Từ tuyệt vọng đến phép màu chống chọi ung thư
Tháng 8 năm ngoái (2022), anh Lê Văn Hội, 31 tuổi, cư ngụ tại Quảng Nam, bắt đầu đi tiểu buốt. Là người kinh doanh, ít hiểu biết về bệnh tật, người đàn ông ngần ngại không đi khám, cũng không nghĩ đó là dấu hiệu của bệnh nan y, nguy hiểm. Mỗi lần đau tức, anh để mặc cơ thể mệt mỏi, cố gắng giải quyết công việc.
Hai tháng sau, cơn đau ngày càng nghiêm trọng, anh được bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phát hiện ung thư hạch thể hiếm, nhưng gia đình giấu không cho anh biết về căn bệnh. Ung thư hạch bạch huyết có thể gặp ở bất kỳ cơ quan nào và là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc theo tuổi là 5,2/100.000 dân, gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Khi anh được chuyển sang Bệnh viện Vinmec, do bác sĩ Phan Trúc, Viện Khoa học sức khỏe, Đại học VinUniversity điều trị, anh Hội mới được vợ thông báo tình trạng bệnh. “Ung thư giống như một cơn ác mộng mà khi vượt qua mới hiểu sự khắc nghiệt của nó”, người đàn ông kể lại, hôm 20/2/2023.
Từ 70 kg cân nặng, anh giảm xuống còn 40 kg, cả tinh thần lẫn thể chất đều suy sụp nặng nề. “Ngày nào bác sĩ, người nhà cũng hỏi tôi những câu y hệt nhau, như: ‘Trong người cảm thấy thế nào?”, rồi khuyến khích, khiến tôi mệt mỏi không muốn trả lời”.
Cảm giác không thể chịu đựng thêm việc điều trị một giây phút nào nữa, anh Hội bảo vợ: “Hay thôi, cho anh về nhà, chi phí điều trị có thể lên tới hàng tỷ đồng lại không chắc chắn 100%, còn làm khổ thêm mọi người”. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của anh không được vợ đáp ứng, khiến người đàn ông càng thu mình và rơi vào trầm cảm. Anh Hội thường xuyên mệt mỏi, cáu giận, không muốn gặp ai cũng như không còn động lực để muốn sống.
Trầm cảm là vấn đề tâm lý nhiều bệnh nhân ung thư gặp phải trong quá trình điều trị. Năm 2012, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) tiến hành một cuộc nghiên cứu trong 9 tháng, tại Khoa Ung bướu, trên 264 bệnh nhân. Kết quả cho thấy gần 58% người bệnh bị trầm cảm. Trong đó, bác sĩ nói rằng đáng chú ý là bệnh nhân vốn có nghề nghiệp lao động trí óc, có mức độ trầm cảm nặng hơn người bệnh theo nghề lao động chân tay, tỷ lệ trầm cảm tăng dần theo giai đoạn bệnh. Các triệu chứng trầm cảm thường gặp là cảm giác buồn chán (tỷ lệ gần 71%), rối loạn giấc ngủ (hơn 70%), hồi hộp lo lắng (hơn 66%)…
Hai nghiên cứu khác của các nhà khoa học Anh, Mỹ, Đức, trên quy mô toàn cầu, được NY Times trích dẫn, cho thấy tỷ lệ tự tử ở người mắc bệnh ung thư cao hơn 85% so với dân số chung, trong đó những bệnh tiên lượng xấu nhất như ung thư dạ dày và tuyến tụy có tỷ lệ tự tử cao nhất.
Các chuyên gia nhận định trầm cảm ở bệnh nhân ung thư do nhiều nguyên nhân gây ra, như chấn thương tâm lý, khối u, các biện pháp hóa trị, tia xạ, phẫu thuật, tác dụng phụ của thuốc. “Một bệnh nhân có thể cảm thấy mất kiểm soát cuộc sống do những thay đổi trong cơ thể. Họ đau khổ, lo sợ, nghĩ đến cái chết, hoặc tất cả điều chưa biết phía trước”, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện 103 kết luận.
Bản thân anh Hội cũng trải qua những giai đoạn tâm lý như trên, khi ban đầu, người đàn ông không tin mình có thể mắc ung thư, suy sụp khi nghĩ đến một ngày sẽ phải rời xa vợ con. Tuy nhiên, khi đối mặt với thực tế, anh Hội nhận ra bản thân không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc phải chiến đấu.
Từ đó, anh tìm đến chánh niệm và thiền định. Mỗi khi mệt mỏi, bất an, anh nằm im và để tâm trí thả lỏng. Anh cố gắng tập thở bụng, mỉm cười, nghĩ đến những điều tích cực, lành mạnh.
“Một ngày, hai ngày, rồi dần dần, tâm trí của tôi không còn hoảng loạn, mà chỉ là những giây phút hạnh phúc bên vợ và các con, nghĩ về dự định mà hai vợ chồng từng vạch ra”, anh nói và cho biết thêm nhờ vậy, anh cảm thấy nhẹ nhõm và bình an hơn.
Từ ngày chồng nằm viện, vợ anh bỏ công việc, ở bên cạnh chăm sóc. Hai bé 3 tuổi và một tuổi phải chia nhau ở với ông bà nội ngoại. Nhớ con, anh thỉnh thoảng gọi điện nhờ ông bà cho ngắm cháu. Các con hay hỏi “Bố đâu?”, mọi người trả lời “Bố đi bệnh viện, khi nào xong việc bố về với con”. Khát khao được sống để nuôi dạy và chứng kiến những bước trưởng thành của con cái cũng là động lực thúc đẩy người đàn ông cố gắng chiến thắng bệnh tật.

Bác sĩ Phan Trúc, người trực tiếp điều trị bệnh nhân, cho biết trường hợp anh Hội là ca bệnh khó. Khi nhập viện, thể trạng bệnh nhân rất yếu, phải phụ thuộc hoàn toàn vào hồi sức tích cực. Bác sĩ sử dụng Pet CT – một kỹ thuật rất cao trong chẩn đoán hình ảnh ung thư, sử dụng một loại đường glucose đã biến đổi cấu trúc, có gắn chất phóng xạ phát sáng, để biết được tình trạng khối u đang tiến triển ở đâu. Nguyên tắc là các tế bào nào trong cơ thể cũng sử dụng đường, tế bào nào hoạt động càng nhiều thì sử dụng đường càng nhiều, phát màu càng sáng.
Sau khi chụp, hình ảnh phát sáng rất nhiều trong cơ thể anh Hội, là những tế bào ung thư phát triển. Bệnh nhân còn bị biến chứng nhiễm trùng, sụt cân nghiêm trọng kèm viêm phổi. Khối u chèn ép thận hai bên, khiến anh không thể đi tiểu, làm nước tiểu ứ lại, gây nhiễm trùng máu, sốc, bác sĩ phải dùng vận mạch, lọc máu, thở máy.
Điều trị bằng thuốc được một thời gian, anh Hội bị xuất huyết tiêu hóa, nguy kịch, phải chuyển hướng. Kết quả chụp phát hiện ruột tắc hoàn toàn – góp phần giải thích tại sao bệnh của người đàn ông xấu dần ngay khi đang uống thuốc đặc trị.
Bác sĩ Trúc mất nhiều thời gian để nghiên cứu, cuối cùng phát giác chỗ phình đó phù hợp hơn là khối máu tụ, chứ không phải khối u, phải có thời gian chờ hấp thụ. Bệnh nhân được chuyển sang đi hóa chất và dùng thuốc miễn dịch đường truyền tĩnh mạch trở lại với rủi ro lúc này rất lớn. Tất cả chuẩn bị cho phương án xấu nhất. Kỳ diệu, khoảng 5 ngày, tình trạng cải thiện rõ rệt, cơ quan chức năng hồi phục. Hai tuần sau, bệnh nhân không cần lọc máu.
Sau ba tháng, kết quả điều trị khả quan, anh được xuất viện.
Ba tháng nằm viện, gần như không ăn gì, chỉ truyền dinh dưỡng, trong đầu anh luôn nghĩ sau khi ra viện sẽ ăn thỏa thích những món yêu thích như cá chép om dưa, cơm rang dưa bò… Tuy nhiên, anh ăn không nổi vì mất hết vị giác, “nhai thực phẩm như nhai rơm”, phải tập ăn trở lại.
Hiện, anh đã có thể đi lại nhẹ nhàng và tự vệ sinh cá nhân. Chưa thể bắt đầu lại công việc, thời gian rảnh, anh lại hành thiền để tâm trí trở nên nhẹ nhõm, chuẩn bị cho những lần tái khám sắp tới.
“Ngủ” ở nghĩa trang để nuôi con
“Khu nghĩa trang ở đây sạch, đẹp và khang trang quá” – Đây là những câu nói của không biết bao nhiêu người khi đến khu nghĩa trang Lạc Hồng Viên ở Kỳ Sơn, Hoà Bình. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau các ngôi mộ luôn được giữ gìn sạch sẽ là công sức của chị My – người phụ nữ bảo vệ nơi đây.
Mười năm bảo vệ «nơi ở của người âm»
Chị Trần Thị My (45 tuổi, ở Hòa Bình) hàng ngày làm việc ở nghĩa trang. Công việc chính của chị là bảo vệ ca đêm (17 giờ 30 chiều ngày hôm trước đến 6 giờ 30 sáng hôm sau). Bên cạnh đó, chị còn nhận làm thêm việc chăm sóc mộ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Dáng người nhỏ nhắn, có phần gầy guộc, không ai nghĩ người phụ nữ này có thể là bảo vệ của một nghĩa trang rộng lớn. Tuy nhiên, chị My đã làm công việc này được gần 10 năm. Dù nửa đêm, mưa bão hay gió lạnh, chị My vẫn một mình đi xe đi hơn 3km vào khuôn viên nghĩa trang để đi tuần hoặc chuẩn bị nếu có lịch đón mộ.
Mỗi khi có người mất đưa vào, chị My lại bàn giao công việc cho người làm cùng rồi một tay cầm khăn lau, một tay xách theo xô nước và cây chổi ra phần mộ đã được định sẵn lom khom lau dọn từng ngôi mộ thật tỉ mỉ.
“Trước đây, khi nghĩ đến công việc trong khuôn viên nghĩa trang, ai nấy cũng sẽ nghĩ ngay đến những người lớn tuổi hay nam giới. Bởi chỉ họ mới đủ bản lĩnh “sống chung cùng người âm”.
Lúc đầu nhận làm công việc này, tôi cũng e ngại bởi vừa làm ở nơi hẻo lánh, nhiều âm khí nhưng làm mãi rồi cũng quen. Biết làm thêm công việc thì có thêm thu nhập nhưng không nhiều người dám gắn bó với công việc này.
Có người xin vào làm ca đêm được mấy hôm thì sợ phải bỏ việc. Có người đi làm vẫn mang theo tỏi đấy. Nhiều lúc tôi nghĩ bụng, bảo may các cụ thương nên giữ lại đến giờ”, chị My cười, nói.
Chị My chia sẻ: “Ngày nào nhiều ca mình chỉ ngủ có 4-5 tiếng. Vất vả nhưng so với công việc tay chân khác như đi phụ hồ thì làm việc tâm linh này mình thấy phù hợp, chỉ hơi tốn thời gian”.“Tôi làm ở đây ngót cũng gần chục năm rồi. Mới đầu về đây làm, tôi cũng thấy sợ, nhưng sau này công việc này như một phần cuộc sống của tôi. Công việc chính của tôi là làm bảo vệ ca đêm, còn công việc “nhân viên lễ tân cho các ngôi mộ” này đến với tôi như một cái duyên..

Thường khi có người mất an táng tại đây, nhận được thông tin là tôi ra mộ sớm hơn 1 tiếng để lau dọn bàn ghế, dọn khuôn viên phần mộ đó cho sạch sẽ. Ca nào cũng thế, tôi là người đến sớm nhất và ra về sau cùng khi việc an táng hoàn tất”.
Theo chị My, người Việt có quan niệm “trần sao, âm vậy” khi sống mong muốn được ở trong một ngôi nhà, khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ thì khi rời sang thế giới bên kia, ai cũng mong được an táng ở nơi tương tự. Bởi vậy, khi chọn công việc này, lúc nào chị My cũng làm với mong muốn giúp các gia chủ làm tròn đạo hiếu.
“Nhiều đêm mưa rét, một mình mặc áo mưa vẫn lọ mọ giữa các hàng mộ 4-5 tiếng, có ngày tới 3 phần mộ đưa vào, một mình làm hết… những người quen biết của tôi đều phục đấy.
Làm ở đây chỉ thương các con vì mẹ ít có thời gian ở bên. Con út nhà tôi ngày bé đòi mẹ suốt, may đến giờ lớn hơn, đi học rồi nên cũng hiểu cho công việc của mẹ, nhờ đó mà mình mới có thể gắn bó với công việc này cho đến hiện tại”
Một mình gồng gánh nuôi 2 con
Chị My tâm sự, chị và chồng kết hôn sinh được hai cô con gái. Hiện con gái lớn đã lập gia đình, có cuộc sống riêng; cô con gái nhỏ năm nay đã 12 tuổi. Từ 5 năm nay, một mình chị gồng gánh nuôi 2 cô con gái vì hôn nhân gãy đổ.
Nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn, khi con gái út tròn 3 tuổi cũng là lúc chị My xin vào làm công việc ở nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Lúc này chồng và gia đình phản đối nhưng chị My vẫn nhất quyết làm.
“Tôi đi làm nhiều khi cả một ngày, nên không thể ở nhà chăm lo cho các con, gia đình nhất quyết phản đối, thêm nhiều mâu thuẫn khác, kéo theo tình cảm vợ chồng rạn vỡ.
Nhưng nếu không làm thì tiền đâu để lo cho gia đình, con cái… Chồng tôi thì bệnh tật không làm được gì, bản thân tôi lại không được học hành đến nơi đến chốn, rất khó xin việc. Khi làm việc tại đây tôi có nguồn thu nhập ổn định, có thể lo được cho các con nên tôi mới chọn công việc này.
Sau nhiều lần mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung, tôi xin phép gia đình chồng đưa hai con về ngoại ở. Vợ chồng tôi đã ly thân được 5 năm, một mình tôi nuôi hai con”, chị My bật khóc nói.
Sau khi ly thân, bản thân như rơi vào “hố đen”, buồn chán, tủi phận nhưng chị My vẫn gắng gượng làm lụng, trở thành là chỗ dựa vững chắc cho hai con.
“Nhiều đêm đi làm con nhỏ gọi điện thoại, khóc bảo “mẹ ơi về với con” mà lòng tôi như đứt cắt. Nghe giọng con, tôi chỉ muốn từ bỏ công việc ngay, chạy thật nhanh về ôm con ngủ. Thế nhưng, nghĩ về đồng tiền trang trải cuộc sống, tôi lại động viên con rồi nén nỗi đau, gạt vội những giọt nước mắt để tiếp tục công việc.
Nhiều khi thấy hoàn cảnh của mình, đồng nghiệp đều an ủi và giúp đỡ rất nhiều, vì vậy tôi có thêm thời gian cũng như động lực lo cho con cái.” chị My kể.
Đoàn Dự