Từ chiếc ví để quên ở ngân hàng, phát lộ cả đường dây tội phạm
Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa bắt giữ Vũ Đức Tính (29 tuổi, ngụ tại phường Thái Bình, tỉnh Hòa Bình), Vũ Đức Tình (anh ruột Tính, 34 tuổi, ngụ tại phường Chương Mỹ, Hà Nội) và Dương Gia Hà (27 tuổi, ngụ tại Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) về tội “làm giả giấy tờ, con dấu của tổ chức, cơ quan”.
Trước đó, công an huyện Thanh Trì nhận được tin báo của nhân viên một phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn huyện Thanh Trì về việc khách hàng bỏ quên chiếc ví tại phòng giao dịch này. Kiểm tra bên trong, nhân viên thấy có các thẻ Chứng minh Nhân dân, các giấy phép lái xe đứng tên nhiều người khác nhau nhưng đều dán ảnh của một người. Nghi ngờ là giấy tờ giả nên nhân viên ngân hàng báo công an.
Chiều 15/3, khi Vũ Đức Tính (em của Vũ Đức Tình) đến phòng giao dịch của ngân hàng xin lại chiếc ví để quên thì bị công an kiểm tra. Khám xét người này, công an phát giác trong cốp xe máy của Tính có một giấy gửi tiền của khách hàng tên Hoàng Anh Tú, do phòng giao dịch của ngân hàng chứng nhận; một giấy xác minh mở tài khoản và một hợp đồng thuê nhà.
Khám xét nơi Tính đang thuê trọ tại Khu nhà tập thể Đại học Công đoàn (ngõ 167, phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội), công an thu giữ được 8 thẻ Chứng minh Nhân dân, 3 giấy phép lái xe và thẻ ngân hàng. Kết quả giám định cho thấy tất cả các giấy tờ trên đều là giả.
Vũ Đức Tính khai, cuối năm 2020, Tính quen biết Dương Gia Hà và được Hà rủ làm các thẻ Chứng minh Nhân dân giả để mở tài khoản ngân hàng (account) kiếm tiền. Tính đồng ý, đặt mua 7 CMND và 7 giấy phép lái xe giả, đứng tên nhiều người khác nhau có ép ảnh của Tính, rồi mang đến ngân hàng mở tài khoản (với tên khác trong CMND giả nhưng ảnh của Tính). Khi lừa được người gửi tiền cho mình theo account này, Tính có CMMND, giấy phép lái xe… giả đúng với tên trong account để lãnh.
Khi có đủ bộ gồm CMND giả, thẻ ngân hàng và sim điện thoại liên lạc với ngân hàng, Tính đã nhận được tiền theo các “mối” lừa đảo của Hà, chuyển các số tiền này cho Hà và được Hà đã chia cho tổng số tiền là hơn 60 triệu đồng.
Ngoài ra, Tính cũng khai đã nhờ anh ruột tên là Vũ Đức Tình làm giả một CMND. Trong Vụ việc này, Tình anh ruột của Tính được hưởng 5 triệu đồng.
Tất cả ba người nói trên đều đã bị bắt.
Bất thường trong vụ kiện 3 viên kim cương
Trong đơn khởi kiện gửi TAND TP Sài Gòn, bà Tăng Thị M, Việt kiều Mỹ, cho biết ngày 23/04/2018, bà đưa cho ông Lâm Ngọc Khanh một chiếc nhẫn và đôi bông tai kim cương, trị giá 37 tỷ đồng, nhờ ông bán giùm. Việc giao nhận được hai bên lập thành biên bản có chữ ký và dấu lăn vân tay của cả hai. Ông Khanh được hưởng hoa hồng 15% số tiền bán được, thời hạn phải thanh toán là ngày 30/7/2018.
Bà Tăng Thị M.cho rằng, quá thời hạn 3 tháng bà vẫn không nhận được tiền bán số kim cương nói trên nên khởi kiện ông Khanh, yêu cầu ông phải trả cho bà số tiền 31 tỷ đồng (đã trừ hoa hồng) và tiền lãi ông chậm trả tính đến ngày tòa ra bản án sơ thẩm.
Ông Khanh gửi tường trình cho tòa (trước khi vụ án được xét xử), cho biết chưa từng gặp mặt và không biết bà Tăng Thị M. là ai. Ông cũng không ký tên trong bất cứ giấy biên nhận nào về việc mua bán kim cương với ai. Tài liệu duy nhất có dấu lăn tay mực đỏ của ông là hợp đồng mua hai căn biệt thự ký với một người tên Công, con trai của bà Loan (bạn làm ăn với ông Khanh) vào tháng 12/2017.
Khi bị kiện, ông Khanh mới phát giác bà Tăng Thị M và bà Loan có mối quan hệ với nhau. Trong đó, cả hai có cùng người đại diện ủy quyền. Theo ông Khanh, giấy biên nhận kim cương bà Tăng Thị M cung cấp cho toà là giả, nhằm mục đích cấu kết với người khác để chiếm đoạt tiền của ông. Việc này ông đã tố cáo với cơ quan công an.
Ông Khanh còn cho rằng các tờ giấy trong hợp đồng mua bán hai căn biệt thự đã bị đánh tráo để làm giả thành giấy biên nhận kim cương. Ông trình bày, ông và bà Loan là chỗ thân quen lâu năm, nhiều lần cho bà này vay hàng chục tỷ đồng để kinh doanh. Năm 2017, bà Loan đề nghị bán cho ông hai căn biệt thự của con trai để khấu trừ một số vào món nợ.
Ngày vợ chồng ông Khanh đến ký hợp đồng mua nhà, bà Loan nói Công có việc nên sẽ đến trễ. Khi đọc xong hợp đồng do họ soạn sẵn, vợ chồng ông được bà Loan mời lên tầng trên để xem nội thất rồi xuống ký sau. Lúc trở xuống, ông thấy các tờ giấy được xếp chồng lên nhau, che đi phần nội dung phía trên nhưng vợ chồng ông chủ quan không đọc lại, cứ thế ký tên và lăn tay.
Theo đó, ông Khanh không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Tăng Thị M. (từ đây chúng ta gọi là bà Tăng cho tiện), đồng thời ông đưa ra yêu cầu phản tố, đề nghị tòa buộc nguyên đơn phải bồi thường tiền tổn thất tinh thần, chi phí đi lại và tiền thuê luật sư của mình.
Không có mặt theo giấy triệu tập, bà Tăng chỉ gửi đơn trình bày đến tòa. Trong bản lời khai bà cho biết, sau lần tình cờ gặp ông Khanh tại nhà hàng khách sạn Ocean Palace vào chiều 23/3/2018, bà đã tin tưởng và nhờ ông này bán giúp mình ba viên kim cương. Qua nhiều lần gặp mặt, đến ngày 23/4/2018, bà đã giao một chiếc nhẫn và đôi bông tai kim cương, làm giấy giao nhận với ông Khanh.
Hồi cuối tháng 4/2019, sau nhiều lần hòa giải bất thành, TAND TP Sài Gòn mở phiên xét xử sơ thẩm. Bà Tăng tiếp tục vắng mặt, cử người đại diện tham gia phiên toà.
HĐXX đặt nhiều câu hỏi về hình dạng các viên kim cương, nằm rời hay đính vào nhẫn và bông tai, cách thức mang về Việt Nam, quy trình giao nhận kim cương với ông Khanh… Tuy nhiên, người đại diện của bà Tăng từ chối trả lời.
Phía ông Khanh giữ nguyên quan điểm, khẳng định chưa từng gặp bà Tăng. Theo ông, lời khai của bà Tăng không có thật, bởi bà nói đã gặp ông ở khách sạn hôm 23/3/2018, song thời điểm đó ông đang có mặt tại một ngân hàng để làm thủ tục về các sổ tiết kiệm và rút tiền. Việc này đã được nhân viên ngân hàng xác nhận với tòa. Thứ hai, bà Tăng cho rằng đã đưa cho ông chiếc nhẫn và đôi bông tai, song trong biên nhận cung cấp cho toà chỉ thể hiện 3 viên kim cương không gắn với nữ trang.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND TP SG đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Tăng. Theo HĐXX, quá trình thụ lý đơn phản tố của ông Khanh, Bộ Công an đã cho giám định giấy biên nhận kim cương” và các tài liệu khác, kết quả là giấy biên nhận ba viên kim cương và hợp đồng mua bán hai căn biệt thự giữa ông Khanh và ông Công (con trai bà Loan) có cùng kiểu chữ, cỡ chữ, khoảng cách các chữ… Phần nội dung tờ giấy biên nhận là “in đè, in thêm vào sau, trên các phần ngày tháng, chữ ký”. Còn theo kết quả xác minh của Hải quan sân bay, từ năm 2016 đến nay bà Tăng nhập cảnh vào Việt Nam ba lần nhưng đều không khai báo mang theo ba viên kim cương.
Ngoài ra, bà Tăng cũng không cung cấp được cho toà bản chính, bản photo giấy chứng nhận kim cương, giá mua hay nguồn gốc của số tài sản rất lớn hàng triệu đô này.
HĐXX cho rằng, bà Tăng có nhiều lời khai mâu thuẫn và không cung cấp được bất cứ hình ảnh nào về những viên kim cương. Do đó, sự tồn tại của ba viên kim cương là “không có thật, không có việc giao nhận kim cương giữa bà và ông Khanh.
“Việc nguyên đơn khai rằng tin tưởng, giao cho ông Khanh tự định giá và bán ba viên kim cương có giá trị rất lớn mà không có người làm chứng, không lập biên bản giao nhận, không quen biết ông Khanh trước đó và chỉ vô tình gặp một lần trong nhà hàng, là không thuyết phục”, bản án nêu.
Đối với yêu cầu phản tố của ông Khanh, HĐXX cũng không chấp nhận vì «bị đơn cũng có lỗi khi ký các hợp đồng mà không kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng”.
Về việc ông Khanh cho rằng phía nguyên đơn dựng chuyện nhằm chiếm đoạt tài sản của mình, toà cho biết Bộ Công an đã có văn bản trả lời “không đủ cơ sở để xử lý hành vi lừa đảo” vì trên thực tế tài sản chưa bị chiếm đoạt.
Hạnh phúc mới của người phụ nữ từng bị chồng thiêu sống
Từ ngày bị chồng cũ thiêu sống, bỏng toàn thân song may mắn thoát chết, chị Lê Thị Kim Ngân nghĩ mình sẽ ở vậy nuôi hai con. Nhưng tình yêu của anh Nguyễn Văn Minh, người đồng cảnh ngộ, khiến chị thay đổi ý định. Chúng ta thử xem lại cảnh chị bị chồng đốt trước đây cũng như sự cố gắng làm ăn của chị để nuôi hai con và tìm thấy hạnh phúc mới…
Hai năm “hồi sinh”của người phụ nữ bị chồng đốt
Thoát chết sau khi bị chồng tưới xăng đốt, chị Lê Thị Kim Ngân, 34 tuổi, bị bỏng 92% cơ thể, nhưng 2 năm qua, chị đã vượt mọi khó khăn để nuôi hai con trai và xây dựng lại cuộc đời.
Sáng sớm ngày cuối tuần tại Sài Gòn, chị Kim Ngân dậy sớm để ra chợ mua chút đồ cúng chuẩn bị cho lễ khai trương cửa tiệm may nhỏ của mình. Thấy mẹ vui vẻ, cậu con trai bé mới 8 tuổi của chị cũng đòi đi. Ngồi trên yên xe sau lưng mẹ, cậu nói nhỏ: “Thấy mẹ hết đau, đi lựa (đi lại) bình thường, con với anh Hưa (anh Hai) mừng lắm “.
Câu nói của đứa con khiến chị Ngân kinh hoảng nhớ lại cái “tai nạn” khủng khiếp hơn 3 năm về trước.
Cách đây hơn 3 năm, tức cuối năm 2019, người chồng làm phu hồ, công việc khi có khi không nhưng lại đam mê bài bạc. Chị làm thợ may cho một cửa hàng lớn của người ta. Chị may khéo và đẹp, lương thợ chính tuy có đồng ra đồng vô, song nhà có hai đứa con còn nhỏ, mọi chi tiêu đều trông vào tiền công của chị nên chị phải hết sức dè xẻn, dành dụm được đồng nào thì gửi ở nhà mẹ ruột chứ không dám tiêu xài hoang phí.
Buổi tối hôm ấy, người chồng đi đánh bạc về, thua cháy túi đang muốn gỡ. Gã đánh thức vợ dậy hỏi “vay”. Song tất nhiên chị Ngân từ chối. Lời qua tiêng lại, năn nỉ thế nào chị cũng không đưa, hắn tức giận bèn đi mua mấy lít xăng đem về tưới khắp nền nhà và đổ cả lên giường, chỗ vợ và hai con gã nằm ngủ. Trong lúc tức giận, gã nghĩ quẩn, định đốt hết, cháy hết và chính gã cũng chết theo. Gã bật diêm quẹt liệng vô trong giường. Giường nệm. Căn nhà lại bằng vách gỗ mái tôn. Lửa bùng lên rất mau, cháy như biển lửa. Gã cũng bị bỏng nhưng tông cửa chạy ra được và kêu cứu. Còn chị Ngân, đầu tóc, quần áo chị cháy như cây đuốc. Trong lúc thập tử nhất sinh, chị vẫn đẩy được hai đứa con cũng đang cháy ra ngoài cửa và chị gục xuống, quần áo, đầu tóc vẫn tiếp tục cháy. Hàng xóm hô nhau đám cháy, đưa người bị nạn đi nhà thương.
Làm dơn bãi nại cho chồng
Sau vụ cháy, vì quá nặng nên chị Ngân được chuyển từ bệnh viện Phú Yên vào khoa Bỏng bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn điều trị. Suốt 10 ngày đầu, chị nằm bất động trên giường, toàn thân băng kín chỉ chừa đôi mắt đã mờ đục. Hơn một tháng nằm tại khoa Bỏng, hầu như đêm nào chị cũng mơ thấy đám cháy đêm đó.
Khi chị được xuất viện về nhà cha mẹ ruột ở Phú Yên, người nhà cất hết gương đi, không ai dám cho chị coi vì mặt chị trông “ghê” quá, méo mó và chằng chịt dầy sẹo, cả tay chân cũng thế.
Ngày vào trại giam thăm chồng, chị thấy chồng cũng bị bỏng. Người đàn ông cúi mặt khóc, không dám nhìn vào mặt chị. Lúc đó, những oán hận bấy lâu bỗng tan biến. “Nếu cứ giữ mãi mối oán hận cũng chẳng ích gì, thà buông ra để rảnh trí lo cho hai con còn hơn”. Về nhà, chị nhờ người chỉ dẫn, làm đơn bãi nại, xin giảm án cho chồng dù gia đình chẳng ai bầng lòng
Nhờ có đơn xin bãi nại, khi ra tòa người chồng chị Ngân chỉ phải chịu 16 năm tù. Chị Ngân thấy nhẹ nhõm trong lòng, đêm nằm ngủ ngon, không còn mơ thấy “biển lửa”.
Làm ăn nuôi con
Gần Tết năm 2020, chị Ngân quyết định đem con vào Sài Gòn làm ăn dễ sống hơn ở Phú Yên. Chị là thợ may giỏi nên biết gần Tết các tiệm may lớn có uy tín thường cần thợ làm cho kịp đồ của khách hàng. “Chịu khó đi tìm, nếu tiệm nào cho mình thử việc thì chỉ nhìn đương kim mũi chỉ hay cách may cắt “chuyên nghiệp” của mình thế nào họ cũng bằng lòng”, chị Ngân tự tin nghĩ như vậy.
Ba mẹ con tay xách nách mang đủ thứ, đi xe đò (bây giờ gọi là xe khách) từ buổi sáng, vô tới Bến xe Miền Đông (Sài Gòn) thì trời đã chiều. Còn đang lớ ngơ chưa biết đi đâu thì một người đàn ông ngồi trên xe ba-gác bỗng hỏi: “Ủa, ai trông như chị Ba Ngân phải không?”. Chị ngạc nhiên, đó là anh Minh thợ hàn, một bệnh nhân cũng nằm trong khoa Bỏng bệnh viện Chợ Rẫy do bị nổ bình gió đá hồi nọ. (Bình gió đá: Bình đựng khí acêtylen, thường bằng thép, khi cháy rất nóng, có thể làm chảy kim loại để hàn, rất ít khi nổ nhưng nếu nổ là rất nguy hiểm .- ĐD). Minh hỏi chuyện, biết ba mẹ con chị Ngân mới từ Phú Yên vô, chưa có chỗ ở nên nói: “Hai má con tui cũng ở gần đây, căn nhà nhỏ xíu trước làm tiệm hàn. Nếu tiện thì chị đưa hai cháu về ở cho vui. Gặp chị chắc má tui mầng lắm. Thỉnh thoảng má tui vẫn hói không biết cô Ba Ngân Phú Yên bị bỏng hồi đó bây giờ ra sao. Chị Ngân mừng rỡ: “được vậy thì tốt quá, tôi cũng muốn đến thăm bác”.
Vậy là ba mẹ con đem các thứ lên chiếc xe ba-gác rồi ngồi lên cho anh Minh chở.
Cuộc sống của ba mẹ con chị Ngân dần dần ổn định nhờ chị là một thợ may giỏi, được khách hàng ưa chuộng, nhà chủ quý mến, do đó thu nhập của chị cũng cao. Gần đây, tức cuối tháng 5 – 2022, bệnh dịch Covid-19 gần như đã chấm dứt, mọi chuyện trở lại bình thường, chị “thừa thắng xông lên”, mở một tiệm may bé xíu tại căn nhà cũng rất nhỏ trước đây anh Minh dùng làm “tiệm” hàn điện và hàn gió đá ở quận Bình Thạnh gần Bến xe Miền Đông. Bà cụ anh Minh nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ. Cụ quý chị lắm, thường gọi chị bằng con.
Còn về tình cảm của chị Ngân đối với anh Minh, sau đây chúng ta hãy nghe chị kể:
“Sáng sớm anh Minh đã dậy nấu nướng hoặc chiên cơm, lo bữa ăn sáng cho cả nhà. Ăn xong, anh chở thằng bé đi học còn thằng lớn thì tự đạp xe đến trường. Đâu đấy xong xuôi bấy giờ anh mới lấy xe ba-gác tới Bên xe Miền Đông kiếm khách”.
Rồi chị nói thêm: “Từ ngày có anh Minh, tôi thấy mình như sông một cuộc sống khác, có người để nương tựa chứ không một mình phải lo nghĩ, vật lộn như trước.
Đoàn Dự