Ngày Giỗ Buồn

Hai mươi ba tháng mười – Đó là ngày giỗ buồn đối với 39 người Việt mất tại Anh năm ngoái. Năm nay sắp đến ngày giỗ đầu, xin được thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến họ, những đồng hương không may bỏ mạng trên hành trình đi tìm miền đất hứa. Quả thế, câu chuyện thương tâm của họ nhắc nhở chúng ta giá phải trả cho khát vọng đi tìm tự do không hề rẻ, đôi khi giá phải trả ấy là chính mạng sống.

Mới đó mà đã đó. Giỗ đầu 39 đồng hương đã đến. Những bản tin cách đây một năm đánh đi. Người thân bên nhà sốt ruột trước cảnh tình ngàn cân treo sợi tóc. Những lo lắng đêm ngày. Ruột gan hừng hực như lửa đốt. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Những đứa con rời bỏ quê hương tìm đến bến bờ xa lạ là tia hy vọng duy nhất cho người thân còn ở lại. Họ là niềm tin chan chứa, là bát cơm, là tương lai, là kỳ vọng của những đổi đời tốt đẹp.

Vâng. Không chỉ Nghệ An hay Thanh Hóa, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S khát khao được mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp luôn là một khát khao chính đáng. Nếu đó là một phát biểu nhận định chấp nhận được, liệu 39 đồng hương dám đương đầu với rủi ro lớn lao, dám chấp nhận những cái giá đắt phải trả có để lại trong bạn đôi điều đáng suy ngẫm về vị trí của những “di dân lậu” trong bối cảnh chính trị xã hội toàn cầu hôm nay? Họ có khác những sắc dân khác trên hành trình đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn? Hay đã là “di dân lậu” nghiễm nhiên đáng bị nên án, đáng bị chê trách, đặc biệt khi đặt họ vào bối cảnh “di dân lậu” từ những nước nghèo kéo đến những nước giàu, tranh giành công ăn việc làm với người bản xứ, làm hỏng đi giá trị văn hóa thuần chủng, phá hỏng tinh thần quốc gia của nước bản xứ, là tệ nạn, là tội phạm, là nguy hiểm…     

Những gì bạn đọc cách đây một năm, thi thể 39 đồng hương tìm thấy trong thùng xe tại một bãi đậu xe của một khu công nghiệp vắng người, gẫm kỹ lại, phải chăng chỉ đơn giản là một phần của bức tranh cuộc sống nghiệt ngã. Nó khắc họa sâu hơn số phận con người, những toan tính mưu sinh, trò đùa số phận quá tay, con xúc-xắc định mệnh nào đã được quẳng ra; để rồi tấm bài vị trên bàn thờ vấn vương mãi những sợi khói buồn. Đời người. Cuộc sống. Vượt biên. Tìm tự do. Tìm bát cơm. Những khát vọng… Họ đáng trách hay đáng cảm thông đây?

Thị dân trấn Grays, cách Luân Đôn 20 dặm về hướng đông, bữa đó là thứ tư, khi nghe tin 39 người chết ngạt trong một thùng xe tải, trong đó có một em nhỏ, lòng họ đã thổn thức thương cảm cho số phận của những người không may mắn. Khu công nghiệp khá tất bật ấy sau đó lập tức được phong tỏa. Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, xe đỗ lại, thùng xe mở cửa, người nhà của những “di dân lậu” này đến đón kịp thời. Hành trình viễn xứ bắt đầu từ đây. Quần quật. Tiện tặn. Vùi quên. Những món nợ phải thanh toán. Những khoản tiền phải tiêu xài ở bên nhà. Niềm hy vọng. Bài hát tương lai. Khúc nhạc nào đã vang lên trong lòng họ những âm hưởng tương lai dạt dào ước mơ lai láng.

Trước đó, thùng container định mệnh rời Cảng Zeebrugge của Bỉ chuyển đến một thị trấn nhỏ gần đó. Sau đó container này được chuyển bằng xe tải đến khu công nghiệp Waterglade Industrial Park tọa lạc tại thị trấn Grays của Anh. Người ta ngơ ngác. Người ta bàng hoàng. Ít ai nghĩ trước đó nhiều “di dân lậu” khác may mắn hơn, trót lọt. Càng không phải đây là lần đầu tiên container đông lạnh được sử dụng vận chuyển “di dân lậu”.

Một nam tài xế 25 tuổi định cư tại North Ireland đã bị bắt. Anh ta bị khởi tố tội giết người. Một tài xế bình thường, thoạt tưởng công việc mình làm rất bình thường. Anh ta chẳng qua chỉ vì khoản thù lao giao kèo thỏa thuận. Nào ngờ. Sự cố ngoài ý muốn. Nhất định anh ta chẳng hề muốn bất cứ tai nạn bất đắc dĩ nào xảy ra. Anh chỉ muốn mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp. Anh hoàn thành công việc được giao. Giao người xong anh sẽ lái xe về. Những chuyện khác người khác tự khắc biết lo liệu.

Mọi cái lẽ ra sẽ diễn tiến êm ả như thế. Đầu xuôi đuôi lọt. Anh về nhà. Làm lon bia lạnh. Thư giãn. Chuyến vận chuyển người kế tiếp. Vẫn trót lọt. Khi về già, những câu chuyện thời trẻ được kể lại, anh tự hào khoe khoang  chiến tích “vận chuyển người lậu” của mình cho con cháu nghe. Hoặc khi thấy một khuôn mặt Á đông trên đường phố, liệu anh có tự hỏi: Đây có phải người mình đã từng chở trong thùng container đông lạnh hay không? Để rồi chẳng ai ngờ được, tai nạn chết người xảy ra, chàng trai 25 tuổi ấy, da trắng, thoạt nhìn điển trai như một tài tử điện ảnh chính hiệu bỗng trở thành một tội phạm. Vâng. Anh Morris Robison bị đẩy anh vào vòng lao lý chỉ vì một sự cố xui xẻo đã xảy ra!

Người quen gọi anh bằng cái tên gần gũi là Mo. Gia đình cho biết anh thuộc týp người hiền lành chất phác, thật như đếm, lối xóm nhận xét về anh hiền như muối: Salt of the earth. Khi vỡ chuyện, họ buồn cho gia đình anh. Họ bảo gia đình anh cần được yên tĩnh. Gia đình anh không vướng vào một cái tang như gia đình 39 nạn nhân tại Việt Nam, nhưng ảnh hưởng của biến cố ấy tác động lên họ không nhỏ.

Chợt nhớ lại năm nào…

Sau biến cố 30-04-1975. Những bãi đáp ven biển. Đêm đen kịt. Muỗi mòng. Những chiếc ghe đêm, trời rét, nín thở, tình thế hết sức nguy hiểm, người ta nấp trong bóng tối, trà trộn vào bãi sậy, bãi lác; khi nhận được tín hiệu họ lặng lẽ trườn ra tàu nhỏ bắt đầu một hành trình đầy giông tố trước mặt. Tánh mạng con người không còn quan trọng nữa. Chết chóc ư. Đi cái đã. Rời khỏi Việt Nam trước rồi tính tiếp…

Những năm sau đó, hồi ức vượt biển với những câu chuyện thương tâm khôn xiết. Bao xác người vùi chôn đáy biển. Khát nước, môi nứt, mắt lạc tròng. Bị hãm hiếp. Bị cướp. Bị giết. Rồi đường bộ, băng rừng qua Thái Lan. Mòng và muỗi, rắn rết và nhện độc. Mơ ước đổi đời. Khát khao đi tìm tương lai tự do, thậm chí là cơm áo… thôi thúc họ. Bất luận xương tan hay thịt nát. Mọi cái có vẻ không quan trọng lắm. Người ta gạt lệ nhằm thẳng phía trước mà đi. Còn thấy ánh mặt trời là còn hy vọng. Muỗi mòng rừng rú ư, ăn bờ ngủ bụi ư. Khát đến cháy cổ họng ư? Bàn chân bật móng, tóe máu ư? Không hề hấn gì. Cứ tiếp tục đi.

Chợt tự hỏi mình, 39 đồng bào vắn số tháng 10 năm ngoái bỏ mạng tại Anh quốc, mơ ước khát khao của họ có giống mơ ước khát khao của bao lượt người rời bỏ miền Nam sau 30-04-1975? Liệu trong tâm tư họ, khát khao đổi đời so sánh giữa hai bối cảnh cũ, mới ấy có thực sự khác biệt? Nếu có, sự khác biệt ấy có nhiều lắm không?

Một năm đã trôi qua.

Cái giỗ đầu…

Tâm tưởng người thân có liền mạch vết thương chỗ cắt. Bao nỗi đau âm thầm riêng tư khâu vá. Những chắt chiu vay mượn ủi an, tự xoa dịu với hy vọng thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương. Để rồi hồi ức năm ngoái tái diễn. Cảm xúc vẫn ấm nóng như vết thương còn mới. Hành trình đời người. Thân phận những kẻ quyết định tự nguyện đời viễn xứ. Ôi. Bốn chữ “tha phương, cầu thực” sao mà đau, mà thốn. Phải chăng chính vì thế mà tròng mắt cay cay, không phải vì những sợi khói vô tình, song bởi nỗi cực lòng, xót xa, tự trách!            

Cảnh sát đang điều tra chiếc xe tải chở các nạn nhân thiệt mạng ở Grays, Essex, Anh Quốc – ngày 23 tháng 10 năm 2019. Ảnh: REUTERS/Hannah McKay

Năm ngoái Hội Hồng thập tự Anh ráo riết các nỗ lực xác định danh tánh nạn nhân. Đại diện Hội Chữ thập Đỏ Anh, Matthew Carter cho biết (nguyên văn): I can’t overstate how big a tragedy it is that 39 people felt like they had no better option than to get in the back of this truck and obviously it’s ended in an absolute tragedy. Tâm tình của người đàn ông này gẫm lại thật đáng quý, đáng trọng. Theo anh, đây là một thảm kịch thuần túy, thật khó tưởng tượng 39 con người không còn nhiều lựa chọn tốt đẹp hơn khi quyết định bước lên thùng container tử thần đó. Vâng. Anh không chê trách. Không dè bĩu. Không tỏ ra bất cứ thái độ nhận xét nào. Với anh, họ là những nạn nhân kém may mắn vướng vào một tai nạn đáng buồn.

Một thị dân của trấn Grays, anh Shafi Said, nguyên quán Afghanistan, sống tại Tỉnh Essex từ năm 2001. Nhà anh cách thùng xe tải container định mệnh ấy chỉ một con đường. Anh cho Hãng CNN biết mình thực sự đau lòng trước cái chết của các nạn nhân. Anh nói (nguyên văn): It’s so sad. My heart is broken for them. They’re all innocent people – and there was a child on board. I’ve got an 11-year-old son. I was so shocked. Vâng. Lời anh rất chân thành. Với anh 39 nạn nhân người Việt là những cá nhân vô tội. Một em nhỏ đã thiệt mạng. Anh cũng có một đứa con trai 11 tuổi. Anh thực sự sốc trước biến cố thương tâm vừa xảy ra.

Vâng. Là thế. Một ngày giỗ. Ba mươi chín người tử nạn. Một thảm kịch đau lòng. Ba luồng tư tưởng khác nhau của ba người ngoại quốc. Một tài xế vướng vào vòng lao lý bởi anh là tài xế, trực tiếp liên can đến cái chết của 39 di dân lậu. Một nhân viên Hội Hồng thập tự. Một di dân gốc Afghanistan. Vâng. Một câu chuyện buồn. Một biến cố đã gắn kết tình cảm ba người họ với nhau. Những dòng tâm tưởng. Một nén hương lòng. Ấm áp thay khi tình người vẫn tỏa sáng, ấm áp lung linh như ánh nến.

Trong tâm tình ngày giỗ đầu của 39 đồng hương xin được thắp nén nhang lòng. Họ đã ra đi. Họ đã trang trải ân oán cuộc đời, đã trả dứt “món nợ đồng lần” trước sau ai cũng trả. Cõi vĩnh hằng xa xăm ấy hẳn sẽ nhẹ nhàng hơn. Họ đã giũ sạch bụi trần. Họ đã bơi qua bờ bên kia của “bể khổ”. Thế giới ấy hẳn không còn xô bồ phức tạp như cõi tục, những sân si quyền lực, những gạo thịt nhỏ nhen thiển cận, những mâm máng thị phi tranh giành đấu đá, những băm bổ cấu xé, những vật vã cưu mang…

Mong thay sự ra đi của họ, thuần túy là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hành trình đến với miền đất hứa xứ Mỹ. Bất luận bạn ra đi bằng cách nào, định cư tại đây bao lâu, đến Mỹ theo chương trình gì, ở California hay Texas, có quốc tịch hay chưa, lương cao hay lương thấp…, hy vọng ý nghĩa nhân bản nhất của mùa phiếu 2020 không nằm ở chỗ chỉ tay xỉa trán, chê trách và đổ lỗi, oán trách di dân lậu đẻ nhiều, cướp hết việc của người bản xứ…, song hãy nhớ lại bản thân mình, dù bạn may mắn thoát nạn khi vượt biển, vượt rừng, hoặc bạn may mắn đến Mỹ bằng máy bay, được bảo trợ, được đối đãi tử tế…, bạn sẽ không thấy mình “danh chính ngôn thuận” hơn, có quyền lên tiếng cấm người khác đừng đến Mỹ nữa.

Âu đó cũng là cái nghì của kẻ qua cầu nhưng không ngoảnh mặt tươi cười khi rút ván. Đó cũng là cái nghĩa của kẻ dám nhìn nhận, dám trân quý “gốc rễ” hoàn cảnh khó khăn một thời của mình để tin rằng tương lai nước Mỹ không suy thoái bởi những khát khao vươn lên. Ngược lại, nước Mỹ, ngay từ những buổi đầu lập quốc được kiến tạo bởi những tâm hồn dám theo đuổi khao khát mưu cầu tương lai tốt đẹp.

Hy vọng đây là một cách tiếp cận. Một cách nhìn. Mỹ còn bao nhiêu cơ hội để mở mang phát triển. Mỹ đang cần nguồn lao động trẻ. Một chính sách di trú hợp lý sẽ giúp Mỹ phát triển. Thay vì chỉ biết buộc tội, nên án, chụp mũ, vu khống… với dụng tâm mỵ dân và câu phiếu.

Hãy tự hỏi: Nếu những năm cuối thập niên 70 (và nhiều năm kế tiếp, thậm chí đến bây giờ) nếu Mỹ không có những chương trình di trú mở rộng vòng tay, lấy đâu ra những Houston hoành tráng, những Orange County với một Little Saigon ấn tượng, những Dallas-Fort Worth, những Lousiana, những Atlanta, những Chicago, những Washington DC với nhiều cộng đồng người Việt thành công sầm uất?

Hãy dành một phút để tưởng niệm. Thắp một nén hương lòng trong tinh thần nghĩa cử đối với 39 đồng hương của chúng ta nhân ngày giỗ đầu của họ.

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email