HỎI:
Tôi vừa khám phá ra chồng tôi lăng nhăng với một bà ở không xa chỗ tôi ở. Tôi biết tên bà ta mà không biết mặt vì chỉ được nghe người quen mách lại. Chồng tôi không chối nhưng nói rằng chuyện đã qua rồi. Tôi thì không thể nào bỏ qua chuyện này trừ phi chồng tôi chịu sắp xếp một cuộc gặp mặt tay ba để mọi sự minh bạch và dứt khoát.
Tôi muốn biết người tình vĩ đại của chồng tôi ba đầu sáu tay thế nào mà hớp được hồn ông ấy ra khỏi ngưỡng cửa gia đình như thế? Tuy vậy, chồng tôi nhất định bảo vệ người đàn bà kia và không chịu làm theo lời yêu cầu của tôi. Có phải ông ấy thật sự chưa dứt khoát không? Tôi phải làm sao?
Nhuệ T.
TRẢ LỜI:
Chồng bà không dàn xếp cuộc gặp mặt tay ba có nhiều lý do:
a.Ông ấy đã dứt khoát rồi, không có lý do gì yêu cầu bà kia làm một việc mà chính bà ấy cũng không có lý do gì phải làm.
b.Có thể ông ấy cần bảo vệ cả ba người trong cuộc, không riêng bà kia (là người thật ra không còn cần ông ấy bảo vệ nữa và ông ấy càng không có tư cách gì yêu cầu bà ấy bất cứ việc gì như nói trên)
c.Ông chồng bà cần tự bảo vệ tư cách đàn ông của ông ấy.
d.Ông chồng bà cũng cần bảo vệ tư cách của bà để không xảy ra cuộc đôi co tay ba, khi đó, dù bà hành xử cách nào thì cũng là tự hạ thể mình (đối thủ vốn đã né tránh bà vì sợ hoặc đã bỏ chạy để thoát thân mà nay lại được bà cho phép diện kiến trên bàn hội nghị?)
Theo thiển ý tôi, bà sẽ ân hận nếu cứ nhất quyết theo đuổi cái việc chẳng có ý nghĩa gì cả mà chỉ khiến bà thêm đau đớn một cách vô ích ấy. Nếu bà không thể tự bảo mình hãy thôi “ấm ức” và vẫn muốn thỏa trí tò mò, bà có thể khéo léo tìm cách nhờ cái “người quen” đã đưa tin cho bà giúp, để một mình “thấy” bà kia thì hơn. Làm việc này, bà cần tự chủ, chớ để “người quen” lằng nhằng thêm những chuyện đầu cua tai nheo làm bà thêm vướng bận nhé!
Sau cùng, người tình kia chắc không vĩ đại như bà nghĩ. Nếu không, bước chân lưu lạc của chồng bà đâu có sớm quay về thềm nhà xưa để đầu thú? Chưa kể có một câu ngạn ngữ nói rằng “Người ta lớn bởi vì mình nhỏ xuống.” Bà sẽ thực sự vĩ đại nếu bà đủ tự tin để vượt qua mọi lấn cấn ám ảnh,“bỏ qua” cho ông, rút kinh nghiệm ở mặt tích cực để tạo điều kiện thuận lợi cho hôn nhân được tiếp tục một cách tốt đẹp, gia đình bền vững. Được như thế, bà sẽ là người thắng cuộc.
HỎI:
Tôi có thắc mắc này đã lâu, cũng đã hỏi nhiều bạn bè, nhiều người song vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhân dịp năm mới, chắc Bạn gái nhỏ to không muốn có tâm sự buồn gởi vào mà nếu có chắc cũng không ưu tiên trả lời, vậy tôi xin nhờ bà đưa thắc mắc của tôi ra diễn đàn, may ra có nhiều vị góp ý giúp tôi đả thông được băn khoăn bấy lâu của tôi thì tôi cảm ơn lắm.
Thông thường, dường như con người ghét thay đổi, thường coi thay đổi là dấu hiệu của không trung thành hay phản bội trong lãnh vực tình cảm. Các lãnh vực khác như chính trị quan điểm thì thay đổi bị coi là trở cờ hoặc tiền hậu bất nhất, không đáng tin cậy. Thế nhưng trong đa số trường hợp còn lại, con người lại cũng không chấp nhận sự không thay đổi, coi là cố chấp, cứng đầu, ương ngạnh, không compromise nên rất khó giao thiệp, vợ chồng có khi li dị; bạn bè có khi từ nhau.
Vậy thì, thật sự con người muốn gì? Làm sao để không bị chỉ trích, chê bai khi thay đổi cũng chết mà không thay đổi càng mau chết hơn?
Cảm ơn bà rất nhiều và chúc happy new year.
Người đàn ông thắc mắc.
TRẢ LỜI:
Xu hướng thay đổi không chỉ được xem là bình thường mà còn là bắt buộc, gần như định luật; không chỉ áp dụng cho con người mà cho cả vạn vật trong thiên nhiên và chính thiên nhiên nữa. Có thể tóm gọn một cách đơn giản: thay đổi là sống, không thay đổi là chết và chết rồi cũng còn thay đổi. Ông cứ nhẩn nha nhìn ra xung quanh, sẽ đồng ý với tôi. Có cả những thay đổi thực hiện trong từng sát na nơi mọi chủ thể, vi diệu đến nỗi con mắt người không thể thấy. Chỉ ý thức.
Tuy nhiên, đọc thư ông, tôi chủ quan đoán là ông chú trọng tới sự thay đổi trong lãnh vực tình cảm, lẫn lộn với “những trường hợp khác.”
Theo thiển ý tôi, các thay đổi tình cảm chỉ đưa tới sự khập khiễng và hệ lụy xung quanh chúng khi tiến độ của những thay đổi ấy không cân đối ở các chủ thể trong mối quan hệ. Bên nhanh, bên chậm, Bên ý thức bên không ý thức. Do đó, nảy sinh mâu thuẫn, thất vọng, đưa tới bất hòa, nhìn nhau như hai người xa lạ, không còn nhận ra nhau.
Năm trước, tháng trước, thậm chí hôm trước, lẽ tất nhiên theo định luật biến thiên trong vũ trụ, ông không là ông ở những thời điểm ấy nữa, một là ý thức như thế và vui vẻ chấp nhận ở cả hai phía, biết mình biết người để thích nghi (trăm trận trăm thắng) hai là đâm đầu vào tường vì đòi hỏi điều không thể.
Vì vậy,“trở cờ, tiền hậu bất nhất” hay “cứng đầu, cố chấp, ương ngạnh”như ông nêu trong thư đều chỉ là cách nhìn so le của hai tiến trình thay đổi không cân đối nơi hai chủ thể ràng buộc trong cùng một hoàn cảnh, không có gì bất thường hay bi thảm cả, càng không do số phận như người ta thường đổ vạ cho xong việc, đỡ phải nghĩ ngợi. Chữ “compromise” của ông có nghĩa nào khác hơn là ý thức của đôi bên, biết họ cần điều chỉnh vào nhau? Những ai không muốn điều này, hãy chọn sống độc thân (để thỉnh thoảng chép miệng trông vời hạnh phúc nơi xa ấy):
“…Được giận hờn sung sướng biết bao nhiêu,
Nay mình ta nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh…”
(Xuân Diệu)
Ngay cả một mình, con người vẫn phải đối đầu với tâm trạng không tự thích nghi được với những thay đổi nơi chính bản thân nó, thường không tránh được đau khổ.
Sau cùng, để trả lời câu ông hỏi, tôi xin mượn câu nói của cổ nhân, mạn phép đổi vài chữ, để ông suy gẫm: “Hơn cũng chết, thua cũng chết, hòa thì sống.” Kính chúc ông một năm mới vạn sự như ý.
Bùi Bích Hà