Người đàn bà bán khạp

Tôi đạp xe từ đường Tô Ngọc Vân, gần chợ Tam Bình bây giờ là chợ đầu mối tập trung các vựa rau quả trái cây và một số thực phẩm ở miền Đông Nam Bộ, để lái buôn đem bán sỉ và lẻ khắp nơi. Nhà tôi gần chợ, từ đó về Sài gòn độ mười hai cây số. Thường ngày tôi chơi cây kiểng. Thỉnh thoảng túng tiền tôi xách một hai giò lan xuống bán cho các hàng cây kiểng trong thành phố. Một giò lan đẹp ít nhất bán ngay được một hai trăm ngàn, đủ tiền ăn uống cả phê đi dạo phố một ngày.

Từ nhà quê Thủ đức đạp xe độ vài cây số thì nghỉ một lúc. Thường tôi dừng ở tiệm hủ tíu giữa lộ trình ấy. Ăn tô hủ tiếu khô, ngồi nghỉ chân nhìn cây lá vườn tược xanh mướt hai bên đường rất thích. Vừa khỏe chân lại, tôi tiếp tục đạp xe về hướng Sài Gòn. Trước khi qua cầu Bình Triệu, nghỉ một lần nữa để lấy sức đi qua cây cầu cao vọi và dài thòng đó. Cầu lúc chưa sửa rất nguy hiểm. Đôi khi tôi đi ngang gió lộng thổi mạnh bay nón xuống sông, cũng không dám đứng nhìn xuống vì sợ chóng mặt.

Trước khi qua cầu Bình Triệu có vẻ cheo leo, tôi thường đậu xe dựa vào mấy quán bán nước mía, cà phê, nói chung là các thứ giải khát cho khách qua đường nghỉ chân.

Cái quán này buổi trưa hơi vắng khách. Nó nằm đối diện với khu công nghiệp hàn xưởng đóng gỗ bên kia được sơn phết một màu vôi trắng toát.

Buổi trưa mây trắng như dừng lại nhìn xuống mái nhà ấy sáng loáng ánh mặt trời. Vừa lúc đó xuất hiện bà già đẩy chiếc xe đạp thồ đầu điểm bạc, vóc dáng hùng vĩ như nữ tướng. Bà đẩy chiếc xe nặng cả trăm ký từ miệt Tam Bình đi xuống cũng ngừng lại nghỉ trước khi qua cầu. Người đàn bà này không phải là chị bán lu bình thường. Trước kia bà trắng trẻo cao lớn và rất xinh đẹp, không đen đúa như bây giờ đâu.

Thấy tôi, bà mừng rỡ nói:

-Ông cũng đi về đầu xa lộ?

Tôi gật đầu hỏi:

-Hôm nay bà không bán chậu kiểng sao lại bán lu?

Bà nói:

-Bốn cái lu lớn này do có người ở đặt nên tôi chở xuống cho họ. Sẵn đem theo vài cái chậu kiểng nhỏ bán thêm!

Trông sức bà thật khỏe, thường thồ lu, chậu… bằng xe đạp từ Lái Thiêu xuống bán cho người chơi kiểng ở thành phố. Bà bán rất nhiều chậu lớn nhỏ cho tôi vốn là mối hàng từ lâu. Nhiều khi tôi mua dùm hàng ế, đôi khi bà không chở về mà gởi nhờ các chậu kiểng nặng ở căn nhà của tôi.

Bà không vào trong quán mà ngồi phía ngoài gọi nước mía uống. Tôi thấy chiếc xe của bà ràng bốn chiếc lu lớn. Dưới miền Tây có loại đất sét lúc nung xong ngả sang màu vàng nâu nên gọi là khạp da bò. Khạp lớn thường để đựng nước mưa quanh năm. Các lò nung dưới quê thường đặt cạnh bờ sông để dễ lấy nước, tiện chuyến hàng hóa xuống ghe cho các thương lái chở đi khắp miền sông rạch.

Riêng miệt Bình Dương và Lái Thiêu, gốm sứ ở đây là nghề từ ông bà cha mẹ truyền lại cho con cháu mấy đời.

Ngày nay người ta làm đủ loại từ bếp lò nung bằng đất kiểuxưa đến các khuôn tượng cho đình chùa. Họ cũng đúc tượng Quan công lớn, tượng mặt Phật Thích Ca, và cả các bình sứ lư hương. Có lò chuyên sản xuất heo đất mập ú, bụng rỗng. Con nít trước kia rất thích dùng bỏ ống, dành dụm tiền chờ lúc Tết đến đập ra lượm bạc cắc, bạc đồng đi đánh bầu cua hay mua cà rem cây, nước ngọt bánh kẹo vui chơi với nhau.

Bà bán lu hỏi:

-Hôm nay ông đem lan về Sài Gòn phải không. Trên Lái Thiêu bây giờ nhiều người bỏ vườn nhãn, vườn cam mà lập vườn Chim Hoa Cá Kiểng. Họ trồng lan nhiều lắm.

Tôi hướng về mấy cái lu nặng nề mà bà ta phải đẩy từ Lái Thiêu xuống Sài Gòn hằng ngày:

-Lu này bà lấy ở vựa hay tự nung?

Bà đáp:

-Chúng tôi nung lò ra đấy. Đây là hàng chợ bán thường. Thỉnh thoảng có hàng đặt. Vừa qua, ông chủ trại chăn nuôi ở Dĩ An đặt một cái đèn đất nung. Đó là loại đèn úm cho heo nái mới đẻ con, có chụp rọi từ trên xuống một khoảng rộng vừa bằng nơi heo mẹ và heo con nằm. Nhưng loại này công phu lắm vì phải nung tới 1500 độ. Khó có loại đất nào nung đến lửa như thế mà không bị nở ra.

Tôi lấy làm lạ:

-Đất sét mà nung tới 1500 độ thì biến thành đồng rồi. Búng vào nghe như tiếng đồng chứ không như tiếng đất kêu nữa. Bà làm sao được?

Bà nói:

-Thấy đất sét là tôi mê. Tôi đi tìm các loại đất. Đất sét vàng, đỏ ở Lái Thiêu Bình Dương thuộc về loại tốt, thế mà lúc làm cái đèn úm heo thì nó bị nở ra không tới lửa được.

-Vậy làm sao?

Bà già cười:

-Tôi chợt nhớ có một bộ chén sành xưa. Theo ông bà kể và các người trong nghề nói đất sét ở Đà Lạt tốt nhất. Tôi phải lần mò lên Đà Lạt tìm được loại đất quí đem về thử vài lần. Quả nhiên đất sét Đà Lạt chịu lửa hằng ngàn độ thật bền bỉ.

Lúc nung loại đèn úm heo này, tôi phải làm lò nhỏ riêng, ngồi canh lửa suốt mấy đêm ngày còn khổ hơn người ta nung đồng làm tượng Phật nữa.

Tôi khen:

-Bà thật kỳ công. Làm được không?

-Người chủ nói nếu tôi làm được thì sẽ đặt nhiều để bán cho các trại chăn nuôi heo ở miền Đông. Ông ta còn ra giá mỗi cái đèn úm heo ấy một triệu rưỡi. Sẽ có nhiều người thích mua để sưởi ấm heo con, nó luôn chạy giỡn dưới ánh sáng đèn chụp này, đỡ bú hoài làm mất sữa heo mẹ.

Tôi hỏi:

-Còn lu hũ thì sao?

-Lu hũ khạp thì quen rồi, dễ đun hơn. Lu có nhiều loại, như dưới miền Tây người ta dùng đựng nước lọc cho khách qua đường uống. Khạp nhỏ để ngâm cải chua, dưa chua, giá chua, khạp lớn hơn đựng gạo. Còn khạp da bò lớn nhất để đựng nước mưa hay dú trái cây. Nghề gốm sứ ở đất Thủ Bình Dương thịnh lắm, chỉ tay lấm chân bùn, cả mặt mày cũng dính đất dính tro trấu luôn mà thôi.

-Tôi nghe nói ít nhất mỗi nhà làm đồ gốm cũng có khoảng bốn, năm lò.

Bà nói:

-Có người có đến tám lò. Sau bớt lại còn ít nhất là ba lò.

Đất ở Tân Uyên, Dầu Tiếng lấy về rồi để ngoài trời nhồi nặn khá lâu. Làm như thế cho đất ráo nước phèn rồi mới tạo hình, có khi đạp đất cho nhão ra rồi đặc lại độ hai giờ. Sau đó nhờ sự kết tinh của lửa, đất và trời mà thành hình vật dụng.

Bà quay sang ngắm mấy chiếc lu.

-Các loại lu bằng đất đựng gạo hay nước uống đều tốt. Nhiều người thích lu khạp sành hơn là đồ nhựa có hóa chất xài không bền, không tốt, có hại sức khỏe nữa. Nhưng dân thành phố vẫn ưa đồ nhựa nhẹ nhàng và nhiều màu sắc hơn đồ sành, lại dễ di chuyển.

Tôi hỏi:

-Thường thì đồ sành sứ bán buôn ra sao?

Bà nói:

-Vận chuyển có khi bằng xe bò đi gần, xe hàng ra miền Trung, các loại ghe thuyền thì đi xuống Tiền Giang, Hậu Giang. Thương lái từ Campuchia cũng qua đặt hàng nhiều lắm. Lu khạp chúng tôi bán không thua gì vịm, mẻ, khạp da bò… sành sứ ở miền Tây. Cũng có khi tôi còn đúc tượng ông Địa để bỏ mối.

Tôi hỏi thêm:

-Làm lu cho được đẹp và xài bền thì làm thế nào cho tốt?

Bà bán lu nói:

-Thứ nhất là tay nghề kỹ lưỡng. Cho tới hầm đất, lên men màu. Sau đó còn vẽ hình khắc họa trên các loại lu đặt cho đẹp mắt, tinh xảo thì bà con ưa thích. Nổi tiếng Bình Dương có Trương Bình Hiệp gần hai thể kỷ rồi. Từ chú Nô sang cho ông Tám Giang, có lò đến cả trăm thợ góp công sức vào.

Nói đến đây thì đã xế trưa, bà bán lu dõng dạc đứng lên trả tiền nước rồi nói:

-Thôi đi ông ơi, kẻo trễ phiên chợ.

Cái quí hơn hết của nghề vọc đất ăn tiền có lẽ là sức khỏe, tay chân gân guốc mạnh khỏe của bà ta hơn hẳn đàn ông ở thành phố ngày nay chỉ biết suốt ngày ăn nhậu với bia rượu, yếu đuối bạc nhược mà lại hay say xỉn gây ra nhiều tai nạn cho mọi người.

Tôi gật đầu, nhìn người đàn bà đẩy chiếc xe đạp chở gần tám cái lu khạp lớn nhỏ lên cầu. Ai biết đâu là một mỹ nhân ngày trước

Tôi cũng trả tiền cà phê rồi đẩy chiếc xe đạp già của mình lên dốc cầu, đẩy chỉ mỗi chiếc xe lên dốc cầu cao vọi đã thấy mệt dù trên giỏ xe chỉ có một giỏ lan nhỏ thôi.

Người đàn bà ấy thỉnh thoảng đẩy ghè chậu sành chậu kiểng, lu hũ qua xóm tôi để bán. Đồ sành sứ của bà làm thật nặng và chắc chứ không cầu kỳ hoa mỹ như các nơi khác. Đôi lúc bà buột miệng tâm sự với tôi về cái thời hạnh phúc trước lúc bà còn làm ở tòa án Sài Gòn.

Bà bán lu này thực ra không phải xuất thân làm nghề sành sứ.

Thực ra sau 75 bà mới về vườn với gia đình làm lò nung đất gốm sứ. Bà vốn là thư ký ở Tối Cao Pháp Viện Sài Gòn, kết thân với nhiều chủ sự ở tòa án. Bà là bạn thân với cậu tôi ở Tối Cao Pháp Viện. Khi biết cậu tôi chết trên biển, bà buồn lắm. Mỗi lần gặp tôi bà mừng như người trong gia đình vậy.

Bà đẩy xe chở lu lên đến giữa cầu rồi đứng lại nghi một lát. Khi tôi tới nơi bà bắt đầu đẩy xe xuống dốc cầu bên kia. Mỗi ngày đều đẩy xe lên xuống cầu Bình Triệu như vậy, y như là ông thần Dionisos bị trời hành.

Nghĩ ra biển dâu là như thế đó…

  

Duy Thức

Xem thêm

Nhận báo giá qua email