Những câu chuyện khá đặc biệt ở trong nước

CHUYỆN NGƯỜI VỢ NÓI DAI, NGƯỜI CHỒNG NÓNG TÍNH

Chiều 30/12/2020, TAND TP Sài Gòn đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Văn Huệ Lệ (38 tuổi) 7 năm tù về tội giết người.

Theo hồ sơ vụ án, chị Văn Huệ Lệ và anh Nguyễn Chí T. là vợ chồng buôn bán tạp hóa tại chợ Hiệp Tân (đường Cây Keo, quận Tân Phú – tức một phần quận Tân Bình và một phần quận Phú Nhuận Sài Gòn hợp lại). Trong thời gian chung sống, vợ chồng hay mâu thuẫn, cãi vã. Anh T. đã nhiều lần nổi nóng đánh vợ khá nặng. Hai người có ba con, hai trai, một gái, thường ở bên nhà bà ngoại cũng ở gần đấy vì nhà ông bà ngoại rộng và ông bà rất quý các cháu.

Tối 19/02/2020, anh T. đi mua cơm và bánh mì về để gia đình ăn tối. Chị Lệ cằn nhằn chồng sao đã mua cơm lại còn mua bánh mì, phí tiền. Anh T giải thích là anh thích ăn bánh mì hơn ăn cơm nên mua có 2 ổ 10 ngàn bạc (tức khoảng 20 xu Mỹ mỗi ổ) chứ có bao nhiêu đâu. Nhưng chị Lệ vẫn tiếp tục lải nhải nói mãi. Hai người đâm ra cãi nhau. Anh T tức giận tát cho vợ một cái nổ đom đóm mắt khiến chị Lệ lảo đảo suýt té. Chị gượng đứng thẳng lại được bèn vơ lấy con dao phay ở trên bàn bếp, giơ lên, sẵng giọng: “Chuyện có thế mà cũng tát người ta muốn vỡ mặt. Có muốn chém chết hay không chứ cứ hơi động một tí là đánh thì ai chịu nổi?’. Anh T. vốn tính rất nóng, nghe vợ xưng người ta người ngô, lại giơ dao dọa chém nên giận tím mặt, chẳng nói chẳng rằng bèn nắm tóc chị, tát liên hồi. Chị Lệ đau quá mà cũng tức nữa, trong tay sẵn có con dao, vừa khóc vừa vung lên chém lia lịa, vào đầu, vào cổ, vào mặt anh T. bất cứ chỗ nào. Anh T, chỉ kịp kêu lên những tiếng “ối, ối” vì không ngờ vợ lại chém mình như vậy và hai tay quơ quơ chống đỡ như trong tiềm thức vì hai mắt đã bị máu chảy tràn xuống mặt, không trông thấy gì hết. Cho đến lúc anh gục xuống, chị Lệ không chém được nữa, máu anh T. ướt đẫm trên đầu, trên mặt, trên cổ, trên áo anh T. Hình như anh không còn thở nữa, bấy giờ chị Lệ mới hốt hoảng để tay lên mũi anh và biết là anh đã chết, thân hình hãy còn ấm

Tuy rất đau đớn, kinh sợ nhưng chị Lệ không bỏ trốn, chính chị vừa khóc vừa gọi điện thoại báo với công an.

Nhận được tin báo, công an xuống ngay hiện trường, khám xét, chụp hình, lấy lời khai, lập biên bản và đưa chị Lệ về cơ quan để điều tra tiếp.

Mẹ của chị Lệ xin đứng tên làm người giám hộ cho ba đứa con của anh T. và chị Lệ. Cha mẹ anh T, biết rõ câu chuyện nên có đơn không yêu cầu bồi thường thiệt hại và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại tòa, chị Lệ khóc. Chị nói rằng mình bị ức chế do hay bị chồng đánh và rất ân hận chỉ vì một việc nhỏ chẳng gì mà chồng chết, ba đứa con trở thanh mồ côi cha, mẹ bị đi tù , hối hận đến mấy cũng không được nữa. .

Bà mẹ chị Lệ xót xa nói khi xảy ra sự việc bà không có mặt ở đấy để can ngăn. Bà cho biết anh T. hơi nóng tính trong khi chị Lệ mắc tật hay nói dai nhưng cả hai đều là người tốt, rất yêu thương nhau, nhất là yêu thương các con, xin tòa khoan hồng, giơ cao đánh khẽ cho con gái bà mau được trở về nuôi các con.

Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Văn Huệ Lệ mức án 7 năm tù về tội “giết người trong lúc tinh thần bị kích động mạnh”.

Đó là mức án có thể coi là nhẹ, có sự nhân nhượng của tỏa nhưng phía gia đình nhà chồng chị Lệ không ai có ý kiến phản đối.

CON ĐƯỜI ƯƠI TRONG THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN HÚT THUỐC LÁ

Chiều 18/6/2022, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, cho biết đã rà soát, yêu cầu nhân viên sở thú nhắc nhở khách sau khi biết tin con đười ươi Borneo đực, nặng hơn 30 kg hút thuốc lá.

Theo video được người dân ghi lại hôm 17/6/2022, con đười ươi bộ lông màu đỏ, ngồi dưới nền chuồng, hai lần phì phèo điếu thuốc rồi nhả khói, sau đó dụi, vứt tàn thuốc. Con đực giống Borneo có bộ lông đỏ này sống một mình trong chuồng theo kiểu bán hoang dã ở khu động vật linh trưởng, Thảo cầm viên Sài Gòn mua và đem về từ Borneo rất đắt tiền, cho thú vật ăn, uống hoặc hút thuốc như vậy là không tốt, con vật có thể bịnh hoặc chết.

Ông Tân cho biết, đười ươi là loài thông minh, có thể bắt chước hành động của con người. Một số du khách thiếu ý thức thường ném chai nước, thức ăn vào chuồng dù có biển cấm. “Việc hút thuốc hoặc bị ném đồ vật cứng vào cơ thể gây tổn hại cho chúng”.

Đười ươi Borneo nằm trong nhóm động vật vô cùng nguy cấp, theo Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế, do môi trường sống thu hẹp và nạn săn bắt. Chúng có thể sống 35-40 tuổi ngoài tự nhiên, hoặc đến 60 tuổi khi nuôi nhốt.

Thảo Cầm Viên được xây dựng năm 1864 với tên gọi ban đầu là Vườn Bách Thảo (Jardin Botanique), là một trong 10 vườn thú lâu đời nhất của thế giới. Nơi đây được xem như viện bảo tàng sinh vật học với hàng ngàn loại động thực vật

“EM VÀ TRỊNH”, CUỐN PHIM BỊ NHIỀU NGƯỜI CHÊ NHƯNG… HỐT BẠC!

Nhiều khán giả nói phim “Em và Trịnh” phác họa nên một Trịnh Công Sơn hời hợt khi yêu, không giống cảm nhận của họ về nhạc sĩ tài hoa này.

Sau gần một tuần lễ công chiếu, tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thu hút sự chú ý của công chúng và giới văn nghệ sĩ. Ngoài điểm sáng về phần bối cảnh và âm nhạc, phim tạo nhiều luồng tranh cãi, nhất là về cách đạo diễn xây dựng hình tượng nhân vật chính – Trịnh Công Sơn thời trẻ và trung niên (do Avin Lu và Trần Lực đóng).

Chân dung Trịnh Công Sơn bên các “nàng thơ” vấp nhiều lời chê. Khắc họa chuyện tình của nhạc sĩ từ thập niên 1950 đến 1990, phim tập trung vào ba người tình: Diễm Xưa, Dao Ánh và Michiko Yoshii. Ở phân cảnh đầu, Trịnh gặp Ngô Vũ Bích Diễm – tức Diễm Xưa (Lan Thy đóng) – được đạo diễn lấy cảm hứng từ lời cố nhạc sĩ kể trong sách “Một người thơ ca, một cõi đi về: “Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Đại học Văn khoa ở Huế. Long não, bàng, phượng đỏ, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn, thanh khiết».

Nhiều ý kiến cho rằng Em và Trịnh xây dựng tình tiết này chóng vánh, chưa đủ độ sâu nên khiến cảm nhận về nhân vật có phần sai lệch. Trong phim, nhạc sĩ khi vừa thấy bóng Bích Diễm đã lập tức rung động, theo chân nàng về đến tận nhà. Khi cô bước vào nhà, anh đến sát cổng, thẫn thờ dõi mắt nhìn qua khe cửa. Nhiều người xem cho rằng lối khắc họa này không sát với hình tượng nhạc sĩ họ biết qua tư liệu, sách báo. Khán giả Trung Nguyên đánh giá: «Tôi được biết Trịnh Công Sơn là người lịch thiệp từ lúc còn rất trẻ. Sau khi cha mất, ông nghiêm khắc dạy các em cách đi đứng, ứng xử hòa nhã. Cách xử lý của đạo diễn ở cảnh này khiến tôi hình dung nhân vật có tính cách lén lút khi bám đuôi một thiếu nữ lần đầu gặp».

Cảnh Trịnh Công Sơn lần đầu hội ngộ chị em Bích Diễm, Dao Ánh (Hoàng Hà đóng vai Ngô Vũ Dao Ánh) ) cũng nhận nhiều đánh giá là chưa tinh tế. Phim khắc họa một chàng Trịnh đang say lòng trước Bích Diễm thì lập tức ngẩn ngơ khi nhìn thấy em gái cô. Khi bị Bích Diễm trả lại bức tranh Trịnh vẽ tặng, sau thoáng chạnh lòng, nhân vật lập tức chuyển biến tình cảm mới: Ngồi đàn hát tặng Dao Ánh, bày tỏ mong muốn viết thư cho cô. Khán giả Tuấn Trần phân tích: “Đành là trong thực tế, Dao Ánh mới là người tình sâu đậm của Trịnh Công Sơn. Nhưng lối chuyển cảnh, dàn dựng của đạo diễn khiến tôi có cảm giác nhân vật hời hợt, yêu người này không được thì vội quay sang yêu nàng khác”.

Ở tuyến nhân vật thời trung niên, chuyện tình Trịnh và Michiko cũng gây tranh cãi. Ngoài đời, nhạc sĩ và cô gái Nhật Bản nên duyên nhờ mối giao cảm trong âm nhạc. Khi tính làm lễ thành hôn, Trịnh Công Sơn không đồng ý lạy tạ người khác theo phong tục Nhật. Vì sự khác biệt văn hóa, họ chia tay nhưng vẫn làm bạn. Khi lên màn ảnh, biên kịch sửa lại thành tình tiết nhạc sĩ và Michiko dang dở vì Trịnh Công Sơn còn vấn vương Dao Ánh. “Khi phim khép lại, tôi chỉ thấy một nhạc sĩ sẵn sàng phản bội vợ sắp cưới khi gặp tình cũ, và lập tức tìm được người mới để thay thế. Không ai yêu mến một nhân vật như thế, không ai ngưỡng mộ tình yêu như thế”, blogger Phan Cao Hoài Nam nêu quan điểm riêng.

Mảng sáng tác của Trịnh Công Sơn cũng bị cho là chưa được khai thác kỹ. Trong phim, trừ ca khúc Diễm Xưa được giới thiệu chi tiết, các nhạc phẩm còn lại chỉ vang lên nhằm phụ trợ, nâng đỡ cảm xúc cho cảnh quay. Dòng nhạc phản chiến với loạt tình khúc Da Vàng chỉ được điểm qua sơ lược, chưa cho thấy hoàn cảnh sáng tác. Nhiều khán giả cho biết họ tò mò về cách nhạc sĩ viết nên những ca khúc kinh điển, như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng nói: “Trịnh Công Sơn viết nhạc như lấy chữ từ trong túi ra”. Tuy nhiên, phim không đáp ứng được điều đó.

Giọng Huế (quê hương Trịnh Công Sơn) của nhân vật chính cũng nhận nhiều lời chê. Quang Thành – một khán giả người Huế xem cả hai phiên bản của phim – đánh giá lối phát âm của Trịnh Công Sơn thời trẻ (Avin Lu đóng) lẫn trung niên (Trần Lực đóng) đều chưa đúng chuẩn địa phương. Nhiều phân cảnh thiếu nhất quán, như giọng Huế của Trần Lực pha nhiều ngữ điệu miền Bắc, còn các diễn viên đóng em gái Trịnh lại phát âm theo hơi hướng miền Nam.

Dù vậy, nhiều người cho rằng biên độ sáng tạo của kịch bản Em và Trịnh có thể chấp nhận được, do phim là sản phẩm hư cấu, không tuân theo tuyệt đối cuộc đời nhân vật. Nghệ sĩ Bạch Tuyết – từng nhiều lần tiếp xúc với cố nhạc sĩ Trịnh – nói xem phim, bà thêm thương Trịnh Công Sơn, hiểu hơn những phụ nữ đi qua đời ông. Một trong những phân cảnh bà thích nhất trong phim là khi nhạc sĩ hát ca khúc Huyền thoại mẹ. “Ông hát trong bóng tối vì cúp điện nhưng ánh sáng tâm hồn ông đã thắp và thức dậy cả khán phòng, hay chính những người nghe nhạc đã, vẫn luôn yêu Trịnh Công Sơn”, Bạch Tuyết cho biết.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái Trịnh Công Sơn – cho biết sau khi phim ra rạp, bà và các thành viên trong gia đình hài lòng về tác phẩm. Từng chứng kiến những “bóng hồng” đi qua đời anh trai, bà tâm đắc cách xây dựng hình tượng lãng mạn của nhạc sĩ: Yêu hồn nhiên, bản năng và giàu thủy chung. Trịnh Vĩnh Trinh cũng cho rằng giọng Huế của dàn diễn viên đạt yêu cầu của cá nhân bà. Bà giải thích: “Thời trẻ anh Sơn vốn sống lang bạt ở nhiều địa phương, rày đây mai đó. Theo thời gian, ngữ điệu của anh cũng phôi phai đi ít nhiều, không còn rặt giọng Huế như ban đầu”.

Ê kíp Em và Trịnh cho biết họ lường trước những chỉ trích và chấp nhận. Trước ý kiến cho rằng phim không khắc họa đúng hình ảnh nhạc sĩ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết khi làm phim, anh gặp nhiều người tự nhận là bạn thân nhất của Trịnh Công Sơn. Anh nói: «Dù cùng câu chuyện, mỗi người lại kể khác nhau. Tôi rút ra kết luận: Sự thật ở đây chỉ là sự thật người đó muốn kể thôi. Nếu tôi khai thác theo góc nhìn của một người, người khác sẽ nói không phải như vậy. Do đó, tôi chọn câu chuyện mình muốn kể».

Diễn viên Trần Lực cũng cho rằng khi đóng Trịnh Công Sơn, ông xây dựng nhân vật thành của riêng ông. Ông đọc nhiều bình luận, khán giả đòi diễn viên phải giống hệt nguyên bản, từ dáng vóc, mái tóc đến đôi kính. Ông nói: “Không ai có thể giống Trịnh Công Sơn 100%, trừ chính anh. Ngoại hình, điệu bộ của tôi chỉ khắc họa được phần nào để gợi sự liên tưởng. Tôi không cố diễn cho giống Trịnh, mà muốn tạo ra Trịnh Công Sơn theo cảm nhận của tôi về anh”, Trần Lực chia sẻ.

Khi nhân vật Trịnh Công Sơn khóc, tâm sự cùng nhân vật Khánh Ly trong phim “Em và Trịnh”, giai điệu “Em còn nhớ hay em đã quên” vang lên. Hết phim, dài 136 phút.

Phim ‘Em và Trịnh’ vượt mốc một triệu lượt khán giả

Đại diện Galaxy – nhà phát hành – cho biết tác phẩm là phim Việt vượt mốc này nhanh nhất tính từ đầu năm đến nay. Phim hiện thu về hơn ٧٠ tỷ đồng – theo Box Office Việt Nam, đơn vị quan sát phòng vé độc lập. Nhà sản xuất ước tính sau tuần thứ ba công chiếu, phim sẽ đạt ١٠٠ tỷ đồng, trở thành phim điện ảnh Việt đầu tiên trong năm chinh phục mốc này. Được biết, phim làm hết 60 tỷ.

Tuy nhiên, hôm ١٦/٦/2022, khi về nước, danh ca Khánh Ly cho biết bà sẽ không đi xem Em và Trịnh vì không hứng thú thưởng thức hình tượng hư cấu về Trịnh Công Sơn. Theo BBC, Khánh Ly nói: “Họ muốn dựng một Trịnh Công Sơn khác với Trịnh Công Sơn của chúng ta. Nếu tôi đi xem phim bây giờ có nghĩa tôi đồng lõa với họ trong việc đó. Tôi không nói gì, không làm gì mà họ còn gắn vào miệng mình những điều đó. Tôi không muốn họ phải xấu hổ khi gặp mình”.

Tuy nhiên bà không ngăn cản mọi người xem phim, coi như một hành động ủng hộ phim Việt.

“Tôi chỉ biết nói những gì tôi biết để ông Sơn không phải chịu những oan ức như vậy. Trịnh Công Sơn không đáng phải chịu đựng những điều như thế. Ông cho chúng ta những điều rất đẹp đẽ. Trong đời ông có làm gì ai đâu để đến bây giờ nằm xuống rồi mà cũng không được yên nữa. Muốn kiếm tiền thì thiếu gì cách. Làm lợi cho mình thì phải nghĩ đến nhân phẩm của người khác nữa chứ. Hỏi ý kiến rồi cứ làm theo cách của mình thì chẳng thà lấy tên nhân vật là Trúc Ly, Hoàng Ly… có phải thoải mái không”.

Nhưng dường như càng gây tranh cãi, Em và Trịnh càng hút khách. Theo mô tả của báo chí trong nước thì nhiều rạp phải mở thêm buổi chiếu lúc ٠ giờ, khán giả Hà Nội đội cả mưa đến xem. Trong khi ai cũng biết tình trạng ngập lụt chỉ sau một cơn mưa ở Hà Nội hiện đáng ngại thế nào.

 

Đoàn Dự (ghi chép)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email