Mọi năm Tết rơi vào khoảng giữa hay hạ tuần tháng 2. Nhưng năm nay mồng 1 ta đến sớm hơn, lại thêm không có ngày 30 mà chỉ 29 nên dường như Tết có vẻ cập rập. Thành thử từ giữa tháng 12 tây, thiên hạ đã lo sắm Tết.
Tính ra người đi làm được nghỉ đến 9,10 ngày. Trong số những ngày nghỉ đó, dân văn phòng phải đảo vào cơ quan để trực 1 hay 2 buổi. Nếu phiên trực vào sáng mồng 1 gặp dàn sếp đi xông đất thì sẽ được lì xì lấy may đầu năm.
Tết chính thức bắt đầu vào ngày ông Táo chầu trời vì từ hôm đó, người ta không dùng lịch Tây nữa mà chuyển qua lịch Ta. 24, 25, 27, 30… tháng Chạp, khỏi cần biết ngày Tây bao nhiêu. Cá chép thả sông nhiều ở miền Bắc và miền Trung, nhưng ở SG, tục lệ này đã thay đổi nhiều. Chẳng mấy ai ra sông hồ thả cá, cũng chẳng cần nguyên một con gà luộc ngậm cành hoa hồng. Gia chủ thích ăn món gì cúng món đó. Nếu vương vấn tục lệ thì có thể bày một đĩa xôi hay sương sa đổ khuôn hình con cá chép quẫy đuôi nhuộm màu cam chói lọi như con cá Koi…
Sau ngày 23, ai nấy tất bật đi biếu quà nhau. Biếu ông bà nội ngoại, cô dì chú bác, thầy cô giáo, cấp trên, người ơn… và cũng nhận quà Tết biếu lại từ số người tương đương. Xào qua tráo lại thì cuối cùng cũng còn dư một mớ: hộp trà, bịch kẹo, túi lạp xường… ngay cả túm me ngọt hái từ cây me trước nhà, gói mứt dừa tí teo tự làm… của ai đó.
Thực phẩm không thể mua sớm quá. Rau cỏ thịt thà để lâu dễ hư hỏng trong khi tủ lạnh đã chật cứng vì thế những món này phải mua sát Tết. Ngày 27, 28, 29, hàng hóa ngoài chợ tăng chới với. Thịt ba chỉ cho nồi thịt kho hột vịt giá 180 tăng thành 290 ngàn. Rau xanh giá 20 tăng thành 30 ngàn đồng. Bó hoa cúc bày bàn thờ từ 40 lên 80 ngàn… Siêu thị trương tấm bảng: bánh chưng loại nhỏ 100 ngàn, loại lớn 200 ngàn. Nhà ít người tìm mua mấy cái bánh nhỏ để dễ dùng; nhưng sau khi mất công gửi xe vào quầy thì mới biết loại bánh nhỏ hết từ lâu rồi, chỉ còn loại lớn thôi (nhưng siêu thị không hề bỏ tấm quảng cáo) mà đã vào đây thì có cái gì mua cái đó cho xong. Cái gì cũng đắt. Thôi thì nhắm mắt mua mấy ký thịt, mấy cái bắp cải, bông cải, mấy vỉ trứng… để đó. Kẻo mấy ngày Tết chợ búa đâu có mở hàng gì và cũng chẳng nên bận rộn đi chợ kẻo cả năm… vất vả!
Chỉ dân nhập cư ở thành phố nhiều lo lắng. Sau suốt một mùa Covid giãn cách xã hội căng thẳng, hầu hết công nhân cạn kiệt, quyết định ở lại để bớt tiền tàu xe, quà cáp. Người về quê được thì tính toán chi li. May mà tới phút chót, nhà nước bãi bỏ lệnh cách ly y tế đối với người từ thành phố về quê ăn Tết.
Mặc dù vậy cũng có vài nơi, Thanh Hóa chẳng hạn, dựng các khu lều lán bằng tre luồng, nứa, bạt để cách ly hàng trăm người. Mỗi nơi cách ly một kiểu khác nhau, bất kể người về đã tiêm đủ hay thiếu các mũi thuốc, bất kể từ vùng xanh hay đỏ, bất kể nơi cách ly 1 tuần nơi nửa tháng, xét nghiệm 3 hay 4 lần, hoặc là khóa trái bên ngoài cổng luôn cho chắc ăn!
Vé xe đắt đỏ nên dù cận Tết, nhà ga, phi trường có đông đúc hơn ngày thường, nhưng lượng khách nói chung vẫn kém những năm yên bình.
Buồn nhất là các xóm lao động, khu trọ công nhân… vốn cuộc sống chen chúc náo nhiệt nhưng nay không khí Tết lặng lẽ, không còn cảnh đàn ông đi qua lại, phụ nữ ngồi trước cửa tán gẫu, trẻ con chạy nhảy chơi đùa. Những nơi này nhà cửa chật hẹp, dân cư đông đúc, đều là những ổ dịch trong thời gian dịch bệnh lan tràn. Có người mất tại nhà, người khác được chở tới bệnh viện rồi không bao giờ về, người thoát án tử ngắc ngoải với sức khỏe nhiều di chứng. Thất nghiêp, tiền bạc kiệt quệ, gia đình mất mát… Mọi người không còn túa ra ngoài hẻm nữa, ai ở yên u ẩn trong nhà nấy. Vắng bóng hẳn tấm bảng “Chùi lư đồng” treo rải rác khắp nơi. Cơn bão Covid kinh hoàng quét qua và vẫn còn lơ lửng trên đầu đầy đe dọa.
Chính vì thế số người đi chúc Tết giảm hẳn. Một cô giáo về hưu theo thông lệ Mồng 3 tết thầy, sửa soạn sẵn nước, bánh, phong bao đợi học trò cũ và bạn bè tới chơi nhưng cả ngày và những hôm sau đó tới hết Tết, không một người khách tới rộn rã như mọi năm. Uổng công chưng cúc, bày mai chẳng khách khứa nào ngắm nghía. Không ai muốn ghé nhau để có thể lây virus cho chu nhà hay ngược lại, rồi đổ lỗi mất công lắm. Lây bệnh khi đã chích ngừa rồi cũng đỡ khiếp sợ như năm ngoái nhưng nhiều người vẫn kêu sức khỏe yếu hẳn đi.
Thế nhưng chỉ ngại gặp người quen chứ gặp người lạ thì không ngán.
Gần một năm qua bị nhốt trong nhà, xem chừng mọi người qua tù túng, nay đa số đã được chủng ngừa, như chim sổ lồng tìm chỗ thoát ra ngoài chứ không lẽ suốt chín ngày nghỉ đóng cửa bó giò nằm trong nhà. Nếu không đi xa thì đi gần, không đi quốc ngoại thì quốc nội.
Bởi vậy Nha Trang, Đà Nẵng… hay cả những nơi tưởng chừng hẻo lánh như DakLak khách du lịch ken nhau đông nghịt. Không đặt được chỗ ở, nhiều du khách trải chiếu ra nằm ngủ trên vỉa hè Vũng Tàu. Đà Lạt bao giờ cũng là nơi du lịch ưa chuộng vì khí hậu mát mẻ, các nhà nghỉ phải kêu cứu đừng khách nào tới nữa vì “vỡ trận”, không còn chỗ chứa rồi!
Từ mồng 2, mồng 3 trở đi, những chiếc xe tải lớn chở đoàn lân được nhìn thấy chạy đó đây trên đường phố, nhưng lân chỉ biểu diễn ở những ngôi đình, đền lớn, những công ty, nhà hàng lớn. Nay những công ty thưa thớt gọi đoàn lân đến múa, cửa hàng nằm ngoài mặt tiền dẹp luôn tiết mục xa xí này. Các đoàn “lân xóm” tụ tập vài thiếu niên gầy gò trong bộ áo lụng thụng Thần Tài và ông Địa đỏ chóe, thêm một trống cái, một chũm chọe đi dạo vòng vòng các ngõ hẻm, dừng lại trước cửa một nhà nếu được vẫy, bước vào .chúc Tết để được lì xì tùy lòng hảo tâm chứ không ra giá. Năm nay các đoàn lân xóm cũng mất dạng. Nhiều con hẻm có người mất vì Covid, cùng tiền bạc thiếu thốn vì mất công việc nhiều tháng. Ngay cả khi lệnh giãn cách được thu hồi, việc buôn bán làm ăn vẫn không cách nào gượng dậy nổi bằng như trước.
Chợ cóc hay chợ chồm hổm, bây giờ gọi là chợ tự phát, sau chục ngày trước và sau tết được ló mặt buôn bán nháo nhác, nay lại tán loạn vì bị dẹp, bị tịch thu thẳng tay cho những ngày “bình thường mới”.
Thứ Hai mồng 7 bắt đầu trở lại ngày làm việc như thường. Người về quê ăn Tết và du khách hối hả trở về nhà. Các cửa ngõ vào thành phố kẹt cứng. Hàng vạn người dồn dập về phi trường, hàng vạn người từ Tây nguyên đổ xuôi Nam, hàng ngàn người đã về tới SG rồi nhưng vẫn chôn chân ở bến xe vì chẳng những giá mắc mà còn khó kêu được xe ôm, xe taxi về nhà.
Từ sân bay Tân Sơn Nhất về quận 3 khoảng 7km, hằng ngày khoảng 100 ngàn. Nhưng Tết thì khác, miễn tính tiền theo đồng hồ như thường lệ mà tài xế ra giá miệng 400 ngàn. Thật choáng váng! Không muốn bị ăn tiền trắng trợn, bầu đoàn thê tử sau khi lếch thếch hành lý ra đường cái cuối cùng đã tìm được một cuốc xe 300 ngàn đồng. Lội bộ, dang nắng cả tiếng đồng hồ hà tiện được trăm ngàn!
Một ông chạy xe ôm khoe kiếm mấy bữa tết còn hơn một tháng. Khách vừa lên xe lại tiếp cuộc gọi khác. Chạy không kịp thở. Khách boa năm, ba chục là thường.
Mùng 4 tết, cặp vợ chồng đi ăn tối với ba con nhỏ. Sau mấy bận taxi công nghệ Ok rồi bị hủy chuyến ngang xương, anh chồng đành chất cả nhà lên chiếc xe gắn máy. Ăn xong nhận hóa đơn tính tiền anh lại ngợp một phen vì bị tính thêm 25% phụ phí dịch vụ. Anh tự an ủi vậy còn đỡ hơn có người chỉ đi uống nước mà bị phụ thu gấp đôi. Thông thường các quán ăn “có lương tâm” chỉ lấy thêm từ 5- 10% trả công thuê nhân công, nguyên liệu đắt đỏ… dịp Tết chứ đâu có nhẫn tâm phụ thu tới 100%.
Kiếm ăn dịp Tết là vậy. Buôn bán một mùa Tết có khi sống được vài tháng vì ra Giêng đâu còn những hoạt động nhộn nhịp này.
Các đình chùa lăng miễu… dù hết phong tỏa nhưng suốt mấy tháng qua vẫn cửa đóng then cài. Nay mở cửa đón khách thập phương nhưng giản lược nhiều tiết mục như tế lễ, phát lộc, tặng chữ, múa lân, ăn trưa… để tiết kiệm và tránh phần nào sự tụ tập đông người. Vì vậy không tấp nập như mọi năm. Một số người cẩn thận lảng khỏi chỗ đông người. Ai nấy đều buộc phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, rửa tay trước khi bước qua cổng.
Người lao động về quê ăn tết. Có người nghĩ cả năm xa nhà, vất vả, cho bõ tiền tàu xe thôi thì nhân tiện “ăn tết” hết tháng Giêng. Cộng thêm làn sóng hồi hương mùa dịch vừa qua khi những công nhân bị kẹt nhiều tháng không việc, không lương, không tiền trả tiền trọ và mua lương thực… Cơn ác mộng khiến họ chấp nhận an phận cuộc sống túng thiếu miền quê hơn quay lại thành phố đầy bất an.
Quảng cáo, tờ rơi… chiêu mộ công nhân. Nào là lương tháng gần chục triệu, lương tháng thứ 13, quà tết, chi tiền đi du lịch, giúp tiền trọ, học việc cũng có lương… Thậm chí cho tiền ma chay nếu gia đình hữu sự mà vẫn thiếu nhân lực.
Người dân vẫn mang tâm trạng e ngại. Có nơi đòi hỏi nhân viên âm tính với Covid trước khi trở lại làm việc khiến ai nấy đổ xô đi xét nghiệm. Các test nhanh vội vàng chộp cơ hội “nhảy” giá lên tức thì.
Dù trường học mở cửa lại nhưng nhiều phụ huynh phập phồng chưa muốn con em đi học khi chưa được chủng ngừa vaccine Covid-19. Kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5- 11 tuổi và người lớn chờ chích ngừa mũi thứ 4. Đã có trường hợp một học sinh hay một giáo viên mắc Covid lây lan cho cả lớp nên sợ không thừa chút nào.
Một bà gửi email thông báo… tiên tri cho các bạn hay có 1 ông bác sĩ tiên đoán vào cuối năm 2021 tình hình dịch bệnh sẽ tiến gần con số zéro nhưng vào tháng 2, 3 năm sau sẽ trở lại… đỉnh như năm trước. Bà kết luận tháng 11, 12 vừa rồi thì đúng y, do đó lời tiên đoán sẽ… ứng vào tương lai! Mọi người vừa canh chừng Omicron vừa lo lắng sẽ có một biến thể cứng đầu nào đó sẽ thình lình xuất hiện ai biết được.
Mấy ngày Tết mau chóng trôi qua. Năm mới bắt đầu bằng tin nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa vì thiếu hàng. Xăng dầu rục rịch tăng giá mạnh. Giá vàng tăng khủng khiếp vì sắp tới ngày Vía Thần Tài…
Từ đầu năm, công nhân viên chức, người hưởng lương hưu… được hưởng thêm 7,4% nhưng đã có kinh tế gia dự đoán lạm phát lên 2 con số.
Năm ngoái sau kỳ nghỉ dài ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 dẫn đến đại dịch lên cao điểm. Lần này đợt nghỉ Tết với những chỗ du lịch ken nghịt người thì dịch bệnh diễn biến thế nào đây?
Một năm dài trước mắt ráng mót chút hy vọng…
SGCN