Ngũ long bà bà

Thứ bảy mới là ngày cưới của Hà, nhưng bốn người bạn của Nhung đã có mặt ở San Diego từ hôm thứ Năm. Hà là con gái út của Nhung. Càng ở lâu bên Mỹ, các đám cưới gia đình Việt càng có chiều hướng theo phong tục Mỹ nhiều hơn. Chuyện này khó tránh, vì thế hệ thứ hai sống và hòa đồng với quê hương mới nhiều hơn thế hệ thứ nhất, nên họ hấp thụ lối suy nghĩ và cách sống theo môi trường mà họ cho là thích hợp hơn. Bên này con cái tự chuẩn bị cho đám cưới của mình, không mấy khi phải nhờ cậy đến cha mẹ. Có thể vì vậy mà ý kiến cha mẹ trong việc lựa chọn người bạn trăm năm không mấy khi được con cái “welcome”. Do đó, các bậc cha mẹ thường tâm sự với nhau: “Ở bên này con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó”. Hiền bảo Nhung: “Như vậy càng đỡ khổ tâm cho mình khi tụi nó có vấn đề với nhau. Bụng làm thì dạ chịu, chẳng trách ai được”. Lan thêm vào: “Tốt nhất là đừng xía vào chuyện của chúng! Ðừng nói thì được thêm một đứa con, mà nói thì không chừng mất cả chì lẫn chài”. Kim góp lời: “Ăn theo thuở, ở theo thời. Mấy ông mấy bà chịu thua đi, đừng càm ràm kẻo mang tiếng hủ lậu! Bọn mình bấy giờ “hết thời” rồi!”.
Dạo mới có con dâu người Mỹ, An gọi cho Nhung than thở:
– Mày coi, con dâu tao nó “xách mé” không chịu được. Tao bực lắm, chỉ muốn mắng cho thằng chồng nó một trận.
Nhung hỏi:
– Ủa, con dâu mày xách mé thì mày chửi nó, sao lại mắng thằng chồng?
– Mày coi, nó có biết dạy vợ nó đâu! Tụi nó về ăn cơm cuối tuần với gia đình. Vừa bước vô nhà, thấy tao, con vợ nó lên tiếng: “Hi An! How are you”. Tao tức muốn mờ con mắt. Dâu con gì mà láo lếu! Dám gọi tới tên cúng cơm của mẹ chồng!”
Cái anh chồng này quả có hơi khờ. Ðáng lẽ y phải cắt nghĩa cho vợ mình hiểu phong tục tập quán của người Việt, để mẹ vui, mà vợ cũng hay được mời về thưởng thức cơm Việt Nam! Ngược lại, Hiền có một người bạn, con trai cưới vợ Mỹ, bác sĩ đàng hoàng. Vậy mà mỗi lần có tiệc tùng gì cô đều xăng xái vào bếp phụ nấu nướng với mẹ và các em chồng. Khi có ai gọi cửa, cô ra mở, miệng tười cười: “Chào bác… chào ông… chào cô, chào chú…”. Hoặc: “Thưa ông, ông thích uống nước gì để cháu bưng lại mời ông”.
Trong khi đó, Kim có con dâu người Việt, lại than thở:
– Người ta có phước như vậy, chứ con dâu Việt của tôi thì ôi thôi, khỏi bàn. Thỉnh thoảng vợ chồng nó về thăm nhà, tôi nấu ăn, nó ngồi coi ti vi. Khi tôi định nấu canh chua thịt gà cho lạ miệng, thì nó nói “Má đừng nấu thịt gà. Con thích ăn canh chua cá hơn!”
Hiền, An, Lan, Kim và Nhung là những người bạn “nối khố” từ khi còn bên Việt Nam, thuở còn con gái. Họ ở cùng một khu phố, nhưng học khác trường. Do cùng sinh hoạt trong ca đoàn của nhà thờ, nên họ thân với nhau và thường cùng tham dự những sinh hoạt của giáo xứ.
Ðiều đáng nói, là cả năm cô nàng đều tuổi Thìn, cầm tinh Con Rồng, nhưng ra đời vào những tháng khác nhau. Nhiều người trêu ghẹo, gọi các nàng là “Ngũ Long Bà Bà” hoặc “the Dragon Five”. Trời! Nước Tàu có một Dragon Lady mà thiên hạ đã ngất ngư con tàu đi, mà đây có tới năm bà, thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra?

An là người lấy chồng trước nhất. Chồng cô tên Ben, một sĩ quan Hoa Kỳ. An trốn gia đình sang Mỹ với Ben từ năm 1972. Dạo đó, Ben thường ghé giáo xứ kèm Anh ngữ cho giáo dân mỗi buổi chiều anh rảnh rỗi. Không hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường ra sao mà An lột xác, bước ra khỏi lớp áo hiền lành của một cô nữ sinh lớp 11 trường đạo để chìm vào đáy mắt xanh “lè” của một tên khổng lồ mũi lõ! Sau giờ học Anh ngữ, An thường lén lút hẹn hò với Ben trên bãi cát gần doanh trại của chàng. Một đêm kia, Ben và An đang ngồi tình tự thì bị một toán tuần tiễu hỗn hợp Việt-Mỹ bắt gặp. Thế là chuyện “lăng loàn” của An bị cả giáo xứ đàm tiếu. Dạo đó, con gái mà cặp bồ với người Mỹ thì được xem là loại gái “mất nết”, và chẳng còn “chàng trai nước Việt nào” thèm cưới về làm vợ nữa! Cha mẹ An đánh nàng một trận thừa sống thiếu chết rồi thẳng tay đuổi nàng ra khỏi nhà để cứu vãn danh dự cho gia đình. Vừa lúc đó, Ben đến hạn về nước sau 14 tháng phục vụ nên cấp tốc làm giấy tờ đưa An sang Mỹ với mình. Khi Ngũ Long Bà Bà gặp lại nhau bên Mỹ thì An đã có ba con, và Ben là một triệu phú, sau khi bán hãng của mình cho một đại công ty. Anh ôm hơn hai chục triệu bỏ vô ngân hàng đầu tư, rồi xin vào dạy quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Irvin. Nhìn bề ngoài, ai cũng nói An là người có phước, chồng con đề huề và của cải đầy túi. Nhưng An thường nói với Hiền:
– Chuyện gì cũng có cái giá phải trả! Lúc tao mới sang đây, gia đình Ben xem tao như một con mọi. Tụi nó là dân cổ đỏ thứ thiệt nghe mi! Tao sùng máu, lôi cổ Ben qua tiểu bang khác sinh sống. Tao đi làm ngày hai jobs cho Ben đi học trở lại. Tao mà không hy sinh dạo đó thì giờ này làm chi mà được như ri! Tao đâu có “diễm phúc” nằm chờ sung rụng như người ta tưởng!
Rồng thứ hai là Hiền. Hiền không đẹp, nhưng có duyên ngầm. Ðàn ông con trai mới gặp nàng không bao giờ bị chinh phục theo kiểu tiếng sét ái tình. Nhưng sau vài lần chuyện trò, họ bị đôi mắt hột nhãn và nụ cười tươi thắm có hai lúm đồng tiền của nàng mê hoặc. Trong mấy con rồng, lạ thay, Hiền lại là người có nhiều người đeo đuổi nhất. Nhưng chỉ có hai người nàng thật sự yêu trước khi theo quan ba tàu bay về làm nội tướng phu nhân. Người yêu đầu tiên của nàng là một nhà văn. Cũng chẳng lạ, vì Hiền rất giỏi luận và sinh ngữ. Nàng luôn đứng đầu lớp trong hai môn này. Giỏi văn bao nhiêu, Hiền lại dốt toán và vật lý bằng đó. Luôn luôn đội sổ, đội cả lớp! Ba năm theo chàng đong đưa khắp ngả đường Sài Gòn, cuối cùng Hiền lại cũng mất người yêu, mà lần này vào tay một người đàn bà khác. Hiền thường tâm sự với Nhung: “Tao không hiểu được anh ấy. Mặc dù bay bướm, lượn lờ từ hoa này sang hoa khác, mà anh luôn giữ gìn cho tao. Ði xem xi nê, anh chỉ quàng tay ngang vai tao, chẳng làm gì hơn. Hôm đi chơi bị mắc mưa, anh đưa tao về nhà trọ hong quần áo. Cũng… chẳng có chuyện gì xảy ra! Vậy mà anh ấy lại “dính” với cái bà kia, tao mới đau! Chẳng hiểu được đàn ông!”. Bây giờ Hiền hiểu rằng thuở đó nàng “khờ dại” quá nên không giữ được ông nhà văn vừa đẹp trai vừa nổi tiếng. Sau đó ít lâu, Hiền gặp và yêu một chàng đại đội trưởng oai hùng. Dáng dấp oai phong và tài điều binh khiển pháo của một con cọp chiến trường đã làm trái tim Hiền rung động mãnh liệt một lần nữa. Nhưng, chiến tranh khốc liệt đã giết chết cuộc tình ngắn ngủi của họ trong một đêm địch tấn công đồn. Chàng ngã xuống trong tiếng khóc thảng thốt của Hiền. Hôm đó nàng lặn lội đến thăm người yêu để chứng kiến cái chết thê thảm của chàng. Hai năm sau, Hiền gặp Chánh. Ban đầu, Hiền rất ghét dân phi công vì cái “mác” trăng hoa của họ. Nhưng anh phi công này áp dụng triệt để câu châm ngôn “đẹp trai không bằng chai mặt”, nên Hiền trở thành người yêu của anh chàng lúc nào không hay! Sau đám cưới vài năm, chàng đèo thêm hai ba cô đào nhí, Hiền giận dữ, ôm con về nhà cha mẹ. Vừa lúc đó chiến tranh kết thúc, chiếc máy bay đưa người chồng đi biền biệt. Hiền vượt biên mấy năm sau đó. Vừa vào đến Mỹ nàng nhất định đòi chồng trả lại tự do cho mình, chẳng cần tiền bạc, chẳng cần giúp đỡ dù chỉ một ngày. Ðủ biết con rồng này to gan lớn mật cỡ nào! Vậy mà trời thương. Hiền vừa học, vừa làm, lấy được bằng bốn năm, rồi vào làm cho county. Ông chồng cũ mấy lần nhờ gia đình Hiền hàn gắn vì thấy nàng vẫn ở một mình, mẹ con khấm khá trong khi ổng bị đời đá lên đá xuống ba bốn trận. Hai đứa con chẳng chịu nhìn cha, mà còn làm mai má chúng với người khác. Người nào Hiền cũng lắc đầu, “không đúng tiêu chuẩn”. Riết rồi tụi nó để mẹ chúng “alone”. Có bà bói bài kia nói Hiền đang có một kẻ “khuất mặt” theo “độ”, nên không cho nàng có chồng. Nếu nàng có chồng thì thế nào cũng sinh chuyện nọ kia. Hiền nhập tâm, cho đó là anh linh của chàng đại úy. Mỗi lần về Việt Nam, Hiền đều tới thăm mộ chàng và tu sửa tươm tất. Chung tình kiểu này thì chỉ có một mình nàng mà thôi.
Con rồng thứ ba là Ngọc Lan. Ðây là con rồng đẹp nhất, và kiêu kỳ nhất. Trong khi Hiền và An long đong tình lận đận, thì Lan sống rất trang nghiêm. Trang nghiêm đến độ buồn tẻ. Nàng chẳng cho đàn ông con trai có cơ hội hỏi han săn đón, vì nàng chỉ biết đến trường, đi nhà thờ, và đứng coi cửa hàng tạp hóa cho cha mẹ. Nếu bắt gặp ánh mắt si mê của anh chàng nào đó, Lan làm nghiêm, quay đi chỗ khác. Vậy mà có một chàng tốt số, quái danh là Bằng, cuỗm được nàng đem về làm áp trại phu nhân mới là chuyện kỳ… cục. Anh này là lính thủy quân lục chiến, mỗi lúc rảnh rỗi thường kiếm cớ ra cửa hàng tạp hóa của gia đình Lan mua đồ vớ vẩn, vì y có một ý đồ đen tối. Số là sau nhiều lần thử lửa thất bại, mấy chàng lục chén trong đơn vị cá với chàng “Bằng, nếu mày cua được Ngọc Lan thì tụi tao bỏ tiền ra làm đám cưới huy hoàng cho mày. Ngược lại, sau ba tháng mà mày không cua được nàng thì phải đãi tụi tao một chầu say túy lúy”. Bằng trả lời: “Ôi, chuyện nhỏ. Tụi bay hãy chống mắt mà xem ta tung chưởng. Bằng này không ra tay thì thôi, mà đã ra tay thì Vẹm còn phải vái nón chào thua, huống chi là nàng”. Anh chàng ra tay kiểu gì không biết, mà sáu tháng sau, gia đình Lan in thiệp hồng, mời bà con đi ăn đám cưới nàng và quan ba tốt số! Sau 30 tháng Tư năm đó, Bằng bị đi tù ngoài Bắc, vì tụi “Vẹm” không chịu vái nón chào thua chàng nữa. Vừa chân ướt chân ráo ra khỏi tù, Bằng lôi vợ đi vượt biên, dù có nghe phong phanh đến chương trình H.O, nhưng không tin. Vượt biên thành công, nhưng Bằng không thành công trên thương trường ở Mỹ. Anh không chịu đi làm công cho ai, mà cứ lông nhông kiếm cách làm chủ. Thấy bạn bè qua trước, người làm chủ “furnitures”, người làm chủ nọ chủ kia, nên anh nóng gáy, muốn theo kịp họ tức thì. Ai dè, dục tốc bất đạt, càng cố leo mau, anh càng té nặng. Ngọc Lan cứ lặng lẽ mài kéo dũa “neo” không một lời than thở. Lan thường bảo Hiền: “Tại cái số mình nó như vậy. Chạy trời sao khỏi nắng”. Hiền bực mình: “Số siếc cái con khỉ! Tại bồ giỏi nhịn. Gặp tôi, tôi nói cho thủng lỗ tai”. Lan cười hiền lành, “Bởi vậy mấy cha đàn ông có dám bưng mày về đâu! Dữ quá mà”. Hiền cãi: “Hứ! Hổng dám dữ đâu! Tại mấy ngài đó ưa diễn trò chồng chúa vợ tôi nên tôi không chơi chớ bộ! Làm như tui ngu lắm!” Vợ chồng không con nên Bằng than buồn. Chẳng hiểu có phải vì Lan không có khả năng sanh đẻ nên phải nhịn chồng cho vui nhà vui cửa. Chồng làm gì cũng ừ, chồng đi đâu cũng mặc kệ.
Con rồng thứ tư là Nhung. Cuộc đời Nhung lúc còn trẻ rất êm đềm. Cha mẹ nàng có một Pharmacy nho nhỏ, cuộc sống trung lưu. Nhung gặp Thanh năm nàng vừa thi rớt tú tài đôi. Lúc đó, Thanh là một trung úy quân y. Cũng vì Thanh hay ra tiệm mua bán thuốc men lặt vặt mà họ nên duyên chồng vợ. Sau biến cố 1975, Thanh đi tù hết năm năm. Mãn tù, gia đình lo cho họ vượt biên. Hôm ra bãi, thuyền bị “căn me” nhiều quá, nên Nhung và đứa con gái bị rớt lại. Thanh ra đi cùng với hai thằng con trai. Gần mười năm sau, Nhung mới được đoàn tụ cùng chồng con. Và cũng từ lúc gia đình xum họp, cuộc đời Nhung bắt đầu có những buồn phiền. Nhung sang Mỹ được hai năm, thì đứa con thứ hai của họ bị bệnh tim, ngất xỉu trong lúc luyện banh trong sân vận động của trường. Con đang hấp hối trong nhà thương, thì bố chồng của nàng qua đời trong viện dưỡng lão… Lo xong phần của bố và con trai, Thành bị stroke. Anh nằm trên giường bệnh suốt sáu năm, và ra đi khi thận không còn làm việc được nữa. Trong sáu năm trời đằng đẳng, Nhung vừa chăm sóc cho chồng, vừa chạy tới chạy lui thăm chừng mẹ chồng trong nursing home. Mẹ chồng và chồng lần lượt ra đi, cách nhau có một năm. Vậy mà không bao giờ Nhung than thở. Nhung là người rất tin đạo. Nàng thường bảo An: “Ðây là thử thách của Chúa. Mỗi người có một thánh giá khác nhau”. Bạn bè ai cũng thương và nể phục sự chịu đựng bền bỉ của Nhung. Người con trai lớn của nàng đã có gia đình và cho nàng hai đứa cháu nội thật dễ thương. Con gái út -Hà- sắp sửa có chồng, và đây cũng là dịp cho mấy Dragon Ladies được dịp họp mặt. Quê hương thứ hai này quá rộng, nên chỉ có những “đám khóc và đám cười” mới có dịp cho bà con, bạn bè tái ngộ mà thôi.
Con rồng thứ năm là Kim. Vừa lấy chồng được ba năm, sắp sửa sinh đứa con thứ hai thì Kim trở thành góa phụ trên chiến trường Pleiku khốc liệt vào tuổi 24. Trở về nương náu với cha mẹ được ít lâu thì Cộng Sản lại lò mò vào thành phố. Kim và gia đình dọn ra Vũng Tàu nương náu nhà người chú, tìm đường vượt biển. Sau hai ba lần ra bãi rồi trở vào, cả gia đình Kim ra khơi an toàn, được tàu Ðức vớt chỉ sau 30 giờ lênh đênh trên biển, chưa uống hết nước, chưa ăn hết cơm. Hôm ra đi, Kim có báo cho Hiền biết và yêu cầu Hiền ra Vũng Tàu ngay. Nhưng số Hiền chưa hên, bị công an làm khó dễ ở cầu Cỏ May nên tới trễ, hụt chuyến đi. Kim đã lập gia đình thêm một lần nữa trên quê hương mới, nhưng rồi lại đường ai nấy đi sau năm năm chịu đựng. Từ đó, Kim theo “gương” của Hiền, ngủ một mình. Kim ở Ðức, nhưng thường xuyên liên lạc với mấy rồng bạn bên Mỹ. Mỗi lần con cái lập gia đình, mấy bà rồng bay qua bay lại trả lễ lẫn nhau. Cùng tuổi, nhưng mỗi người một mệnh số. Kim thường “bì tị” là An may mắn nhất bọn. Hiền đổ thừa vì An có chồng “ngoại” nên số mệnh nó khác đi. Một người bạn của Hiền có lần khuyên nàng đừng oán trách ông chồng cũ, vì “có ổng bà mới có hai đứa con “đáng của trời” như thế kia”! Hiền không thích cho ông chồng một chút “credit” nào, nên trả lời: “Không phải! Không phải! Ðó là cái gene của nhà ta, không phải của nhà họ”!
Hà thông báo cho mẹ biết là cô và hôn phu tổ chức đám cưới ở khách sạn Sheraton, và đặt phòng cho khách phương xa ngay tại đó. Hôn lễ sẽ được tổ chức ngoài trời, trong sân golf. Sau lễ cưới, là buổi tiệc do khách sạn đảm trách. Mọi người sẽ uống rượu và ăn nhẹ ngoài tiền sảnh, lúc sáu giờ chiều. Bảy giờ, tiệc chính thức bắt đầu. Hà nhắc Nhung nói với bạn bè của mẹ phải đến đúng giờ, không được “kéo dây thun” như mấy đám cưới ở nhà hàng Tàu. Nhà hàng Mỹ không biết chờ. Nhung nhìn thực đơn: khai vị là salad xanh, soup thịt gà. Sau đó là món ăn chính. Khách sẽ chọn hoặc thịt bò filet migon, hay cá bass đút lò, ăn với khoai tây nghiền. Nhìn thực đơn, Nhung la bải hải:
– Trời, trời! Ăn kiểu này thì khách mang bụng đói mà về! Người ta đãi tiệc ở nhà hàng Tàu tới chín mười món! Mày đãi tiệc hà tiện như vậy, coi sao được! Mắc cỡ lắm con ơi!
Hà tròn mắt cãi:
– Mẹ, trước khi ăn tiệc chính, người ta cũng uống rượu và ăn appertizers rồi làm sao mà đói được cơ chứ!
Biết có nói cũng bằng thừa, Nhung lặng thinh mà lòng như lửa cháy. Mời ăn uống kiểu này thì còn thể thống gì! Nhung gọi khách của mình, nỉ non tâm sự cho vơi sầu. Bạn bè ai cũng an ủi: “Bọn mình đến với nhau vì tình vì nghĩa. Chuyện ăn uống không quan trọng, gặp nhau là vui rồi. Bây giờ chúng thế cả, mình phải tập đổi mới cho quen”.
Nhung để Kim và Hiền ở chung phòng vì hai nàng không có ông nào theo “escort”. Chiều thứ sáu, hai người rủ nhau đi Fashion Valley mall sắm đồ. Lần nào qua Mỹ, Kim cũng tha lôi đủ thứ áo quần giày dép về làm quà cho con cho cháu. Cô bảo, hàng hóa ở đây rẻ rề. Sau ba giờ lội bộ tấn công đủ mọi tiệm, hai người khệ nệ bưng mấy giỏ đồ ra xe, mượn của Nhung. Vừa ngồi vào ghế, chưa kịp đề máy, thì có hai người trẻ tuổi da trắng đi đến bên cửa. Thằng con trai nói “Hi!”trong khi đứa con gái “Hello”.
Hiền hỏi:
– Hello. Hai người cần gì?
Ðứa con gái nhìn gã con trai, muồn y trả lời. Gã ngập ngừng:
– Well… Chúng tôi xin bà giúp đỡ… Chúng tôi… ờ… ờ…
Hiền đưa mắt quan sát hai đứa. Tụi nó khoảng 18 đến 20, đầu tóc gọn gàng, đúng mốt. Ðứa con gái tóc ngắn, mặc quần jeans trắng, có nhãn hiệu DKNY, chiếc ao pull màu xanh đậm, cùng nhãn hiệu. Chàng trẻ tuổi tóc nâu, mặc sơ mi và quần kaki của nhà Abercrombie. Cả hai đứa đều mang giày sport. Hiền sốt ruột, nhắc lại:
– Mấy người muốn gì?
– Ờ… tụi tôi từ East Coast về đây đi chơi, bị người ta lấy mất chiếc xách tay.
– And?
– Trong đó có ví tiền và giấy tờ cá nhân của cả hai đứa.
– And?
– Tụi tôi cần tiền đi taxi ra phi trường để về East Coast.
Hiền lanh trí, vặn hỏi:
– Mấy người mất túi xách, mất giấy tờ cá nhân, vậy làm sao đi phi cơ được?
Thằng con trai nhanh nhảu:
– Dạ, tụi tôi đã trình cảnh sát, họ làm I.D. tạm cho tụi tôi. Còn vé, thì tụi tôi có E-Ticket! Tụi tôi chỉ cần đủ tiền ra phi trường và mua hai chiếc hamburgers.
– Từ đây ra phi trường, bao nhiêu tiền?
– Khoảng sáu chục dollars.
– Tôi không có sáu chục đâu!
– Bà cho bao nhiêu cũng được. Xin bà thông cảm, tụi tôi ngại lắm, nhưng không biết làm sao hơn. Sắp tới giờ tụi tôi phải ra phi trường rồi.
– Hồi nãy tui thấy mấy người nói chuyện với hai người lái xe BMW, họ cho được bao nhiêu?
– Dạ… 10 đồng. Ðủ tiền hai chiếc hamburgers rồi, thưa bà!
Hiền quay lại, “thông dịch” cho Kim hiểu. Kim sốt sắng:
– Tiền đây, cho tụi nó đi. Tội nghiệp. Xem ra tụi nó cũng là dân đàng hoàng, không phải dân hút xách bậy bạ.
– Thôi đi chị hai! Bộ tiền hái trên cây sao mà cho tụ nó nhiều vậy? Cứ để cho tụi nó xin thêm vài người nữa. Thấy không, dân Mỹ trắng, đi BMW, mà chỉ cho có 10 đồng.
Nói xong, Hiền móc bóp lấy ra bốn chục đưa cho đứa con gái:
– Tui chỉ có bây nhiêu tiền mặt.
Hai đứa vui ra mặt, vội nói:
– Dạ không sao, được chừng nào hay chừng đó. Thank you and good bye. God bless!
– Bye. And good luck going home!
Trở về khách sạn, Hiền và Kim nghỉ ngơi vài tiếng rồi xuống nhà hàng ăn chiều vì không muốn lái xe về nhà Nhung, cách đó chừng 15 phút. Ăn xong, trên đường về phòng, Hiền nghe trong bar có tiếng nhạc tưng bừng. Nàng hỏi anh nhân viên tiếp tân:
– Chuyện gì vui vẻ vậy cậu?
– Ồ, mỗi thứ sáu chúng tôi đều tổ chức khiêu vũ với dàn nhạc và DJ. Có cả karaoke nữa. Mời hai bà vào tham dự cho vui.
– Có phải trả tiền vô cửa không?
– Với khách bên ngoài, vô cửa là 10 dollars. Nhưng với guest của khách sạn thì miễn phí. Hai bà chỉ trả tiền nước uống thôi.
Hiền hỏi Kim:
– Thế nào, bồ muốn vào một lát không? Biết đâu chẳng kiếm được ông chồng Mỹ đem về Ðức làm quà.
– Con khỉ! Vô thì vô. Sợ thằng Tây nào!
Ánh đèn trong bar vàng mờ khiến không khí rất ấm cúng. Lúc đó có khoảng vài chục khách, đủ hạng tuổi. Ðiệu nhạc dồn dập vừa dứt, anh DJ lên giới thiệu một người khách hát một bài êm dịu để thay đổi không khí. DJ dứt lời, anh chàng có dáng người thon thả chạy lên cầm micro, tuyên bố:
– Tôi sẽ hát một bài của Beatles để tặng các bạn mới của tôi. Hy vọng các bạn không bỏ chạy. Here we go!
Hiền trố mắt ra nhìn. Vì cái thằng nhỏ trên bục giống hệt tên ăn mày mặc đồ hiệu ngoài mall, tuy bây giờ nó đã thay quần áo khác. Nàng lại gần bục nhìn cho kỹ. Biết mình không lầm, Hiền đứng chờ. Khi bài hát vừa chấn dứt, nàng chạy lại bảo nó:
– Hey, you! Remember me?
Thằng nhỏ khựng lại mấy giây, rồi giật mình. Y lung túng: “Oh, hi there!”
Hiền ngoắc tay:
– Lại đây, tao muốn nói chuyện với mày, thằng cuội!
– OK, OK, take it easy! Tôi tới liền!
Thằng nhỏ len lỏi giữa những chiếc bàn và trong tiếng la ó của bạn bè. Ðến bên Hiền, y nói nhỏ:
– Ở đây ồn quá, tôi muốn ra ngoài lobby, nói chuyện dễ hơn.
– Khỏi đi đâu hết! Mày phải cắt nghĩa cho tao rõ lý do gì mày còn ở đây? Bốn chục tao cho mày hồi chiều, nhớ không! Nào, nói mau!
Thằng nhóc nhìn về phía bạn bè, bối rối. Mấy đứa kia đang trố mắt theo dõi, chắc đang hỏi nhau, thằng quái này dây mơ rễ má thế nào với một người đàn bà bà Á Châu. Hiền nhắc:
– Ủa, mèo ăn mất lưỡi của mày rồi hả?
– Dạ. Chuyện là… chuyện như thế này… Ờ… tôi… ờ… ờ…
– Cái gì? Nói lẹ lên, tao không có đủ kiên nhẫn! À ờ hoài!
– Sự… sự thật là… ờ… ờ… tôi mới tới đây học… Bọn trong “đom” bắt tôi phải đi xin tiền để đem cả bầy đi party làm lễ ra mắt nhập môn. Phải là tiền đi ăn xin, chứ không được lấy tiền túi của mình… Cả ngày nay tôi đi xin tiền, mắc cỡ lắm, nhưng không làm như vậy thì tụi nó không nhận tôi vào hội! Ðứa con gái hồi chiều đi theo để “make sure” là tôi đi ăn xin… Mong bà đừng giận. Tôi xin lỗi bà!
Hiền òa cười, tiếng cười vỡ ra trong âm thanh hỗn độn của gian phòng. Thằng ăn mày gãi đầu, cúi mặt. Kim nhìn Hiền, tưởng bạn mình mới hóa dại. Nàng kéo Hiền ra ngoài, tra khảo:
– Nó nói gì mà mi cười như con mẹ khùng vậy?
– Cười vì bị con nít nó lừa! Tự nhiên biếu nó bốn chục để nó đi đú đởn. Ðúng là kẻ cắp gặp bà già!

Huyền thoại Thịnh Hương

Xem thêm

Nhận báo giá qua email