Tòa án Tối cao B.C. (B.C. Supreme Court – BCSC) hồi tuần trước đã ra phán quyết ủng hộ đơn kháng án của một người đàn ông ở Vancouver, là một người mới biết lái xe, khi cho rằng ông này không nên bị phạt vì đã để điện thoại di động “trong phạm vi có thể nhìn thấy được” trong lúc đang lái xe bởi ông ta không hề sử dụng nó.
Quyết định của BCSC được cho là sẽ mang lại một sự “rõ ràng hơn” cho những quy định về lái xe phân tâm, những quy định vốn hiện còn rất “lờ mờ” (murky distracted driving regulations). Theo định nghĩa được khái quát trong phán quyết, BCSC cho rằng một “thiết bị điện tử” vẫn có thể được gắn trong một chiếc xe được lái bởi một người lái có treo bảng báo hiệu “N” (New Driver) ở kính sau xe, miễn là người đó không sử dụng nó trong lúc đang lái xe. Vị thẩm phán này cũng cho rằng ngay cho nếu một thiết bị điện tử như thế “có thể được nhìn thấy thật rõ ràng” trong chiếc xe của người mới biết lái, thì điều đó cũng không có nghĩa là người đó đang sử dụng nó.
Theo các cáo trạng thì trường hợp nói trên đã xảy ra trong tháng 4-2018. Ông này, Hunter John Sangret, đã bị một cảnh sát viên công lộ yêu cầu tấp xe vô lề đường ở Burnaby do bị phát giác có một thiết bị điện tử được gắn bên trong xe của ông ta. Ông Sangret lúc đó đang có bằng lái Class 7 “N”, là bằng hạn chế người lái sử dụng một thiết bị điện tử trong lúc đang lái, ngay cả nếu để nó ở “chế độ hands-free”, tức là không cầm tay nó lên. Tuy nhiên, những người lái xe nào có bằng “full licence” thì lại có thể dùng nó ở “hands-free mode”, miễn là thiết bị đã được gắn trên một dụng cụ dùng để giữ chặt nó (mounted). Mặc dù không hề thấy ông Sangret cầm, sờ, hoặc dùng thiết bị đó, cũng như thừa nhận rằng màn hình của thiết bị lúc đó vẫn đen (tức không có xài, vì xài nó sẽ sáng lên) trong lúc nói chuyện với ông ta, nhưng cảnh sát viên công lộ vẫn biên giấy phạt. Quá bực mình, ông Sangret này đã kháng cáo lên tòa án tỉnh bang nhưng cũng không thành công vì đã bị tòa án tỉnh bang cho là có lỗi bởi đã lái xe với một thiết bị “nhìn thấy rõ” ở trong xe, một yếu tố cấu thành nên hành vi đã sử dụng thiết bị đó. Ông Sangret không thỏa mãn với định nghĩa ấy, gọi nó là một “phán quyết vô lý” vì không có chứng cứ ông ta trước đó đã dùng thiết bị đó dù ở bất cứ hình thức nào”. Thế là ông đã kháng án lên BCSC và ngạc nhiên thay, sau khi bị thẩm phán BCSC Watchuk bắt buộc, luật sư công tố tỉnh bang đã đồng ý rút lại tội đã quy kết và yêu cầu chuyển phán quyết từ có tội sang trắng án. Trong suốt quá trình xét xử, cả hai bên đều có yêu cầu tòa án nên làm rõ ý nghĩa của từ “dùng” (use). Trong các lý do để đưa ra phán quyết của mình, nữ thẩm phán Watchuk đã định nghĩa từ “dùng” như sau:
- giữ/để thiết bị trong một vị trí mà nó có thể được sử dụng.
- xài 1 hoặc hơn 1 chức năng của thiết bị.
- giao tiếp bằng miệng qua thiết bị với một người khác, hoặc với một thiết bị khác.
- có nhìn hoặc quan sát màn hình của thiết bị đó.
Thẩm phán Watchuk tuy nhiên vẫn đồng ý rằng “một thiết bị được nhìn thấy rõ tất nhiên có thể hấp dẫn, khiến cho người lái xe dễ bị phân tâm hơn là khi nó được để gọn ở trong túi, hoặc trong một hộc đựng găng tay”. Ngược lại, nếu chỉ lái xe mà có nó không thôi ở trong xe thì không phải là một hành vi bất hợp pháp.