Ngày xuân vãn cảnh Chùa Tây Phương

Bài – ảnh: Trần Công Nhung

Khách sạn tôi đang ở có một cậu sinh viên trường Du Lịch. Nhà anh ở Hà Tây, tôi hỏi thăm để đi chùa Tây Phương. Chùa Tây Phương nổi tiếng về bộ tượng Thập Bát La Hán, và kiến trúc chùa cũng có nét đặc biệt hơn các chùa khác. Khi nghe tôi hỏi anh nhân viên đã nhanh nhẩu mời: “Thế thì sáng mai cháu chở chú về nhà cháu ăn Tết rồi chú cháu mình đi chùa”. Mới mồng 3 Tết, thôn quê chắc có nhiều trò vui, tôi nhận lời.

Nhà em cách chùa bao xa?
Qua chùa rồi về nhà cháu khoảng 5 cây.
– Vậy cháu đi với chú luôn ngày, chú gửi tiền xăng. Ðầu tiên qua cầu Chương Dương, rồi quay xe lại phía mạn cầu bên kia, ra giữa cầu, chú chụp mấy tấm. Ngồi xe buýt chú thấy thuyền xếp dưới sông Hồng cạn nước, có doi đất nổi lên ngoằn ngoèo đẹp lắm.
– Dạ được.
Sáng mồng 3 tôi dậy sớm theo Giáp (tên anh sinh viên trực) đi Hà Tây. Buổi sáng nắng chưa lên, thuyền nối đuôi nhau, nước sông màu trắng bạc do phản ánh mây trời. Tôi đứng nép vào lan can cầu bấm máy, nhiều người chạy xe qua, tò mò ngoái cổ nhìn.

Không ai còn lạ gì việc chụp ảnh, nhưng chụp cái gì, chụp để làm gì, đa số người còn thắc mắc, nhất là nơi xa thành phố, thường gặp những câu hỏi rất buồn cười: “Chụp bóng (hình) chi rứa chú hè”, chứng tỏ người dân không mấy khi để ý đến cái đẹp của trời trăng mây nước. Cảnh thuyền bè trên sông Hồng mang nét đẹp đường nét, đẹp về kỹ thuật cấu trúc, đẹp cách mạnh mẽ vững chắc. Với sông Hương, cảnh nhẹ nhàng thơ mộng hơn, đường nét mềm mại hơn. Tôi thấy vui như người dân chài sáng ra đã được một mẻ cá. Tôi bảo Giáp tiếp tục lên đường. Giáp ra đường cao tốc Láng Hòa Lạc, về hướng Hà Tây. Tôi sực nhớ TV đưa tin về vụ rải đinh nên nhắc chừng: “Em cẩn thận, nghe nói đoạn đường này có rải đinh, nhiều tai nạn xẩy ra đấy”. Rải đinh là một trong những cách gài bẫy làm ăn. Những nơi vắng vẻ, bọn bất lương buộc những xe bị đinh thủng vỏ phải chấp nhận vá giá cắt cổ. Xăm (ruột) xe bình thường chỉ 25 nghìn, ở đây phải trả 80 nghìn. Dọc đoạn đường rải đinh có những chòi vá xe, hoặc thay ruột xe lưu động. Ai cũng thấy rõ chuyện làm ăn phi pháp mà Công An lơ, để đến lúc có người chết, dư luận báo chí ầm lên mới dẹp. “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, tôi không hiểu sao lại bất lực trước những sự việc như vậy. Những tệ nạn từ kinh tế đến văn hóa nhìn thấy khắp mọi nơi, nó nhởn nhơ với đại diện công quyền. Hôm đi Thanh Hóa, trong khi ngồi đợi giờ ra ga, tôi thấy nhiều cô cậu bé con đi bán CD sex “Yến Vi, nữ sinh Hải Phòng, một cách công khai trước mặt công an. Các em nài nỉ, tôi phải trả lời “Mua rồi”. Trong trường hợp này không thể từ tâm như đối với em bán vé số. Dường như xã hội Việt nam ngày nay không còn nhắc đến “Danh chính ngôn thuận” mà ngược lại.

Qua hết cánh đồng vắng, tôi mới yên tâm. Vào địa phận huyện Thạch Thất, Giáp chỉ về một đỉnh núi hướng Tây: “Chùa Tây Phương trên ấy chú”. Tôi nhìn theo không thấy chùa chỉ thấy núi xanh xanh, lòng phân vân không biết có leo nổi không.
– Chùa cao bao nhiêu bậc?
– Dạ, hơn 200 bậc, nhưng dễ đi.
Hai trăm thì đã thấm gì với Ðộng Tiên Sơn (Phong Nha, Quảng Bình) 600 bậc. Thôn quê ở Hà Tây đường làng quanh co, lên đồi xuống đồi, có lũy tre xanh cao, tôi lại thích tre nên nghĩ bụng “vầy mà hay”. Tôi nói nhỏ với Giáp “Chơi một lúc rồi đi”. Nhưng không thể một lúc, nhà lại sửa soạn dọn mâm cỗ mời. Bố Giáp chuyên giúp bà con những bài thuốc Nam trị các chứng bệnh thông thường. Trong sân nhà trồng nhiều cây thuốc, ông giảng cho tôi dược tính từng loại cây, cây Ðỗ Trọng chữa bệnh thận… Tôi nghe cho qua chuyện chứ không để tâm. Tôi đi quanh xóm chụp mấy con đường làng. Ngày Tết vắng hoe, có lẽ ai nấy đều về các Ðền Chùa dự hội. Sau bữa cơm tôi tìm cách rút lui cho kịp giờ. Trước khi đi tôi mời cả nhà ra chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm. Ðây là cách đáp lễ hay nhất. Chắc trong nhà thế nào cũng cho tôi là ông khách kỳ cục.
Ngược đường ban sáng chừng 5 cây số rẽ theo lối vào núi, lúc đến gần, thấy lố nhố người xe, áo màu xanh đỏ chen chúc lên chùa. Trước cửa Tam Quan một bãi đầy xe máy, xe đạp, người người lũ lượt kéo nhau lên một đường tam cấp cao 200 bậc, rộng rãi. Tôi nhờ Giáp mang xách máy rồi hai chú cháu nhập vào đoàn người lần lên. Ðược nửa đường là quán lều mọc dài hai bên. Trên sân chùa thật hỗn tạp, chẳng khác gì bãi chợ, người đi lễ, kẻ mua bán, lẫn lộn khắp sân chùa vào tận thềm bái đường chùa Hạ. Lều trại che dựng lung tung, mạnh ai nấy lo, lại có những bàn viết sớ của mấy ông mặc áo nâu sòng, chắc là giả dạng kiếm ăn chứ chẳng phải tu hành.

Một tấm “pa nô” treo một bảng in lớn “Giới thiệu sơ lược Chùa Tây Phương” của Thông Tin Văn Hóa Tỉnh, chỉ là bản tóm tắt mà có đến mấy chữ sai: nung viết “lung”, tinh xảo viết “tinh sảo”. Du khách đã dùng bút sửa nhập nhòe, vậy mà Văn Hóa vẫn để nguyên. Văn Hoá tỉnh mà thế thì trách gì Văn Hóa xã. Chùa chẳng còn chùa, là chợ phiên, là chỗ “mít tin”, không sao chụp được tấm ảnh cho ra hồn, đành xỉa máy lên trời chụp mấy góc mái. Vãn cảnh chùa trong những ngày hội, không sao có được cảm xúc nơi Thiền Môn, mà trái lại ngập chìm trong cảnh Ta Bà nhốn nháo.

Chùa Tây Phương có tên chữ là “Sùng Phúc Tự”, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, khác các chùa trong tỉnh Hà Tây, mái mũi hài vút lên, công phu tỉ mỉ. Ðuôi mái đầu Rồng, lưng mái có nghê chầu, nét tô đắp vô cùng tinh vi mỹ thuật. Cả ba tòa nhà đều 2 tầng 8 mái, lợp ngói vảy cá đã mấy trăm năm. Chùa được dựng từ thời cao Biền (865-875), đến đời Lê Trang Tông (1554) chùa được xây lại theo qui mô như bây giờ. Qua thời gian, chùa bị hư hại, đến đời Lê Thần Tông (1660), Chúa Trịnh Tạc nhân kinh lý qua Hà Tây, thấy cảnh trí đẹp, trang nghiêm nên truyền lệnh cho sửa sang chùa, xây Tam Quan, nhưng rồi chùa bị đổ nát, Tam Quan cũng không còn. Ðến đời Quang Toản (1793-1802), chùa lại được xây lại trên nền cũ. Tam Quan ngày nay ở dưới chân núi, chùa trên đỉnh, chùa Hạ,ï chùa Trung, chùa Thượng xếp theo chữ tam, 3 chùa cách nhau một khoảng rộng bằng lối đi. Trong chùa thờ tự cũng giống các chùa khác, chùa nổi tiếng về số lượng tượng (62 tượng cổ). Tượng gỗ mít, sơn son, nét tượng đơn giản, diễn tả chung chung. Riêng bộ Thập Bát La Hán khá lớn có từ thời Hậu Lê, nét chạm tinh hơn và để nguyên màu gỗ cổ kính, thể hiện độc đáo tính nghệ thuật. Nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa Tây Phương có làm bài thơ tựa đề: “Các Vị La Hán Chùa Tây Phương”:

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương
Há chẳng phải đây là xứ Phật
Mà sao ai nấy mặt đau thương.

Người soạn sách diễn giải; “Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội đương thời, quằn quại đau khổ trong nhiều biến động về bế tắc không tìm được lối ra”. Theo tôi, ý nghĩa các tượng La Hán mà như Huy Cận và người làm sách viết thì chùa không trưng bày làm gì. Nếu các ngài còn mang theo khổ đau luyến ái đến lúc tịch diệt thì sao có thể đạt quả La Hán? Phải chăng chính thời đại của các tác giả đã khiến cho “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Mấy năm trước đây, báo chí trong nước đã tri hô rầm lên chùa bị mất pho tượng Nghìn Mắt Nghìn Tay. Vào chùa Trung, mấy thầy đang ngồi ghi chép, Phật tử đứng quanh, tôi đợi lúc vơi khách, đến hỏi các thầy vụ mất tượng.

– Thưa Thầy, nghe nói chùa có mất pho tượng cổ?
– Vâng, pho tượng ở chùa Hạ.
Ông Thầy nhìn tôi hỏi lại:
– Bác nhà báo?
– Không ạ, pho tượng nặng 2 tấn làm sao mà ai bốc đi được?
– Mất rồi làm sao tôi biết ai!
Thấy ông Thầy tỏ vẻ không muốn khơi chuyện trộm cắp, tôi lỉnh đi nơi khác. Pho tượng nặng, từ trên núi cao, chỉ có hóa phép mới chuyển đi được. Nhưng, chuyển đi đâu? Mua bán với ai? Tên ăn trộm có ba đầu sáu tay cũng không sao làm nổi. Trong chùa còn một bảo vật nữa là quả chuông đồng đúc năm 1796, hai năm sau có khắc bài Minh của Phan Huy Chú.

Khách thập phương vào lễ cứ tự do di chuyển, từ chùa Hạ, qua chùa Trung lên chùa Thượng, lễ vật tự bày biện, tự cúng rồi dọn về. Có người bê cả mâm lễ gồm có xôi gà, giò lụa bánh chưng, thêm lon bia Heiniken. Lối cúng Phật thông thường của phần lớn đồng bào miền Bắc là vậy. Tôi đang chụp ảnh thì chợt thấy mấy cụ đến chia phẩm oản cho một “Sư Thầy”, giò, bia, bánh chưng. Sư Thầy hoan hỉ nhận và vui vẻ trò chuyện.

Theo khách thập phương lên chùa Thượng, tới đâu tôi cũng thấy người là người, ai cũng xá xá vái vái, khấn luôn mồm. Hai vợ chồng vừa cúng ra, vợ quay hỏi chồng như tra vấn:
– Khấn chưa? Vái chưa?
– Xong rồi.
– Ừ đấy, A Di Ðà Phật, ba cái!
Ðến những nơi lễ hội, nhất là miền Bắc, sau khi ghi những hình ảnh cảnh trí chung chung, tôi còn cái thú đi tìm những chân dung các cụ bà cụ ông. Những cụ bà Bắc Kỳ chừng bảy tám mươi tuổi trở lên, đều có những nét đẹp rất đặc trưng, cụ bà Việt Nam thuần túy, quấn khăn vành, chít khăn mỏ quạ hay trùm khăn nhiễu đen, miệng nhai trầu bỏm bẻm, hình ảnh ít thấy hàng ngày.

Chùa Ðền, mỗi nơi đều có ngày hội chính thức riêng, lễ hội chùa Tây Phương vào ngày 6 tháng 3 âm, tuy nhiên những ngày đầu tháng Giêng thì nơi nào cũng đông khách trẫy hội. Ðây là phong tục trên đất Bắc. Ngày Tết là ngày hội hè thăm viếng, cầu xin nên ai nấy đều không quản ngại khó khăn, xa xôi cách trở. Một bộ phận lớn trong số khách thập phương là lứa tuổi thanh niên, hội hè là dịp hẹn hò gặp gỡ trao duyên, thế nên chuyện lễ bái phần nào giảm đi vẻ trang nghiêm cổ kính. Nhưng, suy nghĩ chung ngày nay, cứ càng đông người càng có nhiều “hòm công đức”. Cửa Thiền luôn mở rộng, không phân biệt đối đãi, không ai còn để tâm về nghi thức phép tắc, từ cổng chùa vào chánh điện, cứ tùy tiện mua bán cúng bái, chẳng ai phiền hà.
Trần Công Nhung
___________________
____

Xem thêm

Nhận báo giá qua email