Tay cầm gói kẹo, nàng nghe được nỗi vui hồn nhiên của một em nhỏ được mẹ mua quà cho. Nàng lại nghe như có cả một cuộc âm mưu, một sự tùng đảng ngấm ngầm giữa Sang và nàng. Ừ, nàng phải giấu gói kẹo, không thể để nó lọt vào mắt Ngọc được. Lỡ Ngọc hỏi kẹo ở đâu ra (không chắc chàng lại đi tò mò đến việc nhỏ nhặt như vậy, nhưng cái gì cũng có thể xảy ra) thì nàng không thể nói láo rằng đã mua ngoài chợ. Nói thật rằng Sang biếu ư? Không thể được! Sao lại không thể được? Biếu một gói kẹo, nhận một gói kẹo, nào có tội lỗi gì đâu? Nhưng không hiểu sao, nàng cứ nghĩ là sư biếu xén ấy không ổn.
Nàng sẽ giấu luôn để khỏi phải nói láo, và như vậy tức là a tùng với Sang để làm một việc mà thâm tâm nàng cho là không hay.
Sự đồng lõa với nhau trong một bí mật chung gợi cho Liên một mơn trớn dễ chịu. Nàng còn đứng ngây người trước chiếc bàn con, gói kẹo trong tay thì Ngọc đã về. Tiếng chàng, nàng nghe ngoài trước là biết ngay.
Ngọc hỏi Sang:
– Đi giày không vớ có đau chân hay không? Sao lại dùng kỳ lạ như vậy?
Liên nghe qua thì biết Sang nãy giờ vẫn còn ngồi đó đợi Ngọc về mới cởi giày để Ngọc tưởng hắn cũng chỉ mới về trước đây một phút thôi. Không lý gì mà Ngọc nói đến giày vớ khi Sang đang làm một công việc khác.
Liên hồi hộp quá. Chỉ phải phát ra một cử chỉ nhỏ là ném gói kẹo vào cũi đồ ăn, vào giỏ đi chợ thế là phi tang. Vậy mà nàng làm không được, như là gói kẹo nặng quá, chân của nàng cũng nặng như bị trồng dưới đất, khó bước đi vô cùng.
Rốt cuộc nàng cũng xoá được dấu vết của tội lỗi (?) nhưng vẫn không hết hồi hộp.
Khi Ngọc đi ra sau rửa mặt, Liên không dám để cho bị chàng nhìn. Mặc dầu cơm nước đã xong cả, và chưa phải dọn ăn, vì Ngọc có thói quen cần nghỉ một lúc lâu cho thật khoẻ mới dùng bữa, Liên cũng bước lại trong mấy ông lò, bận rộn vì những công việc không đâu.
Nàng biết hễ bị Ngọc nhìn mặt là nàng xẻn lẻn không giấu được.
Nhưng chân tướng của con người khó che đậy quá. Mặc dầu Liên chỉ đưa lưng ra ngoài, Ngọc cũng nhận thấy sự bối rối của bạn. Chàng hơi ngạc nhiên, rồi đứng lặng người mà nghĩ ngợi rất lâu, rồi như chợt đoán ra sự thật, chàng chau mày.
Liên càng bối rối hơn lên và thấy nhột nhạt sau lưng lắm. Đợi rất lâu mà không nghe tiếng nước xối, nàng biết rằng Ngọc đang rình nàng nên nàng khó chịu lắm.
Liệu chừng không thể trốn tránh mãi, Liên vụt thình lình xây lưng lại, quyết đương đầu với Ngọc. Nỗi nguy, khi ta dám nhìn ngay nó, thì có thể ta đỡ sợ và cái nguy vì thế mà bớt nguy.
Không, Ngọc không còn rình nàng nữa. Chàng nhìn mảnh trời trong xanh qua khung trống nhỏ giữa mấy mái ngói rồi mỉm cười, một cái cười khó hiểu. Chàng chợt tìm được một ý hay, hay cười cho tình đời, hay gì gì khác, nào Liên đoán được.
Bận dọn ăn một lát là Liên bình tĩnh lại gần như bình thường. Nàng nghĩ rằng vì nàng có tịch nên sợ hãi thế thôi, chớ làm sao mà Ngọc đoán biết được cái gì.
Nhưng giá thử Ngọc biết thì đã sao? Nàng đã làm gì nên tội đâu. Mà cho dẫu nàng đã phạm tội thì Ngọc làm gì nàng được này. Nàng có nài nỉ, có van cầu hắn cứu vớt nàng đâu? Tự nhiên hắn âm mưu để doạ nạt sự an ổn của nàng, dồn nàng vào một thế bí. Nàng cũng chẳng có long trọng hứa sẽ hoàn lương.
Vả lại, yêu một người con trai, chỉ một người độc nhứt thôi, lại không là hoàn lương à?
Trong bữa ăn, Liên cũng bình thản được. Không phải nhờ suy luận trên đây giúp cho nàng hết sợ Ngọc, mà vì nàng bận nghĩ về một tâm trạng lạ kỳ của nàng.
Trước kia nàng vẫn suy luận theo điệu đó lúc sắp về với Ngọc và xem Ngọc không có kí lô nào hết.
Giờ thì suy luận theo chiều hướng ấy sao mà gượng gạo lắm, và suy luận xong, tuy nghe khá ổn mà vẫn cứ sợ Ngọc như thường.
Có phải chăng là nàng đã trở lại biết xấu, biết tốt rồi, có phải chăng nàng đã yêu Ngọc nhiều lắm rồi nên không thích phiêu lưu mạo hiểm về tình cảm?
Nếu nàng liều mà yêu rồi ra đi với Sang, lỡ hắn bỏ rơi thì bất quá trở lại cuộc đời gió sớm mây chiều chớ có chết đói đâu mà lo, lại khỏi phải làm tôi mọi cho ai như bây giờ, khỏi phải lao lực quá sức vì mớ đồ may mà tiền công rẻ mạt kia. Nhưng nàng lại không dám liều như vậy.
Liên nghe rõ ràng mình không phải là một cô gái giang hồ với những ý nghĩ bạt mạng của họ nữa. Nàng đã trưởng giả như một cô gái lành, một bà vợ đảm rồi, và rung động của nàng trước săn sóc của người khách trọ trẻ tuổi chỉ là một cơn gió thoảng qua thôi mà bất kỳ gái lành, vợ đảm nào cũng có thể bị lung lay như vậy trong những lúc thiếu thốn về mặt tình cảm hay về xác thịt.
Nàng tươi vui lên được giây lát khi khám phá ra gương mặt thật của lòng nàng, nhưng rồi u sầu trở lại khi nhớ đến sự lạnh lạt của Ngọc.
Nàng yêu Ngọc, muốn yêu Ngọc vô cùng. Nhưng có một lần Ngọc suýt quên, toan ẵm nàng trên tay thì bỗng nhớ lại dĩ vãng của nàng. Có lẽ chàng bị cái dĩ vãng ấy ám ảnh chớ có lý đâu mà chàng không thấy rằng nàng đã chịu khổ hạnh để mong được làm vợ.
Chàng còn muốn cái gì nữa? Chịu ăn cực, chịu làm lụng đến chai bàn tay non, chịu ngồi gần cúp lưng để may vá, chưa đủ khả năng qua khỏi cuộc thử thách của chàng hay sao?
Dĩ vãng! Dĩ vãng của nàng có gì đâu. Nàng chỉ có yêu Văn thôi, mối tình đầu của nàng, trong sạch và chánh đáng, không ai có quyền trách nàng cả.
Rồi sau đó, chỉ có thân thể nàng lỡ bợn nhơ thôi, mà thân thể bợn nhơ, lại không bao giờ rửa sạch hay sao?
– …Chỉ có trăm hai một tiếng đồng hồ…
Liên nhớ rõ khi nãy hai người đàn ông đang nói chuyện về thể dục, và Ngọc đã cố xoay câu chuyện qua hướng nghề nghiệp của chàng, qua hướng lương bổng của chàng.
– …Mà mỗi một tuần thầy chỉ được có mười giờ dạy thôi.
Cứ tin theo lời Ngọc thì mỗi tháng chàng chỉ lãnh được bốn ngàn tám thôi, tức là không dư dã. Nhưng sao Ngọc lại đi suốt cả ngày?
Hắn không muốn cho nàng biết hắn có tiền, chắc không phải sợ nàng tiêu pha hoang phí vì hắn đưa tiền có chừng mực, chớ không phải giao cả cho nàng.
Phải chăng sự tiết lộ chi tiết ấy chỉ có một mục đích làm cho nàng tuyệt vọng, không còn mong mỏi gì nơi một tương lai không sán lạn mấy. Tại sao hắn lại tìm đủ cách để khiến nàng chán nản thế nầy?
Bỗng nàng giựt nẩy mình, toàn thân mọc ốc hết. Nàng vừa nghe một bàn chân chạm phải bàn chân của nàng.
Liên ngồi phía bên mặt của Ngọc, tức là bên trái của Sang quanh một chiếc bàn nhỏ. Chính bàn chân mặt của nàng bị chạm và không còn nghi ngờ gì được nữa. Chắc chắn là Sang đã đụng nàng.
Không hiểu sao, nàng không lùi chân lại, và cứ như sẵn sàng tiếp đón sự đụng chạm ấy. Bàn chân kia có vẻ là một tên lính tuần-thám thám địa cho biết rõ tình hình bên địch để rồi sẽ hay, nên vội vàng lui bước ngay lập tức.
Liên liếc nhìn Sang thì thấy hắn bình thản như không việc gì xảy ra cả. Có lẽ trong một cái duỗi chân, bàn chân của hắn vô tình đi xa một chút mà hắn không hay, và hắn co chân lại một cách máy móc. Mà có thể rằng hắn cố ý nhưng lại còn nhát nên không dám phiêu lưu xa hơn nữa.
Nhưng cứ xét theo hành động của hắn hôm nay thì Sang là một anh con trai rất bảnh, gan dạ hơn Văn và Ngọc nhiều lắm về mặt đàn bà, thì khó lòng mà nói rằng hắn không dám.
Dầu sao, Liên cũng đâm ra sợ hãi chính mình. Nàng bắt chợt được nàng, không còn chối cãi được nữa, đã không dang chân ra để tránh sự đụng chạm ấy mà trái lại còn mong đợi nó, còn băn khoăn vì sự lùi bước của Sang.
Không, nàng không có yêu người học trò bỏ nhà ấy, nhưng đã cảm tình với hắn nhiều quá rồi.
Không, nếu hắn táo bạo, cả gan đi xa hơn, chắc chắn là sẽ bị cự tuyệt ngay, nếu không bị mắng nhiếc thậm tệ. Nhưng hắn khôn ngoan bước tới bằng những bước chậm chạp mà khéo léo thì Liên e rằng nàng khó mà không phạm tội được lắm.
Nàng đã bắt đầu yêu Ngọc nhưng lại thiếu thốn đủ thứ, thiếu thốn nhiều quá. Trước đây hai tháng, khi căn bịnh chai lòng còn đương trầm trọng, Sang mà đẹp trai như Tống Ngọc, có học giỏi đáng mấy bậc thầy của Ngọc, nàng cũng chẳng coi vào đâu.
Bất giác, Liên liếc nhìn chồng và nghe thương người bạn của nàng vô hạn. Hy sinh của Ngọc không đáng kể bao nhiêu vì trước đây có nhiều khách mê nàng, dám bỏ bạc vạn bao nàng thì sự nuôi cơm như nuôi con đòi của Ngọc nào có đáng kể gì. Nhưng hắn là người đã trị lành tâm bịnh của nàng, cái chứng bịnh mà nàng ngỡ là nan y, và đã tuyệt vọng cho đời sống tình cảm của nàng, cái bịnh KHÔNG YÊU ĐƯỢC NỮA.
Liên thương bạn vì quan niệm rằng người bạn ấy là người phải được thưởng công xứng đáng bằng tất cả tình yêu của nàng, bằng tất cả những gì trong sạch còn sót lại trong lòng nàng. Ấy thế mà chưa chi, vừa mới dứt cơn bịnh, chưa lấy lại sức, nàng đã có khuynh hướng phản bội rồi.
“Ngọc sao hôm nay dễ thương lạ. Chàng cũng đẹp trai đó chớ, thêm vào đó, sự trầm lặng của một người đã qua khỏi tuổi lao chao hai mươi, sự trầm lặng nhờ thói quen nghề nghiệp tạo cho. Chàng xứng đáng làm chồng của ta biết bao!
“Nhưng ta lại đang thiếu thốn! Ngọc ơi! Nếu anh rõ thấu được lòng em và xác thịt em! Em như là một con bịnh vừa khỏi, cần ăn nhiều lắm, ăn nhiều hơn người thường gấp bội, người ta gọi đó là ăn ‘trả bữa’ ăn ‘lại sức’. Em cần yêu và cần được yêu nhiều cho bù với cả hai năm xuân tươi của em mà em không biết tình yêu là gì.”
Liên tủi thân, ứa lệ rồi và vội miếng cơm còn sót lại, hối hả nuốt để buông đũa đi ra sau.
***
Nếu đêm là một người khuyên nhủ tốt, đêm cũng thường là kẻ xúi dại.
Liên nằm đó, lắng nghe tiếng động đô thành lần lần chết trong canh vắng và nhớ Ngọc vô cùng. Nàng nghe như là đã ăn ở với bạn rồi, và bây giờ Ngọc đi xa, nàng thèm được hít cái mùi của Ngọc, mùi đặc biệt mà trên đời nầy, không ai có cả, trừ ra Ngọc.
Sao Ngọc lại không vào với nàng? Nàng biết rằng chàng không vào, mà cứ chờ đợi mỗi đêm như thiếu phụ ngày xưa bồng con lên đỉnh non cao mà ngóng người bạn đời xuôi vạn lý.
Liên không sợ hóa đá vọng phu mà chỉ lo rằng phải ngã vì mỏi mòn trông đợi. Nàng cần nói cái gì với ai, và được ai nói cho nghe những điều gì. Đó là món ăn cho lòng nàng mà nàng đang đói.
Lòng nàng kêu gào đòi hỏi tình yêu, mà xác thịt nàng cũng kêu gào đòi hỏi tình yêu. Sinh lực dồi dào của tuổi hai mươi bị lụn đi một lúc và bây giờ sống lại mãnh liệt hơn bao giờ cả.
Nếu đêm nay, nhà không cỏ kẻ lạ, chắc Liên đã chạy ra ngoài ôm lấy chân của Ngọc mà hôn để cho chàng biết rằng Liên đã yêu chàng đến cực độ, không còn chờ đợi được nữa. Và vì nàng không còn chờ đợi được nữa nên rất có thể nàng ngã trong khi nàng rất sợ phải ngã.
Với giá nào, ừ quyết với giá nào, nàng cũng phải được yêu nội đêm nay, dầu cho Ngọc có hắt hủi nàng, có xua đuổi nàng như đuổi một con chó ghẻ, nàng cũng quyết quì bên chân chàng để xin được chàng yêu, và nàng sẽ được yêu, vì Ngọc không phải là kẻ vũ phu cũng không phải là kẻ vô tình.
Liên nghe bứt rứt, bực bội, nóng nảy như muốn điên lên. Nàng vụt ngồi dậy một cái thật mạnh, làm rung chuyển cả chiếc giường, cử chỉ ấy làm giảm được sự căng thẳng của bộ thần kinh của nàng, nên chi Liên bình tĩnh lại được.
Nhưng biết rằng không vì thế mà nàng yên ổn được suốt cái phần còn lại của đêm dài, Liên ra sau để tắm nước lạnh.
Hứng trên đầu trên vai, trên lưng mấy gáo nước mát đầu tiên, Liên rùng mình, không phải vì lạnh mà vì sợ cho cái căn bản xấu xa của con người. Đêm nay nàng đã xuống thật thấp, thấp quá trong phẫm giá con người. Nếu không có Sang, nàng đã phải lạy Ngọc để được yêu, và nếu không có Ngọc, biết đâu nàng lại không ngã trên tay của Sang?
Thì ra xác thịt yếu đuối quá, thấp hèn, đê tiện quá. Và nó lôi kéo cả tâm hồn con người xuống cái vực nhơ bẩn của nó. Còn đâu là cái thanh cao của con người có học, có hạnh, có giáo dục!
Trong giây phút, Liên đâm nghi ngờ rằng nàng đã xấu xa lúc buôn hương. Lúc đó nàng chỉ cần tiền chớ tuyệt nhiên không hề bị xác thịt dằn vật như đêm nay. Thế nghĩa là đêm nay một người đàn bà lương thiện lại đáng ghê tởm hơn một kỹ nữ.
Liên sợ hãi, mà bắt chợt mình đã ngụy biện đến mức đó. Khi lập luận như vậy, tức là rất có thể quay về đường cũ dễ như chơi. Nàng xối nước ào ào, cốt cho bị thấm lạnh, và sẽ còn phải lạnh rất lâu trong lúc dỗ giấc ngủ khó khăn lát nữa đây.
Đêm ấy trăng mưòi chín! Ánh trăng mọc trễ soi nghiêng qua mảnh trống nhỏ trên hồ nước, bắn vào tường và bị bức tường trắng ấy phản chiếu lại, soi tỏ thân thể nàng.
Liên không còn hãnh diện như khi xưa, mỗi lần tắm, cứ thầm khen mình có một tấm thân cân đối.
Giờ thì nàng ghê tởm lắm cho cái bình thịt xương bên ngoài tuyệt mỹ ấy, mà lại chứa đựng bên trong những phản ứng hóa học bí mật rất là bẩn thỉu, những phản ứng hoá học này lại ảnh hưởng đến cả cái phần tâm hồn đáng lý là rất thanh cao của nàng.
Cái lạnh lẽo của đêm khuya và của da thịt vừa tắm nhiều nước hồ, đã giúp Liên quên mất cơn lạnh của tấm lòng và cơn sốt nóng của dục vọng.
Nàng trùm mền lại cho ấm và giấc ngủ đến dễ dàng. Không mấy chốc mà nàng đã thiếp đi rồi.
***
Ngày mai hé màn, Liên lại trở về với công việc nhọc nhằn thường bữa, giặt gỵa, quét tước, lau gạch, đi chợ nấu ăn, nhứt là bỏ nghỉ trưa để may và thức thật khuya để may.
Bẵng đi ba ngày, Sang lại đi về như cũ, tức là ra đi sớm hơn chủ nhà và về trễ hơn ông ấy.
Có một bữa hắn báo cho chủ nhà trước rồi bỏ cơm tối và đi luôn sáng đêm.
Đó là cái đêm đầu tiên trong một tháng trời có khách mà Liên ở một mình với người chồng có cưới mà không có ăn ở với nhau.
Đó là cái đêm mà hy vọng của Liên vốn lịm đi mấy mươi ngày, bỗng lại bừng tỉnh dậy. Lúc đầu hôm nàng đã tắm và thay bộ y phục mát đẹp nhứt của nàng. Phấn son và nước hoa là những món nàng cho ngủ quên dưới đáy rương, lại được nàng moi ra dùng lại.
Ngọc thích vẻ đẹp tự nhiên của người thôn nữ, thích mùi hoa dại của cỏ nội, hay sẽ ngây ngất trước sự lộng lẫy nhân tạo như bao người đàn ông khác? Liên thật mù tịt về điểm ấy.
Tuy nhiên nàng cứ thử xem vì Ngọc đã chẳng xiêu lòng khi nàng ăn mặc và điểm trang đơn giản thì sao lại không trình bày cho chàng thấy một khía cạnh mới của nàng.
Liên soi gương và chính nàng cũng kinh ngạc cho sắc đẹp của nàng, khi được trang điểm tỉ mỉ; nàng chắc chắn là nàng đẹp hơn hồi còn là con gái nhiều lắm, và Ngọc đang có trước mặt chàng một thiếu phụ khác hẳn cô nữ sinh năm trước.
Cô nữ sinh ấy gợi tình yêu trong trắng của chàng thì thiếu phụ sắc sảo này lại sẽ gợi thèm muốn của chàng một cách mãnh liệt.
Quả Ngọc đã chú ý đến bạn, khi đi ngang qua buồng trong để ra nhà sau.
Liên ngồi trên giường lược áo và Ngọc ngập ngừng giây lát rồi dừng bước trước giường nàng. Nàng ngước lên mỉm cười với chồng, đôi con mắt sáng nói to ra tình yêu của nàng.
Ngọc đứng chết sững rất lâu mà nhìn cái miệng cười ấy, rồi bốn mắt gặp nhau, mắt Liên bây giờ không còn sáng nữa, nó chỉ bồi hồi chờ đợi rồi lại áo não buồn khi thấy mắt bạn quả có thèm muốn đấy nhưng rưng rưng lệ xót thương.
Liên đã hiểu là chồng nàng, Ngọc, thương hại bạn vì tội nghiệp cho công trình trang điểm của bạn. Chàng biết rằng Liên đã yêu và rất muốn được yêu. Hơn thế nàng nóng lòng được yêu vì sợ ngã.
Đã mấy lần, Ngọc không nỡ và dượm bước tới, và đã mấy lần Liên hồi hộp đợi chờ, và mấy lần thất vọng. Rốt cuộc chàng hỏi:
– Hôm nay em may có mệt lắm không? Đã quen với sự cực nhọc chưa?
– Dạ, em quen rồi anh à! Nhưng mà… em không quen được với sự trơ trọi.
Nước mắt nàng rơi lộp độp xuống lụa của chiếc áo đang lược. Liên cố cầm giữ để khỏi òa lên khóc vì tự ái của nàng ngăn nàng đầu hàng. Mới đêm nào đây, nàng suýt chạy ra trước với chồng để van xin anh ấy ban cho nàng một chút tình yêu, nhưng trong giây phút này, nàng lại sợ bị Ngọc khinh rẻ.
Ngọc thở dài mà rằng:
– Anh cũng trơ trọi lắm. Nhưng anh cố kiên gan. Để xem em sẽ có đủ can đảm hay không?
Trời ơi, may quá là nàng đã không khóc, chớ thôi Ngọc đã cho rằng nàng yếu kém rồi còn gì; mà kẻ yếu kém thì không vững đường tu, ngã lúc nào không biết chừng, không đáng được nâng đỡ lắm.
Ngọc nói rồi quay đi, bước ra sau. Lúc hắn trở lại, Liên liếc thì thấy hắn không dám nhìn nàng nữa. Chính hắn cũng yếu kém chớ không phải thần thánh anh hùng gì đâu. Hắn sợ không cưỡng nổi với sức quyến rũ của sắc đẹp của nàng.
Liên rất biết hiệu lực và sức mạnh của hai cánh tay trắng của nàng khi nàng mặc áo ngắn tay. Đó là hai cánh tay hồng tự nhiên mà khi nãy, Ngọc đã chỉ nhìn vào đó thôi. Nhứt là đêm nay mà nàng lại mặc áo đen thì cái nước trắng hồng ấy trở nên ma quái không làm sao Ngọc không sợ hãi được.
“Ngọc ơi, chàng chỉ là người thôi với tất cả hèn yếu của con ngưòi, mà chính vì thế, chính vì không phải là thần thánh nhưng lại thắng được hai cánh tay nầy, nên em mới kính phục chàng và nghe càng yêu chàng hơn.
“Nếu giờ mà em giở ngón hồ ly để mê hoặc chàng thì chắc chắn là em sẽ thắng, nhưng em muốn chàng được tiếng anh hùng toàn vẹn.”
Liên nghĩ thầm như vậy lúc nhìn theo lưng bạn, nhưng không khỏi lăn ra để mà khóc òa khi cái lưng ấy khuất sau khung cửa.
Nàng ôm cả gối chăn và chiếc áo chưa may vào ngực nàng, nghe cô đơn dâng lên mênh mông hơn bao giờ cả.
Kể từ giờ phút ấy trở đi, Liên lại đâm ra hờn Ngọc. Nàng không dè rằng khi người ta hờn tức là người ta đã yêu sâu đậm lắm rồi.
Nàng hờn Ngọc, dám hờn Ngọc, vì nàng đã mất được tự ti mặc cảm sau một phút hy sinh để cho Ngọc trọn tiếng anh hùng, trọn tiếng mạnh mẽ, không lụy vì sắc dục. Phải, hy sinh được như vậy có nghĩa là nàng đã xứng đáng làm con người, không còn là một kỹ nữ hạ tiện nữa rồi.
Nàng hờn. Nàng đã dám hờn và đi lần đến chỗ căm giận bạn như lúc mời bị xỏ mũi dẫn về đây. Lúc ấy chưa ý thức lắm về sự cách biệt giữa cái sạch của Ngọc và cái bẩn thỉu của nàng, nàng tự nghe ngang hàng với Ngọc và toan cho Ngọc mọc sừng cho bõ ghét.
Giờ, vừa lại nghe ngang hàng với Ngọc sau mấy tháng mặc cảm, nàng lại muốn trả thù cho bõ ghét.
“Ừ, hắn nói là đợi cho mình biết yêu nhưng thật ra thâm tâm hắn muốn đợi cho mình xứng đáng đó. Giờ mình đã xứng đáng rồi, thì hắn còn đợi gì. Phải chăng là đợi mình xuống nước lạy lục hắn.?
Được, để thử coi ai lạy ai cho biết.”
Liên khóc hết nước mắt rồi ngồi dậy cầm tấm lụa đã cắt ra thành áo mà chưa may. Những nơi bị ướt lệ, dày mo và cứng như da trâu. Nhưng rồi nó sẽ khô và nhẹ và dịu lại như thường như là tấm lòng và tấm thân nàng, cũng đã chai cứng và cũng đã dịu, nhẹ lại, dịu nhẹ quá đến gần như yếu mềm.
Liên lại bùi ngùi tưởng nhớ đến thuở hoa niên của nàng. Thuở ấy hàng lụa khác xa với bây giờ, có những thứ lụa hễ có nước vào là bị ố, và ố là hỏng.
Liên đã khóc một lần vì chê mẹ cắt áo không khéo. Lụa áo bị nàng làm ố vì thế mà nàng càng tiếc và càng khóc nhiều hơn và lụa áo lại bị ố nhiều hơn.
Lệ của trẻ con thật buồn cười nhưng lệ của nguời lớn có buồn cười hay không đối với người ngoại cuộc? Tại sao nàng khổ sở quá về vụ này cho đến khóc lên, khóc xuống như thế này?
Liên ôm mối hận bước nào giấc ngủ hồi nào không hay, và hận ấy chìm vào tiềm thức nàng, nên sáng hôm sau khi Sang về sớm hơn Ngọc, đi thẳng xuống nhà bếp, bước lại đứng gần nàng, nàng không phản ứng.
Liên đang xắt rau ghém trước chiếc bàn con, và Sang đứng cạnh nàng, nhìn nàng rất lâu. Liên nghe như tia mắt hắn có một luồng điện nhẹ nó xẹt vào tóc nàng vào gáy nàng và chạy dài xuống đến gót nàng.
Cảm giác nầy, nàng chỉ nghe có hai lần, một lần khi gặp gỡ Văn, và lần nầy đây thôi.
Liên nhìn không thấy rõ những cọng rau, con dao nhỏ và cả mặt bàn nữa. Tất cả đều lờ mờ, hư ảo, và tâm trí nàng chìm lần vào một thế giời kỳ diệu mông lung nào.
– Liên! Sang chỉ gọi nho nhỏ thôi, nhưng sao nàng lại nghe tiếng gọi ấy vang lên to quá, không phải bên tai nàng, mà trong lòng nàng.
Liên đê mê, không biết có nên đáp lại tiếng gọi ấy bằng một tiếng gọi khác, hay bằng cách ngẩng mặt lên hay không thì bỗng hai người nghe tiếng giày của Ngọc bước lên thềm nhà.
Chiếc bàn kê khuất sau bức tường buồng trong nên chắc chắn là Ngọc không thấy gì cả.
Sang vẫn bình tĩnh tự nhiên như vừa ghé lại để hỏi một câu chuyện rất lành, rồi khoan thai đi tuốt vào buồng vệ sinh.
Hắn ngồi luôn trong ấy, không ra nữa. Theo lệ thường Ngọc tuột đôi giày ra thì vội vàng đi rửa mặt ngay rồi mới thay y phục.
Chàng bắt gặp một cô Liên bối rối thì ít, bẽn lẻn thì ít, nhưng trống ngực đánh thùng thùng nếu chàng nghe được tim cô ấy.
Ngọc thấy thau nước Liên múc để sẵn trên ghế đẩu như mọi ngày nên rửa tay mà không phải hỏi gì cả.
Tinh cờ chàng chú ý đến cánh cửa buồng vệ sinh đang đóng lại nên chàng hỏi lớn:
– Sang đó hả?
– Dạ em…
Rồi thì nghe tiếng giấy Sang vò lào xào trong đó. Nhờ sự khéo tính của Sang, nên mọi việc xảy ra có vẻ rất tự nhiên và ổn lắm, nên Liên bình tĩnh lại được nhưng vẫn còn ngẩn ngơ, như vừa ra khỏi một giấc chiêm bao.
Chương 15
Căm hận lẩn vào tiềm thức để biến thành một khuynh hướng phản bội bỗng dưng tiêu tan trước sự hiện diện của một người mà tình yêu của nàng đã đặt vào rõ rệt.
Sự có mặt của Ngọc là một lời cảnh cáo quất vào lương tâm nàng như một chiếc roi da, mặc dầu chàng không hay biết gì cả, không khiển trách một lời nào.
Nhưng Liên lại tự hỏi không biết có phải là Ngọc không hay biết thật hay không? Chàng sâu sắc và tế nhị lắm. Ở nhà nầy, và trong lớp, không có chi tiết nhỏ nhặt nào, cử chỉ cỏn con nào mà qua mắt chàng được cả.
Chàng có tài đoán biết cả cảm nghĩ của một người qua khoé mắt, qua một cái giựt nhẹ của thớ thịt mặt của người ấy.
Thế nghĩa là chàng có thể đoán biết một phần sự thật!
Suy luận như vậy, nhưng Liên lần nầy không sợ hãi, không mắc cở nữa. Ngọc biết mà bình tĩnh được như thường, tức là chàng bỏ qua vì thái độ khoan hồng bởi tinh thần hiểu biết.
Liên nghe rằng Ngọc xứng đáng làm chồng của nàng lắm. Và lấy làm kỳ cho thái độ lưng chừng của nàng trước mấy lần toan tấn công của Sang.
Trong bữa ăn hôm đó, lần đầu tiên từ khi về đây, Liên quan sát Ngọc. Ngọc chững chạc như một người bốn mươi. Nghề nghiệp đã tạo cho chàng ra như vậy phần nào, nhưng chắc chắn là vì bản chất sẵn của chàng như thế, chớ nghề nghiệp không giỏi luyện kỹ như vậy đâu.
Chàng không đẹp người lắm, nhưng thân thể được tạc như tượng đá, về khía cạnh mạnh khỏe chớ không phải về mặt khéo léo. Mặt chàng rắn rỏi cương quyết nhưng lại hiền từ.
Rõ là khi thương trái ấu cũng tròn. Giọng nói của Ngọc, Liên nghe sao mà êm, nhẹ và mát lạ kỳ.
Người con gái ham tài, và cũng ham sắc như con trai. Nhưng họ lại ham hơn sự che chở của một người đàn ông đủ khả năng bảo vệ họ ; Liên có cảm giác rằng Ngọc là một bóng cây khi nắng, một đập đá trước bầy sóng, một bức tường trước gió.
Tình yêu của nàng cứ rõ rệt lần, và càng rõ rệt, nàng càng nóng lòng được yêu, được sống thật sự đời sống vợ chồng với Ngọc, và càng nóng lòng, nàng càng đâm ra căm hận, càng căm hận, Liên càng bị khuynh hướng phản bội dày vò.
Đêm ấy, cũng như những đêm khác, Liên lại phải mơ đến vị hoàng tử đẹp trai như người con gái dậy thì, vị hoàng tử ấy đã là chồng nàng, đang ở chung với nàng dưới một mái nhà, mà nàng phải mang theo hình ảnh của y mãi đến trong giấc ngủ.
Sáng hôm ấy là ngày ăn uống đặc biệt, nên Liên không bận lắm về việc bếp núc. Cứ tám ngày một là Liên cho ăn một bữa ăn ngon một lần, bằng tiền truất bớt ở các bữa ăn thường ngày.
Hôm nay nàng cho ăn cà-ri chà với bánh mì, chỉ phải nấu có một nồi cà-ri thôi, rảnh được hàng giờ để đọc sách xả hơi một bữa.
Sang về sớm quá, sớm cả tiếng đồng hồ chớ không phải năm ba phút trước Ngọc như hôm qua.
Tâm trạng nàng mâu thuẫn kỳ lạ. Nàng sợ Sang, nhưng lại mừng mà thấy hắn về sớm.
Nàng mong cho hắn biết điều, nhưng tưởng tượng sẽ phải tiếc và buồn lắm nếu hắn biết điều.
Ngồi đọc tiểu thuyết nơi bìa giường, Liên nghe tiếng giày, biết Sang lấp ló ở cửa buồng, nửa muốn vào nửa không dám! Hôm nay hắn không còn bảnh như ngày thường mà lại đâm ra nhút nhát, có lẽ vì hắn đã tính trước công việc nên mới phải sợ như vậy.
Liên định bước xuống để đi ra phía trước. Làm được việc ấy, nàng sẽ thoát nguy ngay. Nhưng không hiểu sao chân nàng lại nặng như treo chì, không cử động được.
Bấy giờ Sang đã tới bên trong. Hắn bước lại gần chỗ Liên ngồi và nàng buông sách ngước lên thì thấy hắn đứng đó trong dáng điệu “mùi” như kép cải lương sắp vô sáu câu vọng cổ.
Đáng lý gì Liên đã bật cười. Nàng vui tánh lại tinh nghịch, ranh mãnh và chưa hề buông tha một trường hợp lố bịch nào cả.
Nhưng lần nầy nàng lại không có cái phản ứng quen tánh ấy vì bận nghĩ đến sự khác nhau của thái độ của hai người ngày hôm qua và ngày nay.
Hôm qua, Sang đã đứng ngắm nàng rất lâu. Nay hắn mới xáp đến là toan nói. Hôm qua nàng đã bẽn lẻn sượng sùng, hôm nay nàng lại ngước lên ngay. Sang đã quả quyết nói cái gì, còn nàng thì đã bớt bối rối!
– Liên!
Liên chớp lia mí mắt, không biết nhìn vào đâu và hoang mang không biết có nên phản đối lối gọi vô lễ ấy hay không.
– Liên! Sang không hiểu nỗi khổ của Liên đến đâu và không xét đoán toàn điện được gia đạo của Liên.
Nhưng mà Sang tự hỏi, khi chỉ nhìn sơ qua cuộc sống ở đây, tự hỏi cuộc sống như vậy có đáng cho Liên sống hay không? Liên chôn vùi thời son trẻ của Liên bên nồi cơm trách cá trong khi nhờ sắc đẹp, Liên đáng sống một đời sống lộng lẫy, tưng bừng.
Liên dư biết rằng hoa chỉ nở có một lần và xuân chỉ trở lại nơi người khác; Sang ở đây suốt tháng trường mà chưa hề thấy Liên được chồng đưa đi dạo mát, đưa đi ăn hiệu, đưa đi xem chiếu bóng lần nào.
Sang tội nghiệp cho Liên quá và Sang cũng yêu Liên vô cùng. Sang nhận rằng mình yêu tội lỗi, nhưng tình yêu nơi Sang mạnh hơn lý trí, Sang không giữ gìn được nữa.
Nếu xét không lầm thì Liên cũng không có ác cảm với Sang, vậy Sang xin đề nghị với Liên điều nầy. Nếu quả Liên không chê Sang là một anh học trò hư hỏng, thì Sang dâng trái tim Sang cho Liên, Sang thề sẽ làm cho Liên sống xứng đáng với nhan sắc, với phong thái của Liên và thề sẽ yêu Liên mãi mãi, bằng cách tự cột dính lại với Liên bằng một cuộc cưới xin do cha mẹ Sang đứng chủ hôn.
Thấy Liên thẫn thờ không nói, mà sự câm nín của người con gái thường được xem như là sự thuận tình, Sang bước lại gần Liên hơn và lại gọi:
– Liên!
Cả hai đều nghe được hơi thở của nhau, hơi thở mạnh và dồn dập của những buồng phổi bị giây thần kinh quá xúc động giục mạnh vào.
Sang đánh bạo, đưa tay cầm lấy tay Liên. Nàng rùng mình vì sự ớn lạnh do đụng chạm gây ra thì ít, mà vì sợ hãi, vì khinh tởm chính mình thì nhiều: Một thoáng khuynh hướng phản bội mong manh kia sao lại làm tiêu tan được bao nhiêu ý chí quyết làm lại cuộc đời với một người mà nàng bắt đầu yêu?
Mặc dầu Liên không phản ứng, Sang vẫn bước từ từ. Hắn đợi cho tình cảm của Liên lắng lại cho rõ ràng. Vì quả hắn yêu thật tình, đây là mối tình lớn của hắn, muốn cho nó tròn trịa ở cả đôi bên, cố tránh cho Liên khỏi bị giây phút xúc cảm nông nổi rồi thất vọng về sau.
Liên đê mê như nửa say nửa tỉnh nhưng bỗng nàng tỉnh hẳn ra khi bàn tay thứ nhì xoa lên tóc nàng.
Liên né đầu qua một bên, giựt lại bàn tay bị hắn nắm, nhưng vì nàng chỉ làm thinh nên Sang ngỡ đó là một cử chỉ phản đối lấy lệ của nữ phái cho họ đỡ thẹn thôi.
Vì thế mà hắn không lui bước, và đưa tay toan nắm trở lại tay Liên:
– Liên ơi, nếu Liên biết được Sang yêu Liên đến mức nào!
Liên gạt tay Sang mà rằng:
– Sang nên đi ra ngoài.
– Liên sợ bị bắt gặp à? Được, Sang đi đây. Nhưng trước khi đi Sang muốn được biết ý của Liên đối với lời tỏ tình của Sang.
Nói xong, hắn chờ vài mươi giây, và không nghe Liên thốt ra lời nào cả, hắn tin rằng người con gái vẫn thế, luôn luôn e thẹn và chỉ đáp lời câm lặng thôi.
Như vậy, hắn phải làm cử chỉ gì để kêu gọi sự đáp lời câm lặng ấy bằng một cử chỉ ưng thuận của Liên.
– Liên à, nếu yêu thì cứ yêu, sao lại sợ sự rủi may về sau? Nếu về sau gặp rủi thì bất quá cũng như bây giờ không may, chớ có sao đâu.
– Sang không làm sao hiểu thấu thực trạng của gia đình Liên, nhứt là sự thật về tâm trạng Liên..
– Nhưng mà Sang đã trót yêu Liên.
– Thì mặc Sang, Liên có bảo Sang làm thế đâu!
– Có, Liên đã gián tiếp khuyến khích Sang bằng cách không phản đối ngay từ lúc đầu.
Liên đuối lý, nín lặng giây lâu rồi nói:
– Nhưng thôi Sang à, ta làm một đôi bạn rất tốt với nhau là hơn.
– Liên ơi, trước Sang tlương hại cho Liên, mà kể từ giây phút này, thì chính Sang là người đáng thương hại. Xin Liên tội nghiệp cho mối tình chân thật của Sang.
Lần này hắn đâm liều và quyết liệt xông pha vào trận cuối cùng. Được hay mất gì hắn cũng cần biết ngay vì hắn không bền chí nữa.
– Không – Liên hét lớn khi hắn đưa tay vịn lấy tay nàng.- Không, Sang ra ngay, không thôi Liên nổi giận thì khốn khổ bây giờ. Không! Trời ơi, con người gì mà…
Bỗng cả hai đều im và yên, cả hai đều rụng rời như thình lình bị một luồng điện mạnh chạm vào người họ.
Căn buồng nhỏ lặng lẽ cho đến nỗi con ruồi bay qua người ta cũng nghe được tiếng chớp cánh của nó.
Hai người đều cúi đầu, mắt dán vào gạch nền nhà nhưng họ biết có người thứ ba đang chĩa vào họ hai tia mắt sắc bén đầy nộ khí.
Ngọc đi giày đế kếp, tình cờ mà về sớm chứ chẳng phải sắp đặt rình mò. Chàng vào nhà không ai hay và nghe tiếng nói trong buồng, chàng nín thở lắng nghe đoạn sau của câu chuyện.
Chàng vừa toan trở gót định đi vài vòng rồi hãy về không cho ai biết gì cả, rồi sẽ định thái độ sau thì tiếng kêu: “Trời ơi!” của Liên làm cho chàng hết hồn, ngỡ Sang làm ẩu và Liên lâm nguy nên buộc lòng phải xuất hiện.
– Sang à.
– Dạ.
– Sang nên đi ra khỏi nhà nầy ngay!
– Em xin thầy và cô tha thứ em! Vĩnh biệt.
Nói xong câu ngắn ngủi ấy, hắn riu ríu đi ra ngoài, hối hả thồn áo, khăn, sách vở vào va-ly rồi không chào hỏi lần chót, hắn thoát ra ngõ.
Liên đã ngã xuống giường, bưng mặt mà khóc, Ngọc chậm rãi bước lại gần nàng và thương xót khi thấy toàn thân bạn rung chuyển mạnh vì những cơn nức nở bởi quá uất ức. Phải, nàng uất hận sao đã quá yếu hèn trong giây phút để phải chịu cảnh bắt gặp quả tang thế nầy.
– Anh Ngọc, em không cần minh oan, anh muốn hiểu sao tùy anh. Nếu anh hiểu theo chỗ anh thấy, em cũng van nài, xin anh một điều là đừng có mắng vốn với mẹ em. Anh khỏi cần đưa lý lẽ gì ra cả mà vẫn bỏ em được như thường vì mẹ em thủ phận, không ưa hạch sách ai hết. Em bịa chuyện gì đó và cắt nghĩa sự trở về của em bên ấy là xong.
Rồi em lại trở về cuộc đời nhơ nhớp của em… Anh, em… em đội ơn anh. đã lo cho em mấy… tháng nay. Em nhớ mãi mãi… lòng tốt của anh…
Lần thứ nhì, nàng lại nức nở lên mà khóc nữa, nghẹn ngào không còn tiếp lời được.
Lâu lắm, nàng nói tiếp, hỏi:
– Anh ơi, những điều em vừa xin anh đó, anh có vui lòng hay không? Xin anh thương một bà mẹ già, không làm nên tội gì, cũng chẳng còn trách nhiệm đối với con gái hư, sau khi đã gả nó cho người.
Ngọc không nói không rằng, toan quay gót trở ra thì Liên hốt hoảng nhảy xuống giường níu lấy chàng mà rằng:
– Em van lạy anh để má em yên. Anh cứ đánh đập em cho đã nư giận anh đi, nhưng tha cho má em…
Nàng lạy thật tình, nói cho đúng ra nàng té quỵ xuống và quì luôn trên gạch không buồn đứng dậy, ngước lên nhìn Ngọc để chờ sự khoan hồng của chàng.
Nhưng lạ lùng thay, Ngọc lại đặt nhẹ tay chàng lên tóc, lên trán của nàng, Liên kinh ngạc đến không còn biết sung sướng, mừng rỡ nữa.
Ngọc lại cúi xuống đỡ xốc nàng đậy, và không buông nàng ra khi nàng đã đứng lên ngay ngắn:
– Không, anh đã nghe hết, anh không có làm gì em đâu.
– Trời ơi, thật sao anh, anh tha thứ em dễ dàng như như vậy sao anh?
– Không phải tha thứ, anh xem như là chuyện này không có xảy ra, em có lỗi gì đâu.
– Nếu anh rộng lượng được như vậy thì ít ra em cũng đã phạm cái lỗi không đuổi nó ra ngay để cho nó đủ thì giờ nói những điều không phải đạo…
– Phải, đó là một cái lỗi, ấy nhưng lỗi cũng do anh phần nào. Anh đã sơ ý nhận một người con trai trong nhà, rồi về sau anh lại cố ý để như vậy để thử thách em. Em có thể trách ngược lại anh, nếu em là đàn bà Âu Châu.
– Anh!
Hai bàn tay của Liên bấy giờ mới dám phiêu lưu vịn lấy vai bạn. Bốn mắt nhìn nhau, Ngọc cố tìm trong đó để hiểu tình cảm thật của Liên, vì rất có thể nàng bị xúc động giây lát rồi thôi, còn Liên thì cũng cố nói ra bằng mắt mối tình yêu vừa phát sanh nơi nàng.
Ngọc đưa cánh tay rắn chắc của chàng ra sau lưng Liên, để đỡ lấy bạn: Liên thấy mình đang bước vào hạnh phúc đây, nên nàng sung sướng thả trôi thân thể, không cần phải ra sức đứng nữa.
Ngọc cao hơn nàng một cái đầu, nàng nhắm mắt lại, Ngọc chỉ cúi mặt xuống là đôi môi gặp nhau. Nhưng Ngọc nhìn bạn, do dự rất lâu rồi với cánh tay đỡ lưng khi nãy, chàng nâng đầu bạn lên ngay ngắn đoạn chỉ hôn lên tóc Liên thôi, rồi buông bạn ra liền.
Liên đang chơi vơi trong một giấc mơ kỳ ảo bỗng bị đánh thức dậy thình lình. Nàng mở mắt ra, ngạc nhiên hết sức cho sự biến đổi đột ngột trong tình cảm của Ngọc..
Đây là lần thứ mấy rồi không nhớ nữa mà Ngọc đã lai vãng đến thềm luyến ái nhưng rồi trở gót không chịu bước vào.
Tự ái không cho phép nàng nài nỉ được chồng yêu đương, nên khi Ngọc buông nàng ra, Liên nhẫn nại chịu số phận, cắn răng nuốt lệ tủi hổ, biết rằng còn lâu lắm, một dịp khác mới xảy ra để đưa nàng vào vòng tay Ngọc.
Tuy nhiên trong bữa ăn trưa hôm đó, nàng cũng vui vẻ được, vui hơn tất cả mọi bữa ăn, từ ngày nàng về nhà chồng.
Người khách lạ đã đi, sự thân mật trở về, tuy nó không chường ra mặt lắm, nhưng hẳn là thân mật hơn lúc trước, nhứt là Ngọc đã có bước xa thêm một bước là ôm nàng trong tay và hôn lên tóc nàng.
Nàng nghe sự xa lạ giữa hai người không còn nữa, và đã dám gợi chuyện chớ không đợi Ngọc hỏi gì mới đáp nấy như trước.
– Em nhớ như là có nghe anh nói văn minh của người Ấn Độ rất cao và sâu. Nhưng em không thể hiểu tại sao thứ người văn minh ấy chỉ biết làm có mỗi một món ca-ri này thôi.
– Ừ, anh và thiên hạ, ai cũng ngạc nhiên về điều đó hết. Nhưng chắc em thấy là món ăn này nhiều vị và đậm vị hơn bất kỳ món ăn nào khác mà loài người đã nghĩ ra.
Có những người chỉ yêu có độc một mối tình thôi. Nhưng đối với họ, mối tình ấy phải nhiều vị và đậm vị. Mà một mối tình như thế, phải được kết tạo lâu ngày, không phải hời hợt nông cạn, yêu chớp nhoáng một sớm một chiều được.
Thế là Ngọc đã trả lời rõ về thái độ khó hiểu của chàng khi nãy. Nhưng Liên cũng không vừa, nàng nói:
– Hình như là lúc em còn học với anh, em đã được anh yêu, yêu chớp nhoáng vì ngay trong buổi học đầu, em thấy anh đã bối rối? Anh có can đảm nhìn nhận điều đó hay không?
– Có, quả đúng như vậy. Nhưng rồi anh đã buộc lòng phải đắn đo từ khi…
– Anh cứ nói thẳng ra, đừng lo em buồn hay xấu hổ. Anh đắn đo từ khi biết bí mật của đời em? Nhưng anh có nhớ hay không, chính cái đêm mà ta đứng bên bờ Cửu-Long, dưới Định-Tường, anh vẫn còn nói yêu em, và nài nĩ việc kết hôn, mặc dầu anh vừa khám phá bí mật đó.
– Cũng quả đúng như vậy. Nhưng sự bồng bột nào cũng có thể dịu đi, mà mối tình bồng bột của anh sở dĩ dịu được là cũng tại, cũng nhờ em cứ thối thác mãi.
Anh buồn lắm, em à. Mối tình đầu của anh không may mắn chút nào, không phải vì anh đã bắt gặp em dưới ấy, cũng không phải vì em bắt anh đợi chờ, mà vì sự bồng bột đã hết. Anh không còn yêu thơ mộng được nữa, mà chỉ yêu bằng… yêu theo… lý trí thôi, thật là không còn thú vị gì cả.
– Mà chính em cũng cùng một tình cảm với anh.
– Như vậy ta chỉ còn có một cách là đừng để lý trí ta sai lầm vì một chút xíu tình cảm còn sót lại. Nếu ta không được cái diễm phúc hưởng thú yêu đuong thơ mộng thì ít ra ta phải thoát khỏi lỡ lầm của thứ tình nông nổi. Hạnh phúc của ta không đẹp thì nó phải bền.
– Làm sao em nói được em yêu anh đến đâu…
– Không bao giờ em nói được cả. Nhưng anh lại đo lường tình yêu của em được. Anh biết chắc rằng em đã yêu anh, nhưng em chỉ mới yêu đây thôi, nên anh phải đợi cho tình yêu ấy lớn hơn.
– Hay là như thế này: anh đã hết bồng bột thì em làm vợ anh hay không chắc không còn quan trọng như trước nữa, chắc anh không đau khổ nếu ta xa nhau. Như thế thì anh cho em về má em luôn được hay không?
– Nếu em đòi hỏi lắm thì được. Nhưng anh vẫn cứ còn yêu em hoài chứ. Em đừng có lẫy, ta đã yêu nhau thì cứ để vậy xem sao.
– Nhưng em nghe cô đơn quá, em chịu làm sao cho thấu!
– Trước em lại không cô đơn à?
– Phải nhưng em không có hi vọng được yêu, nên cố quen với sự trơ trọi. Bây giờ thì đã khác rồi.
– Tùy em. Nếu em không yêu anh thì liệu thế nào anh cũng vui lòng thỏa mãn em.
Tối hôm ấy ăn cơm xong thì nhà có khách, Ngọc nói chuyện với khách cho đến khi Liên dọn rửa xong, khách mới ra về, chàng tiễn khách ra tận đường cái, và trở vào, ra nhà sau có việc. Khi đi ngang qua buồng trong, Ngọc chú ý thấy Liên đã lấy gối mền của chàng đem vào đặt trên giường của nàng.
Hai chiếc gối ấp nằm song song với nhau, nghiêng nghiêng trên chiếc gối dài ở đầu giường, gợi ý một sự đủ đôi đủ bạn rất là đầm ấm.
Ngọc đứng lại nhìn cảnh tượng đó, lòng vui vẻ vài giây rồi buồn thương vô hạn Liên mà chàng phải để hiu quạnh nhiều đêm trường rồi.
Nàng đang may áo, lưng đưa ra phía giường, và chàng bước đến đứng sau lưng bạn rất lâu.
Liên cố đạp cho hết đường may, dừng chân lại rồi ngước lên nhìn bạn mà mỉm cười, mắt nàng ranh mãnh và tinh nghịch lạ, như thầm nói: “Anh thấy không, em bắt cóc anh đó, anh tính sao đêm nay thì tính”.
Ngọc hôn lên trán bạn, lên tóc bạn rồi thôi, như trưa hôm trưởc. Liên cầm lấy tay Ngọc mà rằng:
– Để em kể cho anh nghe một câu chuyện nầy. Chuyện có thật, xảy ra trên tỉnh em, chớ không phải em bịa ra để cho anh bị xúc cảm.
“Thầy giáo X là con của một vị Cai Tổng giàu có. Cha mẹ thầy cưới cho thầy một cô vợ vừa đẹp, vừa ngoan lại cũng con nhà giàu
Nhưng cô gái ấy lại là một cô gái lỡ thì, cao niên hơn thầy giáo đến năm tuổi. Sở dĩ cha mẹ thầy ấy quyết cưới cô nọ cho thầy, không kể đến sự từ chối của thầy là vì cô ấy ngoan lắm, nổi tiếng giỏi nội trợ nhứt trong vùng. Còn cha mẹ cô thì lại nổi tiếng nhơn đức nhứt xứ.
Thầy X. là con có hiếu nên thầy cắn răng chịu đựng hôn nhơn ấy. Nhưng thầy lại phản kháng ngầm bằng cách không ăn nằm với cô.
Theo chồng đổi đi xa, cô giáo, sau mấy tháng làm vợ, về khóc lóc với cha mẹ chồng và tỏ thật số phận của mình.
Ổng cụ bà cụ Cai Tổng liền đích thân đến nơi thầy giáo dạy học, nhờ thợ địa phương đóng cho hai vợ chồng một chiếc giường mới thật hẹp, hai người nằm là đụng nhau.
Rồi ông bà ở đó cả tháng để chờ xem kết quả.
Hai tuần lễ sau, bà cụ hỏi thăm cô dâu về đời sống thân mật của hai vợ chồng cô thì mới hay thầy giáo, đêm đêm, chun xuống giường mà ngủ, ngủ trên gạch lạnh.
Ông bà khóc lóc với con dâu rồi ra về, không quên khuyên răn con mình nên nghĩ lại.
Năm tháng trôi qua, ông Cai bà Cai kế tiếp nhau mà theo ông theo bà, và cái xuân của cô giáo cũng trôi đi với năm tháng.
Năm ấy, muời hai năm sau ngày họ kết hôn, cô giáo đã băm chín tuổi và thầy được băm bốn. Không biết vì một lẽ bí mật nào mà thầy giáo bỗng nhiên đổi ý và chịu ăn ở với cô.
Cả tỉnh đều hay cái tin bí mật nầy mà cô giáo vì sung sướng quá quên cả mắc cở, loan truyền ra.
Nhưng một tuần lễ sau, cô giáo, không hiểu mắc bịnh gì mà chết một cách đột ngột quá, khiến thầy ấy cho đến ngày nay vẫn còn lờ đờ như kẻ mất hồn…”
Ngọc bật cười mà nói:
– Câu chuyện của em giống như một tiểu thuyết dở.
– Nhưng mà chuyện có thật đó anh à. Em muốn kể cho anh nghe để anh nhớ lại những may rủi ở đời. Biết đâu ngày kia, anh sẽ không còn dịp yêu em nữa, và em sẽ xuống mồ mà chưa được cái diễm phúc nằm trên tay anh lần nào.
– Chuyện tiểu thuyết của em…
– Không, chuyện thật mà anh…
– Thật, nhưng giống tiểu thuyết, chuyện ấy không bao giờ xảy ra đâu.
– Anh à, anh thử đưa em đi dạo mát xem sao, như cái đêm đầu mà ta đã đi, sau khi ăn mì, anh có nhớ hay không?
– Anh cũng định bảo em nghỉ may và đi đây.
Liên bỗng nhiên trở thành cô nữ sinh vui tánh, nhí nhảnh của hồi nào. Từ lâu rồi, mối sầu thân phận đã biến cô thành một người đàn bà trầm lặng, chán đời, cười gượng, vui ép, và chỉ giờ phút nầy cái vui hồn nniên của tuổi trẻ mới thình lình sống dậy thôi.
Liên nhảy dựng lên, xô ghế, ôm Ngọc mà hôn một cái, không có hậu ý khiêu khích nào cả.
Trời hồng hồng
Sáng trong trong.
Đã hai năm rồi, tiếng ca hát tắt hẳn nơi cổ họng nàng và bây giờ nó vang dậy, ồn cả xóm như để bù lại bao ngày câm nín.
Vị giáo sư còn trẻ mà nghề nghiệp đã biến ra lụ khụ nhu ông già ấy cũng bị lây cái nhí nhảnh của Lỉên trong bầu không khí thình lình trở nên huyên náo này.
Lần đầu tiên, hắn hôn đáp bạn lên má, cái hôn hiền từ như hôn em nhỏ, hôn vì vui sướng trong lòng, muốn ra khỏi nếp khắc khổ của hắn.
Liên quay tròn như bông vụ rồi nhảy lại cái máng treo nơi vách, lấy áo tròng vào người. Mặc áo xong nàng níu Ngọc:
– Đi anh nè!
– Để anh thay y phục cái đã chớ. Mặc bi-da-ma đi ra ngoài sao cho tiện.
Lạ thật! Cũng căn nhà lụp xụp nầy, cũng bao nhiêu bàn ghế nghèo nàn này, nhưng hôm nay Liên thấy nó linh động quá. Nó có hồn và hồn nó dính líu với hồn nàng nên nàng đâm ra mến nó, chớ không xem nó như là ngục tù u tối nữa.
Trời hồng hồng
Sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Đàn nhịp nhàng
Hát vang vang,
Nhạc hòa thơ đón hè sang…
Liên ngồi đợi bạn thay y phục mà ca hát huyên thuyên, và nếu nhà lân cận mà tinh ý một chút thì thế nào họ cũng nhận thấy ngay sự thay đổi trong cái gia đình nhà này, gia đình của đôi vợ chồng trẻ mà lặng lẽ quá đến bất thường, không nghe ai to tiếng bao giờ, không nghe cặp ấy cãi nhau lần nào hết mà cũng chẳng hề có tiếng cười trong trẻo của cô chủ nhà trẻ đẹp vang lên.
Trời hôm nay hồng thật, Liên nhìn cái gì cũng thấy toàn màu hồng, và nắng đã ửng lên trong lòng nàng tự nãy đến giờ.
– Thôi, ta đi em!
Liên nhảy có mấy bước thì đã ra đến ngoài ngõ.
***
– Mai ơi!
Ngọc khóa cửa xong, bước qua trước nhà mẹ vợ mà gọi. Liên đã dặn dò em đừng có qua lại thường bên nhà nàng. Mai thỏ thẻ kể lời dặn ấy với mẹ, và bà Cai như hiểu được ẩn tình gì bên ấy, cũng cố giữ Mai, kẻo nó nhỏ dại không biết nghe lời, chà lết bên ấy thường quá mà không hay.
Hễ Liên sầu bao nhiêu là bà Cai sầu bấy nhiêu vì bà đoán biết cảnh cơm không lành canh không ngọt ở nhà bên kia, đoán biết qua vẻ thẫn thờ trên mặt con bà, qua sự kín miệng quá sức của nó mỗi lần bà hỏi đến hạnh phúc của nó.
Tuy Liên đã cắn răng nuốt lệ để giấu không cho mẹ biết thực trạng về nàng, bà Cai cũng rõ là cuộc hôn nhơn do bà ép uổng không thành công.
Bé Mai sống một mình với mẹ, không ai chơi với nên buồn hiu. Nghe gọi, nó dạ một tiếng thật to từ trong buồng, mắt nó sáng lên rồi dượm nhảy xuống giường.
Bà Cai níu con lại, lắng tai nghe ngóng, tới chừng nhận rõ giọng của Ngọc, bà mới buông con ra. Mai chạy nghe thùi thụi được mấy bước thì bà nghe tiếng Ngọc nói:
– Em trở vào xin phép má rồi đi chơi với anh chị một lát.
Bà Cai chưng hửng trước chuyện mới lạ hôm nay. Từ thuở giờ bà có khéo léo hỏi vặn Mai thì biết Ngọc đón tiếp nó bên nhà tử tế thật. Nhưng bà ngỡ chẳng qua là vì Ngọc lịch sự thôi.
Hôm nay mà Ngọc mời em vợ đi chơi bằng giọng ấy, tuy không phải là giọng âu yếm gì, nhưng là giọng thân thường có của một người anh thì chắc là phải có biến chuyển gì đây.
Bà giữ Mai lại vài giây để suy nghĩ đoạn đứng lên dẫn Mai đi ra ngoài, Ngọc nói lớn khi thấy mặt bà nhạc:
– Thưa má cho Mai đi dạo mát với hai đứa con.
Bà cai quan sát thấy con gái lớn của bà như hoa nở, bà mừng đến run lên, nghẹn ngào nói:
– Ù, thì… nó đi… với hai con chớ.
Mai chỉ đợi mẹ buông tay là chạy dông ra ngoài, níu lấy chị rồi nói huyên thiên:
– Chị hai nè, tối mai đằng chợ Trần Quốc Toản có chiếu bóng, tối mai đi chơi nữa đặng em coi nha chị hai.
Ngọc chào bà mẹ vợ đang đứng chết trân nơi ngưỡng cửa rồi nắm tay Mai vừa dẫn nó đi vừa hỏi:
– Mai có nhớ chị lắm hay không?
– Nhớ lắm mà má không cho qua anh chơi.
– Hỗm nay má không cho, nhưng từ nay thì cho.
– Sao lạ vậy anh hai?
– Là vì đám cưới mới phải cữ. Nay thì cũ rồi.
Thấy Ngọc chỉ nói chuyện mãi với Mai, mà nói chuyện với trẻ con thì không bao giờ hết chuyện cả, Liên bỗng đoán hiểu rằng Ngọc cố tránh sự thân mật giữa chàng và nàng được phần nào hay phần nấy. Chàng còn dè dặt đắn đo nhiều, và nàng còn phải qua nhiều môn thi nữa mới mong được chấm đậu.
Tuy nhiên nàng đã chắc bụng rằng khỏi bị cái cảnh “lành làm thúng, rách làm mê ” khỏi làm đầy tớ trá hình cho Ngọc mãi và có hy vọng trở nên vợ chàng thật sự.
Đi ngang qua một hiệu sửa xe ở đại lộ Lý Thái Tổ tên là Vũ-Môn, bảng hiệu vẽ con cá hóa long, Mai hỏi:
– Anh hai, con cá gì lạ vậy anh hai?
– Đó là cá biến thành rồng.
– Sao nó lại biến thành rồng anh hai?
– Vì nó vượt qua được Vũ-Môn tam cấp.
– Vũ-Môn tam cấp là cái gì anh?
– Là ba bực đá hàn ngăn một con sông kia, nước chảy mạnh như xe tăng tràn tới. Cá nó thi lội ngược dòng nước ấy, hễ lội lên được thì biến thành con rồng.
– Có thật như vậy hay không anh hai?
– Hỏi chị hai thì biết.
– Chị hai, Vũ-Môn ở đâu chị hai, dẫn em đi coi cá lội thi được hôn chị hai?
– Vũ-Môn ở đâu cũng có hết, và ở đâu cũng có cá lội thi. Nhưng trẻ con không được coi.
– Hông, em muốn coi hè.
– Em cứ đợi vài năm nữa, hễ lớn lên là tự nhiên được xem. Tội nghiệp thân cá lắm. Nó sẵn lòng thi, nhưng chỉ e ngại biến cố nửa chừng, hoặc có trận động đất nào, trận lụt nào xảy đến bất ngờ, thì uổng công cá biết bao!
Câu sau đó, Liên nói cho Ngọc nghe chớ không phải nói với em nàng.
– Nhưng tai nạn bất ngờ, ngàn năm mới xảy đến một lần. Cá nào rủi ro lắm mới lâm nạn, hơi nào em lo. À, em Liên nè, hỗm nay anh đã tìm Văn và tìm được anh ấy. Anh làm quen thân được với anh ấy, và hỏi thăm thì mới hay anh ấy vẫn còn ở vậy. Có một lần trong một buổi đàm đạo thân mật hết sức, anh ấy cởi mở và tỏ thật niềm riêng cho anh nghe, rằng mấy năm trước anh ấy đã yêu một cô bạn gái nhưng không hiểu vì sao, rồi cô ấy lại lánh măt rồi biệt tích luôn.
Cố nhiên là anh ấy sầu, và vẫn còn yêu cô bạn mãi đến bây giờ. Nếu anh không lầm thì em có quen nhiều với cô bạn đó, và cô ta sắp yêu người khác, hay sắp trao thân cho người khác, vì không dám trở lại với Văn nữa bởi một lẽ riêng.
Như vậy em nên nhắn lời với cô bạn là Văn không biết gì cả, và cứ đợi cô bạn như thường. Mối tình đầu, chắc khó phai trong lòng cô bạn, thì anh nghĩ cô bạn nên trở về là hơn.
Mới nghe đến tên Văn, Liên hết hồn, và sợ hãi quá, khi Ngọc kể chuyện. Nhưng nàng an lòng mà thấy Ngọc khéo léo vẫn nói ra được mọi điều mà Mai không biết được sự thật.
Nàng buồn dàu dàu, làm thinh rất lâu rồi nói:
– Có ba điều trở ngại, mà điều nào cũng không vượt qua được cả. Một là cô bạn không muốn giả dối, không muốn cho Văn phải lầm về dĩ vãng của cô ta…
– Như thế cô ta cứ thú thật.
– Thú thật à? Bộ anh tưởng trên đời nầy ai cũng quên được như cái ông giáo sư bạn của anh sao chớ. Mà chưa chắc ông ấy đã sẵn lòng quên, ông ta đã lỡ trót vêu, thì cố mà quên vậy thôi. Nhưng rồi ổng vẫn chưa quên hẳn, ổng còn đắn đo cân nhắc và nếu ngày kia may ra ông quên được thì khó tin là có năm nào đó ổng lại không sực nhớ chuyện cũ, và chừng đó thật là buồn.
Em nói một là cô bạn không muốn gạt gẫm ai, và hai là Văn không phải là người tha thứ được ai dễ dàng. Văn còn là một sinh viên trong trắng, chưa lăn lóc với đời và một sự thật nhớp nhơ sẽ làm cho anh ấy tự tử được lắm!
– Còn điều thứ ba?
– Điều thứ ba là cô bạn đã tập quên Văn, và đã quên được rồi. Cô đã yêu mối tình thứ nhì, thì sao cứ bắt cô trở về tình cũ mà cô đã xem là không còn nữa.
– Vậy à? Anh chỉ muốn biết có bấy nhiêu đó thôi. Số là anh sợ cô ấy chưa nguôi tình đầu, rồi không vẹn với tình mới.
– Anh khỏi lo điều ấy.
– Chị Liên!
Đôi bạn vừa nói tới đó thì giựt mình vì tiếng kêu trên đây.
Chiếc Florida mui trần mà trên đó vọng xuống tiếng gọi, chạy trờ tới đến sáu bảy thước. Ngọc và Liên nhìn theo thì thấy một thiếu phụ quày cổ lại mà ngó họ. Thiếu phụ ngồi cạnh thanh niên lái xc, miệng cười tay ngoắc, rồi xem chừng Ngọc, Liên và Mai vẫn cứ đi chầm chậm, không thèm mau bước, nàng day lại nói vài tiếng với thanh niên. Tức thì xe từ từ de lại.
Khi hai bên, kẻ tới người lui gặp nhau Liên mới nhận ra đó là Nguyệt, bạn học cũ của nàng.
Nguyệt nhảy xuống xe lẹ như là bắt gặp kẻ cắp giữa đường, sợ chậm chơn là nó giông mất, chạy lại ôm lấy Liên mà nói tía lia:
– Trời ơi bà! Sao khi không mà bà biệt dạng như vậy. Trời ơi, hai năm rồi! Chà, mà bà đẹp ghê quá, đẹp hơn hồi đó nhiều lắm lắm.
Bây giờ thanh niên trên xe hơi xuống đến nơi. Nguyệt buộc lòng phải buông Liên ra rồi giới thiệu:
– Anh Biên, chồng tôi. Chị Liên bạn học cũ của em.
– Hân hạnh. Anh Ngọc chồng tôi.
– Hân hạnh!
Hai người đàn ông bắt tay nhau, không ai có vẻ phấn khởi cả.
– Còn em nhỏ nào đây? Nguyệt hỏi.
– Em ruột của tôi đó bà.
Hai người đàn ông nghe vợ họ xưng hô vói nhau bằng tiếng “bà” kỳ cục ấy nên bật cười. Nhờ vậy mà không khí đêm cuối hè, lạnh một cách mâu thuẫn, đỡ lạnh được phần nào.
Ngọc mặc đồ ka ki vàng đã bạc mầu, vợ, em chàng y phục cũng lang thang nên chàng bị mặc cảm, không muốn tỏ ra thích chơi với đám này lắm. Liên thì cũng bị mặc cảm, cái thứ mặc cảm của người đồng thuyền mà kẻ lên người xuống. Thanh niên kia coi bộ cũng chẳng hoan nghinh cái gia đình có vẻ tiểu công chức nầy bao nhiêu. Tuy nhiên sắc đẹp ghê hồn của Liên bỗng làm cho anh chú ý và cứ băn khoăn lấy làm kỳ sao một người xinh đẹp như Liên lại không có phước mà lấy một người chồng ” xứng đáng” như vợ hắn đã được.
Nguyệt vẫn vồn vã hỏi không kịp đáp:
– Sao đám cưới không cho tụi tôi hay?
– Chỉ làm sơ sịa thôi.
– Rồi sau đó có học nữa không?
– Không.
– Bà có hay gặp tụi nó không? Tôi thì bị xuất ngoại với anh nầy nên không gặp ai hết. À, bà ở đâu, cho biết địa chỉ, người ta tới thăm.
– Nhà tôi khó kiếm lắm.
– Không lo, khó bao nhiêu tôi cũng tìm ra.
Nguyệt quả có mến bạn, nhưng vì sắc đẹp của Liên nên nàng mới sốt sắng thế. Những kẻ trưởng giả họ chỉ tìm giao thiệp có ba hạng người thôi: hạng giàu có, hạng tên tuổi và hạng đẹp người. Cả ba hạng này đều làm đẹp mặt họ trong những bữa tiệc mà họ tổ chức, nên họ cố gom góp ba thứ ấy đông chừng nào tốt chừng ấy, không buông tha ai cả.
Ngọc cười ha hả; khác hẳn vói thói quen của chàng mỗi ngày, giọng cười hàm nhiều hơi hướng kẻ cả, không cần gì ai hết, cười rồi nói:
– Sao em lại vậy? Em sợ chị Nguyệt biết nhà xấu của ta à? Em cứ chỉ nhà cho chị ấy đi chớ. Nhà xấu mà chị chịu tới là em sẽ có bạn quí, còn như chị không đến thì huề chớ có sao đâu.
– Anh Ngọc nói rất đúng, sao bà lại tệ vậy, bà không muốn thử lòng bạn sao.
Liên day lại hỏi chồng:
– Anh có đem danh thiếp theo chớ?
– Có, nhưng danh thiếp không có in địa chỉ, sợ dời nhà mãi bỏ danh thiếp cũ thì uổng.
Ngọc nói điều đó một cách rất sung sướng, dằn mạnh từng tiếng cho bọn kia nghe rõ sự tiện tặn của chàng để họ chú ý tới địa vị khiêm tốn của chàng.
Thanh niên chồng của Nguyệt cười hề hề mà rằng:
– Danh thiếp của tôi cũng vậy, không có đề nghề nghiệp địa chỉ gì cả.
Hai người đàn ông rút bút ra, viết địa chỉ rồi không trao cho nhau, mà lại đưa cho vợ của bạn họ. Nguyệt tò mò cầm danh thỉếp của Ngọc mà đọc: “197B-18 F Da Bà Bầu” rồi nói:
– Té ra anh chị ở gần đây à? và anh thì làm giáo sư. Trời, vậy mà cứ làm bộ khiêm tốn mãi. Thôi vợ chồng tôi có việc đêm nay, nên xin phép anh chị chúng tôi rút lui. Rồi ta sẽ gặp lại nhau một ngày gần đây.
Nguyệt lại ôm chặt lấy Liên một lần nữa rồi nựng má của Mai mấy lần. Lên xe rồi nàng còn ngoái lại cười và xe chạy đã xa, vẫn còn thấy người thiếu phụ tốt số ấy vẫy tay.
Ngọc tiến bước, dẫn đoàn dạo mát theo, nhưng vẫn lẳng lặng mà liếc rình bạn. Liên như là một bóng ma, hay nói cho đúng, là một hình nộm mà nhà phù thủy đã hà hơi, thổi phép vào cho nó biết đi.
Hình ảnh cô bạn xấu xí, thô kịch có một anh chồng rất đẹp trai và có lẽ rất giàu, hình ảnh chiếc xe sang trọng một cách thể thao ấy có lẽ đang quay cuồng trong trí nàng. Đó là một cuộc đời đáng sống, một cuộc đời lộng lẩy tưng bừng những tiếp tân, dạ hội, tửu quán, trà đình xứng đáng với một nhan sắc nhứt, nhì của đô thành, khác xa với cảnh sống khuất mình gần như đen tối của Liên bây giờ.
Sự va chạm tâm lý đêm nay mạnh quá, không làm sao khỏỉ lung lay tâm thần Liên được, đó là lẽ dĩ nhiên, Ngọc nhìn nhận con người thì yếu đuối như vậy, trừ vài bậc vĩ nhân thôi.
Điều quan trọng là sự va chạm ấy sẽ dịu lại hay không, nhứt là vào trường hợp nếu Nguyệt sẽ lui tới, sẽ lôi nàng vào nhịp sống của cô ta.
Chàng cúi xuống hỏi Mai:
– Em đã mỏi chân chưa?
Mai ngáp dài một cái rồi đáp:
– Mai buồn ngủ lắm.
Ngọc hiểu là Mai buồn, trẻ con không tìm thấy thú vị gì hết trong các cuộc đi dạo mát, Mai lại bị câu chuyện gặp bạn hồi nãy làm cho nó chán phèo.
Chàng cúi xuống ẵm bé Mai lên và nói:
– Anh ẵm là Mai hết buồn ngủ ngay. Thôi ta trở về nè, nha Liên?
Liên bây giờ như viễn du vừa về đến nơi. Nàng bắt gặp Ngọc đang ẵm em nàng lên, nên hối hận vô cùng vì đã ngây ngất trong nhiều ước muốn nãy giờ, đã xem rẻ nguời đàn ông mà nàng thấy là tầm thường quá đối với cái xã hội xứng với phong thể của nàng.
Liên đưa tay ra nắm lấy cánh tay còn ở không của Ngọc và chàng nghe được liền lời cảm ơn thầm lặng của bạn hòa với một tiếng xin lỗi cũng thầm lặng của Liên.