Người Việt đóng góp vào việc phát triển kinh tế ở Úc

Cabramatta

Sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do và trong số này có ông Michael Quách.
Ông Quách định cư ở vùng hồ Bennet, trong khu vực Northern Territory, xứ Úc Đại Lợi, hiện là một trong những chủ nông trại thành công nhất khu vực này.
Ông Michael Quách làm chủ một nông trại trồng cây bằng nước (hydroponic) lớn nhất vùng Northern Territory.

Ông Michael Quách

Nông trại bao gồm những nhà kính rộng 16 mẫu tây (160 ngàn mét vuông) phần lớn trồng cà chua và dưa leo.
Ông Quách là một trong số 80 ngàn người tỵ nạn Việt đến Úc Đại Lợi trong những năm 1980.
Gia đình ông Quách đến trại tỵ nạn Mã Lai Á vào năm 1985, phải ở trong trại tỵ nạn 16 tháng trước khi được nhận vào Úc.
Ông Quách cho biết ông đã học được tính làm việc chăm chỉ cần cù từ người cha, và làm việc không ngừng nghỉ trong nông trại của ông hàng ngày.
Theo ông Quách thì mới đầu ông chỉ làm nghề nông với một mảnh đất nhỏ, nhưng dần dần số đất đai trồng trọt gia tăng, khi một trong những siêu thị lớn nhất Úc, yêu cầu ông cung cấp thêm nông phẩm.
Ông Quách là một trong số những nông gia gốc Việt ở vùng Top End trong khu vực Northern Territory đã góp phần vào việc phát triển kinh tế Úc, với số thương vụ hàng năm của những nông gia gốc Việt lên đến 40 triệu Úc Kim.
Vào những năm sau năm 1975, những người tỵ nạn Việt Nam đã được nhận vào Úc, và là những người di dân không phải da trắng được thâu nhận lần đầu tiên, hàng loạt vào xứ này.
Những người Việt khi đến Úc, đã đến định cư tại thị trấn Cabramatta, một vùng ngoại ô cách thành phố Sydney 30 cây số về hướng tây nam.
Cabamatta vào những năm 1990 là nơi khét tiếng về việc mua bán và sử dụng ma túy.
Tuy nhiên từ những năm 2000 trở lại, các nhà đương cuộc trong tiểu bang New South Wales đã cố gắng bài trừ những tệ nạn buôn bán ma túy.
Hiện nay vùng Cabramatta nơi có những nhóm di dân Việt và Trung Hoa chiếm đa số, đã trở thành một nơi có những nhà hàng nổi tiếng nhất nước Úc, có những món ăn Việt ngon nhất vùng Sydney.
Con đường John Street là con đường chính ở Cabramatta với đông đúc những cửa hàng của người Việt lẫn người Hoa.
Trong những ngày đẹp trời, người ta thấy có nhiều cụ bà Việt Nam bày bán những loại rau thơm bên vệ đường trước những tiệm cà phê Việt, những tiệm bán bubble tea.
Theo thống kê dân số năm 2016, dân số tại thị trấn Cabramatta là 22 ngàn người, trong đó 33 phần trăm là người gốc Việt, 24 phần trăm là những người Hoa và 8 phần trăm là những người Cam Bốt.
Nhà cửa ở trong thị trấn Cabramatta cũng tăng vọt lên ở mức cả triệu Úc kim một căn, không thua gì giá nhà ở thành phố Sydney.
Những di dân gốc Việt cần cù đã biến những vùng đất trước đây được xem là nơi hoang dã, thành những vùng thị tứ sầm uất, giúp cho việc phát triển kinh tế ở những nơi đang cưu mang những cư dân gốc Việt này.

Chuyển qua chuyện thời sự ở Bắc Mỹ, thì mới đây tổng thống Trump đã cho biết là ông sẽ chấm dứt chương trình tạm dung cho những người Haiti.
Theo những giới chức trong chính quyền Mỹ thì tình trạng tạm dung, the Temporary Protected Status (TPS) cho khoảng 60 ngàn người Haiti đang sống ở Hoa Kỳ, sẽ chấm dứt vào tháng 7 năm 2019.
Những người Haiti này đã đến Mỹ tỵ nạn, sau trận động đất chết người diễn ra ở xứ này vào năm 2010.
Vào thời điểm đó cựu tổng thống Obama đã cho phép những người Haiti có mặt ở Hoa Kỳ, được tạm sống qua chương trình TPS, và chương trình này được gia hạn hàng năm.

Với việc Hoa Kỳ chấm dứt tình trạng tạm dung cho những người Haiti, người ta lo ngại là hàng chục ngàn người Haiti sẽ lại khăn gói đến biên giới Canada xin tỵ nạn.
Cũng theo những nguồn tin thông thạo thì hiện nay đã có gần 20 ngàn người mà phần lớn là những người Haiti, vượt biên qua Canada xin tỵ nạn.
Với số nhân sự ít ỏi của cơ quan di trú Canada, phần lớn số người đã qua Canada xin tỵ nạn, vẫn còn chờ quyết định của chính quyền liên bang là có cho họ ở lại Canada hay không?

Cũng trong chuyện thời sự ở Canada, thì theo những tin tức công bố hôm thứ ba ngày 21 tháng 11, một nữ sinh viên bậc tiến sĩ của trường đại học Queen’s ở thành phố Kingston, tỉnh bang Ontario đã khám phá một phương pháp có thể ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.
Đây là một khám phá lớn về ngành chữa trị bệnh ung thư.
Cô Caitlin Miron, sinh viên bậc tiến sĩ phân khoa hóa học trường đại học Queen’s, đã xác định được một hợp chất hóa học, có thể ngăn cản không cho những tế bào ung thư sinh sôi nẩy nở.

Cô Caitlin Miron

Cô Miron nguyên là sinh viên của học viện hóa học và sinh học ở thành phố Bordeaux, nước Pháp, đã qua Canada thực tập ở trường đại học Queen’s và đã tìm ra một chất hóa học gắn vào một dạng phân tử DNA gọi là guanine quadruplex, là phân tử liên quan đến việc phát triển tế bào ung thư và tế bào của nhiều loại bệnh khác.Các nhà khoa học đã nghiên cứu việc giữ không cho phân tử guanine quadruplex phát triển từ 30 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên người ta tìm ra cách ngăn chận.
Theo cô Miron thì cần ít nhất từ 5 năm cho đến 8 năm, trước khi các thuốc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh ung thư được bán ra thị trường.
Cuối cùng, con người đã tìm ra cách ngăn chận bệnh ung thư!

Chuyện thời sự về cần sa cũng là một chuyện gây nhiều chú ý. Như chúng ta đã biết là vào ngày 1 tháng 7 năm tới 2018, chính quyền liên bang Canada sẽ cho hợp thức hóa việc sử dụng cần sa.
Để chuẩn bị cho việc lưu hành này, hàng chục công ty trồng cần sa đã được thành lập.
Tuy nhiên theo những bản nghiên cứu vừa phổ biến, thì 87 phần trăm những giới chức của các công ty trồng cần sa ở Canada tin là sẽ có những tổ hợp lại các công ty cần sa nhỏ: trong vòng 3 năm sắp đến sẽ có những công ty trồng cần sa phải tổ hợp với nhau và cuối cùng sẽ chỉ còn lại một số ít các đại công ty.
Các giới chức của các công ty cần sa mới thành lập cũng nghĩ là trong tương lai kỹ nghệ cần sa sẽ được điều khiển bởi những đại công ty của các ngành như là các công ty sản xuất thuốc lá, các đại dược phòng cũng như các công ty sản xuất rượu.
Các nhà chuyên môn cũng tin là một khi Canada hợp thức hóa cần sa, thì kỹ nghệ chợ đen bán cần sa sẽ còn tồn tại, khi nhiều cá nhân có thể trồng và bán cần sa không thuế, giá rẻ hơn giá chính thức.
Trong những tuần qua, đã có nhiều sự tổ hợp: công ty lớn nuốt công ty bé!
Công ty trồng cần sa Aurora Canabis ở Vancouver mua lại công ty CanniMed Therapeutics ở thành phố Saskatoon, trong khi công ty CanniMed Therapeutics đã vừa mua lại công ty trồng cần sa nhỏ hơn ở Toronto: công ty Newstrike Resources.
Chuyển qua chuyện thời sự về ngành cao kỹ thì trong một ngày rất gần, người ta sẽ thấy những chiếc tàu chở hàng hóa vào ra trong khu vực Ngũ Đại Hồ, mà không cần tài công, không cần thuyền trưởng, cũng như chẳng có thủy thủ.
Trong vòng năm tới 2018, một công ty đóng tàu ở Na Uy sẽ cho hạ thủy những chiếc tàu chở hàng không người lái, với dự tính là vào năm 2020, những chiếc tàu không người lái sẽ dùng chở hàng ra vào các đại dương.
Chi phí cho những chiếc tàu chở hàng không người lái sẽ không tốn kém nhiều: không có thủy thủ đoàn, và cũng không sợ sóng gió làm thiệt mạng người.
Theo ông Guy Meadows, giám đốc trung tâm khảo cứu Ngũ Đại Hồ của trường đại học Michigan Technological thì lợi điểm của những chiếc tàu chở hàng không người lái, là vào những tháng mùa đông, có rất nhiều nguy hiểm khi lái tàu vào các Đại Hồ.
Ngũ Đại Hồ là năm cái hồ nước ngọt lớn nhất thế giới nằm ở biên giới Hoa Kỳ và Canada, và đó là các hồ Ontario, Superior, Michigan, Huron và Erie.
Hồ lớn nhất trong ngũ hồ là hồ Superior và hồ nhỏ nhất là hồ Ontario.
Cuối cùng là chuyện về một người homeless có tấm lòng quảng đại.
Trong tối hôm thứ hai ngày 20 tháng 11, trên đường đến thành phố Philadelphia, xe của cô Kate McClure, 27 tuổi, hết xăng trên xa lộ I-95. Trong khi cô này đi bộ lại trạm xăng gần đó, thì một người không nhà, ông Johny Bobbit Jr,. đứng gần đó trông thấy, đã bảo cô McClure vào trong xe khóa xe lại, rồi ông ta tự mình đến trạm xăng, dùng $20 còn lại trong túi, mua xăng và đem đổ vào bình xăng cho cô McClure.
Cảm động vì tấm lòng rộng rãi và hào hiệp của một kẻ không nhà, cô McClure và người bạn trai là ông Mark D’Amico, 38 tuổi, đã nhiều lần ghé thăm ông Bobbit ở dưới một gầm cầu, nơi ông trú ngụ.
Hai người đã mua cho ông quần áo ấm cho mùa đông.
Họ đăng câu chuyện trên mạng internet và quyên tiền với hy vọng sẽ kiếm được 10 ngàn Mỹ kim, đủ cho ông Bobbit trả tiền mướn tháng đầu và tháng cuối ở một chúng cư, cũng như tiền chi tiêu trong 6 tháng.
Ai ngờ, trong vòng vài ngày, số tiền quyên góp được đã lên đến trên 65 ngàn Mỹ kim. Có người nghe chuyện, đã bỏ ra cả 2 ngàn Mỹ kim tặng. Có người tình nguyện trả tiền mướn nhà cho ông Bobbit trong 1 năm.

Cô Kate McClure và ông Johny Bobbit

Ông Johny Bobbit, 34 tuổi, nguyên là một người lính thủy quân lục chiến giải ngũ, từng là nhân viên cứu hỏa và nhân viên cấp cứu, trước khi lâm vào tình trạng không nhà trong vòng 1 năm rưỡi qua.
Qua câu chuyện kể, ông này cho biết là ông muốn làm việc cho công ty Amazon, và một tuyển mộ viên cho công ty Amazon đã đến nói chuyện với ông Bobbit, và rất có triển vọng ông có việc làm với công ty Amazon.
Trong ngày thứ năm 23 tháng 11, ngày lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ, cô McClure và người bạn trai đã mời ông Bobbit đến nhà ăn mừng lễ Tạ Ơn.
Một người homeless có lòng nhân từ quảng đại, đã được đền bù xứng đáng!

Nguyễn Tuấn Hoàng

Xem thêm

Nhận báo giá qua email