“Anh là thằng khốn nạn! Anh để tôi nuôi con một mình. Sao anh không chết giấm chết giúi ở đâu cho rồi!” Giọng lanh lảnh vang vọng từ đầu đến cuối hành lang. Tiếng Việt gẫy gọn, đanh thép giữa tiếng lao xao của nhiều ngôn ngữ khác. Người đàn ông vừa ló mặt ra khỏi khúc quanh hành lang, chùm xỉ vả tung tóe trên mặt như gáo nước lạnh.
Khỏi mất công đoán loanh quanh mất thì giờ, bạn cũng biết ngay đó người đàn ông đó là một anh chồng hư hỏng; một kẻ ham chơi, bỏ bê vợ con; một gã hoang đàng.
Và chẳng cần tôi thuyết minh, bạn cũng biết người đàn bà ấy là chị vợ vô phúc có anh chồng vô tích sự.
Người đàn ông đứng sựng lại, đưa tay vuốt mặt, như vuốt cho sạch những lời xỉ vả đang vướng đầy trên mặt. Rồi anh ta quay lưng bước nhanh khỏi chốn ấy.
Người đàn bà ngồi xuống, mím môi cho mềm cơn giận. Rồi lại chăm chú nhìn xuống tờ báo gấp làm tư trong lòng bàn tay. Trong thoáng giây, cô ta trở về với con người trầm lắng mười lăm phút trước. Trầm lặng như pho tượng trong hành lang tòa án. Hành lang nhộn nhịp. Những chiếc ghế khu vực chờ đợi càng lúc càng đông người. Người đàn bà trẻ ngồi ở cuối hàng ghế. Tóc buông sau lưng. Khuôn mặt trái soan. Hai mắt chăm chú nhìn vào tờ báo gấp làm tư trong tay. Tay kia cầm cái bút Bic. Tiếng loa réo gọi. Người đàn bà vẫn chăm chú nhìn vào tờ báo. Thiên hạ đi qua đi lại sát hàng ghế, nhiều lúc gần chạm vào chân cô. Cô vẫn không ngước lên. Một đứa trẻ đuổi bắt một đứa trẻ khác. Đôi giầy có bóng đèn nhấp nháy. Rồi hai đứa trẻ xô vào nhau, ngã xoài ra trước mặt cô. Người mẹ, một phụ nữ da màu đang mải mê múa may những ngón tay trên điện thoại di động, chạy tới nắm tay đứa nhỏ kéo đi, đứa lớn lẽo đẽo chạy theo. Hành lang tòa án chẳng khác gì một góc phiên chợ. Thế nhưng tất cả mọi náo động hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người đàn bà. Người đàn bà còn rất trẻ. Người đàn bà Việt Nam chăm chú với trò chơi sudoku. Một trò chơi thách đố trí thông minh toán học.
Người đàn bà ấy là cô bạn gái tôi thân.
Đó là một buổi sáng trong hành lang tòa án Liên Bang. Tòa Gia Đình. Vô phúc đáo tụng đình. Câu nói ấy ngàn năm xưa đúng và ngàn năm sau cũng vẫn đúng. Ở phương đông đúng, ở phương tây cũng đúng. Đó là thứ chân lý tuyệt đối, không như những thứ chân lý nửa với đại khái như Nam vô tửu như kỳ vô phong. v.v. Phải đi hầu tòa là điều chẳng ai muốn. Mất thời giờ, tốn tiền bạc mà kết quả hầu như hiếm khi như ý. Buổi sáng. Tòa gia đình. Người đàn bà Việt Nam ngồi chờ gặp quan tòa. Người đàn bà ngồi trong hành lang, trên băng ghế dài. Thiên hạ đi qua đi lại, trò chuyện rộn ràng. Điện thoại di động đua nhau reo. Người trả lời điện thoại oang oang như chỗ không người. Tất cả không ảnh hưởng gì đến người đàn bà Việt Nam ngồi chờ đến phiên mình đối mặt với người chồng đã lâu không gặp mặt.
Một tay: tờ báo gấp làm tư, tay kia nhăm nhe cái bút Bic. Trò chơi sudoku. Chắc bạn đã từng thử trò chơi này. Tôi cũng thử một vài lần nhưng không bao giờ giải hết trò chơi. Thành ra tôi phục người phụ nữ này. Cô ta mới ngoài ba mươi. Khuôn mặt trái soan. Mắt sáng. Môi hơi mím lại mỗi khi tìm ra một con số.
Tiếng loa réo gọi. Tôi lắng tai nghe. Người phụ nữ Việt Nam kia vẫn chăm chú với những ô vuông, tìm một một con số cho vào đúng ngăn của nó. Tôi nhớ hình như trong trò chơi ấy, mỗi ô vuông chỉ được ghi một con số và mỗi con số chỉ được xuất hiện một lần. Người giỏi toán mới chuộng trò chơi này.
Lại tiếng loa réo gọi. Một cái tên không phải Việt Nam. Không giống phần lớn tòa hình sự hay tòa giao thông, tòa gia đình giải quyết những vấn đề riêng tư nên công chúng chỉ được phép vào tòa khi tới vụ của mình. Người phụ nữ mê trò chơi sudoku tới mức một đứa bé vấp ngã ngay trước mặt cô, cô vẫn dán mắt vào những ô vuông. Quả là một người có độ tập trung tư tưởng rất cao.
Loa lại réo gọi. Lần này là cái tên tiếng Việt phát âm một cách méo mó. Tôi nhận ra tên của bạn tôi, người phụ nữ ấy. Tôi nhắc nó vào tòa.
Cô ta ngẩng đầu lên nhìn. Mắt ngơ ngác như vừa thức dậy sau giấc ngủ ngày. Và cô ta nhoẻn miệng cười. Nụ cười đẹp thắp sáng khuôn mặt, làm rạng rỡ nét u uẩn trong đôi mắt đen nhánh.
Trong tòa. Nguyên đơn ngồi bên này, bị đơn ngồi bên kia, cả hai ngồi trước mặt quan tòa. Nguyên đơn là người đàn bà trẻ này. Bị đơn là chồng cũ của nó. Cả hai không cần luật sư. “Bọn luật sư chỉ giỏi vẽ rết thêm chân để làm tiền!” Bạn tôi bảo thế. “Sự việc đã rắc rối, bọn ấy lại còn làm cho phức tạp thêm.”
Điều ngạc nhiên nhất và cũng khó xử nhất của tôi là tôi cũng quen thân với người chồng. Anh ta có khuôn mặt khó có thể lẫn với ai khác nhờ cái sẹo vắt ngang trán. Thêm vào đó là cái tên nghe kêu không khác gì tên của một tài tử Hồng Kông.
Hai năm trước – vì là bạn thân của cả chồng lẫn vợ, và cũng vì tính tò mò – tôi vác xác đến tòa, nghe phiên xử hình sự có anh ta làm nhân chứng. Chuyện lộn xộn của anh chồng, cô vợ hoàn toàn không biết. Nhưng đó là chuyện hai năm trước.
Hôm nay, người đàn bà yêu cầu tòa bắt chồng trả tiền trợ cấp cho hai đứa con tính từ hai cái năm trước ấy. Lời lẽ ngắn gọn và mạch lạc, cô tố cáo chồng hư hỏng, không nghề nghiệp nhất định. Chỉ giỏi chạy mánh. Và trúng mánh thì đem tiền đi ăn chơi mất biệt, vợ con không nhìn thấy một đồng xu nào.
Ngồi bên dưới, tôi cố lắng nghe lời giải thích của người chồng. Anh ta không có nhiều lý lẽ để trình bày. Anh ta lúng túng trước những câu hỏi của quan tòa. Khi quan tòa hỏi: Hai năm trước anh đi đâu? Anh ta ấp úng. Quan tòa – chắc cũng tin như đinh đóng cột rằng hai năm dài đăng đẳng ấy, anh chàng bận mùi mẫn với ai đó, ở một nơi nào đó – mở cho anh ta lối thoát bằng cách bảo nếu anh không tiện trả lời câu ấy thì tôi hỏi câu khác: Tại sao anh không trợ cấp cho hai đứa con? Anh chồng vẫn ngập ngừng, không có câu trả lời.
Tới phiên mình nói, cô vợ đẩy ngôn ngữ tới sát ranh giới của sự tử tế, lịch sự. Nào là kẻ ăn không ngồi rồi, trôi sông lạc chợ, chỉ biết sướng thân không nghĩ tới ai, kẻ ngoại tình, kẻ phản bội, kẻ gian dối.
Quan tòa chờ nghe người chồng phản bác. Bối rối, nhưng tôi cũng chăm chú lắng nghe xem anh chồng có gì để nói thêm trước khi nghe phán quyết của quan tòa. Nhưng anh ta không nói gì. Chỉ nhìn thẳng phía trước, lặng lẽ chờ phán quyết của quan tòa. Kết cuộc, quan tòa bắt anh ta phải trả tiền trợ cấp tính lùi lại từ hai năm trước.
Vừa ra khỏi cửa phòng xử, cô vợ quay qua mắng anh chồng, “Anh là thằng khốn nạn. Anh bỏ mẹ con tôi đi biền biệt. Tôi tưởng anh đã chết giấm chết giúi ở đâu rồi.”
Anh chồng định nói gì đó nhưng lại thôi, ngoan ngoãn ký vào tờ lệnh của tòa.
Câu chuyện như trăm ngàn câu chuyện xảy ra trong tòa án gia đình, chẳng có gì đáng nói nếu như tôi không phải là người đứng giữa, biết được câu chuyện của cả hai bên. Hai năm trước, anh liên quan tới một vụ án hình sự. Vợ anh không biết, nhưng tôi biết, vì khi có chuyện gì không thể kể cho vợ nghe, anh thường hay tâm sự với tôi. Ngày xử phiên tòa hình sự ấy, tôi tò mò vào phòng xử hóng chuyện thiên hạ. Phiên tòa có tới bốn bị can người Việt. Báo chí đăng tin rộn ràng. Thiên hạ tò mò đi xem. Một vụ buôn bán chất gây nghiện bị cảnh sát gài bẫy, bắt trọn. Trong phiên tòa ấy, anh là nhân chứng của cảnh sát. Anh giúp cảnh sát gài bẫy bắt một đường dây buôn cần sa. Anh giả làm người tìm mua cần sa và cocaine. Đúng lúc trao tiền và nhận thuốc thì cảnh sát ập vào, bắt tất cả nhưng dĩ nhiên sau đó anh được thả ra và được tặng thưởng một số tiền. Để cho an toàn, cảnh sát yêu cầu anh dời chỗ ở và tốt nhất là dọn qua Vancouver. Tưởng đã yên thân, ai ngờ một thời gian sau, anh bị gọi ra làm chứng trong phiên tòa đại hình. Đối diện với ba, bốn bị can người Việt – với đầy nét hằn học trên nét mặt – ngồi trong khung kính hẹp dành cho bị can, anh – một mình trên bục nhân chứng – kể lại diễn biến việc dò hỏi, tìm mối, đặt mua và dàn cảnh cho cảnh sát bắt quả tang như thế nào. Đám bị can bây giờ mới biết anh làm mật báo cho cảnh sát. Sau phiên xử, anh lại tiếp tục sống ẩn dật vì lý do an toàn.
Đó là thời gian anh bặt tông tích. Đó là thời gian vợ anh tố cáo anh lơ là gia đình, bỏ bê con cái. Vợ anh hoàn toàn không biết những chuyện anh đã làm. Và vì vậy, vợ anh đã và sẽ không bao giờ tha thứ cho anh.
Câu chuyện của hai vợ chồng nhà ấy ám ảnh tôi mãi. Tôi luôn hỏi có nên đặt giới hạn cho những sự việc phải giấu kín hay không. Nghĩa là sự minh bạch (transparency) trong quan hệ vợ chồng có quan trọng hơn sự bảo mật – cái mà tiếng Anh gọi là confidentiality – không, hay là nếu đã thuộc loại phải giấu kín thì ai hỏi cũng không nói ra, kể cả vợ (hay chồng) của mình? Theo Susan Valentine, một chuyên gia điều trị tâm lý, trong 17 dấu hiệu sẽ dẫn tới việc ngoại tình thì chuyện giữ điều bí mật đối với người bạn đời đứng đầu danh sách.
Một gia đình người Canada mà tôi quen biết cũng có một chi tiết khiến tôi thắc mắc hoài: đứa cháu gái ở tuổi mới lớn (teenager) rất thân với người dượng, có điều gì vui, buồn, giận, ghét… đều tâm sự với ông. Mẹ của con bé thấy ngại, và vợ ông thường xuyên thắc mắc và tò mò muốn biết, nhưng ông nhất định giấu kín những tâm sự (hay bất cứ chuyện gì trong mối quan hệ của hai dượng cháu) mà họ chia sẻ với nhau. Ông bảo ông tôn trọng việc bảo mật những tâm sự của cháu gái và sẽ không bao giờ phá vỡ niềm tin mà con bé đặt vào ông.
Cuộc sống của những người phải giữ mãi một điều bí mật trong lòng chắc không yên ổn, ít ra là về mặt tâm lý. Những người tình cờ – cho là – mình gặp người ngoài hành tinh (alien) hoặc gặp vật lạ bay ngoài không gian (UFO) thường bị buộc phải tuyệt đối giữ điều bí mật ấy. Và rất nhiều người đem điều bí mật ấy xuống mồ.
Trở lại chuyện hai vợ chồng nhà kia, trong lúc người vợ chật vật với hai đứa con, đầu óc không ngừng hỏi “thằng khốn nạn” giờ này đang vui vầy bên ai thì cô ta đâu biết có thể là “thằng khốn nạn” đang trốn chui trốn nhủi trong một ổ chuột, ở một căn hẻm rác rưởi ngập lối đi. Bước ra khỏi cửa là mắt trước mắt sau, chỉ sợ gặp lại những kẻ mà anh đã chỉ điểm cho cảnh sát bắt.
Người đàn ông này vô cùng cương quyết trong việc giấu kín điều bí mật của mình và anh ta sẽ tiếp tục bị kết tội oan trong phiên tòa do cô vợ chủ trì. Và như trò chơi sudoku mà vợ của anh say mê trong lúc chờ phiên tòa, mỗi ô vuông của cuộc đời cô đã có một con số và không có ô nào dành cho anh ta hết.
Nếu bạn là người đàn ông ấy, bạn có ngậm miệng chịu oan mãi hay không?
Khúc An