Nhà máy đường thua lỗ, vùng trồng mía hẹp dần

Theo báo Phụ nữ trong nước, hàng trăm héc-ta mía ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bị ngập do triều cường, mưa và nước lũ từ thượng nguồn đổ về.

Niên vụ 2022-2023, nông dân tỉnh Hậu Giang sản xuất hơn 3.840ha mía, chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và kế đến TP.Ngã Bảy. Hiện đang vào cao điểm thu hoạch mía, nhưng đến ngày 4/11, các nhà máy đường vẫn chưa thu mua khiến mía nguyên liệu bị tồn đọng. Ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân nên thu hoạch sớm các vùng mía đã đạt trữ lượng đường, nhằm tránh nguy cơ thiệt hại do ngập úng.

Ông Trần Văn Tuấn – Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp – cho biết, lúc cao điểm (những năm 2005-2007), Phụng Hiệp có đến 7.000 – 8.000ha mía, là vùng thu hoạch mía sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nhà máy đường các nơi đã về đây tranh giành nhau thu mua, tạo nên không khí mùa vụ rất sôi động. Tuy nhiên, dần về sau này, do giá mía lên xuống thất thường, nhân công ngành mía khan hiếm, lợi nhuận không có nên bà con đồng loạt bỏ trồng mía.

Đồng bằng sông Cửu Long từng là vùng trồng mía trọng điểm của cả nước với khoảng 100.000ha, nhưng mấy năm nay, diện tích giảm mạnh xuống còn khoảng 20.000ha và có chiều hướng tiếp tục giảm. Số nhà máy đường ở khu vực này cũng giảm từ 10 xuống 3.

Mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) có đơn khẩn gửi đến các cơ quan chức năng, phản ánh nạn nhập lậu đường tái bùng phát từ đầu năm 2022 trở đi. VSSA cho rằng, đường nhập lậu uy hiếp đường cát nội địa, bởi giá bán chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg, thấp hơn giá đường vàng trong nước khiến lượng đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, chi phí lưu kho tăng.

Theo VSSA, niên vụ 2021-2022, chỉ có 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, có 17 nhà máy bị thua lỗ, chiếm gần 70%. Khoảng 3.300 người lao động trong ngành mía đường bị mất việc làm và người trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email