Nếu như có ai thắc mắc muốn biết một cuộc sống không phải đi làm sẽ như thế nào, câu trả lời là sung sướng tuyệt vời. Người không phải đi làm sẽ không phải lo vặn đồng hồ báo thức trước khi đi ngủ, không phải thức dậy sớm và như vậy có nghĩa là họ thường quên không biết hôm đó là ngày thứ mấy trong tuần. Họ có thêm thì giờ để nhẩn nha đọc sách, ghé thăm bảo tàng viện, cầm vợt ra sân chơi một trận banh với bạn. Và hơn hết, người không phải đi làm sẽ không còn lo lắng vào mỗi chiều Chủ nhật trong khi chuẩn bị đi làm trở lại vào ngày thứ Hai đầu tuần với một núi công việc đang chờ ở sở. Một cuộc sống như thế thì ai mà không thích.
Nhưng ở Mỹ, thời gian nghỉ phép kéo dài hơn hai tuần và được trả lương thường là rất hiếm. Những ngày nghỉ phép bao giờ cũng tuyệt diệu – và người đi làm nên được nghỉ thêm nhiều ngày hơn – nhưng thực sự để giúp cho người đi làm tránh bị kiệt sức hoặc trở nên chán nản với công việc thì nên cho họ có thêm thời gian để nghỉ ngơi hơn. Nói cách khác, các công ty nên có những chương trình nghỉ phép dài hạn cho tất cả mọi nhân viên khi họ cần đến.
Chương trình nghỉ phép dài hạn của công ty có thể được trả lương hoặc không được trả lương, và đôi khi, giữa khoảng thời gian thay đổi công việc, người đi làm tự lo lấy phần chi tiêu (có thể trích ra từ số tiền dành dụm trước đó) cho cuộc sống của họ. Cho dù sắp xếp như thế nào, những tháng không phải tới sở làm có thể giúp người ta có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn so với những kỳ nghỉ phép ngắn hạn có được. Có người đã từng được nghỉ phép dài hạn, khi được hỏi ý kiến, cho biết sự khác biệt rất lớn có thể so sánh giữa chợp mắt ít phút và được ngủ thẳng một giấc tới sáng.
Nghỉ phép dài hạn dường như giúp người ta hồi phục sau khi bị kiệt sức, nhưng đây không phải là phương pháp chữa bệnh toàn diện. Người ta không thể cứ nghỉ ngơi là hết kiệt sức, bởi vì kiệt sức không chỉ do công việc tạo ra mà còn do chính người ta đã không nhìn thấy thực tế đòi hỏi của công việc. Do đó, người kiệt sức nếu không thay đổi cách làm việc thì rốt cuộc cũng lại rơi vào tình trạng khốn khổ như cũ thôi.
Tuy nhiên, nếu nghỉ phép dài hạn vẫn không thể giải quyết được những vấn đề trong công việc, ít ra nó có thể phần nào bồi bổ cho cuộc sống ở bên ngoài công việc. Nó cho phép người ta có thời gian chú ý đến những khía cạnh khác trong cuộc sống mà bấy lâu nay đã vô tình bỏ quên. Người ta có thể lợi dụng thời gian nghỉ kéo dài để làm một số công việc đơn giản nhưng cần thiết – như nấu ăn, tập thể dục, gọi điện thoại cho bạn bè và người thân trong gia đình – hoặc thực hiện các dự án mới bắt nguồn từ những đam mê cũ đã bị xếp qua một bên do những bận rộn lo toan cho cuộc sống.
Gần như tất cả những người nào đã từng lấy những kỳ nghỉ phép dài hạn khi được hỏi đều tỏ ra thích thú về thời gian nghỉ đó. Họ nhớ lại quãng thời gian được sống vui vẻ hạnh phúc hơn, không cảm thấy mệt mỏi, tinh thần bớt căng thẳng. Nhiều người nghĩ rằng họ sẽ được hưởng nhiều lợi ích nếu cứ từ ba tới năm năm lại lấy một kỳ nghỉ phép dài hạn một lần, với mỗi kỳ nghỉ lý tưởng kéo dài khoảng sáu tháng. Laura Giurge, giáo sư môn khoa học hành vi tại Đại học London, đề nghị thời lượng nghỉ phép tốt nhất có thể thay đổi tùy theo mục tiêu của mỗi người, thời gian ngắn hơn dành cho những ai có dự tính cá nhân và dài hơn cho những ai cần hồi phục sau khi bị kiệt sức vì công việc. Tuy có điều không may là cho tới nay vẫn chưa có nhiều cuộc nghiên cứu mang tính cách hàn lâm về đề tài cứ cách bao lâu thì người ta nên lấy kỳ nghỉ phép dài hạn, hoặc lợi ích từ những kỳ nghỉ phép dài hạn đó kéo dài.bao lâu. Một cuộc nghiên cứu năm 2010 tại một trường đại học cho thấy các giáo sư cảm thấy hưng phấn hơn sau khi được nghỉ dài hạn và cảm giác đó giảm dần trong khoảng 10 tuần lễ sau khi họ trở lại với công việc.
Tuy nhiên, còn một lý do khác để nghĩ rằng các kỳ nghỉ phép dài hạn không chỉ mang lại niềm vui nhất thời mà dường như còn cho phép người nghỉ phép có thời gian để nhìn lại cuộc sống của họ để từ đó có thể đưa tới những thay đổi lâu dài hơn về sau. Được cách xa công việc trong một thời gian có thể giúp người ta nhìn rõ hơn về con người của chính mình, công việc có thể không còn là phần quan trọng nhất trong cuộc sống; ngoài công việc ra người ta còn có rất nhiều điều khác đáng để nói tới.
Trong hoàn cảnh nhiều người cảm thấy mệt mỏi do làm việc quá nhiều như hiện nay, nghỉ phép dài hạn dường như là một ý tưởng hết sức hoàn hảo và hợp lý. Tuy nhiên, đây không hẳn là một ý tưởng mới lạ gì mà đã có từ lâu. Theo giáo sư Evyatar Marienberg, chuyên nghiên cứu về tôn giáo tại Đại học North Carolina, cho biết khái niệm về nghỉ phép dài hạn có liên quan tới ngày Sabbath, tức ngày để nghỉ ngơi trong tuần. Nhưng cũng có nhiều khả năng nó có nguồn gốc từ khái niệm “năm nghỉ” (sabbatical year) trong Cựu Ước – nghĩa là cứ mỗi bảy năm thì người Do Thái dành ra một năm để cho đất canh tác được nghỉ ngơi để được tự bồi dưỡng lại. Hiện nay, người Amish (có gốc Do Thái) sống rải rác tại Ohio và Pennsylvania vẫn còn duy trì tập quán này. Các trường đại học ở Mỹ bắt đầu áp dụng khái niệm này vào cuối thế kỷ 19; năm 1880, Harvard bắt đầu một chương trình được cho là chương trình nghỉ phép dài hạn đầu tiên của đại học, cho phép các giáo sư cứ bảy năm thì được nghỉ phép dài hạn một lần. Ý tưởng này đã không được mang qua áp dụng cho lãnh vực kinh doanh cho mãi tới gần 100 năm sau.
Trong khoảng gần nửa thế kỷ qua, đã có nhiều công ty bắt đầu cho nhân viên có những kỳ nghỉ phép dài hạn có trả lương – mặc dù về tổng thể, đây vẫn là một thứ đặc quyền hiếm hoi. Theo tổ chức Society for Human Resource Management, chuyên nghiên cứu về nguồn nhân lực lao động, chỉ có 5 phần trăm số công ty có chương trình cho nhân viên nghỉ phép dài hạn có trả lương và 11 phần trăm cho nhân viên được quyền nghỉ phép dài hạn không trả lương trong năm 2019 – tương đương với con số của một thập niên trước đó. Tình trạng hiếm hoi nói trên ở một mức độ nào đó có thể hiểu được. Các giám đốc điều hành các công ty có xu hướng hoài nghi về ý tưởng trả lương cho người không làm việc và có thể sợ rằng người nhân viên đó sẽ không trở lại sau khi được nghỉ phép trong một thời gian dài. Nghỉ phép dài hạn thực sự ra cũng có thể làm gián đoạn công việc của công ty và đòi hỏi phải có kế hoạch thận trọng.
Tuy nhiên, với trường hợp của những công ty chống lại ý tưởng nghỉ phép dài hạn thì lại không được rõ ràng như vậy. Cho nhân viên nghỉ phép dài hạn có lương có thể tốn kém, nhưng những nhân viên ấy sau khi nghỉ phép sẽ trở lại làm việc với nhiều trách nhiệm hơn và làm việc có hiệu quả hơn. Và nhiều công ty nhận thấy các kỳ nghỉ phép dài hạn là một công cụ hữu hiệu để thu hút và sau đó là giữ chân những nhân viên giỏi – vậy nếu có tốn kém đôi chút thì cũng đáng thôi. Hơn nữa, đây cũng là cách để cho những nhân viên trẻ muốn tiến thân có cơ hội để tạm thời thay thế và nhận lãnh trách nhiệm công việc của những người nghỉ phép dài hạn, và qua đó chứng tỏ cho công ty thấy ai là người có khả năng và sẵn sàng để nhận lãnh công việc đòi hỏi tay nghề và kinh nghiệm cao hơn.
Đương nhiên, vấn đề được bàn luận ở đây về ý tưởng nghỉ phép dài hạn thực sự không dựa trên lời, lỗ, lợi, hại trong lãnh vực kinh doanh mà là để tạo ra một xã hội nhân văn hơn. Nói như vậy thì mục đích của vấn đề nghỉ phép dài hạn đã được rõ ràng hơn. Trong một số cuộc thăm dò, những người đã từng nghỉ phép dài hạn cho biết họ gặp rất ít vấn đề trục trặc. Một số người nói rằng họ có lo lắng chút ít về tiền bạc hoặc con đường thăng tiến trong công việc – nhưng thực sự, đây là vấn đề thuộc về khía cạnh nghỉ phép dài hạn có được sự ủng hộ nhiều hay ít chứ không hẳn là vấn đề có nên nghỉ phép dài hạn hay không.
Một người làm việc mà cứ một vài năm, ngoài những kỳ nghỉ phép thường niên, lại được thêm một kỳ nghỉ phép dài hạn cỡ ba tháng chẳng hạn thì còn gì thú vị cho bằng. Có người có thể nhân cơ hội làm một chuyến du lịch xa, nhưng nội việc chỉ cần được ở nhà, đi ra đi vào không phải nhìn vào cái đồng hồ, không phải lo nghĩ tới công việc ở sở, tạm thời không phải nhớ tới ngày tháng trên cuốn lịch thì đã là điều hết sức sung sướng rồi còn gì. Phải chăng đây là giấc mơ hy vọng một ngày nào đó sự thành sự thực.
Huy Lâm