Ngày trở về của Derek Twyman.

Chu nguyễn

Derek Twyman là một chàng trai Canada, ra đời ở Ottawa, có tuồi thơ sống trong một gia đình buôn bán bậc trung ở Oakville, Ont., nhưng vào tuổi 15 thì theo cha mẹ sang Mỹ.
Donald Twyman, người cha của Derek, trước buôn bán đồ gia dụng cho Sears Canada, và khi dọn nhà sang Winston-Salem, thành phố lớn nhất của quận Forsyth, North Carolina tiếp tục phát triển sự nghiệp trong vùng trù mật với nhiều thương hiệu lôi cuốn gia đình trẻ trong vùng như cửa hàng The Colonial Furniture Shop.

Kế hoạch làm ăn của gia đình xem khá thuận lợi và ba người lớn trong gia đình Twyman, xem ra thích hợp mau mắn với thương trường mới, nhưng riêng Twyman, cậu bé 15 thì bỡ ngỡ và lạc lõng. Phần thích cùng bạn bè rong chơi, phần không ưa việc buôn bán. Cứ thế Twynan dấn thân vào thế giới phồn hoa, thích xe sang, ăn ngon mặc đẹp và những cô gái có tấm thân chẳng cần giấu diếm kẻ tò mò. Ăn chơi thì thiếu tiển. Cạn túi thì kiếm chác . Còn cách nào khác, khi nghề nghiệp không có, học thức cũng không dù đã tới tuổi xấp xỉ thành niên! Twyman đành theo bè bạn bụi đời giở trò trộm cắp. Bọn này chỉ trộm vặt, tìm nơi nhà cửa xem ra khá giả, lại hớ hênh cửa nẻo đêm khuya không đóng chặt hoặc vắng chủ, thì đột nhập, gặp thứ nào có thể lấy được thì lấy và không hề có hành động bạo hành mà khi bị động thì nhanh chân trốn chạy.

Nhưng “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma.” Cảnh sát theo dõi được bọn trộm có vẻ không chuyên nghiệp này và Twyman lần đầu bị đưa ra trước tòa.

Twyman bị kết án trộm cắp nhiều lần kể cả tội đốt một căn nhà trống nên lãnh bản án 14 năm tù tại nhà cải huấn thanh thiếu niên Polk Youth Institution.
Tại đây mệnh định sắp đặt, Twyman gặp bạn đồng cảnh có tên là Jason Southard. Southhard thuộc loại trẻ tuổi nhưng kinh nghiệm giang hồ dày dạn. Đôi bạn trở thành tâm giao và dù sống sau chấn song sắt nhưng tâm trí họ vẫn bay bổng ra ngoài chờ đợi khi có dịp tự do lại trở về nghiệp cũ ở North Carolina… ở một mức quy mô hơn
Sau này Twyman nhìn nhận đó là quyết định sai lầm ghê gớm của ông vì vào tuổi 26 ông còn mơ màng về cách sống hợp lý.
Twyman bị lôi ra tòa về nhiều vụ trộm cướp, tái đi tái lại, tới mức quan tòa cho rằng “cái nết đánh chết không chừa” và cần trừng phạt nặng nề bị cáo. Thế là chàng thanh niên Canada lãnh môt bản án khó ai tưởng tượng là sẽ ngồi tù 160 năm, cho dù hành vi phạm pháp của chàng ta khong hề có sự bạo hành.
Tương lai sụp đổ, còn gì chờ đợi ngoài cái chết trong tù. Thế là bao mơ ước của cá nhân, của một chàng trai rời quê hương hy vọng thực hiện giấc mơ Mỹ. Tất cả tan vỡ, kể cả mong ước của cha mẹ, và cuộc đời của Twyman rơi vào bế tắc và cuối đường hầm chỉ có bóng tối mù mịt.

Bản án quá nặng và quá vô lý, không phải cải huấn mà tước đoạt sinh mạng kẻ phạm pháp, khiến dư luận kể cả giới luật pháp cũng lắc đầu tội nghiệp cho tội nhân. Tuy nhiên, Twyman dù đôi lúc tuyệt vọng, quyết không bỏ cuộc trong việc tìm một sinh lộ dù đang lạc vào tử lộ.
Dĩ vãng khiến chàng dấn thân vào bước đường cùng như diễn ra trước mắt với lòng ân hận không nguôi.
* * *
Ngày 12 tháng 1, 1989, đánh dấu bước quan trọng cuộc phiêu lưu của Twyman, trong một loạt trèo tường khoét vách, đột nhập gia cư, trong khu vực giàu sang Forsyth và vùng sát với quận Guilford. Cảnh sát cho rằng những tên trộm ở vùng này thường nhắm lấy trộm các thứ kim loại quý, có thể nấu chảy và bán lén cho các cửa hàng cầm đồ trong vùng. Có lúc chúng chỉ lấy được một số đồ dùng bằng bạc trị giá chừng vài ba trăm nhưng có khi chúng cuỗm được cả quý kim trị giá hàng chục ngàn dollars. Các nhà điều tra nhận thấy có điểm giống nhau trong các vụ trộm là bọn gian đã rình mò trước, đợi khi chủ nhà đi vằng mới giở trò bất lương. Nạn nhân trong các vụ ăn hàng này thường là giới chuyên gia có máu mặt và các vụ trộm cướp gia tăng gây áp lực cho cảnh sát khiến họ phải nhanh tay đối phó.

Cảnh sát nghĩ ra một kế truy tìm thủ phạm. Họ bèn dặn chủ các tiệm cầm đồ, tiệm kim hoàn, rằng cần ghi số xe của những ai mang loại kim loại đã nấu chảy tới tiệm rao bán và báo cho cảnh sát ngay.
Vào ngày 15 tháng 5, Jason Southard từ một chiếc Mercedes bước ra và bước vào một tiệm vàng bạc có tên Silver Shop. Khi cảnh sát truy tìm chủ nhân chiếc xe sang trọng này thì thấy nó thuộc sở hữu của gia đình làm ăn đàng hoàng ở Winston-Salem có tên là Colonial Furniture Shop.

Thế là Derek Twyman vài tuần sau bị bắt. Trước đó cảnh sát bắt Southard và đã thương lựng với tên này bằng cách hứa giảm án cho hắn để hắn tố cáo Derek Twyman. Thế là Twyman bị tố là chủ mưu ít nhất mười vụ trộm cắp, từ rình rập khổ chủ để chọn giờ hành động tới bày kế hoạch rồi tiến hành. Cảnh sát lục soát chiếc Mercedes của Twyman và tìm thấy vật chứng như cell phôn và đèn bấm trong thùng xe và cả máy theo dõi băng tần hoạt động của cảnh sát mỗi đêm.

Khi Twyman nằm khám thì lời khai của Southard được nhiều người biết. Hắn và vợ hắn đả đổ riệt tội lỗi cho Twyman, nào là Twyman là kẻ chủ mưu xảo trá, quỷ quyệt đã ép Southard uống rượu và lợi dụng tâm tính non nớt bệnh hoạn của Southard làm công cụ trộm cắp. Southard cũng khai, chính hắn đã phản đối trò vừa ăn trộm vửa sẵn sàng hành hung khổ chủ.
Cảnh sát cho rằng có đủ chứng cớ truy tố Twyman về 54 tội trộm cướp có chủ mưu. Ra tòa chàng trai Canada chưng hửng không cãi được dù trong thực tế Twyman chỉ dính vào dăm ba vụ với Southard mà thôi. Lúc đó Twyman có cảm tưởng, cảnh sát vớ được chàng như vớ được vàng vì phá được môt vụ án “quốc tế” mà chủ mưu là một “công tử nhà giàu,” có thủ đoạn nham hiềm ghê gớm, từ Canada tới, trong bóng tối giật dây tội lỗi.
* * *
Chàng tuồi trẻ Derek Twyman, tuy có dính tay vào việc trộm cắp nhưng đó chỉ là sai lầm nhất thời, máu ngông nghênh của tuồi trẻ, sự chủ quan của con nhà khá giả, tưởng rằng đã có bố mẹ lo, nếu có rắc rối với pháp luật. Ban đầu chàng phủ nhận những tội mà mình không vi phạm vì với 54 tội danh, trong đó có những trọng tội, kẻ phạm tội có thể lãnh bản án tù dài hạn! Mặc dù gia đình đã thuê một luật sư có tiếng để bào chữa cho chàng. Đó là luật sư John Hatfield Jr.

Hatfield trước bao nhiêu chứng cớ mà công tố viện đưa ra, ông ta chỉ biết khuyên Twyman mau mau nhận tội vì sẽ được một vị chánh án trẻ chủ trì vụ xét xử và chỉ có nhận tội mới hy vọng lãnh bản án “nhẹ” sau 10 năm tù hy vọng được hưởng chế độ tại ngoài quản thúc. Còn kéo dài, có thể gặp một chánh án già, bảo thủ thì khó lòng đươc pháp luật khoan hồng. Cuối cùng Twyman phải chịu nhận tội và hy vọng được chánh án trẻ chủ trì vụ phán xử là Thomas W. Ross sẽ nhẹ tay.

Nào ngờ Thomas không “giơ cao đánh khẽ” mà giơ cao đánh nặng. Có thể một phần nạn nhân vụ trộm cắp ra trước tòa lên tiếng tố Twyman mà trong số này không ít vị quen biết vị chánh án chủ trì. Hậu quả là bản án 120 năm tù dành cho Twyman và đòi khoản trăm ngàn tiền hoàn trả cho nạn nhân. Ross có nhận định kết thúc vụ án: “Có những cá nhân có tiềm năng gây nguy hiểm cho xã hội thì bổn phận của Tòa là hành động bất cứ bằng cách nào để bảo vệ xã hội.”

Tòa cho rằng Twyman là một “tên tội phạm chuyên nghiệp,” gây tội có chủ đích từ trước, và không có lý do tin rằng nếu cho hắn cơ hội tự do hắn lại không tái phạm. Ông cũng đưa ra chứng cớ Twyman phạm tội từ lúc còn là thiếu niên và tỏ ra không ân hận và không sốt sắng giúp việc thu hồi tang vật nên Ross dành cho bị cáo bản án tù 120 năm.
Rồi ít lâu sau Ross lại tăng án cho Twyman chứ không giảm án như nhiều người mong đợi: Twyman sẽ phải trả nợ xã hội bằng bản án 160 năm tù và chỉ hy vọng xin khoan hồng vào năm 2056!
Hậu quà không ngờ, Twyman chết đứng và mặc cho cảnh sát giong tới nhà giam.
* * *
Tuy nhiên Twyman không ngã lòng mà chấp nhận hoàn cảnh, tranh đấu để vượt bóng tối. Nhưng tất cả mù mịt, dù phải “thắp một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi mà nguyển rủa bóng tối.”
Gia đình Twyman cũng cạn kiệt dần hy vọng, giúp đứa con hoang ra khỏi vòng tù ngục sớm ngày nào hay ngày ấy. Các cuộc thăm viếng thưa dần vì chỉ nhìn nhau qua khung kính chỉ thêm đau lòng người trong cuộc. Cứ thế Twyman được chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác và ngày nào cũng như ngày nào trôi qua trong khi mái tóc thêm bạc. Twyman đã nghĩ tới cách phải nuôi hy vọng sống nên ghi danh học thêm, nào là luật học, nào là tâm lý, khoa điện toán, trang trí và cả nói chuyện trước công chúng. Khi ghi danh học, Twyman không đủ điều kiện nên phài nhờ một bạn tù ghi danh giùm. Cũng từ đó ông tham gia vào mọi hoạt động trong tù từ làm báo, làm công tác xã hội để tinh thần luôn luôn vững mạnh và lạc quan.
Trong khoảng thời gian dài dằng dặc nay, Twyman tiếp tục nhiều lần khiếu nại lên tòa án North Carolina nhưng uồng công vì chẳng ai muốn giở hồ sơ xét lại một vụ án cũ liên quan đến một người ngoại quốc. Twyman đã gừi biết bao đơn cho tất cả các chính khách từ dân biều, thượng nghị sĩ, thống đốc, luật sư và các nhà tranh đấu cho dân quyền ở North Carolina, xin xét trường hợp mình nhưng kết quả gần như con số không dù mỗi ngày ông đã tốn hết một ngày lương (khoảng 75 cent) trong tù để mua tem mà không đủ đành phải nhờ gia đình gửi thêm tiền bưu phí. Ông cũng viết thơ gửi tòa lãnh sự Canada ở Atlanta nhờ chính quyền Canada can thiệp nhưng bị lạnh lùng từ chối với lý do “không thể can thiệp vào guồng máy tư pháp của nước láng giềng.”

Cứ thế thời gian trôi đi. Mười năm rồi hai mươi năm sau…Chẳng có tin gì đáng phấn khởi tới với người tù xấu số.
Ngay cả khi North Carolina có luật mới, quy định trường hợp Twyman chỉ lãnh bản án 14 tù năm là cùng. Ngoài ra, sau biến cố 11 tháng 9, chính quyền Mỹ có ý định tống các tù nhân ngoại quốc đang nằm trong nhà tù Mỹ về quê gốc để đỡ tốn cơm gạo nuôi họ, Twyman nảy trong đầu hy vọng sẽ được trả về quê hương tiếp tục ngồi tù vì còn có cơ hội xin khoan hồng tại ngoại quản thúc nhưng nhờ ai đây lên tiếng? Twyman chỉ còn biết nhờ Internet kêu gọi ai đó cảm thông ra tay nghĩa hiệp..Lời kêu gọi được đăng tên Writeaprisoner.com.
* * *
Cứu tinh xuất hiện:
Vào 2007, lời kêu cứu của Twyman tưởng rơi vào sa mạc thế nhân nhưng may thay lại có người lắng nghe. Người này là Shane Martinez, lúc đó là sinh viên luật tại Fredericton, N.B.
Martinez nhớ lại lúc đó ông nghĩ về Twyman: “anh ta là công dân Canada và giúp anh ta là một hành động tốt nên làm.” Marinez bèn viết cho Twyman một lá thư yêu cầu kể ngọn ngành vụ án và từ đó hai người trao đổi thư từ như bè bạn.

Qua những thư từ trao đổi giữa chàng luật sư trẻ tuổi Shane Martinez và người tù trung niên Derek Twyman, Matinez nhận ra Twyman là người thành thực cần giúp nên ra công mở hồ sơ Twyman và vận động xét bản án tùy hứng của chánh án Ross dành cho bị cáo.
Martinez vào 2009 cũng từng liên lạc với ngoại trưởng Canada dưới triều thủ tướng Stephen Harper, là Lawrence Cannon nhờ can thiệp cho người tù Canada tên Twyman nhưng cũng uổng công.
Nhưng nhờ Mattinez vụ án của Twyman được nhiều người hảo tâm và có tiềm năng cứu giúp ra tay vì công lý.

Nhân vật thứ hai, ngoài Martinez là một cựu biện lý hình sự ở Halifax có tên là Mark Knox. Ông này hoạt động cho tổ chức The 7th step Society of Canada có mục đích giúp cựu tù nhân khi ra khỏi nhà giam có thể thích hợp với xã hội. Knox nghe kể vụ án phạt người tù về tội trộm cắp bình thường, không dính dáng tới ma túy, không bạo hành… mà với bản án 160 năm và buộc bồi hoàn 320.000 Mỹ kim tiền đã trộm cắp (kể cả vốn lẫn lời) thì cho rằng quá đáng!
Với Knox, nhóm bênh vực Twyman được gọi là “đội ngũ Canadfa” (Team Canada) có thêm nhân vật uy tín trong làng luật miền nam Mỹ là James Craven III. Từ ông này, mời được chánh án Thomas W. Ross lúc này đã rời chức vụ và trở thành chủ tịch của đại học North Carolina. Ross đồng ý nghĩ lại bản án khi xưa và ra sức vận động cho Twyman sớm được tự do..
Kết quả vào tháng 5, 2017, sau 27 năm và 4 tháng kể từ lúc lãnh án ngồi tù, người tù thế kỷ cũng được phóng thích và miễn bồi hoàn món tiền trộm cắp quá lớn vì trong tay không một đồng mà thân tàn ma dại.
* * *
Nhưng không phải kiếp đoạn trường đã chấm dứt khi ra khỏi nhà tù mà Twyman còn bị giam giữ thêm 118 ngày ở Mỹ vì là di dân lậu. Cho tới gần lễ Halloween, 2017, Twyman mới được bàn giao cho Canada trên một chuyến bay đêm rời Atlanta về Toronto.

Derek Twyman rời phi trường Pearson mừng mừng, tủi tủi. Mừng vì được trở lại quê xưa và tránh được cái chết trong tù nhưng tủi thân vì cô đơn và cơ khổ. Ngày trở về, không thẻ an sinh xã hội, không visa, không trương mục, chẳng có bao nhiêu tiền mặt với hành trang nhẹ tếch, tuổi già nặng trĩu trên vai! Làm sao làm lại cuộc đời đây? Nhờ công lý chăng? Không thể! Nhờ thân thích chăng? Không thể vì gần 30 năm vật đổi sau dời, kẻ còn thì tha hương, kẻ mất thì cỏ xanh phủ mộ từ lâu! Thôi chỉ còn trông cậy sự nhân ái của người đời và vào bản năng sống còn của mình mà thôi! Nhưng con đường xa vời và vô cùng gian nan!

Chu Nguyễn

Xem thêm

Nhận báo giá qua email