Nhà thơ Cung Trầm Tưởng qua đời

Saint Paul, Minnesota: Theo những tin tức vừa loan báo thì nhà thơ Cung Trầm Tưởng vừa qua đời hôm chúa nhật ngày 9 tháng 10 năm 2022, tại bệnh viện thành phố Saint Paul, tiểu bang Minnesota , hưởng thọ 90 tuổi.
Ông sinh trưởng tại Hà Nội, nhưng di cư vào Saigon vào năm 1949 và theo học ở trường trung học Chasseloup Laubat, này là trường Lê Quí Đôn.
Ông sang Pháp du học năm 1952 và tốt nghiệp kỹ sư hàng không.
Trở về nước, ông phục vụ trong binh chủng không quân của QLVNCH, và đã bị cộng sản bắt đi tù sau khi miền Nam Việt Nam mất.
Năm 1993 ông qua Hoa Kỳ định cư tại thành phố Eagan, tiểu bang Minnesota.
Ông là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam.Tập thơ đầu tay của ông có tên là Sóng Đầu Dòng được công bố khi ông mới có 15 tuổi.

Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn Nghệ Mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí: Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành…
Trong khoảng thời gian này, Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của Ông, đó là những bài “Mùa thu Paris”, “Tiễn Em “, “Bên ni bên nớ”, “Khoác kín”, “Kiếp sau”, “Về đây”…tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập Tình Ca của Ông, thì 6 bài Phạm Duy chọn phổ nhạc!
Tác phẩm của Cung Trầm Tưởng đã in:
•Tình ca (Nhà xuất bản. Công đàn, Sài Gòn, 1959)
•Lục bát Cung Trầm Tưởng (Nhà xuất bản. Con đuông, Sài Gòn, 1970)
•Lời viết hai tay (Nhà xuất bản. Imn, Bonn, 1994; thơ tù cải tạo)
•Bài ca níu quan tài (tác giả tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ, 2001; thơ tù cải tạo)
•Một hành trình thơ (Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Falls Church, Virginia, Hoa Kỳ, 2012)
Hai trong số những bài thơ của Cung Trầm Tưởng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc là bài Tiễn Em.. Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế.. và bài Mùa Thu Paris: mùa thu Paris trời buốt ra đi..
Ngôn ngữ trong 2 bài thơ này thật ra không phải mới lạ hay phá cách để nổi tiếng, mà được giới trẻ đón nhận một cách thích thú vì một chi tiết trước đó chưa bao giờ (hoặc hiếm khi) xảy ra, đó là: Một chàng thanh niên Việt Nam du học có người yêu bên Pháp với tóc vàng mắt xanh… hai người yêu nhau và chính những cuộc chia tay trên ga vắng đã thi vị hóa câu chuyện để nó trở thành một chiều hướng mới trong đời sống thanh niên thời bấy giờ.
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng chia sẻ kỷ niệm về bài thơ này: “Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Thời đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó đánh giá những kỷ niệm đầu đời của mình”.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email