Nhớ cây chổi chà…

Năm Covid thứ hai của nhân loại, tức năm 2021 theo tây lịch. Cũng là năm thứ nhất đời Bị Đen lên ngôi hoàng đế vì ai mà biết chuyện gì đã xảy ra trong cái bị đen ở nước Cờ hoa. Tết Việt rơi vào giữa tháng hai tây lịch, trùng ngày lễ tình yêu mới thật là hết chỗ đi. Tôi cúng cơm ông bà cha mẹ xong, định bụng gọi vài người bạn tới chung vui tết tha hương, nhưng nhỡ có ai ra về lại bị dương tính với Covid-19 thì sao? Đầu năm không nên để xảy ra chuyện lôi thôi nên đành ăn tết một mình, ngồi hưởng lộc chai rượu cúng càng uống càng ngọt như nước mắt quê hương. Dòng nhớ tuôn chảy…

Từ nhỏ, tôi đã nghe hoài câu cửa miệng của mẹ tôi: “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Nghe sau mỗi lần bị đòn roi do phá làng phá xóm, hàng xóm tới nhà mắng vốn thì mẹ đánh tôi vài cán chổi chà cho vui lòng họ ra về. Và thường là sau đó, mẹ tôi ta thán với những người hàng xóm khác, “cha mẹ sinh con trời sinh tính. Tôi chẳng biết phải làm sao với thằng con ngày nào không ăn đòn thì ngày đó nó không ăn cơm được hay sao đó các bác ạ!”

Nhưng những lúc ngồi suy tư về sự trừng phạt, tôi lại phát hiện ra cái thú vị của đòn roi nên ghiền hay sao đó? Đơn giản lắm, cây chổi chà thường được người bó chổi cột bằng dây lác, dây lạt cho khỏi tốn tiền mua dây bó chổi, nhưng cán chổi với ngọn chổi thường được quấn mấy vòng dây kẽm cho thật chắc, cho người bán chổi có lý do nói với người mua chổi là chổi của tôi buộc bằng dây kẽm nên xài được lâu. Đó là cách tiếp thị của người xưa tự bó chổi ở nhà rồi tự gánh đi bán dạo trong xóm làng, ai mà biết tới giờ tôi vẫn còn những vết sẹo trên bắp tay, bắp chân làm kỷ niệm của thời chân đất. Ai mà biết đôi khi đứa trẻ của năm xưa ngồi nhớ thú đau thương từ những đầu cọng kẽm buộc cán chổi chà, nhìn những vết sẹo như vết thù trên lưng ngựa hoang khi hồi tưởng lại một nghề kiếm sống của gia đình nọ trong xóm. Hồi buộc thì người bó chổi thường cố gắng giấu đầu kẽm vào trong thân chổi cho khỏi đau tay, hoặc có thể làm chảy máu tay người dùng, nhưng xài mãi thì đầu kẽm buộc thòi ra ngoài. Tiếp theo là những người đàn ông xưa hay lo việc lớn nên chẳng bao giờ quan tâm đến những việc nhỏ như sửa lại cây chổi chà cho vợ, nên vợ của những người hay lo việc lớn cũng chẳng nhớ chuyện nhỏ là chỗ cán chổi bị thòi đầu kẽm buộc ra ngoài mà quất thằng con yêu cho vừa lòng hàng xóm thì nó có thể gặp nguy hiểm, nguy hiểm nhất là thằng nhỏ lớn lên với ký ức người này thích người kia bị đòn roi chỉ vì tính nhỏ mọn đến trái cóc, trái ổi cũng không cho con nít được toại nguyện thử tài bắn ná với trái xoài chót vót trên cao, tại chói nắng nên hòn sỏi mới toang vào cửa sổ làm vỡ kính, hay cắm phập vào mông bà Tám hụi đi thu hụi, lọt vào cổ áo bà ba của cô Ba Huế mà thành chuyện cả làng muốn xem vết bầm.

Và thường là sau một trận ăn cán chổi chà, tôi thường tìm nơi vắng vẻ như góc vườn, gốc cây mãng cầu, cây vú sữa cổ thụ, hay gầm cầu thang lên lầu của căn nhà ngoại ô mà tôi đã lớn lên từ đó, nơi luôn có một tấm lòng sẻ chia và thương tôi nhất trên đời là con Mực. Tôi ngồi chất vấn lương tâm phá phách hay ăn năn hối cải về tội lỗi đã gây ra cho hàng xóm như kinh đánh con mà mẹ tôi hay tụng lúc đánh tôi thì hoàn toàn không có đâu. Tôi ngồi đếm vết bầm do cán chồi chà khá cứng, xem lần này có bị đầu kẽm buộc sắc nhọn cào chảy máu hay không? Lần hên thì không đổ máu, chỉ bầm tím chỗ này bầm đỏ chỗ kia, không đủ để hoàn lương nên quay đầu vào bờ làm gì cho Phật mất công đón tiếp; tôi đi phá phách tiếp cho thoả hiếu kỳ, tò mò tuổi nhỏ. Nhưng lần không may, có vết trầy đang rướm máu do đầu kẽm cán chổi cào xước lớp da. Tôi ngồi nghĩ tới nghĩ lui cũng không đáng để trả thù – dù dễ ẹt, chỉ chạy ngang qua chuồn vịt đẻ của bà Sáu gù thích méc, đá bay cửa chận bằng tấm phên tre thì vịt túa ra ruộng cho bà ấy đốt đèn hột vịt đi lùa vịt về chuồng. Trong lòng giận lắm nhưng vẫn thấy không nỡ ra tay với bà già lưng gù chỉ có thể nhặt trứng vịt trong chuồng đem ra chợ bán chứ đốt đèn đi đuổi vịt về chuồng vì trời đã xế chiều thì bà không thể. Nhưng sao bà lại quên ơn người từng giúp bà đuổi vịt về chuồng vô điều kiện đã nhiều lần, sao bà lại có thể đi méc nó ăn trộm trứng vịt, làm hư bờ rào, rồi nhỡ chó dữ cắn nó thì sao? Con người luôn có lòng tốt với người khác nhưng chỉ là lời gió thoảng mây bay, việc họ thành thục làm cho người khác là muốn thấy họ bị đòn roi, nên lưng bà ngày càng gù hơn, như cái góc vuông chống gậy đi chùa là bà Sáu gù nuôi vịt đẻ ở quê tôi.

Đến lần đó gặp vận đang xui, mới bị cô giáo quất cho một trận thước kẻ trong lớp vì tội đánh con cô giáo. Càng cố quên chuyện đau lòng thì càng già càng nhớ như mới hôm qua vì khi lớn lên thì con nhỏ trời gầm ấy lại càng xinh đẹp, nhưng thù xưa chưa nguôi nên ngoảnh mặt làm ngơ mà trong lòng tiếc nuối. Chiều ấy tan học về còn đang nghĩ cách trả lời mẹ yêu là sao con bị cô giáo đánh bầm tím nhiều nơi? Nói thật, mẹ không tin vì mẹ chỉ tin tôi học dở nên bị cô giáo đánh, nhưng nói láo lại mang tội nói láo mẹ là tội không thể tha. Nói làm sao nỗi oan ức nó giẫm  lên tập mình nguyên giấu chân cát bụi, rồi mẹ nó lại khẻ tay mình vì tội tập vở dơ bẩn. Cãi chứ sợ gì nên cô giáo lăn ba vi bộ sang tội để tập vở bị quăn góc… Lỗi tập bị quăn góc là có, bị đòn không oan vì dân chơi không đi học đường ruộn, bờ đê, dành cho trâu ra đồng; dân chơi là chơi tập vở vô túi ny-lon, đội lên đầu rồi vượt sông mới oánh. Nhưng tội tập vở dơ bẩn là oan nên chỉ còn cách là thụi cho nó một trận ngay trong lớp, ngay sau khi bị mẹ nó khẻ tay; để làm gì trước tương quan tại chỗ, thì câu trả lời chỉ đơn giản là bản năng.

Chiều tan trường về với bao ưu tư lớn trong cái đầu nhỏ nhoi đến muốn vỡ tung hộp sọ thì thằng bạn thân rù rì, “ê, cô Ba Huế mới tước lá mía, đang đi tắm ở hàng lu nhà cô Ba kìa. Tao giữ cặp táp, vạch rào cho mày chui vô…”

Tưởng chuyện gì lớn chứ chuyện bẻ mía thì đây có cách đàn anh trong xóm truyền dạy. Bẻ xong gốc mía thì bẻ luôn đọt vì kéo đọt mía trong rẫy mía sẽ tạo ra tiếng xột xoạt, khó qua được tai chó vô cùng thính tai. Nhưng vứt đọt mía trong rẫy thì cô Ba chỏng khu nhìn vào rẫy mía mà thấy đọt mía dưới đất thì cô Ba chửi tiếng Huế cho cả làng hết ăn cơm chiều. Nên tước cái lá mía làm dây buộc cái đọt mía sang cây mía kế bên. Hồi cô Ba thấy cái đọt mía héo khô vì nắng trong rẫy được cột vào cây mía kế bên… cô Ba sẽ bớt kiêu hãnh về sự thông minh kiệt xuất của mình.

Nhưng vận xui chưa qua nên tai qua nạn tới, mới chui vô rẫy mía đã bị chó táp rách cạp quần. Lật đật chui ra, chạy thụt mạng về nhà còn chưa hết sợ, vội chui vô gầm cầu thang lên lầu là nơi lúc nào cũng tối om, chỗ chó ở nên không ai để ý như thiên đàng vậy. Mới hay tai hoạ lớn với hai ba đường tử lộ như sao băng, toạc cả da và máu rướm ra tới đâu nước mắt cũng rướm ra tới đó nỗi lo sợ, tủi hờn. Và cho dù có khóc thương thân tới hết nước mắt cũng chẳng ai thương đâu, vì tôi đã khóc trong lăm le cán chổi chà của mẹ vì mẹ đã nghe tiếng Huế chửi quên thôi của cô Ba ngoài ngõ… Nửa thế kỷ sau, hớp thêm ngụm nước mắt quê hương ngày tết cổ truyền ở hải ngoại trong thinh lặng mình ên, tôi chợt hiểu ra nội tình chuyện cũ mà thương lắm người xưa. Thì ra cha làm con chịu cũng lẽ thường tình hơn là tội bẻ mía trộm nhà cô Ba Huế. Cha tôi đắc tội với cô Ba vì ông phong trần vừa đúng ý cô thích đàn ông cao gầy, mặc đồ trận, đi xe jeep, đeo súng ngắn… Đắc ý phát hiện muộn màng còn hơn không nên thêm ngụm tết xa quê nữa; tôi hiểu ra, sao quậy nhà ai tới bị mắng vốn thì mẹ tôi cũng giơ cao đánh khẽ cho vừa lòng hàng xóm; riêng quậy nhà cô Ba Huế là mẹ tôi như bị lên đồng, đánh con như đánh một trận phá tan kình ngạc, đánh cho tan tác chim muông… trút hết căm hờn lên mái tóc sông Hương. Cái chợt nhớ trong thinh lặng đầu năm khi nhớ ra cha có một lần cao hứng ở đám cúng đình, tôi cũng không biết là rượu khen hay cha tôi thật lòng nói là cô Ba có mái tóc sông Hương nên không cần cô lên tiếng thì ai cũng biết cô là người xứ Huế. Cô Ba có bao nhiêu quần áo mới đem ra diện hết mỗi khi cha tôi ở nhà vì thường ông ở trên quận, trên tỉnh, hay đi công tác xa…

Chỉ nhớ lần đại nạn tuổi thơ, thiệt là thấm thía lòng người khi thấy kẻ bị trừng phạt, nguyền rủa, ruồng rẫy thì ai cũng lánh xa; chừng mình có trứng ngỗng, xoài chua, me dốt, hay mía thơm diệu thu thập được từ rẫy mía cô Ba Huế thì âm binh thiên tướng đồng bọn, tới mấy con nhện độc đội lốt mỹ nhân còn bú bình cũng bu tới nịnh hót để chia phần. Cái thói đời đâu cần già khú mới nhận ra vì từ nhỏ tôi đã nhận biết được tấm lòng của con Mực với kẻ sa cơ thất thế này. Nó lè cái lưỡi dài ra liếm liếm những vết trầy trên bắp chân, bắp tay tôi, nước miếng nó ươn ướt và ấm ấm rất dễ chịu cho vết thương da thịt còn mới nguyên; nước miếng chó còn trị được cả vết thương lòng khi họa vô đơn chí vì cô Ba Huế đã cắp nón lá, đi guốc mộc lộp cộp trên đường làng lên Hội đồng xã thưa kiện, đòi bồi thường bờ rào rẫy mía của cô bị hư hại. 

Cô đâu biết ở nhà tôi, tôi ăn thêm trận đòn còn bị phạt quỳ gối, úp mặt vô tường; mới thấy xót xa cho thế thái nhân tình không bằng con chó mực, chỉ có con Mực quan hoài tới tôi lúc sa cơ lỡ vận. Nhưng cái thú đau thương hồi nhỏ là hai ba ngày sau trận đòn không hên vì rướm máu lung tung, những tử lộ đỏ tươi màu máu tưởng có thể chết được làm trong lòng lo sợ chứ sao không vì ngoài niềm tin nước miếng chó có thuốc sát trùng thì Phật bà Quan âm chỉ là cô Ba đẹp gái, cô Ba nói khó nghe và suốt ngày chải tóc bên song buồn rồi ngủ gật, Phật bà suốt ngày chỉ biết ăn trái cây rồi ngủ quên trên kệ thờ chứ có che chở cho kẻ qùy lạy này được nhát chổi chà oan nghiệt nào đâu mà gọi là cứu nhân độ thế. 

Nhưng hết sợ khi máu đã khô lại là không chết vì hết máu thì đại nạn bao to cũng nhẹ như bông gòn bay khi trời gió chuyển mưa. Trên da thơm mùi nắng những vệt nâu đen đã khép miệng vết thương, những vệt nứt đứt khúc, đứt khúc như đường rày xe lửa rất vui mắt. Biết rằng cứ để như thế một hai hôm nữa thì những vệt máu khô như đường rày xe lửa sẽ tự mất đi sau khi tắm sông cả buổi trời, còn lại những vết sẹo như bụi mờ theo năm tháng thì đáng gì phải lo, nên đừng cạy ra khi da non chưa lên đủ sẽ bị chảy máu tiếp và để sẹo dài lâu. Nhưng không hiều vì sao không thể ngồi nhìn, đó là cái ghiền thú đau thương của tuổi nhỏ nên cứ cạy đường rày xe lửa màu nâu đó ra cho chảy máu thì mới có cảm giác vừa đau vừa sướng vừa đã ngứa, làm đê mê cả tâm hồn thơ dại… 

Nhưng tuyệt nhiên vẫn không hiểu cha mẹ sinh con trời sinh tính là sao? Càng suy nghĩ càng không hiểu nên quên luôn đi cho tiện bề phá làng phá xóm. Phá phách tới hôm thấy lớp trẻ con sau mình, chúng phá làng phá xóm thật quá quắt, muốn tóm cổ rồi đá đít cho mỗi đứa một đá để chúng bỏ đi những trò chơi bất nhân như cắm pháo vào bãi phân trâu bên vệ đường làng, cả đám nhóc con núp bụi chờ đám cưới đi qua thì châm nhang đang đỏ lửa cho pháo nổ rồi bỏ chạy… Nhưng ai mà biết mình lớn hồi nào, người ta cùng lắm chỉ biết mình ngu rất dài lâu, ngu tới có học trò hỏi thầy, “Cha mẹ sinh con trời sinh tính là sao hở thầy?” Biết gì đâu mà nói, nhưng hình như cái ngu cũng biết chán người đắc đạo ngu nên bỏ đi luôn. Biết làm gì hơn là kể chuyện cây chổi chà cho học trò nghe để chúng còn lại chút gì để nhớ để quên về câu tục ngữ cao thâm tới mỗi tuồi đời người ta sẽ hiểu khác trước đó.

Tết năm Covid thứ hai, nhằm vào năm thứ nhất hoàng đế Bị Đen xưng vương ở nước Cờ hoa mà thiên thượng hoàng trên trời còn không biết trong bị đen có gì? Người lạc mất quê hương này ngồi nhớ cây chổi chà, nhớ từ sợ nó nên ghét nó suốt một thời thơ dại, tới khi cần nó để quét bụi đời mình thì chỉ còn nỗi nhớ mênh mông…

Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email