Nhện chờ mối ai
Bình Nguyên Lộc
– Liên! Liên làm như vầy cũng như là giết anh.
Liên còn tức sự sỉ nhục vừa ném lên đầu nàng nơi công cộng nên bỏ đi luôn. Văn vội vã chạy theo bạn, giọng van lơn cầu khẩn:
– Liên ơi, tha lỗi cho anh. Anh đã mất trí, không còn phân biệt phải trái được rồi. Nếu Liên không cho anh hỏi vài lời thì anh tự tử mất.
Sợ hắn tuyệt vọng rồi đâm liều, và cũng vì thương bạn, nên không nỡ tàn nhẫn quá. Liên đi thêm một đỗi đường cho tới chỗ vắng người rồi dừng bước lại.
– Anh thật thô bỉ như một anh phu gạo.
– Anh xin lỗi em, nhưng em cũng nên biết giùm anh, biết nỗi đau khổ của anh từ mấy tháng nay, em đi biệt mà không có một lời giã từ anh…
Liên cảm động đỏ cả mắt cả mũi. Lệ của nàng đã rưng rưng và chỉ đợi nàng nháy mắt một cái là rơi xuống! Liên mang kiếng màu. Không ai thấy được mấy giọt lệ nơi khoé mắt nàng cả, và nàng cố tránh nháy mắt kẻo lệ rơi xuống mà Văn thấy được. Nàng muốn tỏ ra lạnh nhạt với Văn, thế còn hơn là để hắn hy vọng đeo đuổi chờ đợi mãi rồi khổ thêm cho hắn.
– Nếu em giã từ anh, anh sẽ cố nài, rắc rối lắm. Em dứt đột ngột như vậy là ngỡ anh sẽ giận được em và khỏi khổ.
– Nhưng nào anh có giận được em. Phải, quả anh có giận em đó, giận nhiều lắm, nhưng rồi đâu vào đấy cả, vì anh yêu em còn nhiều hơn là giận em.
– Anh nên quên em đi là hơn.
– Trời ơi, sao em nói được một lời như vậy? Liên không nhớ lần ta mới gặp nhau, cả hai đều nghe rõ là ta đã gặp người bạn đời ta sao? Liên không nhớ những ngày ta mong chờ nhau, hăm bốn tiếng đồng hồ của mùa nghỉ hè, dài như là một thế kỷ?
– Nhưng lòng em đã thay đổi rồi…
– Trời ơi! Hay là Liên giận hờn sơ sót gì của anh. Xin Liên cứ nói ra để anh nhận tội…
Liên không cầm được nước mắt nữa, nên vội quay đi.
– En có quyền tự do muốn yêu ai tùy em. Em đã hết yêu anh rồi, anh đừng theo quấy rầy em nữa.
Liên vừa nói vừa chạy, không đủ can đảm nghe tiếng nấc của Văn. Lên taxi rồi, xe đã rút chạy, mà nàng như thấy được sau lưng người yêu ngày nào của nàng đứng nhìn theo nàng qua màn lệ.
Về tới nhà, Liên nằm vật xuống giường rồi để cho nước mắt cầm giữ từ nãy giờ tự do tuôn trào ra. Nàng không yêu Văn bằng thứ tình yêu gắn bó của người trinh nữ trước đây nữa, cái đó thì đành rồi. Nhưng không vì thế mà nàng hết yêu hẳn người bạn cũ, và nhứt là dửng dưng được trước đau khổ của chàng, không ngậm ngùi thương cho mối tình đẹp đã mất.
Chiều hôm nay tiếng chuông lễ thể xác đã đánh lên, chánh thức rao đi bốn phương tám hướng sự chết thật sự của tình yêu đầu của Liên, sự chết của cả một đời nữ sinh “áo trắng đơn sơ mộng trắng trong“
Nàng đã dứt khoát với cuộc đời cũ rồi, đã chặt gãy cây cầu, không muốn và cũng khó mong trở qua bờ cũ nữa.
Không có biên giới giữa tuổi nầy và tuổi khác, giữa đoạn nầy và đoạn khác trong đời người, nên con người qua khỏi mỗi khúc đường mà không hay biết, không cần nghĩ gì hết.
Nhưng nếu có những cây trụ đánh dấu mỗi bước đi như cảnh gặp gỡ khi xế nầy, con người bỗng giựt mình dừng bước ngó ngoái lại đọan đường vừa qua.
Liên ngó ngoái lại đoạn đường ấy: chỉ có mấy tháng ngắn ngủi thôi, thế mà bao tang thương đã qua đó. Từ một cô gái trắng trong, nàng đã bước xuống đến nấc thang kế chót của cái thang phẩm giá con người.
Nấc thang cuối cùng là nấc thang của hạng gái buôn phấn bán hương, nàng chưa bước xuống tới đó nhưng chỉ mới thoáng thấy cái nhầy nhụa của nó, nàng đã rùng mình rồi.
Khi Hổ đến thăm nàng thì bắt gặp Liên đang vá một chiếc áo trong. Là một kẻ đã lăn lóc nhiều trong mọi nếp sống, Hổ biết quan sát tinh tế và chú ý đến chi tiết kỳ dị đó: một cô gái vì thích tiêu xài nên bán cả linh hồn cho hắn, và giờ làm ra tiền dễ dàng lại vá từng chiếc áo rách là nghĩa làm sao?
Hắn hỏi Liên, nhưng không mong nàng trả lời thành thật:
– Tại sao em lại vá áo?
– Em khổ hạnh để cho tiêu tội ác.
Hổ bật cười quên mất thắc mắc khi nãy của hắn.
– Như vậy em nên ăn chay niệm Phật thì nó mau tiêu hơn. Em nè, lời tục thường nói: “Đạp gai lấy gai mà lể”. Em đã phạm tội ác thì không có gì rửa tội có hiệu quả bằng làm tội ác khác. Anh đã…
– Anh muốn bắt em qua đủ mười cửa ngục dưới Diêm Đình hả?
– Qua một cửa hay qua mười cửa cũng thế thôi. Cốt tránh khỏi phải qua cửa nào hết mà đã trót dấn thân vào rồi thì lùi cũng chẳng khỏi tội. Em nè, anh vừa tìm ra được một con thịt.
– Nếu em không đồng loã với anh nữa thì anh sẽ làm gì em, anh nói em nghe thử để xem em dám dứt khoát với anh hay không.
Em tin rằng trước khi đâm ra khốn nạn như vậy, anh đã có lúc lương thiện và lần đầu mà anh có hành động lưu manh, anh đã đau xót lắm và không muốn tái phạm nữa nếu không bị đồng tiền thúc giục. Em thì bây giờ em đã hết cần tiền rồi.
– Nhưng em cần được yên thân. Anh đã tới hồi vận đen, túng quẫn lắm rồi thì anh hay làm liều. Giờ mà anh vào tù thì hết lo sợ và hết lo tiền để sống. Em mà bỏ anh đi, anh đi tự thú vụ chú chệt Trang Vinh ngay để được vào tù và để hại em.
Liên châu mày. Đây là khí giới thứ nhì mà Hổ nắm trong tay sau tờ thú tội của nàng. Thứ khí giới nầy hai đứa cùng nắm với nhau, duy chỉ có điều là Hổ nắm đằng cán còn nàng thì nắm đằng lưỡi.
Thì ra tình thế đã biến khác nữa rồi. Làm tờ thú tội thì mắc nợ đến hủy cả tương lai. Còn mắc nợ thứ nhì là cái nợ tùng đảng thì cứ phải đi sâu vào đường bất lương.
Sự làm thinh của Liên nói rõ lên cho Hổ nghe rằng nàng đã đầu hàng, nên hắn bắt đầu trình bày kế hoạch của cuộc đi săn mồi của hắn:
– Con thịt nầy là một kẻ đáng ghét. Trang Vinh thì em không thương hắn vì hắn là ngoại kiều. Nhưng kẻ nầy, mặc dầu là đồng bào của ta, em cũng chẳng xót thương được.
Hắn rất dê, nội cái vụ đó đủ cho em ghét hắn rồi. Dê và rất khốn nạn về vụ gái. Hắn đã đổ tiền ra để mua gái: gái thơ xinh đẹp mà con nhà nghèo, hắn mua đến hai ba muôn trong một tuần. Còn vợ trẻ của ai túng thiếu thì tám chín nghìn là giá thường của hắn.
Thứ người như vậy thì trừng phạt bằng tội nào cũng còn nhẹ cả.
– Còn thứ người như anh, mua con gái người ta mà không xuất ra đồng xu nào, thì trừng trị bằng gì?
– Bằng gì tùy em. Khi nào em đủ bản lãnh trừng trị anh thì chừng đó anh sẽ đền tội. Giờ thì anh bận chạy gạo, không thèm nhớ đến điều đó cho mệt trí.
Em nên nghe hết lý lịch của hắn. Hắn đã hại cháu vợ hắn, và không biết bao nhiêu vợ con của người khác. Đối với người giúp việc của hắn, (hắn là một nhà thầu khoán lớn) hắn rị mọ bóc lột người ta dữ lắm. Đồng tiền của hắn là đồng tiền cướp giựt phần nào thì ta có cướp bớt lại chút ít, cũng chỉ là công bằng thôi.
Nhưng hắn là tay có sạn trong đầu, chớ không phải thật thà như Trang Vinh dễ doạ nạt như vậy đâu, thì khó lòng mà cho hắn vào tròng bằng mưu kế cũ được.
Anh nghĩ nát trí mới tìm ra mẹo nầy là… anh bẹo em cho hắn thấy, và giới thiệu em là tình nhân của anh. Anh sẽ để hở cho hắn thoáng hiểu rằng anh đang túng, sẵn lòng nhường em lại cho bất kỳ ai nếu nhận được một số tiền.
Khi hắn bằng lòng điều kiện ấy rồi, anh sẽ đòi hỏi một số tiền thật lớn cho hắn sợ mà rút lui.
– Ủa, sao lại làm cho hắn rút lui?
– Ấy thế mới cao trí. Nếu anh đòi ít, rốt cuộc hắn vẫn không chịu lòi tiền, vì qua một đêm suy nghĩ, con cáo già ấy sẽ thấy rằng chịu như vậy là mất tiền toi; vì thà là em bán mình, tuy cũng hèn nhưng được sự an ủi là có tiền, chớ em lại dại gì mà để cho anh bán em anh ăn. Anh mà có nhường em, em cũng chẳng thèm theo hắn. Và muốn đạt mục đích hắn lại phải đến thương lượng riêng với em để mà mua chuộc em. Chừng hắn nhận định được lẽ đó rồi thì thế nào hắn cũng tìm em mà đề nghị với em một số tiền.
– Như vậy sẽ không còn vấn đề chia hai?
– Sao lại không còn?
– Vì anh sẽ có công gì trong vụ ổng thương lượng với em?.
– A..ha …ha…anh ngỡ em thông minh lắm chớ. Em nhỏ ơi, em nhỏ còn non lắm, làm sao mong đương đầu với anh, mong thoát khỏi anh được. Em nhỏ nên biết rằng, anh mà giấu tên hắn, em nhỏ có tìm ra hắn được hay không chớ?
– Vậy công đưa địa chỉ, anh tính bao nhiêu?
– Nào chỉ có phải là địa chỉ không mà thôi đâu. Em biết tên hắn, biết nhà hắn, rồi em sẽ hành động ra sao? Em giả đò đi học về ngang qua đó để hắn thấy rồi si tình à? Ảo vọng, dầu có si tình bao nhiêu, tía hắn cũng không dám ló mòi. Rờ tới con gái nhà lành thì nó mắng cho mà ê mặt.
– Vậy chớ anh làm sao?
– Cốt là cho nó quen với em cái đã. Mà cũng không thể làm bộ xin một chân nữ thư ký để được nhận. Bởi vì nó biết rõ tâm lý của những cô nữ thư ký lắm. Những cô ấy đều sợ mất chỗ làm, nhưng chỉ có một số ít chịu ngã, phần lớn đành chịu đói, tát cho nó một tát tai và ra đi. Cô nào chịu ngã tức là chỉ cần chỗ làm và đồng lương thôi, nó khỏi mua chuộc gì hết.
Quả thật Liên thấy mình còn non lắm. Sau khi nghe mấy điểm bí quyết nhà nghề của Hổ, nàng chú ý đến sự giải thích của hắn như một cô học trò chăm chú vì đó là những tiết lộ mới lạ về lòng người mà nàng vừa được biết. Hổ lại tiếp:
– Điều thứ nhứt là cho hắn quen với em.
Điều thứ nhì là cho hắn biết rằng em đã hư. Nếu em là một nữ sinh trong trắng, thì như anh đã nói, tía hắn cũng chẳng dám mong ước: hắn chỉ dám mua con gái nhà nghèo và dốt nát thôi.
Điều thứ ba là cho hắn biết, mặc dầu em hư mà còn đường vì em còn đi học, lại là con của một gia đình rân rát. Như thế mới tăng giá trị em lên, và hắn mới thèm khát dữ.
Điều thứ tư là em là một cô gái ăn xài to, rất cần tiền mà anh cung cấp không phỉ. Em đã thấy rõ rồi chớ?
– Đã rõ, nhưng hắn đã mua con gái có hai muôn, hắn dại gì mua em nhiều hơn vì em đã hư rồi?
– Ấy cái mới tài. Con người thì y như là nghệ thuật, tức là vô giá. Cũng thời hai bức tranh bằng khổ với nhau, mà bức thì sáu trăm, bức lại sáu ngàn..
Mặc dầu đã gần như quen ăn nói trắng trợn, Liên cũng còn thấy đau xót khi nghe Hổ nói đến giá cả của con người. Hắn tiếp:
– Em …em đẹp đã đành, nhưng chắc không phải đẹp hơn tất cả những cô gái khác. Nhưng em được bảo vệ bằng bức tường thành giòng họ em, địa vị của em, hắn không mong đánh giá em như đã đánh giá các cô gái khác.
Cái quan trọng là em phải biết tự cao. Khi mà hắn thấy anh đòi hỏi quá trớn, buông anh để tiêu lòn thương lượng với em thì thành hoặc bại, hay thành nhiều hoặc thành ít gì cũng chỉ còn do em mà thôi.
Như thế, em không thể đóng kịch miễn cưỡng như đối với Trang Vinh được. Đây là một khán giả sành xem hát và rất khó tánh, diễn dở thì y trả vé lại ngay.
Liên chỉ làm thinh suy nghĩ rồi thở dài. Lần nầy thì chính nàng thủ vai gần như chánh. Nàng phạm tội với tất cả ý thức của nàng khi để tâm diễn vở kịch của Hổ.
Lương tâm nàng khó lòng làm thinh để rồi đổ thừa cho kẻ khác như trong vụ trước nữa rồi.
Tuy nhiên, Liên khỏi phải ái ngại lâu vì Hổ đã trình bày một ông Hoàng Ngọc Sáu, thầu khoán, giàu có, đáng ghét, vì những tội ác của ông ta.
Và để bù trừ lại tội ác của chính mình, Liên làm eo làm xách:
– Như vậy thì rõ ràng công em nhiều hơn rồi còn gì nữa. Lần nầy phần em sáu mươi phần trăm.
– Sáu mươi phần trăm trên hai trăm ngàn, em nhớ cho, tức là một trăm hai mươi ngàn đồng. Mà đã hết đâu, chừng hắn mê em rồi, em cứ rút tiền của hắn.
Liên cười mai mỉa và nói cho bõ ghét:
– Và em sẽ dựa hơi nhà giàu để trừ khử tên lưu manh đã bẻ gãy đời em.
Hổ cười ha hả rất lâu mới nói được:
– Nếu được như vậy thì anh mất em ngay sau vụ nầy, chớ không mong được chia tiền. Nhưng anh là cuộc-chê mà, em đã biết chớ, anh đã có sạn trong đầu từ lâu rồi. Công phu luyện được một con chim mồi, ai dại gì để nó sẩy lồng bay cao.
Không, em sẽ không dựa hơi hắn được và còn cần anh hơn trước nhiều lắm. Này nha: Em đâu có chịu để hắn ấp yêu em, vì em có thích bán mình đâu. Như vậy em sẽ trốn hắn khi lấy được tiền. Nhưng hắn giàu lắm và có rất nhiều tay chân bộ hạ để tìm ra em. Em sẽ sợ hắn trả thù và cần anh che chở giùm cho.
Hổ lại cười ha hả khiến Liên tức sôi gan lên. Hắn đã nói trúng y ý định của nàng, làm như là nằm sẵn trong tim óc nàng vậy. Thì ra hắn mà còn cầm linh hồn của nàng trong tay được là nhờ hắn cao tay ấn chớ không phải chỉ nhờ những lá bùa kia đâu.
– Đồ khốn nạn!
Đây là lần đầu từ sau lúc qui thuận mà Liên căm hận chửi mắng tay phù thủy đã mê hoặc nàng để sai khiến nàng.
Hổ vẫn cứ bình tĩnh cười và hối thúc:
– Em nên trang điểm mau lên. Đêm nay hắn có mặt ở Mỹ Cảnh trong bữa ăn tất niên của giới thầu khoán của hắn. Lúc nầy là lúc hắn tạm ngưng công việc để rảnh trí mà nghỉ ngơi và ăn Tết. Như vậy hắn đủ thời giờ để mê gái.
Liên uể oải đứng lên vào buồng trong trang điểm. Hổ xem chừng đồng hồ tay mấy lần rồi sốt ruột đứng lên đi qua đi lại. Trước đây, hắn đã bị vợ là Thanh làm bực mình mỗi khi vợ chồng có đi đâu chung với nhau. Thanh để ra cả một tiếng đồng hồ để cải lão hoàn xuân.
Liên thì dễ chịu lắm. Nàng chỉ đánh phấn sơ sịa thôi theo lời chỉ dẫn rất sành điệu của Thanh. Nhưng từ mấy tháng nay, Liên đã chịu ảnh hưởng của mấy nhà mỹ viện kém thẩm mỹ, điểm trang lâu quá.
Hổ dòm vào trong nói:
– Nhớ cho rằng hắn chỉ mê gái ngây thơ. Diện sắc sảo quá hắn không thích, nghe không?
Liên chợt hiểu và xóa bỏ hoá trang mà nàng đã cặm cụi làm từ nãy đến giờ khiến Hổ lại càng sốt ruột hơn.
Chương 6
Giới của ông Sáu không đông đảo lắm. Đó là những nhà thầu khoán quan trong mà người ta đếm được trên đầu mười ngón tay. Thành ra bữa cơm tất niên của họ, họ ăn tại tửu lầu hẹp nầy không bất tiện lắm.
Năm chiếc bàn được kéo sát lại để họp thành một bàn dài cho mười hai thực khách, kê sát hông tàu phía ngoài sông cho được gió nhiều.
Ông Hoàng Ngọc Sáu ngồi dựa lưng ra sông để chưng bộ mặt trước của ông ta vào phía có đông đảo thực khách khác. Đó là một bộ mặt thịt của con người thích ăn ngon ngủ kỹ và được ăn ngon ngủ kỹ.
Ông và Hổ có quen nhau và có trác táng chung với nhau nhiều bận. Ông ta biết Thanh và nhớ rằng Hổ không có nhơn tình bao giờ cả. Hổ là con người rất ưa thích các thú vật chất, trừ đờn bà.
Lần nầy, ông ta hơi ngạc nhiên mà thấy Hổ có nhơn tình, nhưng khi Hổ đưa Liên đi ngang qua trước mặt ông thì ông ta hết ngạc nhiên nữa.
Một người đàn ông dù ít ưa gái đến đâu, cũng không thể không bắt nhơn tình với một nhan sắc kiều diễm như Liên. Ông ta thấy răng có lẽ đây là lần đầu tiên và lần cuối cùng trong đời hắn mà Hổ có mèo, vì cô gái nầy xem ra hễ thấy mặt cô ta thì không thể không yêu được.
Hổ chỉ quen một mình ông Sáu thôi nên chỉ đưa tay ra hiệu “rua” một mình ông ta, và Liên bắt chước bạn cúi đầu chào người quen ấy với một nụ cười khó hiểu và với vẻ e thẹn rụt rè của một nữ sinh.
Bọn thầu khoán ăn cơm từ lúc mới đỏ đèn, để rồi còn kéo nhau đi nơi khác nữa, nên chi họ đã xong bữa lúc mà Hổ và Liên chỉ mới kêu món xúp thôi.
Ông Sáu tay cầm ly sâm-banh, môi ngậm xì-gà, bước lại bàn của Hổ và Liên, nghiêng mình chào cô gái còn bé quá đối với tuổi tác của ông để được ông lễ phép như đối với một mạng phụ phu nhơn.
Rồi ông kéo ghế ngồi tự nhiên trước mặt họ và yêu cầu Hổ:
– Anh giới thiệu tôi với người đẹp đi chớ.
– Ông Hoàng Ngọc Sáu, đại thầu khoán nhà cửa và gái đẹp. – Hổ giới thiệu bông đùa.
Trong khi ông Sáu vỗ vai Hổ để phản đối thì Liên cười ngặt nghẽo, cười vui thật tình chớ không diễn kịch đâu. Đoạn, Hổ lại giới thiệu bạn:
– Liên, em tôi.
– Em thế nào?
– Nó là một đứa em gái vậy mà.
– À, biết rồi.
Ông ta nói xong, đưa ly lên ngay mặt Liên rồi hát nho nhỏ: “Tôi có người em nhỏ”. À la santé de Em nhỏ!
Hắn ngụm một ngụm rượu và Liên tưởng tượng mùi xì-gà dính trên môi hắn pha với mùi rượu chắc biến thành một mùi khó chịu vô cùng.
– Anh Hổ mời tôi ngồi lại uống rượu với anh chớ?
– Dạ, thì xin mời ông, tôi chỉ sợ ông không bỏ bạn được đó thôi.
Quả thật thế, ở bàn thầu khoán, thực khách đã đứng cả dậy để đi. Một người huýt sáo nho nhỏ để gọi ông Sáu. Ông ta day lại cười với họ rồi nói to lên:
– Tụi bây cứ đi mà không có tao.
Mặt ông ta đỏ rần vì rượu thấm nhiều, nên ông ta bất kể khách khứa của một nơi không phải ai muốn la hét tự do lúc nào thì la.
Bạn ông cười hóm hỉnh. Họ đi, nhưng thỉnh thoảng day lại nhìn ông ta mà cười nữa.
– Xin mời ông!
Bồi bàn đã bưng xúp lại và Hổ mời ông thầu khoán theo lịch sự. Chàng hỏi thêm:
– Ông uống chi?
– Tôi chỉ uống được sữa tươi thôi, cho dã bớt rượu.
Nói đoạn ông hỏi Hổ bằng ngoại ngữ:
– Chinh phục được hồi nào đó?
– Ba tháng nay.
– Trong giới ăn chơi à?
– Sao ông hỏi lạ thế? Ông không thấy vẻ mặt ngây thơ của nàng đó sao.
– Thấy, nàng có vẻ nữ sinh lắm. Nhưng tôi không tin là anh chiếm được một nữ sinh.
– Luôn luôn chuyện gì cũng có ngoại lệ chớ. Nàng là nữ sinh lại là con một vị cai tổng giàu có ở Bình Dương.
– Ý chết, thế là nàng nghe được câu chuyện của ta nãy giờ.
– Ông khỏi phải lo. Nữ sinh học theo chương trình Việt thì ngoại ngữ yếu lắm. Riêng nàng thì nàng dốt ngoại ngữ số dách vì làm biếng học.
– Đẹp quá!
– Hổ mà, ông biết chớ! Nếu không đẹp nhứt nước, Hổ có bận tâm đến đâu. Chỉ phiền một điều là nó ăn xài như một bà hoàng. Hổ nầy muốn sụm rồi ông ơi!
– Còn trẻ, còn ngây thơ quá mà ăn xài?
– Nói đúng ra thì là tại tôi thiếu tài chánh thôi. Sang cho nàng một căn phố, sắm đồ đạc, cho tiền túi mỗi tháng sáu ngàn và đưa đi ăn uống, đi giải trí, tổng cộng mỗi tháng chỉ tốn độ mười lăm ngàn thôi, đối với nhà giàu có thấm vào đâu. Nhưng tôi chỉ là một anh cuộc-chê thôi.
– Đã đuối chưa?
– Chưa, nhưng cũng sắp đuối đây. Mà tôi cố bám vì tôi còn mê.
– Liệu không kham thì sang lại cho mỗ.
Ông Sáu nói nửa đùa nửa thật, và nói xong cười ha hả như vừa pha trò cho vui. Hổ mà có bất bình cũng không phản đối được.
Nhưng hắn không giận. Hắn chỉ ngạc nhiên như vừa chợt nghe một đề nghị lạ kỳ nhưng đáng chú ý.
– Ông nói chơi hay nói thật?
– Cà rỡn mà bồ, đừng có giận.
– Không, ai giận hồi nào. Nhưng nếu ông nói thật thì ta sẽ bàn kỹ.
– Ừ, nếu tôi nói thật thì sao?
– Thì là một dịp cho tôi gỡ vốn. Tốn quá ông ơi, tôi ngộp rồi. Này nhé, sang một căn nhà cho nàng đứng tên một trăm ngàn (thật ra, đó là nhà cho mướn cao giá nên khỏi tiền nước); mua sắm đồ đạc, một trăm ngàn đồng nữa; dụ dỗ nàng bằng một số tiền mặt, một trăm năm mươi ngàn, là đi hết ba trăm rưỡi rồi. Mấy tháng nay ăn xài độ năm chục nữa…ông có muốn thì xỉa ra bốn trăm ngàn đi.
Ông Sáu le lưỡi lắc đầu:
– Mỹ nhân đâu có mắc đến thế?
– Ông không nghe họ nói một nụ cười đáng ngàn vàng đó sao. Ông sẽ mua được hàng muôn nụ cười…
– Nhưng anh hưởng xong, giờ bắt tôi chịu à?
– Chớ sao! Nếu không, thà là tôi buông tay cho nó rơi vào khoảng trống không. Ông mua là ông mua sự nhường lại của tôi, chớ có phải là chịu những tổn phí cũ của tôi đâu.
– Như vậy, tôi sẽ đưa ngay cho nàng số bạc ấy, đã được ơn hơn lại đỡ tốn cho tôi về sau.
– Nhưng hơi phiền là ta sẽ phải tính sổ với nhau.
Ông Sáu cười đến rung cửa kiếng của tửu lầu:
– Nếu có chuyện tính sổ thì anh bị thanh toán chắc chắn. Nhưng thôi, đừng đùa, ta sao lại xích mích nhau vì một đứa con gái. Chừng nào tôi bị anh hăm doạ, tôi sẽ cho anh một sở làm xứng đáng, chắc anh êm vì thời buổi nầy làm cuộc-chê cũng mệt, phải không anh?
Hổ ra vẻ sợ hãi, lo lắng và gượng gạo nói:
– Ông đừng mong hão. Lát nữa đây, nàng sẽ theo về với tôi rồi như chim trời cá nước, nàng sẽ bặt tăm, ông làm sao tìm dấu vết được.
– Và hễ chim trời cá nước thì ai bắt được nấy ăn phải không?
– Nếu bắt được!
– Lẽ cố nhiên là được. Tôi chỉ phải thuê một người đi theo sát anh, thế là một khi kia, họ sẽ biết nhà nàng.
Hổ nổi giận đập mạnh chiếc muỗng lên dĩa xúp, và ông Sáu cười hề hề đứng lên, chìa tay ra mà rằng:
– Nói chơi thôi đừng giận.
Hổ không thèm bắt bàn tay đó. Ông Sáu vẫn cười và vừa nghiêng mình chào Liên, ông vừa nói:
– Sao anh lại khai chiến với tôi. Tôi là kẻ mạnh mà.
Ông Sáu quay lưng bước ra được bốn năm bước rồi mà còn nghe sau lưng Hổ chửi nho nhỏ bằng tiếng Việt.
– Đồ thằng già khốn kiếp!
Ngay sau bữa ăn đó, Hổ đã bắt đầu đóng kịch thật khéo, vì hắn biết rằng ông Sáu thuộc vào hạng có thể thi hành lập tức ý định.
Từ bờ sông về nhà, hắn và Liên đổi xe taxi gần một chục lần. Hắn cố làm cho giống hệt sự thật, cho lộ rõ sự sợ hãi của một kẻ rất cần xoá dấu vết sau lưng, để cho ông Sáu cắn câu thật mám, có thế ông ta mới tin nhiều và mới dễ mắc bẫy.
Hắn sẽ làm như vậy những ngày sau đó, không đi xì-cút-tơ mà đi bằng đủ thứ xe, nhưng sẽ lơi thận trọng cho nhơn viên của ông Sáu theo dấu được.
Riêng đêm nay thì quyết là không. Dễ quá, ông ấy sẽ sanh nghi. Ông ta là một con cáo già, phải bị nhọc sức suốt tuần lễ ông ta mới bị lừa.
Và quả một tuần lễ sau là ông Sáu có địa chỉ của Liên trong tay.
Trong đời mê gái của ông Sáu, chưa bao giờ ông ta khổ tâm và tốn tiền bằng lần nầy. Trước đây, ông muốn ai được nấy, mà được mau chóng, chớ không phải đợi cả tuần, bị nào nhớ, nào thương, nào thèm khát dày vò ông như bây giờ. Những cô nào xem ra khó lắm, không thể mua chuộc được thì ông đã khôn hồn không dám muốn. Đằng nầy Liên thì khác hẳn. Nàng tuy còn ngây thơ, mà lại có vẻ lẳng lơ, nghĩa là rất có thể mua chuộc được nàng, nàng lại chịu làm nhơn tình của một kẻ có vợ. Từng tuổi của Hổ, nàng phải biết rằng hắn đã có vợ, thì nàng là một cô gái không tôn sùng đạo đức lắm. Vì thế mà ông ta dám muốn, nhưng bị Hổ kỳ đà.
***
***
***
Khi ông Sáu có địa chỉ trong tay thì hai tiếng đồng hồ sau đó Liên đã có khách.
Được Hổ báo trước sự thăm viếng ấy, Liên làm bộ ngạc nhiên khi tiếp người khách lạ đó. Đó là một người đàn bà ngũ tuần nhưng ăn diện như lúc nửa chừng xuân.
Bà ta có tướng giàu có sang trọng và quả bà ta đến đây trên một chiếc xe DS.
Bà khách mới để chơn tới ngưỡng cửa, đã gọi tên cô chủ nhà. Nàng bước ra và bà ấy hỏi:
– Chào cô Liên, cô có nhớ tôi hay không?
Liên ngơ ngác thật tình, ngỡ rằng đó không phải là người khách mong đợi mà là người khác. Nàng hơi tái mặt vì sợ, bởi nàng ngỡ trốn biệt thế gian sao lại có một người quen nào biết nhà nàng.
– Chắc cô không còn nhớ nữa. – Bà ấy cười nói – vì tôi đã già rồi.
– Nhưng xin mời bà vào cái đã.
Khách theo chủ nhà ngồi nơi ghế xa-lông rồi hỏi:
– Ông Cai tổng và bà Cai vẫn mạnh chớ, cô Liên?
Liên lại càng sợ hơn vì người nầy là người quen của cha mẹ nàng. Liên ú ớ đáp:
– Thưa, cám ơn bà, ba má cháu vẫn mạnh.
– Tôi là bạn của bà Cai cách đây mười năm, thuở cô còn học lớp ba. Cô quên tôi cũng phải, vì tôi rời khỏi tỉnh Bình Dương cũng đã mười năm rồi.
Liên cố nhớ, nhưng không thể nào kêu gọi được một hình ảnh bạn của mẹ nàng mà tương tợ như bà khách hôm nay.
Tuy nhiên nàng không thắc mắc lâu về điểm đó mà chỉ băn khoăn vì sao bà nầy lại biết nàng ở đây.
Khách như đoán được ý của chủ nhà, giải thích liền, sau lời khai mào trên đây.
– Tôi là chị ruột của ông thầu khoán Sáu. Tôi chỉ nói tên cậu ấy ra chắc cô nhớ, và tôi đến thăm cô để xoá bỏ giùm cậu ấy một điều ngộ nhận.
Số là đêm đó lúc rời bàn ăn, cậu ấy nghe ông Hổ chửi cậu ấy bằng tiếng Việt. Thế nào cô cũng tò mò hỏi lý do cơn giận của ông Hổ, và cô đã biết rằng cậu ấy cà rởn về cô. Thật ra cậu ấy không có ý quấy nào cả, cô hiểu chớ. Cái thứ đờn ông ấy mà, hễ họ thấy gái đẹp thì họ trầm trồ, rồi họ quên đi.
Nhưng cậu ấy cứ lo ông Hổ nói thêm nói bớt cho cô khinh cậu ấy, nên cậu ấy nhờ tôi đến đây giải bày cho cô rõ.
Liên thấy bọn nầy toàn là một lũ cáo già như nhau cả. Chúng nó đi ngay vào đề một cách khôn khéo chớ không bịa ra một câu chuyện xa vời nào khác. Con mẹ nầy, chắc là con mẹ mai mối gì của lão ta đây, mụ ta đóng kịch cũng tài lắm. Nhưng kịch của Hổ và nàng soạn ra thì cao hơn và nàng phải đóng tài hơn con mẹ nầy mới được.
Liên làm bộ như mừng rỡ vì thấy chuyện không có gì, không đáng lo như lúc vừa tiếp khách lạ.
– Ngỡ gì, thưa bà, cháu có dám giận hờn gì đâu.
– Thì ai lại không biết cô rộng lượng, vả lại đời bây giờ ai có sắc đẹp được người ta trầm trồ thì còn nên hãnh diện nữa là khác. Nhưng sợ ông Hổ ổng thêm bớt.
– Không, ảnh không có thêm bớt gì cả, vì cháu không có hỏi gì cả.
– Nếu vậy thì quí hoá quá. Nhưng cuộc viếng thăm nầy không vô ích, vì tôi được dịp làm quen với cô mà mới nói chuyện qua vài câu tôi đã thích rồi. Đôi bạn già trẻ mình chơi với nhau chắc lâu, nếu cô không chê tôi là già nói chuyện buồn hiu.
– Dạ, cháu đâu dám.
– Cô có nhiều bạn gái không?
– Dạ cháu trơ trọi lắm.
– Như vậy làm bạn với tôi là vừa. Tôi cũng rất cô đơn từ khi ông nhà tôi qua đời. Nhưng cô không có bạn gái mà có cậu Hổ thì cũng như là đông đúc bạn…
Liên thở dài:
– Bà không biết tình cảnh cháu, chớ thật là dở khóc dở cười. Cháu lầm, ngỡ anh ấy chưa có vợ. Giờ đã lỡ rồi không biết tính sao, lắm khi cả tuần anh ấy mới ghé qua đây giây lát.
– Vậy à?..tôi cứ ngỡ. Thôi, không sao, từ đây có tôi. Nói thật với cô chớ tôi tuy già cả lẩm cẩm chớ có tiền, thì đôi bạn mình có thể đỡ buồn phần nào. Xe của tôi đậu trước nhà mà cô thấy đó, cô muốn lấy dùng bất kỳ lúc nào và trong bao lâu tùy thích. Còn tiền bạc cô cần bao nhiêu, cứ nói.
Bà khách mở ví lấy ra một chiếc hộp mà Liên đoán rằng đó là hộp đựng viết máy. Mà quả viết thật, hiệu P.61. Nhưng không phải là cây viết máy bán trên thị trường đâu, khi nàng nhìn kỹ lại, lúc bà khách đặt chiếc hộp mở nắp trước mặt nàng:
– Cậu nó nghe cô còn đi học, nên gởi tặng cô cây viết máy đặc biệt nầy gọi là món quà tạ tội.
Cái móc vàng tây dùng cài viết vào túi, được nạm thêm năm chiếc hột xoàn tấm, lóng lánh dưới ánh đèn. Năm hột xoàn nầy giá tổng cộng chỉ độ bảy tám ngàn là cùng, nhưng đó là cái bằng chứng dám xài tiền của ông Sáu. Liên nói:
– Có gì đâu mà ông Sáu và bà cứ thắc mắc hoài lại bày vẽ rắc rối. Cháu xin vô phép không dám nhận của nầy.
– Nếu cô từ chối tức là chưa tha thứ, chị em tôi làm sao an lòng được. Cậu nó đã mua một chiếc đồng hồ đeo tay tự động hiệu OM. mà dây đeo nạm toàn xòan to hột định tặng cô để đáp ơn tha thứ khi cô chịu nhận món quà tạ tội nầy.
Cô không thương, từ chối lần nầy thì tội nghiệp cho em tôi lắm.
Mắt Liên sáng Liên vì mừng rỡ thật sự, mà cũng vì cố ý làm ra vẻ ham của. “Nạm toàn xoàn to hột”, thì ít ra cũng phải mười hai viên kim cương lớn, một món quà đáng kể.
Bà khách kể lể:
– Nhờ trời, cậu nó làm ăn khá lắm. Gì không biết chớ sự sản cậu nó bây giờ có đến mấy mươi triệu. Cậu nó lại rộng rãi, xài tiền như nước, tôi thấy mà phát ngộp.
Ấy, nói điều nầy cô đừng cười chê. Năm kia, cậu nó yêu một cô đào hát, không xinh đẹp gì cả, mà cậu nó đã biếu cô nọ một cái biệt thự và một chiếc xe Huê Kỳ.
Liên le lưỡi như nghe con số ấy mà kinh hãi.
– Có thấm vào đâu cô – bà khách thêm. Vậy mà đến lúc cô ấy có thai, ông mướn người ta đến ba trăm ngàn để nôm, làm đám cưới linh đình cho họ, lại ký giấy cấp dưỡng trong mười năm.
– Cô đào ấy tốt số quá!
– Mà nó có xinh đẹp gì cho cam. Không bằng gót chơn cô. Tôi nói thật đó mà, chớ không nịnh cô đâu. Tôi có phải đờn ông sao mà nịnh đầm.
Con đó tốt phước thiệt, như vậy, làm bé vẫn không thiệt thòi gì, một vợ một chồng cũng không dám bì.
Liên ra vẻ suy nghĩ miên man và mơ mộng đến cảnh giàu sang mà bà khách vừa bẹo trước mắt nàng.
Lần nầy nàng đóng kịch khá hơn vì không còn ghê tởm bao nhiêu, bởi con thịt là một kẻ bất lương, vả lại đây là lần thứ nhì, nên nàng đã bớt thành kiến.
Bà khách nhìn từng ly từng tí những biến đổi trên nét mặt của Liên, và con người lăn lóc với nghề trên ba mươi năm trường ấy không một chút nghi ngờ về cái bẩy người ta đang gài. Trái lại, bà ta cho rằng gài bẫy một cô gái thơ như Liên sao mà dễ dàng quá sức.
Bà ta đứng lên nói:
– Thôi xin phép cô. Ngày mai, đúng y giờ nầy, tôi sẽ trở lại đây để tặng cô món quà biết ơn tha thứ. …À, nè cô, tôi ngại gặp ông Hổ quá. Sợ ổng lại hiểu lầm mà sanh ra rắc rối nữa. Cô liệu tôi sẽ phải đụng độ ổng hay không?
Liên giựt mình, bối rối sợ hãi đến tái mặt. Nhưng nàng trấn tĩnh lại được và nói:
– Không sao, anh Hổ không bao giờ đến đây giờ nầy.
– Tốt hơn là đừng cho ông Hổ biết rằng tôi đến đây thăm cô nhé.
– Dạ.
Bà khách cười dòn rồi day lại tát yêu lên má Liên và nói:
– Tụi mình có vẻ mèo chuột lén lút với nhau.
Liên cũng cười, bỗng bà khách nhìn sững Liên giây lát rồi khen:
– Trời, cô đẹp ghê hồn, giờ tôi mới chợt thấy. Sắc đẹp của cô thì ở nhà vàng mới xứng đáng. Tôi thấy một nhan sắc như vậy mà phải đi ô-tô-buýt hay xe xích-lô máy tôi tức lắm.
Món quà “đền ơn tha thứ”, đến ngày hôm sau, đúng y như bà khách đã báo trước.
Chiếc đồng hồ OM. nhỏ bằng ngón tay cái của đờn bà, mỏng như giấy cứng isorel, bốn kim, mà có một kim chỉ ngày tháng. Đồng hồ tự động, lên giây bằng những cử động thông thường của người đeo.
Giây đồng hồ là một sản phẩm lô-canh, đặt làm riêng tại Sàigòn để nạm hột xoàn, và giây ấy được nạm đến mười bốn hột chớ không phải mười hai như Liên đoán.
Bà khách hỏi:
– Cô đã nói ông Hổ cả tuần mới đến một lần, mà ổng đến bất thần hay đến theo ngày định trước?
– Dạ, bất thần.
– Tiếc quá, tôi muốn mời cô đi ăn một bữa cơm tối với tôi để kỷ niệm cuộc sơ giao giữa tôi và cô. Nhưng ông Hổ biết tôi là chị của cậu nó, chắc ghét lây tới tôi, nên làm sao tôi dám mời cô, sợ đụng đầu với ổng.
Liên suy nghĩ một lát rồi nói:
– Thật ra cháu cũng muốn đi với bà lắm. Anh Hổ vừa đến đêm rồi, mà kinh nghiệm dạy cháu rằng ảnh không bao giờ đến hai đêm liên tiếp. Hay là ta đi ăn cơm đêm nay?
– Nếu được sớm như thế nầy thì quý hoá hết sức. Tối nay tôi sẽ đến đây đúng bảy giờ cô nhé. Xin cô trang điểm xong giờ đó.
Hổ quả nhiên không đến, cả ban ngày cũng không. Hắn để cho bà mối hoàn toàn tự do lui tới. Và hắn không có chỉ thị nào trao cho Liên nữa. Liên phải có sáng kiến, tùy cơ mà ứng biến vì không ai đoán trước được cái gì sẽ xảy ra để mà nghiên cứu cách ứng phó.
***
Khi xe ngừng trước tửu lầu Đồng Khánh, Liên ngạc nhiên hết sức. Thì ra họ đi ăn cơm Tàu, nhưng sao lại chỉ có hai người? Nàng làm bộ dẫy nẩy lên nói:
– Không đâu bà, cháu không lên đó đâu, trên ấy đông đảo quá cháu sợ gặp người quen.
– Ấy, không phải là lên tuốt trên phòng chung đâu. Tôi đã đặt một mâm riêng cho chị em mình ở dưới nầy, thân mật lắm.
Mâm cơm riêng ấy dọn trong một phòng ngủ mà tửu lầu sắm để cho thuê nhưng biến nó thành buồng ăn riêng hôm nay để chìu ý khách.
Cơm Tàu, nhưng có ba bộ chén đũa, và Liên đang tự hỏi bộ chén thứ ba là để dành cho ai thì bà khách đã nói:
– Đến giờ phút chót, tôi mới chợt thấy ăn tay đôi buồn quá nên định hỏi ý kiến cô xem thử coi nếu tôi gọi điện thoại cho cậu nó đến ăn với ta, cô có thấy gì trở ngại không? Cũng là một dịp may cho cậu nó được tạ tội và cám ơn ngay với cô.
Liên tỏ vẻ ái ngại:
– Thật là bất tiện. Cháu đi với bà đã ngại rồi, giờ lại có ông Sáu xen vào bữa ăn nữa e miệng thế….
– Cái đó tùy cô. Ở đây kín đáo lắm, chẳng ai dòm ngó ta đâu mà lo.
– Nhưng ổng đã có cử chỉ đẹp như vậy thì cháu làm sao mà từ chối.
Không hiểu bà chị giả của ông Sáu gọi điện thoại nào và ổng ở đâu mà chỉ hai phút sau là ông ta vác mặt đến.
Ông Sáu ăn diện như đi dự lễ và nghiêng mình chào như các nhà quí phái Âu châu thời xưa, lúc ông ta vừa mới đẩy cửa vào buồng ăn.
– Những ngỡ không bao giờ còn được cô cho thấy mặt nữa. Mừng quá, tôi cứ lo là chiêm bao!
– Ông dạy quá lời, thật ra tôi là người chịu ơn ông về mấy món quà.
– Ồ, mấy món quà vặt, xin cô đừng nói đến nữa.
Suốt bữa ăn, á xẩm chiêu đãi viên bị ông Sáu thay thế để phục dịch cho Liên, và ông thầu khoán ấy tỏ ra là một người lịch thiệp và rất trẻ tánh.
Đến món ăn tráng miệng thì bà chị giả xin phép đi ngoài. Ông Sáu hỏi đột ngột:
– Xem ra hai ông bà thương yêu nhau dữ lắm hả?
– Dạ, cũng chỉ vì quá yêu anh Hổ mà em phải lầm lấy một người đã có vợ.
– Thành ra tương lai mờ mịt?
– Dạ, đúng y như vậy.
– Nhưng dầu sao, cô cũng phải làm lại cuộc đời của cô chớ?
– Dạ, em cũng định như vậy.
– Mà không có gì giúp cô làm lại cuộc đời chắc chắn cho bằng một số tiền hồi môn quan trọng và một người mối lái có uy tín. Tôi không muốn nói đến những bà mối nhà nghề nói giỏi mà không ai nghe. Một người có uy tín là một người giàu có, có giao thiệp rộng, điểm chỉ một đám nào với một đám nào là cả đôi bên, đàng trai đàng gái gì cũng đều tín nhiệm hết thảy.
– Nhưng hai món đó là hai mặt trăng, cả hai đều khó đối với em.
Liên biết lão thầu khoán không thành thật, nhưng luận điệu của lão thì trúng ngay bon. Nàng nói câu vừa rồi, cũng chỉ để giúp lão bước tới thôi, nhưng lời ấy cũng đúng y sự thật. Thật là ngộ nghĩnh, những kẻ gian trá thường nghĩ quấy, nhưng lời lẽ của họ vẫn là lời lẽ của người ngay.
– Khó thật, nhưng cô lại có ưu thế để chiếm hai mặt trăng ấy, miễn là phải theo một vài điều kiện nho nhỏ. Cô Liên nè, tôi thí dụ con trai một phú thương yêu cô, chưa chắc gì cha mẹ nó mà chịu đi hỏi cô cho nó, nếu không ai cho cha mẹ nó biết là cha mẹ cô rân rát, nhứt là không ai bảo đảm của hồi môn.
Tôi có thể giúp cô độ ba trăm ngàn để làm của hồi môn ấy, và trong vòng sáu tháng, điểm chỉ cho cô một thanh niên vào hạng tôi vừa nói.
Tôi quen biết rộng. Đất Sàigòn nầy, thương gia nào, kỹ nghệ gia nào có con sắp cưới vợ gả chồng, tôi đều biết cả, và nói là họ nghe ngay.
– Nhưng khi không mà em thọ ơn nặng của ông như vậy, em ngại lắm.
– Không có gì mà ngại là vì không có ơn gì hết. Chắc cô đã thông mình để hiểu biết vì sao tôi lại giúp cô như vậy.
Ông Sáu không cần vòng vo mà đi ngay vào đề, vì Liên nhận quà, tức là ham của, mà kẻ ham của, chắc chắn không phẫn nộ trước đề nghị một số tiền kếch sù.
Kinh nghiệm đã dạy ông Sáu điểm tâm lý đó. Ông có dịp thử bài toán nhiều lần mà không lần nào sai cả, kể cả lần nầy.
Liên thở dài mà rằng:
– Chỉ vì tha thiết làm lại cuộc đời nên em mới không nổi giận khi hiểu thâm ý của ông. Nhưng em vẫn cứ yêu anh Hổ, không lòng nào mà phản bội ảnh được…
– Nhưng cô đang ở trong một ngõ bí, phải chụp lấy cơ hội để mà thoát chớ. Cô liệu Hổ sẽ yêu cô mãi mãi hay không?
– Đó là ông nói theo lý trí. Theo tình cảm thì khác.
– Tôi hiểu cô. Nhưng rồi trên đời, rốt cuộc ai cũng phải dẹp tình cảm lại để sống theo lý trí. Như vậy, dẹp sớm chừng nào, hay chừng nấy.
Nếu cô thấy đề nghị của tôi có lợi cho tương lai của cô thì tôi sẽ mở một trương mục tại ngân hàng, tên cô, và sẽ đóng ngay số tiền vừa hứa.
– Thôi đi ông, em không muốn tên tuổi của em bị phổ biến ra.
– Chớ không thì làm thế nào? Không lẽ bắt cô vác cả bao bạc về nhà..
Liên mỉm cười đáp:
– Sao lại không?
Ông Sáu cười ha hả như Đổng Trác:
– Tôi cứ tưởng tượng cái cảnh ấy mà buồn cười. Tôi rủ cô đi biển hứng gió với tôi một ngày mà phải chở theo cả xe bạc, rồi cô lại trở về Sàigòn với của nợ ấy. Coi bộ nặng nhọc quá.
– Không có vấn đề đi biển với bao bạc ấy. Ta sẽ đi tay không.
– Hay, như vậy đỡ cho được một đoạn nhưng cất tiền trong tủ nhiều quá, rủi cháy nhà thì mệt.
– Nhưng ông đừng hiểu lầm. Em quyết làm lại cuộc đời nên mới thọ lãnh của ông. Mà đó là một cuộc trao đổi sòng phẳng chớ ông đừng mong lường tình của em được.
– Sao cô lại dùng đến lời không đẹp ấy với tôi?
– Em chỉ nói giả tỉ thôi. Em cần sự bảo đảm của ông, nghĩa là khi nào em thấy sự giúp đỡ của ông cụ thể hoá rồi, thì chừng ấy mới có chuyện đi hứng mát.
– Cô không tin tôi, tôi cũng có thể không tin cô. Ngộ như tôi cũng đòi sự bảo đảm cụ thể thì cô bảo sao?
– Thì thôi vậy.
Ông Sáu lo lắng suy nghĩ mãi một hồi mà không tìm được lẽ gì để thắng đối phương cả.
– Cô em nè! Nếu một trong hai ta mà gian trá thì sẽ có một kẻ mất cái gì. Tôi thì tôi mất tiền, còn cô, cô mất gì?
– Đó là lời đề nghị của ông, chớ em có bao giờ nghĩ đến điều ấy đâu. Em thấy như vậy là hợp lý, và không thích đổi ý.
– Cô cương quyết giữ lập trường chớ?
– Dạ, em cương quyết.
Nếu như cô gái nào khác mà đòi hỏi như vậy, chắc ông Sáu đứng lên đi về ngay, vì đó là một lối lường gạt non quá. Nhưng ông tin nơi vẻ ngây thơ của Liên phần nào, nên ông do dự.
Sự ao ước của ông lâu ngày nên nó trưởng thành, khó lòng dẹp bỏ được, và thiếu nữ đang ngồi trước mặt ông quyến rủ vô cùng.
Là người làm ăn, ông dư biết hễ liều thì có thể được to, cũng có thể mất cả, và chỉ kẻ nào có gan mới làm giàu được.
Sự mất tiền suông xem ra dễ như chơi chơi, nhưng biết làm sao. Vì thế mà rốt cuộc ông nhượng bộ. Hôm nay là thứ tư, ngày mốt là thứ sáu định là ngày giao tiền, và bữa kia là bữa hai người hẹn nhau đi Long Hải.
Chương 7
– Em Liên nè! Anh thấy em cần phải đi học Ăng-Lê.
– Chi vậy anh?
– Nếu ngày kia ta làm ăn không được nữa, mà anh cũng chẳng bao bọc em được nữa thì em phải tự mưu sinh cho được. Em học xong một khoá, anh sẽ gởi em vào làm nơi một xí nghiệp quen.
– Nhưng …
– Phải, em vừa mới chia với anh được hai trăm ngàn của ông Sáu, nhưng số tiền ấy em xài vài tháng là mòn hết. Phải phòng xa mới được.
Liên không tin lời nào của Hổ cả, mặc dầu hắn nói nghe hữu lý lắm. Nàng đoán hắn sắp đặt một chiến dịch mới và đi học Ăng-Lê nằm trong kế hoạch của chiến dịch đó.
Liên ngồi làm thinh, nhìn ra đường vắng hoe và phía trước cũng là một bức tường như hôm ở Lê Lai và Phạm Ngũ Lão.
Ngay sau ngày lấy được tiền của ông Sáu, họ dọn về căn nhà ở con đường sau nhà thương Từ Dũ nầy. Nó có tính cách tương tợ như nhà ở hai con đường kia, nghĩa là ở phía đối diện không có những con mắt tò mò xét nét họ.
Hổ biết rằng ông Sáu không dám kiện thưa gì cả vì sợ mang xấu, nhưng ức lòng quá, ông có thể trả thù ám muội thì nguy cho cả hai, nên hắn quyết định trốn liền sau khi Liên quỵt tiền của ông.
Con đường đen tối và tiền đồ của nàng cũng đen tối như vậy. Thật ra Liên đã bớt nhờm khi nghĩ đến những hành động bất lương của nàng. Lòng nàng đã bị bao nhiêu mưa gió trui rèn cho rắn lại rồi. Nhưng dầu sao tất cả phong trần ấy cũng chưa xoá hết thiện căn nơi nàng, nên nàng băn khoăn khi đoán rằng Hổ đang trù liệu một cuộc cướp giựt khác.
Hổ tiếp:
– Nhưng em phải học theo lối tắt, em học văn chương trong sách vở cổ điển thì mười năm chưa chắc đã thành công. Có một lớp Anh ngữ thực dụng bực cao cấp dạy đêm cho công, tư chức, em nên ghi tên ngay vì họ dạy kỹ và nhận học viên có hạn, có hạn thật tình chớ không phải quảng cáo đâu nhé.
Vả lại anh ghen lắm, không muốn em đi học chung lộn với học sinh con trai. Chúng nó bảnh quá, làm cho anh sợ. Lớp học nầy chỉ có những người lớn tuổi, đứng đắn, anh an lòng được.
Liên như bỗng chợt hiểu đôi chút, qua lời giải thích dài dòng của Hổ. Công chức, tư chức, học đêm! Đó là những danh từ gợi lên những ý và khi hội những ý ấy lại thì hình như là hình ảnh của một nạn nhân mới hiện ra.
Nàng bật cười khi nhớ lại tĩnh từ đứng đắn mà Hổ gán cho danh từ người lớn. Phải, người lớn có đứng đắn hơn thanh niên học sinh thật, nhưng lại có cái bên trong không đẹp của thứ người lớn nơi Hổ.
Đột ngột nàng hỏi:
– Anh nhắm ai, thì anh phải nói trước cho em biết.
– Không mà! Đi học thật mà!
– Em không tin chút nào!
– Không tin thì thôi.
– Thôi thì thôi, không đi học vậy.
– Nhưng tại sao em muốn biết trước nạn nhân?
– Là vì có những người mà em không muốn hại.
– Như ai và như ai?
– Em không biết, nhưng không phải hễ anh biểu cho ai vào tròng là em nghe lời đâu.
– Cũng được. Nhưng anh mà có nói ra, chắc em cũng không biết hắn là ai. Hắn là thâu ngân viên cho một xí nghiệp lớn.
– Có vợ có con chưa?
– Có.
– Bộ anh muốn bỏ đói vợ con người ta sao?
– Nhưng hắn đáng trừng phạt. Hắn dê lắm.
– Ai, anh cũng bảo là đáng trừng phạt hết.
– Thì em sẽ thấy hắn, sẽ xét đoán hắn, và kiểm soát lời anh nói chớ.
– Em không muốn là như vậy nữa. Tội ác nhiều quá rồi.
– Nhưng anh lại muốn.
Hổ chỉ nói có bấy nhiêu thôi, và vẻ mặt anh ta lạnh lùng ác hiểm một cách kỳ lạ. Liên rùng mình nhớ lại những thoi đấm hôm mấy tháng trước.
Không bao giờ nàng thấy ghét Hổ hơn bây giờ. Hổ, con người đã làm hỏng cả đời nàng, con ác quỉ ấy lại đang lôi kéo nàng để đầu độc cả hạnh phúc của bao gia đình khác.
Sao nàng lại không hạ sát hắn ngay từ bây giờ khi nàng đã có tiền. Ừ, nàng phải nghĩ đến điều này một cách nghiêm trang mới được.
Sáng hôm đó Liên đi đóng tiền, ghi tên vào học lớp Anh ngữ thực dụng ở đường Hồng Thập Tự, và tối lại là nàng học buổi học đầu.
Quả y như lời Hổ nói. Đây là lớp học của người lớn, những người đang có công ăn việc làm, hoặc vừa mất việc muốn thêm vốn hiểu biết để tìm việc khác.
Người học viên trẻ nhứt cũng trên ba mươi, và rất ít đàn bà học lớp này. Tất cả đều nghiêm trang, đứng đắn chớ không lao chao như ở các lớp cho tuổi trẻ và lúc ra về họ êm ru.
Trong một lớp riêng cho thiếu nữ, Liên đã là hoa khôi rồi, huống hồ chi đây là chỉ có đờn bà đứng tuổi và đờn ông không mà thôi thì nàng khác nào đoá hoa nở về đêm.
Những ông “học trò cha” nghiêm nghị là thế mà thỉnh thoảng cũng liếc sang nhìn trộm nàng một cái và có lẽ họ ôm hận sao họ không ở tuổi hai mươi nữa.
Tuổi trên ba mươi của năm bảy người trong đó cũng là tuổi đang xuân, nên chi qua vài buổi học là có người làm quen với Liên, y hệt như là nàng học ở các lớp học thường.
Hình như tám người đang xuân của lớp đều thích làm quen với nàng, nhưng chỉ có ba thầy là bước tới. Mấy người khác vì nhút nhát hay vì cho rằng như thế xem không được, nên chỉ nhìn nàng từ xa rồi thôi.
Thật là một câu thai đố vô cùng bí hiểm. Liên tìm hoài mà không thể nào biết được ai là nạn nhân mà Hổ nhắm.
Có những thầy lù khù mà trái lại cũng có những thầy rất bảnh, không hiểu thầy nào có tiền, thầy nào háo sắc. Y như là đi xem một phim trinh thám. Án mạng đã xảy ra, bao nhiêu người hoạt động trong đó, người nào cũng có thể là thủ phạm cả, nhưng làm sao biết được ai là kẻ tay đã bẩn máu?
“Tại sao Hổ lại để mình hoàn toàn mù mịt như thế này? Hắn có căn dặn hễ anh chàng nào ló mòi là cho hắn hay tin ngay để hắn đưa chỉ thị cho. Có lẽ hắn không nhắm hẳn ai, mặc dầu hắn biết trong đó có vài con thịt ngon.”
Đêm thứ sáu, Liên đang đi bộ về nhà, y theo lời Hổ dặn, là nên đi bộ thì nghe tiếng động cơ xì-cút-tơ phía sau lưng nàng.
Trong giây phút một kỷ niệm bỗng sống dậy. Lần đầu tiên Hổ theo nàng cũng y như thế này và kỳ lạ thay cũng ở trên con đường này.
Người cỡi xì-cút-tơ cũng ngừng lại trước nàng và xuống xe đứng lại toan hỏi chuyện.
Hắn đã có bụng mỡ, nhưng ngày trước chắc là đẹp trai như Hổ, Liên xem lại thì đó là một học viên trong đám “còn xuân mà không dám”. Nhưng giờ thì hắn tỏ ra rất là “dám” vì hắn không thủ phận làm quen công khai ở đằng lớp học như mấy người khác mà lại đuổi nàng trên khoảng đường vắng này:
– A, cô Ba, té ra cô ở hướng này? Nếu còn xa, mời cô lên xe tôi mà đi cho đỡ mỏi chơn.
Liên chào hắn rất lễ phép và nói:
– Cám ơn thầy, nhưng thôi để em đi bộ.
– Tôi thật tình mà.
– Cám ơn thầy lắm, nhưng em xin vô phép không dám nhận lời thầy mời.
Liên cứ tự nhiên rảo bước đi, bỏ hắn tiu nghỉu đứng đó một mình. Giây lâu sau, nàng nghe máy nổ rồi đi xa lần. Hắn về do hướng khác.
Đêm ấy, khi Hổ hay tin, hắn biểu Liên tả hình dáng người ấy cho hắn nghe:
– Tướng bằng anh, nhưng mập mập, có bụng to, nước da đen có nút ruồi ở đầu chân mày bên mặt.
– Đích thị là nó rồi.
– Nó là ai đó?
– Bảy Nên, thu ngân viên của hãng địa ốc An Cư.
– Giàu lắm hả?
– Không. Lương khá cao, nhưng làm sao mà giàu được.
– Như vậy thì…
– Không phải luôn luôn có nhà giàu cho ta làm thịt đâu. Tìm được bọn khá khá là đủ rồi.
– Nhưng tư chức không gọi là khá được.
– Ấy, những ngày đầu tháng, có khi hắn thâu được cả trăm ngàn.
– Bộ anh tính ăn cướp cạn, đón đường hắn mà giựt hả?
– Sẽ tái diễn tấn tuồng Trang Vinh.
– Như vậy thì ác lắm. Trang Vinh là chủ nhơn, mất tiền không ai la rầy gì cả. Hắn làm công, tiền đâu hắn đền cho chủ? Anh định đưa hắn vào tù à?
– Không, hắn có của chìm. Lúc trước hắn làm quản lý cho một hãng kia, ăn gian, cất được mấy chục căn phố cho mướn. Hắn sẽ bán phố để bồi thường số tiền mất.
– Cũng tội lắm.
– Anh đã bảo tiền cất phố là tiền gian lận kia mà. Vậy em phải làm như vầy…như vầy…mấy đêm sau.
– Liệu hắn sẽ theo em nữa hay không?
– Hắn ta là một thằng si, làm sao lại chịu thua khi bị em lạnh nhạt có một lần thôi.
Hổ mặc dầu không quen với Nên, nhưng đã biết Nên rất rõ. Ấy, vì nghề nghiệp, hắn đã tìm hiểu rất nhiều người trong giới làm ăn, vai chánh hay vai chạy hiệu gì, hắn cũng lập tiểu sử tỉ mỉ của họ cả.
Nhờ thế mà Hổ liệu việc trúng như Từ Mậu Công. Đêm sau đó khi Liên vừa rẽ vào đầu đường nàng ở thì Nên đã tới sau lưng nàng.
Hắn đi bộ chớ không có xe như đêm rồi và bạo lời hơn:
– Cô Ba không chịu đi xe thì tôi đây cũng quyết hành xác tôi để đi bộ.
Liên cũng lễ phép chào hắn rồi thản nhiên đi qua. Nhưng thấy hắn quyết đeo nàng bén gót chớ không bỏ cuộc nữa, nàng sợ hãi nói:
– Em van thầy, em đã có chồng. Nếu chồng em bắt gặp đi với thầy như vầy thì tội nghiệp em lắm!
Nên sững sờ nhìn Liên rất lâu rồi than:
– Trời ơi, tôi đâu có dè … tôi cứ ngỡ cô là học trò.
Đáng lý thì sau câu chuyện như vậy, Liên đã yên thân mà đi được rồi, vì Nên vừa vỡ mộng. Nhưng nàng lại mỉm cười mà rằng:
– Thì em là học trò chớ thầy bảo là gì?
Nụ cười của Liên làm cho Nên ngây người ra. Hắn ấp úng:
– Nghĩa là tôi tưởng cô là …là….nữ sinh.
– Thì học trò với nữ sinh cùng một thứ chớ gì.
– Nghĩa là…nghĩa là… tôi ngỡ cô là…chưa chồng.
Liên cười dòn lên:
– Thầy nói chuyện nghe ngộ nghĩnh và buồn cười quá!
– Dạ xin cô thứ lỗi cho tôi.
– Không, em dám đâu lỗi phải với thầy.
Liên lại đi, hắn lại theo:
– Cô Ba nè! Cô đã có chồng, cô có quyền cự tuyệt tôi, xỉ vả kẻ đi theo cô trong đêm tối. Nhưng cô chỉ nhỏ nhẹ yêu cầu tôi đừng theo cô thôi. Sao mà cô rộng lượng với tôi như vậy cô Ba?
– Vì em không nỡ.
– Sao lại không nỡ cô Ba? Phải chăng…
– Em van thầy, đừng nói ra hết câu ấy!
– Dạ, tôi vưng lời cô. Nói ra hay không nói ra không quan trọng, miễn là cô hiểu nỗi lòng âm thầm của tôi là đủ rồi.
– Thôi, thầy nên đi đi, vì em về gần tới nhà.
Nên dừng chơn lại, tần ngần nhìn dáng điệu uyển chuyển của Liên. Nàng xa dần trong bóng tối, nhưng hình ảnh nàng đêm nay lại gần gũi thầy thâu ngân viên hơn bao giờ cả.
Cố nhiên là Nên tế nhận được điều này: Liên chỉ sợ bị chồng bắt gặp thôi, chớ chưa hề xua đuổi thầy ta vì lẽ khác.
Tại sao lại có cảm tình mau lẹ và dễ dàng ấy? Nên có tự hỏi đôi lời ngắn ngủi, không tự giải được, nhưng không để thắc mắc đóng đô trong trí thầy. Sung sướng quá vì thắng lợi đầu tiên ấy, thầy rất sợ sự phũ phàng lòi ra: thầy không trẻ, không đẹp, không giàu để một nhan sắc như thế cảm thầy.
Và cố nhiên là tối hôm sau nữa, thầy lại theo Liên. Lần nầy thầy ta lại theo kịp cô gái đã có chồng bất ngờ ấy, từ đằng rạp Ô-Lem-Bích để xa nhà cho cô dạn tiếp chuyện.
Hôm nay là ngày đầu tháng, thầy Nên thâu từ sớm đến chiều có trên tám mươi ngàn đồng. Sẵn ngon trớn thâu, thầy thâu luôn đến phút chót, chớ Không về đóng tiền nội hôm đó. Kế đó rồi gặp anh em rủ đi nhậu nhệt cho tới giờ học đêm.
Đêm nay cả lớp đều ngạc nhiên khi thấy thầy Nên mang sách vở nhiều quá, đến đầy ứ cặp da của thầy. Chỉ có Liên là biết những gì nằm trong cặp da ấy thôi.
– Cô Ba! Bữa nay chắc cô không vội đuổi tôi ngay, vì ở đây rất xa nhà.
– Em nào dám đuổi thầy.
– Cô đã có chồng, nhưng còn làm dâu hay được ra riêng rồi cô Ba?
– Dạ, cha mẹ chồng em đã qua đời hết rồi!
– Vậy à?
Nên không biết nói gì nữa nên làm thinh một lúc lại nói:
– Đường còn xa, cô đừng đuổi tôi nghen cô Ba.
– Hôm nay thì khỏi đuổi vì chồng em đã đi Huế hồi sáng này.
– A..
Nên mừng quýnh, không rõ mừng chuyện gì vì thật ra thầy đã chinh phục được Liên đâu. Vì thế thầy “A” một tiếng dài rồi lại cụt hứng nữa.
Họ đi song song nhau, và Nên thấy sao mà mau tới nơi quá. Thầy hỏi vớ vẩn:
– Thưa cô Ba, cô có đi làm việc hay không?
– Thưa ông, chỉ một mình chồng em đi làm thôi.
– Thầy làm gì cô?
– Dạ, làm sở hoả xa.
– Hèn chi mà đi Huế. Tôi đi với cô cho tới nhà, có hại cho cô lắm không cô Ba?
– Thưa không, em không quen lớn với ai ở lối xóm hết.
Và khi Liên dừng bước trước một căn phố thì Nên nghe cả một trời hận chia tay sắp diễn ra.
Liên thấy được sự tuyệt vọng trên mặt người bạn đồng lớp, do dự giây lát rồi mời:
– Hay là thầy vào nhà chơi.
Tấn kịch Trang Vinh tái diễn lại đêm nay, diễn nghiêm trang hơn nhiều vì Nên không phải lù khù như Trang Vinh.
Liên đã phải khai rõ rằng nàng là gái có chồng, chớ không thể để một anh chồng bá vơ bỗng nhiên lù lù hiện ra một cách nhơn tạo được vì Nên sẽ sanh nghi bị gài bẫy và sẽ phản ứng mạnh.
Hắn phải sợ hãi thật sự vì đã phạm tội thật sự. Phải, cái điểm phạm tội thật sự này rất cần, nên lần này sự hợp tác của Liên có tánh cách tích cực. Nàng đã phải để cho Nên chinh phục hầu Hổ bắt quả tang sự vừa thành công của Nên.
Và họ không dọn nhà đi đâu nữa cả, vì họ diễn kịch khéo quá, Nên không cảm thấy bị nạn oan ức, sẽ không nghĩ đến việc trả thù.
Chương 8
Hai chữ “Bình Dương” in to nhảy múa trước mắt Liên vì tin tức về tỉnh nhà của ai cũng thường lưu ý họ trước nhứt.
DƯ LUẬN BÌNH DƯƠNG XÔN XAO
TRƯỚC VỤ TỰ TỬ CỦA CỰU CAI TỔNG HUỲNH VĂN HẠ
Mắt Liên hoa lên, tay nàng run rẩy và mồ hô trán của nàng nhỏ giọt xuống. Qua hơn ba phút đồng hồ nàng mới cố trấn tĩnh lại để đọc cái tin sét đánh của tờ báo sáng ấy:
BÌNH DƯƠNG -Trưa hôm qua Ông Hùynh văn Hạ, cựu Cai Tổng hàm Tri Huyện tại Bình Dương, một nhơn vật có tiếng trong tỉnh, đã lén bà Hạ, tự tử bằng cách treo cổ trong buồng riêng của ông đặt tại nhà bếp.
Khi bà Hạ vào buồng, thấy chồng đang lủng lẳng, tri hô lên, hàng xóm chạy tới thì ông Hạ đã lạnh từ bao giờ, không phương cứu cấp nữa.
Nên biết rằng nhà của ông Huỳnh văn Hạ bị niêm phong trót tháng nay để bán phát mãi, thành thử ông bà phải dọn xuống nhà bếp mà ở.
Chắc thua buồn vì bị sạt nghiệp nên ông Cai Hạ mới quyên sinh như vậy, có tin gì thêm bổn báo sẽ loan sau.”
Liên rụng rời và ôm mặt khóc oà. Mặc dầu ông Huyện rất nghiêm khắc, ông cũng hết sức thương con, và Liên thương cha không kém thương mẹ. Nhưng nàng khóc nhiều, phần lớn cũng vì ân hận một điều: nàng đã hy sinh cả thân nàng để cứu vãn danh dự của cha. Giờ ông cụ đã khuất bóng thì sự hy sinh thật là vô ích. Mẹ nàng cũng rất trọng danh dự, nhưng bà lại thương con hơn là quí cái danh dự ấy.
Nếu nàng lỡ dại sau tang cha, thì cái hại mà nàng phải gánh lấy đã được hạn chế, chớ có đâu lại đến tan nát cả đời nàng như thế này.
Tuy nhiên Liên cũng dẹp sầu được để lo việc thực tế.
Chắc sáng nay, hay chiều hôm qua, mẹ nàng đã cho người đi gọi nàng. Bà cụ đã khổ mà không tìm được tung tích con. Nàng phải tức tốc về ngay mới được và chắc chắn là trong lúc tang ma bối rối, bà cụ sẽ không tra gạn lôi thôi.
Sau tang ma, chắc mẹ nàng nghèo lắm để đủ thì giờ băn khoăn về nếp sống của con, vả lại chừng ấy sẽ hay.
Nàng để lại cho Hổ mấy dòng vắn tắt rồi xách va-li kêu xích-lô xuống bến xe đò.
Sáng hôm đó, Hổ cũng đọc báo, cũng hay tin dữ trong gia đình Liên nên chi hắn đến nhà Liên để kiểm soát lại xem có phải là Liên đã đi rồi hay không. Mấy dòng vắn tắt ấy làm cho hắn đỡ lo vô cùng.
Như Liên, hắn nghĩ ngay đến sự vô lý sự hy sinh của Liên, một khi cái người sợ tiếng xấu đã chết. Như vậy Liên có thể ở luôn trên Bình Dương sau tang ma, vì khi cha nàng đã sạt nghiệp đến tự tử thì nàng có bị bêu xấu vì toan ăn cắp tiền cũng chẳng ai cười chê gì nữa. Người ta chê con gái của một ông nhà giàu kia, chớ còn con gái của một ông bị phá sản thì cũng như là một ông nghèo xơ xác, chẳng ai chú ý đến làm gì.
Hắn lo lắng mất con quốc mồi dày công rèn luyện ấy lắm. Nhưng bức thơ ngắn đó thật là an ủi. Nếu Liên muốn thoát, chắc nàng chẳng bận tâm để tin lại làm gì. Thì ra Liên đã ghiền cái nghề này rồi à? Thật là không ngờ.
Hắn không biết rằng Liên để thơ lại cho hắn vì không kịp suy nghĩ thái độ. Nàng thấy ra đi thình lình thì phải để vài lời cho người nhà an lòng vậy thôi. Cái chết của thân phụ nàng xảy ra đột ngột quá, nàng không kịp định phải có thái độ nào đối với Hổ.
Mở cửa mả cho cha xong, Liên mới rảnh trí để sắp đặt cuộc đời sắp tới của nàng. Giống như Hổ, nàng thấy bây giờ thì đã thoát tay ác nghiệt ấy được rồi. Nhưng tình thế đã khác hẳn trước đây: tất cả bất động sản của ông Cai sẽ bị phát mãi; tiền mặt, bà Cai không có một đồng dính lưng (tiền ma chay do nàng bao hết trước sự ngạc nhiên của mẹ nàng)
Như vậy Liên thấy cần phải thoát bằng lối khác: trở xuống Sàigòn kêu gọi lòng thương của Hổ để hắn tìm cho sở làm hầu nuôi mẹ.
Chắc Hổ sẽ giúp nàng vì nếu không, hắn cũng mất nàng, lại chẳng được ơn gì cả.
Liên ở nhà đến khi cúng xong lễ hăm mốt ngày mới xin mẹ ra đi nói rằng đi học tiếp.
Từ sau ngày mở cửa mả, bà Cai đã nhiều lần hỏi vặn con:
– Liên nè, má làm sao mà an lòng được khi thấy con có nhiều tiền dữ vậy. Con làm đám ma cho ba con không kém gì nhà giàu hết. Cả chợ ai cũng nói ba con với má làm bộ suy sụp để quỵt tiền chủ nợ. Chủ nợ họ định đuổi má ra khỏi nhà bếp này nay mai.
– Thì con đã thưa với má rằng con buôn bán chợ đen mà.
– Con làm gì có hàng để buôn bán chợ đen?
– Con làm trung gian hàng lậu thuế.
– Như vậy thì nguy hiểm lắm. Trời ơi! ba mầy vừa qua đời, nếu mầy lại bị bắt thì tao sống với ai?
– Má đừng lo, con không làm nữa đâu. Có lẽ rồi con sẽ rước má với em xuống ở với con rồi chừng đó mặc sức cho má kiểm soát con. Má thấy là con chỉ đi làm việc, làm cho một hãng buôn thôi.
– Má làm sao mà đi được khi còn phải làm giáp năm, mãn khó cho ba con. Vả lại má thương mến xứ sở quá, đi thì bỏ mồ mả ông bà chắc má không nỡ.
– Con nghĩ, làm giáp năm mãn khó ở xa cũng chẳng sao. Vả lại không có cách nào khác, vì nay mai, má với em sẽ lấy gì mà sống?
Bà Cai cũng bí lối nên không hỏi thêm gì. Viễn ảnh phải bỏ xứ mà đi khiến bà khóc mùi mẫn.
Không bao giờ hơn bây giờ, Liên nghe cần tiền liền khi trở xuống Sàigòn.
Giờ thì gánh nặng gia đình nàng phải chịu một mình trên vai. Bà Cai là người nội trợ đảm đang, nhưng không biết tháo vát làm ăn thì Liên nghiễm nhiên là cột trụ của gia đình vậy.
Giờ thì nàng khỏi phải sợ Hổ nữa. Tự nhiên hắn phải thấy rằng nàng hết băn khoăn lắm vì danh dự gia đình, một khi người cha rất trọng danh tiếng đã qua đời rồi.
Tuy nhiên nàng chưa biết thoát ra bằng cách nào. Lần đầu tiên trong đời người đứng ra mướn một căn nhà rồi tự làm chủ lấy, rồi bươn chải mà sống cũng bằng như phiêu lưu vào một chốn xa lạ. Cứ nghe ngài ngại bước.
Nhà nầy nàng đứng tên thật đó, nhưng không thể tiếp tục sống trong mức sống tốn kém như thế nầy nếu không thích hợp tác với Hổ nữa.
Liên trở về căn nhà ở đường Lương Hữu Huê sau nhà thương Từ Dũ để nghiền ngẫm một chương trình thoát ly, và tự nhiên nàng tỏ ý định với Hổ mà nàng hết sợ và ngờ rằng sẵn sàng giúp nàng để được ơn.
Hổ vẫn lịch sự như bao giờ:
– Trong hoàn cảnh đau đớn ấy mà anh không thể về để chia buồn cùng gia quyến và gánh vác công việc dùm em, thật anh có tội lắm. Nhưng xin em thông cảm, tình thế của ta không phân minh, anh ra mặt chỉ hại cho em thôi.
– Anh nghĩ và làm đúng. Nhưng không sao, mọi việc đã trơn tru, mặc dầu nhà không có đờn ông.
– Thôi thì em cũng nên tạm quên tang khó để mà nghĩ đến mưu sinh. Giờ thì em phải tự lập, chớ không còn mong nhờ cha mẹ được nữa.
– Đúng như vậy và em cũng đang tìm cách sống đây. Dầu sao, em cũng đã giúp anh một thời gian, giờ anh có thể giúp lại em được hay không?
– Thì anh sẽ cứ giúp em như cũ, sao em lại hỏi như vậy?
– Là vì em không muốn sống như thế nữa. Em muốn rước má em và em của em xuống đây rồi đi làm để nuôi mẹ, nuôi em.
– Như vậy thì anh phải xa em?
– Cố nhiên.
– Nhưng anh còn yêu em lắm!
Hổ cũng thừa biết rằng Liên không còn lý do để sợ hắn nữa, nên hắn nín đi về án cũ của Liên. Hắn chỉ đánh vào mặt tình cảm. Tuy biết Liên không thể nào lầm vì tình yêu giả của hắn, hắn vẫn lập luận theo chiều hướng đó vì không thể vô cớ mà cầm cẳng cầm chân Liên được.
Liên cười gằn:
– Anh yêu em! Cám ơn anh đó. Nhưng giữa hai tên cướp cũng phải có sự thành thật. Họ phải hợp tác một cách lương thiện để làm chuyện bất lưong. Bọn lưu manh thường khi bị bắt hoặc rã bọn chỉ vì giả dối với nhau, anh há lại không biết điều đó hay sao?
– Anh yêu em thật tình. Em không tin mặc em. Nhưng anh quyết bám vào tình yêu ấy. Nếu em tìm cách thoát khỏi anh, thì sẽ rất hại cho em.
Hổ dùng cái giọng lạnh lùng một cách hiểm ác của mọi lần khiến Liên hiểu ngay những gì sẽ chờ đợi nàng nếu nàng thực hiện ý định của nàng.
Nhưng giờ, nàng không khóc, cũng chẳng nổi giận như trước. Kinh nghiệm sống đã trui rèn tâm chí nàng, nên nàng quyết nhẫn nại để tìm mưu.
Nàng cắn môi, ngồi trầm ngâm không nói. Hổ đứng lên mà rằng:
– Trong mình em có đại tang, anh biết vậy. Nhưng không lẽ ta ngồi đây đến mãn khó. Hôm nay, anh đã tìm ra một mối. Em nên nghỉ cho khoẻ vài hôm rồi anh đưa kế hoạch cho.
Hổ đi ra không chào hỏi, cũng chẳng day lại lần nào. Đó là một thái độ ngầm nói lên lời hăm doạ của anh ta và Liên không cần thông minh lắm cũng hiểu được.
Hai ngày liền, hắn không trở lại. Trong thời gian ấy Liên tính số vốn liếng của nàng. Nàng còn được hai chục ngàn. Căn nhà này do nàng đứng tên, nhưng vào không tiền nước, nên có đi thì phải xách va-li mà đi không, chớ không mong sang lại cho ai.
Ở đất Sàigòn này, mà với hai chục ngàn trong tay, làm được cái gì?
Nàng còn lẩn quẩn trong lối bí thì Hổ đến. Hắn tươi cười như hai người bao giờ cũng đồng ý với nhau, đoạn hắn đưa ngay tên con thịt ra. Đó là vị giáo sư đã cảm Liên.
Số là con thịt cũng hiếm lắm, hắn tìm mãi thịt ngon không được mới nghĩ đến kẻ gần gũi của Liên. Hắn điều tra và biết ông giáo sư ấy chưa vợ, rất cần kiệm nên có dư, và nhứt là ông ấy đã bối rối trước mặt Liên.
Khi Liên nghe đến tên vị giáo sư của nàng thì nàng rụng rời. Nàng chưa bao giờ thầm yêu ông thầy của nàng, mặc dầu ông ấy đẹp trai hơn Văn và mặc dầu nàng biết rõ tình cảm của ông đối với nàng.
Đó là một người nàng mến phục và kính thì không lòng nào nàng đành đưa ông ấy vào bẫy cả.
– Dầu sao em cũng chưa cạn hết chất người. Ông ấy là thầy của em, một ông thầy đứng đắn, làm tròn bổn phận một vị giáo sư, một công dân tốt thì anh tính…
– Em không được quyền chọn. Nhận hay không em cứ nói ngay để anh còn có thái độ.
Hổ vừa nói vừa bước ra đóng cửa. Liên thấy ngay rằng nàng sẽ bị hành hung vì hắn quyết ngược đãi nàng cho nàng phải sợ.
Thấy Liên làm thinh hắn tiếp:
– Em đã kinh nghiệm rồi, anh khỏi cần chỉ dẫn thêm gì cả. Em cứ đưa hắn đến đây cho anh. Anh cho em một an ủi nầy nếu em yêu cầu: là em muốn được hắn yêu thật sự cũng không sao. Anh sẽ để cho hai người tự do vài hôm rồi anh mới ra tay.
Thật là tàn nhẫn! Nếu sự việc xảy ra như vậy, thì Liên là một cô gái buôn hương rồi và Hổ là một tay ma cạo, không hơn không kém
Liên không tự trách mình đã hèn yếu không từ chối ngay đề nghị của Hổ! Nếu nàng không hèn yếu thì nàng cố lì được ngay từ lúc đầu và đã chẳng sa chơn như thế này.
Và con người hèn yếu ấy nhận lãnh sứ mạng bằng cách làm thinh, nhận lãnh vì cả sợ, nhưng không muốn thi hành chút nào và định bụng tìm cơ gỡ rối.
Nàng đành cù cưa, lòng mong hão một phép lạ thình lình xảy ra, hoặc Hổ mất tích, hoặc vị giáo sư trẻ tuổi ấy thôi dạy ở trường của nàng. Nhưng không việc gì xảy ra cả, và nàng cứ phải bước lần tới cho đến một khi kia….
***
Trưa hôm ấy ngày thứ ba trong tuần, Ngọc vận chăn tắm, cởi trần ra, toan nằm xuống gạch thì bỗng qua bức màn cửa sổ, chàng thấy một thiếu nữ xách giỏ nylon từ nhà đối diện bước ra.
Ngọc rụng rời. Sao mà thiếu nữ giống hệt Liên, cô nữ sinh học trò của chàng mà chàng đã yêu thầm trong một năm rồi.
Vì ăn mặc kỳ dị như thế, nên Ngọc không dám mở cửa chạy ra xem kỹ coi có phải là Liên hay không. Chàng ném chiếc gối cầm nơi tay lên gạch rồi nằm xuống, bụng an ủi rằng nếu quả đó là Liên thì thế nào chàng cũng tìm được Liên. Ở nhà ấy đi ra, tức là Liên có quen lớn với nhà ấy.
Tuy nhiên, chàng vẫn không yên, cứ nghe bứt rứt xốn xang trong bụng mãi, vì không biết được ngay thiếu nữ là ai.
Cách đây bốn tháng, một hôm tự nhiên Liên khuyến khích chàng, không phải bằng lời nói mà bằng những cử chỉ kín đáo nhưng hùng biện.
Chàng yêu trộm cô nữ sinh ấy rất lâu, nhưng vì tánh nhút nhát, lại vì tình cảnh thầy trò, rất dễ mang tai tiếng nên chàng đành ôm mối tình câm ấy mà tuyệt vọng.
Được cô học trò ngầm khuyến khích, Ngọc bạo dạn bước tới chỗ làm quen thân, nhưng vẫn đứng đắn được trong sự giao thiệp.
Họ thân nhau, có những buổi cùng đi dạo mát với nhau và cố nhiên Ngọc đã tỏ tình. Liên do dự đến suốt một tuần lễ để rồi gởi cho thầy học một mảnh giấy con trong đó có ghi một câu ngắn:
“Em rất cảm động vì lời lẽ của anh, và xin hẹn anh tối hôm nay tại công trường Cộng Hoà. Em sẽ đưa anh về nhà để giới thiệu với má em.”
Đêm ấy Ngọc đợi mãi đến mười một giờ khya mà không thấy bóng Liên đâu cả và sáng hôm sau đó thì cô học trò siêng năng không đến học nữa.
Bạn đồng lớp với Liên không ai biết nhà của Liên ở đâu. Nhà trường chờ nàng trong hai tháng rồi xoá tên nàng trong sổ.
Từ ấy những nay, Ngọc không hề nghe ai nói đến Liên và cứ đêm đêm, chàng ra nơi công trường Cộng Hoà, bùi ngùi đứng đợi người yêu trễ hẹn và mất tích một cách khó hiểu.
Đợi như vậy được trên một trăm ngày là chàng nản chí nằm nhà.
Chàng dọn về xóm Nguyễn Tri Phương nầy hơn một tháng nay mà chưa quen với nhà đối diện. Nhà nầy đóng cửa mãi từ sáng đến chiều nên rất khó làm quen và chàng không biết trong nhà có những ai và những ai.
Có lẽ thỉnh thoảng người ta cũng mở cửa ra vào, nhưng chàng bận đi dạy học, nên không thấy được.
Hai dãy nhà đối mặt nhau mà chàng đang ở, xây bằng gạch lốc, để trần chớ không tô xi-măng. Nhà lợp bằng thiếc nên không khí nóng bức lạ thường. Nền đất được chàng gót gạch bông để trưa nằm lên đó cho đỡ nóng.
Ngọc nằm gác tay lên trán, lắng nghe tiếng trẻ con hàng xóm nghịch leo lên cây trứng cá ở đầu ngõ hẻm để tranh hái trái, ý nghĩ miên man về hình bóng xuất hiện khi nãy qua bức màn thưa.
Từ mấy tháng nay chàng nhớ không nguôi hình bóng đó và mặc dầu sự vắng mặt của Liên kéo dài lâu quá, hình ảnh của nàng càng ngày càng rõ ràng hơn lên trong trí chàng chớ không phai mờ vì thời gian.
Liên bị tai nạn thình lình sao? Nhưng chàng đã đọc kỹ báo hằng ngày những hôm sau đó mà không hề thấy một thiếu nữ nào được đưa vào nhà thương vì tai nạn xe cộ.
Liên đổi ý thình lình chăng? Thật là khó tin, chính nàng đã khuyến khích chàng kia mà!
Người thanh niên nầy mới vỡ lòng yêu, nên yêu nhiều quá. Và sự mất tích thình lình của người bạn tình đầu tiên của chàng đã gây thương tích nặng quá trong lòng chàng.
Thiếu nữ mà chàng thấy mặt khi nãy, mặt hơi già dặn chớ không ngây thơ như cô nữ sinh mấy tháng trước, nhưng lại đẹp sâu sắc hơn nhiều chính nhờ sự già dặn ấy. Nhưng cho dẫu dung nhan nàng có mặn mà hơn, chàng cũng tìm lại được nơi nàng, người con gái của mấy tháng trước.
Chỉ xa nhau có mấy tháng thôi, không thế nào mà chàng lại lầm lẫn nàng với một cô gái khác được.
Ngọc nằm như vậy được chừng một tiếng đồng hồ rồi thay y phục, nhưng không đi dạy học mà chỉ bắc ghế ngồi sau bức màn mà rình.
Chàng định rằng cô ấy thế nào cũng về nếu cô ta ở nhà trước mặt.
Nhưng một tiếng đồng hồ qua rồi hai tiếng, rồi ba tiếng chàng đợi cho đến tám giờ tối mà vẫn không thấy bóng ai về. Sự sốt ruột của chàng không bằng sự nóng lòng vào cái đêm đợi bạn tại công trường Cộng Hoà, nhưng cũng đã làm cho chàng trải qua từ sự xót xa đến cơn tức giận.
Đêm ấy chàng bỏ bữa ăn tối, mở ghế bố ra trước nhà nằm hóng mát với hy vọng mong manh gặp thiếu nữ về trễ.
Căn nhà trước mặt vẫn đóng cửa kín mít mặc dầu trời tháng giêng đã đuổi hầu hết những người trong xóm ra sân.
Cửa sổ thì mở và bên trong thắp đèn ống rất sáng, nhưng chàng không thấy được đồ đạc trong ấy vì bức màn che cửa may bằng vải dầy.
Lạ quá, cái căn nhà tầm thường ấy mà chàng không buồn ngó đến từ khi dọn về đây, lại bỗng dưng hấp dẫn lạ kỳ.
Chàng bị căn nhà ấy quyến rủ như là một nơi chốn thân yêu và nằm đó mà đoán đủ thứ về việc trong nhà.
Có tiếng trẻ con, một đứa bé gái mà chàng đoán là lên mười, học bài vang lên. Chỉ bấy nhiêu đó thôi đủ cho chàng hình dung ra cả một cảnh gia đình: một bà mẹ ngồi nhai trầu trên đi-văng, ngóng đợi đứa con gái đầu lòng về trễ, hai ba đứa bé mà đứa lớn học hành còn mấy đứa khác thì chơi gì dưới nền gạch không biết!
– Trời nực quá thầy Ba há?
Người láng giềng của chàng làm thợ máy, cũng đã mở ghế bố ra sân nằm gần chàng lúc nào không hay. Giờ hắn gợi chuyện chàng mới giựt mình day lại nhìn hắn.
Hắn cởi trần và vận chăn tắm như chàng khi trưa và hình như cũng đang rình chàng. Kẻ rình có bộ tịch kỳ lạ lắm, nên lại bị kẻ khác tò mò rình lại họ.
– Ừ, trời nực thiệt, anh Sáu à!
– Trời nực mà căn nhà ấy cứ đóng cửa kín mít.
Hắn đoán được trong tim đen của Ngọc và biết rằng Ngọc đang rình căn nhà bí mật kia. Hắn nói ra câu ấy và chắc chắn được hoan nghinh.
Quả thật thế, Ngọc đang không biết làm sao để hỏi thăm về nhà ấy một cách tự nhiên thì chụp được dịp tốt nên chàng mừng rối rít:
– Ừ, làm sao nhà ấy cứ đóng cửa hoài, y như là bên trong chứa cờ bạc…
Anh Sáu thợ máy cười lớn mà rằng:
– Tại người ta đờn bà giá, người ta sợ, lo thủ vậy thôi, chớ xóm của mình lương thiện lắm.
– Té ra anh quen với nhà đó?
– Không quen, nhưng biết rõ gia đạo họ. Cái nhà ấy lạ kỳ, đờn bà trong nhà không xẹt qua xẹt lại các nhà khác như tất cả đờn bà ở đây.
Chủ nhà là một bà độ năm mươi. Bà ấy có hai con, đều là gái. Cô gái lớn độ hai mươi, đứa út chỉ lên mười thôi. Cái con bé đang học bài đó…
– Có phải cô con gái lớn diện mạo như vầy…như vầy hay không?
– Đúng y như vậy. Hồi mới dọn về đây, cô con gái lớn lãnh đồ trong xóm về may. Nhưng họ ở đã hai tháng trời mà tìm không đủ công việc để sống, nên cô gái lại đi làm..
– À! Có phải làm đêm hay không? Tôi thấy cô ấy đi mà tới giờ này chưa về.
– Không, cô ấy làm cho một hãng bên Khánh Hội, một tuần lễ mới về một lần..
– Khánh Hội gần quá mà sao cả tuần mới về một lần?
Anh Sáu thợ máy dường như mới chợt nhận ra sự kỳ lạ đó nên chưng hửng giây lát rồi nói:
– Ừ, sao lạ vậy tôi cũng không biết! Khi nãy thầy nói cổ đi sao không về. Cổ đi làm đó. Hễ cứ sáng thứ hai đúng tám giờ là cổ về tới đây. Rồi trưa thứ ba, lối 1 giờ lại ra đi cho tới sáng thứ hai tuần sau.
Ngọc buồn nhưng lại vui. Buồn vì phải đợi đến một tuần lễ sau mới gặp lại thiếu nữ, còn vui vì chắc chắn sẽ được gặp lại cô ta.
– Anh có biết cô ấy tên gì hay không?
– Chỉ nghe má cổ kêu cổ là con Ba thôi. Nè, giỏi lắm đa nghen. Đi làm vậy chớ hễ về nhà là lau gạch, giặt gũ, may vá luôn tay, không ló ra khỏi cửa, y như là má cổ vậy.
Chương 9
Ngọc đã biết được đại khái những gì cần biết, trừ tên của thiếu nữ ra. Được thoả mãn, chàng nghe tiếp bằng hai tai lơ đễnh những câu chuyện con cà con kê của anh Sáu vì trí bận theo đuổi người ra đi.
Chàng tin chắc rằng đó là Liên, và cứ theo lời anh láng giềng này, thì gia đình Liên dọn về đây đúng vào những ngày nàng mất tích.
Thế nghĩa là trước kia nhà nàng ở nơi khác, rồi gặp gia biến gì không rõ nên đổi chỗ ở, và hình như phải trốn nợ nần gì đó mà không dám trở lại những nơi quen biết cũ.
Một tuần lễ sao mà dài ghê như thế này? Ngọc đã bỏ dạy mấy buổi sáng để đi Khánh Hội, rảo qua các cửa hãng, các cửa hiệu buôn vào giờ mở cửa hãng, nhưng không gặp ai giống xa hay giống gần thiếu nữ mà đời sống xem ra rất bí mật kia cả.
Thứ tư, thứ năm, thứ sáu… Cái đêm chúa nhựt sau ấy, chàng thao thức mãi cho đến hai ba giờ sáng và cho đồng hồ reo hồi 5 giờ khuya, mặc dầu cứ theo lời anh Sáu thợ máy thì cô gái về đây đúng 8 giờ, không sai chạy lần nào.
Ngọc đi ăn điểm tâm ở hiệu thật sớm. Ăn xong đồng hồ mới chỉ 6 giờ sáng thôi. Chàng nghe như kiến bò trên hai chân chàng, cứ muốn nhảy, muốn chạy, không thôi nó bứt rứt khó chịu lắm.
Chàng nhớ là anh Sáu đã nói rằng cô gái luôn luôn về nhà bằng xích-lô đạp. Nghĩ rằng đón thiếu nữ trước nhà bất tiện, chàng quyết định chận đường nàng ở xa, ngay từ ngoài ngã ba đường Trần Quốc Toản với con đường đưa vào khu nhà của chàng.
Thế rồi chàng đứng nơi ngã ba ấy, như một anh lính canh, mắt luôn luôn nhìn về hướng ngã ba Lý Thái Tổ – Trần Quốc Toản là hướng mà thiếu nữ sẽ từ đó về nhà.
Nửa giờ, mười lăm phút, mười phút. Ngọc đưa cánh tay xem đồng hồ rất thường khiến các bà đi chợ đoán biết ngay chàng đang nóng nảy.
Bảy giờ rưỡi, bảy giờ bốn mươi lăm…tám giờ.
– Lẽ cố nhiên!
Ngọc lẩm bẩm khi thấy giờ đã tới mà người thì không. Lẽ cố nhiên là tuần nầy nàng không về, ra ngoài lề một khi, việc bất thường có thể xảy ra cho bất kỳ ai. Nhưng luôn luôn kẻ nào mong đợi thì hay gặp phải sự bất thường của kẻ khác.
Nhưng Ngọc vẫn còn hy vọng. Nàng có thể về trễ hơn mọi thứ hai khác, và đó cũng là điều cố nhiên. Luôn luôn kẻ mong chờ hay gặp trường hợp về trễ của kẻ mà họ đợi.
Và thường thường những gì mình mong thì hay đến vào những lúc thờ ơ nhứt của mình. Ngọc đang nhìn theo một chiếc xe quảng cáo thì xích-lô của Liên trờ tới. Xe Liên đi qua khỏi đó mà chàng không hay biết. May quá anh phu xích-lô phải tránh hai em bé tập xe đạp nên chạy chậm lại và chàng kịp nhận ra thiếu nữ thoáng thấy trong tuần trước.
Thiếu nữ cũng chợt thấy Ngọc cùng một lúc với Ngọc thấy nàng, và cả hai đều ngạc nhiên kêu lên:
– Liên!
– Ngọc!
Nhưng kêu bạn xong, Liên không còn mừng rỡ như bạn nữa, mà chỉ sợ hãi thôi. Nàng toan biểu xe chạy luôn, nhưng không kịp vì Ngọc đoán được ý nàng, và nhảy tới đứng cản trước đầu xe.
Liên buộc lòng phải bước xuống đất, trả tiền xe. Nàng trấn tĩnh lại, chào Ngọc rất lễ phép và hỏi:
– Anh cũng ở gần đây hay sao?
– Em hỏi như là hỏi người ít quen. Sao em bình tĩnh đến như vậy?
– Có nên trở về chuyện cũ hay không? Em thấy rằng bốn tháng đủ xoá một…
– Em thấy như vậy, nhưng anh lại thấy khác. Sự ấm ức trong lòng anh, chỉ đợi ngày nay để bùng nổ lên thôi. Nếu em đổi ý, đổi lời trước khi đi biệt tích thì đó là chuyện khác. Đằng nầy…
– Hay là ta sẽ nói chuyện sau. Anh ở đâu, xin cho em biết.
– Nhà anh đối mặt nhà em. Anh đã thấy em đi ra trưa hôm thứ ba trước, và đã đợi em về suốt tuần lễ nay.
– Như vậy thì thật là tiện. Ta sẽ tới thăm nhau.
– Khi nào em rảnh?
– Em làm lụng không hở tay. Nhưng khi nào anh thấy em mở cửa lớn ra tức là khi đó em tiếp anh được.
– Em đừng có lừa anh như lần trước.
– Lần trước em không có ý lừa anh. Nhưng…
– Em đã gặp tai biến gì?
– À, phải, tai biến. Vì có gia biến nên em đành lỗi hẹn với anh.
– Gia biến thế nào?
– Rồi anh sẽ rõ.
Ngọc không làm sao biết được rằng đêm ấy nàng có bổn phận dắt chàng vào bẫy. Nhưng đến phút chót, nàng không nỡ, mà cũng không dám về nhà nên trốn luôn về Bình Dương, rước mẹ xuống và tìm thuê nhà nơi nầy.
Hôm thứ hai ấy, Ngọc nghỉ dạy chỉ ngồi nơi cửa sổ mà rình nhà bên kia. Chàng ăn mặc đàng hoàng sẵn để khỏi phí thời giờ thay đổi y phục, cho mãi đến bốn giờ chiều, cửa bên ấy mới mở toác ra.
Ngọc mừng quýnh lên, không kịp dòm vào nhà đó để cho biết đang có ai trong ấy. Chàng vội chạy ra khỏi cửa nhà chàng thì bỗng nghe Liên kêu rú lên:
– Kìa anh Ngọc, anh ở đây hay sao?
Ngõ hẻm chạy trước hai dãy phố đâu mặt, chỉ rộng có bốn thước, nên Liên nói lớn chàng nghe như nàng đứng trước mặt chàng.
Chàng ngẩng lên, chưa kịp ngạc nhiên về câu hỏi kỳ lạ của người bạn cũ. Liên đang ngồi trên đi-văng với mẹ, một người đờn bà trạc năm mươi, nàng ngóng ra ngõ hẻm để dòm người quen và hỏi câu đó.
Chàng mới để chơn tới ngưỡng cửa nhà nàng thì nàng đã mau miệng giới thiệu với mẹ:
– Thưa má, anh Ngọc đây là bạn đồng sở với con bên Khánh Hội.
Bà cụ chào khách, mời chàng vào trong và quay đi vô buồng. Liên lại nói:
– Trời ơi, vậy mà từ thuở giờ em có biết là anh ở đây đâu. Anh đi bằng xe gì? Nếu tiện, cho em quá giang, em khỏi phải ở lại bên ấy.
Bấy giờ Ngọc hiểu được sự giả dối của Liên. Nàng nói láo với mẹ như vậy để có thể tự nhiên tiếp chàng tại nhà, và tự nhiên sang chơi nhà chàng về sau.
Và để cho sự giả dối rất có lợi ấy khỏi bị lộ tẩy, chàng a tùng theo Liên và đáp:
– Tôi đi xe buýt nhọc lắm. Từ thuở giờ cũng không hỏi thăm nhà cửa, gia đạo cô thế nào, nên ở trước mặt nhà cô mà không hay.
– Thật là buồn cười. Giờ anh đi đâu đó, tối nay anh có nhà hay không, em sẽ qua thăm anh?
Ngọc tức lắm. Từ sáng đến giờ, chàng đã bỏ ăn để đợi cánh cửa mở. Cửa mở, chàng mới vào nhà nàng, chưa ngồi ấm ghế, đã bị đuổi khéo đi.
Nhưng được cái là nàng hẹn tối qua chơi, tức là cả hai sẽ tự do mà trao gởi tâm sự chớ không phải ké né giữ gìn như ở đây nữa, nên chàng được an ủi phần nào. Và tự nhiên, chàng lại phải a tùng mà đáp:
– À, thừa dịp ngày nghỉ (ta nghĩ lạ quá, ngày thứ hai và sáng thứ ba) tôi đi xi-nê. Cô có đi hay không tôi xin mời?
– Dạ, cám ơn anh, em bận việc nhà lắm.
– Tối, tám giờ tôi có ở nhà, mời cô qua chơi.
– Dạ, thế nào em cũng qua thăm anh cho biết nhà anh dọn dẹp ra sao.
– Thôi, xin phép cô. Cô thưa lại với bà rằng tôi kính chào bà.
Bà Cai đã ra nhà sau từ lúc Ngọc mới vào nên khi chàng đi bà không có mặt.
Ngọc đi xi-nê thật, vì cũng chẳng biết chui đầu vào đâu cho hết buổi chiều dài nầy. Nằm nhà mà đợi đến tám giờ tối, chàng sẽ chết rục xương. Mà cũng không thể ở nhà được, vì người ta đã lỡ thấy chàng sửa soạn y phục và chàng đã trót nhận rằng sắp đi.
Chàng xem phim gì, chàng cũng chẳng rõ. Ngồi trong rạp có máy lạnh mà nghe nóng như ngồi ở đầu máy xe lửa.
Khi kim đồng hồ dạ quang chỉ 6 giờ thì chàng đi ra, tìm hiệu để ăn cơm.
Chàng về tới nhà, mặt trời còn chiếu sáng đằng hướng Phú Thọ, vì 7 giờ y như 6 giờ. Mặc dầu bên ngoài còn sáng trưng, chàng cũng vặn sáng tất cả đèn trong nhà, đèn phía trước, đèn trong buồng, đèn sau bếp. Chàng tin rằng như vậy, sự có mặt của chàng ở nhà mới rõ rệt và nếu Liên đến càng sớm càng hay.
Và quả Liên sang chơi sớm hơn giờ đã hẹn. Nàng cố ý qua thăm Ngọc lúc bảy giờ rưỡi là lúc mà trời bên ngoài vừa tối. Giờ ấy, những người ưa hóng mát ngoài ngõ hẻm chưa ra đó, mà những người tò mò cũng khó thấy nàng.
Cuộc gặp gỡ lần thứ nhì này, khác hẳn cuộc gặp gỡ khi trưa. Chủ nhà không mừng rỡ bề ngoài và không tiếp khách bằng những lời đon đả nói cười.
Ngọc rộn lên trong lòng, nhưng không thể vui cười được. Và Liên xẻn lẻn khi không còn được bảo vệ bằng sự giữ gìn bề ngoài của Ngọc nữa. Giờ thì nàng như là đã bị bắt buộc phải lột trần tình cảm và ý nghĩ ra trước mặt con người đã biết sự thật về ước hẹn của nàng khi trước.
Hai người ngồi đối diện làm thinh lâu lắm, Ngọc mới hỏi được, giọng run run vì cảm động:
– Thế nào em? Gia biến ra sao?
Liên thở dài mà rằng:
– Giờ gặp lại nhau đây thì chỉ nên biết những giây phút bây giờ. Trở lại chuyện cũ ích gì, mà anh cứ muốn trở lại hoài.
– Nhưng anh làm sao nguôi được sự ấm ách của một đêm dài đợi em ở công trường Cộng Hoà.
– Em xin lỗi đó…
– Được, anh sẵn lòng quên hết, miễn là em đối đãi với anh như vào các ngày trước đêm đó.
– Chớ sao. Nhưng anh nên nhớ cho rằng vào ngày ấy ta vẫn chưa có gì với nhau. Anh đã đeo đuổi theo em, và em có cảm tình với anh. Em định đưa anh về nhà để giới thiệu anh với má em. Chỉ có thế thôi, và điều ấy đã được thực hiện bữa trưa hôm nay.
Lối trình bày sự việc của Liên làm cho Ngọc đuối lý. Chàng cụt hứng giây lâu, cố nén nghẹn vì căm tức.
– Phải, bề ngoài thì như vậy đó. Nhưng em mặt mũi nào chối được với anh rằng chính em đã khuyến khích anh, khiến cho mối tình câm lặng của anh thành hình, và sau đó, em đặc biệt có cảm tình với anh nên mối tình của anh mới trưởng thành. Nó lớn lên, và anh không làm sao bóp chết nó được hết. Anh đã đau khổ nhiều lắm rồi, em nỡ nào lại tàn nhẫn mà làm như quên thực trạng giao thiệp giữa hai ta lúc đó.
Liên châu mày! Cái thực trạng giao thiệp giữa họ lúc đó là thực trạng chỉ có phân nửa thôi, chỉ thật phía bên Ngọc thôi, còn nàng thì hoàn toàn giả dối.
Quả nàng đã kính phục, đã mến ông thầy học nhiều, nhưng chỉ có thế thôi. Nhưng nếu nói sự thật trắng trợn ấy ra thì cũng bằng như đâm một lát dao vào tim của Ngọc vậy.
Và không hiểu sao, từ lúc nghe Ngọc nói ra niềm đau khổ của chàng, nhận được sự thành thật của chàng, nàng nghe như là mối tình một chiều lúc trước là có thật ở cả hai bên. Lòng nàng thoáng nghe xót đau cho cuộc đổ vỡ của mối tình ấy. Nàng nghe như là quả nàng đã yêu đôi chút người thanh niên tội nghiệp này.
Liên châu mày và cứ làm thinh.
– Sao, em không chối à?
– Em không chối, nhưng anh cũng nên nhìn nhận rằng em chưa hứa hẹn dứt khoát gì hết.
– Em Liên, nè! Nếu em đang yêu ai, thì anh đành chịu vậy chớ biết sao. Bằng như mà lòng em còn rảnh rang, xin em nghĩ mà thương xót anh. Tự nhiên anh bị đẩy vào cuộc yêu đương rồi lại bị bỏ rơi khi anh không phạm lỗi nào cả. Nếu em thấy là em đã chọn lầm, và đến phút chót đã đổi ý, xin tự xét lại cho kỹ. Biết đâu em không lầm và chính sự đổi ý của em mới là lầm.
– Dạ, em xin hứa là em sẽ xét lại.
Một lần nữa, Liên đã giả dối. Nàng không lầm. Sở dĩ trước đây nàng không yêu ông thầy học vì đã trót trao cả tấm lòng cho Văn.
Ông thầy học nầy rất đủ điều kiện và ở vài khía cạnh nho nhỏ, ông ấy còn hơn Văn một bậc. Bây giờ không mong nối lại tình yêu với Văn, và nếu phải chọn người khác, nàng thấy không ai hơn Ngọc được, khỏi cần xét đi xét lại gì nữa hết.
Nhưng mà nàng không thể lấy Ngọc làm chồng, cho dẫu là chỉ muốn lập một cuộc hôn nhân theo lý trí, không cần tình yêu.
Ngọc là một người có tầm hồn cao đẹp, mà nàng không còn gì cao quý để hiến dâng cho chồng.
Nàng hứa xét lại tình thế vậy thôi để đánh cù cưa, rồi sau ra sao sẽ hay. Nàng mong Ngọc sẽ ít đau khổ vì mòn lần hy vọng hơn là bị từ chối đột ngột.
Ngọc hỏi:
– Em sẽ xét lại? Nghĩa là hiện giờ lòng em còn rảnh rang?
– Dạ, quả đúng như vậy.
– Và nghĩa là em không chê anh lắm, nghĩa là ta có thể yêu nhau?
– Thưa, đúng như vậy.
– Cám ơn em. Giờ thì em xem anh là bạn thân được chớ?
– Dạ, làm sao em không nhận anh là bạn thân em được.
– Là bạn thân với nhau, chắc anh có quyền hỏi em vài điều mà không bị em coi là quá tò mò về đời tư của em. Em làm cho hãng nào bên Khánh Hội?
– Em chỉ sợ anh theo đuổi mà phiền cho em. Vậy xin không nói tên hãng của em cho anh biết.
– Không làm sao mà anh khỏi ngạc nhiên về chỗ làm ăn của em. Từ Khánh Hội về đây có bao xa đâu, sao em phải ở lại. Mà có hãng buôn nào lại nuôi cơm nhân viên trong nhà.
– Có chớ anh, hãng của người Tàu nào cũng nuôi cơm nhân viên hết.
– Vậy ra em là cho người Trung Hoa?
Liên cười:
– Anh đã dò dẫm để đoán biết, em dại gì mà nói rõ thêm chi tiết.
– Cho là như vậy đi, cũng vẫn không ổn. Ai lại có mẹ già em dại ở gần kề, lại không về?
– Anh thử nghĩ, sang xe buýt hai lần, về tới nhà mệt lủi đi thì còn ăn uống, nghỉ ngơi gì được nữa. Em kém sức khoẻ lắm.
– Thật là khó tin.
– Anh hỏi thì không sao. Chớ anh vặn và anh nghi ngờ thì không tốt rồi đó.
– Nhưng làm sao anh khỏi thắc mắc về đời tư không được phân minh của người mà anh yêu. Em nên thông cảm nỗi khổ của anh.
– Em đến để thăm anh sau gần nửa năm xa cách. Anh nên vui vẻ mà tiếp em, chớ sao lại bắt đầu làm buồn không khí ở đây?
– Anh xin lỗi em.
Ngọc gượng vui và hỏi:
– Hôm nay thì đã trể rồi nhưng thứ hai tuần sau em xin phép má đi xi-nê với anh được hay không?
– Em thú thật với anh là em ít thời giờ. Vả lại trước đây, em lén má mà đi, giờ thì không thể lén được.
– Hay là anh qua bên ấy rước em.
– Em đã nói là muốn giấu chỗ làm kia mà.
Ngọc buồn dàu dàu, làm thinh rất lâu rồi lại hỏi:
– Sau khi sai hẹn với anh đêm ấy, em có khi nào tưởng tượng đến nỗi khổ của anh đã phải đợi em cả đêm ngoài đường hay không?
– Em xin anh chớ nhắc lại chuyện cũ, buồn lắm.
Liên đáp và lơ đãng trông lên kệ sách của Ngọc gắn trên tường. Nàng nhìn những gáy sách, đọc tên từng quyển và bỗng chú ý đến một tiểu thuyết mới ra, quyển “Đôi Ngã” mà tác giả là một phái nữ. Nàng hỏi:
– “Đôi Ngã” có hay không anh? Em nghe họ nói đến tiểu thuyết nầy nhiều lắm.
– Cũng khá hay.
– Anh đọc xong rồi chớ? Cho em mượn được hay không?
– Em cứ lấy mà đọc.
– Em mượn lâu nha anh, suốt cả tuần mới trả. Em đưa qua bên Khánh Hội, đọc cho đỡ buồn.
– Em muốn giữ bao lâu cũng được.
– Thôi, xin phép anh. Tuần sau ta lại gặp nhau.
– Lâu quá!
– Nhưng biết sao!
– Em nên nghĩ đến anh.
– Chắc chắn là em sẽ nghĩ đến anh nhiều, mặc dầu…
Thấy Liên ngập ngừng, chàng hỏi:
– Mặc dầu sao?
– Mặc dầu em muốn được anh quên đi và được quên anh.
Ngọc tiễn bạn ra đến ngõ hẻm, Liên nói lớn cho mọi người nằm hóng mát nơi đó đều nghe:
– À, anh nhớ mai đánh máy tiếp hồ sơ đó. Em còn phải làm cho xong sổ chỉ tồn hàng hoá, kẻo lão chủ hãng cứ mè nheo mãi.
– Được, cô cứ để đó cho tôi.
Anh Sáu thợ máy ngạc nhiên quá sức, đợi cho Liên vào nhà đóng cửa xong, anh hỏi Ngọc:
– Sao hôm nọ thầy làm như thầy không quen biết với nhà ấy?
– Phải, tôi không quen biết với gia đình đó, nhưng lại làm chung một sở với cô ấy, mà không dè cổ ở đây.
– Hừ, thầy đã nói là thấy cổ từ trong nhà đi ra, lại hỏi thăm tên cổ kia mà?
– Phải, nhưng tôi thoáng thấy, rồi cổ đi tuốt. Người giống người, chừng gặp tận mặt mới biết là cổ.
Ngọc rất khó chịu vì sự bắt bí vô tình của anh láng giềng. Người trong các xóm bình dân họ hay dòm ngó nhau, thật là khổ.
Và chàng bỗng thấy chính chàng cũng là kẻ đã làm bực mình người ta bằng cách dòm ngó vào đời tư của Liên. Biết vậy nhưng Ngọc không tự trách mình vì chàng đã yêu và tự thấy có quyền dò xét người mà chàng yêu.
Tuần lễ này không dài bằng tuần lễ trước, vì ít ra chàng cũng biết được phần nào tình cảm của Liên đối với chàng hiện giờ. Nhưng lại nhớ Liên hơn trước. Trong bốn tháng vắng mặt, chàng chỉ sầu, giờ tình yêu sống lại, chàng nhớ bạn như nhớ một người vợ mới cưới rồi phải đi xa.
Chàng nghe Liên như là một cô gái trong truyện Liêu Trai với những cuộc đi về bất thình lình và đời nàng hoàn toàn bí mật.
***
Tò mò là bản chất của con người và khám phá bí mật đem lại cho họ một thú vị vô song. Ừ, Ngọc quyết khám phá cuộc đời kỳ lạ mà thiếu nữ ấy đã quyết giấu. Và chàng nghĩ nhiều quá về bí mật của nàng, về phương pháp truy tầm, nên lạ thay, chàng nghe yêu nàng hơn bao giờ hết.
Thứ hai sau, Ngọc không đón Liên ngay từ ngoài đường nữa vì không còn lý do để làm như vậy. Chàng cũng không được Liên tiếp hay được tiếp Liên nội ngày hôm đó. Tuy nhiên chàng cứ ở nhà để rình người về.
Thấy mặt một chút xíu cũng đủ rồi, cho bù với nỗi nhớ niềm mong cả một tuần.
Chắc Liên có ghé chợ Sàigòn hay sao mà mua đồ nhiều lắm, đến hai giỏ đầy. Và như thường lệ, nàng gõ cửa vào nhà rồi đóng cửa lại liền cho đến suốt ngày.
Người trong xóm chỉ nghe tiếng đứa bé gái reo lên mừng chị rồi thôi, mẹ con họ sống âm thầm hết sức.
Hôm ấy hai người không có hẹn với nhau, nhưng Ngọc cứ hy vọng là Liên đến chơi. Chàng đợi bạn cho đến bảy giờ rưỡi tối thì quả Liên đến thật.
Tay trái Liên cầm quyển tiểu thuyết “Đôi Ngã” mang đến trả, tay mặt một gói quà gì Ngọc chưa thấy rõ..
Lạ quá! Ngọc nghĩ thầm! Sao mà hai người gặp nhau cả trong những toan tính nho nhỏ. Chính nàng cũng có quà tặng bạn hôm nay và chàng mau chơn chạy bào buồng lấy quà của chàng ra, miệng nói liền:
– Anh cũng có quà tặng em. Đố em biết gì đây?
Liên thấy bên trong của giấu gói một vật vuông, có vẻ cứng như là một chiếc hộp bằng giấy bồi.
– Nước hoa! – Nàng đoán bừa.
– Em đoán tài như thầy bói.
– Quà của em thì thấy ngay, nhưng anh lại không thèm ngó đến.
Đó là một mớ chuối khô gói bằng giấy kiếng.
– Sao lại không, nhưng anh bận khoe quà của anh đã chớ.
Liên mở gói giấy thì té ra đó là hộp nước hoa hiệu MUÔN THUỞ. Đây là thứ nước hoa không phải làm trong xứ, cũng chẳng phải nhập cảng hẳn, mà là nước hoa ngoại quốc được chiết ra ve nhỏ rồi pha rượu thêm, mùi vẫn còn tốt, lại rẻ tiền được, nhờ có pha, và nhờ trình bày thành loại ve nhỏ ấy.
Liên cầm hộp nước hoa hai mươi ve ấy rồi ngậm ngùi rơi nước mắt, nhớ lại hai năm về trước, cũng vì thèm nước hoa sang trọng mà đến phải không còn dám ngó mặt người quen cũ nào hết.
Bôi nước hoa rẻ tiền này lên tóc, có lẽ nàng sẽ bị những người sành trang diện xem thường nàng. Nhưng mà kẻ nào không sợ bị xem thường là kẻ ấy có thể được một số người khác xem trọng.
– Chắc em có ghé chợ? – Ngọc hỏi.
Liên giựt nẩy mình không phải vì đang nghĩ vơ vẩn bị hỏi thình lình mà vì câu hỏi ấy làm nàng bối rối. Nàng ú ớ rồi đáp:
– Dạ…ơ…hơ…có.
Bất giác nàng đưa tay che lấy gói chuối khô, như là không muốn cho ai thấy gói quà nữa, sợ họ hỏi tỉ mỉ về nguồn gốc của nó.
Cái cử động ấy do tiềm thức sai khiến, Ngọc thấy nhưng chưa lưu tâm đến nhiều.
Chàng lật quyển tiểu thuyết mà bạn vừa trả, cho vui tay, vừa lật vừa hỏi:
– Sao, em thấy truyện này có hay không?
Liên trả lời thế nào, chàng cũng không nghe vì chàng kinh ngạc trước một mẩu giấy nhỏ nằm giữa hai trang sách. Có lẽ Liên dùng giấy ấy để làm dấu nơi nàng vừa đọc tới mà phải ngưng để làm việc khác.
Đó là một cái vé chiếu bóng; vé chiếu bóng thì không có gì mà lạ, nhưng kỳ thay, vé ấy là vé vào cửa một rạp xi-nê ở tỉnh.
Không thể nào mà một người xem chiếu bóng ở Định Tường xong lại mang cả vé lên Sàigòn để đánh rơi cho Liên lượm mà ngăn sách.
Ngọc thừ người ra, mắt thơ thẩn đi trên các vật trên bàn và khi nó lướt qua gói chuối khô thì chàng đến muốn ngộp thở vì một sự thật vừa thoáng thấy!
Như cái máy, trí chàng nhập hai vật lại, vé chiếu bóng của một rạp xi-nê ở Định Tường và thứ chuối khô mà chàng biết rằng đó là món quà mà nguồn gốc ở dưới ấy.
Món chuối nầy hình như là ở đâu bên Bến Tre gởi qua và thấy bán nhiều ở bến đò Rạch Miễu và ở bến xe Định Tường.
Phải, Liên có thể mua chuối ấy ở Sàigòn, nhưng còn vé hát kia? Cũng có thể một người bạn trai của nàng xem chiếu bóng ở Mỹ Tho, lơ đãng quên vé trong túi áo sơ-mi và vô tình mang nó về Sàigòn nhưng cũng khó lòng mà có sự tình cờ như vậy.
Mặc dầu không nghe câu đáp của bạn, Ngọc vẫn hỏi:
– Em thích truyện nầy chớ?
– Dạ thích.
– Bạn hữu em có thích không?
– Không, em không cho ai mượn hết.
Ngọc hỏi như vậy để chắc ý rằng không có người thứ nhì nào mó tay vào sách và bỏ quên vé chiếu bóng trong đó, và chính tay Liên đã để mẩu giấy ấy giữa hai trang truyện.
Liên thấy được sự nghi ngờ trong câu hỏi mẹo của Ngọc, nên sợ hãi hỏi:
– Sao anh lại hỏi như vậy? Sách có bị lấm hay rách gì không?
– Không.
Nàng bối rối hết sức rồi đứng lên xin phép ra về.
Mặc dầu trước sau Liên ở có mấy phút đồng hồ và hai người chưa nói gì được với nhau, nhưng Ngọc không tiếc lắm khi Liên đứng lên.
Chàng như là kẻ không hồn, tâm trí bận rộn về một việc mà chàng ngỡ vừa khám phá được: là Liên đang có một bí mật lớn trong đời nàng.
Chàng tiễn bạn ra cửa như lần trước, tự bảo thầm trong bụng:
– Thế nào ta cũng phải khám phá cho ra những bí ẩn của đời nàng.
Và sáng thứ sáu đó, ngày mà chàng không có giờ dạy, cả ngày thứ bảy sau đó nữa, chàng đi Định Tường.
Ngọc bật cười khi bước xuống khỏi chiếc xe đò. Chàng đã đi Khánh Hội nhiều lần mà không làm sao tìm thấy Liên, nếu Liên quả có làm ở Khánh Hội đi nữa thì nay làm thế nào mà gặp được Liên.
Chàng thấy mình là một tay thám tử tập sự chạy đi tìm thủ phạm mà trong tay chỉ cầm được một dấu hiệu rất là nghèo nàn: chỗ ở không chắc đúng của một cô gái vô danh.