Nhóm bảo trợ gia đình tỵ nạn Syria: Đền đáp lại phần nào những gì đã nhận

Chương trình CBS Morning, phát hình hôm 10/03, tường thuật lại câu chuyện một gia đình thuyền nhân đi tìm ân nhân đã cứu vớt họ trên biển Đông.
Tháng 6 năm 1980, gia đình ông Thiem Vương và bà Mai Trần cùng với 3 đứa con cộng với 57 đồng bào tỵ nạn Cộng sản bỏ nước ra đi tìm Tự do. Ông Thiem Vương, cựu sĩ quan VNCH, đã từng bị Cộng sản giam cầm 4 năm trong các nhà tù mang mỹ danh “trại cải tạo”.
“Nếu phải chết, chúng tôi sẽ chết cùng chung với nhau.”, bà Mai Trần nói.
Thuyền họ đã lênh đênh trên biển cả 10 ngày, kề cận với bao sóng gió hiểm nguy, nhiều lúc đối diện với tử thần. Hơn 120 chiếc tàu đã đi ngang qua nhưng không chiếc nào ngừng lại.
Ngày 29 tháng 6 năm 1980, thương thuyền Virgo đã vớt tất cả thuyền nhân trên chiếc tàu Thắng Lợi.
Ý nghĩ đầu tiên sau khi đặt chân lên đất Mỹ của bà Mai Trần là làm sao bà có thể gặp lại các ân nhân. Cô Lauren Vương, khi ấy 7 tuổi, bây giờ đã 45 tuổi, hiện là luật sư ở San Fransisco, Hoa Kỳ, trong suốt 27 năm ròng rã, đã nỗ lực thực hiện ước mơ của gia đình.
“Ở mỗi thời điểm quan trọng trong đời tôi, tốt nghiệp đại học luật, tuyên thệ trở thành luật sư, có gia đình, con cái, tôi luôn nghĩ đến các ân nhân và quyết tâm sẽ tìm được họ,” Lauren Vương nói với người dẫn chương trình Don Dahler của CBS News.
Cuối cùng, sau 37 năm dài, ước mơ đã thành hiện thực. Gia đình luật sư Lauren Vương đã hội ngộ với hai kỹ sư: Ken Nelson và Dan Hansen, là hai người đã mang thuyền nhân lên tàu Virgo. Thuyền trưởng Schonn qua đời vào năm 2000, nhưng Karin Schonn, vợ ông, đã từ Đức sang Hoa Kỳ để họp mặt với gia đình ông Vương tại Suny Maritime College, Fort Schuyler, thành phố Bronx.
Buổi họp mặt đã diễn ra với những giọt lệ tuôn tràn từ mắt mỗi người.
Chiếc tàu Virgo trong thập niên 70 đã cứu hơn 2.000 thuyền nhân Việt Nam.
“Vô vàn cảm ơn quý vị đã cứu chúng tôi 37 năm về trước”, cô Lauren Vương nói với các ân nhân, “tất cả thuyền nhân Việt Nam, mang ơn quý vị.”
Không chỉ gia đình ông Thiem Vương tri ơn các ân nhân, nhiều người Việt Nam tỵ nạn Cộng sản cũng mang ơn đất nước và người dân Canada đã cưu mang, bằng cách này hay cách khác, đền đáp lại những gì họ nhận được trong những ngày tháng khó khăn của buổi ban đầu mới nhập cư.
Nhóm 5 thành viên: Tu Tăng, Huỳnh Thanh, Lộc Nguyễn, Rahim Bandadi, Mohamad Alamour, VOICE Canada và Thời Báo đã chọn việc bảo lãnh những người tỵ nạn Syria, đáp ứng lời kêu gọi của chính phủ liên bang, như là một cách thiết thực để bày tỏ lòng biết ơn đối với Canada.
Đến đất hứa từ những đổ nát hoang tàn
Gia đình Alamour cư ngụ ở một thị trấn gần thành phố Daraa, cách biên giới Jordan khoảng 90 cây số, đã quyết định di tản vào năm 2012 do tình trạng an ninh bất ổn. Hơn một nửa số thường dân ở vùng này đã phải rời bỏ làng mạc sau khi quân đội chính phủ Assad chiếm đóng Daraa. Năm 2017, quê hương của gia đình Alamour đã trở thành đống đổ nát hoang tàn do chiến tranh gây ra.
Gia đình Alamour bỏ lại tất cả tài sản sau lưng, vượt biên giới sang Jordan. Tại nước láng giềng, họ được đưa vào trại tỵ nạn, lưu trú ở đó trong 3 năm.
“Mùa Đông nơi này cũng có tuyết, thời tiết rất lạnh nhưng họ phải tạm cư trong những căn lều trống trải, vô cùng tội nghiệp”, Huỳnh Thanh cho biết.
Năm 2016, trưởng nam của họ, Hamza được một người cậu, ông Mohamad bảo lãnh sang Toronto. Tương tự như bao người Việt tỵ nạn đến Canada cách nay 4 thập niên, Hamza tìm được việc làm trong một nhà hàng với mức lương tối thiểu và dè xẻn chi tiêu gửi tiền về giúp gia đình đang gặp khó khăn. Với sự trợ giúp tài chánh của ông Mohamad và Hamza, gia đình Alamour chuyển ra ngoài trại tỵ nạn, mướn một căn phòng nhỏ để tạm trú, tuy nhiên, họ vẫn không có quyền làm việc như công dân Jordan đồng thời bị hạn chế các quyền tự do khác và tiếp tục cuộc sống tạm dung, chờ và đợi.
Với mức thu nhập thấp, Hamza không thể bảo lãnh gia đình và nhóm 5 thành viên người Việt đã đứng ra bảo trợ gia đình này, gửi đơn bảo lãnh cho tổ chức Lifeline Syria, chuyên phụ trách vấn đề người tỵ nạn Syria vào năm 2015.
Tuy nhiên, do có quá nhiều hồ sơ bị ối đọng, đơn xin bảo lãnh gửi cho Lifeline Syria của nhóm 5 thành viên người Việt bị thất lạc và khi nộp lại đơn bảo lãnh, thời hạn dành cho Lifeline Syria bảo trợ người tỵ nạn đã kết thúc.
Tháng 8 năm 2016, nhóm 5 thành viên nói trên chuyển hồ sơ qua chương trình tư nhân bảo trợ (Private Sponsorship). Để bảo lãnh gia đình Alamour, nhóm cần phải ký quỹ $27.000 CAD đủ để họ sinh sống trong một năm đầu tiên sau khi nhập cư.
“Để có đủ ngân khoản bảo lãnh, các thành viên trong nhóm đã đóng góp bằng tiền tiết kiệm cộng với sự yểm trợ của các thành viên Cộng đồng, Thời Báo và tổ chức VOICE Canada và tổ chức các cuộc gây quỹ”, Tu Tăng nói.
Sau hơn 6 năm chờ đợi, ngày 1 tháng 3, ông Ammar cùng với vợ, bà Huda và con trai Khaled, con gái Ghina đã đến Toronto đoàn tụ với Hamza, sau 4 năm phân ly.
Gia đình Alamour đã chạm đến ngưỡng cửa Tự do và an toàn, không còn lo ngại cảnh máu đổ, bom rơi đạn lạc, tuy nhiên, những khó khăn để hội nhập vẫn còn ở trước mặt và trách nhiệm của nhóm 5 người bảo lãnh vẫn chưa kết thúc.
Trong gần 2 tuần qua, thành viên VOICE Canada cùng nhóm 5 người nói trên với Tu Tăng, chuyên viên kế toán, cựu thủ quỹ Hội Người Việt 3 nhiệm kỳ liên tục, là trưởng nhóm, đã quyên góp các vật dụng cần thiết cho người mới nhập cư, bàn ghế, giường, máy tính bảng, nhu yếu phẩm cho gia đình ông Ammar.
Nguyễn Như Phong, chủ nhân tiệm M’s Home and Kitchen Choice, 39 Orfus Road, Unit A3, Toronto, đã tặng các đồ gia dụng cần cho bếp núc và rất nhiều cựu thuyền nhân khác có tấm lòng vàng đã trợ giúp gia đình Alamour có những tiện nghi tối thiểu trong sinh hoạt hàng ngày .
Nhóm bảo trợ còn lo đưa họ xin các giấy tờ cần thiết, khảo sát trình độ Anh ngữ để họ có thể theo học các lớp tiếng Anh.
Cách nay hơn hai năm, VOICE Canada, Thời Báo, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Pháp Vân, Cộng đồng Mississauga đã khởi động chương trình Vietnamese Canadians for Lifeline Syria bảo lãnh người tỵ nạn Syria. Có tất cả 4 nhóm, mỗi nhóm 5 thành viên tự nguyện bảo lãnh 4 gia đình người tỵ nạn Syria.
Tổng kết đợt gây quỹ đã quyên góp được $130.000. Ngân khoản này được sử dụng để đóng tiền ký quỹ bảo lãnh 4 gia đình nói trên. Riêng Thời Báo đã đóng góp $12.000 CAD và 19 bạn đọc Thời Báo đã ủng hộ $19.000 CAD. Trước đây đã có hai gia đình người tỵ nạn Syria đã đến Canada và gia đình Alamour là gia đình thứ ba.
Gia đình cuối cùng, Saddam Aljebaoy, đã được phỏng vấn và nhóm 5 người trong đó có Thời Báo cùng với VOICE đã hoàn tất việc bổ túc hồ sơ, cũng sẽ đến vùng đất yên bình này trong một ngày gần đây. Tuy nhiên, có một điều rất buồn là một mạnh thường quân trong số 19 bạn đọc nêu trên, anh Vương Hiền Tông, đã qua đời, không còn có cơ hội được chào đón gia đình ông Saddam Aljebaoy.
Cần nhắc lại, Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, trong dịp Tết Gala 2018, đã gửi thông điệp chúc mừng VOICE Canada và nhóm Vietnamese Canadian Network.
“Cám ơn VOICE Canada và Vietnamese Canadian Network bởi vì mỗi ngày các bạn đều mang đến sự tiến bộ cho các cộng đồng ở Canada. Các bạn đã tạo cuộc sống mới và việc đóng góp tài chánh cho Hiệp hội Ung thư Canada là một minh chứng cụ thể. Nhân dịp này tôi muốn vinh danh những đóng góp của Cộng người Việt ở Canada”.


Xem thêm

Nhận báo giá qua email