Truyện ngắn Hoàng Chính
Ngày thứ N
Gã vung nắm tayđập xuống mặt bàn. Chiếc bàn gỗ mộc mạc nhảy bật lên. Bốn chân bàn nhấp nhổm, cập kênh vài giây rồi đứng yên. Cây bút và xấp giấy tung bay xuống nền nhà. K lúng túng, đứng chụm hai chân vào nhau trên nền xi măng mát lạnh, mắt liếc cái cổ rắn hổ mang đang bành ra hết cỡ, rồi nhìn xuống những tờ giấy rải rác trên nền nhà. Cái bút lăn thêm một vòng rồi mới dừng lại. Ngọn bút chỉ về phía K như ngón tay tố giác tên tội phạm. Ba giây đồng hồ phân vân. K dợm bàn chân. Nửa người trên nghiêng ra phía trước nhưnghai bàn chân vẫn dính cứng trên nền nhà. Gã nhìn xoáy vào K. Mắt đỏ. Thức khuya hay đẵm rượu. Hai cục than hồngngun ngút khói làm mắt K cay nhức. Có nênbước tới nhặt những tờ giấy màu cỏ úa, xếp gọn thành tập, đặt lên mặt bàn gỗ; và nhặt cái bút bi đặt ngay ngắn lên trên không? Một động tác lấy lòng. Động tác đơn giản nhưng có tác dụng chinh phục. Động tác biểu lộ sự thuần phục. Động tác của kẻ tôi đòi mong lấy lòng ông chủ. Cái phân vân làm K nhấp nhổm.
Bất chợt gã gầm gừ. Và tay phải gã co lại, đặt lên dây thắt lưng, ngay phía trên cái bao da đựng khẩu súng đen thui. K nhìn gã. Vẫn cái mặt mâm đồng. Vẫn môi thâm ốc sên. Vẫn cổ bành rắn hổ. Và vẫn sợi gân nâu quằn quại hai bên cần cổ.
“Đứng im đó. Mày có muốn tao bắn mày không?”
Thân thể Kngả về phía sau. Hai bàn chân bắt ốc trên nền xi măng mát lạnh. Thân hình K đu đưa như hình hài thằng bù nhìn nghiêng ngảtrước gió.
K gồng mình đứng yên, hai mắt mở hờ, nhìn gã. Bởi K chưa quên câu gã dạy buổi làmviệc trước đó, Mày trừng mắt với tao đấy à. Nhìn bằng con mắt mở bình thường là có tội. Tội thách thức. K cũng chưa quên cái đập bàn vang động căn phòng nhỏ như chiếc hộp hôm nào. Mày nhìn tao bằng nửa con mắt phải không. Nhìn bằng con mắt hơi nhỏ hơn bình thường cũng là có tội. Vì vậy K nhìn gã bằng hai con mắt mở hờ. Không lớn, không nhỏ. Mất đúng sáu buổi thẩm vấn mới hiểu ra.
“Mày biết tại sao tao gọi mày lên đây không?” Gã nói nhỏ, thật nhỏ, như thì thầm.
K vểnh tai nghe,“Anh nói gì?”
Bàn tay gã vẫn đặt lên cái báng súng đen ngòm lủng lẳng bên hông. Chỉ cần làm sai một động tác. K nghĩ. Chỉ cần một lời nói nghe không xuôi tai là mình đi đời. Khẩu súng lục có cái họng đen ngòm. K đã gặp nó. Đã đối đầu với nó. Vẫn còn nhớ cảm giác lạnh buốt nó để lại trên trán. Nghĩ thoáng qua mà vẫn thấy lạnh cả người.
“Mày có điếc không?”
“Tôi không điếc.”
“Không điếc tức là có nghe, có nghe mà làm như không nghe thấy.”Cái đầu chầm chậm lắc qua lắc lại nhưng hai con mắt vẫn dán vào K. “Tao biết tụi chúng mày quá mà. Mày có muốn đi U Minh không?”
Lúc nào cũng “mày có muốn” như thể gã cho kẻ bị hỏi cái quyền chọn lựa.
“Mày coi thường chúng tao.”
“Không có.”
Cái miệng bây giờ mở lớn. Lấp lánh chiếc răng vàng. “Chúng mày chỉ giỏi lý sự.”
Im lặng. Mọi thứ chợt hóa đá. Cả K lẫn gã cai tù. Những cục bin bị tháo khỏi chiếc đồng hồ thời gian. K nín thở.
“Gài nút áo lại.” Mệnh lệnh của gã cai tù. Ngắn, gọn và cộc cằn.
K đưa bàn tay sờ soạng cổ áo. Rồi sực nhớ, anh đưa cả hai tay lên chộp lấy hai mép vải, chập chúng vào nhau, che kín cái cổ họng teo tóp.
“Nghe tao nói không?” Câu hỏi ném vào khoảng không chật chội và oi bức.
K càng túm chặt lấy hai mép vải.
“Cài cúc áo lại!” Thêm một mệnh lệnh nữa. Tên bạo chúa, K nghĩ, chính tay nó nắm cổ áo mình giật như giằng miếng ngon ở bàn tay người ăn mày hôm nào, và chính mắt nó nhìn đăm đăm theo những cúc áo đứt tung, lăn tròn trên nền xi măng đen xỉn.
“Mày điếc hả, thằng kia.”
“Tôi không điếc nhưng đứt hết cúc áo rồi.”
K không dám nói cúc áo ông đã giật đứt hết rồi như lần làm việc trước. Lần ấy gã đã lồng lộn, đứng bật dậy, vung tay đấm thẳng vào mặt K, nhưng điều kỳ diệu và khó hiểu là nắm đấm ấy dừng lại chỉ cách mũi K không đầy một phân. K đoán khoảng một phân, bởi K cảm được luồng gió và ngửi được mùi hoi và khét từ những cục xương đốt ngón tay gã. Gã cai tù sở trường trong nghệ thuật sử dụng nắm đấm dọa để bắt hồn tù nhân.
Gã nhìn những ngón tay K, nhìn cái cổ áo túm chặt, nhìn hai cái mắt mở vừa phải, le lói một nửa tia nhìn.
“Mày có muốn biết vì sao tao gọi mày lên đây không?”
Câu hỏi quen thuộc. Quen tới cả cái âm hưởng trong giọng nói gã. Cái giọng ướp bột ngọt ở cái nửa mày có muốn biết, ngâm nước lạnh ở vì sao, ướp muối ở tao gọi mày lên đây, vàứa ra cái mùi độc tố ở chữ không.
“Tôi làm sao biết được.” K nói nhỏ, điềm đạm đến từng âm, từng chữ.
“Mày nói láo.”
“Tôi không nói láo.”
“Đừng có lý sự với tao. Tụi mày luôn nghĩ chúng tao không biết tư duy mà.”
“Không phải thế.”
“Câm mồm đi.”
Cái miệng đóng ngay lại. Dặn mình hoài như thế mà cứ quên. K ngậm miệng. Không dám dán chặt hai môi. Lần nào đó tên cai ngục đã phạt K phơi nắng cả buổi chỉ vì dám mím môi khi làm việc với gã.
Chợt tên cai ngục đứng bật dậy. Khối thịt đồ sộ xô chiếc ghế bật xuống sàn, gây nên một tiếng động khô khốc. Hai con mắt K vẫn nhìn thẳng phía trước. Dưới ngọn đèn loang lổ ánh vàng, một con nhện buông mình từ trên trần nhà xuống, đong đưa trên sợi tơ mỏng, phía trên đầu gã cai ngục.
“Tao cho mày hai tiếng đồng hồ. Giấy bút đây.” Gã chỉ những tờ giấy rải đầy trên nền xi măng. “Thật thà khai báo mọi chuyện.” Gã sửa lại dây thắt lưng quần. Ưỡn ngực ra trước. Từng bước, từng bước đi ra cửa, bàn tay vẫn đặt trên báng khẩu súng đen ngòm giắt bên hông.
Dường như có kẻ nào đó chờ sẵn bên ngoài bởi gã vừa ra tới, cánh cửa tự nhiên hé mở.
Trước khi lọt qua khung cửa, tấm thân bệ vệ ấy quay ngoắt lại. “Khai mọi chuyện mày làm từ lúc bắt đầu có trí khôn.”
Cánh cửa đóng sập lại. Tiếng lách cách của chìa khóa nghe xa xôi như vọng đến từ cõi âm.
K khom người gom xấp giấy và nhặt cây bút, đặt lên bàn. Dựng cái ghế cho thẳng, K buông mình ngồi xuống. Những hàng kẻ trên trang giấy vàng úa uốn éo, cười cợt. Tờ khai lý lịch thứ mấy mươi rồi. Lần nào cũng khai mọi chuyện từ lúc bắt đầu có trí khôn.
K ngẩng đầu nhìn con nhện đu dây. Sợi tơ óng ánh dưới ánh đèn vàng vọt. Đi đâu mà lạc vào chốn này. Đất trời thênh thang, khi không lại chui đầu vào nơi tăm tối. Hay là ở đây thì không sợ gặp mỏ nhọn của lũ chim mổ và nuốt trửng. Và ở đây thỉnh thoảng cũng có một hai con muỗi, con ruồi đi lạc. Buồn trông con nhện giăng tơ. K lẩm bẩm câu ca dao thuở trước. Hai tiếng đồng hồ. Khai mọi chuyện kể từ khi bắt đầu có trí khôn.
K cầm bút, viết những dòng đầu tiên. Tôi tên là Trần K. Sao lại viết tên tắt. Mấy lần bị hỏi như thế. Sao không là Trần Ca. Lần nào cũng bị bắt bẻ như thế. Tên tôi là K, chữ K. Mày giỡn mặt tao đấy à. Không, không giỡn đâu. Tên tôi thật sự là K, một mẫu tự K thôi. Ai đặt tên cho mày. Bố mẹ tôi đặt. Lần nào cũng những câu trả lời như thế. Hỏi chán rồi không hỏi nữa. Tôi tên là Trần K. Sinh ngày 15 tháng 05, 1960. Con ông Trần H và bà Nguyễn Ngọc Huyền Trân. Tên bố thì ông nội đặt. Bố hát, con ca, cả nhà hạnh phúc. Bài bản soạn tới soạn lui, viết đi viết lại mấy mươi lần nên thuộc làu làu. K viết thật nhanh. Cái bút bi rẻ tiền hay bị nhòe mực nhưng chả sao. Viết liên tục thì sẽ không bị bỏ sót chi tiết nào. Nơi sinh. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Nghề nghiệp. Tôn giáo. Đầu cây bút bi sựng lại trên hàng kẻ. Tôn giáo. Từ trước đến giờ K vẫn ghi là Công Giáo. Bao nhiêu tờ khai lý lịch vẫn ghi là Công Giáo. Hôm nay sao ngòi bút lại ngập ngừng. K ngước nhìn con nhện đu đưa trên đầu. Có Chúa không. Con nhện kia, có Chúa thật không hở mày? Hay là có Chúa nhưng Chúa đã ngủ quên như lần ngủ quên trên chiếc thuyền mỏng manh giữa cơn dông tố, trong lúc thuyền sắp chìm khiến các môn đệ lo âu hoảng hốt. K vạch nhẹ chữ C rồi ngừng lại. Bố đi tù ngoài Bắc. Mẹ bị rắn độc cắn chết ở vùng Kinh Tế Mới. Mình tan buổi học, trên đường về nhà thì chúng nó chờ sẵn ở đầu ngõ. Chúa có còn ở xứ sở này hay đã vượt biên mất rồi. K xóa vội chữ C. Và lạnh lùng ghi hai chữ Vô thần vào phía sau phần tôn giáo. Xong. Không làm phiền Chúa nữa. Từ nay yên lòng. Thôi trông đợi. Thôi ước mong. Số phận như thế rồi. Buông xuôi chứ biết sao.
Phần còn lại của tờ khai lý lịch không có gì khúc mắc. Như kinh nguyện đã đọc cả ngàn lần, như bài bát đã ngân nga cả trăm lần. Cứ thế mà viết xuống. Tên những đứa bạn ấu thơ. Tên xứ đạo nơi thằng bé K xưng tội lần đầu. Tên vị Giám Mục đã làm phép thêm sức cho con chiên ngoan đạo tên K. Tên những ngôi trường đã cũ. Tên những hàng quán đã đi qua. Tên cô gái học cùng lớp mà K đã trèo cửa sổ ban đêm vào lớp, ghi câu tỏ tình lên mặt bàn chỗ cô gái ngồi. Tên quán nhậu lần đầu tiên K uống rượu với ông già vá vỏ ruột xe đạp cùng xóm. Cả tên cái xóm đèn đỏ có cô gái mỏng mềm như chiếc gối ôm mát rượi. Tên những con đường lân la dõi theo bóng một tà áo trắng. Tất cả trải đầy năm trang giấy. Chẳng biết đã đủ hai giờ đồng hồ chưa nhưng tờ khai lý lịch thì đã đầy ăm ắp.
K đọc lại từng dòng. Vẫn sựng lại ở cái phần tôn giáo. Bố mẹ biết được hẳn sẽ buồn. Bố đi tù còn mang theo cây Thánh Giá nhỏ. Nhưng biết làm sao hơn. Cho dù là có Chúa đi nữa thì Chúa cũng chẳng có thời gian cho mình nữa rồi. Chẳng theo đạo nào nữa là xong.Vô thần. Nhớ câu thơ của Nguyễn Minh Đường, Huyệt đào trên mộ tiền nhân, một đàn con cháu vô thần điếu tang.
Cánh cửa bật mở. Một cái đầu ló vào. Con mắt híp và mớ tóc xù. Bộ đồng phục màu vàng rộng thùng thình. Cái khóa dây thắt lưng lóe sáng.
“Tờ khai xong chưa?”
K đặt vội cái bút xuống bàn. “Xong rồi anh.” Và sửa soạn đẩy ghế đứng dậy.
Gã áo vàng xua tay, “Ngồi đó chờ chút đi.”
K lại ngồi thụp xuống, tay mân mê góc những tờ giấy mềm nhũn. Đầy năm trang. K nhìn lướt qua trang đầu và lật sang trang cuối. Không thiếu chi tiết nào. Cả cái lần đầu tiên xuống xóm, được cô gái chỉ từng li từng tí.
Cánh cửa lại bật mở. Những cánh cửa nơi này không mở ra từ tốn mà luôn bất ngờ bung ra như bị lốc cuốn. Nòng súng đen ngòm chĩa vào trước. Gã áo vàng theo sau.
“Đi ra!”
Ngón tay K lúng túng sờ soạng xấp giấy.
“Bỏ đó, đi ra. Đi chậm từng bước một.”
K đi trước, mũi súng dài theo sau, đôi lúc chạm cả vào lưng K. Lạnh lẽo, rờn rợn nhưng quen thuộc. Và gã áo vàng đi sau cùng.
Cái miệng tươm nước bọt. Cơn đói nào cũng vậy, luôn vắt cái bao tử, cho nước bọt ứa đầy trong miệng. K nhăn mặt nén cái cồn cào, nuốt vội xuống. Nước bọt để lại vị chua chua đăng đắng trong cổ họng. Xích xiềng rổn rảng. Cánh cửa hé mở rồi đóng sập lại. K chìm vào vùng hầm hập hơi nóng và mùi người. Hai trăm thằng đàn ông, nhét gọn vào căn phòng dùng làm hội trường thuở trước. Đoán là hội trường bởi trên một vách tường còn sót lại cái bệ vẫn dùng để máy truyền hình.
“Có hy vọng gì không?” Thằng bạn tù râu tóc xồm xoàm hỏi. K lắc đầu.
Thằng bạn tù khác, cao lông ngông, đứng dựa vào vách tường, tay phe phẩy cái áo xếp thành quạt, hỏi, “Vẫn thành thật khai báo chứ gì?”
K gật đầu.
“Tao có cầu nguyện cho mày đấy nhé.” Thằng râu tóc xồm xoàm nói.
K quay lại trừng mắt nhìn nó, rồi lẩm bẩm, “Cầu làm mẹ gì nữa!”
Ngày thứ N+1
“Mày biết tao gọi mày lên đây để làm gì không?”
Lắc đầu. Cái lắc đầu nhẹ nhàng. Vẫn căn phòng nhỏ như chiếc hộp. Vẫn ngọn đèn vàng vọt trên trần. Vẫn cánh cửa đóng sập lại và mở bật ra bất ngờ. Vẫn cái cổ bạnh ra như cổ rắn hổ mang. Chỉ thiếu con nhện và sợi tơ óng ánh.
“Mày có muốn tao cho mày biết lý do không?”
“Muốn.”
“Mày gian dối. Mày không thành thật.”
K nhướng hai con mắt. Từng hàng chữ trong năm trang giấy dàn hàng ngang trong trí nhớ. Mười chín lần khai báo. Thuộc từng câu, từng chữ. Năm mười một tuổi, đêm lễ Giáng Sinh, năn nỉ bố mẹ cho vào tiểu chủng viện. Mơ làm linh mục. Ôi giấc mơ tuyệt vời. Lần sinh nhật thứ hai mươi, thằng bạn rủ rê xuống xóm. Ghi lại đến cả buổi tối hôm Giáng Sinh, sau lễ nửa đêm. Ghi lại cả cái giờ theo cô gái làng chơi lên căn gác tối tăm ở Hạnh Thông Tây. Khai đến như thế mà còn bị mắng là gian dối nữa sao. Thằng cai tù này chỉ dọa mình thôi. Tất cả những lời khai của mười chín lần làm việc đều đúng sự thật và giống nhau từng câu từng chữ. K dám chắc những chỗ xuống hàng cũng giống nhau. Gian dối chỗ nào.
Bàn tay đập mạnh xuống bàn, những trang giấy lao xao nhưng không bay xuống nền nhànhư mọi khi và trên bàn cũng không có cái bút bi quen thuộc.
“Mày sẽ lãnh đủ hậu quả của việc mày không thành thật.”
K nhìn đăm đăm những tờ giấy xô lệch trên bàn. Không thấy cái bút bi cũ kỹ hôm nào. Nghĩa là hôm nay không phải khai lý lịch. Thế cũng buồn. Không khai lý lịch thì biết làm gì cho qua thời gian. Mỗi lần khai lý lịch là một lần sống lại đời mình. Cứ thế từ lúc có trí khôn cho tới khi bị bắt.
“Hậu quả; mày sẽ lãnh đủ hậu quả.” Gã cai tù nhắc lại cái câu quen thuộc.
K đoán gã sẽ bắt K khai lại, cho đến khi nào những tờ khai giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Cũng được đi. Mỗi lẫn khai là một lần sống lại đời mình. Mỗi lần khai là một lần đòi bố mẹ cho đi tu làm linh mục. Mỗi lần khai là một lần xưng tội lần đầu, mỗi lần khai là một lần hẹn hò với cô bạn học trò, mỗi lần khai là lại một lần cô gái điếm dịu dàng nhắc nhở: Nhẩn nha đi mà!
Cánh cửa bật mở. Hai đứa áo vàng bước vào. AK 47 kè kè bên hông.
“Đứng quay mặt vào tường!” Gã cai tù ra lệnh.
K lúng túng đứng sát vào vách tường, mặt vẫn cố hướng về phía cái bàn gỗ nơi có những tờ giấy đặc kín những chữ K đã viết.
“Cho mày nếm mùi biệt giam một tháng.” Gã cai tù chưa nói hết câu thì hai cánh tay K đã bị bẻ quặt ra sau và hai chiếc vòng sắt khóa chặt hai cổ tay K vào với nhau.
Biệt giam. Chiếc thùng sắt khối vuông. Giữa nắng lửa, mưa lũ. Đêm với ngày lẫn lộn. Lồng ngực K thắt lại.
“Tôi có giấu giếm gì đâu!”
“Còn ngoan cố à.”Gã gai tù xấn xổ bước tới, hùng hổ vung tay, quăng nắm đấm vào mặt K. Nắm đấm dừng lại cách mũi K đúng một phân bởi K cảm được sức gió và ngửi được mùi hoi của da người, mùi khét của thịt nướng, mùi ngai ngái của hành tỏi, rau thơm.
“Bao nhiêu lần mày khai là Công Giáo. Bỗng nhiên mày thành Vô Thần là thế nào?”