Người thợ sửa dù

Năm nay mùa mưa nhưng vừa nắng lại vừa mưa. Hôm nào trời nắng nóng rát cả da. Thường cứ trưa nắng bỏng da, chiều và tối mưa ập đến ào ào, có khi ban ngày cũng có mưa nắng. Đó là thời tiết khó chịu và lúc nào người đi đường cũng phải có gì đó che cho đỡ mưa rào nắng hạn.

Tất nhiên chỉ có cây dù thuận lợi hơn cả. Nhưng chúng ta đừng quên là Sài Gòn từng có lúc cấm dùng dù khi đi xe máy ôm. Cây dù dương ra che khuất tầm nhìn người khác, lại hơi bề bộn không gọn gàng dễ sanh ra va chạm, không kể gió mạnh rất dễ tạt cây dù.

Nhưng trước cái oi nồng, và mưa rào thường xuyên, dân Sài Gòn lúc này giống dân Anh quốc lúc nào đi đâu cũng có dù che mưa.

Ở các chợ như Sài Gòn, Bà Chiểu, Tân Định đều có treo dù đủ loại, đủ cỡ ngắn, dài. Dù xưa rộng, cán dài có tay cầm bằng sừng trâu, bây giờ thì bằng các loại nhựa đặc đúc thành cán.

Rất lâu dù luôn phát triển, có cả dù Mỹ, dù Tàu, dù Anh, Pháp… nhưng phần nhiều người khá giả chơi dù như theo mốt. Thời nào dù nấy. Có khi người cầm dù vài tháng quá thời, bỏ thay loại dù mới để làm dáng.

Đặc biệt là người đàn bà có con đến những bà sồn sồn, những loại người có vẻ xưa một chút đều hay cầm dù như một thứ trang sức. Người già chống cây dù thay gậy. Các em bé cũng được mẹ mua cho chiếc dù nhỏ để vừa che vừa làm duyên. Che dù một thời gian, thấy dù khác mới hơn, màu mè tinh xảo hơn thì các bà các cô lại bỏ dù cũ thay dù mới. Người ta thay dù như thay áo… nhưng nếu có người sắm được cây dù ưng ý, luôn mang theo tay, không rời ra, và cũng ít khi thay dù khác.

Mấy hôm nay nắng gắt mưa cũng nhiều, người che dù nhiều. Thế nhưng tìm nơi sửa dù hư rất khó, nhất là tìm cho ra một ông thợ sửa dù chuyên nghiệp. Vậy mà tôi đã thấy ít nhất có người sửa dù đi qua và rao Dù đây, sửa dù đây… Thay dù mới, thay cán dù mới đây, may lọng dù hư đây.

Đặc biệt tôi thấy người thợ sửa dù vừa đi vừa đẩy chiếc xe máy cũ vào bậc thời tiền sử. Bác ta rao sửa dù giọng khào khào. Đường phố đông người, dừng lại đậu chiếc xe cồng kềnh những chiếc bao lớn. Trong chiếc các bao đó in là bao đựng túi nylon, đựng các chai nhựa và hắn lượm thay. Thì ra người thợ vừa sửa dù vừa đi lượm rác để bán thêm.

Đúng là nơi thích hợp cho để trú nắng, dưới tàn một cây đa cổ thụ còn sót lại bên cạnh khu chữa lửa ở Gia Định.

Ngang đó trước đây là bãi rác, bây giờ được xây lên thành khu bán hoa kiểng và các loại đồ gốm sứ.

Bên cạnh dưới gốc cây đa to lớn che mát cả đường phố có một xe nước mía, vài chiếc ghế đẩu bốn chân cỡ nửa mét đặt dựa vách tường của một nơi cấp giấy phép hay lý lịch, thẻ chứng minh nhân dân cho người dân.

Thì ra chị bán nước mía vừa trương chiếc dù màu tím ra đưa cho người thợ sửa dù và nói:

– Ông may lại, vá lại dùm mấy lỗ vải dù rách, sửa hay đổi dùm tôi có hai cọng kèo dù bị gãy và coi lại cái cán dù hơi lỏng tay, cầm sục sịch hoài.

Người thợ vừa cầm lên, lắc lắc tay cầm dù và nói:

– Hay là chị thay vải bọc dù. Cái mui dù này coi bộ… sắp mục hết cả ra hết rồi. Thay vải dù màu hồng cho đẹp.

Chị bán nước mía chưa kịp hỏi gì thì bác ta chạy lại xe, giở cái bao bọc cán dù và vải dù ra.

Vải dù được xếp tươm tất như vải quần áo, người thợ cầm lại nói:

– Đây có đủ loại vải dù. Vải ny lon thuộc loại lính dù cũng có, vải dù đời nay thì nhiều lắm.

Chị bán nước mía nói:

– Tôi chỉ ưa màu tím thôi:

Bỗng nhiên bác ta nhìn chị rồi cười:

– Vải dù tím sao giống cô ca sĩ quá. Cô ca sĩ này lúc hát các bài hát cũ thường mặc đồ đen và che dù tím thật lãng mạng.

– Anh nói ca sĩ Thanh Thúy phải không?

Người thợ mê nghe nhạc mỉm cười:

– Đúng rồi, ca sĩ hồi trước hát hay lắm. Họ lại ưa che dù nữa. Có cô ca sĩ mới đây cũng ưa che dù. Tiên chiếc đò tiễn người sang sông, có một người ngồi qua đò đó.

– Ông tính tôi thay dù, sửa dù tất cả là bao nhiêu.

– Tôi tính chị hai trăm thôi. Lỗ vốn đó chưa tính công chỉ tính vải thay dù và mấy cây kèo dù rồi. Tôi cũng thay cái chỗ tay cầm dù cho chị bằng loại nhựa mới trong vắt và đẹp lắm.

Chị bán nước mía nói:

– Thôi làm đi. Hai trăm thì hai trăm miễn là dù mới và dù chắc chắn, xài bền là được rồi.

Bác ta lại xe, cầm một cái bao lớn cột túm lại, đến gần xe nước mía đặt ngay trên lề đường lót gạch “con đuông” trước chỗ tôi ngồi đụt nắng uống nước mía với Hằng.

Nãy giờ Hằng yên lặng nhìn theo người sửa dù. Bây giờ Hằng nói với tôi:

– Cây dù này nếu mua chắc cũng từ hai trăm trở lại thôi.

Tôi gật đầu:

– Không hề gì. Để coi ông thợ sửa dù làm sao.

Trong khi người thợ mở cái tủi vải rộng đó ra, túi màu xanh cũ kỹ thì đó là vóc dù của một cái lọng lớn, kiểu dù lọng của người bán bên lề đường hay trong lồng chợ, chỗ hẹp chỉ đặt có chiếc dù lọng này ngồi bán cả ngày. Bác ta có một cái thùng sắt khua nghe rổn rảng. Có lẽ thùng đạn ngày trước mấy anh sửa xích lô xe gắn máy hay đựng đồ nghề trong đó.

Mở thùng ra, người thợ lấy nào là kềm càng cua, kềm cắt dây kẽm, dao mũi nhọn, cả dao cạo râu lưỡi lam để cắt chỉ may dù.

Rất nhiều thứ lủng củng như kim chỉ sợi nhợ cũng có.

Người thợ bắt đầu lấy lưỡi lam cắt hết chỉ dù ra, lấy vải dù màu tím cũ, rồi lấy vải dù mới màu tím bọc lại và bắt đầu lấy kim may vải dù vào các thanh kèo dù bằng kẽm một cách rất thông thạo.

Bác ta vừa may dù vừa hát nho nhỏ mấy bài hài hước cũ “như cô mang guốc tím, cô che dù hồng… cô lấy chồng tây đen”…

Tôi tức cười hỏi:

– Bác rất thích hài hước. Bác quê ở đâu, sửa dù từ bao giờ.

Bác ta nói:

– Tôi có người bạn ban đầu theo người chú bán dù ở chợ Đũi, học sửa dù ở gần rạp hát bóng Nam Quang. Mở tiệm bán và sửa dù được một thời gian rồi mất chỗ đó, vợ cũng bỏ đi. Tôi ở lại học nghề sửa dù của bạn.

Tôi lảng sang chuyện khác hỏi:

– Bác sửa như vậy mỗi ngày kiếm bao nhiêu.

– Phần nhiều mối lặt vặt, mỗi lần sửa chỉ lấy vài chục. Cả ngày may ra kiếm được trăm, ăn uống là hết.

– Bác ở đâu?

– Tôi ngủ ở các chợ đầu mối hoặc ở trước hành lang nhà người ta.

Tôi hỏi:

– Ông có sửa được dù lớn như mấy cây dù lọng của các chị em ở chợ.

– Có chớ, dù lọng lớn dễ sửa. Đôi khi có búa gõ lại kèo dù, hay cán dù bị gãy. Cán dù mình phải có cục con tán nữa mới làm được.

  Theo bác có mấy loại dù mà bác đã sửa từ trước đến nay.

Người thợ sửa dù lấy ra điếu thuốc kề lên chiếc môi thừ lừ đỏ au mà đốt lửa hút mấy hơi rồi cúi đầu may dù tiếp. Tôi hỏi:

– Có mấy loại dù bác?

Bác thợ dù bập thêm mấy nhấp điếu thuốc ướt nhẹp, bỏ đi rồi nói:

– Trước đây dân ta cũng có dù, không có thì lấy lá sen che trên đầu, hay lấy tàu chuối che lên để che nắng. Các cụ có loại dù màu đen khá rộng, mui dù khum khum che xuống cả đến ngang trán. Cán dài bằng sắt hay bằng nhựa.

Bác sửa dù may vai dù xong, trương dù lên ngắm vừa nói:

– May cả buổi mới xong đó. Rồi bác quay ra lấy kềm đục, cả kéo và cưa sắt ra để sửa lại cán dù bằng sắt.

Bác ta đưa cán dù nhựa đã cũ lên chiếc bàn tán bằng thanh sắt đập vỡ cán nhựa rồi thay cán mới.

Độ mười phút sau, bác bấm vào cán mới. Dù bật ra tròn xoe, bác nói với chị bán nước mía:

– Tôi thay cán dù bật mau lẹ và nhẹ hơn, cái cán cũ ấn lên đau cả mấy đầu ngón tay cái, nhiều khi kẹt mà dù không bật được nữa.

Chị bán nước mía hỏi:

– Phải dù tự bật không?

Người thợ nói:

– Tự động là chị chỉ cần cầm dù lắc một cái dù bung ngay. Đây là dù cán bấm tôi thay cho chị đó

Có nhiều loại dù.

Dù xếp thẳng, mũi nhọn có thể dùng mũi đi đâm vào đối thủ

Loại dù có ngoéo để cầm nếu cần thì Lý Toét hơi xưa móc vào cổ Xã Xệ kéo lại thì hết chạy đó.

Dù của Nhật có khi bằng loại dù giấy hay vải mỏng thêm hoa đặc sắc.

Dù của Anh của Mỹ cán dài chắc chắn và mắc hơn các dù khác. Độ chừng hai trăm ngàn một chiếc.

Dù thường của ta chỉ độ mấy chục cũng có. Hàng TQ tràn qua nên dù rất rẻ. Có loại dù xếp tay rất cũ. Tôi chợt nhớ ra một câu chuyện bèn nói:

– Hồi trước có loại dù của Tàu, từ bên Tàu đem về quê Sa Đéc, lúc mở ra bằng cả nửa mái nhà. Tôi thường ngồi núp trong đó với bọn trẻ quê.

Người thợ nói:

– Các loại dù bấm của Tây hồi trước xài bền và ít khi gãy cán dù. Bây giờ dù cầm tay rẻ quá nên khi hỏng, người ta bỏ luôn. Chỉ cây dù tốt hoặc đồ kỷ niệm mới sửa.

Bác ta vừa nói vừa thu dọn đồ nghề bỏ vào cái thùng đạn bằng sắt.

Tôi nói:

– Ông sửa dù còn đi lượm thêm rác làm gì cho nó bẩn. Người ta thấy ấy cái túi rác to kềnh của bác như vậy ai mà gọi bác sửa dù nữa.

Bây giờ tôi mới thấy người đàn ông to lớn bèo nhèo đó, cũng đang mặc bộ quần áo đã cũ quá làm lấm lem đến bạc cả màu khó nhìn ra nữa.

Duy Thức

Xem thêm

Nhận báo giá qua email