Khái niệm người cảm tử có lẽ bạn không lạ. Hiện thân của họ là tượng trưng cho lý tưởng cao hơn sự hiện diện tồn tại của bản thân. Vâng. Người cảm tử thường được coi là người hùng. Họ xả thân. Họ xem thường mạng sống. Cái chết chẳng là cái thá gì. Họ đặt sự an toàn của bản thân ngang hàng với những điều phù phiếm tủn mủn đời thường khi cái chết được coi là biểu tượng tử vì đạo đáng ca ngợi nhất: Lấy cái chết chứng minh cho lý tưởng.
Từ nhận định trên, người cảm tử thường khó tìm trong cuộc sống. Họ khác người, họ không giống chúng ta (hiểu theo nghĩa chúng ta thường bận bịu với cuộc sống lam lũ với bao kế hoạch nọ kia) và họ thường có những hành động khác thường (nếu không nói là phi thường). Vâng. Câu nói: Anh hùng tạo nên thời thế một phần khá đúng áp dụng vào câu chuyện cuộc đời họ.
Phải chăng người hùng thường xuất hiện trong một cộng đồng thuần nhất, không có những vết hằn chia rẽ ngăn cách đặc biệt khi cộng đồng đó đang bị chèn ép, ức hiếp? Vâng. Với một cộng đồng khi các giá trị lý tưởng trách nhiệm tồn tại như một thứ keo liên kết mọi người, hành vi của người quả cảm hiện lên khá rõ nét (và cộng đồng bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước những việc làm của anh) vì anh dám đứng lên làm điều người thiếu lòng quả cảm sẽ không làm được. Còn với những cộng đồng không bị chèn ép, tự do dân chủ theo ý thích, các thành viên xã hội không nhất thiết có cùng suy nghĩ và lý tưởng hướng đến các giá trị xã hội chung (thậm chí là tha hồ chống đối lẫn nhau), hành vi của một cá nhân có thể được coi là quả cảm đối với một nhóm nhưng bị cho là ngu xuẩn đối với một nhóm khác. Thế là cùng một hành vi nhưng nó được đánh giá hoàn toàn khác nhau, tất nhiên khi đánh giá một hành vi (chúng ta) thường để những ảnh hưởng định kiến ăn sâu trong nếp nghĩ tác động. Đáng tiếc thay, trong một cộng đồng có quá nhiều luồng tư tưởng giữa các phe nhóm không nằm cùng một mặt phẳng một hành vi sẽ được đánh giá quả cảm hay không tùy theo nhãn quan và triết lý tư tưởng của một nhóm.
Những vụ tự tẩm xăng rồi bật lửa châm áo tự thiêu ta không lạ. Ở đây có hai trường hợp: (a) Nếu cộng đồng là một tập thể gồm những cá nhân đồng quan điểm, hành vi của người tự thiêu nhắm đến mục đích gióng lên tiếng kêu phản đối vì lợi ích đồng bào, đồng loại sẽ được coi là đáng ca ngợi, đáng ngưỡng mộ và kính phục. (b) Song nếu trong cộng đồng đó có những kẻ đối lập tư tưởng, đặc biệt với những kẻ quá khích cực đoan, hiển nhiên hành vi đó sẽ được coi là điên rồ, hoang tưởng… vốn đáng khinh ghét nhiều hơn là đáng quan tâm đến.
Cứ thế, chẳng cần giằng co chiết tự nhiều người ta vẫn dễ dàng kết luận thống nhất đâu là thước đo chuẩn xác của một hành vi quả cảm. Anh hùng của bên này sẽ là kẻ thù của bên kia. Lẽ đời vốn thế. Tuy nhiên lắm lúc trong góc khuất tâm tưởng nhiều người khâm phục hành vi quả cảm của phe đối lập nhưng chỉ dám nghĩ thế trong âm thầm lặng lẽ.
Bài báo “Police: Man killed himself after ramming US Capitol barrier” của tác giả Michael Balsamo đã tường thuật lại câu chuyện ngắn một người đàn ông đâm xe hơi vào bức tường chắn dựng lên bảo vệ quanh Tòa Nhà Quốc Hội – vâng, hành vi ấy, vận vào những bối cảnh vừa thảo luận ở trên, lập tức sẽ có những luồng ý kiến trái chiều về hành vi của người đàn ông nọ. Với Đảng Dân chủ anh ta vừa làm một chuyện lãng phí mạng sống của mình vì những thứ lý tưởng đã bị bóp méo. Còn với Đảng Cộng hòa, anh ta nhất định là kẻ có lòng can đảm phi thường dám tông xe vào bức tường bê tông để phản đối những hành vi của Đảng Dân chủ (theo anh) đang chà đạp lên chính nghĩa. Còn với bạn, khi chưa hiểu đầu cua tai nheo câu chuyện ra sao (hẳn) bạn sẽ chỉ nghĩ: Lại thêm một người vừa thiệt mạng.
Vâng. Một buổi sáng chủ nhật. Ngày 14 tháng 08. Nắng hanh vàng. Trời mùa hè tại Washington D.C. lẽ ra rất nên yên ả. Một ngày lẽ ra nên thật đẹp và đáng yêu. Bản tin được hãng tin AP đánh đi. Một người đàn ông đã đâm xe vào bức tường chắn (không rõ là tường bê tông hay tường lưới B-40, hoặc tường bằng các tấm nhựa). Sau đó anh ta ra khỏi xe, rút súng bắn lên trời rồi tự sát. Một câu chuyện được phát đi trong không gian thủ đô Hoa Thịnh Đốn đang đối diện với rất nhiều vấn nạn chính trị xã hội gay gắt, trong đó quốc nạn chia rẽ ý thức hệ đang trở thành căn bệnh trầm kha đối với dân chúng Mỹ.
Thời gian xảy ra: 4 giờ sáng. Có thể còn quá sớm đối với các thị dân sống tại thủ đô. Địa điểm xảy ra: Ngã tư giữa hai trục lộ East Capitol Street NE và 2nd Street SE. Một chuyện thoạt nhìn vừa bình thường vừa khác thường. Bình thường vì nó diễn ra trong bối cảnh xã hội Mỹ mỗi lúc một nhức nhối hơn bởi các hành vi nhuốm đậm gam màu chính trị cực đoan. Khác thường vì biến cố này xảy ra có vẻ thiếu hẳn một kế hoạch chuẩn bị. Dù muốn hay không, bản tin đánh đi, nhiều người khó tránh nghĩ đến những căng thẳng hiện nay và người ta nghĩ đến những nội dung liên hệ đến chính trị.
Gần đây sự kiện FBI thực hiện lệnh khám nhà của Cựu tổng thống Donald J. Trump và chở đi 16 thùng hồ sơ, tình hình phân rẽ chính trị tại Mỹ càng trở nên bức bối nhạy cảm hơn. Nhiều người tỏ ra căm phẫn cực độ trước hành vi vuốt mặt không nể mũi của FBI. Với họ, tuy không ra miệng, song sự hiện diện của Cựu tổng thống Trump là hiện thân của ngọn hải đăng hướng dẫn con tàu Đảng Cộng hòa tiến đúng theo hải trình bảo thủ truyền thống. Và như thế, hành vi của FBI xem ra đã quá thô bạo, quá trắng trợn, càng không thể tha thứ được vì FBI đã để cho tư tưởng chính trị xen vào.
Trong bối cảnh ấy giới hữu trách Mỹ, đặc biệt các chuyên gia về luật pháp liên tục đưa ra những tiên liệu nóng quan ngại sắp tới đây nước Mỹ sẽ đối diện với các vụ tấn công bạo lực nhắm vào các văn phòng chính phủ liên bang. Chẳng để làm gì cả ư? Không hề. Thực ra những vụ tấn công này đều có mục đích chính trị rất rõ rệt. Bạch Cung hiện đang do Đảng Dân chủ nắm chìa khóa nên mọi hoạt động của Phủ tổng thống sẽ do Đảng Dân chủ nắm cương nên tấn công các tòa nhà chính phủ (mọi cấp) là mục tiêu không ngoài tầm tay thực hiện của các phe căm ghét Đảng Dân chủ.
Nhớ lại hồi tháng 04 năm 2021, một người đàn ông đã đâm xe thẳng vào hai cảnh sát thủ đô (Capitol Officers) dẫn đến cái chết của một nhân viên cảnh sát với 18 năm tuổi nghề. Sự cố xảy ra tại một chốt kiểm soát. Không chỉ vụ này song nhận định chung lực lượng cảnh sát thủ đô luôn nằm trong tình trạng báo động, đặc biệt sau biến cố các thành phần bảo thủ thân Cựu tổng thống Trump xông vào tấn công Tòa nhà Quốc hội hôm 06 tháng 01 năm 2021.
Danh tính của người đàn ông tự sát hôm chủ nhật (14/08) không được công bố. Cảnh sát điều tra cho biết hiện tại chưa có chứng cứ cho thấy anh ta cố ý thực hiện các mục tiêu tấn công nhắm vào các nghị viên. Vào thời điểm này đa số các dân biểu và thượng nghị sĩ đang làm việc tại tiểu bang nhà. Một số ở lại thủ đô nhưng họ không có trong Tòa nhà Quốc hội. Tìm hiểu kỹ hơn, người ta được biết sau khi đâm vào tường bảo vệ chiếc xe đã bốc cháy. Người đàn ông bước ra, bắn vài phát chỉ thiên. Khi cảnh sát tiến đến gần hơn anh ta đã chĩa súng vào người và tự sát. Khi cảnh sát đến nơi anh ta đã tắt thở.
Ngoài người đàn ông tắt thở do tự sát không có ai bị thương. Được biết lực lượng cảnh sát bảo vệ thủ đô đã không nổ súng trong vụ này. Như thế chỉ có người đàn ông thiệt mạng khi xe của anh ta bốc cháy. Đồng thời anh ta chỉ nổ súng bắn lên trời rồi sau đó tự kết liễu mạng sống thay vì sử dụng số đạn còn lại bắn viên cảnh sát nào dám cả gan tiến đến gần anh ta nhất.
Do thiếu các thông tin cá nhân cụ thể về người đàn ông nên thiên hạ tha hồ để cho trí tưởng tượng của mình có dịp bay bổng. Người ta có thể nghĩ về anh ta một người đàn ông độ ngoài ba mươi hoặc trẻ hơn. Anh ta có công ăn việc làm ổn định. Anh ta đến từ nơi khác nên lạ nước lạ cái. Hoặc anh là người địa phương. Chỉ vì một phút quá khó chịu và nổi điên khi nghe tin FBI và Đảng Dân chủ đang cầm cương Bạch Cung đã thực hiện một vụ bố ráp trắng trợn đối với thần tượng Donald Trump của anh. Rồi càng nghĩ anh càng thấy bực bội. Rồi anh mất ngủ. Thời gian anh thực hiện hành vi quả cảm của mình hoàn toàn tỉnh táo. Anh không gây ra tai nạn. Anh cố ý để cho chiếc xe lao vào bức tường chắn. Anh nổ súng. Anh tự tử. Hành vi của anh là tiếng nói của kẻ dám đứng lên phản đối các hoạt động gần đây của Đảng Dân chủ.
Song (rất có thể) câu chuyện do trí tưởng tượng nghĩ ra vừa kể ở trên hoàn toàn chẳng ăn nhập gì đến quốc nạn chia rẽ ý thức hệ trước bối cảnh chính trị xã hội đang rối như canh hẹ hiện nay tại Mỹ. Rất có thể đây chỉ là một tai nạn. Nó liên quan đến súng đạn. Có người nổ súng. Xe hơi bốc cháy khi đâm vào tường bảo vệ. Nếu thế thì đã sao? Tai nạn do tài xế bất cẩn chẳng lẽ không thể xảy ra? Và sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa, ai dám bảo trong trường hợp này nó không là nguyên nhân chính? Hoặc giả tài xế là người tâm thần? Người nghiện? Ảo giác do thuốc phiện, thuốc kích thích là nguyên nhân gây ra sự cố?
Trong tình thế hỗn quân, hỗn quan hiện nay tại Mỹ, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhiều vụ tấn công nhắm vào Đảng Dân chủ xảy ra tại các tiểu bang xanh (vốn là lãnh địa của họ) khi người quá khích lái xe xuyên bang từ nơi khác đến gây án. Cứ thế, chỉ cần bực lên, điên lên, súng lại quá sẵn, xe hơi càng là một phương tiện thực hiện các kế hoạch tấn công ít bị nghi ngờ nhất. Từ đây chỉ cần nóng máu, chỉ cần chịu hết nổi bởi những giật dây khiêu khích tẩy não sẽ khiến một thành viên cực đoan lao vào các kế hoạch tấn công với suy nghĩ mình là một người cảm tử.
Từ đó một thế hệ các cảm tử quân xuất hiện trên đất Mỹ. Họ là người của Đảng nào chắc bạn không lạ? Vâng. Họ nghĩ gì và tại sao họ nghĩ như thế có lẽ bạn đọc đã có tám phần minh định. Với các chiến dịch tung tin thất thiệt, tin hư cấu, tin bị bóp méo, tin bị lung lạc, tin bị thổi phồng, tin được nhào nặn, tẩy xóa trắng trợn; người với khả năng trí hiểu bình dân, cộng thêm khả năng thẩm định độ chính xác thông tin thấp, họ rất dễ lao vào các động cơ thánh chiến, nhanh chóng trở thành những cảm tử quân nay mai sẽ thấy xuất hiện nhiều hơn trên đất Mỹ?
Vâng. Cảm tử quân – Với định nghĩa chúng ta (tạm) đồng ý ở trên, hẳn bạn sẽ nhận ra họ hoàn toàn có lý do xác tín việc làm của mình là hành vi cao cả, thánh chiến, đáng để người đời thán phục và tôn vinh trong khi người tỉnh táo bình thường không hề nghĩ thế. Vâng. Các trường hợp nối gót, tiếp bước “người đi trước” với mục tiêu thực hiện các kế hoạch lâu dài bền bỉ bênh vực chính nghĩa chính đã trở thành lòng ái quốc. Họ tin tưởng vào các mục tiêu tư tưởng đảng phái. Khi não đã bị tẩy, người ta chỉ thấy những điều cần làm, phải làm bởi đó là thể hiện cao nhất của tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm. Tấn công các văn phòng chính phủ, tấn công các thành phần công chức của Đảng đối lập, tấn công các lực lượng thi hành công vụ chính là thể hiện cụ thể nhất của tinh thần trách nhiệm ấy.
Nếu thế. Vâng. Không ngoa, khi một số đông những công dân Mỹ tìm thấy ý nghĩa bạo lực của họ là hành vi một người cảm tử, họ sẽ không thấy cái chết là nguy hiểm, là đáng sợ. Ngược lại họ thấy mình cao cả hơn, ý nghĩa hơn thay vì tiếp tục một cuộc sống của những kẻ sợ chết, tầm thường và nhút nhát. Tư tưởng hy sinh thánh chiến (vốn không xa với cách thức các nhóm khủng bố tổ chức thực hiện) một khi bén rễ sẽ trở thành những mối họa nguy hiểm cho nước Mỹ.
Hay thôi…
Nước Mỹ đang đứng trước bờ vực nội chiến khi tư tưởng đảng phái hằn học càng lúc càng trở thành tư tưởng thời thượng, nhiều hoạt động quá khích được coi là cảm tử.
Chúng ta có thể làm gì được?
Có bao giờ bạn đã suy nghĩ về điều này hay chưa?
Nguyễn Thơ Sinh