Chú rể “mít ướt”
Xin phép bố mẹ vợ lên phòng đón cô dâu Lê Mỹ Duyên xuống chào khách, nhưng vừa nhìn thấy vợ trong bộ đồ cưới xinh đẹp đang ngồi đợi mình lên đón, chú rể Nguyễn Quang Mạnh bỗng òa lên khóc nức nở.
Tình trạng này khiến cô dâu trong cuộc hôn lễ ở TP Bắc Giang hôm 10/4/2022 bất ngờ, bởi vì trước ngày cưới, Mạnh thường dặn Mỹ Duyên: “Nhớ đừng khóc trong đám cưới, sẽ kém xinh đi “. Thấy chồng khóc, Mỹ Duyên vừa lau nước mắt cho chàng vừa nói: “Không sao đâu, có em đây”. Cô nán lại trong phòng thêm vài phút, nắm nhẹ tay chàng để Mạnh lắng dịu cảm xúc rồi mới cùng chàng xuống dưới nhà làm các thủ tục cổ truyền.
Suốt khoảng nửa tiếng, trong khi cô dâu và họ hàng hai bên ai cũng tươi cười, thoải mái chụp hình kỷ niệm thì chú rể tiếp ttục lau nước mắt, thỉnh thoảng lại nấc lên.
Sau này Mạnh kể với bạn bè :”Lúc đó mình cũng muốn kiềm chế nhưng không hiểu tại sao nghe bố mẹ vợ căn dặn, trao gửi con gái, mình cứ khóc nấc không giữ lại được”. Mãi cho đến khi cùng vợ lên xe hoa về nhà trai, Mạnh mới ngưng cơn khóc.
“Khoảnh khắc thấy người con gái mình yêu giờ thành vợ, rạng rỡ trong bộ váy cưới, tôi không kiềm chế được cảm xúc dù từng đưa cô ấy đi chọn váy và chụp ảnh cưới”, chú rể Quang Mạnh giải thích.
Mỹ Duyên chia sẻ không thể ngờ chồng khóc vì trong thời gian yêu nhau, anh Mạnh trầm tính, ít biểu lộ cảm xúc. “Tôi chưa kịp khóc thì chồng đứng bên đã rơi lệ. Người chứng kiến vừa thương vừa buồn cười”, cô nhớ lại.
Quang Đoàn, thợ chụp ảnh cho đám cưới hôm đó, từng chứng kiến một vài chú rể nghẹn ngào trong ngày cưới khi thấy cô dâu khóc vì xa gia đình, nhưng đây là lần đầu anh thấy một chú rể khóc suốt buổi xin dâu. “Đây là đám cưới gây ấn tượng nhất kể từ ngày tôi làm nghề này”, anh nói.
Hình ảnh cùng clip Quang Mạnh khóc suốt đám cưới bất ngờ “nổi tiếng” trên mạng xã hội, nhận hàng ngàn lượt “thích” và chia sẻ. Tuy nhiên, cặp đôi coi đây là kỷ niệm đáng nhớ của họ trong đời.
“Thú thực tôi không dám xem lại khoảnh khắc yếu lòng được bạn bè ghi lại. Nhưng không xem cũng khó, vì mọi người chia sẻ nhiều quá”, Mạnh cười.
Quang Mạnh và Mỹ Duyên từng học chung lớp 10, nhà cách nhau 3 km. Thời đi học, Mạnh được nhận xét là hiền lành, điềm đạm và rất có cảm tình với Duyên. Năm sau, hai người tách lớp, các cuộc chuyện trò ít dần.
Năm 2020, Mạnh tình cờ gặp lại Duyên khi làm việc tại Hà Nội. Sau thời gian theo đuổi, Mạnh ngỏ lời với cô bạn cấp 3 ngày nào. Hợp nhau trong công việc, tính tình, hơn nữa lại quen biết nhau từ trước, Duyên đồng ý. Hai người được hai bên gia đình ủng hộ và tiến tới hôn nhân. Mặc dầu cả hai bằng tuổi nhau – cùng 26 tuổi – nhưng xem ra Duyên có vẻ lanh và bạo dạn hơn.
Từ đấy Mạnh thường bị bạn bè gọi đùa là chàng “mít ướt”.
Đám cưới đặc biệt của 20 cặp nhân viên y tế
Sau nhiều tháng tạm hoãn để chống dịch Covid-19, tối ngày 20-2, một đám cưới đặc biệt của 20 đôi uyên ương là nhân viên y tế của Bệnh viện công lập 175 tại Sài Gòn được tổ chức sau nhiều tháng bị hoãn vì dịch bệnh.
Dịch Covid-19 đã khiến những tấm thiệp mời không được gửi đi, cặp nhẫn cưới không kịp trao nhau và những dự định mới về tương lai của “những người áo trắng” đành tạm gác lại và họ cùng ước đến ngày đẩy lùi dịch bệnh.
Khoảnh khắc có một không hai
Để chuẩn bị cho đám cưới đặc biệt, từ trước đó (ngày 10-2) trên nóc tòa nhà Viện chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện 175, 20 đôi uyên ương nắm tay nhau chụp ảnh cưới dưới ánh nắng chan hòa. Họ không giấu nổi cảm xúc vui mừng, bởi vì đây là khoảnh khắc «có một không hai» trong cuộc đời mình. Trong thời gian còn đại dịch, những tấm ảnh cưới lộng lẫy như thế có lẽ có nằm mơ họ cũng không nghĩ đến.
Điều dưỡng viên (tức y tá chuyên về điều dưỡng, săn sóc bệnh nhân) Trần Văn An và điều dưỡng viên Bùi Thị Hoài Thu (Bệnh viện 175) yêu nhau gần 2 năm, quyết định tổ chức đám cưới nhưng lại đúng lúc dịch Covid-19 ập tới.
“Danh sách khách mời đã đầy đủ, nhà hàng, nhẫn cưới, mọi thứ đã đâu vào đó song đành phải gác lại vì dịch bệnh. Bạn bè, người thân có người trách khéo: “Sao đám cưới mà không mời?”, đành cười và giải thích lý do tạm hoãn vậy thôi.
Tuy nhiên, đấy không phải là khúc mắc cuối cùng. Anh An kể rằng đến tháng 8-2021 khi hai người dự định đám cưới lần 2 lại gặp ngay lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. An “cắm trại” tại trung tâm điều trị Covid-19 của bệnh viện và cũng không may lại là người đầu tiên nhiễm Covid-19 tại trung tâm.
Chị Hoài Thu nói .”Lúc đó mình lo lắm vì không nghĩ anh ấy lại bị nhiễm nhanh như vậy. Suốt nửa năm không được gặp, chút thời gian rảnh chỉ gọi điện qua mạng xã hội, lúc đó mình cũng không biết làm gì hơn ngoài việc nấu cơm, treo lên cửa rồi gọi điện cho anh ấy lấy mỗi ngày. Những gì đã trải qua suốt bao tháng ngày dịch bệnh thật là đáng sợ nhưng nó cũng gắn kết hai đứa chúng mình với nhau nhiều hơn, lo lắng cho nhau giống như vợ chồng mặc dầu luôn luôn cách nhau một khung cửa».
Có mặt trong buổi chụp ảnh cưới, chị điều dưỡng viên Trần Thị Thúy Hằng (27 tuổi) mặc trên mình chiếc váy cưới lộng lẫy. Cũng như bao cặp đôi khác, chị Hằng xúc động bởi không nghĩ rằng sẽ có được một đám cưới đặc biệt như thế. Suốt từ tháng 7-2021 đến nay, chị là người trực tiếp tham gia điều trị tại khu hồi sức do Covid-19 tại bệnh viện.
Những ngày ấy, để cho Hằng yên tâm chống dịch, gia đình luôn nhắn tin, dặn chị phải ăn uống đầy đủ để có sức khỏe chống bệnh tật. Cũng vì sợ Hằng lo lắng nên mặc dầu mọi người trong gia đình kể cả chồng chưa cưới của Hằng đều mắc Covid nhưng giấu không cho Hằng biết tin.
Chồng của Hằng không làm trong ngành y, hai người quen nhau đến nay tròn 6 năm. Từ chỗ «chưa có ý định cưới», vậy mà trong một lần ngồi sau xe của “chàng” sau khi dịch bệnh đã tạm lắng, Hằng bỗng bật khóc bởi vì đã trải qua sự khốc liệt của dịch bệnh, con người không biết sống chết lúc nào. Khanh hiểu, anh bèn rủ Hằng đi mua nhẫn cưới…
Yêu vợ, yêu luôn công việc của vợ
Mười năm trước, Lê Thị Huỳnh Như (quê Bến Tre, nay là nhân viên Bệnh viện công lập 175) vô tình gặp “chàng trai của đời mình” là Huỳnh Tấn Lực, hiện đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Điện lực Sài Gòn. Hai người dự định đến tháng 10-2021 thì chính thức “về dưới mái nhà”.Nhưng họ đành phải gác lại vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Cô y tá Huỳnh Như phải gia nhập một trong các đội đi lấy mẫu xét nghiệm cho dân chúng tại các phường bất kể thời gian.
Huỳnh Như nói những ngày chống dịch, hai đứa thỉnh thoảng chỉ gọi cho nhau qua điện thoại chứ không được gặp mặt mặc dầu các trường cũng tạm nghỉ,ảnh ở nhà tối ngày do chung cư gia đình ảnh ở thuộc khu vực bị phong tỏa. “Nhiều lúc nhớ tui quá, ảnh nói lúc nào rảnh tui nhớ mở webcam trong điện thoại cho ảnh nhìm thấy tui một chút”. “Mà đâu tụi tui có được rảnh, “ngoáy lỗ mũi” hết người nọ lại đến người kia “Còn gặp được nhau qua hàng rào là tốt rồi, nhiều người hai tỉnh khác nhau còn không thể gặp nhau”, Như mỉm cười nhớ lại.
Còn anh Huỳnh Tấn Lực thì bảo rằng rất trân trọng và yêu quý nghề nghiệp của vợ. “Bình thường chúng tôi gặp mặt thường xuyên, 2 – 3 ngày 1 lần nhưng đột ngột dịch đến cả tháng không gặp nhau làm xáo trộn mọi thứ.
Thay vì ngồi lo lắng, tôi tích cực bổ sung các chất cho vợ bồi bổ sức khỏe, dặn vợ ăn uống điều độ để có sức chống lại COVID-19, phục vụ cho bệnh nhân. Đây sẽ là ký ức để lại nhiều kỷ niệm làm tình yêu thêm bền chặt. Mình yêu nhân viên y tế thì yêu luôn công việc của họ” – anh Lực tâm sự.
Tại cái gọi là “duyên nợ” chăng?
Triệu Nguyễn Chuyên, 33 tuổi, quê Bắc Kạn, làm thợ mỏ ở Quảng Ninh. Anh quen Bùi Thị Điểm, sống tại huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, qua mạng xã hội năm 2014. Cô gái bị bại não sau trận sốt cao năm một tuổi, từ đó tay chân co quắp, phải đi lại bằng đầu gối, ra ngoài phải có người giúp sức.
Ban đầu họ là hai người bạn, chỉ có thể trò chuyện với nhau qua điện thoại sau giờ anh Chuyên làm việc tại mỏ than. Biết Điểm tật nguyền nên ngày ngày Chuyên đều hỏi thăm sức khỏe. Điều đó khiến cô xúc động. Còn anh hiểu đây là một cô gái tốt qua cách cô luôn cố gắng tự làm mọi việc trong nhà, từ quét dọn tới nấu ăn…
Sau hai năm trò chuyện, năm 2016, Chuyên ngỏ ý muốn đến nhà thăm bạn. Cô ngập ngừng, sợ thấy mình tàn tật, anh sẽ không muốn làm bạn nữa. Điểm nói thật chuyện đó. Chuyên nói trong điện thoại: “Dù thế nào anh cũng sẽ về thăm em”, Chuyên trả lời dứt khoát rồi sáng hôm sau đi xe về Hưng Yên thăm Điểm.
Lần đầu gặp nhau, để nói được vài câu, Điểm phải dồn hết sức mới phát âm rõ tiếng: “Em có khác nhiều với sự tưởng tượng của anh không?”. Thật ra, ngoại trừ chuyện tàn tật, bên ngoài trông Điểm khá hơn trong ảnh. Chuyên nói: “Đối vời anh, em là một người đẹp. Anh là thợ mỏ suốt ngày chui dưới hầm chứ có gì đâu”. Câu nói của Chuyên khiến Điểm mừng thầm trong bụng vì biết chàng nói thật.
Ở Hưng Yên vài ngày, Chuyên quan sát cách Điểm di chuyển và làm mọi việc trong nhà. Cô đi bằng hai đầu gối, mỗi lần nấu cơm phải bám vào chiếc ghế phía trước rướn mình lên mới với tới bếp.
Nhìn thấy cô lê từng bước lên cầu thang, Chuyên muốn biết cảm giác đó như thế nào nên thử quỳ xuống tập lên cầu thang nhưng ngã dúi dụi. “Tôi hiểu Điểm rất cố gắng để không thành gánh nặng cho gia đình”, anh nói. Từ lúc đó, chàng thợ mỏ nể phục Điểm hơn.
Sau khi Chuyên trở về Quảng Ninh với các hầm than, hai người vẫn chuyện trò, tình cảm trong Chuyên cũng lớn dần. Sau vài tháng, anh tỏ tình nhưng Điểm nghẹn ngào bởi cô không tin mình có phước đến thế. Cô khóc và nói anh nên tìm một người bình thường đem lại hạnh phúc cho anh chứ em có đáng gì đâu.
Biết Chuyên yêu thương Điểm, bố mẹ Chuyên thì phản đối quyết liệt. Để thằng con “bất trị” quên đi việc kết hôn, ông bà giấu hộ khẩu gia đình, đồng thời tuyên bố từ mặt con nếu không từ bỏ ý định. “Con sẽ lấy cô ấy làm vợ, sau này sướng khổ thế nào con chịu”, Chuyên dứt khoát trước khi rời nhà đi.
Không thuyết phục được Chuyên, người mẹ gọi điện cho cô gái, cầu xin buông tha cho con bà. Điểm thấy hành động của người mẹ là đúng nên chủ động nói lời chia tay. Nhưng chàng trai quyết không từ bỏ. Cứ cuối tuần, anh lại từ Quảng Ninh bắt xe về Hưng Yên, lặng lẽ làm mọi việc. Trước sự kiên trì của Chuyên, không chỉ Điểm mà bố mẹ cô cũng mủi lòng. Không lâu sau, họ quay lại với nhau.
Cuối năm 2016, một đám cưới nhỏ diễn ra, chỉ có nhà gái. Không ăn hỏi, trầu cau, không xe hoa, quần áo cô dâu chú rể chỉ thuê một bộ duy nhất mặc hết buổi lễ. Nhà trai không một ai đến dự. Để chữa thẹn với bà con xóm giềng, mẹ Điểm giải thích đám cưới sẽ tổ chức lần hai ở nhà trai vì đường xá xa xôi.
Cậu bé Triệu Bùi Trung Đức khỏe mạnh ra đời giữa năm 2017 khiến gia đình nhỏ thêm hạnh phúc. Sau khi đầy tháng, hai mẹ con ở lại Hưng Yên, bố quay về Quảng Ninh làm việc.
Đầu năm 2019, Điểm gửi con cho bố mẹ ra Quảng Ninh thăm chồng. Đây là thời gian riêng tư hai vợ chồng ở bên nhau nhiều nhất. Từ ngày vợ đến, căn phòng Chuyên thuê đầy ắp niềm vui, không còn sự cô đơn và những khoảng lặng như trước.
Tình yêu của họ đã lay động được bố mẹ Chuyên. Cuối năm 2020, ông bà gọi con trai về, đưa cho sổ hộ khẩu, giục đi đăng ký kết hôn. «Chẳng nhẽ mãi để thằng cháu tôi mang họ mẹ», họ nói.
Đoàn Dự