Một nhà khoa học người Pháp đã xin lỗi sau khi đăng ảnh một lát xúc xích và nói rằng đây là ảnh một ngôi sao do Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp được.
Theo CNN, ông Étienne Klein, một nhà vật lý nổi tiếng và là giám đốc của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng Thay thế của Pháp, đã phải xin lỗi sau khi đăng ảnh một lát xúc xích chorizo Tây Ban Nha và nói rằng đó là hình ảnh của một ngôi sao do Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp.
Ông Klein đã chia sẻ hình ảnh lát xúc xích chorizo Tây Ban Nha trên Twitter, ca ngợi “độ chi tiết” của bức ảnh.
Ông Klein viết trên tài khoản Twittercó hơn 91.000 người theo dõi: “Đây là hình ảnh của “Proxima Centauri”, ngôi sao gần Mặt Trời nhất, nằm cách chúng ta 4,2 năm ánh sáng. Nó được Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp. Độ chi tiết của bức ảnh hé lộ một thế giới mới mỗi ngày”.
Bài đăng đã được hàng ngàn người dùng Twitter tin tưởng nhà khoa học chia sẻ và bình luận.
Tuy nhiên, mọi thứ không hoàn toàn như họ tưởng.
Ông Klein sau đó đăng một loạt các tweet tiếp theo thừa nhận bức ảnh trên thực tế là một lát xúc xích chorizo được chụp trên nền đen.
Sau khi đối mặt với phản ứng dữ dội từ người dùng mạng vì trò đùa này, ông Klein tiếp tục giải thích: “Sau khi đọc một số bình luận, tôi cảm thấy có nghĩa vụ chỉ rõ rằng dòng tweet về bức ảnh được cho là của “Proxima Centauri” là một trò đùa. Chúng ta hãy học cách cảnh giác với lập luận từ những người có sức ảnh hưởng cũng như khả năng định hình suy nghĩ của một số hình ảnh”.
Ngày 3/8, ông Klein đã xin lỗi về trò đùa và cho biết ông muốn “khuyến khích mọi người thận trọng trước những hình ảnh có thể khiến chúng ta liên tưởng đến một thứ khác”.
Sau đó, nhà khoa học này đăng một hình ảnh ngoạn mục về thiên hà “Cartwheel”. Lần này, ông bảo đảm với những người theo dõi rằng bức ảnh là thật.
Những hình ảnh đầu tiên từ kính thiên văn trị giá 10 tỉ Mỹ kim – được phóng vào ngày 25/12/2021 và bắt đầu hoạt động khoa học ngày 12/7 – đã lan truyền trong suốt tháng 7 khi chúng được công bố rộng rãi. Kỳ quan khoa học này, một dự án hợp tác giữa NASA, Cơ quan Không gian Canada và Cơ quan Không gian Châu Âu, đã đi được 1 triệu dặm trong không gian.