Du khách Tây ngồi xin tiền tại Việt Nam để… đi du lịch tiếp!
Trong khi rất nhiều người châu Á ôm giấc mơ sang phương Tây để “đổi đời” thì một số người phương Tây lại muốn sang châu Á để làm nghề… “hành khất”.
Mỗi khi có đoàn khách Tây đến Việt Nam, người ta thường nghĩ rằng “Tây đi du lịch đến châu Á để trải nghiệm sự dân dã, để tiêu tiền và tận hưởng thú du lịch”.
Tuy nhiên, bên cạnh những du khách đúng nghĩa, vẫn còn một số khách “Tây” trẻ tuổi lại áp dụng hình thức biểu diễn nghệ thuật đường phố, bán những tấm hình tự chụp (ở VN hiện nay gọi là hình “tự sướng”, lấy từ tiếng selfie- ĐD) , hay thậm chí “ăn xin” để kiếm tiền… đi du lịch tiếp! Họ “nghèo” đến thế kia ư, vậy thì đi du lịch làm chi? Điều này khác với người Việt cả ở trong nước lẫn nước ngoài, hễ tự thấy mình không đủ tiền thì “nhịn”, không đi du lịch, thậm chí không xin xỏ bà con hoặc anh em nữa!
Khi khách Tây “ăn xin” trở thành trào lưu

Những ngày vừa qua, trên một diễn đàn dành cho những người trẻ mê du lịch, đã đăng tải hình ảnh hai người đàn ông nước ngoài ngồi trên vỉa hè, trước mặt họ là một tờ giấy được ghi bằng tiếng Việt: “Xin chào, tôi đi bằng xe máy 25.000 km. Tôi bắt đầu từ Việt Nam – Campuchia – Thái Lan – Malaysia – và trở về Việt Nam. Bây giờ tôi muốn đi Trung Quốc. Bạn có thể hỗ trợ tôi. Cảm ơn bạn”. Hỗ trợ cái con khỉ, hết tiền thì đừng sang Trung Quốc nữa, chỉ có vậy thôi! Người Việt Nam chúng tôi không hiếu khách đến độ “biếu” tiền cho mấy anh tiếp tục đi du lịch!
Tấm hình được bàn tán và tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ thì cho rằng các du khách Tây này xin tiền công khai và có lý do cụ thể, mặc dù hơi phiến diện nhưng vẫn chấp nhận được vì họ thật thà. Song cũng có không ít người chê bai và chỉ trích hành động xin tiền để đi du lịch này là “kệch cỡm” và “đáng xấu hổ”.
Người ta còn nhớ tại Phú Quốc cách đây mấy năm cũng diễn ra một chuyện tương tự: một nữ du khách người Nga ngồi thiền trên vỉa hè với tấm biển ghi dòng chữ: “Thiền để được may mắn. Cần tiền”. Sau khi bị cơ quan chức năng sờ tới thì cô gái này đột nhiên biến mất.
Hay vụ việc một người đàn ông nước ngoài tên Holst, lợi dụng lòng tốt của người dân để có chi phí du lịch và tận hưởng những các buổi tiệc đắt đỏ trong bar vào các buổi tối. Không chỉ xin tiền ở Việt Nam mà Host còn “hành nghề” tại các nơi khác như Thái Lan, Hong Kong, Malaysia… trước khi bị những nơi đó trục xuất.
Những “phượt thủ” hay các khách du lịch “bụi” nếu hết tiền vẫn còn nhiều cách để có chi phí, như dạy ngoại ngữ, xin làm thêm tại quán cà phê… Còn nếu họ chỉ muốn xin tiền để đi được đi du lịch miễn phí thì thật tức cười, điều đó thật tệ. (“Đi phượt” hay du lịch “bụi” là tiếng lóng mới tại VN hiện nay, theo nghĩa tiếng Anh là Begpacking, hoặc to rough it (on the road when traveling – “chịu đựng mọi khó khăn vất vả khi đi du lịch “bụi”).
Một anh chàng người Anh, tên Paul (26 tuổi) có 5 năm sinh sống tại Việt Nam, cho biết: “Trào lưu “phượt ăn xin” hay còn được gọi với cái tên “Begpacker”, có thể hiểu là một du khách đem bán cho người địa phương những thứ nhàm chán với mức giá cao ngất ngưởng so với giá trị của nó, hoặc ngồi bệt ven đường với tấm biển ghi vài dòng như: “Hãy giúp tôi thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới” cùng một chiếc nón hay cái lon rỗng để đựng tiền”.
Anh cho rằng hành động của những người đó thật sự rất đáng xấu hổ. “Ở nước tôi và cả những đất nước lân cận hoàn toàn không có việc này. Người ta có thể biểu diễn nghệ thuật đường phố để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt khi họ thật sự khó khăn, chẳng ai xin tiền để phục vụ nhu cầu cá nhân như đi du lịch cả”, Paul chia sẻ.
Tây xin tiền công khai vì người Việt dễ “mủi lòng”?

Một điều lạ là hình ảnh những du khách người nước ngoài xin tiền, hoặc biểu diễn trên đường phố, hay bán những tấm ảnh chụp trong các chuyến đã đi để kiếm tiền du lịch tiếp, chỉ xuất hiện ở các nước như Việt Nam Thái Lan, Campuchia, Lào…
Thậm chí, nhiều người rất tự hào bởi bằng cách “ăn xin” mà họ đã có những chuyến đi xuyên quốc gia không phải tốn kém nhiều tiền. Thật ra du lịch theo kiểu “vừa đi vừa xin” chỉ dựa vào lòng tốt của người khác.
Alex (27 tuổi) là một người Anh sinh sống và làm việc tại Việt Nam được gần 3 năm, nêu quan điểm: “Chuyện du lịch đến các nước châu Á bằng hình thức đi phượt đang được nhiều người ưa chuộng, bởi chi phí rẻ và nó mang lại cho người ta nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Ngày còn trẻ, tôi từng thực hiện chuyến đi phượt sang 5 nước châu Á với số tiền chỉ 800 đô la. Để làm được điều đó, bản thân mỗi phượt thủ phải có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị tài chính và biết cách tăng xin giảm mua”.
Theo lời kể của Alex, trong suốt chuyến đi, anh đã xin ngủ nhờ, ăn nhờ ở nhà một vài người dân địa phương để tiết kiệm tiền khách sạn. “Tuy nhiên, trước khi rời đi, tôi vẫn chủ động trả cho chủ nhà một khoản tiền nho nhỏ để tỏ lòng biết ơn, có thể nói là tôi thuê được nơi ở rẻ chứ không hẳn là xin”.

Những phượt thủ quốc tế kiểu như Alex không hiếm, họ chỉ khác nhau ở cách thực hiện chuyến đi phượt. Nói về việc du khách Tây xin tiền, Alex phân tích: “Các phượt thủ hay khách du lịch “bụi”, nếu hết tiền vẫn còn nhiều cách để có chi phí như dạy ngoại ngữ, xin làm thêm tại quán cà phê hay nhà nghỉ, hay đôi khi họ có thể bán đi iPad, đồng hồ của mình… Đối với những du khách rơi vào tình trạng như bị cướp, bị móc túi hay bị tai nạn thì có thể tìm đến đại sứ quán để nhận được sự giúp đỡ. Còn nếu họ chỉ muốn xin tiền để được đi du lịch miễn phí thì điều đó thật tệ”.
Đồng quan điểm như trên, Hoàng Ngọc Lâm (30 tuổi) là một phượt thủ có tiếng tại Việt Nam khi anh từng thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt trong 89 ngày, chia sẻ thẳng thắn về trào lưu “Tây ăn xin”: “Là một phượt thủ, mình cho rằng điều này là không nên. Thứ nhất, nó khiến cá nhân họ quen dần với việc “ăn bám” vào sự thương hại trong khi mục đích chuyến đi chỉ đơn thuần là lợi ích cá nhân. Thứ hai, điều đó ít nhiều làm xấu đi hình ảnh đất nước nơi họ sinh ra. Và cuối cùng, trào lưu này phần nào cũng sẽ có tác tai hại là nó cổ súy cho các bạn trẻ trở thành có suy nghĩ lệch lạc. Theo mình hiểu thì ở các nước phương Tây, họ gọi thành phần này là LOOSER – những kẻ không có nghề nghiệp cụ thể và không có khả năng chi trả cho cá nhân họ”.

Vậy tại sao những “phượt thủ ăn xin” lại chỉ hành nghề ở Việt Nam và chủ yếu là các nước Châu Á? Ngọc Lâm cho biết: “Mình có nhiều bạn bè là người phương Tây, họ nhận xét dân Việt Nam mình tốt bụng và dễ mủi lòng khi thấy ai đó gặp hoàn cảnh khó khăn”.
Không chỉ riêng phượt thủ mà cả những người dân bình thường, nếu đặt bảng ra lề đường với lý do xin tiền đi du lịch là điều khó có thể chấp nhận được. Những người trưởng thành khi bỏ công sức lao động kiếm tiền đều không chấp nhận lý do xin tiền này, dù người xin là Tây balô hay người nước nào. “Thỉnh thoảng họ cũng nhận được ít chục ngàn đồng tiền lẻ. Nhưng mình cho rằng vài chục ngàn đồng ít oi đó không phải là họ chung sức đóng góp cho chuyến đi, mà nó mang ý nghĩa là sự thương hại, cứu đói”- Ngọc Lâm cho biết như vậy.
Mẹ già hành khất kiếm tiền chữa bệnh cho con
Năm 2010, trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 100 năm nhấn chìm xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình) cùng những khu dân cư sinh sống ven dòng sông Son. Tài sản, tính mạng dân chúng chìm ngập trong lũ, nhiều gia đình bị kẹt chơi vơi giữa dòng nước dữ. Dù nhà bị ngập sâu nhưng chàng trai Phạm Văn Thuận vẫn không quản hiểm nguy, cùng với 2 thanh niên khác cứu được 8 giáo viên, học sinh mắc kẹt tại Trường tiểu học Hưng Trạch. Số phận “người hùng” Phạm Văn Thuận năm xưa bây giờ như thế nào?
Nước mắt người mẹ già

Mấy tháng nay, ở các quán cà phê trong TP. Đồng Hới xuất hiện một người phụ nữ khắc khổ, già nua gia nhập đội quân “hành khất” cầm trên tay mấy tờ giấy A4 photo lại nội dung bài báo viết về con trai mình là Phạm Văn Thuận để đi xin tiền.
Phạm Văn Thuận chính là chàng trai cùng với 2 thanh niên khác ở cùng thôn Khương Hà 4 không quản hiểm nguy vượt dòng lũ dữ cứu sống 8 giáo viên và các học sinh Trường tiểu học Hưng Trạch. Riêng bản thân Thuận trực tiếp đưa 4 người đến nơi an toàn.
Bà Ngô Thị Vinh, mẹ của Thuận kể về gia cảnh hiện tại của người con trai bà: “Tôi lấy chồng năm 17 tuổi, ở với ông ấy đúng 3 năm. Ngày con gái đầu tròn một tuổi thì nhận hung tin ông ấy bị hổ vồ, tha mất xác khi đang đi rừng. Sau khi chồng mất, tôi mới biết mình mang thai Thuận 2 tháng.
“Tuổi thơ của thằng Thuận kém may mắn so với bạn bè. Mồ côi cha khi chưa lọt lòng, nhà nghèo, phải bỏ học từ sớm, trở thành lao động chính trong gia đình. Năm 12 tuổi, nó không may bị ngã trên đường. Cái ngã mạnh khiến thằng bé bị dập lá lách, phải vào viện phẫu thuật để giữ lại mạng sống. Bác sĩ buộc phải cắt hết lá lách bị dập nát nên mọi người mới gọi nó là “Thuận lá lách”.
“Năm 2012, Thuận lại gặp tai nạn khi bốc xếp gỗ thuê. Ôtô chất đầy gỗ bị lật bất ngờ, đè lên 3 thanh niên đang làm việc khiến 2 người chết. Thuận may mắn thoát chết nhưng bị gãy chân và xương vai. Năm 2016, trong khi xúc cát thuê, Thuận gặp mưa. Khi đang trú mưa bên bờ sông thì bị một đống cát lớn đổ ập lên người, không ai đến trợ giúp. Thuận tự cứu lấy mình, thoát khỏi đống cát nhưng lưng và hai chân bị tê liệt, mất dần cảm giác”.
Bà Vinh đưa con trai vào bệnh viện chữa trị, bác sĩ kết luận một đốt xương sống của Thuận bị vỡ, chèn ép tủy sống, dẫn đến bị liệt hai chân hoàn toàn. Gia đình quá khó khăn, không có tiền chi trả viện phí và phẫu thuật nên bà Vinh đưa Thuận về nhà, tự mình chăm sóc. Kể từ đó, “người hùng” Phạm Văn Thuận trở thành phế nhân, bán thân bất toại. Mọi gánh nặng cơm áo, gạo tiền, chăm sóc, vệ sinh cá nhân..vv.. đều do mẹ già gánh vác.
Sau khi một số tờ báo viết về hoàn cảnh bi đát của Phạm Văn Thuận, thông qua mạng xã hội, những cá nhân hảo tâm gần xa quyên góp ủng hộ hai mẹ con bà Vinh hơn 80 triệu đồng. Ba năm trôi qua, lo ăn uống, thuốc thang cho Thuận, số tiền đó đã cạn hết. Thương con, bước vào đường túng quẫn, bà Vinh đành cắn răng, photo bài báo viết về Thuận ra giấy A4, xin xác nhận của UBND xã Hưng Trạch rồi cầm trên tay đi ăn xin.
Bà Ngô Thị Vinh chia sẻ trong nước mắt: “Việc tàn tật của Thuận được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng 540 ngàn đồng, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Thuốc điều trị cho con hơn 500 ngàn đồng/tháng kiếm đâu ra. Cứ mỗi lần hết thuốc, tui xuống đường Hồ Chí Minh xin đi nhờ xe buýt về TP. Đồng Hới tới các hàng quán xin tiền. Xin đủ 500 ngàn đồng, tui ghé nhà thuốc Hùng Dục mua thuốc cho con rồi chờ xin đi xe buýt về nhà. Nhà chỉ hai mẹ con, còn chị gái nó thì đã có chồng con, ở xa, bỏ Thuận ở nhà một mình đi lâu không yên tâm”.
Nghiệt ngã số phận của con
Hơn ba năm nằm liệt giường, Phạm Văn Thuận trở thành đứa bé như ngày nào còn trong lòng mẹ. Thời gian bán thân bất toại làm cơ thể Thuận teo tóp đi, hai chân khô héo dần. Thuận bảo, bác sĩ kết luận đốt xương sống bị vỡ, tủy sống bị chèn, sống đến ngày hôm nay đã là kỳ tích.
Theo thời gian, hai chân Thuận bị hoại tử. Thương mẹ già nên phải ráng sống. Nằm lâu ngày, lưng lở loét cả ra, nơi đốt sống vỡ tự nhiên hình thành một cái lỗ, đau đớn vô cùng.
“Năm xưa, liều mình trong lũ dữ cứu sống 4 mạng người, không suy nghĩ chi nhiều vì là trách nhiệm đối với xã hội. Bây giờ, mình nằm một chỗ, cảm giác hụt hẫng vô cùng. Thương mẹ già mà chẳng biết phải làm sao”-nhắc đến mẹ, nước mắt Thuận lặng lẽ trào ra.
Giá như thời điểm Thuận mới bị tai nạn có đủ tiền thuốc thang, phẫu thuật thì bây giờ “người hùng” Phạm Văn Thuận không lâm vào tình cảnh bi đát như bây giờ. Mong lắm các tấm lòng hảo tâm xa gần chung tay cứu lấy Thuận thêm một lần nữa.
Địa chỉ của bà Vinh là: Bà Ngô Thị Vinh, thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Số điện thoại: 0985.021.340.
Đoàn Dự