nghiêm, bắt súng chào, hô lớn:

“Sinh viên Sĩ quan…, số quân…, Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, trình diện Sĩ quan Trực và đợi lệnh.”

Sĩ quan Trực đi ra đứng trên thềm, đưa tay chào lại, ra lệnh “Thao diễn, nghỉ!” rồi bước xuống đi quanh Sinh viên bị phạt một vòng. Quay lại thềm nhà, Sĩ quan Trực ra lệnh:

“Hai chục hít đất.”

Nhịp nhàng đổi súng chào thành thế súng cầm tay rồi súng mang vai, Sinh viên bị phạt hô lớn:

“Tuân lệnh. Hít đất vào thế. Một. Hai. Ba. Bốn… Hai mươi.”

Sinh viên đứng lên, sửa lại quân phục, bắt súng chào, rồi hô lớn:

“Trình diện Thiếu úy, hít đất hai chục xong!”

Sĩ quan Trực ra lệnh tiếp:

“Chân phải bốt đơ xô, chân trái giày vải, quần trận, áo vàng, cà vạt, nón cát-két. Trình diện sau 10 phút.”

Sinh viên bị phạt đứng nghiêm, bắt súng chào, hô lớn “Tuân lệnh” rồi chạy như bay vào nhà Trung đội, súng ống mũ nón đập vào nhau kêu loảng xoảng. Ẩn nấp để nghe lệnh phạt, bạn bè cùng trung đội với sinh viên bị phạt hộc tốc chạy vào nói lớn lệnh phạt vừa nghe được. Lập tức, mỗi người một tay lấy từ tủ quần áo của sinh viên bị phạt ra trang phục kỳ quái theo lệnh phát, chuẩn bị sẵn sàng. Sinh viên bị phạt ùa vào phòng, nằm xuống đưa chân ra cho bạn cởi giày thay giày, đưa tay ra cho bạn cởi áo thay áo, đứng lên cho bạn trang bị các thứ theo lệnh phạt. Xong xuôi, bạn bè tròng balô lên vai, đặt súng vào tay, đội nón lên đầu anh ta, rồi đẩy anh ta ra khỏi cửa phòng. Lại trình diện. Lại bị phạt, hai chục nhảy xổm. Lại hốc tốc chạy vào để ăn mặc hoặc thi hành đủ mọi kiểu trang phục và đủ mọi loại hình phạt kỳ quái mà Sĩ quan Trực có thể nghĩ ra. Dạ chiến một giờ, ba bốn giờ, hoặc cho tới suốt đêm, bị hành hạ nhiều hay ít tùy lỗi nặng nhẹ Sinh viên vi phạm và tùy chủ quan của Sĩ quan Trực, không theo một qui trình điều lệ nào, hoặc có qui trình điều lệ mà Sinh viên Sĩ quan không được biết đến. Thông thường, dù lâu hay mau, dù nặng hay nhẹ, Sinh viên bị phạt sau khi chào kính và hô lớn “Lệnh phạt thi hành xong” liền ngã quay xuống đất vì kiệt sức. Chẳng ai lạ gì chuyện có thể xẩy ra, bạn bè vội dìu người bị phạt vào phòng. Vất vả suốt đêm không có nghĩa sinh viên bị phạt và các sinh viên liên hệ được miễn tiếp tục học tập huấn luyện theo chương trình đã định cho ngày hôm sau. Để giải thích lý do và mục đích của hình phạt dạ chiến, Cấp Chỉ huy nói:

“Rồi các anh sẽ thấy lợi ích của sự rèn luyện mà các anh cho là vô lý vô nhân này. Các anh nghĩ xem, Việt Cộng có chờ các anh ngủ đầy giấc mới đến tấn công không? Có cần giải thích lý lẽ tại sao chúng tấn công các anh không? Chiến trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu, các anh nghe nhiều thành quen mà không suy nghĩ cho sâu đổ mồ hôi bằng cách nào nếu không bằng rèn luyện?”

Giờ phút này, Hưng nhận ra lợi ích của hình phạt dạ chiến. Địch quân tấn công bất cứ ngày đêm, người lính bất cứ lúc nào cũng phải tỉnh táo nhận đình tình huống chính xác và hữu hiệu.

Đang chăm chú quan sát động tĩnh, Lạc thì thầm bảo Hưng khi Hưng đến gần:

“Tụi nó lợi dụng các cấp say rượu định thình lình làm thịt mình, ngờ đâu lại bị Ông Thầy phát hiện. Phen này mình lột da tụi nó.”

Hưng thành thực bảo Lạc:

“Lạc cứ tiếp tục chỉ huy trung đội, mình cần học hỏi cậu.”

Lạc nhẹ gật đầu, tự nghĩ không cần phải khiêm nhượng lúc này. Màn đêm dày đặc bao trùm tiền đồn lẻ loi heo hút. Im lặng nặng nề chờ đợi. Không khí rờn rợn e ngại. Hưng nửa bồn chồn mong xẩy ra điều gì sẽ phải xẩy ra, nửa lo lắng không biết hiểm nguy nào đang chờ đợi. Bỗng tiếng máy truyền tin kêu rè rè. Trí áp ống liên hợp lên nghe rồi đưa cho Hưng:

“Đống Đa gọi.”

Tiếng Duy rè rè trong máy:

“Hồng Hà, Đống Đa gọi, nhận rõ trả lời.”

“Hồng Hà nghe năm trên.”

“Xong hết chưa?”

Hưng thì thào:

“Trình Đống Đa, xong hết rồi,.”

“Cậu thận trọng, khách chắc đến thăm nhà cậu trước.”

“Xin mời họ đến. Đống Đa sang chơi không?”

“Tớ sang ngay khi khách đến. Cậu yên tâm.”

Lạc bảo Hưng:

“Chuẩn úy, tôi xuống giao thông hào với Trung đội.”

“Tụi nó đến, ta phải làm gì?”

Lạc nói ngay không suy nghĩ dài dòng:

“Đợi tụi nó cắt kẽm gai chui vào rồi Chuẩn úy ra lệnh bắn.”

“Sao phải đợi đến lúc đó?”

“Để tụi nó lúng túng giữa hai lớp rào, và đám còn lại bên ngoài mất tinh thần.”

“Lúc nào phải ra lệnh bắn? Hay thôi, Lạc ra lệnh đi, mình chưa quen.”

Lạc gật đầu:

“Tuân lệnh Chuẩn úy.”

Lạc lom khom đi xuống giao thông hào. Trong vọng gác còn lại năm người: Hưng, xạ thủ, phụ xạ thủ đại liên, Trí, và Lâm. Bỗng tiếng PRC 25 lại rè rè:

“Tư Tưởng, Sơn Tây, Lê Lai, Hồng Hà. Đống Đa gọi, trả lời.”

Lần lượt Tường, San, Long, rồi Hưng đáp vào máy:

“Nghe Đống Đa năm trên.”

“Sẵn sàng chưa?”

“Sẵn sàng.”

Đứng lom khom trong vọng gác hẹp, Hưng lom lom trố mắt cố nhìn xuyên bóng đêm dày đặc qua lỗ châu mai. Đêm cuối tháng một đen đặc. Trên lỗ châu mai, anh gác khẩu M16 đã mở khóa an toàn, đạn đã lên nòng, ngón tay đặt trên cò sẵn sàng bấm. Phía bên kia, Lâm cũng lom lem khẩu M16 gác trên lỗ châu mai. Chính giữa vọng gác, khẩu đại liên M60 nòng súng chĩa ra ngoài, xạ thủ co duỗi ngón tay trên cò súng, phụ xạ thủ nâng dây đạn sẵn sàng. Với góc độ này, đại liên quét đường đạn theo hình rẽ quạt sẽ bao trùm hết phần doanh trại mà Trung Ba có nhiệm vụ phòng thủ. Tất cả căng thẳng chờ lệnh. Thỉnh thoảng, Hưng đưa ống nhòm lên mắt nhìn ra nhưng chẳng thấy gì rõ rệt. Ngày ở Quân trường, anh đã nghe nói đến ống nhóm hồng ngoại tuyến và ước chi giờ này có được một cái. Bỗng, xạ thủ đại liên thì thào:

“Cắt hàng rào.”

Hưng lắng tai nghe. Loáng thoáng có tiếng lắc cắc thật khẽ khàng mà người không kinh nghiệm chiến trường khó có thể nhận ra. Mới ngày đầu tiên thực sự sống đời lính tiền đồn, anh đã học được biết bao nhiêu bài học mà Quân trường không cách nào dạy cho thấu đáo từng góc cạnh của thực tế chiến trường. Bỗng, tiếng Lạc vang lên gọn sắc:

“Bắn.”

Hỏa lực Trung Ba đồng loạt nổ ran. Hơi chúi nòng khẩu M16, Hưng bấm cò ria đạn đến các mục tiêu lờ mờ. Bên trong vọng gác, đại liên quét dòn tan theo hình cánh quạt, thỉnh thoảng các viên đạn lửa định hướng lóe lên trông như các tia sao xẹt xé đêm đen. Bên ngoài, nhiều tiếng hét thảng thốt. Yếu tố bất ngờ mà anh học lóm được, nghe nói là của Binh pháp Tôn Tử, bây giờ được chứng minh là chiếm thế thượng phong. Qua ánh hỏa châu soi sáng bắn lên từ Trung đội Chỉ huy, Hưng thấy địch quân lố nhố hỗn loạn như đang phân vân không biết nên tiến hoặc nên lùi. Tiếng hô “xung phong, xung phong” dồn dập vọng lại từ bên ngoài chìm trong tiếng đạn réo, tiếng kêu la rên siết của địch quân. Hưng thầm nghĩ địch quân chắc đang thắc mắc tại sao kế hoạch của chúng bị bại lộ. Đồng thời, trí óc anh lóe lên câu hỏi tại sao địch quân biết hôm nay các cấp chỉ huy Đại đội nhậu say để lên kế hoạch tấn công? Sẽ chẳng có chuyện ăn nhậu hôm nay nếu anh không đến trình. Phải chăng đã có một tên nội tuyến nào đó trong đơn vị?

Ba mặt tiền đồn súng đồng loạt nổ ran, chỉ mặt trước song song với con đường đất đỏ là im lặng. Đáp lại tiếng đại liên dòn tan từ trong vang ra, thượng liên Việt Cộng cũng từ ngoài vọng lại, đầu đạn chạm cọc sắt kêu leng keng, chạm bờ đất kêu bì bộp. Đạn lửa chéo nhau lóe sáng rồi vụt tắt. Khói súng khét lẹt. Trên đầu, hỏa châu chập chờn bừng sáng rồi tắt lịm. Bỗng anh thấy một quầng sáng da cam lóe lên ngay trước mặt anh rồi một tiếng nổ long trời. Đất đắp vách và cát từ các bao đựng cát che chắn quanh vọng gác đổ xuống rào rào. Lợi dụng lúc đại liên Trung đội anh tạm ngưng thay băng đạn, địch ngóc đầu lên nhắm bắn một quả B40 vào vọng gác. Lâm la lên:

“Bị rồi Chuẩn úy.”

Chưa kịp hiểu ra ai bị, bị gì, Hưng thấy ngay xạ thủ đại liên của anh đang khuỵu xuống, máu từ vai phọt ra. Không chần chờ, anh bước vội qua thay xạ thủ đại liên, bấm cò nhả đạn. Băng đạn vừa ráp xong bị nuốt dần vào họng súng, đầu đạn phóng ra phía quân địch. Vừa bấm cò anh vừa thét bảo truyền tin:

“Xin Cứu thương.”

Trí gào vào ống liên hợp:

“Đống Đa, Đống Đa, Hồng Hà gọi, nghe rõ trả lời.”

Có tiếng PRC25 rè rè, rồi tiếng nói:

“Nghe Hồng Hà năm trên, nói đi.”

“Trình Đống Đa, Hồng Hà bị một, cần Chữ đỏ.”

“Năm trên. Chữ đỏ có liền.”

Y tá đại đội lúp xúp theo giao thông hào chạy đến. Cùng lúc đó, những tiếng ạch ạch từ Trung đội Chỉ huy phóng ra cùng với tiếng uỳnh oàng đáp lại vọng vào từ bên ngoài: Đại đội bắn súng cối chặn đường địch lui quân. Địch lâm vào thế tiến thối lưỡng nan, tiến thì ăn hỏa lực bắn ra, thối thì lãnh đạn súng cối chặn lại. Cùng lúc đó, từ xa vọng lại tiếng cánh quạt trực thăng phành phạch, rồi một chụp đèn pha sáng chói quét qua quét lại trên vùng địch. Đạn đại liên từ trên trực thăng xả chụp xuống đầu quân địch. Nhiều đợt còi ré lên; địch quân rút lui. Dưới ánh đèn pha sáng hơn ban ngày, Hưng thấy rõ địch quân lô nhô tháo chạy. Anh nghiến răng nâng cao mũi đại liên quét theo. Trực thăng bay đi. Súng cối ngưng tiếng. Súng lớn súng nhỏ im lặng. Tiền đồn và cả vùng đồng ruộng chung quanh đột nhiên chìm vào một sự tĩnh mịch lạ lùng tưởng có thể nghe được hơi thở của cơn gió lướt lao xao trên đầu ngọn cỏ. Hưng buông súng, toàn thân rã rời. Anh đứng tại chỗ thở mạnh mệt nhọc tưởng chừng nghe được hơi thở thoát ra từ hai buồng phổi và tiếng đập thình thịch của con tim anh trong lồng ngực. Lát sau, anh lảo đảo nắm khẩu M16, chân bước bay bỗng đi xuống giao thông hào kiểm tra tình hình Trung đội. Trí mang máy, Lâm cầm súng, lẳng lặng theo sau. Có tiếng máy truyền tin rè rè:

“Hồng Hà, khá lắm. Congratulations. Nghe rõ trả lời.”

Hưng nói vào ống liên hợp:

“Năm trên. Cám ơn Đống Đa, nhờ Đống Đa yểm trợ.”

Thấy Hưng đi đến, Lạc đưa tay chào, nhoẻn miệng cười:

“Chuẩn úy cừ lắm.”

Lời khen thành thật làm Hưng cảm thấy tự hãnh diện với chính mình. Lần chạm địch đầu đời lính, anh đã không làm mất thể diện của một Sĩ quan Thủ Đức cho dẫu mới ra lò. Dẫu vậy, anh khiêm nhượng bảo Lạc:

“Nhờ Lạc cả thôi. Không có Lạc, thực sự mình chẳng biết mô tê nào mà lần.”

Lạc đổi giọng:

“Tôi nói thật tình đó, Ông Thầy. Lần đầu tiên đụng độ không mấy người bình tĩnh được như Ông Thầy đâu. Trận này Ông Thầy lập được nhiều công lắm, phát hiện ra địch để ta nắm thế chủ động, thay thế xạ thủ đại liên phản ứng kịp thời, và bình tĩnh điều động anh em. Mới ra trường như Ông Thầy, đặc biệt vốn là nhà giáo chẳng quen xông pha mà được như thế là Ông Thầy bảnh lắm rồi.”

“Cậu quá khen mình thôi.”

“Không đâu Ông Thầy. Tôi đã chứng kiến nhiều sĩ quan cứ nghe tiếng súng là co đầu rụt cổ, lắp bắp nói chẳng thành tiếng, tay chân run rẩy không còn tự kiểm soát được.”

Hưng tự nhủ, rụt cổ so đầu tránh súng đạn được sao? Người ta thường nói đạn tránh người chứ người không tránh đạn. Thận trọng tính toán không đồng nghĩa với hèn nhát; hèn nhát chỉ làm chính mình tự khinh mình và làm mất lòng kính trọng của đồng đội.

* * *

Sáng sớm hôm sau, Trung đoàn Trưởng, Tiểu đoàn Trưởng, Cố vấn, và phái đoàn đến thị sát chiến trường và ân thưởng người có công trạng. Nhiều anh em đã được huy chương các hạng, trong đó có Hưng. Riêng Lạc được thăng cấp Thượng sĩ. Khi phái đoàn thị sát bay đi, Duy cho đại đội khao quân. Nâng lon bia, Long oang oang chúc mừng Hưng:

“Chúc mừng Trung Trưởng Trung Ba. Nhà giáo không mềm mà hóa ra cũng cứng ra phết.”

Tường cười:

“Long ơi, anh muốn Hưng mềm hoài sao được? Mềm hoài thì làm ăn gì được?”

San cười:

“Anh Hưng cứng thì đã rõ rồi. Chiến thắng hôm nay một phần nhờ cái đó của anh cứng lên, phải không anh Hưng?”

Long cười:

“Đúng vậy, đúng vậy. Không ngờ chỉ cần cái đó cũng đủ đánh thắng được Việt Cộng!”

Duy nói:

“Các cậu. Cái đó chỉ là phần phụ, phần chính là bài học Quân trường. Nếu Hưng không kịp thời nhớ lại bài đã học thì mười cái đó của các cậu cứng lên cũng chẳng được tích sự gì. Phải vậy không Hưng?”

Hưng nhún nhường:

“Trình Trung úy, tôi cho là nhờ phúc phận của Đại đội và nhờ Trung úy yểm trợ, cá nhân tôi chẳng tài cán gì.”

Tường xen vào:

“Thầy Hưng đừng nhún nhường chi nữa. Mới ngày đầu chào sân mà lập được chiến công thế này chẳng phải ai cũng làm được đâu.”

Hưng chưa biết phải trả lời thế nào thì San nói ngay:

“Anh Long nói đến chuyện cứng làm tôi nhức răng. Đại đội Phó ơi, hay mình xin phép Đại đội Trưởng ngày mai đi chữa răng, sẵn dịp mừng anh Hưng luôn, được không?”

Duy hơi cau mày nhưng mỉm cười nói:

“Cậu San này, ít tuổi nhất mà lúc nào cũng nhức răng đòi đi chữa.”

San cười hà hà:

“Tuổi trẻ tài cao mà Trung úy. Mà Trung úy cho phép không?”

Duy không trả lời cho phép hay không cho phép, chỉ quay lại nâng lon bia mời Hưng uống. Biết Duy không nói không cho phép mà chỉ im lặng nghĩa là cho phép nhưng không tiện nói ra, San vỗ vai Long:

“Anh Long rủ anh Hưng ngày mai ta cùng đi.”

Long cười:

“Hưng thì chưa biết sao, nhưng tôi không đi đâu. Thiếu úy Tường và anh cứ tự nhiên.”

San quay qua Hưng nói lớn:

“Anh Hưng ơi! Ngày mai đi chữa răng với tụi này không?”

Hưng ngay tình trả lời:

“Răng tôi đau gì đâu mà phải chữa? Mà ở đây cũng có Nha sĩ chữa răng sao?”

Mọi người òa lên cười. Hưng ngẩn người chẳng hiểu tại sao, chẳng hiểu anh đã nói điều gì sai làm mọi người cười. Lạc nín cười bảo Hưng:

“Trên quận thiếu gì nha sĩ, Chuẩn úy Hưng ơi. Còn răng thì xa nhà xa vợ thế này, sớm muộn gì cũng bị đau thôi!”

Hưng nhìn San rồi quay qua nhìn Long chẳng biết phải trả lời thế nào vì không hiểu mọi người định nói gì, bụng rất muốn tìm hiểu nhưng chưa biết phải hỏi ai, hỏi cách nào. Lạc nói tiếp:

“Thiếu úy San ơi! Thiếu úy Hưng tôi chưa hiểu là chuyện gì, làm sao trả lời đi hay không đi được?”

Hưng đứng ngẩn người, ngơ ngác nhìn mọi người. Long bảo Hưng:

“Xong cuộc, tao giải thích sau.”

* * *

Chiều đã xuống sâu. Toán trực đã hạ cờ. Đường đã thưa xe cộ, vắng người qua lại. Hoạt động thị trấn nhỏ bắt đầu lắng xuống, hàng quán bên kia đường chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày vất vả. Xóm làng xa xa chung quanh tiền đồn đang chuẩn bị cơm chiều, khói lam vật vờ trên các mái tranh lụp xụp ẩn mình dưới các chòm cây. Tiệc khao quân đã chấm dứt, sớm và ít hơn bữa nhậu hôm Hưng mới đến vì Duy luôn miệng nhắc nhở:

“Các cậu, các cậu, vừa vừa thôi, phúc bất trùng lai. Tối nay mà tụi nó phục thù trong khi cả đại đội say mèm thì chỉ có chết.”

Mọi người lần lượt đứng lên. Ai đó nói đùa:

“Đúng rồi, Trung úy nói đúng, không ai có được cái đó quí như của Chuẩn úy Hưng để đánh tan Việt Cộng lần nữa đâu.”

Người khác cười ha hả:

“Đánh Việt Cộng dễ ẹt! Chỉ cần cái đó như của Chuẩn úy Hưng cứng lên là đủ rồi!”

Mỉm cười ngượng nghịu vì anh em đùa có phần quá trớn, Hưng theo Long đi ra Sân Cờ. Không thấy ai đứng gần, Hưng hỏi Long:

“Mày giải thích tao nghe họ nói cái gì mà nhức răng với chữa răng vậy?”

Long cười hì hì:

“Nhức răng là cái bệnh mấy thằng độc thân hoặc xa vợ lâu ngày cần giải quyết; nha sĩ là các cô gái làm nghề chữa răng. Hiểu chưa?”

Hưng đấm vào vai Long:

“Quỉ thật. Mà mày mới đến sao cũng đã hiểu chuyện đó?”

“Tụi nó nói liền miệng. Lúc đầu, tao đâu hiểu mô tê gì cho đến mấy ngày sau có đứa giải thích.”

Hưng phì cười:

“Nhi mà nghe thấy, cố ấy bỏ tao lập tức.”

Trên đường về doanh trại, Hưng ngẩn ngơ vì hình như đã quên một điều gì quan trọng. Bước chân qua cửa, nhìn thấy hình Nhi đặt cạnh giường, anh nhớ lại chưa kịp viết thư cho Nhi biết anh đến đây và sinh sống thế nào. Mở balô lấy ra tập giấy mang theo sẵn, anh kê lên thùng đạn, hí hoáy viết:

KBC …, ngày… tháng… năm…,

Nhi thân yêu của anh….

Chỉ mấy ngày mà đã xẩy ra cho anh biết bao nhiêu chuyện, và anh cũng đã học được biết bao nhiêu điều ở đơn vị mới. Sống chưa trọn hai mươi bốn giờ đầu tiên cuộc sống người lính tiền đồn, anh đã được súng đạn chiến trường thực sự chào mừng….

Trần Hữu Thuần

Grand Rapids, Michigan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email