NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĂN TẾT TẠI VIỆT NAM

Mọi năm, nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam thường vui vẻ dù phải đón Tết xa quê hương, bởi vì trước đó họ đã có thời gian về thăm nhà. Năm nay, dù đã cuối năm nhưng họ vẫn chưa thể về thăm nhà do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đành ở lại Việt Nam đón Tết cùng bạn bè và người Việt.

Tết nhiều nỗi lo

Đến Việt Nam sinh sống và làm việc tại Sài Gòn đã được 4 năm, anh Lee Sun Gu người Đại Hàn năm nào cũng ăn Tết tại Việt Nam vì trước đó anh đã về thăm nhà như bên trên đã nói. Với anh Lee, do Tết Việt Nam và Tết Đại Hàn trùng nhau nên khi ăn Tết ở đây, anh và bạn bè đều làm các món ăn Đại Hàn để thể hiện tình cảm nhớ về quê hương.

Theo anh Lee Sun Gu, vì trong năm anh đều về Đại Hàn thăm gia đình nên việc ở lại ăn Tết Việt Nam với bạn bè cũng rất thú vị. Đây là khoảng thời gian anh và bạn bè người Hàn có thể cảm nhận được không khí Tết yên tĩnh, không ồn ào náo nhiệt, đường phố vắng xe chứ không đông đúc như những ngày thường. Anh nói: “Tôi cảm nhận thời tiết và không khí Tết ở Việt Nam giống như ở Đại Hàn. Thời gian này, tôi và bạn bè cũng có dịp được nghỉ ngơi và đi chơi khắp nơi để tìm hiểu thêm về văn hóa của từng vùng Việt Nam. Vì vậy, dù ăn Tết xa quê, tôi vẫn thấy yên tâm”, anh Lee chia sẻ.

Tuy nhiên, năm 2021, dịch COVID-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách xã hội kéo dài hơn 3 tháng nên mọi việc đi lại trong nước cũng như trở về quê hương Đại Hàn của anh không thể thực hiện được. Anh Lee than thở: “Mặc dầu  thời điểm này chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách trở lại cuộc sống bình thường để khôi phục kinh tế – xã hội, nhưng việc quay về nước thăm gia đình của chúng tôi cũng không dễ dàng. Lúc đi thì dễ, nhưng lúc quay lại thì khó vì lắm thủ tục cũng như thời gian cách ly kéo dài ở bên Đại Hàn. Do đó, tôi không thể về thăm gia đình vì sẽ ảnh hưởng đến công việc dang dở tại Việt Nam. Tết năm này, dù rất muốn trở về nước ăn Tết nhưng tôi cũng đành ở lại Việt Nam đón Tết cùng bạn bè” – anh Lee tâm sự.

Tương tự, ông Chai Cheng Huan (61 tuổi, đến từ Singapore) cũng cảm thấy rất nhớ nhà khi ăn Tết tại Việt Nam. Ông cho biết, thời gian ông sinh sống và làm việc tại Việt Nam được hơn 10 năm. Tuy nhiên, trong các năm 2018 – 2019, ông có thời gian trở về nước làm việc vì công việc tại Việt Nam gặp khó khăn. Cuối năm 2019, ông lại quay lại làm việc tại Hà Nội. Tháng 5/2021, ông Chai vào Sài Gòn làm việc với tư cách là chuyên gia nước ngoài tại một công ty phát triển bất động sản địa phương. Trong thời gian Việt Nam còn giãn cách xã hội, ông Chai Cheng Huan làm việc tại nhà 

“Mọi năm, tôi đều trở về Singapore để ăn Tết vì thời gian Tết Việt Nam và Singapore trùng nhau. Tết đến là khởi đầu mới, là thời điểm quây quần bên gia đình, bạn bè, đón Tết, lì xì, thưởng thức những món ngon đầu mùa. Thế nhưng, khi tôi quay trở lại Việt Nam làm việc cũng là thời gian bắt đầu dịch COVID-19, vì vậy năm 2021 tôi ăn Tết tại Việt Nam vì không thể về quê Singapore. Năm nay cũng vậy, tôi rất nhớ gia đình, bạn bè và cả những món ăn ở Singapore”, ông Chai cho biết.

Cũng theo ông Chai, thời điểm ông vào Sài Gòn cuối tháng 5/2021, khi Chỉ thị 15 được áp dụng, khiến ông cảm thấy bức bối và cô đơn giữa nơi đất khách quê người, không có người thân bên cạnh để chăm nhau lúc tuổi già. Trong khi đó, mọi hoạt động và làm việc đều tại nhà, chưa kể có thời điểm việc cung ứng lương thực bị gián đoạn do hạn chế đi lại, khiến cuộc sống của ông trong khoảng thời gian đó càng bối rối và thất vọng.

Năm 2022, thêm một cái Tết được đón tại Việt Nam, ông Chai càng nhớ nhà da diết vì Tết tại Sài Gònvắng vẻ, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa và sự di chuyển giữa các địa phương thì hạn chế. “Tôi cũng muốn trở về Singapore ăn Tết với gia đình, nhưng nếu trở về tôi phải bị cách ly trong thời gian dài tại nước mình, chưa kịp ăn Tết thì Tết cũng đã qua. Nếu tôi quay trở lại Việt Nam lại mất thêm hơn 10 ngày cách ly nữa. Thời gian nghỉ việc quá lâu có thể tôi sẽ bị mất việc, vì vậy tôi đành phải ở lại Việt Nam ăn Tết” – ông Chai chia sẻ.

Mong dịch COVID-19 sớm qua

Ông Ronald Romanowicz (53 tuổi, quốc tịch Mỹ), đến Việt Nam sinh sống và làm việc đã được 6 năm, đó là khoảng thời gian ông  cưới vợ người Việt. Trước đó, Ronald sinh sống tại Ấn Độ và Nepal với công việc kinh doanh đá phong thủy, tranh Thangka và một số loại pháp khí của Phật giáo Kim Cang Thừa (Phật giáo Mật tông Tây Tạng).

Sau trận động đất kinh hoàng tháng 4/2015 tại Ấn Độ, ông Ronald đã cùng vợ về Việt Nam sinh sống và mở cơ sở sản xuất, kinh doanh Chocolate tại Hội An, Quảng Nam. 

Trải qua 5 năm ăn Tết tại Việt Nam, ông Ronald đều cảm thấy hào hứng với cảnh mua sắm nhộn nhịp những ngày sắp Tết. Những đêm giao thừa, ông đều cùng vợ đi chợ hoa, xem bắn pháo hoa và đi chùa trong những khoảnh khắc đầu tiên chuyển giao giữa năm cũ và năm mới tại Hội An.

Ngoài ra, Hội An người dân thì thân thiện, hiền hòa; món ăn địa phương lại rất lạ và ngon, nhất là phở bò, bún chả Hà Nội, bún cà ri, bún cá rô, chả giò chiên… là những món được ông yêu thích nhất. Vì vậy, ông Ronald xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình khi có vợ và con gái cùng sinh sống tại đây. 

Tuy nhiên, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, đặc biệt là lần thứ 4 vừa qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đều gặp khó khăn, nhất là ngành du lịch, vì thế gia đình ông Ronald cũng không ngoại lệ. Dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm, tương đương gần 3 cái Tết nên việc sản xuất, kinh doanh chocolate của gia đình ông xem như bế tắc. Mặc dầu chính phủ VN đã cho “mở cửa” trở lại nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngành du lịch vẫn trong giai đoạn phục hồi chậm nên sau Tết này, ông Ronald dự tính sẽ trở về Mỹ để sắp xếp lại công việc kinh doanh của gia đình mình. Bên cạnh đó, cha mẹ ông Ronald cũng đã lớn tuổi, cần người chăm sóc.

Còn ông Chai Cheng Huan thì cho rằng việc ngăn chặn COVID-19 trong thời gian đầu Việt Nam thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, sau khi trở lại cuộc sống bình thường, việc quản lý, kiểm soát dịch có nhiều lúng túng và gây bất tiện cho người dân lẫn doanh nghiệp. “Tôi mong rằng các cơ quan chức năng sớm rút kinh nghiệm về những sai sót trong đợt dịch vừa qua và không lặp lại tương tự khi đợt sóng Omicron đổ bộ vào Việt Nam. Có như vậy dịch COVID-19 mới mau chấm dứt và tôi có thể về thăm gia đình tại Singapore, đồng thời có thể tự do đi du lịch trong và ngoài nước mà không bị kiểm soát và hạn chế”, ông Chai cho biết.

Tương tự, anh Lee Sun Gu cũng mong sớm có thể được trở về Đại Hàn ăn Tết cùng gia đình. Anh chia sẻ: “Nếu dịch COVID-19 có thể được kiểm soát tốt, tôi sẽ quay về nước ngay. Đã gần 2 năm không được gặp gia đình, bạn bè đã trở về nước làm việc hết, tôi cảm thấy rất buồn khi ăn Tết một mình ở Việt Nam. Tôi hy vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ có chính sách kiểm soát dịch tốt, tránh bị bùng phát dịch như trong năm 2021”. 

Thích các món ăn và 

không khí yên tĩnh 

trong những ngày Tết

Những ngày cuối tháng 1 Dương lịch hàng năm, giữa thời tiết mưa rét tại Hà Nội , nhiều người nước ngoài sống tại Việt Nam cảm thấy vô cùng thích thú khi thấy những chiếc xe máy nườm nượp chở đào, quất và các chậu hoa, cây cảnh, len lỏi khắp các phố phường mang Tết về các gia đình.

“Tôi rất thích Tết ở Việt Nam. Tôi may mắn có những người bạn bản xứ và được họ mời đến nhà trong dịp này, cùng nhau cụng ly và ăn những món ăn đặc biệt. Thường thì chúng tôi ‘nhậu’ cả ngày thôi (cười). Ở vùng nông thôn, mọi người đều biết nhau hoặc đều là họ hàng với nhau nên thường đến thăm các gia đình khác và chúc mừng năm mới” – Gabric, người Croatia, giáo viên dạy tiếng Anh đang sống tại Việt Nam chia sẻ về trải nghiệm Tết Việt.

Nhiều người nước ngoài đến với cái Tết ở Việt Nam cảm thấy ấm áp với không khí quây quần của các gia đình. “Tôi nghĩ một trong những điểm đặc biệt ở Tết truyền thống Việt Nam là sự kết nối giữa các thành viên gia đình với nhau, là cơ hội tuyệt vời để mọi người ở bên nhau nhiều hơn sau một năm học tập làm việc bận rộn” – người bạn nước ngoài nói thêm. “Các hoạt động chúc mừng năm mới đều có sự tham gia của tất cả mọi người, tất cả đều muốn chia sẻ và quan tâm đến nhau.” 

Corb Vil, nhiếp ảnh gia California, Mỹ, cho biết: “Tôi đã trải qua một vài dịp Tết với những người bạn Việt Nam ở các khu vực khác nhau, và tôi luôn luôn được chào đón như thể là một thành viên trong gia đình. Mọi người lúc nào cũng muốn cho tôi ăn thật nhiều và uống thật nhiều. Tôi đã tăng cân nhưng cũng đáng!”

Anh nói thêm: “Một phần khác tôi thực sự trân trọng là mọi người đến nghĩa trang và dọn dẹp mộ phần của những người thân trong gia đình những ngày trước Tết. Đó là một điều rất tâm linh và ý nghĩa.”

Cộng đồng “Tây” cũng hay so sánh Tết Việt với ngày Lễ Tạ ơn hay Lễ Giáng sinh ở các nước phương Tây, là dịp để cho đi và trân trọng những giá trị của gia đình, bạn bè. Tết cũng là dịp những người bạn quốc tế được trải nghiệm nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống và văn hóa người Việt.

Một số người bạn nước ngoài ấn tượng với khung cảnh đường phố rực rỡ đào, quất, người người tất bật mua sắm chuẩn bị đón Tết, rồi khung cảnh vắng vẻ và yên bình những ngày đầu năm mới ở các thành phố lớn, trẻ em nô nức chạy quanh cùng phong bao lì xì đỏ thắm trên tay.

“Đối với người Việt Nam, Tết có lẽ là thời điểm vui nhất trong năm, ai cũng cười tươi hơn một chút, còn đối với người nước ngoài, Tết có rất nhiều thứ để trải nghiệm như những phong tục và nghi lễ chúc mừng. Tuy nhiên giao thông có vẻ mệt mỏi vì tắc đường thường xuyên những ngày gần tết và giá cả thực phẩm đều tăng hơn thường nhật” – Jim, cây viết du lịch đã sống lâu năm tại Việt Nam cho biết. Làm bánh chưng, thờ cúng tổ tiên, thăm đền, chùa,… là những việc ít người phương Tây được trải nghiệm ở quê nhà nhưng lại là những hoạt động quen thuộc của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Một số khác yêu thích những phong tục tập quán, món ăn Việt Nam trong những ngày Tết.

“Thông qua Tết, người nước ngoài có thể hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. Tôi cảm thấy rất thú vị khi được chứng kiến các truyền thống và lễ nghi trong ngày lễ quan trọng này. Đặc biệt Việt Nam có một văn hóa ẩm thực rất phong phú” – Michael, người Đan Mạch, sống tại Việt Nam cùng gia đình cho biết. Đối với những người bạn nước ngoài, việc chuẩn bị ngày trước Tết, các thành viên gia đình sum họp bên nhau đem lại một cảm giác thiêng liêng.

Sự yên tĩnh đặc biệt

Sự đối lập trên đường phố những ngày giáp Tết và ra Tết cũng khiến nhiều người thích thú.

“Kể từ lần đầu tiên đến đây vào năm 2015, đã 5 năm liền tôi được đón Tết cổ truyền Việt Nam. Tôi rất thích những ngày Tết vì nhiều lý do. Và một trong số đó là khi đến Tết tôi có thể đi chơi được vì ngoài đường phố rất vắng” – Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov chia sẻ.

“Thời gian ở Việt Nam tôi rất thích các món ăn ở đây. Không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũng rất thích ẩm thực Việt Nam.”

Maria, khách du lịch Úc, thì cho biết: “Tết ở Việt Nam khiến tôi nhớ lại dịp năm mới cùng bạn bè và gia đình ở nhà. Tôi đặc biệt thích không khí yên bình gần như bao trùm cả đất nước trong thời gian này, sau những ngày bận rộn nhộn nhịp trước Tết. Mua sắm, trang trí nhà cửa xong, những cây quất đằng sau xe máy được chở về nhà, thật là một sự yên tĩnh thiên đường trong lòng thành phố. Tôi cũng thích nhìn thấy các em nhỏ vui vẻ mặc quần áo Tết và xem lễ hội.”

Tuy nhiên, đường phố vắng vẻ và hàng loạt hàng quán, công ty dịch vụ đóng cửa cũng khiến các vị khách nước ngoài lúng túng nếu không biết trước.

Theo Fourie, một thành viên thuộc cộng đồng dạy tiếng Anh ở Việt Nam: “Tôi đã trải qua Tết ở Sài Gòn, và hoàn toàn yêu thích từng phút giây ấy. Đó là thời gian lý tưởng nhất trong năm ở Sài Gòn. Ít xe cộ, không khí trong lành, đường phố được trang trí bằng những đóa hoa, ánh sáng đẹp đẽ lung linh nhất tôi từng thấy trong đời. Tất cả người dân địa phương đều có tâm trạng tốt, cả ngày lẫn đêm! Tôi cũng không cảm thấy bất tiện lắm với việc các cửa hàng đóng cửa.”

Đa số những người từng có trải nghiệm “ăn” Tết Việt đều cảm thấy háo hức, vì thế họ cho rằng tranh cãi về việc có nên gộp “Tết Tây” và “Tết ta” hay không là rất vô ích.

“Tôi nghĩ các bạn nên đón cả hai Tết. Đó là truyền thống tốt đẹp, giúp các bạn có thời gian tụ họp bên gia đình. Không nên bỏ Tết Nguyên Đán”, một cô bạn người  Mỹ nói. Cô cho rằng, giữ gìn truyền thống là một việc làm quan trọng trong bất kỳ nền văn hóa nào. Việc giữ Tết âm lịch như một cách để người dân Việt Nam gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp cho con cháu đời sau.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email