Kết quả này là từ một cuộc khảo sát của tờ Wall Street Journal thực hiện chung với NORC tại Đại học Chicago, một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái đo lường thái độ xã hội. Cuộc khảo sát ghi nhận một trong những tỉ lệ bất mãn về kinh tế cao nhất sau nhiều năm, tờ báo này cho biết.
Khoảng 83% số người được hỏi mô tả tình trạng nền kinh tế là kém hoặc không tốt lắm.
Hơn một phần ba, hay 35%, cho biết họ không hài lòng chút nào với tình hình tài chính của mình. Đó là mức độ không hài lòng cao nhất kể từ khi NORC bắt đầu đặt câu hỏi này vài năm một lần, bắt đầu từ năm 1972 trong khuôn khổ cuộc Khảo sát Xã hội Tổng quát, mặc dù biên độ sai số 4 điểm của cuộc thăm dò có nghĩa là các số liệu mới có thể không khác biệt đáng kể so với các mức cao và thấp trước đó.
Chỉ hơn một phần tư số người được hỏi, 27%, cho biết họ có thể cải thiện được mức sống—giảm 20 điểm so với năm ngoái—trong khi chưa tới phân nửa số người được hỏi, 46%, nói rằng họ không thể.
38% những người được hỏi cho biết tình hình tài chính của họ đã trở nên tồi tệ hơn trong vài năm qua. Điều đó đánh dấu lần duy nhất ngoài thời điểm sau cuộc suy thoái 2007-09 mà hơn ba trong số 10 người được hỏi cho biết túi tiền của họ đã vơi đi, theo dữ liệu của GSS trong nửa thế kỉ trở lại đây.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy lạm phát cao đang khiến triển vọng kinh tế mờ mịt, Jennifer Benz, phó chủ tịch phụ trách sự vụ công cộng và nghiên cứu truyền thông tại NORC, được Wall Street Journal dẫn lời cho biết. Lạm phát đang tăng gần với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập niên, ở mức 8,3% hàng năm vào tháng 4, một trong những yếu tố đè nặng lên người tiêu dùng. Các gia đình đang phải dùng tiền tiết kiệm để hỗ trợ chi tiêu của họ.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ngày 7/6 nói với các thượng nghị sĩ rằng Mỹ đang đối mặt với “mức lạm phát không thể chấp nhận được,” nhấn mạnh rằng tỉ lệ này có thể vẫn ở mức cao nhưng bà hy vọng nó sẽ sớm giảm cường độ.
Bà lặp lại quan điểm của mình rằng lạm phát được thúc đẩy bởi sự lệch lạc về cung – cầu, bao gồm nhu cầu quá mức đối với hàng hóa so với dịch vụ trong thời kỳ đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng. Giá năng lượng và lương thực cao do Nga xâm lược Ukraine cũng đã đẩy lạm phát lên cao hơn, bà nói.