Nghiệp dĩ!

đoàn xuân thu
Ai cũng biết giáo dục, dạy dỗ một em học trò trở nên người tài đức cho xã hội sau nầy là một chuyện không dễ dàng chút nào! Nó đòi hỏi sự hy sinh của các bậc phụ huynh và các thầy, cô giáo.
Cách đây cũng khá là lâu, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã gửi cho thầy dạy con mình ngày đầu tiên đến lớp một bức thơ đầy trí tuệ!
Là một trong những vị Tổng thống tài ba và lỗi lạc nhứt nước Mỹ, nhưng ông đã cư xử rất khiêm cung với thầy giáo của con mình, ân cần bàn bạc với thầy giáo về cách dạy con mình sự tự tin, cư xử như một con người chân chính khi bước vào đời đầy giông bão.
Thơ rằng: “Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm.
Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đô la nhặt được trên hè phố…
Xin thầy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ.
Xin dạy cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất…
Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm…
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo.
Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.
Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người những cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp…
Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã, xin hãy dạy cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt.
Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.
Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình…
Xin hãy dạy cho cháu khoanh tay làm ngơ trước một đám đông đang gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng…
Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được những thanh sắt cứng rắn.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt tối vào bản thân, bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy. Nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình, nếu được vậy, con trai tôi quả thật là một cậu bé hạnh phúc và may mắn!”
***
Nhưng trong nước bây giờ, phụ huynh không thèm bàn bạc gì về cách giáo dục với thầy cô dạy con mình cả… mà chỉ muốn ăn thua đủ theo kiểu giang hồ!
Thiên hạ hay nói rằng: “Nhà văn, nhà báo cộng với nhà giáo bằng nhà nghèo!”
Nhà giáo là nhà nghèo thì xưa giờ cũng vậy. Mà nghèo là hèn hè. Bị làm nhục, bị ức hiếp, cũng im re vì miếng cơm manh áo cho con mình. Hu hu!
Chuyện rằng: Sáng ngày 28, tháng Hai, năm 2018, tại trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức tỉnh Long An, có 4 phụ huynh có gặp ban giám hiệu và cô giáo dạy lớp của con mình yêu cầu trường phải cho con họ đổi lớp hay phải đổi cô giáo đi.
“Thời gian cô dạy có 1 tháng mà có lời nói, hành động khiến học sinh không dám đi học.” “Tại sao bắt cả lớp quỳ, cô cho quỳ vậy bao nhiêu lần rồi? Con tôi có lỗi gì hay không mà cho quỳ?”
Cô giáo nhận lỗi và thầy Hiệu trưởng hứa sẽ hành động như vậy sẽ không xảy ra nữa.
Tuy nhiên, một phụ huynh, ông ‘thần thừ’ nầy là đảng viên CS, là luật sư nhứt quyết không đồng ý.
“Con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô có lỗi cô quỳ đi. Cô quỳ được tôi coi như chuyện này giải quyết xong.”
Cù cưa cù nhằn tới 9 giờ, thầy Hiệu trưởng chém vè, với lý do đi dự giờ.
À bây giờ Trời làm một trận lăng nhăng; ông xuống làm thằng, thằng lại lên ông. Cô giáo xuống làm học trò và ông luật sư, ba của học trò leo lên làm cô giáo!
Tội nghiệp cô giáo vì sợ bị đổi đi, vì chén cơm manh áo, phải nhịn nhục mà quỳ. Quỳ 30 phút ông ‘nội’ nầy cũng không chịu mà đúng 40 phút y như con ổng bị quỳ mới huề…
Sự việc nổ bùng ra, thiên hạ, người một cục đá, leo lên trang mạng ném ào ào.
Luật sư đoàn nơi ông thần nầy vừa hoàn tất tập sự cũng bắt chước sách của thầy hiệu trưởng, sợ văng miểng nên chém vè, tam thập lục kế dĩ đào vi thượng!
Ông luật sư nầy ăn hiếp cô giáo là đàn bà phụ nữ thân cô thế cô, tưởng ông ngon lắm Ai dè ông cũng nhát hít hè! Ông chối leo lẻo hè: “Tôi không ép, cô giáo tự quỳ!”
Nhưng cái đảng ủy xã của ông cười khẩy cho rằng đổ thừa như vậy con nít nó cũng hỏng tin nên nó nắm đầu ông đuổi cổ ra khỏi đảng.
***
Qua chuyện nầy, quá nhiều câu hỏi được đặt ra: Nếu nạn nhân không là cô giáo tay yếu chân mềm mà là thầy giáo vai u thịt bắp thì nó có dám ‘ẩu xị’ như vậy hay không?
Nếu thầy hiệu trưởng ‘lương sư hưng quốc’ không chém vè mà kiên trì bám trụ để chống lại cái đòi hỏi cực kỳ mất dạy của tay luật sư nầy thì tình thế đã khác đi chăng?
Còn cô giáo thấy cấp chỉ huy, thầy hiệu trưởng của mình còn bỏ chạy thì đành cam tâm khuất phục, phải chịu nhục mà quỳ vì thế cô, cô không thể nào chống chọi lại một bầy lang sói.
Tôi cũng thông cảm cho thầy hiệu trưởng một phần; vì trước kẻ thù hung hãn đã tam thập lục kế dĩ đào vi thượng để bảo vệ nồi cơm cho vợ con mình. Dẫu thầy thừa biết biết nhịn là nhục.
Riêng tay luật sư bặm trợn kiêm ba trợn nầy tôi có lời nhắn gởi rằng: “Một con người có học, có hạnh, làm tới luật sư thì phải cư xử văn minh, tình người một chút là đến xin gặp riêng cô giáo rồi bàn bạc cách giáo dục con mình. Hơn làm hăm he đòi cách chức, chuyển cô giáo đi trường khác.
Bộ tưởng mình là ông Trời con, đầu gấu của cái huyện Bến Lức nầy, nên muốn trừng phạt ai kiểu nào thì cứ làm.
Giờ bị bà con phang tới tấp thì lộ rõ mặt hèn, lấp liếm bằng cách nói dóc. Cuối cùng thì ai nhục hơn ai?”
***
Chuyện hành hung cô giáo ở Việt Nam, nhưng công tâm mà nói bên Úc, rồi bên Tây cũng có chớ hỏng phải không!
Báo Tây chạy tin rằng: Tháng Ba năm 2017, tại một trường học ở thị trấn Mably, gần Roanne. Bà Elizabeta Elmaz, hiện có 5 con, trong đó con nhỏ nhất vẫn đang bú mẹ, thấy có vết sưng trên đầu con gái và nghi ngờ con mình bị giáo viên đánh đập. Tức giận, bà này đã đến trường của con tát tai và giật tóc bà hiệu trưởng.
Ra tòa, bà Elmaz cho rằng mình chỉ tự vệ khi bị bà hiệu trưởng đánh nhưng các nhân chứng phủ nhận điều này.
Bà hiệu trưởng bị hành hung chỉ muốn Tòa án tại Roanne, thuộc tỉnh Loire miền Trung nước Pháp công nhận những tổn thương mà mình hứng chịu chứ không nghĩ Elmaz sẽ phải đi tù tới cả một năm.
Rõ ràng là một nhà giáo chân chính không muốn “mắt đền mắt; răng đền răng” với phụ huynh học sinh! Chớ không phải tàn tệ như tay luật sư, đảng viên đảng CS kể trên đối xử với cô giáo của con mình!
Chuyện tưởng rằng nhỏ như con thỏ nhưng không nhỏ như vậy đâu! Nó cho thấy một tư cách suy đồi, một quan niệm sống bịnh hoạn của những kẻ chỉ có chút đỉnh chức quyền cấp xã trong guồng máy hỗn mang của đảng Cộng sản.
Bà con mình cũng như tôi đã có một thời đi học. Cũng đã từng bị phạt như quỳ gối trên xơ mít hồi tiểu học hoặc phải đi cấm túc, chép bài phạt vào những ngày thứ Bảy.
Cũng có lúc mình bị thầy cô phạt một cách oan uổng nhưng trong lòng chúng ta không ai oán hận thầy cô mình hết cả.
Khi lớn lên, lập gia đình, có con cái, phải dạy bảo trần ai lai khổ nhưng đôi khi nó có chịu nghe đâu; lại càng thương cảm và thông cảm các thầy cô ngày cũ của mình đã chọn nghiệp dĩ, một con đường vốn khó khăn; chỉ vì lòng yêu nghề, thương trẻ.
***
Hồi xưa bậc chú bác, cô dì chắc ai cũng học sách Quốc văn Giáo Khoa Thư có kể chuyện ông Marie François Sadi Carnot (*) xưa là một ông quan to nước Pháp (sau làm tới chức Tổng thống thứ tư của Đệ tam Cộng hòa Pháp 1887- 1894) một hôm nhân lúc rảnh việc, về chơi quê nhà.
Khi ông đi ngang qua trường học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học.
Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng: “Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”
Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.
(Tiếng Pháp ngôi thứ nhất là Je (Tôi, em, con ) nếu làm chủ từ; còn Moi làm túc từ nên hơi khó dịch)
“Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?” Nếu được đổi một chút, thành “Con là Carnot đây, thầy còn nhớ con không?”)
Thì câu chuyện luân lý giáo khoa thư về cách xử thế của trò, dù công thành danh toại, đứng đầu cả nước Pháp, vẫn tự coi mình là một đứa học trò nhỏ ngày nào trong lớp đối với người thầy cũ của mình là tuyệt tác.
Tóm lại! “Tôn sư trọng đạo” bài học nầy không xưa cũ đâu nhé ông luật sư cộng sản và bà đầm vì thương, cưng con mình quá nên làm hơi sảng sảng!
đoàn xuân thu.
melbourne

Xem thêm

Nhận báo giá qua email