Lưu Diệu Vân
Có lẽ bạn không nhớ rõ tên nhiếp ảnh gia hay không quen mặt, nhưng chắc chắn, bạn đã từng xem qua những tác phẩm Áo Trắng của anh, đã từng cắt ảnh từ các trang tạp chí để sưu tầm, đã từng chia sẻ ảnh trên facebook, instagram, trên trang nhà… Từ hai chữ áo trắng (viết thường) miêu tả trang phục truyền thống của người Việt, Phạm Hoài Nam đã tạo nên một thương hiệu nghệ thuật, Áo Trắng (viết hoa), chuyên chở cảm xúc thăng trầm của cả một thế hệ hậu chiến tranh, thế hệ lưu vong. Từ một tĩnh vật chuyển hóa thành một sinh vật, Phạm Hoài Nam đã có công như thế, với chiếc áo dài mộc mạc nhưng quý phái, đơn sơ nhưng diễm lệ.
Đã 22 năm kể từ tác phẩm Áo Trắng đầu tiên ra mắt. Ấn phẩm đầu tay đậm nét hồn nhiên với các thiếu nữ chia nhau những nụ cười hiền. Vài năm sau, là sự hòa quyện giữa những tà áo trắng với bối cảnh thiên nhiên, âm nhạc. Rồi đến những chủ đề nghiêm túc hơn lấy bối cảnh thuyền nhân, xã hội. Đường nét nghệ thuật của Phạm Hoài Nam đi từ trong trẻo đến đậm chất nhân bản, và giờ đây, chín mùi và chật ních hoài niệm. Dường như những tà áo trắng đã trưởng thành theo nhịp sống thăng trầm giữa hai sắc màu, đen và trắng, của người mang sự sống đến cho chúng. Không chỉ là một đóng góp ngoạn mục cho nghệ thuật, cho văn hóa, lịch Áo Trắng của Phạm Hoài Nam đã quyên góp được hơn $100,000 cho các quỹ từ thiện và các trại mồ côi tại Mỹ cũng như Việt Nam trong suốt hơn hai thập kỷ. Quý vị có thể cập nhật trang www.aotrang.com để có được bộ ảnh Áo Trắng 2018 mới nhất qua chủ đề TIME-LESS.
Hình như cá tính của anh đi ngược với mức độ quen thuộc của các tác phẩm anh. Anh có vẻ khép kín, ít xuất hiện trước đám đông, ít trả lời phỏng vấn, và vì vậy, cuộc trò chuyện lần này có lẽ là một trong những lần hiếm hoi mà người thưởng ngoạn được tiếp cận nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam.
Lưu Diệu Vân (LDV): Rất nhiều nhiếp ảnh gia gốc Việt yêu chuộng đề tài chiếc áo dài trắng bởi ngoài biểu tượng dân tộc, trang phục ấy khơi gợi lại cho họ những mối tình đầu, những cảm giác rộn ràng của thời niên thiếu đã qua. Riêng anh sang Mỹ khi mới lên 8 tuổi, tại sao anh vẫn bị tà áo trắng ám ảnh suốt hành trình sáng tạo của mình? Hình ảnh cuối cùng, in đậm nhất trong tâm trí anh trước khi rời Việt Nam, là mảnh đời tĩnh hay động nào?
Phạm Hoài Nam (PHN): Rời xa quê hương khi mới học đến lớp 2, tôi luôn thương tiếc về nơi chốn tôi đã đánh mất tuổi thơ mình. Lớn lên ở quê người, đôi khi cảm thấy lạc lõng, hình ảnh áo trắng cho tôi được sống với lòng ao ước có một tuổi thơ trên quê hương, dù đó chỉ là viễn tưởng thôi. Tấm hình áo trắng đầu tiên tôi chụp vào năm 1994 khi còn là sinh viên năm thứ nhất đại học. Những năm ấy, Áo Trắng đã cho tôi sống với lứa tuổi học trò mà tôi chỉ biết qua thơ văn, âm nhạc. Theo năm tháng, nhiếp ảnh và Áo Trắng như một người bạn thân, cùng tôi trưởng thành. Giờ đây trong tâm tư, chiếc áo dài trắng đã trở thành biểu tượng cho tình yêu quê hương mà tôi vẫn mong gần gũi cận kề.
Có lần tôi tìm lại trong ký ức, chợt nhận ra rằng mình đã yêu hình ảnh áo dài trắng từ khi tôi còn rất bé khi được mẹ cho xem những tấm hình xưa thời ba mẹ tôi còn trẻ và bà cũng đã từng yêu áo dài trắng. Tôi tin chắc rằng, mẹ chính là người đã gieo mầm cảm hứng trong tôi những năm đầu đời để khi tôi vượt biên sống xa gia đình và những lúc nhớ về mẹ thì tôi lục lọi trong trí nhớ hình ảnh của mẹ mình trong chiếc áo dài trắng ngày xưa. Hình ảnh cuối cùng ám ảnh nhất trong tôi trước khi rời quê hương là ánh mắt buồn của mẹ khi phải gởi hai chị em tôi bơ vơ ra đi vượt biển. Cái tên Hoài Nam – mãi mãi vọng về quê hương nước Nam – như một định mệnh cho những hoài niệm vẫn luôn theo đuổi.
Gần 24 năm gắn bó với hình ảnh áo dài trắng đã thực sự cho tôi ngụp lặn trong cảm xúc của chính mình. Nó giúp tôi tìm thấy những ước mơ khi tôi còn trẻ và tìm được chính bản thân khi tôi trưởng thành.
LDV: Bên ngoài những tấm ảnh Áo Trắng, hình như anh cũng rất si mê màu trắng qua phong cách trang hoàng nội thất, qua những góc ảnh chụp lưu niệm khi du lịch, từ trang phục anh hay chọn cho mình và người thân. Phải chăng sắc màu này có một sức tác động bền bỉ trên tâm hồn anh? Có lý do hay chỉ là ngẫu nhiên?
PHN: Có lẽ vì tôi là người thích sự cô độc, cộng với những vấp ngã của tuổi trẻ đã khiến tôi nhiều năm sống tiêu cực trong bóng tối. Giờ đây, tình yêu thương gia đình được tôi ví như những gam màu trắng đã đem đến cho tôi cảm giác bình yên thư thái. Nếu tuổi trẻ tôi đã phung phí tìm kiếm những điều vô định muôn màu sắc, thì ngày nay tôi chỉ muốn mình tịnh lại để nhìn ngắm những điều nhỏ bé trong niềm vui hàng ngày.
Ngoài ra, màu trắng cũng là nền tảng của ánh sáng vì nó bao gồm tổng hợp tất cả các màu sắc khác. Riêng với nghệ thuật, điểm cốt lõi của nhiếp ảnh là đi tìm ánh sáng. Vì chính ánh sáng là nguồn cảm xúc quan trọng và đặc trưng chính của một tác phẩm luôn nằm ở yếu tố cảm xúc. Có lẽ, hơn hết ánh sáng ấy đã mang lại hơi thở cho cuộc sống và tâm hồn tôi.
LDV: Tài năng thường bẩm sinh và quá trình trau dồi dĩ nhiên là cần thiết, nhưng nếu Van Gogh không có Ngôi Nhà Màu Vàng ở thị trấn Arles và những đóa hoa hướng dương thì chưa chắc đã trở thành một danh họa. Cùng ý niệm đó, nếu không có yếu tố nào, hoặc những ai, thì chưa chắc đã có một Phạm Hoài Nam Áo Trắng?
PHN: Nếu không có những ký ức của mẹ tôi vất vả chăm con vừa kiếm sống mưu sinh thì chắc gì hình tượng của người phụ nữ Việt Nam đã ấn tượng sâu trong tôi đến thế.
Nếu mình không phải là thân phận của một thuyền nhân thì tình yêu quê hương chắc đã không nặng nề trong trí nhớ của cậu bé lên tàu năm xưa, và tôi của những năm tháng này.
Nếu tôi không về thăm Việt Nam năm 1993 thì Áo Trắng đã không ra đời. Chuyến viếng thăm các cô nhi viện và những người già neo đơn đã giúp tôi tìm cho mình một chân lý sống ý nghĩa hơn qua bài học sẻ chia.
Chính vì những ký ức, ám ảnh, đam mê và cảm xúc trên đã vỗ về an ủi tâm hồn tôi như lời ru của mẹ, như cánh diều gợi nhớ tuổi thơ tôi. Có trải qua con người ta mới hiểu ra được nhiều điều. Tôi cảm ơn những biến cố trong cuộc đời đã giúp tôi nhìn lại mình và biết cảm thông cho người khác. Và tôi nghĩ, sự cảm thông là nền tảng quan trọng cho nghệ thuật của mình.
Vợ cũng là mạch nguồn cảm hứng cho tôi sáng tạo trong suốt 18 năm quen nhau và chung sống, đến nay nguồn cảm xúc ấy vẫn không vơi cạn. Như đã chia sẻ bên trên, tôi đã có một khoảng thời gian dài với lối sống tiêu cực, bất phương hướng. Những trải nghiệm trong cuộc sống của một đứa trẻ lớn lên xa gia đình đã từng khiến tôi mất niềm tin vào con người cũng như bản thân. Ngày ấy, khi tôi gặp được vợ, tôi như người đang chìm trong bóng tối bỗng nhưng tìm được ánh sáng định hướng cuộc đời. Từ vợ, tôi cảm nhận được sự bình yên, bao dung cùng sự lạc quan và lòng vị tha. Cô ấy cùng các con đã mang lại những điều tuyệt vời, làm cho tôi luôn phấn đấu để trở thành một con người tốt hơn trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật.
LDV: Sự phát triển của công nghệ vi tính đã khai tử rất nhiều thứ, trong đó, các bộ môn nghệ thuật lãnh nhận nhiều mất mát nhất. Có thể photoshop và các app chỉnh hình là bạn thân của những tay ảnh nghiệp dư, nhưng chúng là kẻ thù hay tri kỷ của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp? Anh trả lời như thế nào với một số người cho rằng ảnh của anh dùng nhiều hỗ trợ photoshop?
PHN: Tôi làm quen và gắn bó với nhiếp ảnh từ những năm trước khi công nghệ vi tính xuất hiện. Việc chỉnh hình hậu kỳ trong phòng tối trước đây cũng rất đa dạng bằng kỹ thuật dark room. Tuy nhiên không thể phủ nhận máy ảnh kỹ thuật số và những công nghệ nhiếp ảnh ngày nay đã đem lại nhiều sự tiện dụng cho người chụp ảnh.
Tôi thường không chú trọng vào phần kỹ thuật khi nhìn ngắm những bức ảnh mà chỉ biết nhận định qua cảm xúc. Điều mang đến cho tôi sự rung động không đơn thuần chỉ là một tác phẩm “đẹp hoàn mỹ.” Tôi muốn được cảm nhận ý nghĩa của bức ảnh ngoài kỹ thuật và những gì được mô tả trong nó. Đó là sự khám phá về ý tưởng và trải nghiệm của tác giả cũng như người đón nhận. Theo tôi, hình ảnh đẹp và có giá trị lâu dài đòi hỏi sự sáng tạo và cống hiến cần mẫn. Tình cảm của nó nằm trong sự cảm nhận của người xem chứ không phải bởi công nghệ.
LDV: Một nghệ sĩ chân chính – qua tác phẩm hoặc những lời phát biểu, những thông điệp gởi gấm – có trách nhiệm, một cách tự nguyện, với xã hội của họ. Ngoài việc chia sẻ những tấm ảnh đẹp, anh còn thường xuyên phát biểu về quan niệm chính trị, về xã hội, về cách cư xử giữa người và người… Anh mong muốn góp phần thay đổi điều gì qua những chia sẻ đó?
PHN: Phải chăng tác phẩm giá trị của người nghệ sĩ được đánh giá cao khi nó hướng đến cuộc sống, cảm xúc của con người và cái tâm của người nghệ sĩ ấy. Tôi không hiểu rõ định nghĩa của “nghệ sĩ chân chính” là gì. Tôi chỉ biết sống chân thật với niềm đam mê và lý tưởng của mình, rung động với những cảm xúc, chia sẻ quan điểm cá nhân, và tiếp tục tích lũy cho hành trình với những giá trị của cuộc sống.
Tác phẩm trở thành tác phẩm khi nó tìm được tri kỷ cũng như người với người chỉ có thể đến với nhau khi ta có duyên được chia sẻ và đồng cảm. Tôi nghĩ người đón nhận luôn mong đợi những tác phẩm từ lòng yêu thương và sự chân thành của người nghệ sĩ. Chỉ có những tác phẩm như thế mới có sức sống lâu bền trong lòng người đón nhận.
LDV: Tôi nhận thấy, một cách chủ quan, trong những nền văn hóa phải hứng chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, bị chèn ép bởi quyền lực và sự đói khổ, nghệ thuật hay thiên về chiều hướng tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái hoàn mỹ. Và tương phản, những sắc tộc trải qua nhiều thế kỷ khả dĩ bình yên thì hay tìm tòi phá cách với nghệ thuật u tối, ẩn dụ gây sửng sốt, khích động tâm tư người thưởng ngoạn. Anh nghĩ sao về quan sát này?
PHN: Những tác phẩm nghệ thuật thường là sự phản ảnh từ cảm xúc trăn trở của người nghệ sĩ. Nó có thể là sự tương phản cũng như cộng hưởng từ văn hóa và trải nghiệm của đời sống để đánh thức nơi người xem sự hồi cảm từ tư duy, lý trí và tâm hồn. Với tôi, tác phẩm có giá trị thẩm mỹ là sự kết hợp phản ảnh chân thực của đời sống xã hội và những khát vọng vươn lên hướng đến những chân lý đẹp với những tình cảm chân thành.
LDV: Giờ đây, chúng ta hầu như có thể lưu lại hình ảnh của mọi thứ, từ lỗ đen, bóng của nguyên tử, cho đến góc sâu thẳm nhất dưới dáy biển. Chúng ta có thể chụp bắt biểu cảm của con người, và ngay cả thời khắc hạt bé li ti đang nảy mầm. Theo anh, cho dù biến chuyển của kỹ thuật tân tiến đến đâu, đâu là những thứ chúng ta sẽ không bao giờ có thể chụp lại được?
PHN: Hình ảnh giúp chúng ta lưu lại những khoảnh khắc. Dù bức ảnh đó là gì đi chăng nữa, bên trong luôn có sức mạnh tiềm ẩn để bộc lộ ra những khoảnh khắc và cảm xúc mà có thể vẫn đang bị che giấu. Tuy nhiên, con người có nhiều những cảm xúc đặc biệt hoặc phức tạp trong những khoảnh khắc, vì thế không thể nào lưu giữ lại qua công nghệ mấy ảnh cũng như không thể nói thành lời… Riêng tôi, đó là cảm xúc khi nhìn thấy các con vừa chào đời, nếu có mạnh mẽ đến đâu nhưng vẫn có những giây phút diệu kỳ bất ngờ đến thế mà chính tôi, qua vai trò người cha kề cận, cũng chẳng có thể chụp được.
LDV: Các bộ môn nghệ thuật thường hay hỗ trợ cảm hứng cho nhau: người viết văn tìm thấy cảm hứng trong các bức tranh vẽ hay bức ảnh chụp, người sáng tác nhạc tìm thấy sự đồng điệu trong những bài thơ… Vậy anh bị chi phối bởi những bộ môn nghệ thuật nào và tác động của nó đối với anh ra sao? Ngược lại, những cảnh tượng hay điều gì sẽ dập tắt cạn nguồn cảm hứng của anh?
PHN: Tôi là một người thích quan sát và luôn tìm đến cảm hứng từ những thứ xung quanh mình. Tôi thường khơi gợi cảm hứng qua âm nhạc, mùi hương, những cuốn sách, thơ văn, hội họa và nhiều thứ khác. Cảm xúc và tình yêu trong nhiếp ảnh của tôi ngày nay là người đàn bà xưa sâu lắng và câu chuyện cô ấy muốn chia sẻ. Gần đây nhất, những thiếu nữ trong tranh của những danh hoạ Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ đã là nguồn cảm hứng cho bộ hình Áo Trắng 2018.
Nói về những ấn tượng trong nghệ thuật thì thầy Nhất Hạnh, nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, nhà thơ Huy Cận, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên là những khởi nguồn cho rất nhiều ý tưởng trong ảnh của tôi. Nhưng ấn tượng sâu xa hơn cho tôi cảm xúc mạnh mẽ nhất thì có lẽ đó là những câu ca dao mẹ đã ru tôi thời thơ ấu.
Còn về điều gì làm tôi cạn hứng thú thì tôi thường nghĩ rằng nguồn sáng tạo không dính dáng gì đến chuyện tìm ra cái mới, mà phải luôn chân thành với cảm xúc của mình với những khoảnh khắc. Chúng ta có được hàng ngàn khoảnh khắc làm nguồn cảm hứng trong mỗi ngày nhưng chắc gì ta đã nhận ra. Với riêng tôi, có những khoảnh khắc có thể dậy sóng bao cảm hứng nhưng ngược lại cũng có những sự kiện làm tôi đứng lặng người không bấm máy. Với những cảm xúc tràn ly không kiểm soát thường làm tôi quên đi trách nhiệm mình đang là người chạy đuổi theo khoảnh khắc. Như có lần về thăm một trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật ngoài Đà Nẵng, và đã dự định sẽ chụp thật nhiều hình, nhưng khi đến nơi, vì quá xúc động với hoàn cảnh của các em, tôi đã bật khóc như một đứa trẻ và chuyến đi ấy tôi không chụp được một tấm hình nào.
LDV: Có không, những lúc anh mất lòng tin vào nghệ thuật nhiếp ảnh của mình, hay cảm thấy cái mình đã tạo ra không đẹp, không sâu sắc như mình đã từng tin, và anh đã làm những gì để vượt qua, để tiếp tục cầm máy?
PHN: Tất nhiên có những lúc bế tắc hoặc tụt cảm hứng thì tôi không chụp và cho phép mình thời gian để cảm xúc tự do đến đi và không nhất thiết phải kiềm chế vì “sông có khúc, người có lúc.” Những lúc ấy tôi chấp nhận bỏ máy xuống, đắm mình trong cảm xúc và để nó tự làm chủ và tự vượt qua. Giai đoạn “tụt cảm hứng” của tôi thường chỉ kéo dài khoảng một vài ngày rồi cũng vào quên lãng.
LDV: Có nhiều tấm ảnh có khả năng thay đổi thế giới trong tích tắc – ví dụ như tấm Em Bé và Kền Kền của nhiếp ảnh gia quá cố Kevin Carter. Tác phẩm anh thích và ấn tượng nhất là bức nào và anh ghi nhận thông điệp gì từ nó?
PHN: Một trong những tấm ảnh có sức tác động rất lớn với tôi từ lúc chập chờn nhận thức về nhiếp ảnh đó là tác phẩm The Boat of No Smiles (Chiếc Thuyền Không Có Nụ Cười) do NAG Eddie Adams chụp năm 1977. Bức ảnh ghi lại niềm tuyệt vọng của những thuyền nhân vượt biển đã góp phần thuyết phục Tổng thống Jimmy Carter chấp nhận 200 ngàn thuyền nhân Việt Nam định cư tại Mỹ từ năm 1978 đến năm 1981. Tấm ảnh đã nhắc tôi về quá khứ của chính mình và đã giúp tôi nhận ra sức mạnh ảnh hưởng của nhiếp ảnh đến thế nào.
Riêng trong thế giới tôi, tấm ảnh tôi chụp cho vợ trong cánh đồng lộng gió là một kỷ niệm khó quên và vì lý do gì thì tôi xin giữ cho riêng mình. Ngoài ra, tấm ảnh cô gái bám chiếc thuyền thúng là sự ám ảnh rất lớn nhắc đến thân phận và hồi ức của chính mình.
Tôi thường không nghĩ tới thông điệp và chủ đích của tấm ảnh vì chỉ biết chụp để thỏa mãn những ý tưởng với hy vọng sẽ tìm được sự đồng cảm từ người xem. Tôi thường nhắc nhở với chính mình rằng mỗi bức ảnh đều có khả năng truyền tải cho người xem về một khoảng thời gian mà chính mình sẽ không bao giờ có thể chứng kiến được nữa. Có thể nói, những biến động và thay đổi trong cuộc sống theo thời gian đều được phản ảnh qua những khung hình.
LDV: Làm sao để thuyết phục một người khiếm thị qua hình ảnh, theo cách riêng của anh?
PHN: Quan niệm của tôi, nghệ thuật không cần phải thuyết phục chỉ cần cảm nhận là đủ. Tôi tin rằng những người khiếm thị luôn đầy nghị lực và có thể cảm nhận từ nhiều giác quan khác… Tôi luôn luôn sẵn sàng với bất cứ ai cần sự chia sẻ.
LDV: Tác phẩm lịch Áo Trắng 2018, anh lấy chủ đề: Time-less – vô tận, vượt thời gian. Anh chia sẻ thêm về quá trình lên ý tưởng cũng như thông điệp của lịch năm nay?
PHN: Để vượt thời gian thì cái đẹp ấy phải bền bỉ và những gì càng đơn giản thì càng đẹp như chiếc áo dài đơn sơ trắng trong… Lịch Áo Trắng 2018 với chủ đề Time-less về vẻ đẹp muôn thuở của áo dài xưa và nay. Lấy cảm hứng từ những thiếu nữ trong các tác phẩm của danh hoạ Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, và nhiếp ảnh gia Đơn Hồng Oai. Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến thể, nhưng áo dài vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Riêng tôi, dù thời gian có phủ bụi mờ, áo dài sẽ luôn là tình yêu nguyên vẹn, mãi mãi là như thế.
Cảm ơn cô & quý độc giả đã dành thời gian với tôi.
Lưu Diệu Vân