Nhịp cầu thanh xuân

HỎI:

Tôi vừa bước vào tuổi 65. Nhà tôi kém tôi 3 tuổi. Chúng tôi có 2 con đã trưởng thành, đã lập gia đình và làm chủ cơ ngơi riêng, chỉ thỉnh thoảng về thăm cha mẹ.

Còn lại hai vợ chồng già (tạm gọi là thế tuy trên thực tế ở thế kỷ này, chúng tôi thực sự vẫn còn rất trẻ,) trong ngôi nhà 3 phòng thường xuyên yên ắng, ít tiếng động, ngoại trừ đôi lúc tiếng của cái ti vi vừa đủ nghe hoặc tiếng nhạc vàng cũng vừa đủ nghe từ phòng tôi.

Bao nhiêu lâu qua, vợ chồng đầu tắt mặt tối chăm lo gia đình và con cái, nay đến lúc được rảnh rỗi đôi chút mới có thời giờ vuốt mặt nhìn lại mình và nhìn nhau, tôi nhận ra đây là cơ hội để vợ chồng bù đắp lại các thiếu sót mà chúng tôi đã phải hy sinh vì trách nhiệm và bổn phận. Chúng tôi đã trải qua một chặng đường rất dài, suốt thời thanh xuân rồi trung niên, sống và làm việc như những cỗ máy hoạt động theo thảo trình cố định, làm sao để nối những ngày và đêm đầy lo âu, những tháng và năm trong một xã hội nhiều điều mới lạ và bất trắc, những công việc tiếp nối như một dây xích chưa thấy chỗ ngừng. Có thở. Có hoạt động. Có ăn. Có ngủ. Có giao tế bạn bè. Có nhà. Có xe v.v… Thế nhưng bây giờ ngẫm lại, chúng tôi nín thở qua sông nhiều hơn là SỐNG và thưởng thức cuộc sống. Nôm na mà nói, chúng tôi ăn lấy no để có sức cho bữa tới, không được ăn lấy ngon để còn nhâm nhi dư vị một cách thỏa thích. Chúng tôi ngủ như hòn chì ném xuống nước, không có sự xa xỉ với những phút giây tơ lơ mơ nhìn trăng ngoài song cửa hay lắng đọng mùi hoa hồng dưới thềm cửa sổ.

Bây giờ, chao ôi, chúng tôi đều đã về hưu, lại có may mắn con cháu không gây bận rộn, nên thời giờ nhiều quá, có làm việc xã hội đôi chút cũng vẫn không hết những khi rảnh rỗi. Tuy vậy, thưa bà, người bạn đời của tôi thì hoàn toàn không chia sẻ với tôi nỗi háo hức, vồ vập, hăm hở trước cuộc sống hoàn toàn tự do, không có bó buộc nào, với biết bao cái đẹp, cái hay, niềm vui đang bày ra dưới mắt và trong cả tầm tay mình. Nhà tôi sống khép kín, lặng lẽ vào ra như một cái bóng, từ chối hết mọi gợi ý, mời mọc, năn nỉ, kêu gọi trong vô vọng của tôi, mong bà ấy mở lòng, mở ý, cùng tôi an hưởng thần tiên ngay trong cuộc đời còn lại của cả hai. Bà đi nhà thờ, đọc kinh, lần hạt, chăm chăm nấu nướng thức ăn gởi cho con cái ở xa và chỉ mong chúng về nhà. Chỉ những bận rộn ấy, những thăm viếng ấy làm cho bà vui như Tết, hân hoan, sống động. Ngoài ra, là mùa đông. Là băng giá. Tôi nói quá, bà đề nghị ly dị, bảo là để tôi có tự do sống theo ý riêng.

Là phụ nữ với nhau, tôi tin chắc bà có thể hiểu nhà tôi hơn tôi? Xin bà giúp tôi có câu trả lời hoặc tốt hơn nữa, giúp tôi cách nào để nhà tôi đừng phí uổng quãng đời ngắn ngủi còn lại như vậy mà nên thưởng thức nó, đâu có gì trở ngại hay làm hao hụt tấm lòng làm mẹ những đứa con của bà đâu? Chưa kể rằng hạnh phúc bên nhau của đôi vợ chồng già, theo tôi, vẫn là mong ước của nữ giới nói chung, có phải vậy không thưa bà? Ðối với tôi, vợ chồng còn được đủ đôi, mạnh khỏe, trong buổi xế chiều, là một ơn phước lớn. Sau gần cả cuộc đời chiến đấu không ngừng để bảo dưỡng con cái và gia đình, vợ chồng “gặp” lại nhau lúc này, tay trong tay, chẳng khác gì cuộc đoàn tụ của một người thoát hiểm về từ mặt trận và một người mòn mỏi mong chờ ở hậu phương, thật đáng nên mừng mà đón nhận và cảm tạ Ơn Trên chứ sao lại từ chối?

Cám ơn bà và kính chúc sức khỏe.

Ông V.

TRẢ LỜI:

Tục ngữ nước ta có câu “Văn ôn, võ luyện”, ngụ ý để có sự nhuần nhuyễn trong sử dụng tay nghề, con người cần tập dượt hằng ngày. Nước Mỹ cũng có câu: “Use it or loose it”, ngụ ý “không dùng tới là mất à nha!” Dòng đời dệt bằng một chuỗi thói quen lặp đi lặp lại. Có những thói quen bị ngắt quãng, sẽ chìm luôn vào quên lãng.

Thư ông viết: “Bao nhiêu lâu qua… vợ chồng đầu tắt, mặt tối chăm lo cho gia đình…” tôi không biết rõ “bao nhiêu lâu” là bao nhiêu năm nhưng tôi mạn phép ước đoán phải là khoảng thời gian đủ dài để ông bà nuôi dưỡng các con thành nhân, có sự nghiệp riêng, dựng vợ gả chồng cho các cô cậu, để ông bà trả xong nợ nhà, nợ xe, chắc không ít hơn 30 năm.

Suốt chặng đường dài này, tôi cũng ước đoán là ông bà đã vô tình bỏ quên “tay nghề” trong tình vợ chồng, hằng đêm “ngủ như hòn chì ném xuống nước”, hằng ngày “chỉ ăn vội ăn vàng cho đủ no để lấy sức làm việc”, mục tiêu chung nhắm tới lúc đó là tương lai những đứa con. Cách xếp đặt ưu tiên của ông bà (mà ông là người chủ động) như thế không sai nhưng nó khiếm khuyết vì thiếu sự quân bình giữa các ưu tiên khác trong cuộc sống, trong đó, tương quan vợ chồng cũng rất quan trọng, cũng cần được chăm lo và vun xới.

Suốt 30 năm trong trái tim của người mẹ tận tụy như bà nhà, trong cách sống như ông mô tả, đối tượng thương yêu và gắn bó là những đứa con. Chúng trở thành niềm hạnh phúc, lẽ sống và trọn vẹn ý nghĩa của đời bà, không còn gì khác nữa. Ông cũng biết ở tuổi ngoài 60, thay đổi một đối tượng từng chiếm ngự cảm xúc của bà, từng là điểm tựa cho bà đứng vững và vươn lên trong một thời gian lâu dài như vậy, thay đổi một nhu cầu xương thịt, tha thiết trên hết mọi tha thiết như vậy, thật không dễ. Ông không thể xử trí dứt khoát và quyết đoán theo cách của một người đàn ông thuần lý, rạch ròi với hoàn cảnh như ông đang làm. Vừa xong thảo trình con cái, ông gõ phím viết ngay một thảo trình khác, quên rằng người phụ nữ vợ ông quen ở vị trí thụ động, rất ngại sang số ở cái tuổi đời đã muốn nghỉ ngơi. Ông càng ép, bà càng khiên cưỡng, đưa đến bất bình rồi bất hòa.

Theo thiển ý tôi, ông không có cách nào khác nối lại nhịp cầu thanh xuân với nửa kia của ông, ngoại trừ chịu đứng chung trong bức tranh gia đình đã in sâu vào nhận thức của bà. Ðể phá vỡ băng giá, ông cần chuyển đề tài thích hợp với bà, dễ khiến bà rung động: ông hãy nói chuyện về con cái, nhắc bà đi thăm chúng thường hơn, cùng bà sửa soạn chuyến đi, tận hưởng, chia sẻ bất cứ gì trong thời gian này. Những khi con cái về nhà, thay vì cảm thấy bị bỏ quên bên lề, hãy vui niềm vui đoàn tụ. Chính trong những giây phút thân cận này ông sẽ tìm được cơ hội từng bước chinh phục lại bà, tái tạo sự gần gũi, thân mật trước kia của lứa đôi, gợi lại sự đầm ấm giữa vợ chồng đã bị bỏ bẵng quá lâu. Khi có cùng mối quan tâm, người ta dễ đến với nhau lắm. Từ những chuyến đi thăm con cháu, ông lân la đến chuyến đi “chỉ còn đôi ta” sẽ chỉ là một sải tay ngắn.

Chúc ông có đủ tình yêu và sự kiên tâm để tìm được mật ngọt trên cánh đồng hoa những mùa xuân muộn.

Bùi Bích Hà

Xem thêm

Nhận báo giá qua email