Nhà hàng nói thách làm khách trả rẻ. Trong việc mua bán là vậy. Người bán nói vống lên để lãi nhiều hoặc để khách còn trả giá và hài lòng khi được bớt. Người mua được giảm cũng vui vì mua với… giá rẻ!
Nói thách tùy món hút hàng hay lỗi thời, tùy lúc đông hay ế, tùy tâm trạng vui buồn của người bán lẫn… người mua. Tức là tùy thuộc khách vẻ mặt, dáng dấp, ngoại hình sang trọng hay bình dân ngầm cho thấy hầu bao nặng nhẹ mà người bán điều chỉnh việc nói thách. Nếu khách trả giá hớ thì người bán lời nhiều. Ngược lại, sau một hồi cò kè trả giá quyết liệt, khách hàng cuối cùng cầm món hàng với cảm giác vui vẻ, hài lòng như được mua rẻ chứ không phải đúng giá!
Thông thường vào lúc mới dọn hàng, người bán ưa nói thách cho xôm. Khách biết điều nên trả liền vài giá để việc bán hàng được mau mắn, trôi chảy. Vía của người mở hàng đầu tiên trong ngày quan trọng lắm. Việc buôn bán của cả ngày chịu ảnh hưởng bởi một người khách và ngày nào cũng phải trông cậy vào người khách đầu tiên đó. Đắt khách hay ế ẩm, được giá hay hòa vốn, lỗ vốn là do cái vía của người khách mở hàng. Người mở hàng xởi lởi, trả giá lẹ làng và… móc ví ra nhanh thì từ đó đón những người khách tiếp theo cũng nhặm lẹ, mua bán ngày hôm đó cũng trôi chảy, hanh thông, từ đó tinh thần dễ chịu. Mất mối từ người khách đầu tiên, người bán chù ụ mặt, ai mà dám ghé hàng nữa! “Mẹ cha không giống, giống người sớm mai” là vậy.
Về sau người khôn ra, của khó thêm. Người bán nhiều hơn người mua, ế ẩm quá nên xuất hiện chiêu bất cứ lúc nào khách sờ đến hàng, chủ đều kêu mở hàng, chín mười giờ sáng vẫn kêu mở hàng sáng, hai ba giờ chiều mở hàng chiều. Hoặc là mở hàng bó rau dền, rau muống nhưng chưa mở hàng đám bầu bí, mở hàng mâm cam quýt những chưa mở hàng lũ táo lê…! Lúc nào cũng kêu mở hàng để buộc khách phải mua không nhiều thì ít.
Sáng sớm đang bày hàng, khách hỏi “bao nhiêu ký xoài cát”, “một trăm hai chục”, mắc quá đằng kia bán có sáu chục, bỏ đi một nước. Bà chủ bèn xé tờ báo, châm diêm, quơ đốt… vía rồi quăng mồi lửa ra xa. Ông hàng quần áo rũ kế cận vội vã xua đám tro: “Coi chừng tàn lửa nhỏ mà cháy lớn như quán karaoke đó nghe”.
Mấy bà xách giỏ đi ngang vội bước lẹ, coi chừng bị mất… vía lây.
Người bán thích sự nhanh nhảu, nếu không mua thì cũng cần trả nhiều tiếng lấy may. Người mua sợ hớ và cũng không muốn mua lắm nên trả giá một hơi cho có:
– Tám mươi, tám lăm, chín mươi, chín lăm, một trăm…
– Rồi, cám ơn trả nhiều tiếng. Vốn tới hai trăm sao mà bán được.
Những khu chợ to dù trên tủ hàng có bảng giá hoặc dán rõ ràng hàng chữ “Giá nhất định. Miễn trả giá”, nhưng cũng có thể trả giá và được bớt. Khách hỏi:
– Vậy sao để bảng Giá nhất định làm chi?
Cô bán hàng xởi lởi trả lời ngay: “Thì bớt chút đỉnh làm quen để nhớ tiệm” hoặc: “Thấy chị… dễ thương nên em bán lẻ theo giá sỉ!”.
Buôn bán ngày càng khó khăn, tranh giành, hàng thật, hàng giả, thuế má cao… nên phải nói thách để thêm đồng lời nào hay đồng lời đó. Một anh phân bua:
– Sạp hàng đồ mỹ nghệ nhỏ xíu có hơn hai mét vuông, tôi sang lại mấy cây vàng hỏi sao không nói thách được. Mà không hiểu sao độ rày khách đi đâu hết.
Buôn bán cạnh tranh lại thời buổi hậu Covid-19 càng khó khăn hơn. Người về quê không lên thành phố nữa, Hãng xưởng, nhà hàng, quán nước… vẫn còn e dè. Thủ tục visa với khách du lịch ngoại quốc còn nhiều vướng mắc…
Bán đúng giá khiến việc mua bán dễ dàng, đỡ mất công, mất thời giờ. Những món hàng thỉnh thoảng cần thiết mới đi mua, khách làm sao biết giá hiện tại bao nhiêu mà trả cho đúng. Tốt hơn hết cứ đưa giá thật thấp rồi từ từ trả lên. Mỹ phẩm, quần áo, giày dép… là những loại hàng thường nói thách nhiều hơn thịt cá, rau củ… Tùy theo chợ, tùy món hàng mà trả. Chợ này có thể trả hai phần ba giá đưa ra, chợ khác trả năm chục phần trăm, chợ nữa mới trả một tiếng là chủ bán ngay, hàng gói mau chóng trao tay cho khách tha hồ choáng váng hết đường thoái lui. Hễ trả giá mà chủ đồng ý là người mua phải… cài số de. Một chị biết trả hớ vội vàng cáo lỗi bỏ quên bóp tiền ở nhà, chủ hàng lạnh lùng yêu cầu trong túi có bao nhiêu đặt cọc bấy nhiêu, rồi quay lại trả tiền lấy hàng sau chứ con mồi đừng hòng thoát thân!
Buổi sáng đi chợ thấy sạp nào còn vun đầy hàng, mà nhắm không chắc mua hay túi tiền không đầy thì lượn qua lượn lại thấy có ai đang mua thì ghé vào thì thào hỏi riêng: “Bao nhiêu vậy?” chứ đừng dại hỏi thẳng mà không mua bị chửi!
Nạn nói thách với giá trên trời thường tồn tại ở các khu chợ nhiều khách vãng lai, chợ ven đường hoặc gần khu du lịch nhiều du khách thì coi chừng dễ bị chém đứt cổ. Cũng một món hàng mà thiên hạ mua hai trăm ngàn, mình mua bốn trăm thì chỉ có nước vất món hàng đó cho khuất mắt mới bớt tức.
Cô nọ cầm chiếc áo lên xem. Chủ hàng quảng cáo ngọt như mía lùi:
– Đây là hàng xách tay con gái chị nó mang từ bển về. Mỗi kiểu chỉ có một chiếc. Bảo đảm em đi khắp Saigon không có cái thứ hai. Em là khách quen chị mới bán rẻ chứ người khác không có giá này.
Tất cả khách hàng đều là khách quen bất kể lần đầu ghé đến. Nghe thật bùi tai. Ai mà không thích rẻ, lại hàng độc, dù khách hàng biết chắc đó là hàng Trung quốc đóng bành đi lậu qua biên giới.
Lỡ sờ tay vào chiếc áo. Dù sao ở ngôi chợ được mệnh danh là chợ nhà giàu toàn khách du lịch ghé, xem chừng khó lòng bỏ đi nếu không trả giá. Chiếc áo không thích lắm nên cô trả chưa tới một phần ba. Trả mau mắn, trả cho có lên tiếng trong khi chân đã dợm rút lui. Chủ hàng nài nỉ thêm mấy tiếng nhưng cô nhất định từ chối. Chẳng dè với cái giá trả chơi đó, chủ hàng vẫn nhất định bán với thái độ ban phát ơn huệ:
-Thôi kệ bán đại cho em làm quen. Tại bữa nay chị ế chứ ngày thường không có giá này đâu. Bữa sau nhớ ghé hàng chị nha.
Lỡ trả giá là buộc lấy, đâu có chuyện từ chối được nên cô nọ đành tức tối ngậm bồ hòn cầm chiếc áo không định mua. Trả giá một tiếng mà chủ hàng bán ngay hẳn món hàng đó hớ hiển nhiên rồi. Một số chợ nổi tiếng trả giá nào cũng dính, khách chịu thua không biết giá tiền thật của món hàng là bao nhiêu, và đương nhiên cũng không biết giá trị thật của món hàng là thế nào.
Ngày nay, hệ thống siêu thị mở ra khắp nơi ganh đua với “chợ truyền thống” làm bớt nạn “siêu” nói thách. Hình thức mua bán hiện đại, tiên tiến phát triển nên siêu thị, trung tâm thương mại tràn lan… Siêu thị thường nằm gần chợ, các món hàng ở đó đều yết giá rõ ràng nên người ta có thể so sánh với giá chợ. Thoạt tiên giá hàng trong siêu thị đắt hơn ngoài chợ một chút, chắc là chi phí đèn đuốc, máy lạnh, nhân viên, nhưng sau này, do lấy hàng tận nơi sản xuất nên hàng siêu thị có khi giá bằng hoặc rẻ hơn ngoài chợ. Khách đổ xô đi siêu thị săn hàng khuyến mãi và tích điểm thưởng. Các bà, các cô còn trả giá đồng một, đồng hai, chứ nam giới không biết trả giá thế nào cho vừa, chỉ còn cách đi mua hàng ở siêu thị thôi.
Các sạp hàng gần nhau san sát bán những món hàng giống nhau, nếu nói thách quá, người mua sẽ bước qua hàng bên cạnh coi như mất khách, nhất là những khu chợ nhỏ với khách cố định quen thuộc. Việc cạnh tranh gay gắt quá nên ngay cả hàng rong bây giờ cũng ít nói thách. Một lý do khác cho việc ít nói thách là nền kinh tế suy thoái chung vẫn chưa hồi phục, thất nghiệp vẫn cao. Hàng hóa tăng giá, nếu nói thách nữa thì giá cả đội lên khiến người mua e ngại, việc giảm khách là hiển nhiên.
Chủ hàng buôn bán lâu năm nên gặp ngoại quốc hay khách lạ có vẻ phương xa tới, họ nói giá trên trời hay chèo kéo, thậm chí nắm tay, kéo áo khiến người khách khó dứt đi được.
Nhiều ngôi chợ ế hẳn. Dù không nói thách nhưng hàng hóa không niêm yết vẫn khiến khách phân vân không rõ món hàng mình mua có đúng giá hay không. Bà chủ sạp đồ khô cho biết:
– Hàng nhiều quá, tôi không thể treo giá được. Nước tương năm, sáu nhãn. Đường có đường trắng, đường ngà, đường vàng, đường cao cấp…Đậu hàng chục loại… Mất công viết giá dán lên từng món nhỏ nhỏ xếp chen chúc. Người ta thấy không rõ nên vẫn hỏi, mình vẫn phải trả lời. Với lại nhiều khi yết giá là vậy nhưng vẫn có thể bớt chút đỉnh khi gặp khách quen hoặc giữ mối khách mới.
Bà hàng hải sản phân trần:
– Cá sống một giá, chút nữa nó ngã giá khác. Đầu chợ, tàn chợ giá khác. Cá to cá nhỏ giá đều chênh nhau một chút làm sao tôi trưng giá cho xuể.
Tâm lý khách hàng chỉ cần bớt chút xíu cũng khiến người khách hài lòng, lần sau dễ quay lại.
Một số chợ buộc niêm yết giá. Bất đắc dĩ, chủ hàng ghi lên mảnh giấy nhỏ những con số cái rõ, cái mờ, cái đưa ra ngoài, cái giấu mặt vào khe. Những con số cũng không đúng với giá thực tế vì nó được ghi từ tuần trước hay tháng rồi. Bảng giá ghi cho có, hiện diện như một thủ tục đối phó nhân viên công quyền chứ hoàn toàn không chút ích lợi. Bảng giá nằm đó nhưng vẫn hỏi giá, vẫn nói thách, vẫn trả giá, bỏ đi, kêu lại vài lần… Do đó, đôi khi chủ hàng ghi giá cao hơn bình thường một chút để khi bán, nếu bán đúng giá niêm yết thì vẫn bằng giá nói thách, còn như khách kỳ kèo trả giá thì khi ấy, dù bớt đi một chút vẫn bằng giá thực sự.
Bà chủ than thở:
– Nhiều khi tôi cũng muốn bán đúng giá cho đỡ mệt mà tại người mua cứ thích trả giá. Cứ phải nói thách để họ trả xuống là vừa.
Điều này khá phổ biến. Theo thói quen, người mua luôn trả giá cho chắc ăn mà chẳng thèm để ý tới bảng giá làm chi. Cho nên cuối cùng, bảng giá chỉ hiện diện như một hình thức bắt buộc cho có.
Nói thách gần như… thông lệ. Từ món hàng to đến dịch vụ nhỏ.
Người mua căn nhà trị giá 6 tỷ đồng năn nỉ người bán: “Anh bớt cho vài trăm triệu lấy lộc”.
Anh thợ sửa đồng hồ thông cảm với khách hàng: “Thay cục pin xịn có một trăm ngàn đồng mà cô càm ràm kêu mắc. Vậy thôi tôi chịu lỗ vốn, chỉ lấy… năm chục ngàn thôi”.
Không chỉ VN ta mà nước láng giềng cũng không kém.
Mấy ông bà thường đi du lịch các nước châu Á truyền nhau khi đi Hàn, Ấn Độ, Indonesia… Cẩn thận với hàng rong. Trả giá từ từ thôi…
Bà Lai kể chuyện hồi năm ngoái: “Bán hàng thời Covid mới mê. Khi thì mua đi bán lại, khi thì luồn lách mang hàng về tới đầu hẻm là thiên hạ nhào tới… hốt. Ổ bánh mì, mớ rau quả… nói giá nào thiên hạ cũng luợm hết vì có hàng để mua là may rồi”.
SGCN