Nhân tin Canada cũng xuất Kho Dự trữ Chiến lược

Hồi giữa tháng 11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Hoa Kỳ.

Quyết định này nhằm đối phó với tình trạng giá dầu tăng thấy sợ ở nước Mỹ, dẫn đến sự ta thán và chỉ trích chính phủ Biden khi ở một số nơi, xăng đã lên đến mức gần 5 đô la một gallon, một cái giá chưa hề thấy trong lịch sử. Trước đó, giá cao nhất là vào tháng 7 năm 2008, ở mức trung bình $4.1/gallon trên toàn quốc.

Cùng với Mỹ, các nước xài dầu nhiều như Trung quốc, Ấn độ, Nhật bản, Đại hàn và Anh quốc cũng xả ra thị trướng một lượng dầu trong kho dự trữ của họ. 

Báo chí quốc tế những ngày gần đây cũng đưa tin về việc hay Canada đã xả kho dự trữ chiến lược của họ để đáp ứng với sự khan hiếm.

Tuy nhiên, sản phẩm mà cái kho chiến lược này dự trữ không phải là dầu thô.

Canada đã quyết định xả kho dự trữ maple syrup (xi-rô làm từ nhựa cây phong)!

Khan hiếm Maple syrup

“Canada tapping reserve maple syrup supply amid shortage”

“Amid shortage, Canada taps into emergency maple syrup reserves”- Thông tấn BBC

“Facing shortages, Canada taps its strategic reserve of maple syrup”- Hệ thống thông tấn NBC Hoa Kỳ

“There’s a global maple syrup shortage, and Canada has tapped into its emergency reserves”- Tạp chí kinh tế Fortune

“Canada forced to use emergency reserve amid maple syrup shortage”- Hệ thống truyền hình SkyNews Anh quốc

Đại khái là Canada đã phải mở kho dự trữ khẩn cấp maple syrup vì có sự khan hiếm sản phẩm này trên thế giới.

Điều vui vui cần để ý là gần như trong các hàng tựa của họ tất cả các ông bà nhà báo cả quốc gia lẫn quốc tế đểu dùng động từ “tap” để chỉ hành động lấy maple syrup từ kho ra. “Tap” là động từ chỉ việc khoan vào thân cây cho nhựa chảy ra, và danh từ “tap” chỉ cái mũi vòi được đặt vào lỗ khoan trên thân cây phong để dẫn nhựa chảy và xô hoặc ống. 

Khan hiếm maple syrup, đùa hay thật vây?

Thiếu hụt và khan hiếm chỉ xảy ra khi số cầu vượt số cung.

Chuyện khan hiếm xăng dầu là đương nhiên. Nhưng maple syrup?

Có thật. CBC nói nhu cầu về maple syprup trên toàn thế giới đã tăng hơn 20%, và một trong những lý do là Covid-19! Đừng vội mừng, không maple syrup không trị được Covid, mà chỉ vì người ta ở nhà nhiều hơn nên nấu ăn nhiều hơn. Và điều đó đã làm căng thẳng nguồn cung. 

Thông tấn BBC, dẫn nguồn Federation of Quebec Maple Syrup Producers (FPAQ) cho hay doanh số maple syrup bán ra trên toàn cầu đã tăng hơn 36% trong giai đoạn 2020-2021.

Không chỉ là chuyện số cầu tăng, mà còn là sức cung giảm nữa. Theo Giáo sư Abby van den Berg, Proctor Maple Research Center (Trung tâm nghiên cứu cây maple) của Đại học Vermont ở Underhill, Vermont, năm nay là một trong những năm “không lý tưởng” cho kỹ nghệ sản xuất maple syrup.

Và Canada có kho dự trữ chiến lược maple syrup cũng là chuyện có thật luôn.

Sản xuất maple syrup ở Canada

Nói vậy cho oai, chứ thật ra, phần lớn, phần lớn nhất đến mức hầu hết maple syrup của Canada được sản xuất ở tỉnh bang nói tiếng Pháp: Quebec.

Tỉnh bang này cũng là nơi sản xuất khoảng 73% sản lượng maple syrup của thế giới. 

Năm 2020 Canada xuất cảng 384.9 triệu Mỹ kim syrup maple (77.9% lượng maple syrup xuất cảng của toàn thế giới)

Kỹ nghệ maple syrup của Quebec phải tuân theo một hệ thống quản lý cung ứng, có nghĩa là nó sử dụng một hệ thống hạn ngạch do Federation of Quebec Maple Syrup Producers (Liên đoàn các nhà sản xuất maple syrup ở Quebec, viết tắt là FPAQ) điều hành để quy định dung lượng thị trường. Tên tiếng Anh của tổ chức này là Quebec Maple Syrup Producers, viết tắt là QMSP. Nhưng đây là Quebec, thế nên phải ưu tiên dùng tiếng Pháp, cho nó đúng luật. 

FPAQ cũng kiểm soát Kho Dự trữ Maple Syrup Chiến lược Toàn cầu. Kho này có thể chứa hơn 45 triệu ký vàng lỏng của Canada. Vàng lỏng thật, vì hiện nay, giá maple syrup tính theo đô la Canada là 7,97/ ký. Giá trung bình của một tấn là 6.389,15 đô la Mỹ ở Montréal và Ottawa. 

Trở lại với cái kho dự trữ. Có tất cả ba nhà kho khổng lồ, mang tên nghe như chiến tranh nguyên tử: Global Strategic Maple Syrup Reserve/ Kho dự trữ Chiến lược Maple Syrup Toàn cầu. Một trong các kho này này đặt tại Laurierville, ở vùng Centre-du-Québec, có diện tích 24.805 mét vuông – bằng kích thước của năm sân bóng đá của Mỹ hoặc ba sân bóng của Canada. Chỉ riêng địa điểm đó có thể lưu trữ 25 triệu kg xi-rô phong, tương đương 94.000 thùng.

Tại đó, syrup sẽ được FPAQ kiểm tra, nếm thử, và phân loại.

Một lượng syrup sẽ được bán ra ngay, phần còn lại được lưu giữ trong kho.

Theo bà Hélène Normandin, phát ngôn nhân của FPAQ, kho dự trữ được thành lập vào năm 2000 để lưu giữ syrup và bảo đảm nguồn cung cấp cho thị trường quốc gia và quốc tế, bất kể quy mô vụ thu hoạch như thế nào.

Ông Michael Farrell, cựu giám đốc của một trạm thực địa nghiên cứu và mở rộng maple syrup ở Lake Placid, New York, thì khi được cất giữ đúng cách trong những thùng phi (fut), maple syrup có thể giữ được trong nhiều năm. 

Năm 2021, có khoảng 60 triệu ký lô maple syrup được sản xuất, một lượng trung bình so với những năm trước nhưng giảm 18 triệu ký lô so với năm 2020.

So với hai vụ trước, 2019 và 2020 – những năm tuyệt vời, vụ năm 2021 là trung bình, không tệ, nhưng không lớn bằng.

Và nhu cầu trên toàn thế giới đã tăng hơn 20% đã làm nguồn cung căng thẳng.

Thời tiết ảnh hưởng thế nào đến sản lượng maple syrup?

Không phải năm nào cũng là năm hoàn hảo cho cây maple ra nhựa để chủ trại thu hoạch.

Theo Abby van den Berg, phó giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu cây phong Proctor của Đại học Vermont ở Underhill, Vermont, năm 2021 không phải là là một trong những năm lý tưởng về mặt sản xuất xi-rô phong.

Để cây nhiều nhựa, và nhựa cây chảy ra, cần phải có nhiệt độ đóng băng, rồi sau đó là nhiệt độ trên đông.

Nhiều nơi, thời tiết tốt để nhựa cây chảy không kéo dài cho đến cuối vụ sản xuất, và “Không có nhiều ngày nhựa sống chảy ra nhiều như vậy.”

Và do thu hoạch không tốt như những năm trước, kho dự trữ phải thực hiện chức năng của nó để “không có sự gián đoạn nguồn cung. Không có sự thiếu hụt.”

Ông Farrell thêm rằng «Nếu không có syrup trong kho dự trữ [năm nay], sẽ có ít syrup trên các kệ hàng hơn nhiều và giá cả sẽ cao hơn nhiều.»

Ông Mike Farrell còn nhắc: “Mọi người có thể không nhớ, nhưng vào năm 2008, sau hai hoặc ba năm liên tiếp sản xuất tồi tệ, chỉ là thời tiết xấu, syrup trong kho dự trữ đã hết sạch… Giá cả tăng vọt.”

FPAQ, OPEC hay MAFIA của maple syrup? 

Nhân nói chuyện kho dự trữ, cũng cần nói thêm về FPAQ, tổ chức quản lý cái kho quan trọng này,

Bốn tỉnh bang Ontario, Quebec, New Brunswick và Nova Scotia của Canada nằm trong vành đai “Maple Belt” của Bắc Mỹ. Cả 4 tỉnh đều sản xuất maple syrup.

Nhưng 90% sản lượng maple syrup của Canada – và 70% của cả thế giới, đến từ Quebec, tỉnh bang này được đặt cho hỗn danh “Saudi Arabia của maple syrup”. 

Federation of Quebec Maple Syrup Producers (FPAQ – Liên đoàn các nhà sản xuất maple syrup ở Quebec) được thành lập năm 1966 với mục đích bảo vệ quyền lợi của ngành nghề.

Tổ chức liên hiệp này có tất cả bảy ngàn ba trăm thành viên, là các cơ sở sản xuất maple syrup ở Quebec.

Mọi hoạt động của Liên đoàn tương đối êm đẹp cho đến đầu thập niên 2000, khi FPAQ thay đổi các quy tắc của kỹ nghệ maple syrup. 

Trước đó, giá syrup thường dao động tùy theo mùa. Vì không ai kiểm soát được lượng nhựa cây chảy ra từ cây mỗi năm nên một mùa bội thu sẽ khiến giá xuống thấp trong khi mất mùa sẽ đẩy giá lên cao khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Để cách ly các nhà sản xuất khỏi thị trường đầy biến động, FPAQ đã thực hiện một hệ thống hạn ngạch và cố định giá syrup. Trong khi các nhà sản xuất có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng (khách đến thăm trang trại của họ) với giá nào cũng được (nhưng họ chỉ được phép bán các can nhỏ hơn năm lít hoặc 5kg. Theo FPAQ, doanh số bán hàng đó chiếm 10% tổng doanh số bán xi-rô cây phong ở Quebec .

Các nhà sản xuất cũng có thể bán cho các siêu thị địa phương, nhưng sau đó họ phải nộp hoa hồng 12 xu cho mỗi pound cho FPAQ. 

Tất cả các thương vụ với số lượng lớn cần phải thông qua FPAQ – tổ chức này thu $0,14 / cân Anh (pound) cho chi phí hành chánh và tiếp thị.

Đúng là FPAQ có công quảng bá hình ảnh của maple syrup trên toàn quốc và ngoại quốc. Trong số các biện pháp quảng cáo và tiếp thị, có cả một super hero, siêu anh hùng, để làm maple mascot – linh vật cây phong. Được đặt tên là Siropcool, linh vật trông giống như một giọt siro, được quảng cáo là “siêu anh hùng thông minh nhất trong Thiên hà”, có được “phản xạ nhanh như chớp” và “không bao giờ thiếu những ý tưởng tuyệt vời ” nhờ sống giữa những cây maple. 

Nhưng về mặt làm ăn thì có nhiều…lấn cấn. Các nhà sản xuất không được trả tiền ngay lập tức cho lượng syrup mà họ bán thông qua hệ thống của Liên đoàn. Các nhà sản xuất chỉ được trả tiền khi syrup được bán ra, nghĩa là có thể cả năm sau. Những nơi sản xuất vượt quá hạn ngạch của họ phải gửi những thùng maple syrup cao hơn quota đến kho dự trữ của liên đoàn. Chỉ đến khi lượng này được bán ra – có thể mất nhiều năm, họ mới được trả tiền. Và liên đoàn chỉ mở kho dự trữ trong những năm khi sản lượng của ngành không thể đáp ứng nhu cầu.

Trong khoản tiền bán syrup qua hệ thống của Liên đoàn, FPAQ giữ lại $54 mỗi thùng, một loại… thuế để trả cho chi phí quảng cáo, thử nghiệm các công thức nấu ăn, bảo trì Kho dự trữ … 

Về lý thuyết, theo cách này, FPAQ giữ vững nguồn cung, có hàng bán ra khi mất mùa và ổn định được giá cả. FPAQ được so sánh với OPEC (tổ chức các quốc gia sản xuất dầu hỏa).

Nhưng dần dà, từ một tổ chức được hình thành để bảo vệ ngành nghề, FPAQ trở thành một ông trùm quyền lực. Tới mức một số thành viên, và cả báo chí, đã gọi họ là …cartel hay mafia maple syrup!

Đã có không ít bài báo, vài quyển sách, và cả một phim tài liệu trên Netflix, trong đó Liên đoàn được gọi là cartel hay mafia.

FPAQ cho biết phần lớn các thành viên của Liên đoàn bằng lòng với các quy tắc mới – do chính các nhà sản xuất đặt ra. 

Một cuộc thăm dò của Liên đoàn với các nhà sản xuất thành viên cho thấy 82% hài lòng. 

Nhưng hai báo cáo gần đây, một phúc trình năm 2016 do Bộ trưởng Nông nghiệp tỉnh bang thuê thực hiện và một phúc trình khác năm 2018 do Viện Kinh tế Montreal thực hiện, cho thấy các quy tắc này đang gây thiệt hại cho các nhà sản xuất maple syrup ở Quebec và làm lợi cho các đối thủ cạnh tranh của họ bên ngoài tỉnh bang. 

Phần lớn không phải là tất cả, vẫn có nhiều người không hài lòng – 18 phần trăm theo chính kết quả thăm dò của FPAQ. Con số này tăng dần theo giá thị trường của maple syrup và đã từng có “nổi dậy” chống Liên đoàn.

Một số nhà sản xuất đã xé rào, bán chui sản phẩm của họ ra thị trường chợ đen.

Cuộc “nổi loạn” diễn ra với một loạt các cuộc đụng độ kịch tính giữa liên bang và những người xé rào. Các nhà sản xuất lén lấy các thùng syrup ra khỏi lò đường của họ vào nửa đêm để bán trên thị trường chợ đen. FPAQ đặt lính canh bên ngoài các lò đường có vấn đề. Các thanh tra đột kích vào các  sugar bush (trại, cánh rừng maple sản xuất đường), kiểm tra nhật ký sản xuất và tài khoản ngân hàng, moi ra các khoản mua bán chui và tịch thu syrup.

Đối với mỗi cân Anh được bán bất hợp pháp, liên đoàn sẽ tính tiền phạt. Hậu quả là những “kẻ nổi dậy” đã nhận được giấy báo hàng trăm ngàn đô la tiền phạt và bắt đầu ra tòa chống lại các khoản phạt. 

Một trong các nhân vật nổi bật trong các vụ này là bà Angèle Grenier. 

Gia đình bà Grenier đã sản xuất maple syrup tại trang trại của họ ở làng Sainte-Clotilde-de-Beauce, cách Thành phố Quebec 100km về phía nam trong nhiều thập niên.

Người phụ nữ năm nay trên 60 tuổi này đã chiến đấu với liên bang suốt 15 năm và trở thành thủ lãnh không chính thức của cuộc nổi dậy.

Bà đã từng được coi là một trong những người phụ nữ bị truy nã gắt nhất Canada.

Khi FPAQ tuyên phạt bà nửa triệu đô la vì bất chấp quy định của Liên đoàn và bán chui sản phẩm cho cho người mua ở các tỉnh miền biển (Maritimes), bà đã khiếu nại lên đến Tối cao pháp viện Canada để “Đòi lại quyền tự do của chúng tôi”.

Hoặc như Daniel Gaudreau, một nhà sản xuất syrup ở Scotstown, miền nam Quebec.

Ông nói rằng vào năm 2014, FPAQ đã buộc tội ông bán nhiều hơn hạn ngạch được phân bổ và do đó đã tịch thu sạch toàn bộ sản phẩm của ông. Năm 2018, ông nói, liên đoàn thậm chí còn đặt lính gác tư nhân trên đất của ông, và hiện đang kiện ông đòi hơn 225.000 đô la Canada.

Ông Gaudreau nói: “Tình huống này hoàn toàn nực cười. Chỉ một vài người trong chúng tôi dám chống lại liên đoàn bởi vì nó (FPAQ) đã xây dựng một hệ thống dựa trên sự sợ hãi và nó có nguồn tài chính lớn hơn chúng tôi nhiều.”

Hoặc như Steve Côté, người từ chối gia nhập liên đoàn vào đầu những năm 2000. Ông không xin hạn ngạch; ông ta bán syrup của mình cho bất cứ ai ông ta muốn. Ông đã bị FPAQ phạt vì sản xuất và bán syrup trái phép từ năm 2006 đến năm 2012.

Khoản tiền phạt khổng lồ: hơn 650.000 đô la. Côté than ông đã phải đổ cả hai năm sản xuất syrup vào món nợ Liên đoàn, mà chưa xong. Năm 2018, ông chỉ khai thác 7.000 trong số 25.000 vòi của mình ở Saint-Mathias-de-Bonneterre, nằm trên những ngọn đồi gần biên giới New Hampshire để sản xuất syrup và để bán trực tiếp cho khách hàng tại vựa đường của mình dưới sự kiểm soát của FPAQ. 

Benoit Girouard, chủ tịch nghiệp đoàn nông nghiệp Quebecois Union Paysanne, nói rằng FPAQ cần phải nới lỏng các quy tắc và phương pháp của mình.

“Liên đoàn không cần phải cứ ép buộc như bây giờ,” ông nói. “Hệ thống của nó là toàn trị và cộng sản. Các nhà sản xuất hết đường xoay trở, đó là lý do tại sao hầu hết họ gian lận.”

Nhưng FPAQ quá mạnh, và được tỉnh bang bênh vực. Như bà Grenier nói “Hiện giờ, (liên đoàn có) độc quyền đối với mọi thứ. Họ có tòa án và chính phủ đứng về phía họ ”.

Những kẻ nổi loạn hàng đầu đã chịu hết nổi. Họ chấp nhận các thỏa thuận ngoài tòa án. 

Bà Grenier đã đành chịu thua sau khi bị tòa án từ chối xét kháng cáo.

“Đối với họ (FPAQ), tôi là tội phạm tồi tệ nhất. Để được yên thân, tôi đã bán.”

Bà bán nông trại maple đường đã mua từ năm 1994, dùng số tiền thu được để thanh toán một thỏa thuận ngoài tòa án với liên đoàn và các khoản chi phí kiện tụng của mình. 

Bà Grenier biết có một số nhà sản xuất khác trong khu vực Beauce của bà, nằm ở phía nam Thành phố Quebec phía trên biên giới Maine, đã chạy sang tỉnh bang New Brunswick để thoát khỏi những hạn chế do liên bang Quebec áp đặt. Nhưng tuổi cao rồi, bà không thể bắt đầu lại từ đầu.

“Tôi đã phải trả giá rất nhiều, nhưng tôi không hối tiếc về điều đó,” bà nói về trận chiến của mình. “Tôi đã khiến cho người ta chú ý đến các vấn đề của chúng tôi với việc sản xuất maple syrup ở Quebec.”

Bà Grenier cũng khẳng định mình không thể quay lại và tuân thủ các luật lệ của FPAQ.

 “Làm thế sẽ đi ngược lại các giá trị của tôi, bởi vì tôi nghĩ rằng các nhà sản xuất hiện đang bị bỏ tù, và mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn,” cô nói.

“Hiện giờ, (liên đoàn có) độc quyền đối với mọi thứ. Họ có tòa án và chính phủ đứng về phía họ”.Ông Côté cũng bán rừng maple của ông để giải quyết khoản nợ gần 400.000 đô la còn lại. Nhưng ông vẫn không bỏ nghề. Ông sẽ “lưu vong” sang Ontario hay New Brunswick, thậm chí có thể là khu vực đông bắc Hoa kỳ, những nơi mà kỹ nghệ maple syrup không bị quản lý chặt chẽ như ở Quebec.

Có lẽ sau khi mọi chuyện ổn thỏa – nếu ông ta có thể bán chỗ ở trên những ngọn đồi ở Saint-Mathias-de-Bonneterre và trả nợ – Côté sẽ đến Ontario.

“Thật khó để từ bỏ nó (những trại khai thác maple syrup),” ông nói. “Tôi đã lớn lên ở đó. Tôi biết từng cây. ”

Đỗ Quân

Xem thêm

Nhận báo giá qua email