Những câu chuyện trong gia đình

Ly dị ở tuổi xế chiều
Tháng trước, hàng xóm thấy cán bộ địa chính xã đến nhà ông Phượng đo đạc, ghi chép, nên nghĩ có lẽ ông Phượng chuẩn bị bán đất. Vài ngày sau, thấy bà Phượng từ nhà con gái về, tất tả thu dọn đồ đạc lên một chiếc xe tải nhỏ chở đi và chào giã biệt mọi người, bấy giờ cả xóm mới biết bà Phượng, ông Phượng đã hoàn tất thủ tục ly hôn.
Tài sản cũng đã phân chia xong. Mảnh đất của gia đình ông chia 4. Ông, bà, hai cô con gái – mỗi người một phầb. Bà đang làm thủ tục bán suất đất của mình để chia cho hai con gái, rồi dọn đi sống cùng một trong hai cô ấy.
Tin tức lan ra quanh xóm nhanh chóng. Một cuộc ly hôn khi cả hai vợ chồng đã ở tuổi sáu, bảy mươi ư?
Thật ra cũng không quá lạ. Nhiều cặp vợ chồng già đã chia tay nhau ở chặng cuối cuộc đời, vì nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân ông bà Phượng ly hôn thì tôi – một trong những ngưới hàng xóm – vô cùng ngạc nhiên: ô Phượng không thể chịu đựng nổi cái tình yêu quá lớn lao mà bà Phượng dành cho hai cô con gái cùng đám cháu ngoại. Cái tình yêu khiến nghĩa vợ chồng của ông bà bị đẩy sang bên lề.
Xưa các cụ vẫn bảo «Con chăm cha không bằng bà chăm ông». Chính vì cái nghĩa tình của các cặp vợ chồng khi về già với nhau mà hiếm có người con nào thay thế được nên nhiều cụ ông góa vợ, nhiều cụ bà góa chồng khi tuổi đã chấp chới về với thế giới bên kia mà vẫn gá nghĩa vói một người nào đó. Còn gì tốt đẹp hơn việc hai người già tựa nương vào nhau lúc cô đơn, đau ốm cuối đời? Vậy mà ông bà Phượng lại rời xa nhau, mỗi người một ngả. Thật là đáng tiếc.
Cay đắng với cuộc hôn nhân đứt gánh cuối đường đời, ông Phượng chia sẻ: Ông bà yêu thương và đến với nhau là tự nguyện, không ai cấm cản, cuộc sống cũng đầy đủ, hạnh phúc. Chỉ là, từ khi có con, bản năng yêu thương con cái của một người mẹ trong bà quá lớn, khiến cho ông ngay lập tức bị gạt ra bên lề.
Mọi ưu tiên cả về vật chất và tình cảm đều phải dành cho con trước hết. Ban đầu ông nghĩ các con còn nhỏ nên bà dồn hết tình yêu cho chúng là dễ hiểu. Khi chúng trưởng thành, có cuộc sống mới, bà không phải lo toan cho chúng, ông nghĩ tình cảm và thời gian của bà sẽ lại dồn cho ông.
Nhưng ông đã lầm. Các con càng lớn lên, ông càng lép vế. Con gái lớn không thích nuôi chó, con gái nhỏ không thích nuôi mèo, thế là ông không bao giờ được nuôi và bầu bạn với hai loài vật mà ông rất yêu thích. Ngay cả khi chúng đã rời khỏi gia đình và có cuộc sống riêng, bà cũng không cho ông được thỏa mãn mong muốn nuôi chó mèo của mình.
Khi cô con gái lớn lập gia đình riêng, bà vẫn không ngừng chăm lo cho gia đình nhỏ của cô. Từ con gà, quả trứng, mớ rau sạch mà tự trồng tự nuôi được gửi cho con, cho cháu, đến những cuộc điện thoại dài hàng tiếng đồng hồ kể lể những chuyện chẳng đâu vào đâu.
Con gái út kết hôn cũng vậy, bà bắt đầu trường kỳ đi chăm sóc cháu ngoại thứ nhất, cháu ngoại thứ 2, rồi cháu ngoại… thứ 4. Gần 10 năm trời ông vò võ một mình, vì quanh năm ngày tháng bà ở hết nhà con gái lớn lại ở nhà con gái nhỏ.
Nhiều khi ông vờ ốm để mong bà về với ông vài ngày, vài tuần. Nhưng lần nào, kể cả khi ông ốm giả vờ hay ốm thật, bà cũng chỉ về thăm qua quýt một đôi ngày, rồi lấy cớ sốt ruột không có ai lo cho “nhà chúng nó” bà lại tất tả bỏ đi.
Nhiều ông bà bạn hiến kế, rằng ông cứ thử dọa ly hôn xem bà có sợ không, mấy đứa con có cuống lên không. Ông đã dọa, và cuối cùng là ly hôn thật.
Khi bà ký vào đơn ly hôn, cầm số tiền chia, tính toán của đứa này bao nhiêu, đứa kia bao nhiêu, ông thấy choáng váng và hụt hẫng, ngẫm nghĩ mình chưa làm gì sai để bà và các con xa lánh, chỉ hỏi được chia bao nhiêu tiền chứ không biết đến bố. Mấy chục năm cùng bà xây tổ ấm, để rồi cuối đời ông mới nhận ra đó là cái tổ lạnh, một cái tổ rỗng.
Những người bạn già của ông bảo, có lẽ hai cô con gái của ông bà đã quá ích kỷ. Chúng dường như đã tính kế hoạch rất chặt chẽ để lợi dụng cha mẹ già chăm lo, biến thành người ở không công cho chúng. Lẽ ra, chúng phải hiểu được nỗi cô đơn của bố, mà “nhường” mẹ cho bố, để bố mẹ chăm nom cho nhau trong lúc tuổi già. Có lẽ cũng vì mấy trăm triệu đồng tiền sẽ được chia mà chúng “đặt kế hoạch” cho mẹ ly hôn với bố.
Dù thế nào chăng nữa, ai sai, ai đúng thì bà cũng đã dọn đi rồi. Người ta thấy ông bế một con cún nhỏ lông vàng trong tay. Có lẽ ông hy vọng từ nay nó sẽ bầu bạn cùng ông trong những ngày cô đơn cuối đời. Tuy vậy, trên nét mặt ông vẫn có diểu gì đó cô quạnh. Nếu ông được bế con cún như khi bà còn ở với ông thì ông vui biết mấy.

Sau 5 năm ly hôn vì vợ không sinh được mới biết mình bị vô sinh
“Tôi và vợ cũ đã ly hôn là bạn cùng lớp đại học. Cả hai đã học cùng nhau 4 năm đại học và kết hôn sau khi tốt nghiệp. Lấy nhau không lâu, mẹ tôi đã thúc giục chuyện sinh con cho bà có cháu bế. Ban đầu vợ chồng tôi cũng không vội, cho rằng cứ để tự nhiên là tốt nhất, nhưng sau sáu năm kết hôn, bụng của vợ tôi vẫn phẳng lì.
Từ đây truyền ra một số tin đồn thất thiệt, mẹ tôi lại càng sốt ruột và thúc giục nhiều hơn khiến vợ chồng tôi thêm lo lắng. Để có con, tôi đã bàn với vợ tôi áp dụng nhiều cách khác nhau từ tây y cho tới đông y, uống thuốc tây cũng như uống thuốc ta, chỉ mong sớm được nghe tin vui của vợ. Nhưng càng mong lại càng thất vọng.
Vì vợ tôi không thể sinh con nên thái độ của mẹ tôi đối với cô ấy thay đổi rõ rệt, nhiều lần mẹ chồng nàng dâu đâm ra xích mích mặc dầu con dâu vẫn nín nhịn vì là con nhà gia giáo, có học, không dám cãi lại mẹ chồng. Một đằng càng nhịn thì một đằng càng làm tới, nhiều khi mẹ tôi nói thẳng vào mạt nàng một câu rất dữ dội không hề kiêng nể: “Cây độc không trái, gái độc không con”. Nàng chỉ biết khóc âm thầm và gạt nước mắt bảo tôi: “Mẹ muốn mình ly hôn để anh cưới vợ khác cho có con đấy mà. Em chịu không nổi, đành phải vậy thôi”. Đúng thế, tôi là con trai duy nhất trong gia đình nên mẹ tôi rất mong có cháu “nối dõi”.
Thời điểm ấy, vợ chồng tôi phải chịu nhiều áp lực vì chuyện con cái, mối quan hệ cũng vì vậy mà không còn mặn mà như trước. Cũng bởi buồn chán nên tôi bắt đầu đi chơi thâu đêm, có khi vài ngày không về nhà. Vì lý do này, chúng tôi đã cãi nhau nhiều lần, mối quan hệ giữa hai vợ chồng ngày càng xấu đi, và cuối cùng cuộc hôn nhân 6 năm của chúng tôi kết thúc chóng vánh bằng tờ giấy ly hôn.
Sau khi ly hôn, vợ tôi đến sống ở một thành phố khác. Hai năm sau, tôi đi bước nữa với một người phụ nữ đã qua một đời chồng. Lúc tái hôn, tôi chỉ mong có đứa con cho vui cửa vui nhà. Nhưng bốn năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa có con. Vợ tôi không chịu nổi những lời trách móc của mẹ tôi nên đã bắt cả hai vợ chồng cùng đi khám để làm rõ nguyên nhân. Sau khi khám xong, bác sĩ nói vợ tôi hoàn toàn bình thường, còn tôi thì bị vô sinh.
Hóa ra vấn đề là ở bản thân mình, nghĩ đến những lời buộc tội trước đây đối với người vợ đầu, tôi vô cùng hối hận và tự trách. Cô vợ thứ hai khi biết tôi hiếm muộn thì cũng bỏ đi. Vậy là giờ đây, tôi trở thành kẻ cô độc.
Tình cờ, trong một buổi sớm se lạnh của mùa đông 5 năm sau, tôi gặp lại người vợ đầu. Cô ấy đã thay đổi rất nhiều so với trước đây khiến tôi không còn nhận ra. Khuôn mặt nhợt nhạt ngày xưa đã không còn, thay vào đấy là một phụ nữ biết ăn mặc đẹp và sang trọng. Nhìn vợ cũ thay đổi, trong lòng tôi có chút xốn xang, cảm xúc lẫn lộn khó tả.
Nhìn thấy tôi, tâm trạng của vợ cũ cũng rất phức tạp. Kể ra thì chúng tôi cũng đã có quãng thời gian gắn bó với nhau gần 10 năm có lẻ, tình cảm có thể nói là khá đậm sâu, nhưng giờ đây lại trở thành những người xa lạ. Ngồi tâm sự trong quán nước, tôi nói trong nước mắt: “Lúc đầu, anh đã quá ngây thơ mà đổ lỗi cho em. Bây giờ khi biết vấn đề là ở anh, anh tự trách mình nhiều lắm. Anh hy vọng em hãy tha thứ và cho anh cơ hội để làm lại từ đầu. Liệu chúng ta có thể tái hôn không em?”.
Sau khi nghe tôi nói, vợ cũ thở dài: “Giữa chúng ta không còn gì nữa. Thành thật mà nói, tôi đã tái hôn sau khi ly hôn với anh. Bây giờ các con tôi đã học xong mẫu giáo rồi. Nếu đã bỏ lỡ nhau, thì xin anh đừng quay lại làm tổn thương nhau thêm nữa. Tôi hy vọng anh có thể buông bỏ nỗi ám ảnh về con cái và gặp được người phù hợp».
Nghe những lời cô ấy nói, tôi bật khóc. Tôi đã từng rất yêu vợ cũ nhưng vì sai lầm của bản thân khi không tìm hiểu rõ ngọn ngành, chỉ vì mong muốn có con đã lấn át hết lý trí nên tôi đã có quyết định sai lầm. Giờ có hối hận thì đã quá muộn rồi, có lẽ đây là sự trừng phạt của ông trời dành cho tôi chăng? .
(Người kể lại chuyện mình xin giấu tên)

Chuyện béo phì ở trẻ em trong nước 
Bé Củ Khoai gần 8 tháng tuổi, nặng 14 kg, được mẹ đưa đến khám tại Viện Dinh dưỡng khi thấy có biểu hiện không lật được người, không thể trườn, bò.
Chị Bình An, mẹ bé, 35 tuổi, ở Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội, cho biết ngoài nick name Củ Khoai, mọi người còn gọi đùa bé là “Trư Bát Giới” vì cẳng chân cẳng tay bé núc ních mập tròn, hai má phúng phính. “Sau Tết bé còn tăng cân lên hơn nữa, bế một lát mỏi nhừ cả hai tay” – chị An nói.
Bé Khoai lúc mới sinh nặng 4,3 kg. Thời gian đầu tăng từ 1,5 đến 2 kg mỗi tháng. Kiểm tra sơ bộ, bác sĩ của Viện Dinh dưỡng quốc gia xác định bé thừa hơn 5 kg so với chuẩn.
Long, học sinh lớp 4 (10 tuổi), nặng 58 kg, được cha đưa đến khám. Bác sĩ chẩn đoán Long béo phì, bởi thừa 18 kg so với chuẩn. Mặc dầu Long cao 1m38, thừa 2 cm, vẫn có thể là thấp về chiều cao vì béo phì tăng nguy cơ dậy thì sớm và có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng chiều cao ở giai đoạn này.
Cha Long – anh Nguyễn Thanh Nam – 43 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, cho biết bé bắt đầu tăng cân mạnh từ đợt dịch Covid-19. “Bảo con ăn ít không được, nên lần này đi khám để nắm được tình trạng cụ thể và bác sĩ nói con mới nghe”, anh Nam cho hay.
Từ Khoái Châu, Hưng Yên, chị Nguyễn Thị Phượng cũng cho con gái đi khám. Cô bé tên An, 9 tuổi, học lớp 3, cao 1m 24, nặng 35 kg. Bác sĩ chẩn đoán bé thừa 7 kg, thiếu 7 cm chiều cao so với chuẩn. Nếu so trọng lượng với chiều cao thực tế, An dư 10 kg.
Tại một group giảm cân cho trẻ béo phì, một phụ huynh cho biết con trai 4 tuổi đã nặng 40 kg, luôn tăng cân bất kể ốm đau. Một người mẹ có con gái 7 tuổi nặng 52 kg, hơn một năm nay đã bị gai đen vùng cổ, nách, bẹn, giờ chỉ cố gắng kìm hãm chứ không mong giảm được cân. Có phụ huynh con 9 tuổi đã 70 kg, không thể kìm được vì ăn trưa và xế chiều bán trú tại trường. Một thành viên khác chia sẻ em trai 13 tuổi đã nặng 95 kg.
Các em nằm trong số 19% trẻ thừa cân, béo phì ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát năm 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Tiến sĩ Phan Bích Nga – giám đốc Trung tâm khám và Tư vấn Dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia – cho biết tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn. «Kết quả khảo sát một số trường học ở các quận giàu Hà Nội và Sài Gòn cho thấy ở một số trường có đến hơn 1/3 học sinh bị thừa cân, béo phì», bác sĩ Nga cho biết.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo nếu không có hành động can thiệp, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì vào năm 2030.
Nguyên nhân tiềm tàng của bệnh béo phì trẻ em là cha mẹ bận rộn, thức ăn nhanh, đồ uống đóng chai, công nghệ khiến trẻ ít vận động, truyền hình quảng cáo đồ ăn vặt. WHO cũng cho rằng sự tiện lợi của những ứng dụng đồ ăn cũng góp phần vào tình trạng thừa cân béo phì ở các thành phố lớn.
Giới trẻ ngày nay yêu thích các thương hiệu đồ ăn nhanh. Báo cáo công bố hồi tháng 2 của Bộ Tài chính cho thấy tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam tăng 7 lần trong 15 năm, từ 6,6 lít mỗi đầu người năm 2002 lên 50,7 lít mỗi người năm 2018. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.
“Một nguyên nhân quan trọng khác đến từ tâm lý của nhiều phụ huynh là thích trẻ mũm mĩm, với quan niệm trẻ béo mới là khỏe”, tiến sĩ Nga nói.
Quan niệm này thể hiện rõ trong kết quả về tình trạng dinh dưỡng của trẻ đến khám tại Viện Dinh dưỡng. Những năm 2010, số trẻ thừa cân béo phì đến khám là 2%, năm 2018 khoảng 7% và hiện nay là khoảng 14%.
Rất ít phụ huynh đưa con đến khám vì lo ngại thừa cân, đa phần lo con dậy thì sớm, chậm phát triển chiều cao. “Khoảng 80-90% trẻ béo phì trong nhiều năm sẽ bị béo phì trưởng thành. Như vậy, cả cuộc đời chỉ vật lộn với cân nặng và sức khỏe”, chuyên gia nói.
Chị Bình An cho biết sở dĩ đưa con 8 tháng đi khám vì trong dòng họ cũng có một số cháu béo phì, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, tâm lý. Sau khi được bác sĩ tư vấn, vợ chồng chị thay đổi hoàn toàn chế độ ăn cho con. Vì bé Khoai còn nhỏ nên quá trình giảm cân có kết quả khá tích cực. Kết quả khám lại tháng này bé giảm được 1,3 kg, hiện còn 12,6 kg, đồng thời cao thêm 3 cm.
Nhưng với trẻ lớn tuổi hơn, giảm cân sẽ không đơn giản. Anh Nguyễn Thanh Nam cho biết sống cùng ông bà nên con trai anh được chiều chuộng, thích gì ăn nấy, trong nhà lại sẵn bánh kẹo, nước ngọt. Con cũng có thói quen chơi game và thức khuya, nhiều khi tới 12h đêm. Béo khiến con lười việc nhà, lười vận động. Nhiều lần đã quyết tâm giảm song không thành công, một trong các lý do vì con ăn bán trú ở trường nên gia đình không kiểm soát được việc «ăn hộ» các bạn.
Độ tuổi của Long đang phát triển chiều cao nên bác sĩ chỉ yêu cầu tập trung tăng trưởng chiều cao và hạn chế tăng cân. Cậu bé được tư vấn thực đơn ăn mỗi tuần, trong đó bớt tinh bột, chất béo, hạn chế thịt lợn, ưu tiên cá, trứng, đồng thời tăng cường rau quả; hoàn toàn bỏ chất ngọt, quả ngọt cũng dùng hạn chế. Mỗi ngày vẫn duy trì 500 ml sữa không đường và ngủ trước 22 giờ.
Trẻ em dễ giảm cân hơn người lớn vì đang trong giai đoạn phát triển, có thể chỉ cần giữ nguyên cân nặng hoặc làm chậm tốc độ tăng cân để giảm chỉ số BMI. “Tuy nhiên giảm cân ở trẻ em là một cuộc chiến không chỉ các em mà cần quyết tâm của cả gia đình”, tiến sĩ Phan Bích Nga nói.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email