NGHỀ NUÔI BỆNH

Mang bệnh đâu phải uống thuốc là khỏi. Nhiều căn bệnh khiến người yếu hẳn hoặc nằm một chỗ như sau khi mổ, đột quỵ, già lão, hậu Covid-19… Khi đó bệnh nhân cần có người ở sát bên giúp đỡ các sinh hoạt bình thường hàng ngày. 

Bệnh nhân nằm liệt thường do người thân trong gia đình chăm sóc. Tuy nhiên trước kia, nhiều phụ nữ chỉ quanh quẩn làm việc nội trợ, đi chợ nấu cơm, săn sóc người già và trẻ con trong nhà. Ngày nay cuộc sống có nhiều thay đổi, trẻ con đi học, người lớn đi làm, phụ nữ ra ngoài kiếm sống làm việc tám tiếng hay nhiều hơn, tăng ca, công việc ở các công ty tư nhân, công ty liên doanh… lương cao nhưng thời gian làm việc cũng sít sao, căng thẳng. Công ăn việc làm ngày càng khó khăn không dễ tìm, nếu trong nhà có người ốm đau hay người già thì không còn dư thì giờ để trông nom chu đáo.

Bởi nuôi bệnh là công việc 24 trên 24 tiếng đồng hồ. Nếu ban đêm phải canh chừng giường bệnh thì ban ngày người nuôi không còn sức đi làm. Vả người thân tuy có tình yêu thương gắn bó với bệnh nhân nhưng lại không nắm được kỹ thuật nuôi bệnh: cách trở mình, cách xoa bóp, cho ăn… Vì thế chăm sóc bệnh nhân trở thành một công việc hết sức cực nhọc cả về tinh thần lẫn thể chất, không kể lắm khi không hiệu quả. Y tá ở bệnh viện chỉ theo dõi thuốc men, rửa bó vết thương… chứ không có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân  

Do nhu cầu gia tăng như thế nên nuôi bệnh trở thành nghề phát triển mạnh ở thành phố.

Thoạt tiên, ở những nơi nhiều bệnh nhân nặng như bệnh viện về Ung Bướu, Tim mạch,  xương khớp… và một số khoa ở các bệnh viện như khoa Hồi sức, khoa Hậu phẫu, khoa Bỏng… tập trung các bệnh nhân nằm liệt. Một phòng thông thường nằm mấy bệnh nhân, mỗi bệnh nhân một người nuôi. Vì vậy, nếu vắng mặt một lúc, có thể nhờ thân nhân giường bên trông hộ, rồi gửi họ ít tiền. Một chị là giáo viên thường xuyên vào bệnh viện buổi tối nuôi mẹ, còn ban ngày bận lên lớp phải nhờ người cùng phòng ghé mắt trông dùm. Ngược lại anh bảo vệ ban đêm ở một xí nghiệp lại phải nhờ người trông ông nội vào buổi tối. 

Nếu đó là người dưới tỉnh lên thì rất dễ nhờ vì họ không thể mỗi lúc mỗi về nhà nên gần như có mặt toàn thời gian ở bệnh viện, đằng nào cũng chăm nom người thân, trông thêm một người bên cạnh cũng không mất công bao nhiêu, nhân thể kiếm thêm chút ít bù đắp phần nào cho chi phí ăn ở tốn kém. Dù sao lắm lúc cũng khó nhờ vì không phải ai cũng sẵn lòng giúp và không phải ai cũng cần ít tiền. 

Dần dà, ở các bệnh viện hình thành một đội ngũ nuôi bệnh thuê. Giá cả thay đổi tùy theo nuôi ngày hay đêm, bênh nặng hay nhẹ, già hay trẻ, mập hay ốm… Nếu bệnh nhẹ chỉ cần đỡ tay chân, sai vặt nhưng nặng thì bận rộn hơn nhiều. Nghề này cực vì phải ở cạnh bệnh nhân suốt ngày đêm, nếu bệnh nặng quá phải ngồi canh kể cả khi bệnh nhân ngủ. Dù sao cũng tạm coi nhàn hạ vì đỡ dang mưa nắng, đỡ nặng nhọc như các công việc lao động tay chân, lương lậu lại ổn định. Các gia đình tương đối khá giả có thể trả công nuôi bệnh không phải một, hai tuần mà thường kéo dài vài tháng, cả năm, hàng năm… nếu người nuôi hợp tính.

Dân số gia tăng, bệnh nhân gia tăng, nhiều bệnh viện mới thành lập. Số lượng người nuôi bệnh thuê cũng vì thế tăng cao.

Bà Tư quê ở Bạc Liêu có sáu công ruộng, mặc dù chăm chỉ cày cấy nhưng ruộng ít, lại thêm thời tiết thất thường khiến mùa màng thất bát, tốn tiền giống má, phân bón vẫn không đủ gạo cho cả đại gia đình nên bà đành cho mướn ruộng rồi lên Saigon giúp việc nhà. Đã không tốn tiền ăn ở, lại lãnh đủ tiền công. Khi chủ nhà bị bệnh phải vào nhà thương nằm mấy tháng, bà theo vào săn sóc. Sau khi hết bệnh, chủ đi ngoại quốc, bà Tư không về quê và cũng không giúp việc nhà nữa, bà ở lại… luôn trong bệnh viện, không bao giờ sợ thất nghiệp.  

Nhờ tính cẩn thận, vui vẻ nên hết mối này qua mối khác, người nọ giới thiệu cho người kia, bà Tư có làm việc ở bệnh viện cả chục năm. Rồi đến ngày bệnh già: cao huyết áp, hay xây xẩm, không thể tiếp tục nuôi bệnh được nữa, bà… vể hưu. Bà truyền nghề cho vợ chồng cô con gái thứ ba, kế tới vợ chồng người con trai thứ năm. Ở quê công việc bấp bênh, làm thợ đụng, chạy xe ôm… kiếm chẳng bao nhiêu nên tiếp theo vợ chồng cô con gái út của bà cũng tiếp nối lên thành phố kế nghiệp. Cả vợ chồng, anh chị em đều làm một nghề trong cùng một nơi nên thật vui vì dễ đỡ đần nhau. 

Nghề này cũng đòi hỏi sức khỏe vì có lúc phải bế ẵm bệnh nhân ra băng ca khi đi xét nghiệm, tắm rửa, vệ sinh… dìu tản bộ hoặc đẩy xe lăn đi dạo, sáng tắm nắng, chiều hóng gió… Do đó người trung niên hoặc nhỏ con chỉ có thể trông nom bệnh nhẹ hoặc bệnh nhân ít tuổi…

Người bán vé số dầm mưa dãi nắng và do đi bộ mấy chục cây số một ngày nên thường bị đau nhức bắp chân. Công nhân xí nghiệp lãnh lương một tháng 5- 6 triệu, tăng ca đến chóng mặt hoa mắt gần ngất xỉu chỉ 8 đến 9 triệu đồng… thì nghề nuôi bệnh được coi là khá hấp dẫn. 

Giá trông nuôi người bệnh ngắn hạn, từ vài ngày đến một hay hai tuần lễ thì khoảng năm, sáu trăm ngàn đồng một ngày hoặc hơn tùy theo bệnh nặng nhẹ; người bệnh phải bế ẵm, gầy hay mập!!!

Bà Yên lãnh lương tháng mười hai triệu đồng, trừ chi phí ngày ba bữa cơm phải ra mua ngoài khoảng hơn một nửa, còn gọn năm triệu gửi về quê cho con nhỏ. Trước kia bệnh viện dành một nơi cho thân nhân nấu nướng thì tiết kiệm thêm tiền cơm nước hơn một chút, nhưng nay bệnh viện không cho nấu nướng trong khuôn viên sợ cháy nổ và do giữ gìn vệ sinh chung.

Một số người chỉ thích nuôi bệnh ở bệnh viện vì sợ nuôi ở nhà kiêm thêm việc nhà. Bởi vì có sự phân biệt rõ. Người nuôi chỉ nuôi bệnh, người giúp việc làm việc nhà. Không ai muốn kiêm nhiệm thêm dù có trả lương cao hơn. Người nuôi bệnh cùng lắm nấu nướng, giặt giũ chút đỉnh cho bệnh nhân chứ nhất quyết không đỡ việc cho gia đình.

Ở bệnh viện có đồng nghiệp với nhau nên họ tán dóc vui hơn. Quả là vui thật, sau bữa ăn hay giờ bác sĩ khám bệnh, y tá làm thuốc…, trong khi bệnh nhân nằm bẹp dí thì các anh chị em túm tụm lại “tám” hay ra hành lang “quẹt” điện thoại.

Thật ra giá cả nói trên người nuôi nhận trực tiếp từ người nhà bệnh nhân, không phải qua tay cò. Bệnh nhân mới nằm, thân nhân còn ngơ ngác chưa biết xoay sở ra sao thì cò đã lảng vảng bắt mối, ăn hoa hồng từ người nuôi. 

Để nền nếp hơn thì đã có công ty chuyên cung cấp người nuôi bệnh. Các công ty này huấn luyện nhân viên cách chăm sóc bệnh nhân: vệ sinh người bệnh, vệ sinh giường, tập vật lý trị liệu, lăn trở chống loét, dìu đi lại…  

Nói thế không có nghĩa người không qua công ty nên tay nghề kém hơn bởi vì một số bệnh viện đã mở lớp hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân để buộc người nuôi bệnh thông thuộc những kiến thức căn bản trong công việc này.

Nhiều gia đình có ông bà, cha mẹ già bệnh nặng kéo dài, đã thuê người ở hẳn trong nhà.

Chị Mười ở Xuân Lộc đang ngồi nhà trông cháu ngoại thì người bà con kêu lên thành phố coi ông dượng bị đột quỵ. Chị trông ông dượng từ năm này qua năm khác. Gia đình khá giả, ăn ở mát mẻ, tiền lương bỏ gọn trong túi, mến tay, mến chân, quen tính nết người bệnh, chị thấy công việc thật nhàn hạ. Chỉ có điều nuôi bệnh thì không có lễ lạt, chủ nhật gì cả. Đôi khi có việc phải về quê, chị kêu con trai lên thay thế vài hôm.

Bà Kiều vốn là giáo viên tiểu học đã ngoài 90. Dù sống chung trong đại gia đình nhưng con cháu đều bận đi làm, đi học cả. Con trai thuê một cô người Kampuchia trông nom bà. Cô này luôn ở cạnh, giúp bà đi vệ sinh, lo việc ăn uống, thuốc men, xoa bóp chân tay… Tới ngày bà trượt chân té trật khớp háng, phải nằm một chỗ. Cô Kam không thể về nhà thường xuyên nên chồng cô được kêu tới. Hai vợ chồng thay phiên coi bà suốt ngày đêm.

Bà Dung có một con gái theo chồng định cư Canada. Bà sống một mình cho đến ngày tai biến nằm một chỗ. Con gái điện thoại nhờ công ty dịch vụ tìm một người chăm sóc, đi chợ, cơm nước… khỏi phải nhờ họ hàng mang ơn.

Quả thật, nuôi bệnh đã trở thành nghề chuyên nghiệp và không thể thiếu trong xã hội hiện nay. Đã có nhiều lớp học trực tiếp hoặc online “Chăm sóc người bệnh”. Học viên được học cách xoay trở người bệnh, xoa vuốt khi mắc nghẹn, cách giải quyết ống thông thực phẩm bị nghẽn, bệnh táo bón… Họ học cả tâm lý để có thể chịu đựng các bệnh nhân mà do bệnh tật đã trở nên rất khó tính. Từng có vụ án xảy ra do người bệnh khó tính quá, người nuôi chịu không nổi đâm ra hành hạ bệnh nhân.

Thành thử bây giờ không còn thành kiến “người nhà coi bệnh nhân kỹ hơn người ngoài”, mà thực sự người có chuyên môn trông nom bệnh nhân kỹ hơn người nhà. Bà Bình vào bệnh viện trực tiếp nuôi chồng kêu ông xã tôi mới nằm một tuần mà muốn bị lở lưng rồi.

Tại một số bệnh viện, học xong với đầy đủ các màn thi cử có cấp bằng đàng hoàng và chỉ những người có bằng mới được hành nghề tại bệnh viện.  Nhờ đó mà không làm chỗ này, họ dễ dàng xin việc nơi khác với tấm bằng chứng nhận chuyên môn. 

Có văn bằng này rồi, người nuôi bệnh ghi tên tại văn phòng hành chính của bệnh viện. Các bệnh viện sẽ giới thiệu khi có người cần mà không ăn “tiền cò” hoặc phí dịch vụ như ở các công ty. Chưa kể văn bằng này được công nhận chính thức là nghề chuyên môn. Do đó nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học, đã tìm đường ra ngoại quốc bằng cách đi đăng ký “lao động xuất khẩu” ở nước ngoài. Với tờ chứng nhận điều dưỡng do bệnh viện cấp, họ sẽ xin làm việc công việc chăm sóc người bệnh ở nước ngoài. Ở Nhật, tiền lương và phụ cấp của nghề chăm sóc người bệnh khoảng 150 ngàn- 170 ngàn yen/tháng.

Nghề nuôi bệnh hiện nay được coi trọng và thu hút nhiều thành phần chứ không phải chỉ giới hạn người ít học, từ quê nghèo lên theo như quan điểm trước kia. Những người về hưu nhưng còn sức khỏe, con cái lớn nên không vướng bận gia đình mà vẫn muốn làm việc gì đó tiêu thời gian có ích và có thêm lợi tức thì nuôi bệnh là một nghề thích hợp.

Nghề này phát triển đỡ bối rối cho gia đình bệnh nhân và giải quyết một phần nạn thất nghiệp cho xã hội.

Cần lắm! Vào thời kỳ đại dịch Covid-19, trong khu cách ly chỉ có nhân viên y tế. Một ông nắm trên giường tay cầm tờ tiền 200 ngàn đồng ngỏ ý nhờ thay hộ cái bỉm đã đầy. Nhưng chẳng ai rảnh để giúp ông cả. Những người mắc Covid-19 khi khỏi, thoạt tiên quay lại giúp người nặng trên tinh thần thiện nguyện, nhưng dần dần sau đó, họ nhận tiền công và tiền công khá cao, không hề rẻ bởi cận kề với không phải chỉ bệnh nặng, mà là dịch bệnh rất dễ lây nhiễm! 

Saigon cô nương

Xem thêm

Nhận báo giá qua email