Nhà tỷ phú rửa chén

Nhân vật mà người kể chuyện kể ra đây còn tương đối gần với chúng ta và cũng do một vài việc cần dè dặt, nên chỉ xin nêu tên tắt. Nhưng với người từng theo dõi thương trường Sài Gòn trước 1975 ắt không lạ tỷ phú NĐQ.
Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Trung, vào những năm trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, NĐQ. đã không chịu sống hẩm hiu cùng quê nghèo của mình. Con người nghèo tiền nhưng có chí lớn này, vào một hôm, đã âm thầm leo lên tàu hỏa xuôi vào Sài Gòn, nơi cậu ta lần đầu tiên đặt chân đến.
NĐQ. vừa xuống xe lửa ở ga Sài Gòn, đã vội làm một cuộc cuốc bộ ra khu vực trung tâm thành phố, nơi có các phố Catinat, Charner và Bonard (Tự Do, Nguyễn Huệ và Lê Lợi trước năm 1975). Đi một lượt qua các phố phường hoa lệ, cuối cùng cậu ta dừng lại trước một nhà hàng-khách sạn sang trọng nhất thời ấy, đó là Hotel Continental.
Ngang nhiên bước vào một nhà hàng sang trọng, mà ngay như dân có tiền ở Sài Gòn cũng chưa chắc đã dám mạnh dạn như vậy, kéo ghế ngồi xuống một cách đường hoàng, NĐQ. không thèm nhìn ai, cậu chờ… Bồi nhà hàng loại quý tộc này, xưa nay chỉ quen tiếp những khách sang trọng, nay thấy có một cậu ăn mặc tuy sạch sẽ, nhưng lại quá đơn giản, đượm nét tỉnh lẻ, họ trịch thượng hỏi:
– Anh cần gì?
NĐQ. nhìn vào bảng thực đơn bằng tiếng Pháp, cậu gọi một món ăn kèm theo chai rượu khai vị, rất đúng giọng Pháp, lại chững chạc, trước sự ngỡ ngàng của bồi bàn. Họ ngần ngừ, nhưng cuối cùng cũng phải chìu khách. NĐQ. ăn uống xong, đòi gặp chef d’hotel (người quản lý khách sạn). Một tay người Pháp bước tới, ông ta tỏ vẻ hoài nghi, hơi khinh thường và lại càng bực dọc hơn khi nghe NĐQ. yêu cầu cho gặp monsieur directeur (giám đốc). Hỏi chuyện gì, NĐQ. đáp thẳng:
– Không giấu ông, tôi thật không có tiền trả bữa ăn này. Bây giờ đã lỡ ăn, tôi muốn gặp ngài giám đốc để xin thương lượng. Tôi nói rõ, tôi chỉ tạm thời thiếu, chứ không ăn quịt.
Chef d’hôtel và cả ê-kíp phục vụ đều không ngớt lời thóa mạ, đòi báo cảnh sát, nhưng NĐQ. vẫn bình tĩnh, xin được gặp chủ nhà hàng. Cũng may, vừa lúc ấy ông chủ người Pháp trờ tới, ông ta nghe được những câu đối đáp bằng tiếng Pháp của NĐQ., nên hơi tò mò, cho mời NĐQ. vào phòng riêng. Q. thưa chuyện:
– Thú thật với ông, tôi là một người ở tỉnh xa tới, hết tiền, lại đang đói, bởi chưa tìm ra việc làm, cho nên tôi đánh bạo ăn một bữa cơm của nhà hàng ông, nhưng không ăn quịt, nên tôi xin được làm bất cứ công việc gì ở đây, từ quét dọn, bưng bê, chà rửa toilette cho đến rửa chén bát, miễn là giúp tôi có thể trả lại tiền bữa cơm hôm nay.
Người chủ Tây không hài lòng lắm, nhưng trước thái độ khá thành khẩn và lễ độ, cộng với những câu cú tiếng Pháp khá chuẩn của chàng trai, cuối cùng ông ta cũng bằng lòng như một cách thử việc cho những chỗ làm còn đang thiếu. NĐQ. được cho rửa chén ở nhà bếp. Cậu ta chăm chỉ làm việc y như một nhân viên thực thụ và làm rất được việc. Đúng một tuần lễ, khi được gọi lên để lĩnh lương, NĐQ đã lễ phép thưa với chủ là mình xin nghỉ việc. Cậu ta hỏi lại:
– Tiền công tôi làm so với tiền bữa ăn hôm trước đã đủ chưa?
– Tất nhiên là còn thừa tiền.
Ông chủ Tây cố cầm giữ cách nào NĐQ. cũng từ chối, anh ta nói:
– Xin cám ơn ông về lòng hào hiệp mà ông đã dành cho. Tuy nhiên, tôi có cái mộng riêng của mình, nên không thể tiếp tục ở đây giúp việc được.
Trước khi chia tay, người chủ Tây còn hỏi:
– Anh có thể cho biết giấc mộng mà anh đang ấp ủ là gì không?
Q. úp mở đáp:
– Làm chủ. Làm một nhà đại doanh nghiệp.
Câu trả lời của NĐQ. lúc đó có thể đã làm trò cười cho người chủ Tây.
Bẵng đi một thời gian rất lâu, trong lúc ở nhà hàng Continental hầu như chẳng ai còn nhớ gì đến cậu trai ăn chực ngày nào, thì thật bất ngờ, vào một ngày cuối năm 1949, tức là mười lăm năm sau, có một “ông chủ” đi xe Traction bóng loáng, bước vào khách sạn. Ông ta đặt một bàn sang trọng nhất trong nhà hàng và xin được gặp chủ nhân.
Người chủ Pháp năm xưa vẫn còn đó. Khách lên tiếng:
– Ông chủ chắc không còn nhớ tôi? NĐQ. – người năm xưa ăn thiếu ông một bữa cơm, phải rửa chén để trừ.
– Tôi đã nhớ ra ông. Rất hân hạnh.
Cũng nhờ có bằng tiểu học, lại nói lưu loát tiếng Pháp, NĐQ. đã xin làm thư ký cho một đồn điền cao su, sau dần dần được cất nhắc lên làm cai thợ. Và cái đích cuối cùng của NĐQ. đã đạt được: làm chủ. Do suốt trong thời gian dài làm việc, NĐQ. không nhận hết tiền lương, chỉ lấy đủ tiền vặt, còn bao nhiêu cậu gởi lại chủ: tích lũy dần, đến lúc đủ tiền mua một ít cổ phần của công ty, rồi sau đó một cơ may đến, khi chủ Tây cần bán bớt một phần công ty, NĐQ đã được mua trả góp.
Công ty nhỏ, lại đang hồi cây cao su bị thoái hóa, nhưng về tay NĐQ thì chỉ một thời gian ngắn đã phát triển trở lại. Trong vòng năm năm, công ty cao su do NĐQ làm chủ đã có thể sánh ngang với một số công ty bậc trung. Khi NĐQ. về thăm lại ông chủ nhà hàng Continental là lúc có quyền xưng mình là “triệu phú” địa vị của ông ta trên thương trường đã được nhiều người nể nang. Nhưng mặt khác, trong kinh doanh, có thể NĐQ. chưa hẳn là một ông chủ hoàn hảo, nhưng xét về mặt thành công bằng chính ý chí của mình thì ông NĐQ. phải được đánh giá cao.
Ông NĐQ tậu một ngôi nhà lớn ở đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), lọt vào danh sách hai mươi người giàu nhất Sài Gòn thời ấy. Có lẽ giai đoạn “đẹp” nhất trong đời ông NĐQ. là tới lúc ấy. Bởi từ 1961 trả về sau, NĐQ đã bắt đầu rước vào những bất hạnh: một cô con gái lái xe đi chơi Vũng Tàu bị tai nạn chết thảm dưới gầm cầu Rạch Hào, rồi tiếp theo là vụ tự phá sản (thực ra ông ta đã bị phá sản do nhiều nguyên nhân, mà trong đó sai lầm lớn nhất về cuối đời là “giấc mộng politic” (làm chính trị). Ông ta đã tập tễnh ứng cử để rồi nhận lấy những ê chề…). Vào giữa thập niên 60, thì tỷ phú NĐQ đã chính thức bị xem là phá sản. Ngôi nhà ở đường Hai Bà Trưng về tay chủ khác. Ông NĐQ. lặn mất vào bóng tối.
T.H
(Trích từ Giai thoại về các tỷ phú Sài gòn xưa)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email