Người bị rắn cắn ôm cả
con rắn tới BV cứu cấp
Ngày 19-8-2020, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang – khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (SàI Gòn) cho biết, bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Phạm Văn Tâm (38 tuổi, làm nghề bắt rắn, ở Tây Ninh), bị một con rắn hổ mang chúa cắn rất nguy kịch.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng hơn 7 giờ sáng cùng ngày, cậu con trai của anh Tâm trông thấy một con rắn lớn trong vườn của gia đình mình, bèn hô hoán lên. Anh Tâm ba của cậu (thân hình cao lớn, dân nhà quê quen làm vườn, rất khỏe) ở gần đấy, chạy tới và thấy trong đám cỏ rậm hình như con rắn đang cử động dưới lớp cỏ. Vốn khỏe và cũng đã nhiều lần bắt rắn, nên anh Tâm dùng tay năm lấy cổ con rắn. Không ngờ con rắn quá lớn, thuộc loại hổ mang chúa có thể gọi là khổng lồ trong loài rắn, dài tới khoảng 2,5 mét, rất hung dữ. Nó nhanh như chớp vươn đầu lên cắn trúng đùi bên phải của anh Tâm. Dù bị thương nhưng anh Tâm vẫn chụp được cổ con rắn, ghì thật chặt, đồng thời la lớn gọi con tới, bảo con mau mau kiếm băng-gạc cột vết thương cho nọc độc khỏi phát tán và chạy ra chợ báo tin cho mẹ biết là ba bị rắn hổ mang cắn rất nặng. Nhà nghèo, chị Tuôi vợ anh T bán rau cỏ ở chợ. Con rắn to lớn và dài cỡ 2,5 mét đó quấn chặt trên ngực, cánh tay trái và cổ anh Tâm. Anh cứ để nguyên như vậy, trong túi không có một đồng, vội đi ra đường nhựa xem có nhờ ai cho quá giang xe lên bệnh viện Tây Ninh được không, nếu chậm thì rất nguy hiểm.
May là có mấy người đi hành hương chùa Bà Đen bằng lòng cho anh Tâm đi nhờ lên bệnh viện Tây Ninh, nhưng trông thấy con rắn lớn khủng khiếp chính họ cũng sợ, chuyện này chúng ta sẽ nói sau. Bây giờ coi như anh Tâm đã đi nhờ được lên tới bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cách đấy khoảng 10 km. .
Đến bệnh viện, anh Tâm vẫn nắm chặt cổ con rắn để các bác sĩ xác định loại rắn và loại nọc độc của nó.
Sau khi cột miệng con rắn và gỡ nó ra khỏi thân hình anh Tâm, bác sĩ rửa vết thương, băng bó để cố định vết rắn cắn trên đùi anh T, truyền thuốc kháng sinh và giảm đau. Tuy nhiên, khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, thấy anh Tâm có các biểu hiệu không ổn, như da tái đi, các cơ căng cứng như người bị bệnh phong đòn gánh (tetanism, do siêu vi trùng tetanos từ bệnh chó dại hoặc những nơi bẩn thỉu), khó thở…, các bác sĩ bẻn đặt ống nội khí quản, cho anh Tâm thở bằng máy và cho xe cứu thương chuyển gấp anh Tâm xuống Bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, có bác sĩ và y tá đi theo chăm sóc, để bệnh viện chuyên môn dưới đó điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện Chọ Rẫy tiếp nhận anh Tâm từ BV Đa khoa Tây Ninh lúc trong tình trạng bị vết thương ở đùi, liệt tứ chi, giãn đồng tử, mất các cử động phản xạ… Lúc này, con rắn cũng được chuyển xuống BV Chợ Rẫy cùng với bệnh nhân nhưng sau đó nó đã chết do bị buộc chặt miệng quá lâu và xác rắn được giao lại cho người nhà anh Tâm.
Xác định bệnh nhân có biến chứng nhiễm độc thần kinh nặng do rắn hổ mang chúa cắn, nên bệnh viện bèn chuyển anh Tâm sang khoa Bệnh Nhiệt đới cũng ở trong khuôn viên BV Chợ Rẫy. Anh Tâm được cho sử dụng tới 10 lọ huyết thanh đặc hiệu kháng nọc rắn, mỗi ngày 1 lọ. Sau khi sử dụng vài lọ, bệnh nhân đã bắt đầu cử động được tay chân và mở được mắt.
BS Sang nói: “Đối với loại rắn hổ mang chúa, ngoài nhiễm độc thần kinh bệnh nhân còn có thể bị nhiễm độc cơ tim. Do đó, dù anh Tâm đã tạm thời qua khỏi nguy kịch nhưng chúng tôi vẫn phải theo dõi thật sát các biến chứng về tim mạch để kịp thời xử lý. Hiện thời anh Tâm vẫn còn phải thở máy”.
Theo bác sĩ Sang, người bị loại rắn có tên là “hổ mang chúa” cắn, thường tử vong do hai nguyên nhân. Thứ nhất, bị liệt các cơ hô hấp, nếu không được xử lý kịp thời bệnh nhân sẽ chết do nghẹt thở. Thứ hai, bị nọc độc tấn công làm cơ tim bị tổn thương dẫn đến suy tim cấp. Ngoài ra, chỗ bị rắn cắn thường gây nhiễm trùng, hoại tử. Trường hợp anh Tâm có thể bị cắt bỏ từ đùi trở xuống do các cơ và xương đã bị hoại tử.
Ngày 24/08/2020, Tiến sĩ BS Phan Thị Xuân, trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Tình trạng anh Tâm đã khá hơn trước. Bệnh nhân vẫn còn phải thở máy nhưng sự trao đổi oxy ở phổi đã tốt hơn. Ngoài ra, tình trạng phù nề và hoại tử ở mô không lan rộng thêm, tình trạng nhiễm độc cũng giảm, sự tổn thương của thận thì bệnh nhân đang được lọc máu liên tục”.
BS Xuân nói: “Trước đó, anh T nhập viện trong tình trạng nọc độc làm suy đa cơ quan, suy gan, viêm cơ tim, chỉ số bạch cầu bị giảm còn rất thấp. Khu vực vết rắn cắn ở vùng đùi bị nhiễm trùng, hoại tử”.
Theo BS Xuân: “Việc chở anh Tâm tới BV Tây Ninh tương đối khá kịp thời, hơn nữa anh Tâm làm nghề bắt rắn nên biết phải cột chặt vết thương bị rắn cắn, nếu không tính mạng của anh khó giữ được, vì hổ mang chúa là loại rắn có nọc dộc cực mạnh và cục độc hạng nhất trong các loại rắn hổ mang”. (Tiếng “hổ mang chúa´ này là tên một loại rắn hổ mang chứ không phải con rắn to lớn, đầu đàn. Loài rắn thường sống riêng rẽ, ít khi đi thành đàn vì nếu đi thành đàn thì lúc đói quá… con lớn sẽ nuốt con bé! – ĐD).
Những người có lòng nhân đạo
Bên cạnh câu chuyện người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, dư luận còn quan tâm đến người tài xế kiêm chủ chiếc xe du lịch 7 chỗ đã bất chấp nguy hiểm, chở nạn nhân trên quãng đường từ chỗ anh Tâm đón xe gần nhà anh đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và được cấp cứu.
Nhóm người giúp đỡ anh Tâm đến bệnh viện là chị Trần Hồng Gấm (38 tuổi, quê tại Long An), hai người bạn gái của chị, và anh Nguyễn Văn Thắng, tài xế kiêm chủ xe. Hôm đó, chị Gấm thuê xe của anh Thắng (29 tuổi, cũng ở Long An). Chị Gấm cùng hai người bạn gái rủ nhau đi hành hương nhân đó tham quan một số nơi nổi tiếng.
Đi được một đoạn đường trong địa phận tỉnh Tây Ninh thì anh Thắng bị lạc đường và vô tình trông thấy một người đàn ông đang đứng bên lề đường với một con rắn to lớn quấn quanh người.
Chị Gấm kể: “Ban đầu chúng tôi không hiểu chuyện gì mà người ta đứng dông coi, do xe chạy ngang qua nên chúng tôi không để ý thấy con rắn, lúc anh Thắng cho xe quay đầu lại mới thấy. Nửa mình phía trên của con rắn quấn vào cổ anh T, còn nửa sau thì quấn trên ngực và tay trái anh Tâm. Tay phải của anh Tâm không bị quấn thì đang nắm chặt cổ con rắn. Lúc đó, một bên đùi của anh Tâm cột dây gạc và sưng phù. Ảnh bận áo may-ô, quần xà-lỏn nên chúng tôi trông thấy máu rịn ra trên đùi ở chỗ cột sợi băng-gạc… “.
Chị Gấm xuống xe. Trông thấy con rắn to lớn, chị hoảng hồn thụt lùi lại, quay trở về xe, đóng sập cửa. Một lúc sau, không biết suy nghĩ thế nào chị lại mở cửa bước xuống. Lúc đó nhóm chị Gấm đang định đi chùa Bà Đen, nhưng thấy anh Tâm tội nghiệp nên nán lại xem có ai chở giùm anh đi bệnh viện không. Trên đường có nhiều xe cộ qua lại và có những người tò mò dừng lại xem chuyện gì.
Chị Gấm kể tiếp: “Tôi nói với anh tài xế một chiếc xe khách nho nhỏ còn rộng chỗ rằng anh làm ơn chở giùm anh kia tới bịnh viện đi, tui sẽ trả tiền. Nhưng ảnh từ chối rồi lái xe đi. Tôi lại nói với một anh khác chạy xe máy, anh này cũng không dám chở, quay xe bỏ đi”.
Chị Gấm kể: “ Lúc dó anh Tâm nóng ruột quá rồi vì không có ai giúp đỡ mình nên năn nỉ tôi: “Cô ơi, cô có xe nhà, làm ơn chở giùm em đi. Nếu chậm, nọc rắn truyền lên tới tim thì em chết, không cứu được nữa. Em còn vợ con em…”. Chị Gấm thương tình, định cho anh Tâm lên xe nhưng nghĩ lại, bèn gọi hai người bạn đang ngồi trên xe xuống: “Anh Thắng là đàn ông, để một mình ảnh chở đi là được rồi. Xe rộng, anh kia ngồi ghế đằng sau, lỡ con rắn có tuột ra thì họ chạy cũng kịp. Tụi mình là phụ nữ, lính quýnh chạy không kịp là rất nguy hiểm”. Hai người bạn nghe theo, vây là ba người xuống đoạn đường thưa thớt nhà cửa, bèn đi bộ một khoảng, gặp một quán cà phê bình dân bên đường bèn vào uống, ngồi đợi xe anh Thắng chở anh Tâm lên tới bệnh viện sẽ trở lại.
Về phần anh Thắng, anh cho biết đó là lần đầu tiên anh thấy một con rắn lớn như thế nên rất sợ hãi. Anh nói: “Nhưng sợ lúc đầu thôi chứ lúc lái xe là tui không sợ gì nữa. Lúc đó tui chỉ nghĩ đến chuyện cứu người. Trong khi đi, tui cố gắng trò chuyện với anh Tâm vì sợ ảnh mệt quá, lỡ con rắn xổng ra cắn thì tui cũng chết. Hễ anh Tâm im lặng là tui lại gợi chuyện cho ảnh nói, cứ thế rồi tới thành phố Tây Ninh trước đây kêu là thị xã”, anh Thắng kể lại.
Quãng đường từ nơi gặp anh Tâm đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh khoảng 10km, anh Thắng mất chừng 15 phút chở anh Tâm đi. Khi đến bệnh viện, liên lạc với chị Bùi Thị Ngọc Tươi (vợ anh Tâm) bằng điện thoại, đợi chị Tươi đến bệnh viện gặp chồng xong anh Thắng mới trở lại đón chị Gấm và hai người bạn của chị tiếp tục đi thăm Chùa Bà trên núi Bà Đen.
Về phần chị Gấm, sau khi trở về từ Tây Ninh, chị quyên góp tiền từ người quen và bạn bè được 7 triệu 500 ngàn đồng, chị góp thêm vào đấy 2 triệu 500 đồng cho đủ 10 triệu đồng để giúp anh Tâm. Chị nói: “Gia đình anh Tâm ở quê rất ngheo, lấy đâu ra mà đóng viện phí và tiền thuốc men. Mình giúp như vậy là cũng chỉ đỡ cho anh chị áy được chút nào hay chút nấy vậy thôi”.
Chị Gấm kể: “Tôi luôn theo dõi tin tức anh Tâm. Thấy báo chí và đài truyền hình đưa tin ảnh đã khỏe hơn, giữ lại được một bên chân. Hoàn cảnh của gia đình ảnh cũng được nhiều người giúp đỡ, tôi mừng lắm. Hôm 25/8 tôi đi xe với anh Thắng từ Long An lên Bệnh viện Chợ Rẫy thăm anh Tâm và trao tiền cho chị Tươi, vợ ảnh. Tôi sẽ cố gắng quyên góp giúp anh chị ấy thêm chứ nhà nghèo, ra viện ảnh lại mất một chân thì biết làm gì để sống”, chị Gấm bộc bạch.
Ở đời vẫn có những người có lòng nhân đạo như vậy.
Một điều đáng mừng là sau khi báo chí và đài truyền hình cho biết hoàn cảnh khốn khó của gia đình anh Tâm, những người có lòng từ thiện đã gửi giúp anh Tâm tổng cộng 800 triệu đồng (tám trăm triệu). Ngoài việc thanh toán viện phí và tiền thuốc men, anh Tâm đã giúp cho một phụ nữ cũng nghèo khổ như anh, ở củng khoa bệnh Nhiệt đới số tiền 80 triệu đồng vì chị phải thường xuyên chạy thận.
Con gái hành hạ mẹ già
86 tuổi bị bắt
Ăn chơi, phá phách hay sao đó đến nỗi phải vay nợ nặng lãi của bọn xã hội đen, đã khiến cho Tuyết (ở Long An, con gái chị Hoa, cháu ngoại bà cụ Đ) không có khả năng chi trả, phải bán cả nhà đất mà bà ngoại đã làm giấy tờ cho mình được quyền thừa kế. Điều này gây nên sự bất hòa trong gia đình và là nguồn gốc dẫn đến việc bàHoa luôn luôn hành hung mẹ già đến mức khủng khiếp và bị bắt. Sự việc diễn ra như sau…
Ngày 7/09/2020, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài khoảng 7 phút, ghi lại hình ảnh một phụ nữ hành hạ một bà cụ đang bị bệnh nằm trên giường.
Các cơ quan chức năng đã xác định được vụ việc xảy ra tại Ấp 4, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, và sau đó công an huyện Cần Đước cũng xác định được người hành hung là Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi), còn người bị bạo hành là bà cụ Nguyễn Thị Đ. (86 tuổi, mẹ ruột của chị Hoa). Từ sự điều tra, công an được biết người quay clip chính là Nguyễn Thị Tuyết, con của chị Hoa, cháu ngoại cụ Đ. Các clip đã được quay khoảng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Bà cụ Nguyễn Thị Đ. đã từ trần ngày 02/9/2020, đã hỏa táng, tro cốt được gửi vào một chùa ở tỉnh Bến Tre.
Công an huyện Cần Đước xác định có đủ yếu tố cho thấy tội trạng của Nguyễn Thị Hoa nên đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Hoa theo quy định tại Điều 185, Bộ Luật Hình sự là: “ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, hoặc người đã có công nuôi dưỡng mình”.
Thông tin từ cơ quan công an điều tra huyện Cần Đước cho biết, bà Nguyễn Thị Hoa đã thừa nhận hành vi hành hạ mẹ già, do mẹ “lẩm cẩm”, không tự chủ được vệ sinh cá nhân (những lúc này, ngoài việc đánh đập, chửi mắng, bà Hoa còn lấy chất bẩn đó nhét vào miệng bà cụ). Nguyên nhân, một phần tại vì bực tức là phải chăm sóc mẹ mà mẹ đã cho Tuyết con gái bà ta được hưởng quyền thừa kế mọi tài sản rồi Tuyết bán hết, bà Hoa không được gì cả. Mặt khác, do túng thiếu, lại lo sẽ không có chổ ở nên bà Hoa cư xử bạo ngược đối với mẹ gia.
Ông Thạch Sô Khác, nguyên trưởng Ấp 4 xã Long Hòa cho biết, bà cụ Đ chồng mất sớm, sống một mình nuôi đứa con gái duy nhất là Nguyễn Thị Hoa. Khi Hoa lập gia đình, sinh cháu Tuyết rồi ly dị chồng, cô ôm con về ở với mẹ, bà cụ Đ lại nuôi dưỡng đứa cháu ngoại từ lúc nó mới lọt lòng.
Bà cụ Đ rất yêu thương đứa cháu ngoại, bao nhiêu ruộng có được bà đã dần dần bán hết, lấy tiền để lo cho cháu ăn học. Khi Tuyết lập gia đình, có con, bà cụ Đ lại tiếp tục lo cho cháu và chắt.
Ngôi nhà nơi bà cụ Đ, bà Hoa, Tuyết và chồng con cùng sinh sống, cụ Đ làm giấy tờ, ủy quyền thừa kế hết cho Tuyết.
Những người hàng xóm cho biết, cách đây mấy năm, không hiểu Tuyết làm gì mà mang công mắc nợ, phải vay tiền bọn “cho vay nặng lãi ngoài xã hội. Do lãi mẹ đẻ lãi con, cuối cùng Tuyết không trả nổi, phải bán ngôi nhà và đất mà cả gia đình đang ở. Người mua cũng tốt, họ thỏa thuận để gia đình tiếp tục ở cho đên khi cụ Đ qua đời mới lấy nhà.
Vậy là, từ rất lâu mụ Hoa đã biết rằng sau khi mẹ mất, mụ sẽ không còn chỗ nương thân mà nguyên nhân là do việc nợ nần của con gái mụ.
Cách đây ít lâu, khi cụ Đ quá già yếu va bị lẫn, không tự chủ được việc vệ sinh cá nhân trong khi Tuyết mắc đi làm và bận việc chồng con nên bỏ mặc cho một mình mẹ lo. Phần tức giận về chuyện mẹ không cho hưởng tài sản, phần quá vất vả về chuyện phải chăm sóc một bà già ốm đau nằm liệt trên giường nên bà Hoa đã nhiều lần hành xử thô bạo với mẹ.
Cũng theo những người hàng xóm, từ khi chuyện mất ngôi nhà do Tuyết gây ra, giữa hai mẹ con bà Hoa thường xảy ra xung đột, cãi vã, thậm chí đánh lộn, nhiều khi chính quyền địa phương phải đến can thiệp. Sự bất hòa giữa hai mẹ con dẫn đến kêt quả là mỗi lần bà Hoa hành hung bà cụ Đ, Tuyết đã không can ngăn mà còn dùng điện thoại di động lén quay clip và cho hàng xóm coi.
Sau khi cụ Đ qua đời vào ngày 02/9/2020, Tuyết hay ai đó đưa các clip này lên mạng nên bà Hoa bị bắt như bên trên đã nói.
Lại thêm một người bị rắn hổ mang chúa cắn

Người đàn ông 35 tuổi, ngụ tại Đăk Lăk, phát giác một con rắn dài khoảng 2,4 mét bên bờ suối nên bắt, bị nó cắn vào ngón trỏ bàn tay phải.
Anh đánh chết con rắn, buộc garo cổ tay cho khỏi truyền nọc độc và tới bệnh viện cùng với thân rắn. Lúc bệnh nhân được bệnh viện Đắk Lắk chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn (ngày 20/9/2020) đã là 12 tiếng đồng hồ sau tai nạn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết qua phần thân rắn đã chết được người nhà mang theo, các bác sĩ xác định đây là rắn hổ mang chúa (tiếng Anh: Cobra, có nhiều ở Ấn Độ .- ĐD) cùng loài rắn đã cắn người đàn ông ở Tây Ninh mới xuất viện cách đây ít hôm. Bệnh nhân được truyền 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn, thay huyết tương để các mô mềm khỏi bị hoại tử.
Người bệnh còn có biến chứng viêm cơ tim, khiến mạch chậm, phải hỗ trợ bằng máy tạo nhịp tim bên ngoài.
Tám hôm sau, ngày 28/9, vết thương nơi rắn cắn bị hoại tử, mô cơ và xương ngón trỏ tay phải của bệnh nhân không giữ được, bác sĩ chỉ định tháo đốt ngón tay.
Bệnh nhân cho biết đã đỡ mệt hơn so với lúc mới nhập viện, tay vẫn đau. Gia đình ngheo khó, vợ chồng anh ở quê làm nghề đốn củi, làm cỏ thuê nuôi hai con nhỏ cùng cha ruột của anh và cha vợ bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường.
Đoàn Dự