Phát giác gỗ lậu, cán bộ và lãnh đạo Hạt Kiểm lâm đã ngó lơ, không thu hồi và bị lâm tặc tố cáo… tiếp tay cho lâm tặc phá rừng!
Câu chuyện lạ lùng này xem chừng lại là chuyện… bình thường.
Kiểm lâm ngó lơ khi thấy gỗ lậu
Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk sẽ xem xét trách nhiệm Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông do có đơn tố cáo của người dân, và làm rõ các cán bộ kiểm lâm ở Hạt Kiểm lâm Krông Bông có phạm pháp hay không.
Ông Y Vân Na M’lô (sinh năm 1975; ngụ xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) đã nhờ người làm đơn tố cáo và phản ánh với báo chí về việc kiểm lâm ngó lơ, không bắt gỗ lậu… của ông!
Theo đơn, chiều 6-6-2020, tại bãi gỗ Ea Mur (xã Yang Mao, huyện Krông Bông), ông Y Toan Byă, Kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông và ông Y Hải, Trưởng nhóm giữ rừng cộng đồng, phát giác 20 khúc gỗ dổi đã xẻ vuông vức. Tuy nhiên, những người này chỉ lập biên bản 10 hộp gỗ vô chủ và thuê xe chở ra khỏi rừng, để lại 10 hộp gỗ lậu do chính ông Y Vân Na M’lô khai thác.
Chiều cùng ngày, ông Siu Niê Phương, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, đem xe cẩu vào chở 10 hộp gỗ đã được đưa ra khỏi rừng. Hai ngày sau, ông Y Vân Na M’lô vào chở 10 hộp gỗ còn lại từ rừng về thì bị Công an xã Yang Mao bắt giữ.
Từ đó, người tố cáo cho rằng ông Siu Niê Phương và ông Y Toan Byă không công bằng, phạm pháp, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, hủy hoại tài sản của nhà nước…!
Ông Y Vân Na M’lô cho biết trong lúc ông khai thác gỗ lậu thì thấy kiểm lâm và bảo vệ rừng tới. Khi ông xin thì kiểm lâm nói phải bắt 10 hộp gỗ để lập thành tích. Sau đó 2 ngày, ông Y Vân Na M’lô thuê xe chở 10 hộp gỗ về đến khu vực đập cá tầm (xã Yang Mao) thì bị 1 người trong nhóm bảo vệ rừng “chọt” cho công an xã bắt.
Bỏ lọt người vi phạm
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã thành lập đoàn xác minh và kết luận ngày 11-6-2020 (không phải ngày 6-6-2020 như tố cáo), ông Y Toan Byă cùng nhóm bảo vệ rừng cộng đồng buôn Hằng Năm gồm 6 người và nhóm bảo vệ rừng buôn Kiều đã phát hiện 2 đống gỗ xẻ, loại gỗ dổi (nhóm III). Hai đống gỗ cách nhau khoảng 20m, tổng cộng 20 hộp, hơn 5m3.
Khi kiểm tra, ông Y Vân Na M’lô có mặt tại hiện trường xin lại 20 hộp gỗ nhưng không được đồng ý. Cùng ngày, kiểm lâm và bảo vệ rừng thuê 2 xe công nông vào chở 10 hộp (2,4m3) về đến đoạn đường suối cá tầm. Lúc này, ông Y Toan Byă gọi điện báo cho ông Y Te B.Krông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, về việc phát hiện 20 hộp gỗ lậu nhưng chỉ mới chở ra được 10 hộp. Đồng thời, đề nghị Hạt trưởng cho xe vào chở về hạt. Sau đó, hạt trưởng đã lệnh cho ông Siu Niê Phương và ông Phạm Thành Nam (tài xế) đưa xe vào chở 10 hộp gỗ đã vận chuyển ra khỏi rừng, mang về hạt.
Đối với 10 hộp gỗ còn lại ở hiện trường, ông Y Toan Byă báo là “rất khó khăn, xe không thể chở được” nên Hạt trưởng không chỉ đạo gì (?). Tương tự, dù được ông Y Toan Byă báo cáo còn 10 hộp gỗ tại hiện trường nhưng ông Siu Niê Phương không báo lại hay góp ý cho Hạt trưởng để giải quyết theo quy định.
Tại biên bản làm việc ngày 23-9-2020, ông Y Te B.Krông thừa nhận ông Y Toan Byă chỉ chở được 10 hộp gỗ, số còn lại đã không ngăn chặn, tạm giữ hoặc phân công người trông coi mà để mặc.
Vấn đề khó hiểu nữa là ngày 11-6-2020 phát giác nhưng hơn 10 ngày sau mới lập… biên bản kiểm tra. Đến ngày 24-6-2020 mới giao cho Thanh tra; ngày 25-6 mới ra quyết định và biên bản tạm giữ tang vật vi phạm (?!).
Từ đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kết luận tố cáo có căn cứ; các ông Y Toan Byă, Siu Niê Phương, Y Te B.Krông đã vi phạm Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Lâm nghiệp, Luật Cán bộ, công chức…
Thật ra có nhiều nơi, lâm tặc mở đường độc đạo qua trạm kiểm lâm để phá rừng nhưng kiểm lâm vẫn … không biết, là đã đủ hiểu rồi.
Cứ ngó lơ cho lâm tặc đốn gỗ, sau đó tịch thu đem gỗ về làm nhà hoặc bán kiếm mớ thì cũng thường thôi!
Cán bộ hải quan buôn lậu hàng Trung Quốc
Dù chứng cứ đã được đưa ra đầy đủ nhưng cán bộ hải quan vẫn nhiều lần khăng khăng chối tội với lý do bản thân là… giảng viên đại học, chẳng hề liên quan gì đến hàng lậu cả!
Tòa án tuyên phạt Phạm Minh Sơn (cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 4) 12 năm tù về tội “Buôn lậu”. Cùng tội danh trên, Lê Hoàng Thịnh (lao động tự do) lãnh 7 năm tù.

Liên quan đến vụ án, Nguyễn Chí Thành, Lê Đình Thuần (đều là cán bộ hải quan) mỗi người lãnh 3 năm tù giam cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cuối tháng 10-2016, một xe đầu kéo có dấu hiệu vận chuyển container chứa hàng lậu bị phát hiện nên bị tạm giữ, chủ hàng được yêu cầu đến giải quyết.
Kết luận container này nhập cảng ở Cảng ICD Phước Long 3 – vào tháng 9-2016. Người nhận hàng có tên Lê Hoàng Thịnh (sử dụng giấy giới thiệu từ Công ty An Lộc và số điện thoại: 0903776276). Lô hàng nhập khẩu đã hoàn tất thủ tục hải quan, giao về doanh nghiệp.
Vì thế, Lê Hoàng Thịnh tự xưng đại diện Công ty An Lộc (trụ sở ở quận Tân Bình) đến làm việc. Thịnh trình bày số hàng hóa trong container nói trên do Công ty An Lộc sở hữu. Đồng thời, Thịnh xuất trình tờ khai hàng hóa nhập khẩu chứng minh số hàng trên hợp pháp.
Trong tờ khai Thịnh đưa ra có ghi rõ hàng hóa là phụ tùng xe máy, bánh mâm xe… và là hàng mới 100%. Trong khi thực tế, lô hàng trong container là bánh xe đẩy vòng bi, thuốc nhuộm tóc, đèn Led, loa, kem vuốt tóc, nước hoa…, tất cả đều xuất xứ từ Trung Quốc.
Như vậy, toàn bộ hàng hóa thực tế không trùng khớp với tên gọi, công dụng, chủng loại, xuất xứ, số lượng được ghi trong tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Quản lý thị trường lập biên bản vi phạm hành chính vắng mặt đối với Công ty An Lộc về vi phạm kinh doanh hàng lậu.
Trước đó, khi kiểm tra lô hàng, hai cán bộ hải quan là Lê Đình Thuận và Nguyễn Chí Thành nhận thấy seal container theo tờ khai hải quan của Công ty An Lộc còn nguyên vẹn, khớp với số seal trên vận đơn nên cho cắt seal kiểm tra.
Thành và Thuần đã kiểm tra cụ thể từng mặt hàng trong container, đối chiếu với danh mục hàng hóa khai báo trong tờ khai và hóa đơn doanh nghiệp. Sau đó, hai cán bộ hải quan chấp nhận thông quan. Doanh nghiệp làm thủ tục chở hàng hóa về kho. Hai cán bộ hải quan này không rõ doanh nghiệp mang hàng hóa ra khỏi cảng bằng cách nào.
Quận Tân Bình xác định trong quận không có Công ty An Lộc. Địa chỉ trụ sở công ty Sơn và Thịnh khai báo chỉ là nhà dân, do bà Lê Thị Kim Cúc – vợ Phạm Minh Sơn đứng tên giấy tờ nhà đất.
Phạm Minh Sơn cùng Lê Hoàng Thịnh liên tục thay đổi lời khai, không thừa nhận sai phạm. Sơn khăng khăng rằng mình là giảng viên đại học, không liên quan đến vụ việc trên. Đến khi đầy đủ chứng cứ đưa ra thì những người này mới chịu thừa nhận hành động buôn hàng lậu
Từ tháng 6 đến tháng 10-2016, Phạm Minh Sơn sử dụng pháp nhân Công ty An Lộc (đề trụ sở ở quận Tân Bình) mở 32 bộ tờ khai hải quan, nhập cảng hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua Cảng Sài Gòn Khu vực IV.
Đây là vụ án buôn lậu do Phạm Minh Sơn, Lê Hoàng Thịnh trực tiếp thực hiện. Trong đó, Sơn giữ vai trò chủ mưu, Thịnh là người giúp sức tích cực.
Nguyễn Chí Thành và Lê Đình Thuần nhận nhiệm vụ kiểm hóa. Hai người này làm sai quy trình kiểm tra, thông quan hàng nhập khẩu. Hành động này khiến nhà nước thất thoát gần 900 triệu đồng tiền thuế.
Trong thời gian điều tra vụ án, cơ quan điều tra còn tiếp nhận vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới do Phạm Minh Sơn cầm đầu.
Rõ ràng nếu không có cán bộ hải quan thông đồng thì làm sao hàng lậu vượt rào được?
Mua bằng bác sĩ giả dễ như mua rau…
Đây là băng nhóm có tổ chức, có phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng người: Người in ấn, sản xuất; người thành lập và quản trị các trang web nhận, rao bán làm bằng cấp, chứng chỉ giả; liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội; chuyển hàng qua các bưu cục chuyển phát nhanh.

Ba người nằm trong “bộ máy” của nhóm này là Vũ Xuân Nghĩa, Lê Huỳnh Duy Anh, Vương Huỳnh Phát Đạt đều trú ở TPHCM. Chứng cứ thu giữ: 4 bộ máy tính để bàn, 12 máy in, 1 ổ cứng di động chứa 500 Gb các file mẫu thiết kế bằng tốt nghiệp, chứng chỉ giả; 50 con dấu nhựa chưa hoàn thiện; 1 máy làm con dấu; 2 dụng cụ đóng tạo dấu đóng.
Ngoài các thiết bị máy móc để sản xuất bằng giả nêu trên, người ta cũng thu giữ 3600 bằng Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông; 110 học bạ, 1300 con dấu cao su, 1800 miếng dán bằng các loại; 2505 tem chống giả, 340 bảng điểm; 200 bản sao tốt nghiệp các loại, 195 văn bằng các loại, 115 chứng chỉ các loại, 1 thùng chứa dấu sao, chứng thực, đánh số…và nhiều tài liệu, đồ vật khác có liên quan đến hoạt động làm bằng giả.
Đáng chú ý, trong số bằng cấp, chứng chỉ giả thu được, phát hiện nhiều bằng bác sĩ y khoa, đại học sư phạm đã được in sẵn tên, chưa kịp chuyển cho người mua. Nếu số bằng này được đưa vào sử dụng sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm khôn lường cho xã hội.
Nếu không có người mua thì bằng giả làm ra bán cho ai? “Bác sĩ y khoa” nào xài bằng giả phải xử 2 tội: lừa đảo và giết người!

Một độc giả cho biết: Bản thân tôi, thỉnh thoảng vẫn nhận được những tin nhắn mời chào làm bằng đại học, cao đẳng, giấy phép lái xe… qua điện thoại. Có lần, tôi lên Facebook thì phát giác nhiều nhóm nhận làm các loại bằng cấp, chứng chỉ. Tìm kiếm trên internet bằng cách gõ cụm từ khóa “nhận làm bằng”, thì thấy có nhiều website như: làm bằng uy tín số 1 VN; mua bằng tin học chỉ vài giây, dịch vụ làm bằng cấp; làm bằng đại học giá 2 triệu rẻ nhất khu vực… Đối với những ai biết chút ít về SEO, đều biết rằng những từ khóa này không ngẫu nhiên mà đã được bỏ tiền để mua quảng cáo hiển thị. Điều này chứng tỏ, những người làm bằng giả không ngại hoạt động công khai và cũng phản ánh rằng, có một số lượng “khách hàng” có nhu cầu.
Tỉnh Hưng Yên cũng vừa triệt phá đường dây chuyên sản xuất, mua bán văn bằng giả, chứng chỉ giả thu trên 5 tấn phôi bằng (Phôi bằng là bằng tốt nghiệp trắng, chưa ghi tên người nhận bằng, được bộ GD-ĐT bán cho các trường với số lượng có hạn và được quản lý chặt chẽ), gần 4.000 con dấu.
Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Hoàng Văn Đức (28 tuổi, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) đã bị bắt giữ và bị khởi tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Khám xét ngôi nhà số 856/4 Quang Trung, phường 8, Quận Gò Vấp, – nơi kẻ gian thuê để sản xuất các loại văn bằng giả, chứng chỉ, đã thu giữ gần 4.000 con dấu, hơn 5 tấn phôi các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ như Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Bằng thạc sĩ, Bằng tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp trung học phổ thông, Chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học… cùng nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất văn bằng, chứng chỉ.
Hùng và Đức khai nhận, thông qua Internet và mạng xã hội, cả hai đã lập các tài khoản zalo, facebook và các trang web như lambangdaihoc…, lambangphoithat…, lambangdaihocgiare… để rao bán các loại văn bằng, chứng chỉ với những lời quảng cáo hấp dẫn như cam kết phôi thật, giá rẻ…
Khi khách có nhu cầu đặt mua, cả hai sẽ lấy tin cá nhân của khách hàng để in vào các loại văn bằng rồi giả mạo chữ ký hiệu trưởng các trường, dùng các loại dấu giả để in. Mỗi loại chứng chỉ được bán từ 1,5-2,5 triệu đồng; các loại bằng có giá từ 2,5-3 triệu đồng.
Cả hai thường gửi văn bằng, chứng chỉ qua bưu điện và các công ty chuyển phát nhanh cho khách hàng ở xa hoặc thuê xe ôm để giao cho khách hàng ở gần.
Hoàng Văn Đức khai nhận, ban đầu chỉ nhận giao thuê văn bằng, chứng chỉ giả. Sau đó nhận thấy việc làm này mang lại lời nhiều, nhu cầu của khách hàng cao nên anh ta đã lên mạng tìm kiếm khách hàng rồi rao bán các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ.
San Hà (tổng hợp)